BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4562/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 7 năm 2018
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN
"HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH"
BỘ
TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Khám
bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và
điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính",
Điều 2. Tài
liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính" được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số
3874/QĐ-BYT ngày 26/6/2018 và Quyết định số 2866/QĐ-BYT ngày 8 tháng 7 năm 2015
của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và
điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.
Điều 4. Các
ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và
Vụ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ
trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như
Điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo)
- Các Thứ trưởng
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Website Cục KCB;
- Lưu VT, KCB, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Viết Tiến
|
HƯỚNG
DẪN
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN
TÍNH
(Bản
cập nhật năm 2018)
ĐỒNG CHỦ BIÊN:
GS.TS. Nguyễn Viết
Tiến
GS.TS. Ngô Quý Châu
PGS.TS. Lương Ngọc
Khuê
BAN BIÊN SOẠN:
GS.TS. Ngô Quý Châu
GS.TS. Đỗ Quyết
PGS.TS. Nguyễn Hải
Anh
PGS.TS. Vũ Văn Giáp
PGS.TS. Chu Thị Hạnh
PGS.TS. Nguyễn Thanh
Hồi
PGS.TS. Lê Thị Tuyết
Lan
PGS.TS. Trần Văn Ngọc
PGS.TS. Nguyễn Viết
Nhung
PGS.TS. Phan Thu
Phương
PGS.TS. Nguyễn Đình
Tiến
ThS. Nguyễn Trọng
Khoa
TS. Đỗ Thị Tường Oanh
TS. Nguyễn Văn Thành
TS. Lê Khắc Bảo
ThS. Nguyễn Đức Tiến
ThS. Nguyễn Thị Thanh
Huyền
BS. Nguyễn Hồng Đức
BAN THƯ KÝ:
PGS. TS. Vũ Văn Giáp
ThS. Hoàng Anh Đức
ThS. Nguyễn Thị Thanh
Huyền
ThS. Trương Lê Vân
Ngọc
CN. Nguyễn Ngọc Oanh
LỜI NÓI ĐẦU
Bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử
vong trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội
ngày càng gia tăng. Bệnh có thể điều trị và dự phòng được với căn nguyên gây
bệnh hàng đầu là hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm không khí.
Chẩn đoán BPTNMT nên
được xem xét ở các bệnh nhân có các triệu chứng ho và khó thở mạn tính, xác
định bệnh dựa vào đo chức năng thông khí phổi. Điều trị BPTNMT cần chú trọng
đến cá thể hóa điều trị, điều trị các bệnh đồng mắc, điều trị dự phòng để tránh
các đợt cấp và làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Bên cạnh đó, các biện pháp
khác như hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, phục hồi chức năng hô hấp, giáo dục bệnh
nhân cũng có vai trò quan trọng trong việc điều trị và quản lý bệnh nhân
BPTNMT.
Trong khuôn khổ hoạt
động của dự án Phòng chống BPTNMT và Hen phế quản và nhằm bồi dưỡng, cập nhật
kiến thức cho các bác sĩ các tuyến về khám, điều trị và quản lý ngoại trú bệnh
nhân BPTNMT và Hen phế quản tại các địa phương, ban điều hành dự án đã phối hợp
cùng các chuyên gia của Hội Hô hấp Việt Nam và các đơn vị có liên quan biên
soạn cuốn tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
năm 2018. Cuốn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm
2018 được xây dựng với sự tâm huyết và nỗ lực của các nhà khoa học, các chuyên
gia hô hấp đầu ngành trong cả nước, được cập nhật dựa trên cơ sở các khuyến cáo
về chẩn đoán và điều trị trên thế giới và kinh nghiệm của các đồng nghiệp
chuyên khoa, chuyên ngành.
Tài liệu Hướng dẫn
chẩn đoán và điều trị BPTNMT năm 2018 là tài liệu hướng dẫn chuyên môn, là cơ
sở pháp lý để xây dựng phác đồ điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên
toàn quốc, đồng thời là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ y tế và những nội dung
liên quan khác.
Bộ Y tế trân trọng
cảm ơn, biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực tổ chức thực hiện của lãnh đạo, chuyên
viên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, sự đóng góp công sức, trí tuệ của lãnh đạo
các bệnh viện, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa, chuyên
ngành Hô hấp, thành viên của Hội đồng biên soạn, Hội đồng nghiệm thu cuốn tài
liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2018 và
các nhà chuyên môn đã tham gia góp ý cho tài liệu này.
Trong quá trình biên
tập, in ấn tài liệu khó có thể tránh được các sai sót, Bộ Y tế mong nhận được
sự góp ý gửi về Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, số 138A Giảng Võ - Ba
Đình - Hà Nội.
|
Trưởng Ban chỉ đạo
- chủ biên
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến
THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
|
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
MỤC LỤC
DANH MỤC BẢNG
DANH MỤC BIỂU ĐỒ/HÌNH
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
CHƯƠNG I. HƯỚNG DẪN
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ BỆNH PHỔI
TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
1.1. Đại cương
1.2. Chẩn đoán
1.2.1. Chẩn đoán định
hướng áp dụng tại tuyến chưa được trang bị máy đo CNTK
1.2.2. Chẩn đoán xác
định áp dụng cho cơ sở y tế đã được trang bị máy đo CNTK
1.2.3. Chẩn đoán phân
biệt
1.3. Đánh giá bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính
1.3.1. Đánh giá mức
độ tắc nghẽn đường thở
1.3.2. Đánh giá triệu
chứng và ảnh hưởng của bệnh
1.3.3. Đánh giá nguy
cơ đợt cấp
1.3.4. Đánh giá bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính theo nhóm ABCD
1.4. Chẩn đoán một số
kiểu hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.4.1. Định nghĩa
kiểu hình
1.4.2. Chẩn đoán kiểu
hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
CHƯƠNG II. QUẢN LÝ VÀ
ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH
2.1. Biện pháp điều
trị chung
2.1.1. Ngừng tiếp xúc
với yếu tố nguy cơ
2.1.2. Cai nghiện
thuốc lá, thuốc lào
2.1.3. Tiêm vắc xin
phòng nhiễm trùng đường hô hấp
2.1.4. Phục hồi chức
năng hô hấp: xem chi tiết chương 5.
2.1.5. Các điều trị
khác
2.2. Các thuốc điều
trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2.3. Hướng dẫn lựa
chọn thuốc điều trị BPTNMT
2.4. Thở oxy dài hạn
tại nhà
2.4.1. Mục tiêu
2.4.2. Chỉ định
2.4.3. Lưu lượng,
thời gian thở oxy
2.4.4. Các nguồn cung
cấp oxy
2.5. Thở máy không
xâm nhập
2.6. Theo dõi bệnh
nhân
CHƯƠNG III. HƯỚNG DẪN
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
3.1. Đại cương
3.2. Nguyên nhân
3.3. Chẩn đoán
3.3.1. Phát hiện các
dấu hiệu của đợt cấp BPTNMT tại y tế cơ sở (xã/phường, huyện)
3.3.2. Các thăm dò
chẩn đoán cho đợt cấp BPTNMT tại bệnh viện
3.3.3. Chẩn đoán xác
định đợt cấp BPTNMT
3.3.4. Đánh giá mức
độ nặng và các yếu tố nguy cơ của bệnh
3.4. Hướng dẫn điều
trị đợt cấp BPTNMT
3.4.1. Điều trị cụ
thể đợt cấp mức độ nhẹ
3.4.2. Điều trị cụ
thể đợt cấp mức độ trung bình (điều trị tại bệnh viện huyện hoặc bệnh viện tỉnh
hoặc ở các cơ sở y tế có nguồn lực thích hợp)
3.4.3. Điều trị đợt
cấp mức độ nặng (điều trị tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc các cơ sở y
tế có nguồn lực thích hợp)
CHƯƠNG IV. CHƯƠNG
BỆNH ĐỒNG MẮC
4.1. Bệnh tim mạch
4.1.1. Tăng huyết áp
4.1.2. Suy tim
4.1.3. Bệnh tim thiếu
máu
4.1.4. Loạn nhịp tim
4.1.5. Bệnh mạch máu
ngoại biên
4.2. Bệnh hô hấp
4.2.1. Ngưng thở tắc nghẽn
khi ngủ
4.2.2. Ung thư phổi
4.2.3. Giãn phế quản
4.2.4. Lao phổi
4.3. Trào ngược dạ
dày - thực quản
4.4. Hội chứng chuyển
hóa và tiểu đường
4.5. Loãng xương
4.6. Lo âu và trầm
cảm
CHƯƠNG V. PHỤC HỒI
CHỨC NĂNG HÔ HẤP VÀ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ BPTNMT
5.1. Đại cương
5.1.1. Định nghĩa
5.1.2. Mục tiêu
5.1.3. Chỉ định và
chống chỉ định
5.2. Các thành phần
của chương trình PHCN hô hấp
5.2.1. Lượng giá bệnh
nhân
5.2.2. Tập vận động
5.2.3. Giáo dục sức
khỏe - kỹ năng tự xử trí bệnh
5.3. Xây dựng chương
trình PHCN hô hấp
5.3.1. PHCN hô hấp
giai đoạn ổn định
5.3.2. PHCN hô hấp
sau đợt cấp
5.4. Chăm sóc giảm
nhẹ ở bệnh nhân BPTNMT ở giai đoạn cuối đời
5.4.1. Hỗ trợ dinh
dưỡng
5.4.2. Hỗ trợ tâm lý
5.4.3. Điều trị giảm
nhẹ khó thở
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC 1. DANH MỤC THUỐC
THIẾT YẾU
PHỤ LỤC 2. ĐÁNH GIÁ
BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VỚI BẢNG ĐIỂM CAT (COPD ASSESSMENT TEST)
PHỤ LỤC 3. ĐÁNH GIÁ
BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VỚI BẢNG ĐIỂM mMRC (MODIFIED MEDICAL RESEARCH
COUNCIL)
PHỤ LỤC 4. CÁCH SỬ
DỤNG CÁC DỤNG CỤ PHÂN PHỐI THUỐC
PHỤ LỤC 5. THỞ MÁY
KHÔNG XÂM NHẬP Ở BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
PHỤ LỤC 6. KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG CỦA BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
PHỤ LỤC 7. XÂY DỰNG
CHƯƠNG TRÌNH PHCN HÔ HẤP 8 TUẦN
PHỤ LỤC 8. NGHIỆM
PHÁP ĐI BỘ 6 PHÚT
PHỤ LỤC 9: TIÊU CHUẨN
CỦA ĐƠN VỊ QUẢN LÝ BPTNMT
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. Bảng câu
hỏi tầm soát BPTNMT ở cộng đồng
Bảng 1.2. Chẩn đoán
phân biệt BPTNMT với hen phế quản
Bảng 1.3. Mức độ nặng
theo tắc nghẽn đường thở
Bảng 2.1. Các nhóm
thuốc chính điều trị BPTNMT
Bảng 2.2. Lựa chọn
thuốc theo phân loại mức độ nặng của GOLD
Bảng 3.1. Giá trị
chẩn đoán của các thăm dò trong đánh giá đợt cấp BPTNMT
Bảng 3.2. Đánh giá
mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT
Bảng 5.1. Những lợi
ích của chương trình PHCN hô hấp
Bảng 5.2. Các nội
dung giáo dục sức khỏe
Bảng 5.3. Phác đồ
điều trị khó thở bằng Morphin ở bệnh nhân BPTNMT giai đoạn cuối đời
DANH MỤC BIỂU ĐỒ/HÌNH
Biểu đồ 1.1. Lưu đồ
chẩn đoán BPTNMT theo GOLD 2018
Biểu đồ 1.2. Đánh giá
BPTNMT theo nhóm ABCD
Biểu đồ 1.3. Sơ đồ
tiếp cận chẩn đoán ACO
Biểu đồ 3.1. Hướng
dẫn xử trí ban đầu đợt cấp BPTNMT&HPQ
Biểu đồ 3.2. Hướng
dẫn dùng kháng sinh cho đợt cấp BPTNMT mức độ trung bình
Biểu đồ 3.3. Điều trị
kháng sinh cho bệnh nhân đợt cấp BPTNMT nhập viện
Hình 4.1p. Hướng dẫn
sử dụng bình hít định liều (MDIs)
Hình 4.2p. Buồng đệm
có van và buồng đệm với mặt nạ
Hình 4.3p. Hướng dẫn
sử dụng buồng đệm với bình hít định liều
Hình 4.4p. Hướng dẫn
sử dụng Accuhaler
Hình 4.5p. Hướng dẫn
sử dụng Turbuhaler
Hình 4.6p. Hướng dẫn
sử dụng Respimat
Hình 4.7p. Hướng dẫn
sử dụng Breehaler
Hình 4.8p. Máy khí
dung và cách sử dụng
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BPTNMT
|
Bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính
|
CAT
|
Bộ câu hỏi đánh giá
BPTNMT
|
|
(COPD Assessment
Test)
|
CLCS
|
Chất lượng cuộc
sống
|
CLVT
|
Cắt lớp vi tính
|
CNHH
|
Chức năng hô hấp
|
CNTK
|
Chức năng thông khí
|
FET
|
Kỹ thuật thở ra
gắng sức (Forced expiratory technique)
|
FEV1
|
Thể tích thở ra
gắng sức trong giây đầu tiên
(Forced Expiratory
Volume in One Second)
|
FVC
|
Dung tích sống gắng
sức
(Force vital
capacity)
|
GOLD
|
Sáng kiến toàn cầu
cho BPTNMT
(Global Initiative
for Chronic Obstructive Lung Disease)
|
HPPQ
|
Hồi phục phế quản
|
HPQ
|
Hen phế quản
|
HRCT
|
(Chụp cắt lớp vi
tính độ phân giải cao)
High resolution
computed tomography
|
ICS
|
Corticosteroid dạng
hít (Inhaled corticosteroid)
|
KPT
|
Khí phế thũng
|
LABA
|
Thuốc cường beta2
tác dụng kéo dài
(Long-acting
beta2-agonists)
|
LAMA
|
Thuốc kháng
muscarinic tác dụng kéo dài
(Long-acting
muscarinic antagonist)
|
mMRC
|
Bộ câu hỏi của hội
đồng nghiên cứu y khoa Anh sửa đổi
(modified Medical
Research Council)
|
NTTĐ
|
Nhịp tim tối đa
|
PHCN
|
Phục hồi chức năng
|
SABA
|
Thuốc cường beta2
tác dụng ngắn
(Short-acting
beta2-agonists)
|
SAMA
|
Thuốc kháng
muscarinic tác dụng ngắn
(Short-acting
muscarinic antagonist)
|
SGRQ
|
Bộ câu hỏi đánh giá
triệu chứng hô hấp Saint George
(Saint George's
Respiratory Questionnaire)
|
THA
|
Tăng huyết áp
|
Chương
I
HƯỚNG
DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
1.1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính (BPTNMT) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh
đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả
của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với
các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy
cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng
gây BPTNMT. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.
BPTNMT là một trong
những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới dẫn đến
gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ
học, số ca mắc BPTNMT ước tính là khoảng 385 triệu năm 2010, với tỷ lệ mắc trên
thế giới là 11,7% và khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm. Ở Việt Nam nghiên cứu
về dịch tễ học của BPTNMT năm 2009 cho thấy tỷ lệ mắc ở người > 40 tuổi là 4,2%.
Với sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển và sự già hóa
dân số ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ mắc BPTNMT được dự đoán sẽ tăng cao
trong những năm tới và đến năm 2030 ước tính có trên 4,5 triệu trường hợp tử vong
hàng năm do BPTNMT và các rối loạn liên quan.
1.2. CHẨN ĐOÁN
1.2.1. Chẩn đoán định
hướng áp dụng tại tuyến chưa được trang bị máy đo CNTK
Khai thác kỹ tiền sử
tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, thăm khám lâm sàng để tìm các dấu
hiệu định hướng chẩn đoán:
- Bệnh hay gặp ở nam
giới trên 40 tuổi.
- Tiền sử: hút thuốc
lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường
trong và ngoài nhà: khói bếp, khói, chất đốt, bụi nghề nghiệp (bụi hữu cơ, vô
cơ), hơi, khí độc. Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn, lao phổi... Tăng tính phản ứng
đường thở (hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt).
- Ho, khạc đờm kéo
dài không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản...: là triệu chứng
thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho
hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho
khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các
dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.
- Khó thở: tiến triển
nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả
khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “khó thở,
nặng ngực”, “cảm giác thiếu không khí, hụt hơi” hoặc “thở hổn hển”, thở khò
khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
- Các triệu chứng ho
khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian.
- Khám lâm sàng:
+ Giai đoạn sớm của
bệnh khám phổi có thể bình thường. Cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng
có yếu tố nguy cơ và có triệu chứng cơ năng gợi ý (ngay cả khi thăm khám bình
thường) để chẩn đoán sớm BPTNMT. Nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy
lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.
+ Giai đoạn nặng hơn
khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran
nổ.
+ Giai đoạn muộn có
thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở
nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, biểu hiện của suy tim phải (tĩnh mạch cổ nổi, phù
2 chân, gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính).
Khi phát hiện bệnh
nhân có các triệu chứng nghi ngờ BPTNMT như trên cần chuyển bệnh nhân đến các
cơ sở y tế có đủ điều kiện (tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương…) để
làm thêm các thăm dò chẩn đoán: đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện
tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu
chứng lâm sàng giống BPTNMT.
Bảng
1.1. Bảng
câu hỏi tầm soát BPTNMT ở cộng đồng (theo GOLD)
|
Câu
hỏi
|
Chọn
câu trả lời
|
1
|
Ông/bà có ho vài
lần trong ngày ở hầu hết các ngày.
|
Có
|
Không
|
2
|
Ông/bà có khạc đờm
ở hầu hết các ngày.
|
Có
|
Không
|
3
|
Ông/bà có dễ bị khó
thở hơn những người cùng tuổi.
|
Có
|
Không
|
4
|
Ông/bà có trên 40
tuổi.
|
Có
|
Không
|
5
|
Ông/bà vẫn còn hút
thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá.
|
Có
|
Không
|
Nếu bạn trả lời có từ
3 câu trở lên. Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1.2.2. Chẩn đoán xác
định áp dụng cho cơ sở y tế đã được trang bị máy đo CNTK
Những bệnh nhân có
tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ mắc
BPTNMT như đã mô tả ở trên cần được làm các xét nghiệm sau:
- Đo chức năng
thông khí phổi: kết quả đo CNTK phổi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác
định và đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở của bệnh nhân BPTNMT.
- Một số điểm cần lưu
ý:
+ Cần trang bị máy đo
CNTK đảm bảo đủ tiêu chuẩn (xem phụ lục về tiêu chuẩn phòng quản lý) và phải
được định chuẩn hằng ngày.
+ Kỹ thuật viên cần
được đào tạo về đo CNTK và biết cách làm test hồi phục phế quản.
+ Bệnh nhân cần phải
ngừng thuốc giãn phế quản trước khi đo chức năng hô hấp ít nhất từ 4-6 giờ (đối
với SABA, SAMA) hoặc 12-24 giờ đối với LABA, LAMA.
- Nhận định kết quả:
+ Chẩn đoán xác định
khi: rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau test hồi phục
phế quản: chỉ số FEV1/FVC < 70% sau
test HPPQ.
+ Thông thường bệnh
nhân BPTNMT sẽ có kết quả test HPPQ âm tính (chỉ số FEV1 tăng < 12% và <
200ml sau test hồi phục phế quản).
+ Nếu bệnh nhân thuộc
kiểu hình chồng lấp hen và BPTNMT có thể có test HPPQ dương tính (chỉ số FEV1 tăng ≥ 12% và ≥ 200ml
sau test HPPQ) hoặc dương tính mạnh (FEV1 tăng ≥ 15% và ≥ 400ml).
+ Dựa vào chỉ số FEV1 giúp đánh giá mức độ
tắc nghẽn đường thở (xem mục 1.3).
- X-quang phổi:
+ BPTNMT ở giai đoạn
sớm hoặc không có khí phế thũng, hình ảnh X-quang phổi có thể bình thường.
+ Giai đoạn muộn có hội
chứng phế quản hoặc hình ảnh khí phế thũng: trường phổi 2 bên quá sáng, cơ
hoành hạ thấp, có thể thấy cơ hoành hình bậc thang, khoang liên sườn giãn rộng,
các bóng, kén khí hoặc có thể thấy nhánh động mạch thùy dưới phổi phải có đường
kính > 16mm.
+ X-quang phổi giúp
phát hiện một số bệnh phổi đồng mắc hoặc biến chứng của BPTNMT như: u phổi,
giãn phế quản, lao phổi, xơ phổi... tràn khí màng phổi, suy tim, bất thường
khung xương lồng ngực, cột sống...
- CLVT ngực lớp
mỏng 1mm độ phân giải cao (HRCT):
+ Giúp phát hiện tình
trạng giãn phế nang, bóng kén khí, phát hiện sớm ung thư phổi, giãn phế quản…
đồng mắc với BPTNMT.
+ Đánh giá bệnh nhân
trước khi chỉ định can thiệp giảm thể tích phổi bằng phẫu thuật hoặc đặt van
phế quản một chiều và trước khi ghép phổi.
- Điện tâm đồ: ở
giai đoạn muộn có thể thấy các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim
phải: sóng P cao (> 2,5mm) nhọn đối xứng (P phế), trục phải (> 1100), dày thất phải (R/S
ở V6 < 1).
- Siêu âm tim để
phát hiện tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải giúp cho chẩn đoán sớm tâm
phế mạn.
- Đo độ bão hòa
oxy qua da (SpO2) và khí máu động mạch: đánh giá mức độ suy
hô hấp, hỗ trợ cho quyết định điều trị oxy hoặc thở máy. Đo SpO2 và xét nghiệm khí máu
động mạch được chỉ định ở tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp hoặc suy
tim phải.
- Đo thể tích khí
cặn, dung tích toàn phổi (thể tích ký thân, pha loãng Helium, rửa
Nitrogen…) chỉ định khi: bệnh nhân có tình trạng khí phế thũng nặng giúp lựa
chọn phương pháp điều trị và đánh giá hiệu quả điều trị.
- Đo khuếch tán
khí (DLCO) bằng đo thể tích ký thân, pha loãng khí Helium… nếu bệnh nhân có
triệu chứng nặng hơn mức độ tắc nghẽn khi đo bằng CNTK.
- Đo thể tích ký
thân cần được chỉ định trong những trường hợp nghi ngờ rối loạn thông khí
tắc nghẽn nhưng không phát hiện được bằng đo CNTK hoặc khi nghi ngờ rối loạn
thông khí hỗn hợp.
Biểu
đồ 1.1.
Lưu đồ chẩn đoán BPTNMT theo GOLD 2018
1.2.3. Chẩn đoán phân
biệt
- Lao phổi: gặp ở mọi
lứa tuổi, ho kéo dài, khạc đờm hoặc có thể ho máu, sốt kéo dài, gầy sút cân...
X-quang phổi: tổn thương thâm nhiễm hoặc dạng hang, thường ở đỉnh phổi. Xét
nghiệm đờm, dịch phế quản: thấy hình ảnh trực khuẩn kháng cồn, kháng toan, hoặc
thấy trực khuẩn lao khi nuôi cấy trên môi trường lỏng MGIT Bactec.
- Giãn phế quản: ho
khạc đờm kéo dài, đờm đục hoặc đờm mủ nhiều, nghe phổi có ran nổ, ran ẩm. Chụp
cắt lớp vi tính ngực lớp mỏng 1mm, độ phân giải cao: thấy hình ảnh giãn phế
quản.
- Suy tim xung huyết:
tiền sử THA, bệnh lý van tim; xquang phổi: bóng tim to có thể có dấu hiệu phù phổi,
đo chức năng thông khí: rối loạn thông khí hạn chế, không có tắc nghẽn.
- Viêm toàn tiểu phế
quản (hội chứng xoang phế quản): gặp ở cả 2 giới, hầu hết nam giới không hút
thuốc, có viêm mũi xoang mạn tính. X-quang phổi và chụp cắt lớp vi tính lớp
mỏng độ phân giải cao cho thấy những nốt sáng nhỏ trung tâm tiểu thùy lan tỏa
và ứ khí.
- Hen phế quản (xem
chi tiết bảng 1.2).
Bảng
1.2. Chẩn
đoán phân biệt BPTNMT với hen phế quản
Hen
phế quản
|
BPTNMT
|
Thường bắt đầu khi
còn nhỏ.
|
Xuất hiện thường ở
người > 40 tuổi.
|
Các triệu chứng
biến đổi từng ngày
|
Các triệu chứng
tiến triển nặng dần.
|
Tiền sử dị ứng thời
tiết, dị ứng thức ăn, viêm khớp, và/hoặc eczema, chàm. Gia đình có người cùng
huyết thống mắc hen.
|
Tiền sử hút thuốc
lá, thuốc lào nhiều năm.
|
Các triệu chứng ho,
khó thở thường xuất hiện vào ban đêm/sáng sớm.
|
Khó thở lúc đầu khi
gắng sức sau khó thở liên tục.
|
Khám ngoài cơn hen
có thể hoàn toàn bình thường.
|
Luôn có triệu chứng
khi khám phổi.
|
Giới hạn luồng khí
dao động: FEV1
dao
động trong khoảng 20% và 200ml hoặc hồi phục hoàn toàn: FEV1/FVC ≥ 70% sau test
hồi phục phế quản.
|
Rối loạn thông khí
tắc nghẽn không phục hồi hoàn toàn: FEV1/FVC < 70% sau test
hồi phục phế quản.
|
Hiếm khi có biến
chứng tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn.
|
Biến chứng tâm phế
mạn hoặc suy hô hấp mạn tính thường xảy ra ở giai đoạn cuối.
|
1.3. ĐÁNH GIÁ BỆNH
PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Mục tiêu của đánh giá
BPTNMT để xác định mức độ hạn chế của luồng khí thở, ảnh hưởng của bệnh đến
tình trạng sức khỏe của người bệnh và nguy cơ các biến cố trong tương lai giúp
điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Đánh giá BPTNMT dựa
trên các khía cạnh sau: mức độ tắc nghẽn đường thở, mức độ nặng của triệu chứng
và sự ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân, nguy cơ
nặng của bệnh (tiền sử đợt cấp/năm trước) và các bệnh lý đồng mắc.
1.3.1. Đánh giá mức
độ tắc nghẽn đường thở
Bảng
1.3. Mức
độ tắc nghẽn đường thở theo GOLD 2018
Giai
đoạn GOLD
|
Giá
trị FEV1
sau
test hồi phục phế quản
|
Giai
đoạn 1
|
FEV1 ≥ 80% trị số lý
thuyết
|
Giai
đoạn 2
|
50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý
thuyết
|
Giai
đoạn 3
|
30% ≤ FEV1< 50% trị số lý
thuyết
|
Giai
đoạn 4
|
FEV1 < 30% trị số lý
thuyết
|
1.3.2. Đánh giá triệu
chứng và ảnh hưởng của bệnh
Công cụ để đánh giá
triệu chứng và sự ảnh hưởng của bệnh lên tình trạng sức khỏe của người bệnh:
- Bộ câu hỏi sửa đổi
của Hội đồng nghiên cứu y khoa Anh (mMRC) (phụ lục 1): gồm 5 câu hỏi với điểm
cao nhất là 4, điểm càng cao thì mức độ khó thở càng nhiều. mMRC < 2 được
định nghĩa là ít triệu chứng, mMRC ≥ 2 được định nghĩa là nhiều triệu chứng.
- Bộ câu hỏi CAT (phụ
lục 2) gồm 8 câu hỏi, tổng điểm 40, điểm càng cao thì ảnh hưởng của bệnh tới
tình trạng sức khỏe của bệnh nhân càng lớn. CAT < 10 được định nghĩa ít
triệu chứng, ít ảnh hưởng, CAT ≥ 10 được định nghĩa ảnh hưởng của bệnh nhiều.
1.3.3. Đánh giá nguy
cơ đợt cấp
Dựa vào tiền sử đợt
cấp trong năm trước (số đợt cấp và mức độ nặng của đợt cấp). Số đợt cấp/năm:
0-1 (đợt cấp nhẹ không phải nhập viện, không sử dụng kháng sinh và/hoặc
corticosteroid) được định nghĩa là nguy cơ thấp. Số đợt cấp ≥ 2 hoặc có từ 1
đợt cấp nặng phải nhập viện hoặc đợt cấp mức độ trung bình phải sử dụng kháng
sinh và/hoặc corticosteroid được định nghĩa là nguy cơ cao.
1.3.4. Đánh giá bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính theo nhóm ABCD
Phân nhóm ABCD chủ
yếu dựa vào:
+ Mức độ triệu chứng,
ảnh hưởng của bệnh (mMRC, CAT).
+ Nguy cơ đợt cấp
(tiền sử đợt cấp/năm, mức độ nặng đợt cấp).
Đánh giá được tổ hợp
theo biểu đồ 1.2:
Biểu
đồ 1.2. Đánh
giá BPTNMT theo nhóm ABCD (Theo GOLD 2018)
- BPTNMT nhóm A -
Nguy cơ thấp, ít triệu chứng: có 0 - 1 đợt cấp trong vòng 12 tháng qua (đợt
cấp không nhập viện và không phải sử dụng kháng sinh, corticosteroid) và mMRC 0
- 1 hoặc CAT < 10.
- BPTNMT nhóm B -
Nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng: có 0 - 1 đợt cấp trong vòng 12 tháng qua
(đợt cấp không nhập viện, không phải sử dụng kháng sinh, corticosteroid) và
mMRC ≥ 2 hoặc điểm CAT ≥ 10.
- BPTNMT nhóm C -
Nguy cơ cao, ít triệu chứng: có ≥ 2 đợt cấp trong vòng 12 tháng qua (hoặc 1
đợt cấp nặng phải nhập viện hoặc phải đặt nội khí quản) và mMRC 0 - 1 hoặc điểm
CAT <10.
- BPTNMT nhóm D -
Nguy cơ cao, nhiều triệu chứng: có ≥ 2 đợt cấp trong vòng 12 tháng qua hoặc
1 đợt cấp phải nhập viện và mMRC ≥ 2 hoặc điểm CAT ≥ 10.
Chẩn đoán: BPTNMT
GOLD 1, 2, 3, 4; nhóm A, B, C, D
1.4. CHẨN ĐOÁN MỘT SỐ
KIỂU HÌNH BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
1.4.1. Định nghĩa
kiểu hình
- Kiểu hình là một
thuộc tính đơn lẻ hoặc kết hợp các thuộc tính mô tả bệnh, sự khác biệt giữa các
bệnh nhân mắc BPTNMT mà liên quan đến kết quả có ý nghĩa lâm sàng (các triệu
chứng, đợt cấp, đáp ứng với điều trị, tiến triển bệnh, hoặc tử vong).
- Đây là một vấn đề
hiện đang được quan tâm, nhằm cá thể hóa hơn nữa điều trị và quản lý bệnh nhân
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Kiểu hình được xác
định bởi các triệu chứng, chẩn đoán hình ảnh, sinh lý học, các dấu ấn sinh học.
- Các kiểu hình
(phenotype): chồng lấp hen và BPTNMT, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng,
kiểu hình đợt cấp thường xuyên.
- Các kiểu nội hình
(endotype): neutrophilic endotype, thiếu hụt anpha 1 antitrypsine, Th2
endotype, endotype viêm hệ thống (systemic inflammation endotype).
1.4.2. Chẩn đoán kiểu
hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Kiểu hình
viêm phế quản mạn tính chiếm ưu thế: Thể “phù tím” (Blue
Bloater): tuổi trẻ hơn, từ 40 đến 50, béo. Triệu chứng nổi bật là ho, khạc đờm
mạn tính trong nhiều năm, tím tái, ho nhiều hơn khó thở. Trên phim phổi: hình
ảnh vòm hoành bình thường, mạch máu tăng đậm vùng thấp, bóng tim hơi to ra. Khi
có suy tim phải thì bóng tim to hơn, các mạch máu phổi tăng đậm hơn và có hình
ảnh tăng phân bố mạch máu vùng cao của phổi (hiện tượng tái phân bố mạch máu).
Trên CLVT độ phân giải cao (HRCT) thường gặp KPT trung tâm tiểu thùy. Thể này
hay có biến chứng tâm phế mạn sớm.
- Kiểu hình khí
phế thũng chiếm ưu thế: thể “hồng thổi” (Pink Puffer) thường gặp
ở tuổi từ 50 đến 75, gầy, môi hồng. Triệu chứng nổi bật của thể bệnh này là khó
thở, ban đầu khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở khi nghỉ ngơi. Gõ vang trống,
rì rào phế nang giảm cả hai bên. Phim X-quang phổi: Hai phổi tăng sáng, khe
gian sườn giãn rộng và nằm ngang, cơ hoành hạ thấp và dẹt, giảm mạng lưới mạch
máu phổi ở ngoại vi, bóng tim dài và nhỏ hình giọt nước. Trên CLVT (HRCT)
thường gặp KPT toàn bộ tiểu thùy. Tâm phế mạn là biến chứng gặp ở giai đoạn
cuối của bệnh.
- Kiểu hình đợt
cấp thường xuyên (có từ 2 đợt cấp trở lên): trong nghiên cứu ECLIPSE,
một nghiên cứu quan sát trong vòng 3 năm trên 2138 bệnh nhân BPTNMT vừa đến rất
nặng, cho thấy yếu tố tiên lượng quan trọng nhất cho sự xuất hiện của đợt cấp
đó chính là tiền sử có đợt cấp thường xuyên, xuất hiện trong 1 năm trước, có
thể ở trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Do đó “đợt cấp thường xuyên” là một
kiểu hình riêng của BPTNMT (hơn 2 đợt cấp từ vừa tới nặng trong 1 năm), tỷ lệ
đợt cấp tăng theo độ nặng của BPTNMT.
- Kiểu hình
giãn phế quản: ho khạc nhiều đờm, có hình ảnh giãn phế quản, khí phế
thũng phối hợp trên phim chụp CLVT độ phân giải cao, thường gặp ở bệnh nhân
thiếu hụt anpha1 antitrypsine.
- Kiểu hình
chồng lấp BPTNMT - Hen (ACO):
+ ACO là một tình
trạng bệnh đặc trưng bởi sự giới hạn luồng khí thở dai dẳng với một số đặc điểm
của hen và một số đặc điểm của BPTNMT. Do đó, ACO được xác định bởi các đặc
tính của cả hen và BPTNMT. Bệnh nhân ACO bị nhiều đợt kịch phát, chất lượng
cuộc sống kém, suy giảm chức năng phổi nhiều hơn, tử vong cao và phí điều trị
tốn kém hơn hen đơn thuần.
+ Tần suất của ACO
dao động từ 15% đến 55% tùy thuộc vào các tiêu chuẩn chẩn đoán được sử dụng.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh năm
2016, trong số các bệnh nhân BPTNMT đến khám, tỷ lệ ACO chiếm 27,3%.
+ GOLD và GINA cũng
đưa ra khuyến cáo đồng thuận về tiêu chuẩn chẩn đoán kiểu hình chồng lấp hen và
BPTNMT. Tuy nhiên tiêu chuẩn chẩn đoán theo các bước của GOLD và GINA khá phức
tạp, khó áp dụng trong thực tế lâm sàng trong điều kiện Việt Nam.
+ Sau khi nghiên cứu
và tổng hợp các tiêu chuẩn chẩn đoán ACO lưu hành hiện nay trên thế giới, nhóm
chuyên gia thấy rằng tiêu chuẩn chẩn đoán ACO dựa vào các triệu chứng lâm sàng
đo chức năng thông khí phổi và xét nghiệm bạch cầu ái toan của Tây Ban Nha, đơn
giản, dễ áp dụng trong điều kiện thực hành lâm sàng tại Việt Nam. (Biểu đồ
1.3).
Biểu
đồ 1.3. Sơ
đồ tiếp cận chẩn đoán ACO (theo khuyến cáo Tây Ban Nha)
+ Nếu bệnh nhân có
kiểu hình chồng lấp hoặc nghi ngờ có kiểu hình chồng lấp BPTNMT - Hen thì trong
liệu pháp điều trị cần phải có ICS (liều lượng tùy theo mức độ các triệu chứng)
bên cạnh việc duy trì các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
Chương
II
QUẢN
LÝ VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH
2.1. BIỆN PHÁP ĐIỀU
TRỊ CHUNG
2.1.1. Ngừng tiếp xúc
với yếu tố nguy cơ
Ngừng tiếp xúc với
khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...
2.1.2. Cai nghiện
thuốc lá, thuốc lào
Cai thuốc là biện
pháp rất quan trọng ngăn chặn BPTNMT tiến triển nặng lên. Trong cai thuốc, việc
tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người
bệnh cai thuốc dễ dàng hơn.
a) Chiến lược tư vấn
người bệnh cai thuốc lá
- Tìm hiểu lý do cản
trở người bệnh cai thuốc lá: sợ cai thuốc thất bại, hội chứng cai gây khó chịu,
mất đi niềm vui hút thuốc, căng thẳng,...
- Sử dụng lời khuyên
5A:
+ Ask - Hỏi: xem tình
trạng hút thuốc của người bệnh để có kế hoạch phù hợp.
+ Advise - Khuyên:
đưa ra lời khuyên phù hợp và đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc.
+ Assess - Đánh giá:
xác định nhu cầu cai thuốc thực sự của người bệnh.
+ Assist - Hỗ trợ:
giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc, tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc
hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nếu cần.
+ Arrange - Sắp xếp:
có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai được
thuốc và tránh tái nghiện.
b) Thuốc hỗ trợ cai
thuốc lá
Việc dùng thuốc hỗ
trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc
thành công. Các thuốc có thể chỉ định: nicotine thay thế, bupropion,
varenicline.
- Nicotine thay thế.
+ Chống chỉ định
tương đối ở bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (vừa mới bị nhồi máu cơ tim cấp).
+ Các dạng thuốc:
dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.
+ Thời gian dùng
thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá (mức độ phụ thuộc nicotine): thông
thường từ 2-4 tháng, có thể kéo dài hơn.
+ Tác dụng phụ: gây
kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu...
- Bupropion: tác dụng
tăng cường phóng thích noradrenergic và dopaminergic ở hệ thần kinh trung ương
giúp làm giảm ham muốn hút thuốc.
+ Không dùng cho bệnh
nhân động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, dùng thuốc nhóm
IMAO, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng.
+ Thời gian điều trị
7 - 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng.
+ Liều cố định không
vượt quá 300 mg/ngày:
Tuần đầu: 150 mg/ngày
uống buổi sáng;
Từ tuần 2 - 9:
300mg/ngày chia 2 lần.
+ Tác dụng phụ: mất
ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.
- Varenicline có tác
dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá và giảm sảng khoái khi hút thuốc.
+ Chống chỉ định tương
đối khi suy thận nặng (thanh thải Creatinine < 30ml/phút).
+ Thời gian điều trị
12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng.
+ Liều điều trị:
Ngày 1 đến 3:
0,5mg/ngày uống buổi sáng;
Ngày 4 đến 7:
1mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều;
Tuần 2 đến 12:
2mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều.
+ Tác dụng phụ: buồn
nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.
2.1.3. Tiêm vắc xin
phòng nhiễm trùng đường hô hấp
- Nhiễm trùng đường
hô hấp (cúm và viêm phổi...) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp
BPTNMT. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ
tử vong.
- Tiêm phòng vắc xin
cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.
- Tiêm phòng vắc xin
phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc BPTNMT giai đoạn ổn
định.
2.1.4. Phục hồi chức
năng hô hấp: xem
chi tiết chương 5.
2.1.5. Các điều trị
khác
- Vệ sinh mũi họng
thường xuyên.
- Giữ ấm cổ ngực về
mùa lạnh.
- Phát hiện sớm và
điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Phát hiện và điều
trị các bệnh đồng mắc.
2.2. CÁC THUỐC ĐIỀU
TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
- Thuốc giãn phế quản
được coi là nền tảng trong điều trị BPTNMT. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế
quản tác dụng kéo dài, dùng đường phun hít hoặc khí dung.
- Liều lượng và đường
dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh (tham khảo phụ
lục thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Bảng
2.1.
Các nhóm thuốc chính điều trị BPTNMT
Nhóm
thuốc
|
Tên
viết tắt
|
Hoạt
chất
|
Cường beta 2
adrenergic tác dụng ngắn
|
SABA
|
Salbutamol,
Terbutaline
|
Cường beta 2
adrenergic tác dụng dài
|
LABA
|
Indacaterol,
Bambuterol
|
Kháng cholinergic
tác dụng ngắn
|
SAMA
|
Ipratropium
|
Kháng cholinergic
tác dụng dài
|
LAMA
|
Tiotropium
|
Cường beta 2
adrenergic tác dụng ngắn + kháng cholinergic tác dụng ngắn
|
SABA+SAMA
|
Ipratropium/salbutamol
Ipratropium/fenoterol
|
Cường beta 2
adrenergic tác dụng dài + kháng cholinergic tác dụng dài
|
LABA/LAMA
|
Indacaterol/Glycopyronium
Olodaterol/Tiotropium
Vilanterol/Umeclidinium
|
Corticosteroid dạng
phun hít + cường beta 2 adrenergic tác dụng dài
|
ICS+LABA
|
Budesonid/Formoterol
Fluticason/Vilanterol
Fluticason/Salmeterol
|
Kháng sinh, kháng
viêm
|
Macrolide
Kháng
PDE4
|
Erythromycin
Rofumilast
|
Nhóm xanthine tác
dụng ngắn/dài
|
Xanthine
|
Theophyllin/Theostat
|
2.3. HƯỚNG DẪN LỰA
CHỌN THUỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Bảng
2.2. Lựa
chọn thuốc theo phân loại mức độ nặng của GOLD 2018
Lưu
ý: ô và mũi tên được in đậm là phương pháp lựa chọn điều trị ưu tiên
Bệnh nhân nhóm A
- Thuốc giãn phế quản
được sử dụng khi cần thiết, thuốc giúp cải thiện triệu chứng khó thở.
- Có thể lựa chọn
nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc tác dụng dài.
- Tuỳ theo đáp ứng
điều trị và mức độ cải thiện triệu chứng của bệnh nhân mà sẽ tiếp tục phác đồ
điều trị hoặc đổi sang nhóm thuốc giãn phế quản khác.
Bệnh nhân nhóm B
- Lựa chọn điều trị
tối ưu là thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Với bệnh nhân nhóm B, có thể
lựa chọn khởi đầu điều trị với LABA hoặc LAMA. Không có bằng chứng để khuyến
cáo sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài nhóm nào giúp giảm triệu chứng
tốt hơn nhóm nào. Lựa chọn thuốc tuỳ thuộc vào sự dung nạp và cải thiện triệu
chứng của bệnh nhân.
- Đối với bệnh nhân
vẫn còn khó thở dai dẳng khi dùng LABA hoặc LAMA đơn trị liệu, khuyến cáo sử
dụng phối hợp hai nhóm thuốc giãn phế quản LABA/LAMA.
- Đối với bệnh nhân
khó thở nhiều, có thể cân nhắc điều trị khởi đầu ngay bằng phác đồ phối hợp hai
thuốc giãn phế quản LABA/LAMA.
- Nếu phối hợp hai
nhóm thuốc giãn phế quản LABA/LAMA mà không cải thiện triệu chứng, có thể cân
nhắc hạ bậc điều trị với một thuốc giãn phế quản tác dụng dài.
- Bệnh nhân nhóm B
thường có bệnh đồng mắc kèm theo, có nhiều triệu chứng, khó tiên lượng cần được
đánh giá và điều trị toàn diện bệnh đồng mắc.
Bệnh nhân nhóm C
- Khởi đầu điều trị
bằng một loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
- Kết quả hai nghiên
cứu so sánh đối đầu cho thấy LAMA có hiệu quả hơn LABA trong phòng ngừa đợt
cấp, do đó khuyến cáo nên bắt đầu điều trị với LAMA.
- Bệnh nhân tiếp tục
có đợt cấp có thể dùng LAMA/LABA hoặc LABA/ICS nhưng do ICS làm tăng nguy cơ
xuất hiện viêm phổi ở một số bệnh nhân cho nên LABA/LAMA là lựa chọn ưu tiên.
- LABA/ICS có thể lựa
chọn khi BN có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và BPTNMT hoặc
tăng bạch cầu ái toan trong máu.
Bệnh nhân nhóm D
- Khởi đầu điều trị
bằng phác đồ LABA/LAMA:
+ Kết quả các nghiên cứu
trên bệnh nhân cho thấy điều trị phác đồ LABA/LAMA kết hợp cho hiệu quả vượt
trội so với đơn trị liệu.
+ Nếu dùng phác đồ
một thuốc giãn phế quản thì LAMA ưu thế hơn so với LABA trong phòng ngừa đợt
cấp.
+ LABA/LAMA ưu thế
hơn LABA/ICS trong việc phòng ngừa đợt cấp và cải thiện triệu chứng cho bệnh
nhân BPTNMT nhóm D.
- Bệnh nhân nhóm D có
nguy cơ cao mắc viêm phổi khi được điều trị bằng ICS.
- Một số bệnh nhân có
thể khởi đầu điều trị bằng LABA/ICS nếu bệnh nhân có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn
đoán chồng lấp hen và BPTNMT hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu.
- Nếu bệnh nhân vẫn
xuất hiện đợt cấp mặc dù đã được điều trị bằng phác đồ LABA/LAMA, có thể áp
dụng một trong hai phác đồ thay thế:
+ Nâng bậc với phác
đồ LABA/LAMA/ICS dựa trên nghiên cứu được tiến hành so sánh hiệu quả của LABA/LAMA
so với LABA/LAMA/ICS trong phòng ngừa đợt cấp.
+ Chuyển sang phác đồ
LABA/ICS. Tuy nhiên, không có bằng chứng về việc chuyển phác đồ LABA/LAMA sang
LABA/ICS cho kết quả phòng ngừa đợt cấp tốt hơn. Nếu điều trị LABA/ICS không
cải thiện đợt cấp/triệu chứng, có thể thêm nhóm LAMA.
- Nếu bệnh nhân được
điều trị với LABA/LAMA/ICS vẫn còn xuất hiện các đợt cấp những lựa chọn sau đây
có thể xem xét:
+ Thêm nhóm
roflumilast. Phác đồ này có thể xem xét chỉ định ở bệnh nhân với FEV1< 50% dự đoán và
viêm phế quản mạn tính, đặc biệt là nếu họ đã có tiền sử ít nhất 1 lần nhập
viện vì đợt cấp trong năm trước.
+ Thêm nhóm macrolid:
cần xem xét tới yếu tố vi khuẩn kháng thuốc trước khi quyết định điều trị.
+ Ngừng ICS: một
nghiên cứu cho thấy ICS ít hiệu quả, tăng nguy cơ tác dụng phụ (bao gồm cả viêm
phổi) và ngừng thuốc ICS không gây ảnh hưởng đáng kể trên bệnh nhân.
2.4. THỞ OXY DÀI HẠN
TẠI NHÀ
2.4.1. Mục tiêu
- Làm giảm khó thở và
giảm công hô hấp do giảm kháng lực đường thở và giảm thông khí phút.
- Giảm tình trạng
tăng áp động mạch phổi và tỷ lệ tâm phế mạn do cải thiện tình trạng thiếu oxy
máu mạn tính, giảm hematocrite, cải thiện huyết động học phổi.
2.4.2. Chỉ định
BPTNMT có suy hô hấp
mạn tính, thiếu oxy máu:
- PaO2 ≤ 55 mmHg hoặc SaO2 ≤ 88% trên hai mẫu
máu trong vòng 3 tuần, bệnh nhân trong giai đoạn ổn định, ở trạng thái nghỉ
ngơi, không thở oxy, đã sử dụng các biện pháp điều trị tối ưu.
- PaO2 từ 56 - 59 mmHg hoặc
SaO2
≤
88% kèm thêm một trong các biểu hiện:
+ Dấu hiệu suy tim
phải.
+ Đa hồng cầu
(hematocrit > 55%).
+ Tăng áp động mạch
phổi đã được xác định (siêu âm doppler tim...).
2.4.3. Lưu lượng,
thời gian thở oxy
- Lưu lượng oxy: 1-3
lít/phút, thời gian thở oxy ít nhất 16-18 giờ/24 giờ.
- Đánh giá lại khí
máu động mạch sau 30 phút để điều chỉnh lưu lượng oxy nhằm đạt mục tiêu PaO2 từ 65 - 70 mmHg,
tương ứng với SaO2
tối
ưu là 90 - 92% lúc nghỉ ngơi.
- Để tránh tăng CO2 máu quá mức, khuyến
cáo nên bắt đầu với lưu lượng thở oxy ≤ 2 lít/phút.
2.4.4. Các nguồn cung
cấp oxy
Bao gồm bình oxy, máy
chiết xuất oxy, ngoài ra còn có các bình oxy lỏng.
- Bình oxy cổ điển:
cồng kềnh và phải nạp thường xuyên. Thường dùng làm nguồn oxy dự phòng khi mất
điện hoặc lúc bệnh nhân đi ra khỏi nhà.
- Máy chiết xuất oxy
từ khí trời: thuận tiện cho các bệnh nhân ít hoạt động.
2.5. THỞ MÁY KHÔNG
XÂM NHẬP
- Thở máy không xâm
nhập trong đợt cấp:
Đây là một trong những
biện pháp hỗ trợ hô hấp hiệu quả cho bệnh nhân BPTNMT trong đợt cấp. Nếu chỉ
định sớm sẽ giảm tỷ lệ phải đặt nội khí quản. Chỉ định, chống chỉ định và hướng
dẫn cụ thể xem thêm chương đợt cấp BPTNMT.
- Thở máy không xâm
nhập giai đoạn ổn định:
+ Chỉ định thở máy
không xâm nhập (BiPAP) đối với bệnh nhân BPTNMT giai đoạn ổn định có tăng CO2 máu nặng mạn tính
(PaCO2
≥
50 mmHg) và tiền sử nhập viện gần đây.
+ Bệnh nhân BPTNMT có
ngừng thở khi ngủ (chồng lấp BPTNMT và ngừng thở khi ngủ) chỉ định thở máy áp
lực dương liên tục (CPAP) giúp cải thiện thời gian sống thêm và giảm tần suất
nhập viện.
2.6. THEO DÕI BỆNH
NHÂN
- Tái khám định kỳ 1
tháng 1 lần và cần đánh giá phân loại lại mức độ nặng để điều chỉnh phác đồ
điều trị phù hợp.
- Theo dõi chức năng
hô hấp.
- Làm thêm một số
thăm dò để phát hiện, điều trị các biến chứng và các bệnh đồng mắc phối hợp
(bệnh tim mạch, ung thư phổi, loãng xương, đái tháo đường...).
- Đánh giá khả năng
hoạt động, hợp tác với thầy thuốc và tái hoà nhập cộng đồng.
- Giáo dục bệnh nhân
về kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc, tuân thủ điều trị, tránh tiếp
xúc với yếu tố nguy cơ và áp dụng các phương pháp dự phòng đợt cấp.
- Mỗi lần khám lại,
cần yêu cầu bệnh nhân thực hiện thao tác sử dụng dụng cụ hít và kiểm tra hướng
dẫn lại cho bệnh nhân kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc.
Lưu ý: đối với tuyến y tế cơ
sở (xã/phường, quận/huyện), tuỳ theo nguồn nhân lực và sự sẵn có của thuốc, máy
móc phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, có thể triển khai:
- Quản lý bệnh nhân
BPTNMT ở giai đoạn ổn định sau khi đã được tuyến trên chẩn đoán và có phác đồ
điều trị.
- Hướng dẫn tư vấn
bệnh nhân cai thuốc lá, ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.
- Hướng dẫn, kiểm tra
việc dùng thuốc của bệnh nhân theo đơn của các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến
trung ương. Theo dõi và phát hiện các tác dụng phụ của thuốc, phát hiện các
triệu chứng của đợt cấp và đáp ứng với điều trị (xem thêm chương đợt cấp) để
kịp thời chuyển tuyến trên nếu thấy cần.
- Cần tạo điều kiện
cho phép y tế tuyến cơ sở có các thuốc cơ bản điều trị lâu dài (LABA, LAMA,
ICS/LABA…) để cấp thuốc cho bệnh nhân theo hướng dẫn của y tế tuyến trên.
Chương
III
HƯỚNG
DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
3.1. ĐẠI CƯƠNG
Đợt cấp BPTNMT là
tình trạng thay đổi cấp tính các biểu hiện lâm sàng: khó thở tăng, ho tăng,
khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm. Những biến đổi này đòi hỏi phải
có thay đổi trong điều trị.
Theo thống kê trung
bình mỗi năm một bệnh nhân BPTNMT có từ 1,5 - 2,5 đợt cấp/năm. Trong đó bệnh
nhân FEV1
<
40% là khoảng 2,3 lần/năm, FEV1 > 60% chỉ khoảng 1,6 lần/năm.
Tại Việt Nam: theo
Ngô Quý Châu và cộng sự, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Hô hấp
Bệnh viện Bạch Mai vì BPTNMT chiếm 25,1%.
3.2. NGUYÊN NHÂN
- Nguyên nhân do
nhiễm trùng: đây là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm tới 70-80% nguyên nhân
gây đợt cấp.
+ Vi khuẩn: Haemophilus
influenzae, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Pseudomonas
aeruginosa…
+ Virus: cúm, á cúm,
rhinovirus, virus hợp bào hô hấp.
- Không do nhiễm
trùng:
+ Ô nhiễm không khí
(khói thuốc, tiếp xúc khói bụi nghề nghiệp, ozone…).
+ Giảm nhiệt độ môi
trường (trong và ngoài nhà) đột ngột; viêm có tăng bạch cầu ái toan; dùng thuốc
điều trị không đúng, bỏ điều trị đột ngột.
+ Dùng thuốc an thần,
thuốc ngủ.
- Một số trường hợp
có đợt cấp không rõ căn nguyên.
3.3. CHẨN ĐOÁN
3.3.1. Phát hiện các
dấu hiệu của đợt cấp BPTNMT tại y tế cơ sở (xã/phường, huyện)
Bệnh nhân đã được
chẩn đoán BPTNMT xuất hiện các triệu chứng nặng hơn thường ngày, hoặc các
trường hợp tuổi trung niên chưa có chẩn đoán, nhưng xuất hiện các triệu chứng:
- Triệu chứng hô hấp:
+ Ho tăng.
+ Khó thở tăng.
+ Khạc đờm tăng
và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm: đờm chuyển thành đờm mủ.
+ Nghe phổi thấy rì
rào phế nang giảm, có thể thấy ran rít, ngáy, ran ẩm, ran nổ.
- Các biểu hiện khác
có thể có hoặc không có tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh:
+ Tim mạch: nặng
ngực, nhịp nhanh, loạn nhịp. Các dấu hiệu của tâm phế mạn (phù, tĩnh mạch cổ
nổi, gan to…).
+ Triệu chứng toàn
thân có thể có: sốt, rối loạn tri giác, trầm cảm, mất ngủ, giảm khả năng gắng
sức…
+ Trường hợp nặng có
dấu hiệu suy hô hấp cấp: thở nhanh nông hoặc thở chậm, tím môi đầu chi, nói
ngắt quãng, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi…
3.3.2. Các thăm dò
chẩn đoán cho đợt cấp BPTNMT tại bệnh viện
Với các dấu hiệu lâm
sàng như đã mô tả ở trên, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm cần thiết để
hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị:
Bảng
3.1. Giá
trị chẩn đoán của các thăm dò trong đánh giá đợt cấp BPTNMT
Xét
nghiệm thăm dò
|
Có
thể phát hiện
|
Đo SpO2
|
Giảm oxy máu
|
Khí máu động mạch
|
Tăng CO2 máu, giảm oxy máu
Toan máu, kiềm máu
|
Chụp X-quang phổi
|
Giúp phân biệt viêm
phổi, phát hiện biến chứng
|
Công thức máu
|
Thiếu máu, đa hồng
cầu
Tăng bạch cầu
|
Xét nghiệm đờm
|
Nhuộm Gram
Cấy đờm
|
Điện tim
|
Rối loạn nhịp tim:
nhịp nhanh, ngoại tâm thu, rung nhĩ…
Thiếu máu cơ tim
cục bộ
Dấu hiệu suy tim
phải, suy tim trái
|
Siêu âm tim
|
Giãn thất phải
Tăng áp lực động
mạch phổi
|
Sinh hóa máu
|
Rối loạn điện giải
Rối loạn chức năng
gan, thận; tăng hoặc hạ đường huyết, các rối loạn chuyển hóa
Tăng BNP, Pro-BNP:
suy tim
Tăng D Dimer: Huyết
khối - tắc động mạch phổi
Tăng các dấu ấn
viêm: protein phản ứng C (CRP)
Tăng Procalcitonin
|
Chức năng thông khí
|
Rối loạn thông khí
tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn: đo chức năng thông khí sau khi đợt cấp ổn
định
|
3.3.3. Chẩn đoán xác
định đợt cấp BPTNMT
Bệnh nhân đã được
chẩn đoán BPTNMT và có triệu chứng đợt cấp theo tiêu chuẩn Anthonisen (1987):
- Khó thở tăng.
- Khạc đờm tăng.
- Thay đổi màu sắc
của đờm, đờm chuyển thành đờm mủ.
3.3.4. Đánh giá mức
độ nặng và các yếu tố nguy cơ của bệnh
Đánh giá mức độ nặng
đợt cấp BPTNMT theo triệu chứng
Bảng
3.2. Đánh
giá mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT
Các
chỉ số
|
Nặng
|
Nguy
kịch
|
Lời nói
|
Từng từ
|
Không nói được
|
Tri giác
|
Ngủ gà, lẫn lộn
|
Hôn mê
|
Co kéo cơ hô hấp
|
Rất nhiều
|
Thở nghịch thường
|
Tần số thở/phút
|
25 - 35
|
Thở chậm, ngừng thở
|
Khó thở
|
Liên tục
|
Liên tục
|
Tính chất đờm:
- Thay đổi màu sắc
- Tăng số lượng
- Kèm theo sốt
- Kèm theo tím và phù
mới xuất hiện
|
Có 3 trong 4 đặc
điểm
|
Có thể cả 4, nhưng
thường bệnh nhân không ho khạc được nữa
|
Mạch/phút
|
> 120
|
Chậm, loạn nhịp
|
SpO2 %
|
87 - 85
|
< 85
|
PaO2 mmHg
|
40 - 50
|
< 40
|
PaCO2 mmHg
|
55 - 65
|
> 65
|
pH máu
|
7.25 - 7.30
|
< 7.25
|
Chú ý: có từ ≥ 2 tiêu chuẩn
của một mức độ thì được đánh giá ở mức độ đó.
Phân loại mức độ nặng
theo tiêu chuẩn Anthonisen:
- Mức độ nặng: khó
thở tăng, số lượng đờm tăng và đờm chuyển thành đờm mủ.
- Mức độ trung bình:
có 2 trong số 3 triệu chứng của mức độ nặng.
- Mức độ nhẹ: có 1
trong số triệu chứng của mức độ nặng và có các triệu chứng khác: ho, tiếng rít,
sốt không vì một nguyên nhân nào khác, có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên 5 ngày
trước, nhịp thở, nhịp tim tăng > 20% so với ban đầu.
Đánh giá tình trạng
suy hô hấp
- Không suy hô hấp:
nhịp thở 20 - 30 lần/phút; không co kéo cơ hô hấp phụ; không rối loạn ý thức;
tình trạng oxy hoá máu được cải thiện khi được thở oxy với FiO2: 28 - 35%; không
tăng PaCO2.
- Suy hô hấp cấp -
Không có dấu hiệu đe doạ tính mạng: nhịp thở > 30 lần/phút; co kéo cơ hô
hấp; không rối loạn ý thức; tình trạng giảm oxy máu cải thiện khi thở oxy với FiO2: 35 - 40%; PaCO2: 50 - 60mmHg;
- Suy hô hấp cấp -
Có dấu hiệu đe doạ tính mạng: nhịp thở > 30 lần/phút; co kéo cơ hô hấp
phụ; rối loạn ý thức cấp tính; tình trạng giảm oxy máu cải thiện khi được thở
oxy với FiO2
>
40%; PaCO2
>
60mmHg, hoặc có toan hoá máu (pH < 7,25).
* Các yếu tố làm tăng
mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT:
- Rối loạn ý thức.
- Đợt cấp đã thất bại
với điều trị ban đầu.
- Có ≥ 3 đợt cấp
BPTNMT trong năm trước.
- Đã được chẩn đoán
BPTNMT mức độ nặng hoặc rất nặng.
- Đã từng phải đặt
ống nội khí quản vì đợt cấp.
- Đã có chỉ định thở
oxy dài hạn, thở máy không xâm nhập tại nhà.
- Bệnh mạn tính kèm
theo (bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, đái tháo đường, suy thận,
suy gan).
- Chỉ số khối cơ thể
(BMI) ≤ 20 kg/m2.
- Không có trợ giúp của
gia đình và xã hội.
* Các yếu tố nguy cơ
nhiễm Pseudomonas aeruginosa:
- Có bằng chứng
BPTNMT nặng, FEV1
ban
đầu < 50%.
- Đã phân lập được Pseudomonas
aeruginosa trong đờm từ lần khám, điều trị trước.
- Có giãn phế quản
kèm theo.
- Dùng kháng sinh
thường xuyên.
- Nhập viện thường
xuyên.
- Có dùng thường
xuyên corticoid toàn thân.
3.4. HƯỚNG DẪN ĐIỀU
TRỊ ĐỢT CẤP BPTNMT
Biểu
đồ 3.1.
Hướng dẫn xử trí ban đầu đợt cấp BPTNMT
Tiêu chuẩn nhập viện:
- Các triệu chứng
nặng đột ngột như khó thở, tần số thở tăng, độ bão hòa oxy giảm, rối loạn ý
thức.
- Suy hô hấp.
- Khởi phát các triệu
chứng thực thể mới (phù ngoại vi, xanh tím).
- Đợt cấp BPTNMT thất
bại với điều trị ban đầu.
- Các bệnh đồng mắc
nặng (suy tim, loạn nhịp tim mới xuất hiện …).
- Thiếu nguồn lực hỗ trợ
tại nhà.
3.4.1. Điều trị cụ
thể đợt cấp mức độ nhẹ
- Nguyên tắc
+ Bổ sung thêm thuốc
giãn phế quản nhóm cường beta 2, dạng phun hít, tác dụng nhanh dùng đơn thuần
hoặc dạng kết hợp với thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh;
+ Với bệnh nhân có
thở oxy tại nhà: thở oxy 1-3 lít/phút, duy trì SpO2 ở mức 90-92%;
+ Với bệnh nhân có
thở máy không xâm nhập tại nhà: điều chỉnh áp lực phù hợp;
+ Dùng sớm thuốc giãn
phế quản tác dụng kéo dài.
- Thuốc giãn phế quản
+ Nhóm cường beta 2
adrenergic: Salbutamol, Terbutalin. Dùng đường phun hít, khí dung hoặc đường
uống.
+ Nhóm kháng
cholinergic tác dụng ngắn: Ipratropium khí dung.
+ Kết hợp kháng cholinergic
và thuốc cường beta 2 adrenergic: Fenoterol/ Ipratropium hoặc
Salbutamol/Ipratropium; dùng đường phun hít, khí dung.
+ Tiếp tục dùng, hoặc
bắt đầu dùng sớm các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: LAMA, LABA, hoặc
dạng kết hợp LAMA + LABA.
- Corticosteroid:
Budesonid, Fluticason (khí dung);
- Thuốc dạng
kết hợp loại cường beta 2 tác dụng kéo dài và corticoid dạng phun, hít: Budesonid
+ Formoterol; Fluticason + Salmeterol, fluticason furoate + vilaterol, …
3.4.2. Điều trị cụ
thể đợt cấp mức độ trung bình (điều trị tại bệnh viện huyện hoặc bệnh viện tỉnh
hoặc ở các cơ sở y tế có nguồn lực thích hợp)
- Nguyên tắc:
+ Các điều trị như
đợt cấp mức độ nhẹ.
+ Chỉ định kháng sinh
khi bệnh nhân có chẩn đoán đợt cấp Anthonisen mức độ nặng hoặc trung bình (có
dấu hiệu đờm mủ).
+ Thêm corticoid
uống, hoặc tĩnh mạch, liều: 1mg/kg/ngày. Thời gian dùng corticoid: thường không
quá 5-7 ngày.
- Điều trị cụ thể:
+ Corticoid:
prednisolon (uống) 1mg/kg/ngày; hoặc methylprednisolon: 1mg/kg/ngày, uống hoặc
tiêm tĩnh mạch.
+ Kháng sinh (biểu
đồ 3.2): beta lactam/kháng betalactamase (amoxicilline/acid clavuanic;
ampicillin/sulbactam) 3g/ngày hoặc cefuroxim 1,5g/ngày hoặc moxifloxacin 400mg/ngày
hoặc levofloxacin 750mg/ngày.
Biểu
đồ 3.2. Hướng
dẫn dùng kháng sinh cho đợt cấp BPTNMT mức độ trung bình
3.4.3. Điều trị đợt
cấp mức độ nặng (điều trị tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc các cơ sở y
tế có nguồn lực thích hợp)
- Tiếp tục các biện
pháp điều trị đã nêu ở trên. Theo dõi mạch huyết áp, nhịp thở, SpO2.
- Thở oxy 1 - 2
lít/phút sao cho SpO2
đạt
90 - 92%. Nên làm khí máu động mạch để làm cơ sở điều chỉnh liều oxy:
+ Khi SaO2: 90 - 92%; PaCO2 < 45mmHg: giữ
nguyên liều oxy đang dùng.
+ Khi SaO2 < 90%, PaCO2 < 45mmHg: thực
hiện tăng liều oxy, tối đa không quá 3 lít/ phút.
+ Khi SaO2 > 92%, PaCO2 > 45mmHg: thực
hiện giảm liều oxy, và làm lại khí máu động mạch sau 30 phút.
+ Khi SaO2 < 90%, PaCO2 > 55mmHg và/hoặc
pH ≤ 7,35: chỉ định thở máy không xâm nhập.
- Khí dung thuốc giãn
phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic hoặc dạng kết hợp cường beta 2 adrenergic
với kháng cholinergic.
- Nếu không đáp ứng
với các thuốc khí dung thì dùng salbutamol, terbutaline truyền tĩnh mạch với
liều 0,5 - 2mg/giờ, điều chỉnh liều thuốc theo đáp ứng của bệnh nhân. Truyền
bằng bơm tiêm điện hoặc máy truyền dịch.
- Methylprednisolon 1-2
mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch. Thời gian dùng thông thường không quá 5-7 ngày.
- Kháng sinh (biểu
đồ 3.3) cefotaxim 1-2g x 3 lần/ngày hoặc ceftriaxon 2g/ lần x 1-2 lần/ngày
hoặc ceftazidim 1-2g x 3 lần/ngày; phối hợp với nhóm aminoglycosid 15mg/kg/ngày
hoặc quinolon (levofloxacin 750mg/ngày, moxifloxacin 400mg/ngày...).
Biểu
đồ 3.3. Điều
trị kháng sinh cho bệnh nhân đợt cấp BPTNMT nhập viện
Ghi chú: Carbapenem nhóm 1
(Ertapenem) dùng cho nhiễm khuẩn không do Pseudomonas. Nếu không loại
trừ Pseudomonas thì nên dùng Carbapenem nhóm 2 (Imipenem, Meropenem).
Khuyến cáo thời gian
sử dụng kháng sinh trong đợt cấp BPTNMT:
- Đợt cấp mức độ nhẹ,
điều trị ngoại trú: thời gian điều trị kháng sinh trung bình 5-7 ngày.
- Đợt cấp mức độ
trung bình và nặng: thời gian trung bình điều trị kháng sinh từ 7-10 ngày.
- Thời gian điều trị
kháng sinh cụ thể tuỳ thuộc vào mức độ nặng của đợt cấp và đáp ứng của người
bệnh.
Thông khí nhân tạo
không xâm nhập (BiPAP)
khi có ít nhất 2 tiêu chuẩn sau:
+ Khó thở vừa tới
nặng có co kéo cơ hô hấp phụ và hô hấp nghịch thường.
+ Toan hô hấp: pH ≤
7,35 và/hoặc PaCO2
≥
45mmHg.
+ Tần số thở > 25
lần/phút.
Nếu sau 60 phút thông
khí nhân tạo không xâm nhập, các thông số PaCO2 tiếp tục tăng và PaO2 tiếp tục giảm hoặc
các triệu chứng lâm sàng tiếp tục xấu đi thì cần chuyển sang thông khí nhân tạo
xâm nhập.
- Chống chỉ định
thông khí nhân tạo không xâm nhập:
+ Ngừng thở, ngủ gà,
rối loạn ý thức, không hợp tác.
+ Rối loạn huyết
động: tụt huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim.
+ Nguy cơ hít phải
dịch dạ dày, đờm nhiều, dính.
+ Mới phẫu thuật răng
hàm mặt hoặc mổ dạ dày.
+ Bỏng, chấn thương
đầu, mặt, béo phì quá nhiều.
- Thông khí nhân tạo
xâm nhập khi có các dấu hiệu sau:
+ Khó thở nặng, có co
kéo cơ hô hấp và di động cơ thành bụng nghịch thường.
+ Thở > 35
lần/phút hoặc thở chậm.
+ Thiếu oxy máu đe
doạ tử vong: PaO2
<
40mmHg.
+ pH < 7,25, PaCO2 > 60mmHg.
+ Ngủ gà, rối loạn ý
thức, ngừng thở.
+ Biến chứng tim
mạch: hạ huyết áp, sốc, suy tim.
+ Rối loạn chuyển
hoá, nhiễm khuẩn, viêm phổi, tắc mạch phổi.
+ Thông khí nhân tạo
không xâm nhập thất bại.
- Đánh giá trước khi
ra viện và khuyến cáo theo dõi
+ Xem xét đầy đủ các
dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm.
+ Kiểm tra phác đồ
điều trị duy trì và hiểu biết của bệnh nhân.
+ Đánh giá lại các kỹ
thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc.
+ Hướng dẫn sử dụng
thuốc trong đợt cấp (steroid và thuốc kháng sinh).
+ Đánh giá nhu cầu
điều trị duy trì và oxy dài hạn.
+ Có kế hoạch quản lý
và theo dõi các bệnh đồng mắc.
+ Đảm bảo theo dõi:
tái khám sớm < 4 tuần và muộn nhất < 12 tuần.
+ Nhận biết được các
dấu hiệu lâm sàng bất thường.
- Khám lại sau xuất
viện 1 tháng
+ Khả năng tái hoà
nhập trong môi trường xã hội bình thường.
+ Đọc và hiểu rõ về
phác đồ điều trị.
+ Đánh giá lại kỹ
thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc.
+ Đánh giá lại nhu
cầu điều trị oxy dài hạn.
+ Khả năng thực hiện
hoạt động thể chất và sinh hoạt hàng ngày.
+ Đánh giá điểm CAT
hoặc mMRC.
+ Xác định tình trạng
các bệnh đồng mắc.
- Khám lại sau xuất
viện 3 tháng
+ Khả năng tái hoà
nhập trong môi trường xã hội bình thường.
+ Hiểu biết về phác
đồ điều trị.
+ Đánh giá lại kỹ
thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc.
+ Đánh giá lại nhu
cầu điều trị oxy dài hạn và/hoặc khí dung tại nhà.
+ Khả năng thực hiện
hoạt động thể chất và sinh hoạt hàng ngày.
+ Đo FEV1.
+ Đánh giá điểm CAT
hoặc mMRC.
+ Tình trạng các bệnh
đồng mắc.
Chương
IV
BỆNH
ĐỒNG MẮC VỚI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Bệnh nhân BPTNMT
thường có thêm những bệnh khác đồng thời, gọi là bệnh đồng mắc. Bệnh đồng mắc
có thể ảnh hưởng đáng kể đến biểu hiện và tiên lượng của bệnh nhân BPTNMT. Bệnh
đồng mắc thường gặp ở BPTNMT bất kỳ mức độ nặng nào. Bệnh đồng mắc ảnh hưởng
xấu đến BPTNMT và ngược lại BPTNMT cũng là một trong những bệnh đồng mắc có tác
động có hại đến kết cục của các bệnh lý khác.
Các bệnh đồng mắc
thường gặp nhất ở người BPTNMT là bệnh tim mạch: rung nhĩ, cuồng nhĩ (13%), suy
tim ứ huyết (15,7%), bệnh mạch vành (30,2%); bệnh nội tiết: tiểu đường (4%);
bệnh cơ xương; rối loạn tâm lý: lo âu (13,8%); ung thư phổi (9%). Trong đó các
bệnh tim mạch, ung thư phổi có tác động lớn trên tử vong gây ra do BPTNMT. Gần
50% bệnh nhân BPTNMT có ít nhất 3 bệnh đồng mắc hoặc nhiều hơn…
Dù có hoặc không có
liên quan về cơ chế sinh bệnh giữa BPTNMT và các bệnh đồng mắc, điều trị BPTNMT
phải bao gồm phát hiện và điều trị phù hợp các bệnh đồng mắc. Cần lưu ý là các
bệnh đồng mắc có thể có triệu chứng kết hợp với BPTNMT và do đó bị bỏ qua, thí
dụ: suy tim và ung thư phổi (với triệu chứng khó thở), trầm cảm (mệt, giảm hoạt
động thể lực).
Những bệnh đồng mắc
thường gặp ở bệnh nhân BPTNMT:
4.1. BỆNH TIM MẠCH
Đây là nhóm bệnh đồng
mắc thường gặp và quan trọng, với 5 bệnh chính: bệnh tim thiếu máu, suy tim,
loạn nhịp tim, huyết áp cao và bệnh mạch máu ngoại biên.
4.1.1. Tăng huyết áp
Có thể là bệnh đồng
mắc thường gặp nhất, được báo cáo trong 40 - 60% bệnh nhân BPTNMT. Điều trị
huyết áp cao và BPTNMT như thông thường. Cần kiểm soát huyết áp tốt nhất theo
hướng dẫn. Vai trò của các thuốc ức chế β chọn lọc không còn nổi bật.
Một số lưu ý về thuốc
tim mạch:
- Thuốc ức chế men
chuyển (ACEIs): có thể gây ho nhưng không chống chỉ định.
- Thuốc ức chế thụ
thể angiotensine (ARBs): không gây ho, có thể thay thế thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc ức chế kênh
calci: đối kháng sự co thắt của cơ trơn phế quản, có thể tăng hiệu quả của
thuốc chủ vận β2.
- Thuốc lợi tiểu: lưu
ý tác dụng giảm K+ trong máu nhất là khi dùng chung thuốc chủ vận β2 và
corticoid toàn thân. Nên dùng kèm loại giữ K+.
4.1.2. Suy tim
Chẩn đoán: triệu
chứng của suy tim và BPTNMT có thể chồng lấp nhau như: khó thở, khó thở kịch
phát về đêm, khó thở phải ngồi, nhất là khi không có dấu hiệu ứ nước và muối do
dùng lợi tiểu và trong giai đoạn đầu của suy tim có phân suất tống máu còn bảo
tồn.
Tình trạng loạn chức
năng tâm trương có thể đi kèm với không dung nạp gắng sức và gây nhầm lẫn với
đợt cấp BPTNMT. Các xét nghiệm tăng xác suất chẩn đoán suy tim:
- Điện tâm đồ (ECG):
nếu hoàn toàn bình thường thì không thể có suy tim, nhưng lại không có ECG
“điển hình” của suy tim.
- BNP (Brain
natriuretic peptid): < 35 pg/ml hoặc NT-proBNP (N-terminal pro- brain
natriuretic peptide) < 125 pg/ml thì không thể có suy tim. Trong bệnh cảnh
khó thở cấp, điểm cắt được đề nghị cao hơn với NT-proBNP < 300 pg/mL và BNP
< 100 pg/mL.
- X-quang: nguy cơ
nhận định sai các bất thường và đánh giá thấp chỉ số tim - lồng ngực.
- Siêu âm tim: là xét
nghiệm chủ yếu và cần thiết để xác định suy tim, phân suất tống máu <
40-50%.
Những điểm lưu ý về
điều trị:
Về nguyên tắc, không
có sự khác biệt trong điều trị suy tim ở người có BPTNMT, gồm cả các thuốc ức
chế β. Bệnh nhân nào không dung nạp thuốc ức chế β, có thể dùng ivabradine (khi
nhịp tim > 70/p) hoặc digoxin để giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim.
- Thuốc lợi tiểu:
giảm triệu chứng khó thở và phù ở bệnh nhân suy tim ứ huyết. Lưu ý lợi tiểu
dùng liều cao có thể gây kiềm chuyển hóa ở bệnh nhân BPTNMT làm giảm hô hấp.
- Thuốc ức chế β:
thuốc nhóm chẹn thụ thể β-1 được khuyên dùng do cải thiện được độ sống sót
trong suy tim. Nên dùng loại chẹn thụ thể β-1 chọn lọc (bisoprolol, metoprolol
succinate, và nebivolol). Nguyên tắc khởi đầu bằng liều thấp rồi tăng dần là
rất quan trọng. Nhóm ức chế β không chọn lọc không được sử dụng vì nguy cơ cao
gây co thắt phế quản nhất là trong giai đoạn bắt đầu. (Riêng carvedilol cũng có
tác dụng ức chế α nên có thể dùng).
- Digoxin: làm giảm
chức năng phổi do gây co mạch phổi. Rất ít khi dùng, trừ khi có rung nhĩ.
- Statins: không có
hiệu quả trên suy tim.
- Điều trị suy tim
trường hợp có phân suất tống máu giảm (reduced ejection fraction, REF): có thể
dùng các thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể (ARB), thuốc ức
chế β1 chọn lọc, và thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid/ aldosteron. Dùng
liều tăng dần.
- Điều trị suy tim
trường hợp có phân suất tống máu bảo tồn (PEF): dùng lợi tiểu để kiểm soát tình
trạng ứ nước và muối, điều trị huyết áp cao và thiếu máu cơ tim, kiểm soát nhịp
thất ở bệnh nhân có rung nhĩ.
- Suy tim với phù
phổi cấp nên sử dụng thông khí không xâm lấn kèm theo điều trị quy ước.
4.1.3. Bệnh tim thiếu
máu
Cần đánh giá ở tất cả
bệnh nhân BPTNMT. Có thể dùng bảng tính nguy cơ toàn thể theo Viện Tim Phổi
Huyết học Hoa Kỳ, và điều trị theo hướng dẫn hiện hành.
Trong đợt cấp BPTNMT,
bệnh nhân đã có bệnh tim thiếu máu thì nguy cơ tổn thương cơ tim càng tăng.
Troponine tim tăng thì tăng nguy cơ tử vong cả ngắn hạn (trong vòng 30 ngày)
lẫn dài hạn.
Điều trị bệnh tim
thiếu máu vẫn theo như các hướng dẫn hiện hành bất kể sự có mặt của BPTNMT và
ngược lại.
4.1.4. Loạn nhịp tim
Tần suất loạn nhịp
tim ước tính khoảng 12-14% bệnh nhân BPTNMT, trong đó rung nhĩ thường gặp và
liên quan trực tiếp đến FEV1 và các đợt kịch phát. Khi tình trạng khó thở
nặng lên thường hay có rung nhĩ, và rung nhĩ có thể là yếu tố thúc đẩy hoặc là
hậu quả của một đợt kịch phát cấp.
Có thể phản ánh sự
hiện diện của bệnh tim thiếu máu.
Rung nhĩ không làm
thay đổi điều trị BPTNMT. 3 nhóm thuốc LABA, kháng cholinergic và ICS là an
toàn. Tuy nhiên SABA và theophylline có thể thúc đẩy rung nhĩ và làm khó kiểm
soát nhịp thất.
Thuốc chủ vận β2:
dùng đường uống dài hạn gây nhiều tác dụng tim mạch không thuận lợi ở bệnh nhân
có suy tim do tác dụng tăng tính dẫn truyền và tăng co bóp, và dễ dẫn đến loạn
nhịp tim.
4.1.5. Bệnh mạch máu
ngoại biên
Tắc động mạch chi
dưới do xơ vữa, thường kèm theo xơ vữa mạch vành. Ảnh hưởng lên chức năng và
chất lượng cuộc sống.
4.2. BỆNH HÔ HẤP
4.2.1. Ngưng thở tắc
nghẽn khi ngủ
Bệnh nhân BPTNMT có
thể có thêm ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.
Hậu quả:
- Giảm độ bão hòa oxy
khi ngủ, tổng thời gian ngủ có giảm oxy máu và tăng CO2 máu nhiều hơn.
- Trong lúc ngưng thở
khi ngủ: oxy máu giảm nhiều hơn, loạn nhịp tim nhiều hơn.
- Tăng áp động mạch
phổi.
- Tiên lượng kém hơn.
Cần nghĩ đến ngưng
thở tắc nghẽn khi ngủ khi:
- Ngủ ngáy.
- Buồn ngủ ngày quá
mức.
- Giảm oxy-máu không
tương xứng với mức độ tắc nghẽn.
Chẩn đoán xác định: đo đa ký hô hấp
hoặc đa ký giấc ngủ.
Điều trị: xem xét thở máy
không xâm nhập CPAP hoặc BiPAP, dụng cụ hàm mặt, điều trị oxy nếu cần để bảo
đảm bão hòa oxy trên 90%.
4.2.2. Ung thư phổi
Nguy cơ: BPTNMT hay
phối hợp cùng ung thư phổi, nhất là ở bệnh nhân tuổi cao, tiền sử hút thuốc lá
nặng, có khí phế thũng.
Có thể chẩn đoán sớm
bằng chụp CLVT ngực liều thấp (low dose chest computed tomography, LDCT) có
hiệu quả cải thiện khả năng sống sót ở bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá ≥ 30
bao năm, vẫn đang hút hoặc bỏ chưa quá 15 năm. Tuy nhiên phương pháp này chưa
phổ biến vì tốn kém và có nhiều bất cập như can thiệp quá mức, theo dõi không
đầy đủ.
4.2.3. Giãn phế quản
Do 2 bệnh có cùng
triệu chứng hô hấp không đặc hiệu và bất thường chức năng phổi tương tự, và mặt
khác CNTK được sử dụng phổ biến hơn CLVT nên chẩn đoán giãn phế quản dễ bị bỏ
sót ở bệnh nhân hút thuốc lá, có ho khạc đờm và hạn chế lượng khí thở ra.
Lâm sàng: 2 đặc điểm nổi bật
là lượng đờm hàng ngày nhiều và thường có nhiều đợt kịch phát. Tần suất có Pseudomonas
aeruginosa định cư trong phế quản cao, và nguy cơ tử vong do mọi nguyên
nhân cao hơn. Khám phổi có thể nghe ran ứ đọng. Xquang ngực có thể thấy hình
ảnh tổ ong hoặc hội chứng phế quản.
Chẩn đoán xác định:
chụp CLVT ngực lớp mỏng 1 mm độ phân giải cao.
Điều trị: điều trị cả BPTNMT
và giãn phế quản trong đó chú trọng kiểm soát nhiễm trùng cấp và mạn. Lưu ý
trong trường hợp có giãn phế quản kèm theo thì ICS có thể không có chỉ định
trong điều trị BPTNMT, đặc biệt ở bệnh nhân có vi khuẩn định cư trong cây phế
quản và nhiễm trùng hô hấp dưới tái diễn, trừ khi bệnh nhân có eosinophil máu
cao và/hoặc dấu hiệu của tăng phản ứng phế quản. Điều trị thay thế trong trường
hợp này là macrolides hoặc roflumilast là điều trị có hiệu quả kháng viêm tăng
bạch cầu đa nhân trung tính và bệnh nhân có ho khạc mạn tính.
4.2.4. Lao phổi
Việt Nam là nước có
độ lưu hành bệnh lao cao. Lao là bệnh thường gặp, có thể có trước, hoặc sau khi
có chẩn đoán BPTNMT. Lưu ý lao phổi mới hoặc tái phát có thể bỏ sót trong quá
trình chăm sóc điều trị BPTNMT.
BPTNMT có nguy cơ cao
bị lao phổi, và là bệnh đồng mắc đứng hàng thứ hai sau tiểu đường ở bệnh nhân
lao. Tiền sử lao có tác động tiêu cực trên diễn tiến dài hạn của BPTNMT với tử
vong sớm hơn và tăng tần suất các đợt kịch phát.
BPTNMT cũng thay đổi
bệnh cảnh của lao và là yếu tố nguy cơ tăng bệnh tật và tử vong do lao. Khi có
lao đồng mắc BPTNMT, cần điều trị song hành 2 bệnh. Không có điều trị khác biệt
cho bệnh lao đồng mắc và ngược lại.
4.3. TRÀO NGƯỢC DẠ
DÀY - THỰC QUẢN
Được xem là một yếu
tố nguy cơ độc lập đối với các đợt kịch phát. Cơ chế chưa được hiểu rõ. Điều
trị bằng các thuốc ức chế bơm proton.
4.4. HỘI CHỨNG CHUYỂN
HÓA VÀ TIỂU ĐƯỜNG
Hội chứng chuyển hóa
Tồn tại 3/5 tiêu chí
sau đây:
- Béo bụng: vòng bụng
nam > 102 cm; nữ > 88 cm.
- Tăng huyết áp (SP ≥
130 và/hoặc DP ≥ 85 mmHg).
- Tăng Triglyceride
máu ≥ 1,7 mmol/L hoặc đang điều trị.
- Giảm HDL: nam <
1 mmol/L; nữ < 1,3 mmol/L hoặc đang điều trị.
- Đường huyết đói >
5,5 mmol/L hoặc đang điều trị.
Tần suất hội chứng
chuyển hóa khoảng trên 30%, tiểu đường cùng là bệnh thường gặp và ảnh hưởng đến
tiên lượng. Tiểu đường và BPTNMT vẫn điều trị như thông thường.
Hội chứng chuyển hóa
là một phức hợp các bất thường chuyển hóa có liên quan với nhau, kết hợp mạnh
với tử vong sớm do bệnh lý tim mạch. Hội chứng chuyển hóa tăng nguy cơ đái tháo
đường týp 2 và kháng insulin. BPTNMT có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng
chuyển hóa và đái tháo đường như: béo phì, xu hướng ít hoạt động, tăng các
stress oxid hóa và viêm, và điều trị bằng corticoid. Đái tháo đường và hội
chứng chuyển hóa ở người BPTNMT nhiều hơn gấp 1,5 lần so với dân số bình
thường. Điều trị hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường làm giảm nguy cơ bệnh
lý tim mạch, giảm nhiễm trùng phổi và giảm các đợt kịch phát. Đảo ngược tình
trạng đề kháng insulin làm giảm viêm và giảm suy sụp cơ xương.
Chiến lược điều trị
gồm: vận động, thay đổi về ăn uống, giảm cân, dùng thuốc giảm lipid máu và gây
đáp ứng insulin.
4.5. LOÃNG XƯƠNG
Hiện được xem là bệnh
đồng mắc thường gặp, bệnh nhân thường bị bỏ sót chẩn đoán và đi kèm với tình
trạng sức khỏe và tiên lượng xấu.
Hay gặp loãng xương
và gãy xương trong BPTNMT, đi kèm với khí phế thũng, giảm BMI, giảm khối lượng
cơ, tuổi cao, thường xuyên dùng corticoid, và thiếu vitamin D. Điều trị loãng xương
được điều trị như thông thường theo hướng dẫn, chủ yếu là giảm nguy cơ gãy
xương gồm thay đổi lối sống và dinh dưỡng, tăng cường calcium (1200-1500
mg/ngày) và vitamin D (800-1000 đơn vị/ngày) cho các bệnh nhân dùng corticoid.
Ngoài ra cần điều trị chống mất xương bằng bisphosphonates cho bệnh nhân có
nguy cơ gãy xương thấp đang dùng hàng ngày tương đương ≥ 7,5 mg prednison mỗi
ngày, và cho bệnh nhân có nguy cơ gãy xương trung bình hoặc cao dùng corticoid
ở bất kỳ liều nào.
Corticoid dùng đường
toàn thân tăng nguy cơ loãng xương, nên tránh dùng nhiều đợt liên tiếp
corticoid nếu được.
4.6. LO ÂU VÀ TRẦM
CẢM
Lo âu và trầm cảm là
những bệnh đồng mắc quan trọng trong BPTNMT, đi kèm với tiên lượng xấu. Yếu tố
nguy cơ của lo âu trầm cảm là: người trẻ tuổi, phái nữ, hút thuốc lá, FEV1 thấp, ho, điểm SGRQ
cao, tiền sử có bệnh tim mạch. Lo âu trầm cảm xảy ra trên BPTNMT, bên cạnh điều
trị BPTNMT cần phối hợp điều trị chống trầm cảm giống như các bệnh nhân trầm
cảm khác.
Phục hồi chức năng có
tác dụng tốt trên trầm cảm.
Chương
V
PHỤC
HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP VÀ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
5.1. ĐẠI CƯƠNG
5.1.1. Định nghĩa
Theo Hội Lồng ngực
Hoa Kỳ/Hiệp Hội Hô hấp châu Âu 2013 “PHCN hô hấp là một can thiệp toàn diện dựa
trên sự lượng giá cẩn thận người bệnh tiếp theo sau là chương trình điều trị
phù hợp với từng người bệnh bao gồm tập vận động, giáo dục sức khỏe và thay đổi
thái độ hành vi, được thiết kế nhằm cải thiện tình trạng thể chất và tâm lý của
người bệnh hô hấp mạn tính và khuyến khích tuân thủ điều trị lâu dài”.
5.1.2. Mục tiêu
Giảm triệu chứng, cải
thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng các hoạt động thể chất và xã hội trong
đời sống hàng ngày. Chương trình PHCN hô hấp đã được chứng minh mang lại nhiều
lợi ích. (Bảng 5.1)
Bảng
5.1. Những
lợi ích của chương trình PHCN hô hấp
Cải thiện khó thở,
tình trạng sức khỏe và khả năng vận động ở bệnh nhân ổn định.
|
Bằng chứng loại A
|
Giảm nhập viện
trong số bệnh nhân vừa ra khỏi đợt cấp ≤ 4 tuần.
|
Bằng chứng loại B
|
Giáo dục sức khỏe
đơn thuần không đem lại hiệu quả.
|
Bằng chứng loại C
|
Tự quản lý bệnh kèm
trao đổi với nhân viên y tế cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm nhập viện.
|
Bằng chứng loại B
|
5.1.3. Chỉ định và
chống chỉ định
Chỉ định: chương trình PHCN
hô hấp nên thực hiện ở tất cả những bệnh nhân BPTNMT ngay cả ở giai đoạn sớm.
Đặc biệt, PHCN hô hấp cần thực hiện đối với các trường hợp sau dù đã được dùng
thuốc tối ưu:
- Khó thở và các
triệu chứng hô hấp mạn tính.
- Chất lượng cuộc
sống kém, giảm tình trạng sức khỏe chung.
- Khó khăn khi thực
hiện các sinh hoạt hàng ngày.
- Lo âu, trầm cảm.
- Suy dinh dưỡng.
- Tăng sử dụng dịch
vụ y tế (đợt cấp và nhập viện nhiều, thăm khám nhiều lần…).
- Rối loạn trao đổi
khí bao gồm hạ oxy máu.
Chống chỉ định
- Có các vấn đề về
chỉnh hình hoặc thần kinh có thể làm hạn chế khả năng đi lại hoặc phối hợp
trong lúc tập vận động.
- Độ khó thở mMRC ≥
4.
- Có các bệnh phối
hợp như bệnh tâm thần, bệnh tim mạch không ổn định.
5.2. CÁC THÀNH PHẦN
CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHCN HÔ HẤP
Chương trình PHCN hô
hấp toàn diện bao gồm lượng giá bệnh nhân, tập vận động, tập cơ hô hấp, giáo
dục sức khỏe và tự quản lý bệnh.
5.2.1. Lượng giá bệnh
nhân
Lượng giá: trước khi tham gia
chương trình PHCN hô hấp:
- Đo CNTK và phân
nhóm ABCD theo GOLD.
- Đánh giá bệnh đồng
mắc: tim mạch, cơ xương khớp, tâm thần kinh.
- Đánh giá khả năng
gắng sức bằng các nghiệm pháp đi bộ.
- SpO2 giảm > 4% sau gắng
sức là có nguy cơ thiếu oxy máu khi gắng sức.
- Đánh giá sức cơ của
các cơ hô hấp và cơ tứ đầu đùi.
- Đánh giá dinh dưỡng
(cân nặng, khối nạc, % mỡ...).
- Đánh giá lo âu,
trầm cảm...
5.2.2. Tập vận động
Là thành phần chủ yếu
và bắt buộc của chương trình PHCN hô hấp và là cách tốt nhất để cải thiện hoạt
động cơ xương ở bệnh nhân BPTNMT.
Phương thức tập luyện
bao
gồm tập sức bền (endurance), tập sức cơ (strenght), các bài tập căng giãn, tập
cơ hô hấp.
- Tập sức bền: tập
chi dưới nhằm làm khỏe các cơ giúp đi lại và cải thiện hoạt động tim phổi. Tập
chi trên giúp giảm bớt khó thở và giảm bớt nhu cầu thông khí trong các hoạt
động dùng tay.
Cách tập: tập chi
dưới: dùng thảm lăn (khởi đầu từ 800m/giờ, tăng dần cho đến 5 km/giờ hoặc xe
đạp lực kế (khởi đầu bằng 30 vòng/phút) hoặc đi bộ trên mặt phẳng. Tập chi
trên: dùng máy tập tay cơ công kế (arm cycle ergometer), nâng tạ tự do hoặc
bằng đàn hồi.
- Tập sức cơ: lập đi
lập lại nhiều lần cùng một động tác làm gia tăng khối cơ và sức cơ tại chỗ, nên
vận động nhịp nhàng, tốc độ kiểm soát từ chậm đến trung bình, kết hợp với hít
vào khi giãn cơ và thở ra khi co cơ. Các cơ nên tập: cơ tứ đầu đùi, cơ tam đầu,
cơ nhị đầu, cơ Delta, cơ ngực lớn…
Cách tập: chi dưới:
đạp xe, nâng chân, băng đàn hồi, bước bậc thang, bài tập ngồi đứng…; chi trên:
máy tập (khởi đầu 50 vòng/phút không kháng lực), nâng tạ tự do (khởi đầu: 1/4
kg - 1 kg), băng đàn hồi, ném bóng… Lập lại 8 - 12 lần/động tác x 1 - 3
đợt/buổi tập x 2 - 3 ngày/tuần.
Các bài tập căng
giãn: cải thiện các bất thường về tư thế và dáng đứng có ảnh hưởng đến hoạt
động hô hấp như cứng cột sống, lệch cột sống, nhô vai, lệch vai….; bao gồm cả
chi trên lẫn chi dưới như bắp tay, bắp chân, khoeo chân, cổ, vai…
- Tập cơ hô hấp: tập
vận động cơ hô hấp có thể được thêm vào bài tập vận động, giúp tăng cường hoạt
động của cơ hô hấp và giảm bớt khó thở trong sinh hoạt hàng ngày. Tập cơ hô hấp
chỉ định cho những bệnh nhân có bằng chứng hoặc nghi ngờ yếu cơ hô hấp. Dụng cụ
tập cơ hô hấp là dụng cụ nhỏ gọn, giúp người bệnh tăng khả năng hít vào. Số lần
tập trung bình: 30 lần/15 phút.
Cường độ tập luyện: cần phù hợp với độ
nặng của bệnh, mức độ hạn chế do triệu chứng bệnh, bệnh lý đi kèm và sự năng
động của từng người bệnh. Thường sử dụng các điểm triệu chứng để điều chỉnh và
duy trì mức độ vận động như
- Thang điểm Borg.
Điểm Borg 4 - 6 là mục tiêu thích hợp khi luyện tập.
- Nhịp tim trong lúc
tập sao cho xấp xỉ 75% nhịp tim tối đa (NTTĐ) theo công thức:
NTTĐ
= 220 - tuổi.
Các biện pháp hỗ trợ: để việc tập vận
động có thể đạt hiệu quả tối ưu:
- Thuốc giãn phế quản
trước khi tập vận động giúp cải thiện khả năng gắng sức.
- Thở oxy: đối với
bệnh nhân giảm bão hòa oxy khi gắng sức, oxy giúp tăng khả năng gắng sức và
giảm khó thở. Đối với bệnh nhân không hạ oxy máu khi gắng sức, oxy giúp gia
tăng hiệu quả tập sức bền. Đối với bệnh nhân đang thở oxy dài hạn tại nhà nên
tăng lưu lượng oxy khi vận động.
- Dụng cụ hỗ trợ đi
lại: một số bệnh nhân nên sử dụng các dụng cụ như gậy, khung đẩy có bánh xe
(wheeled walking aid) với tư thế chồm người ra phía trước với điểm tựa ở hai
tay giúp giảm bớt khó thở và tăng khả năng gắng sức.
5.2.3. Giáo dục sức
khỏe - kỹ năng tự xử trí bệnh
Nội dung: các chủ đề giáo dục
sức khỏe được liệt kê ở bảng 5.2.
Bảng
5.2. Các
nội dung giáo dục sức khỏe
Giáo dục kiến thức
- Sinh lý hô hấp và
sinh lý bệnh học của BPTNMT.
- Đối phó với bệnh
phổi mạn tính và các chuẩn bị cuối đời.
- Du lịch, giải
trí, tình dục.
- Dinh dưỡng đúng
cách.
- Bảo toàn năng
lượng và các cách đơn giản hóa công việc.
|
Giáo dục kỹ năng
- Các phương pháp
làm sạch phế quản.
- Ích lợi của vận
động và duy trì các tập luyện thể chất.
- Các phương pháp
tập thở.
- Sử dụng thuốc
đúng cách, bao gồm cả oxy.
|
Giáo dục hành vi
- Phòng ngừa và
chẩn đoán sớm đợt cấp BPTNMT.
- Kiểm soát lo âu
và sợ hãi, bao gồm cả phương pháp thư giãn và xử trí stress.
- Cai thuốc lá.
|
- Các phương pháp tập
thở: bao gồm thở chúm môi, thở ra chủ động, các tư thế đối phó khó thở và cách
phối hợp giữa tập thở và các hoạt động thường ngày.
- Các kỹ thuật làm
sạch phế quản: bao gồm ho hữu hiệu, kỹ thuật thở ra mạnh (forced expiratory
technique - FET, dẫn lưu tư thế và vỗ rung.
Kỹ năng tự quản lý
bệnh:
người
bệnh được khuyến khích tham gia chủ động và hướng đến cuộc sống lành mạnh, tích
cực với chất lượng cuộc sống cao. Hướng dẫn bệnh nhân biết sử dụng bảng kế
hoạch điều trị cá nhân hóa được xây dựng trước đó để đối phó với các diễn biến
sớm của đợt cấp. Cần xây dựng mối giao tiếp cởi mở, thân thiện và quan tâm, chú
ý đến tâm tư tình cảm và nhu cầu thật sự của người bệnh, phát hiện những vấn đề
về tâm lý thường gặp như lo âu, trầm cảm, mất tự tin, ngại giao tiếp.
5.3. XÂY DỰNG CHƯƠNG
TRÌNH PHCN HÔ HẤP
5.3.1. PHCN hô hấp
giai đoạn ổn định
PHCN hô hấp có thể tổ
chức ngoại trú, nội trú hoặc tại nhà. PHCN hô hấp ngoại trú được áp dụng rộng
rãi nhất, hiệu quả, an toàn, và tiện lợi, bao gồm ≥ 20 buổi tập hay kéo dài 6 -
8 tuần với ≥ 3 buổi tập mỗi tuần hoặc 2 buổi tại cơ sở y tế và 1 buổi tập tại
nhà có giám sát. Mỗi buổi tập khoảng 20 - 30 phút; nếu bệnh nhân mệt có thể bố
trí những khoảng nghỉ ngắn xen kẽ trong buổi tập. Một ví dụ thiết kế chương
trình PHCN hô hấp kéo dài 8 tuần được trình bày trong phụ lục 8. PHCN hô hấp
nội trú áp dụng cho hỗ trợ nhóm, thiếu sự phối hợp của các nhân viên y tế từ
nhiều lĩnh vực, dụng cụ tập luyện không đồng nhất…
5.3.2. PHCN hô hấp
sau đợt cấp
PHCN hô hấp có thể
khởi đầu sớm ngay trong đợt cấp khi bệnh nhân còn đang nằm viện. Khởi đầu PHCN
hô hấp sớm < 3 tuần sau đợt cấp giúp cải thiện khả năng gắng sức, giảm triệu
chứng, tăng CLCS, giảm tử vong và giảm tỉ lệ tái nhập viện.
+ Nếu bệnh nhân nặng,
hôn mê, nằm ở khoa hồi sức/săn sóc đặc biệt: chỉ tập vận động thụ động, cử động
khớp, kéo dãn cơ, kích thích điện cơ - thần kinh.
+ Nếu bệnh nhân tỉnh
táo: Tập di chuyển trên giường → ngồi cạnh giường → ngồi ghế → đứng → bước đi
trong phòng…
5.4. CHĂM SÓC GIẢM
NHẸ Ở BỆNH NHÂN BPTNMT GIAI ĐOẠN CUỐI ĐỜI
5.4.1. Hỗ trợ dinh
dưỡng
Đánh giá dinh dưỡng
- Dựa vào cân nặng
hoặc BMI: suy dinh dưỡng khi BMI < 21 kg/m2, hoặc sụt cân ngoài
ý muốn > 1% cân nặng trong 6 tháng gần đây, hoặc sụt cân ngoài ý muốn > 5%
cân nặng trong 1 tháng gần đây.
- Dựa vào chỉ số khối
không mỡ FFMI (Fat free mass index): khối không mỡ bao gồm các cơ quan, cơ,
xương và nước, có thể được ước tính bằng đo bề dày nếp gấp da, đo kháng trở
điện sinh học (bio - electric impedance). FFMI được tính bởi công thức FFM /
chiều cao2; gọi là gầy đét khi
FFMI < 16kg/m2
ở
nam và < 15kg/m2
ở
nữ.
Điều chỉnh suy dinh
dưỡng
- Chế độ ăn: tính
toán nhu cầu năng lượng cơ bản (nam 24 kcal/kg/24h, nữ 22kcal/kg/24h), có hiệu
chỉnh các hệ số hoạt động, mức độ tắc nghẽn, phân bố khẩu phần theo tỉ lệ đạm
1g/kg/ngày; béo 20 - 30 % và carbohydrat: 40 - 50 % tổng năng lượng hàng ngày.
Nên dùng khẩu phần giàu chất béo ở những bệnh nhân BPTNMT có tăng thán khí
trong máu với paCO2
>
50mmHg.
- Dùng thuốc: dùng
steroids đồng hóa kết hợp với tập vận động, uống hoặc tiêm bắp, từ 2 - 6 tháng
có thể giúp tăng khối không mỡ mà không tăng khối mỡ.
5.4.2. Hỗ trợ tâm lý
BPTNMT thường kèm
theo tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác, nhưng thường
không được nhận biết và điều trị đúng mức. Các bệnh lý tâm thần kinh có sẵn
cũng thường làm cho các rối loạn tâm lý nặng nề hơn.
Tầm soát
Đánh giá tình trạng
tâm lý xã hội bằng các bảng câu hỏi tầm soát (Hospital Anxiety and Depression
Questionnaire hay Beck Depression Inventory) và nhận biết các trạng thái tâm lý
đa dạng của bệnh nhân như lo lắng, sợ hãi, giận dữ, tội lỗi, bất chấp, oán
giận, buồn phiền, sầu khổ, vô dụng, tự cô lập, thất vọng…
Xử trí
Những bệnh nhân rối
loạn tâm lý trung bình và nặng nên được điều trị chuyên khoa. Các bệnh nhân còn
lại nên được tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn các kỹ năng đối phó với stress: tập thư
giãn, thả lỏng cơ, yoga…
5.4.3. Điều trị giảm nhẹ
khó thở
Khó thở kháng trị với
điều trị thông thường khá thường gặp, chiếm tỉ lệ 50% ở giai đoạn nặng, nhất là
những năm cuối đời, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và khiến cho
người bệnh hầu như tàn phế. Ngoài các thuốc giãn phế quản kinh điển, điều trị
giảm nhẹ hoặc xoa dịu khó thở bao gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng
thuốc.
Oxy liệu pháp
Thở oxy liên tục ở
bệnh nhân BPTNMT nặng có hạ oxy máu lúc nghỉ giúp giảm khó thở, giảm tử vong và
cải thiện chất lượng cuộc sống; không có bằng chứng thở oxy giảm khó thở ở bệnh
nhân BPTNMT nặng không có hạ oxy máu.
Thở máy không xâm
nhập
Thở máy không xâm
nhập áp lực dương tại nhà được chỉ định cho bệnh nhân tăng CO2 máu mạn tính (paCO2 ≥ 52 mmHg) có thể
giúp cải thiện thời gian sống còn.
Dẫn xuất thuốc phiện
Thường dùng Morphin
dạng viên uống phóng thích chậm liều trung bình 20mg/ ngày, điều chỉnh liều mỗi
tuần trong 4 - 6 tuần đầu (Bảng 5.3), lưu ý dạng Morphin phun khí dung không có
hiệu quả.
Bảng
5.3. Phác
đồ điều trị khó thở bằng Morphin ở bệnh nhân BPTNMT giai đoạn cuối đời
Phác đồ
|
Liều dùng
|
Khởi đầu
|
+ Khởi đầu với
Morphin uống 0,5mg 2 lần/ngày x 2 ngày, sau đó tăng lên 0,5mg uống mỗi 4 giờ
đến hết tuần 1.
|
Tăng liều
|
+ Nếu dung nạp, tăng
liều lên 1mg uống mỗi 4 giờ trong tuần 2; sau đó tăng thêm 1mg/ tuần cho đến
khi đạt liều thấp nhất có hiệu quả giảm khó thở.
+ Khi liều ổn định đã
đạt được (vd: không thay đổi liều đáng kể trong
2 tuần và giảm khó
thở), thay bằng Morphin dạng phóng thích
chậm với liều tương
đương.
|
Tác dụng phụ
|
+ Nếu bị nhiều tác
dụng phụ của Morphin (nôn ói, lú lẫn..), có thể thay thế bằng Hydromorphin
uống với liều tương đương (1mg Hydromorphin = 5mg Morphin).
+ Cho thuốc chống táo
bón và thuốc làm mềm phân để tránh táo bón do morphin.
|
Các biện pháp không
dùng thuốc
Các biện pháp có hiệu
quả giảm khó thở bao gồm vỗ rung thành ngực, thở chúm môi...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị
Xuyên, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn Viết Nhung và cộng sự (2010). Nghiên cứu tình
hình dịch tễ bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam. Tạp chí Y học
thực hành (704). Số 2/2010.
2. Bartlett J.G,
Sethi S, Sexton D.J, et al. (2017). Management of infection in
exacerbations of chronic obstructive pulmonary disease. UpToDate
3. Bestall J.C,
Paul EA, Garrod R, et al (1999). Usefulness of the Medical Research
Council (MRC) dyspnoea scale as a measure of disability in patients with
chronic obstructive pulmonary disease. Thorax, 54 (7), 581 - 6.
4. Bộ Y tế (2014).
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp.
5. Burge PS,
Calverley PMA, Jones PW, Spencer S, Anderson JA, Maslen TK (2000),
"Randomised, double blind, placebo controlled study of fluticasone
propionate in patients with moderate to severe chronic obstructive pulmonary
disease: the ISOLDE trial ", Br Med J, 320, pp. 1297-1303.
6. Burge S;
Wendzicha J.A. (2003). COPD exacerbations: definitions and classifications.
Eur Respir J Suppl, 41 46s-53s.
7. Fragoso E; André
S, Boleo-Tomé JP, et al (2016). Understanding COPD: A vision on phenotypes,
comorbidities and treatment approach. Rev Port Pneumol.; 22(2):101---111.
S.
8. Global strategy
for the Diagnosis, Management, and Prevention of Chronic Obstructive Pulmonary
Disease: Update 2018. http://ww.goldcopd.org
9. American Thoracic
Society, European Respiratory Society ATS/ERS statement (2013): Key
concepts and Advances in Pulmonary Rehabilittion - Am J Respir Crit Care Med
Vol188, Iss 8, pp e13 - e64.
10. American College
of Chest Physicians, American Association of Cardiovascular and Pulmonary Rehabilitation
(2007). Pulmonary rehabilitation: Joint ACCP/AACVPR evidence-based practice
guidelines; Chest;131;4S-42S.
11. Magadle R, McConnell
AK, Beckerman M, Weiner P (2007). Inspiratory muscle training in pulmonary
rehabilitation program in COPD patients. Respir Med; 2:1500-5.
12. O'Brien K, Geddes
EL, Reid WD, Brooks D, Crowe J (2008). Inspiratory muscle training compared
with other rehabilitation interventions in chronic obstructive pulmonary
disease: a systematic review update. J Cardiopulm Rehabil Prev;
28:38-41.
13. Wilkinson T,
Donaldson G, Hurst J, Seemungal T, Wedzicha J (2004). Early therapy
improves outcomes of exacerbations of chronic obstructive pulmonary disease. Am
J Respir Crit Care Med;169:398-1303.
14. Guell R, Casan
P, Belda J, Sangenis M, Morante F, Guyatt GH, Sanchis J (2000). Long-term
effects of outpatient rehabilitation of COPD: a randomized trial. Chest;117:976-983.
15. Markciniuk DD,
Goodridge D, Hernandez P (2007). Managing dyspnea in patients with advanced
COPD: A Canadian Thoracic Society clinical practice guideline. Can Respir J;
18(2): 69-78.
16. Bianchi R,
Gigliotti F, Romagnoli I, Lanini B, Castellani C, Grazzini M, Scano G (2004).
Chest wall kinematics and breathlessness during pursedlip breathing in patients
with COPD. Chest; 35:459-465.
17. Ferreira IM,
Brooks D, Lacasse Y, Goldstein RS. (2000) - Nutritional support for individuals
with COPD. Chest; 117:672 - 678.
18. Schols AMWJ, Fredrix
EW, Soeters PB,Westerterp KR, Wouters EFM (1991). Resting energy
expenditure in patients with chronic obstructive pulmonary disease. Am J
Clin Nutr; 5:983-987.
19. Creutzberg EC,
Wouters EF, Mostert R, Weling-Scheepers CA, Schols AM (2003). Efficacy of
nutritional supplementation therapy in depleted patients with chronic
obstructive pulmonary disease. Nutrition; 19:120-127.
20. Dowson CA, Cuijer
RG, Mulder RT (2004). Anxiety and self management behavior in chronic
pulmonary disease: what has been learned? Chron Respir Dis; 1:213-220.
21. McCathie HC,
Spence SH, Tate RL (2002). Adjustment to chronic obstructive pulmonary
disease: the importance of psychological factors. Eur Respir J; 19:47-53.
22. Halil Ibrahim
Yakan, Hakan Gunen, Erkan Pehlivan, Selma Aydogan (2017). The role of
Tuberculosis in COPD. International Journal of COPD 2017:12 323-
23. Jones, P,
Harding G, Berry P, et al (2009). Development and first validation of
the COPD assessment test. Eur Respir J, 34(3), 648-54.
24. Klaus F. Rabe,
Bianca Beghé and Leonardo M. Fabbri (2017), Peripheral eosinophil count as
a biomarker for the management of COPD: not there yet, Eur Respir J 2017;
50: 1702165.
25. Miravitlles M,
Vogelmeier C, Roche N, et all (2016), A review of national guidelines
for management of COPD in Europe, Eur Respir J 2016; 47: 625-637.
26. Miravitlles M,
Soler-Cataluđa JJ, Calle M, Soriano JB. (2013), Treatment of COPD by clinical
phenotypes: putting old evidence into clinical practice, European
Respiratory Journal 41: 1252-1256.
27. Plaza V, Álvarez F,
Calle M, et al (2017) “Consensus on the Asthma-COPD Overlap (ACO)
Between the Spanish COPD Guidelines (GesEPOC) and the Spanish Guidelines on the
Management of Asthma (GEMA)” Arch Bronconeumol. 53(8):443-449.
28. Martinez-Garcia
MA, Miravitlles M. (2017), Bronchiectasis in COPD patients: more than a
comorbidity? International Journal of COPD: 12 1401-1411.
29. Divo M, Cote C,
de Torres JP, et al (2012), Comorbidities and Risk of Mortality in
Patient with Chronic Obstructive Pulmonary Diseases. Am J respire Crit Care
Med Vol 186(2), pp 155-161, Jul 15.
30. Miravitlles M,
Mayordomo C, Artés M, Sánchez-Agudo L, Nicolau F, Segú JL. (1999), "treatment
of chronic obstructive pulmonary disease and its exacerbations in general
practice", Respir Med J, 93, pp. 173-179.
31. Ngô Quý Châu
và CS (2017). Bản dịch GOLD tiếng việt- Nhà xuất bản Y học.
32. Ngô Quý Châu
và CS (2002), “Tình hình chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai trong 5 năm 1996 - 2000”, Thông tin Y học
lâm sàng, NXB Y học, tr. 50 - 58.
33. Mirza S, Benzo
R, (2017), Chronic Obstructive Pulmonary Disease Phenotypes: Implications
for Care, Mayo Clin Proc; 92(7):1104-1112.
34. Stoller J.K,
Barnes P.J, Hollingsworth H (2017). Management of exacerbations of chronic
obstructive pulmonary disease. UpToDate
35. Weiss S.T,
Stoller J.K, Hollingsworth H (2017). Chronic obstructive pulmonary disease:
Prognostic factors and comorbid conditions. UpToDate
36. WHO (2013).
Package of essential noncommunicable (PEN) disease interventions for primary
health care in low-resource settings.
37. Yingmeng Ni
and Guochao Shi (2017), Phenotypes contribute to treatments, Eur Respir
J; 49: 1700054.
PHỤ LỤC 1. DANH MỤC THUỐC THIẾT YẾU
Tuyến y tế cơ sở
(Quận/Huyện và trạm y tế xã, phường): sẽ thực hiện cấp phát thuốc và quản lý
cho những bệnh nhân đã được tuyến trên chẩn đoán và chỉ định.
Thuốc
|
Liều
dùng
|
Cường beta 2 tác
dụng ngắn
|
Salbutamol
|
Salbutamol, ống
0,5mg/ml; tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch
Salbutamol 5mg/5ml,
truyền tĩnh mạch
Viên 4mg, uống ngày
4 viên, chia 4 lần, hoặc
Nang khí dung 5mg,
khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần, hoặc
Ventolin xịt
100mcg/lần xịt, xịt ngày 4 lần, mỗi lần 2 nhát
|
Terbutaline
|
Bricanyl 0,5mg/ml,
tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch
Viên 5mg, uống ngày
4 viên, chia 4 lần, hoặc
Nang khí dung 5mg,
khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần
|
Cường beta 2 tác
dụng kéo dài
|
Bambuterol
|
Dạng viên, uống 1-2
viên/ngày
|
Indacaterol
|
Dạng hít,
150mcg/lần hít, ngày hít 1 lần
|
Kháng cholinergic
|
Tiotropium
|
Dạng phun hạt mịn,
2,5 mcg/lần hít, ngày hít 2 hít/lần vào buổi sáng
|
Kết hợp cường beta
2 tác dụng ngắn và kháng cholinergic
|
Fenoterol/Ipratropium
|
Dạng khí dung (1ml
chứa Fenoterol 0,25 mg/Ipratropium 0,5mg), khí dung ngày 3 lần, mỗi lần pha
1- 2ml Fenoterol/ Ipratropium với 3 ml natriclorua 0,9%
Dạng xịt, liều 0,02
mg/ 0,05mg cho một liều xịt: xịt ngày 3 lần, mỗi lần 2 nhát
|
Salbutamol/Ipratropium
|
Nang 2,5ml chứa
Ipratropium bromide 0.5mg, salbutamol 2,5mg. Khí dung ngày 3 nang, chia 3 lần
|
Kết hợp cường beta
2 và kháng cholinergic tác dụng kéo dài
|
Indacaterol/Glycopyrronium
|
Dạng hít, Nang chứa
Indacaterol 110 mcg/glycopyrronium50 mcg. Hít ngày 1 nang vào
buổi sáng
|
Olodaterol/tiotropium
|
Dạng hít. Liều
2,5mcg/2,5mcg cho một liều hít; hít 2 liều vào buổi sáng
|
Vilanterol/Umeclidinium
|
Dạng hít. Liều
62,5mcg/25mcg cho 1 liều hít; hít 2 liều vào buổi sáng
|
Nhóm Methylxanthin
Chú ý: tổng liều
(bao gồm tất cả các thuốc nhóm methylxanthin) không quá 10mg/kg/ngày. Không
dùng kèm thuốc nhóm macrolid vì nguy cơ độc tính gây biến chứng tim mạch.
|
Aminophyllin
|
Ống 240mg. Pha
truyền tĩnh mạch ngày 2 ống. Pha 1 ống 240mg với 100 ml glucose 5%, truyền
tĩnh mạch chậm trong 30 phút. hoặc
Pha 1/2 ống với
10ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong cấp cứu cơn khó thở cấp.
|
Theophylin phóng
thích chậm (SR)
|
Viên 0,1g hoặc
0,3g. Liều 10mg/kg/ngày. Uống chia 2 lần.
|
Theophylin loại
thường
|
Viên 0,1g. Liều
uống 04 viên/ngày chia 4 lần.
|
Glucocorticosteroids
dạng phun hít
Chú ý: cần súc
miệng sau sử dụng các thuốc dạng phun hít có chứa glucocorticosteroid
|
Beclomethason
|
Dạng xịt chứa
100mcg/liều. Xịt ngày 4 liều, chia 2 lần
|
Budesonid
|
Nang khí dung
0,5mg. Khí dung ngày 2-4 nang, chia 2-4 lần, hoặc
Dạng hít, xịt, liều
200mcg/liều. Dùng 2-4 liều/ngày, chia 2 lần.
|
Fluticason
|
Nang 5mg, khí dung
ngày 2-4 nang, chia 2-4 lần
|
Kết hợp cường beta
2 tác dụng kéo dài và Glucocoticosteroids
|
Formoterol/Budesonid
|
Dạng ống hít. Liều
160mcg/4,5mcg cho 1 liều hít. Dùng 2-4 liều/ngày, chia 2 lần
|
Salmeterol/Fluticason
|
Dạng xịt hoặc hít.
Liều 50mcg/250mcg hoặc 25mcg/250mcg cho 1 liều. Dùng ngày 2-4 liều, chia 2
lần.
|
Fluticason/vilanterol
|
Dạng ống hít. Liều
100mcg/25mcg hoặc 200mcg/25mcg cho 1 liều hít. Dùng 1 liều/ngày
|
Glucocorticosteroids
đường toàn thân
|
Prednisolon
|
Viên 5mg. Uống ngày
6-8 viên, uống 1 lần lúc 8h sau ăn sáng.
|
Methylprednisolon
|
Viên 4mg, 16mg.
Lọ tiêm tĩnh mạch
40mg. Ngày tiêm 1-2 lọ
|
Chất ức chế
Phosphodiesterase 4
|
Chất ức chế
Phospho- diesterase 4
|
Roflumilast 500mcg.
Uống 1 viên/ngày
|
Kháng sinh
|
Nhóm beta
lactam/betalactam + clavulanic
Nhóm Cephalosporin
Nhóm Macrolide
(erythromycin, azithromycin…)
Nhóm Quinolone
(levofloxacin, moxifloxacin…)
|
PHỤ LỤC 2. ĐÁNH GIÁ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN
TÍNH VỚI BẢNG ĐIỂM CAT (COPD ASSESSMENT TEST)
Thang điểm CAT gồm 8
câu hỏi, cho bệnh nhân tự đánh giá mức độ từ nhẹ tới nặng, mỗi câu đánh giá có
6 mức độ, từ 0 -5, tổng điểm từ 0 -> 40.
Bác sỹ hướng dẫn bệnh
nhân tự điền điểm phù hợp vào ô tương ứng. Bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh
tương ứng với mức độ điểm như sau: 40-31 điểm: ảnh hưởng rất nặng; 30-21 điểm:
ảnh hưởng nặng; 20-11 điểm: ảnh hưởng trung bình; ≤ 10 điểm: ít ảnh hưởng.
Bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính của ông/bà như thế nào?
Hãy
sử dụng công cụ đánh giá CAT
Bộ câu hỏi này sẽ
giúp ông/bà và các nhân viên y tế đánh giá tác động của BPTNMT ảnh hưởng lên
sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của ông/bà. Nhân viên y tế sẽ sử dụng những câu
trả lời của ông/bà và kết quả đánh giá để giúp họ nâng cao hiệu quả điều trị
BPTNMT của ông/bà và giúp ông/bà được lợi ích nhiều nhất từ việc điều trị.
Đối với mỗi mục dưới
đây, có các ô điểm số từ 0 đến 5, xin vui lòng đánh dấu (X) vào mô tả đúng nhất
tình trạng hiện tại của ông/bà. Chỉ chọn một phương án trả lời cho mỗi câu.
PHỤ LỤC 3. ĐÁNH GIÁ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN
TÍNH VỚI BẢNG ĐIỂM mMRC
(MODIFIED
MEDICAL RESEARCH COUNCIL)
Bảng điểm đánh giá
khó thở mMRC
|
Điểm
|
Khó thở khi gắng
sức mạnh
|
0
|
Khó thở khi đi vội
trên đường bằng hay đi lên dốc nhẹ
|
1
|
Đi bộ chậm hơn
người cùng tuổi vì khó thở hoặc phải dừng lại để thở khi đi cùng tốc độ với
người cùng tuổi trên đường bằng
|
2
|
Phải dừng lại để
thở khi đi bộ khoảng 100m hay vài phút trên đường bằng
|
3
|
Khó thở nhiều đến
nỗi không thể ra khỏi nhà hoặc khó thở ngay cả khi thay quần áo
|
4
|
PHỤ LỤC 4. CÁCH SỬ DỤNG CÁC DỤNG CỤ PHÂN PHỐI
THUỐC
1. Bình hít định liều
(MDIs)
Bình hít định liều
(MDIs) là thiết bị phun hít cầm tay dùng lực đẩy để phân bố thuốc. MDI có hộp
kim loại có áp lực chứa thuốc dạng bột hoặc dung dịch, chất surfactant,
propellant, van định liều. Hộp kim loại này được bọc bên ngoài bằng ống nhựa,
có ống ngậm.
- Ưu điểm của MDIs:
dễ mang theo, khả năng phân bố đa liều, ít nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Nhược điểm: cần sự
khởi động chính xác và phối hợp tốt giữa động tác thuốc với hít vào. Kiểm tra
thuốc trong bình còn hay hết bằng cách: cho hộp thuốc vào trong một bát nước,
nếu hộp thuốc nổi và nằm ngang trên mặt nước nghĩa là trong bình hoàn toàn hết
thuốc.
- Kỹ thuật sử dụng
MDI
Hình
4.1p. Hướng
dẫn sử dụng bình hít định liều (MDIs)
2. Buồng đệm
- Ưu điểm:
+ Giúp cải thiện phân
bố thuốc, giảm lượng thuốc dính ở họng và mất vào không khí.
+ Hỗ trợ khi bệnh
nhân phối hợp kém hoặc khó sử dụng bình hít đơn thuần.
- Nhược điểm: dụng cụ
cồng kềnh, diện tiếp xúc với vi khuẩn nhiều hơn, do lực tĩnh điện có thể giảm
phân bố thuốc vào phổi.
- Buồng đệm có van:
cho phép thuốc ở trong buồng đệm tới khi bệnh nhân hít thuốc vào qua van một
chiều, ngăn bệnh nhân thở ra vào buồng đệm, cải thiện việc hít thuốc và thời
gian khởi động.
Kỹ thuật: gần tương
tự như trên, chỉ khác là thay vào việc ngậm trực tiếp vào đầu buồng đệm, bệnh
nhi hít thuốc qua mặt nạ nối với buồng đệm.
Hình
4.2p. Buồng
đệm có van và buồng đệm với mặt nạ
Hình
4.3p. Hướng
dẫn sử dụng buồng đệm với bình hít định liều
3. Bình hít bột khô
Accuhaler
Bình hít bột khô
(DPI) là thiết bị được kích hoạt bởi nhịp thở giúp phân bố thuốc ở dạng các
phân tử chứa trong nang. Do không chứa chất đẩy nên kiểu hít này yêu cầu dòng
thở thích hợp. Các DPI có khả năng phun thuốc khác nhau tùy thuộc sức kháng với
lưu lượng thở.
Ưu điểm của DPI là
được kích hoạt bởi nhịp thở, không cần buồng đệm, không cần giữ nhịp thở sau
khi hít, dễ mang theo, không chứa chất đẩy. Nhược điểm là đòi hỏi lưu lượng thở
thích hợp để phân bố thuốc, có thể lắng đọng thuốc ở hầu họng và độ ẩm có thể
làm thuốc vón cục dẫn đến giảm phân bố thuốc. Chú ý khi sử dụng: giữ bình khô,
không thả vào nước, lau ống ngậm và làm khô ngay sau hít, không nuốt viên nang
dùng để hít.
Hình
4.4p. Hướng
dẫn sử dụng Accuhaler
4. Bình hít bột khô
Turbuhaler
Ống hít có bộ đếm
liều hiển thị chính xác lượng thuốc còn lại. Nếu không có bộ đếm liều, kiểm tra
chỉ thị đỏ ở cửa sổ bên của thiết bị, khi thấy vạch đỏ là còn khoảng 20 liều.
Hình
4.5p. Hướng
dẫn sử dụng Turbuhaler
5. Respimat
Respimat là một dụng
cụ phân phối thuốc mới với thiết kế đặc biệt giúp tạo ra các hạt mịn dưới dạng
phun sương.
Hình
4.6p. Hướng
dẫn sử dụng Respimat
6. Breezhaler
Bộ Breezhaler gồm:
Một ống hít Breezhaler; Vỉ thuốc chứa viên nang được sử dụng trong ống hít.
Không sử dụng viên nang của dụng cụ Breezhaler với bất cứ ống hít nào khác,
không sử dụng ống hít Breezhaler với bất cứ thuốc nang nào loại khác. Không
nuốt viên nang. Bột chứa trong nang được sử dụng để hít.
Hình
4.7p. Hướng
dẫn sử dụng Breehaler
7. Khí dung
- Máy khí dung là
thiết bị chuyên dung dịch thuốc thành dạng phun để tối ưu hóa sự lắng đọng
thuốc ở đường hô hấp dưới. Các thuốc có thể sử dụng dưới dạng khí dung bao gồm
corticosteroid, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng cholinergic, kháng sinh, thuốc
làm loãng đờm. Có 2 dạng máy khí dung là dạng khí nén và siêu âm.
- Ưu điểm: sử dụng
cho bệnh nhân yếu hoặc không thể sử dụng thuốc dạng xịt, hít; bệnh nhân không
phối hợp động tác nhấn xịt và hít đồng thời, cho phép dùng liều thuốc lớn hơn.
Nhược điểm: cồng kềnh, thời gian cài đặt và sử dụng lâu hơn, giá thành cao hơn,
có thể cần nguồn khí nén hoặc oxy (với máy phun tia).
- Các dụng cụ bao
gồm: bộ nén khí, ống đựng thuốc, ống ngậm hoặc mask và dụng cụ đo liều thuốc.
Hình
4.8p.
Máy khí dung và cách sử dụng
* Cách sử dụng:
- Đặt trên mặt phẳng.
- Lắp các bộ phận của
máy và cắm nguồn điện.
- Rửa tay.
- Dùng ống nhỏ giọt
hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng nước muối sinh lý 0,9% (theo liều lượng đã
được bác sĩ quy định) cho vào cốc đựng thuốc. Nếu dùng loại thuốc đã pha sẵn
thì không cần dùng nước muối.
- Dùng ống nhỏ giọt
hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng thuốc (theo liều lượng đã được bác sĩ quy
định) cho vào cốc đựng thuốc cùng với nước muối. Có thể dùng loại đã phân sẵn
từng liều nhỏ trong ống nhựa.
- Đóng nắp.
- Gắn phần đầu của
ống đựng thuốc với ống ngậm hoặc mask.
- Gắn phần cuối của
ống đựng thuốc với ống nối phần nén khí.
- Đặt mặt nạ lên mặt
và chỉnh dây cho mặt nạ áp sát vừa khít (hoặc đưa ống ngậm vào miệng).
- Bật máy và kiểm tra
xem thuốc có được phun ra không.
- Thở chậm và sâu
bằng miệng (hít vào sâu, ngưng lại 1-2 giây rồi thở ra) cho đến khi hết thuốc
trong cốc đựng, khoảng 10-20 phút.
- Trong khi khí dung
định kỳ theo dõi đáp ứng của bệnh nhân để kịp thời phát hiện các bất thường.
- Dừng máy ngay khi
không thấy khí phun ra.
- Các tác dụng phụ
tại chỗ khi sử dụng máy khí dung: ho, khàn giọng, nhiễm nấm vùng hầu họng, kích
thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích da mặt nếu sử dụng mặt nạ. Do đó khi sử
dụng mask cần lắp vừa khít và sau khí dung nên súc miệng sạch.
- Sau khi dùng: tháo
mặt nạ hay ống ngậm, cốc đựng thuốc ra khỏi ống dẫn nhựa. Rửa mặt nạ, ống ngậm,
cốc đựng thuốc dưới vòi nước, để khô. Lắp trở lại vào ống dẫn rồi mở công tắc
cho máy chạy khoảng 10-20 giây để làm khô phía trong. Bầu khí dung, mặt nạ, ống
ngậm, dây nối với máy khí dung là các dụng cụ dùng riêng cho từng bệnh nhân.
Không được dùng chung để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
PHỤ LỤC 5. THỞ MÁY KHÔNG XÂM NHẬP Ở BỆNH NHÂN
BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
1. Tóm tắt các điểm
chính
- Thở máy không xâm
nhập trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được sử dụng nhằm 2 mục đích:
+ Thở hỗ trợ trong
các trường hợp có suy hô hấp mạn tính.
+ Điều trị suy hô hấp
cấp hoặc hỗ trợ điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Thở máy không xâm
nhập có nhiều ưu điểm như tiện lợi, an toàn, dễ chịu, dễ sử dụng, giá thành
thấp, tránh được đặt nội khí quản, giảm biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp và giảm
được ngày nằm viện điều trị.
2. Chỉ định của thông
khí nhân tạo không xâm nhập (BiPAP) ở bệnh nhân BPTNMT
- Trong đợt cấp khi
có ít nhất 2 tiêu chuẩn sau:
+ Khó thở vừa tới
nặng có co kéo cơ hô hấp phụ và hô hấp nghịch thường.
+ Toan hô hấp: pH ≤
7,35 và/hoặc PaCO2
≥
45mmHg.
+ Tần số thở > 25
lần/phút.
- Trường hợp bệnh
nhân có suy hô hấp mạn: có ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
+ PaCO2 ban ngày ≥ 52 mmHg
+ 50 mmHg < PaCO2 ngày < 52 mmHg và
có > 2 lần nhập viện/năm do suy hô hấp có tăng CO2 máu
+ 50 mmHg < PaCO2 ngày < 52 mmHg và
SaO2
ban
đêm < 88% trong ít nhất 5 phút với O2 ≥ 2l/ph.
3. Chống chỉ định
thông khí nhân tạo không xâm nhập
- Toàn trạng:
+ Không hợp tác, bệnh
nhân trong tình trạng kích thích.
+ Có rối loạn ý thức.
+ Mệt cơ hô hấp.
- Tuần hoàn:
+ Tình trạng sốc hoặc
rối loạn nhịp tim nặng.
+ Sau cấp cứu ngừng
tuần hoàn.
- Hô hấp:
+ Tràn khí màng phổi
chưa được dẫn lưu, chấn thương lồng ngực gây suy hô hấp nặng.
+ Tắc nghẽn đường hô
hấp trên.
+ Ứ đọng đờm nhiều,
ho khạc kém.
- Nôn, rối loạn nuốt,
Xuất huyết tiêu hoá cao, không có khá năng bảo vệ đường thở.
- Bệnh lý thần kinh
cơ cấp tính.
- Mới phẫu thuật răng
hàm mặt hoặc mổ dạ dày.
- Bỏng, chấn thương
đầu, mặt, béo phì quá nhiều.
4. Các bước tiến hành
- Phương tiện:
+ Máy thở không xâm
nhập BiPAP
+ Mặt nạ mũi, mặt nạ
mũi miệng.
- Người bệnh: được
giải thích và hướng dẫn về cách thở máy BiPAP.
- Nhân viên y tế: bác
sỹ và điều dưỡng được đào tạo và có kinh nghiệm trong điều trị thở máy không
xâm nhập.
- Các bước tiến hành
+ Xem lại chỉ định,
chống chỉ định của thở máy không xâm nhập.
+ Đặt các thông số máy
thở ban đầu
• Đặt FiO2 để duy trì FiO2 ≥ 92%.
• IPAP 8-12 cmH2O.
• EPAP 0-5 cmH2O.
• Áp lực hỗ trợ (PS) =
IPAP-EPAP; Áp lực chênh lệch giữa IPAP và EPAP nên duy trì khoảng 5cmH2O, BiPAP thường bắt
đầu IPAP/EPAP là 8/3 cmH2O hoặc 10/5 cmH2O.
+ Đặt các mức giới
hạn báo động: mức đặt tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể của mỗi bệnh
nhân.
+ Nối máy thở với
bệnh nhân. Giữ và cố định mặt nạ cho bệnh nhân quen dần trong vòng 5-10 phút
sau đó cố định mặt nạ sao cho đủ khít đảm bảo không rò khí nhưng không được quá
chặt.
+ Theo dõi SpO2, mạch, huyết áp, nhịp
thở. Làm xét nghiệm khí máu sau 30 phút đến 60 phút thở máy.
+ Mục tiêu cần đạt
được:
• SpO2 > 92%, PaO2 > 60 mmHg.
• PaCO2, pH bình thường hoặc
ở mức chấp nhận được.
• Nhịp thở ≤ 30
lần/phút.
+ Điều chỉnh thông số
máy thở
* PaO2 giảm
• Tăng FiO2 mỗi 10% để đạt SpO2 > 92%.
• Tăng IPAP và EPAP mỗi
lần 2cmH2O, có thể tăng IPAP
đến 20cmH2O và EPAP tăng đến
10-12cmH2O.
* PaO2 tăng: giảm FiO2 mỗi 10% để đạt SpO2 > 92%.
* PaCO2 tăng (pH < 7,3):
tăng IPAP và EPAP mỗi lần 2cmH2O, có thể tăng IPAP đến 20cmH2O và EPAP tăng đến
10-12cmH2O.
* PaCO2 giảm (pH > 7,45):
giảm IPAP và EPAP mỗi lần 2cmH2O.
5. Theo dõi
- Hoạt động của máy
thở, các áp lực đường thở, báo động.
- Tình trạng chống
máy: xem bệnh nhân có hợp tác với máy thở không. Nếu bệnh nhân không hợp tác
giải thích động viên hướng dẫn cho bệnh nhân hợp tác với máy thở.
- Theo dõi thường
xuyên: mạch, huyết áp, điện tim (trên máy theo dõi), SpO2, ý thức.
- Xét nghiệm khí
trong máu: 12 - 24 giờ/lần - tùy theo tình trạng bệnh nhân, làm cấp cứu khi có
diễn biến bất thường.
- X-quang phổi: chụp
1 - 2 ngày/lần, chụp cấp cứu khi có diễn biến bất thường.
6. Tai biến và xử trí
- Ý thức: cần theo
dõi ý thức xem bệnh nhân có tỉnh không (hôn mê: nguyên nhân toan hô hấp, suy hô
hấp tiến triển nặng lên...), nếu bệnh nhân hôn mê, xử trí đặt nội khí quản thở
máy xâm nhập.
- Tụt huyết áp
+ Theo dõi huyết áp.
+ Xử trí tụt huyết
áp: truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nếu cần.
- Tràn khí màng phổi
+ Biểu hiện: bệnh
nhân chống máy, SpO2
tụt,
tràn khí dưới da, khám phổi có dấu hiệu tràn khí màng phổi.
+ Xử trí: đặt dẫn lưu
màng phổi cấp cứu.
- Nhiễm khuẩn liên
quan thở máy: cần tuân thủ triệt để các nguyên tắc vô khuẩn bệnh viện để dự
phòng. Điều trị kháng sinh sớm và theo nguyên tắc xuống thang khi xuất hiện
nhiễm khuẩn.
- Loét/xuất huyết
tiêu hóa do stress: dự phòng bằng thuốc ức chế bơm proton.
- Theo dõi bệnh nhân
Nếu bệnh nhân dung
nạp tốt, các triệu chứng cải thiện:
+ Tần số thở < 30
CK/ph.
+ Tần số tim < 120
CK/ph.
+ Không loạn nhịp
tim.
+ Không còn cảm giác
khó thở, không co kéo cơ hô hấp phụ.
+ Nếu SpO2 > 90%, duy trì các
thông số, điều chỉnh mức FiO2 thấp nhất có thể được.
Nếu bệnh nhân dung
nạp máy không tốt, SpO2 < 90%:
+ Tăng EPAP 2-3,
chỉnh Fi02 giữ SpO2
>
90%.
+ Đánh giá lại Mask,
thay hay điều chỉnh nếu cần.
+ Nếu có biểu hiện
yếu cơ, tăng IPAP 2-3 cmH2O.
+ Nếu SpO2 < 90 %: tăng IPAP,
EPAP lên 3 cmH2O.
Đánh giá hiệu quả thở
máy không xâm nhập
Theo dõi bệnh nhân, ý
thức, các chỉ số sống, chỉ số SpO2.
- Hiệu quả tốt: bệnh
nhân ra khỏi tình trạng suy hô hấp và không còn chỉ định thở máy.
- Thông khí không xâm
nhập không hiệu quả: sau 60 phút TKNTKXN, các thông số PaCO2 tiếp tục tăng và PaO2 tiếp tục giảm hoặc
các triệu chứng lâm sàng tiếp tục xấu đi.
+ Xuất hiện chống chỉ
định.
+ Bệnh nhân khó chịu,
không dung nạp.
+ Tình trạng suy hô
hấp không được cải thiện khi đó cần kịp thời chỉ định đặt ống nội khí quản và
tiến hành thông khí nhân tạo xâm nhập.
Biến chứng
- Chướng bụng do khí
lọt vào dạ dày.
- Sặc vào phổi.
- Ù tai.
- Hở quanh mặt nạ,
viêm kết mạc do khí thổi nhiều vào mắt bệnh nhân.
- Bệnh nhân sợ khoảng
kín và không thích nghi với mask.
- Loét, hoại tử sống
mũi do áp lực.
- Khô đờm do không
làm ẩm.
- Chấn thương áp lực:
tràn khí màng phổi.
- Giảm cung lượng tim
do giảm tuần hoàn trở về.
PHỤ LỤC 6. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỆNH NHÂN
BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Ngày .... tháng .....
năm
Họ và tên bệnh nhân:
……………........ Giới: .............. Tuổi:...............
Địa chỉ:
................................................. Điện thoại: ...............................
Chỉ số FEV1:
Bác sỹ điều trị: Điện
thoại liên hệ:
SỨC
KHỎE TỐT - THỞ BÌNH THƯỜNG
|
Cảm thấy thoải mái
Không đau đầu,
chóng mặt
Ngủ ngon
|
Tràn đầy năng lượng
Sử dụng thuốc bình
thường
Lượng đờm bình
thường
|
Thuốc
thường dùng
|
Liều
dùng
|
Cách
dùng
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
ĐỢT
CẤP NHẸ - KHÓ THỞ HƠN
SỬ
DỤNG THUỐC TĂNG CƯỜNG - CẦN ĐI KHÁM BÁC SỸ
|
Ho nhiều hơn
Đờm nhiều, đặc hơn
bình thường
Mầu sắc đờm thay
đổi
Thở ngắn, không thể
đi bộ xa
|
Sử dụng thuốc nhiều
hơn bình thường
Ăn không ngon miệng
Ngủ không ngon giấc
Mệt mỏi
|
Thuốc
tăng cường
|
Liều
dùng
|
Cách
dùng
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
ĐỢT
CẤP NẶNG - KHÓ THỞ NẶNG
CẦN
KHÁM CẤP CỨU
|
Khó thở ngay cả khi
nghỉ ngơi
Buồn ngủ
Ho ra máu
Tức, nặng ngực
|
Lo lắng, sợ hãi
Dễ bị tỉnh giấc
Phù chân
Lú lẫn, nói ngọng
|
KHÁM
CẤP CỨU
ĐẢM
BẢO HÔ HẤP, DUY TRÌ ĐỘ BÃO HÒA OXY 88 - 92%
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC 7. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHCN HÔ HẤP 8
TUẦN
Xây dựng chương
trình PHCN Hô hấp 8 tuần
|
Tư vấn tham gia
chương trình
Khám lượng giá ban
đầu
Bảng câu hỏi CAT,
nghiệm pháp đi bộ
|
|
GIÁO
DỤC SỨC KHOẺ
|
Buổi
1
|
Buổi
2
|
Buổi
3 (Tại BV hoặc tại nhà)
|
Tuần
1
|
Kiến thức chung về BPTNMT
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: băng đàn
hồi
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: băng đàn
hồi
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: băng đàn
hồi
|
Tuần
2
|
Cách sử dụng các
dụng cụ hít
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: nâng tạ
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: nâng tạ
|
Thở chúm môi
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: nâng tạ
|
Tuần
3
|
Tập vận động trong
điều trị BPTNMT
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: ném bóng
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: ném bóng
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: ném bóng
|
Tuần
4
|
Tập thở và các
phương pháp thông đàm
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: BT ngồi
đứng
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: BT ngồi
đứng
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: BT ngồi
đứng
|
Tuần
5
|
Dinh dưỡng trong BPTNMT
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: đi cầu
thang
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: đi cầu
thang
|
Thở cơ hoành
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: đi cầu
thang
|
Tuần
6
|
Nhận biết và phòng
tránh đợt cấp
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: máy tập đa
năng cơ tay
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: máy tập đa
năng cơ tay
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: BT ngồi đứng
|
Tuần
7
|
Sống chung với
BPTNMT
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: máy tập đa
năng cơ chân
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: máy tập đa
năng cơ chân
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: đi cầu
thang
|
Tuần
8
|
Điều trị oxy tại nhà
ở bệnh nhân BPTNMT
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: tập cơ hô
hấp
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: tập cơ hô
hấp
|
Ho hữu hiệu - FET
BT căng giãn
Sức bền: xe đạp lực
kế, thảm lăn, đi bộ…
Sức cơ: tập cơ hô
hấp
|
Lượng giá sau phục
hồi
CAT, nghiệm pháp đi
bộ
Tư vấn duy trì tập
luyện tại nhà, tự quản lý bệnh
Các phương tiện
liên lạc, tư vấn từ xa, lịch tái khám
Viết tắt:
BT: bài tập
FET: kỹ thuật thở
ra mạnh (forced expiratory technique)
|
PHỤ LỤC 8. NGHIỆM PHÁP ĐI BỘ 6 PHÚT
1. Mở đầu
Các nghiệm pháp đi bộ
là các nghiệm pháp gắng sức nhằm đo lường trạng thái chức năng hay khả năng của
người bệnh, chủ yếu là khả năng liên quan đến việc thực hiện các hoạt động
thường ngày, nhằm đánh giá đáp ứng của sự phối hợp chung của tất cả các hệ cơ
quan có liên quan đến gắng sức như hệ hô hấp, hệ thống tuần hoàn, chuyển hóa cơ
và hệ thần kinh cơ. Nghiệm pháp đi bộ 6 phút dễ thực hiện, dễ dung nạp và phản
ánh tốt nhất các sinh hoạt hàng ngày nên được chọn lựa áp dụng nhiều nhất cho
các bệnh nhân có bệnh lý tim - phổi.
2. Chỉ định (Theo ATS 2002)
Nghiệm pháp đi bộ 6
phút thường được sử dụng trong các trường hợp sau
So sánh trước và
sau điều trị
- Ghép phổi
- Phẫu thuật cắt
phổi
- Phẫu thuật cắt
giảm thể tích phổi
- Phục hồi chức
năng hô hấp
- BPTNMT
- Cao áp động mạch
phổi
- Suy tim
|
Trạng thái chức
năng (Đo 1 lần)
- BPTNMT
- Bệnh xơ nang
- Suy tim
- Bệnh mạch máu
ngoại biên.
- Bệnh xơ cơ
- Người già
|
Dự đoán bệnh suất
và tử vong
- Suy tim
- BPTNMT
- Cao áp động mạch
phổi nguyên phát
|
3. Chống chỉ định
3.1. Chống chỉ định
tuyệt đối
- Đau ngực không ổn
định trong một tháng trước đây.
- Nhồi máu cơ tim
trong một tháng trước đây.
3.2. Chống chỉ định
tương đối
- Nhịp tim lúc nghỉ ≥
120 lần/phút .
- Huyết áp tâm thu ≥
180 mmHg.
- Huyết áp tâm trương
≥ 100mmHg.
Các trường hợp có
chống chỉ định tương đối nên được xem xét lại bởi BS chỉ định nghiệm pháp và
nên được khám và xử trí bởi BS chuyên khoa tim mạch. Điện tâm đồ thực hiện
trong 6 tháng gần đây nên được xem xét.
4. Phương tiện - Dụng
cụ
4.1. Địa điểm
Hành lang thẳng có
mái che, ít gió, ít người qua lại, nền gạch bằng phẳng dễ đi, chiều dài tối
thiểu 30m. Nên có bờ tường dọc hai bên lối đi và vị trí thuận tiện để đến phòng
cấp cứu gần nhất. Đầu và cuối đoạn đường có đặt cột mốc đánh dấu. Điểm khởi
hành, chỗ vòng lại và đi tiếp đều được đánh dấu rõ trên mặt sàn. Đoạn đường đi
được đánh dấu mỗi 3 mét.
Lưu ý: tùy điều kiện
cơ sở vật chất, có thể chấp nhận khoảng đường đi 20 - 50 m (thay vì 30m)
Không sử dụng thảm lăn
thay cho mặt sàn trong nghiệm pháp này.
4.2. Các dụng cụ cần
thiết
- Đồng hồ đếm ngược.
- Dụng cụ đếm vòng
(nếu có).
- Cột mốc đánh dấu
điểm đầu và cuối đoạn đường đi.
- Ghế ngồi có thể di
chuyển theo lối đi bộ.
- Hồ sơ ghi chép (bao
gồm thang điểm Borg về mệt và khó thở).
- Nguồn oxy.
- Máy đo huyết áp.
- Máy đo SpO2 (nếu cần).
- Điện thoại hoặc các
phương tiện di chuyển đến phòng cấp cứu.
- Máy phá rung.
Thuốc cấp cứu: Nitrat
ngậm dưới lưỡi, Nifedipin 10mg ngậm dưới lưỡi, thuốc giãn phế quản cắt cơn Salbutamol
dạng hít hoặc khí dung.
5. Tiến hành
5.1. Chuẩn bị bệnh
nhân
- Người bệnh được
hướng dẫn trước để mặc quần áo thích hợp.
- Sử dụng giày hoặc
dép thuận tiện và quen thuộc (có thể không mang giày dép nếu thích).
- Có thể sử dụng gậy
chống hoặc xe đi vốn đã quen thuộc.
- Sử dụng thuốc men
như thường lệ nếu có.
- Có thể ăn nhẹ trước
khi thực hiện nghiệm pháp.
- Không vận động mạnh
hoặc gắng sức trong vòng 2 giờ trước nghiệm pháp.
5.2. Thực hiện nghiệm
pháp
- Người bệnh không
cần khởi động trước khi thực hiện nghiệm pháp.
- Người bệnh ngồi
nghỉ trên ghế gần điểm khởi hành ít nhất 10 phút. Trong lúc đó, đo mạch, huyết
áp, SpO2, kiểm tra lại các
chống chỉ định và xem lại quần áo giày dép bệnh nhân có thích hợp không. Cho
bệnh nhân đứng và tự ghi nhận điểm khó thở và mệt theo thang Borg.
- Hướng dẫn người
bệnh về cách tiến hành nghiệm pháp: cách đi dọc theo quãng đường đánh dấu, vòng
lại ở đoạn đầu và cuối quãng đường không do dự, dừng lại ngay khi có tiếng
chuông báo hiệu đã hết thời gian 6 phút. Cần nhấn mạnh các điểm sau:
+ Người bệnh cần đi
nhanh đến mức có thể được nhưng không được chạy.
+ Trong khi đi nếu
cảm thấy mệt, khó thở có thể đi chậm lại hoặc dừng lại, đứng dựa tường nghỉ mệt
và có thể tiếp tục đi ngay khi có thể.
+ Kỹ thuật viên nên
đi thử một đoạn đường cho người bệnh quan sát.
- Cho người bệnh đứng
tại điểm khởi hành. Vặn đồng hồ đếm ngược 6 phút, vặn dụng cụ đếm vòng (nếu có)
về số 0 ngay lúc người bệnh bắt đầu đi. Lưu ý kỹ thuật viên không đi cùng với
người bệnh, quan sát cẩn thận và bấm vào dụng cụ đếm vòng hoặc đánh dấu vào hồ
sơ mỗi vòng người bệnh đi được. Chỉ được dùng giọng nói đều đều để hướng dẫn và
thông báo cho người bệnh sau mỗi phút người bệnh đi được, tránh không khuyến
khích động viên người bệnh bằng giọng nói hoặc bằng động tác hình thể trong lúc
đi.
- Thông báo cho người
bệnh biết khi còn 15 giây cuối cùng, hô to đứng lại khi đồng hồ reo và đánh dấu
vị trí người bệnh đứng. Đưa ghế lại cho người bệnh ngồi nghỉ nếu người bệnh có
vẻ mệt. Đo SpO2, nhịp tim và điểm
Borg về mệt và khó thở sau nghiệm pháp.
- Nếu người bệnh cảm
thấy mệt và dừng lại, cho người bệnh biết có thể dựa vào tường để nghỉ và có
thể tiếp tục đi nếu bớt mệt. Không tắt đồng hồ trong lúc người bệnh nghỉ.
- Chỉ định ngưng
nghiệm pháp ngay lập tức nếu bệnh nhân có một hay hơn các triệu chứng sau:
+ Đau ngực.
+ Khó thở nhiều và
không cải thiện sau khi dừng lại vài phút.
+ Đau chân kiểu co
thắt.
+ Choáng váng, lảo
đảo.
+ Vã mồ hôi.
+ Nhợt nhạt hoặc tái
mét.
- Nếu người bệnh dừng
lại và từ chối đi tiếp trước khi hoàn tất 6 phút, hoặc có chỉ định ngưng nghiệm
pháp, đưa ghế đến cho bệnh nhân ngồi, ghi vào hồ sơ khoảng đường đi được, thời
điểm và lý do ngưng nghiệm pháp.
- Nếu người bệnh đang
thở oxy dài hạn và cần phải sử dụng oxy trong lúc thực hiện nghiệm pháp, cần
ghi rõ vào hồ sơ
+ Liều oxy thường
ngày và liều oxy lúc đi bộ (nếu khác nhau).
+ Loại dụng cụ cung
cấp oxy.
+ Cách bệnh nhân mang
theo dụng cụ cung cấp oxy khi thực hiện nghiệm pháp.
- Ghi nhận khoảng
cách đi bộ 6 phút bằng cách đếm số vòng đi được nhân với 60 mét rồi cộng với
quãng đường cuối cùng.
- Ghi kết quả vào mẫu
báo cáo kết quả nghiệm pháp đi bộ 6 phút.
Thang điểm khó thở và
mệt mỏi Borg
0
|
Không khó thở chút
nào
|
0,5
|
Khó thở rất, rất
nhẹ (mới cảm thấy)
|
1
|
Khó thở rất nhẹ
|
2
|
Khó thở nhẹ
|
3
|
Khó thở trung bình
|
4
|
Khó thở hơi nặng
|
5
|
Khó thở nặng
|
6
|
|
7
|
Khó thở rất nặng
|
8
|
|
9
|
Khó thở rất nặng,
gần như hết mức
|
10
|
Khó thở hết mức
(tối đa)
|
MẪU
KẾT QUẢ NGHIỆM PHÁP ĐI BỘ 6 PHÚT
Tên bệnh
nhân:………………………………………….Mã số………………………..
Giới:………….Chủng
tộc:…………..…Chiều cao…………Cân nặng…….………….
Huyết áp:………/………….
Thuốc dùng trước khi
thực hiện nghiệm pháp (liều dùng, cách dùng)………………….
Oxy liệu pháp trong
nghiệm pháp: Không Có ,lưu lượng …..…….lít/phút
Loại dụng cụ cung cấp
oxy……………………………………………………………
Cách bệnh nhân mang theo…………………………………………………………..
Các thông số lúc kết
thúc nghiệm pháp
Giờ bắt đầu……………….
giờ kết thúc……………..
Nhịp tim:………………………
Điểm khó thở
Borg…………….
Điểm mệt mỏi
Borg…………….
SpO2: Bắt đầu…………….….%,
kết thúc……..……….%
Ngưng hoặc tạm dừng
trước 6 phút: Không ___ Có___, lý do:…….……………..
Các triệu chứng xuất
hiện trong nghiệm pháp: đau ngực _____, chóng mặt _____
Đau ở hông, chân, bắp
chân________________, khác ……………………………..
Số vòng đi
được:…………………. khoảng đường cuối cùng:…………………………
Khoảng cách đi bộ 6
phút: (Số vòng x 60m) + Khoảng đường cuối cùng =
……………………………………………………………………………m
Khoảng cách ước
tính………………….m; % ước tính:…………………………%
Nhận
xét:……………………………………………………………………………
PHỤ LỤC 9: TIÊU CHUẨN CỦA ĐƠN VỊ QUẢN LÝ
BPTNMT
1. Chức năng, nhiệm
vụ của đơn vị quản lý BPTNMT
1.1. Chẩn đoán, điều
trị và quản lý BPTNMT
- Chẩn đoán xác định
và điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính
- Thực hiện quản lý,
nghiên cứu, báo cáo BPTNMT:
+ Quản lý bệnh nhân
theo tuyến.
+ Lưu trữ hồ sơ của
bệnh nhân (dạng giấy và phần mềm)
+ Thống kê số lượng
bệnh quản lý ngoại trú, nhập viện, cấp cứu, điều trị tích cực, số lượng bệnh
nhân tử vong, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến điều trị hàng năm.
1.2. Đảm bảo đủ máy
móc, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán và các thuốc thiết yếu điều trị bệnh phổi
mạn tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế
1.3. Thực hiện các
chức năng khác khi điều kiện cho phép
- Thực hiện việc cai
thuốc lá, thuốc lào.
- Phục hồi chức năng
hô hấp.
- Thực hiện truyền
thông về bệnh phổi mạn tính: tuyên truyền về ảnh hưởng của bệnh phổi mạn tính,
các biện pháp phòng ngừa và điều trị; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, lợi
ích cai thuốc lá và các phương pháp cai thuốc. Tổ chức truyền thông nhân ngày
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu, tuần lễ phòng chống tác hại thuốc lá thế
giới.
- Hỗ trợ các đơn vị
quản lý bệnh phổi mạn tính tuyến dưới triển khai hoạt động.
- Xây dựng và phát
triển các câu lạc bộ bệnh nhân bệnh phổi mạn tính để nâng cao hiểu biết của
bệnh nhân, giúp bệnh nhân tự quản lý bệnh tốt hơn.
- Thực hiện các hoạt
động nghiên cứu khoa học: lưu trữ các dữ liệu quản lý bệnh nhân, tập hợp báo
cáo số liệu và phối hợp triển khai nghiên cứu khoa học.
2. Tiêu chí của đơn
vị quản lý BPTNMT
Đơn vị quản lý BPTNMT
nên đặt tại khoa khám bệnh, có thể riêng biệt hoặc chung với phòng khám đa khoa.
2.1. Nhân sự
- Ít nhất 01 bác sĩ
được đào tạo về chẩn đoán, điều trị hen, BPTNMT.
- Ít nhất 01 điều
dưỡng/kỹ thuật viên được đào tạo về đo chức năng hô hấp.
2.2. Trang thiết bị
2.2.1. Trang thiết bị
thiết yếu cho phòng khám quản lý bệnh phổi mạn tính
- Phương tiện khám
lâm sàng cơ bản.
+ Bàn ghế khám bệnh,
thước đo chiều cao, cân, nhiệt kế, máy đo huyết áp, ống nghe.
+ Đèn đọc phim, đèn
cực tím, tủ lưu hồ sơ.
- Máy đo chức năng hô
hấp
+ Máy đo CNHH in được
3 đường trước thử thuốc, 3 đường sau thử thuốc, tách rời nhau.
+ Filter lọc khuẩn.
+ Thuốc (Salbutamol
MDI) và buồng đệm để làm test hồi phục phế quản.
- Máy khí dung thuốc
cấp cứu.
2.2.2. Thuốc thiết
yếu
Tuyến y tế cơ sở
(Quận/Huyện và trạm y tế xã, phường): sẽ thực hiện cấp phát thuốc và quản lý
cho những bệnh nhân đã được tuyến trên chẩn đoán và chỉ định.
Thuốc
|
Liều
dùng
|
Cường beta 2 tác
dụng ngắn
|
Salbutamol
|
Viên 4mg, uống ngày
4 viên, chia 4 lần, hoặc
Nang khí dung 5mg,
khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần, hoặc
Ventolin xịt
100mcg/lần xịt, xịt ngày 4 lần, mỗi lần 2 nhát
|
Terbutaline
|
Viên 5mg, uống ngày
4 viên, chia 4 lần, hoặc
Nang khí dung 5mg,
khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần
|
Cường beta 2 tác
dụng kéo dài
|
Formoterol
|
Dạng hít 4,5mcg/lần
hít. Hít ngày 2 lần, mỗi lần 2 hít
|
Salmeterol
|
Dạng xịt, 25mcg/lần
xịt, Xịt ngày 2 lần, mỗi lần 2 nhát
|
Indacaterol
|
Dạng hít,
150mcg/lần hít, ngày hít 1 lần một hít
|
Kháng cholinergic
|
Tiotropium
|
Dạng xịt hạt mịn,
2,5 mcg/lần hít, ngày hít 2 hít lần vào buổi sáng
|
Kết hợp cường beta
2 tác dụng ngắn và kháng cholinergic
|
Fenoterol/Ipratropium
|
Dạng khí dung (1ml
chứa Fenoterol 0,25 mg/Ipratropium 0,5mg), khí dung ngày 3 lần, mỗi lần pha
1- 2ml Fenoterol/ Ipratropium với 3 ml natriclorua 0,9%
Dạng xịt, liều 0,02
mg/ 0,05mg cho một liều xịt: xịt ngày 3 lần, mỗi lần 2 nhát
|
Salbutamol/Ipratropium
|
Nang 2,5ml chứa
Ipratropium bromide 0.5mg, salbutamol 2,5mg. Khí dung ngày 3 nang, chia 3 lần
|
Kết hợp cường beta
2 và kháng cholinergic tác dụng kéo dài
|
Indacaterol/Glycopyrronium
|
Dạng hít, Nang chứa
Indacaterol 110 mcg/glycopyrronium50 mcg. Hít ngày 1 nang vào
buổi sáng
|
Olodaterol/tiotropium
|
Dạng hít. Liều
2,5mcg/2,5mcg cho một liều hít; hít 2 liều vào buổi sáng
|
Vilanterol/Umeclidinium
|
Dạng hít. Liều
62,5mcg/25mcg cho 1 liều hít; hít 2 liều vào buổi sáng
|
Nhóm Methylxanthin
Chú ý: tổng liều
(bao gồm tất cả các thuốc nhóm methylxanthin) không quá 10mg/kg/ngày. Không
dùng kèm thuốc nhóm macrolid vì nguy cơ độc tính gây biến chứng tim mạch.
|
Aminophyllin
|
Ống 240mg. Pha
truyền tĩnh mạch ngày 2 ống. Pha 1 ống 240mg với 100 ml glucose 5%, truyền
tĩnh mạch chậm trong 30 phút. hoặc
Pha 1/2 ống với
10ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong cấp cứu cơn khó thở cấp.
|
Theophylin phóng
thích chậm (SR)
|
Viên 0,1g hoặc
0,3g. Liều 10mg/kg/ngày. Uống chia 2 lần.
|
Theophylin loại
thường
|
Viên 0,1g. Liều
uống 04 viên/ngày chia 4 lần.
|
Glucocorticosteroids
dạng phun hít
Chú ý: cần súc
miệng sau sử dụng các thuốc dạng phun hít có chứa glucocorticosteroid
|
Beclomethasone
|
Dạng xịt chứa
100mcg/liều. Xịt ngày 4 liều, chia 2 lần
|
Budesonid
|
Nang khí dung
0,5mg. Khí dung ngày 2-4 nang, chia 2 lần, hoặc
Dạng hít, xịt, liều
200mcg/liều. Dùng 2-4 liều/ngày, chia 2 lần.
|
Fluticason
|
Nang 5mg, khí dung
ngày 2-4 nang, chia 2 lần
|
Kết hợp cường beta
2 tác dụng kéo dài và Glucocoticosteroids
|
Formoterol/Budesonid
|
Dạng ống hít. Liều
160mcg/4,5mcg cho 1 liều hít. Dùng 2-4 liều/ngày, chia 2 lần
|
Salmeterol/Fluticason
|
Dạng xịt hoặc hít.
Liều 50mcg/250mcg hoặc 25mcg/250mcg cho 1 liều. Dùng ngày 2-4 liều, chia 2
lần.
|
Fluticason/vilanterol
|
Dạng ống hít. Liều
100mcg/25mcg hoặc 200mcg/25mcg cho 1 liều hít. Dùng 1 liều/ngày
|
Glucocorticosteroids
đường toàn thân
|
Prednisolon
|
Viên 5mg. Uống ngày
6-8 viên, uống 1 lần lúc 8h sau ăn sáng.
|
Methylprednisolon
|
Viên 4mg, 16mg.
Lọ tiêm tĩnh mạch
40mg. Ngày tiêm 1-2 lọ
|
Chất ức chế
Phosphodiesterase 4
|
Chất ức chế
Phospho- diesterase 4
|
Roflumilast 500mcg.
Uống 1 viên/ngày
|
Kháng sinh
|
Nhóm beta
lactam/betalactam + clavulanic
Nhóm Cephalosporin
Nhóm Macrolide
(erythromycin, azithromycin…)
Nhóm Quinolone
(levofloxacin, moxifloxacin…)
|