BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4276/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số
40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày
31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản
lý Khám, chữa bệnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình hành động Quốc gia về
nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến
năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý
chất lượng khám bệnh, chữa bệnh quốc gia nhằm bảo đảm và cải tiến chất lượng dịch
vụ y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Mục tiêu cụ thể và chỉ số
đánh giá
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ
bản khung pháp lý, chính sách, hệ thống tổ chức nhằm tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
- Hoàn thiện cơ bản các thể chế, chính
sách về quản lý chất lượng, quản lý sự cố y khoa, chính sách khuyến khích nâng
cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vào năm 2022.
- Đề xuất sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến quản lý chất
lượng và an toàn người bệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021).
- Cơ bản hoàn thiện hệ thống quản lý chất
lượng, lồng ghép quản lý chất lượng trong các hoạt động của bệnh viện vào năm
2020.
- Thúc đẩy việc thành lập tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập của Việt
Nam trước năm 2020.
b) Xây dựng và ban hành các
chuẩn chất lượng, các công cụ đánh giá,
đo lường chất lượng dịch vụ của cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh
- Hoàn thiện tối thiểu 5 Bộ Chuẩn năng
lực người hành nghề cho 5 nhóm chuyên khoa trước năm 2020.
- Ban hành Bộ Chuẩn chất lượng bệnh viện
vào năm 2020; hoàn thiện tối thiểu 1 Bộ chuẩn chất lượng cho cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh khác trước năm 2025.
- Ban hành và cập nhật thường xuyên hướng
dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho các bệnh
trong danh mục bệnh thường gặp và danh mục kỹ thuật có chi phí lớn vào năm
2020.
- Hoàn thiện tối thiểu 1 Bộ Chuẩn chất
lượng trong các lĩnh vực dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trước năm 2025.
- Hoàn thiện Bộ Tiêu chí và Sổ
tay hướng dẫn đánh giá chất lượng bệnh viện.
- Hoàn thiện Bộ Chỉ số đo lường đánh giá
chất lượng bệnh viện.
- Hoàn thiện Bộ Chuẩn chất lượng lâm sàng
cho 1 đến 5 bệnh thường gặp
- Hoàn thiện Hướng dẫn đánh giá sự hài
lòng của người bệnh và nhân viên y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
c) Thúc đẩy việc áp dụng
các phương pháp quản lý chất lượng và triển khai các chương trình can thiệp
nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
- Tối thiểu 30% số bệnh viện tham gia
chương trình đánh giá của tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập vào năm 2025.
- Trên 50% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở
lên và 30% bệnh viện tuyến huyện áp dụng tối thiểu một phương pháp quản lý chất
lượng, phù hợp với đặc điểm của bệnh viện vào năm 2018.
- Trên 70% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở
lên và 50% bệnh viện tuyến huyện có kế hoạch và đề án cải tiến chất lượng vào
năm 2018.
- Thiết lập các chương trình can thiệp
cải tiến chất lượng cấp Quốc gia trong một số lĩnh vực dịch vụ khám bệnh, chữa
bệnh: Chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng
thuốc an toàn, hợp lý, an toàn phẫu thuật, hệ thống báo cáo sự cố, sai sót y
khoa tự nguyện vào năm 2020.
- Trên 90% các bệnh viện được cơ quan
quản lý cấp trên đánh giá chất lượng bệnh viện và công bố mức chất lượng đạt
được của bệnh viện hàng năm từ năm 2016.
- Triển khai thí điểm chương
trình kiểm định chất lượng lâm sàng cho ít nhất một bệnh vào năm 2016 và mở
rộng cho 5 bệnh khác thuộc danh mục các bệnh thường gặp (tại Tiểu tiết 3, Tiết
b, Điểm 2, Khoản 1, Điều 1) vào năm 2020.
- Trên 20% số bệnh viện tuyến tỉnh tiến
hành đo lường và công bố chỉ số chất lượng vào năm 2018 và 70% vào năm 2025.
- Thiết lập hệ thống và thực hiện đánh
giá phản hồi của người bệnh, nhân viên y tế định kỳ từ năm 2016.
d) Nâng cao nhận thức về tăng
cường quản lý chất Iượng khám bệnh, chữa
bệnh, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- 90% nhân viên chuyên trách về quản lý
chất lượng bệnh viện, chuyên viên phụ trách quản lý chất lượng của Sở Y tế được
đào tạo cơ bản về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh vào năm 2020.
- Đạt tối thiểu 100 cán bộ chuyên trách
về quản lý chất lượng được đào tạo và cấp chứng nhận có thể tham gia làm đánh
giá viên về chất lượng bệnh viện vào năm 2020 và tối thiểu 200 cán bộ vào năm
2025.
- Trên 80% cán bộ quản lý trong bệnh viện
được tập huấn và nâng cao nhận thức về việc quản lý chất lượng khám bệnh, chữa
bệnh vào năm 2025.
- Trên 50% người hành nghề khám bệnh,
chữa bệnh được tập huấn về sự cần thiết tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh,
chữa bệnh và nắm được ít nhất 1 phương pháp cải tiến chất lượng vào năm 2025.
- Trên 80% người bệnh biết được quyền
và nghĩa vụ khi khám bệnh, chữa bệnh vào năm 2025.
- Trên 80% người bệnh hài lòng về chất
lượng khám bệnh, chữa bệnh vào năm 2025.
II. HOẠT ĐỘNG DỰ KIẾN
1. Xây dựng và hoàn thiện cơ
bản khung pháp lý, chính sách, hệ thống tổ chức nhằm tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
a) Xây dựng, ban hành và giám sát việc
triển khai thực hiện các văn bản pháp quy, quy định liên quan đến chất lượng
khám bệnh, chữa bệnh:
- Thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y
khoa
- Bộ Chuẩn chất lượng bệnh viện
- Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã; phòng khám đa khoa.
b) Xây dựng chính sách khuyến khích nâng
cao chất lượng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề:
- Thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi
cho việc thành lập Tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Cập nhật, điều chỉnh các quy định pháp
luật liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn và thông qua đánh giá
năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
c) Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng,
lồng ghép quản lý chất lượng trong các hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
- Tại Bộ Y tế: Thành lập Hội đồng quản
lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
- Tại Sở Y tế:
+ 100% Sở Y tế có cán bộ chuyên trách
hoặc kiêm nhiệm phụ trách công tác quản lý chất lượng; khuyến khích thành lập Hội
đồng Quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Sở Y tế.
+ 100% Sở Y tế có Chương trình hành động
nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh/thành phố
đến năm 2025.
- Tại các bệnh viện:
+ 100% bệnh viện thành lập Hội đồng quản
lý chất lượng bệnh viện.
+ 100% bệnh viện công lập có phòng quản
lý chất lượng hoặc tổ quản lý chất lượng
và nhân viên chuyên trách về quản lý chất lượng.
2. Xây dựng và ban hành các
chuẩn chất lượng, công cụ đánh giá, đo lường chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
a) Xây dựng Bộ Chuẩn chất lượng bệnh viện
và các Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ
sở khám chữa bệnh khác như: phòng khám đa khoa, trạm y tế xã...
b) Xây dựng Chuẩn năng lực người hành
nghề: bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt, hộ sinh, bác sĩ y học cổ truyền, bác
sĩ chuyên khoa nhi, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, kỹ thuật viên y học, kỹ thuật viên
chẩn đoán hình ảnh...
c) Xây dựng Danh mục bệnh thường gặp chiếm
80% tổng số lượt khám, chữa bệnh nội, ngoại trú và Danh mục kỹ thuật có chi phí
lớn chiếm 80% tổng chi phí điều trị nội trú và ngoại trú.
d) Xây dựng và ban hành hướng dẫn chẩn
đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho các bệnh và các kỹ
thuật được liệt kê trong danh mục bệnh thường gặp và danh mục kỹ thuật có chi
phí lớn. Cập nhật các hướng dẫn thuộc Danh mục trên, 02 năm một lần.
đ) Xây dựng Bộ Chuẩn chất lượng cho một
số lĩnh vực dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Chăm sóc người
bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn hợp lý, an toàn phẫu thuật, hồi sức cấp cứu...
e) Xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chí đánh
giá chất lượng bệnh viện, cập nhật 02 năm một lần làm cơ sở cải tiến chất lượng
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
f) Xây dựng, triển khai đánh giá thử nghiệm,
áp dụng đo lường và công bố Bộ Chỉ số chất lượng bệnh viện.
g) Xây dựng và triển khai thí điểm chương
trình kiểm định chất lượng lâm sàng ở một số bệnh thường gặp, kỹ thuật có chi
phí lớn. Mở rộng triển khai kiểm định chất lượng lâm sàng đến các bệnh khác vào
năm 2025.
h) Thực hiện đánh giá định kỳ sự hài lòng
của người bệnh và nhân viên y tế.
i) Tạo cơ sở dữ liệu về nhân lực, tài
chính, hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các phần mềm quản
lý, phần mềm hỗ trợ cho thầy thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh.
3. Thúc đẩy việc áp dụng
các phương pháp quản lý chất lượng và triển khai các chương trình can thiệp
nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
a) Hỗ trợ các bệnh viện lập kế hoạch,
đề án và áp dụng phương pháp quản lý chất lượng.
b) Xây dựng và phê duyệt Bộ giáo trình
đào tạo liên tục về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh (nâng cao).
c) Triển khai các khóa đào tạo liên tục
(cơ bản và nâng cao) về quản lý chất lượng cho nhân viên chuyên trách về quản
lý chất lượng bệnh viện, chuyên viên phụ trách quản lý chất lượng của Sở Y tế,
đào tạo đánh giá viên chất lượng.
d) Xây dựng và triển khai đề án đo lường
và công bố chỉ số chất lượng bệnh viện.
đ) Tổ chức các giải thưởng chất lượng
đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện thi đua, khen thưởng đối với tổ
chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cá nhân người hành nghề có chất lượng, có năng
lực chuyên môn và tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn.
e) Triển khai các chương trình can thiệp
cải tiến chất lượng cấp Quốc gia trong một số lĩnh vực: Chăm
sóc người bệnh, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an
toàn - hợp lý, hệ thống báo cáo sự cố,
sai sót y khoa tự nguyện.
f) Xây dựng Đề án kiểm định chất lượng lâm sàng, triển
khai thí điểm cho một bệnh và mở rộng cho các bệnh khác.
g) Xây dựng Đề án
đánh giá công nghệ y tế để đánh giá kỹ thuật, thuốc, trang thiết bị y tế mới.
4. Nâng cao nhận thức về
tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh
a) Xây dựng và triển khai Đề án truyền
thông nâng cao nhận thức về chất lượng y tế cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý bệnh
viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề.
b) Xây dựng và triển khai Đề án truyền
thông nâng cao nhận thức về chất lượng y tế, quyền và nghĩa vụ khi khám bệnh,
chữa bệnh cho người bệnh và cộng đồng.
c) Giới thiệu, phổ biến các sáng kiến
chất lượng của các đơn vị. Xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động tham quan,
học tập tại các cơ sở đã triển khai hệ thống, mô hình quản lý chất lượng bệnh
viện thành công.
d) Tổ chức hội thảo, diễn đàn
về quản lý chất lượng bệnh viện định kỳ nhằm chia sẻ thông tin, giới thiệu mô
hình, sáng kiến cải tiến chất lượng của một số bệnh viện. Bình chọn và trao giải
thưởng chất lượng bệnh viện hàng năm.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện khung pháp lý
cho tăng cường quản lý chất lượng và đo lường, giám sát, công bố chất lượng
Tập trung ưu tiên xây dựng danh sách ban
hành các hướng dẫn thực hiện, các bộ tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chí đánh
giá, chỉ số đo lường, theo dõi và giám sát chất lượng và xây dựng chính sách
khuyến khích nâng cao chất lượng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người
hành nghề.
2. Tổ chức hệ thống
a) Thúc đẩy việc thành lập Tổ chức chứng
nhận chất lượng độc lập và cơ chế đánh giá chứng nhận chất lượng, được Bộ Y tế thừa
nhận Tiêu chuẩn chất lượng và đủ điều kiện hoạt động theo quy
định tại Điều 13 Nghị định 87/2011/NĐ-CP.
b) Hỗ trợ thành lập các Tổ chức kiểm định
chất lượng để giám sát, đánh giá chất lượng
chuyên môn và tuân thủ hướng dẫn chuyên môn của người hành nghề, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự giám sát chất lượng chuyên môn.
c) Nghiên cứu thành lập hoặc giao nhiệm
vụ cho các tổ chức đủ năng lực thực hiện đánh giá công nghệ y tế; có cơ chế
khuyến khích nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp bằng chứng cho việc xây
dựng các chuẩn chuyên môn, chuẩn chất lượng, chỉ số chất lượng.
d) Củng cố nâng cao năng lực, thành lập
mới hoặc giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo sẵn có để thực hiện nhiệm vụ đào
tạo về quản lý chất lượng dịch vụ y tế.
3. Bảo đảm nguồn lực thực
hiện
a) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc đo lường và cải tiến
chất lượng.
Xây dựng và triển khai các đề án ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý bệnh
viện và trong y tế (bệnh án điện tử, telemedicine, các đề án khác).
b) Hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh phát
triển nguồn nhân lực bao gồm số lượng và năng lực cho người làm công tác quản
lý chất lượng.
- Đào tạo lực lượng chuyên gia về quản
lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả đào tạo trong nước và nước ngoài
nhằm tạo lực lượng hạt nhân, chuyên gia hỗ trợ, nghiên cứu về quản lý chất
lượng khám bệnh, chữa bệnh.
- Triển khai đào tạo cơ bản và đào tạo
nâng cao cho đội ngũ nhân viên chuyên trách về quản lý chất lượng cho các bệnh
viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Đào tạo về quản lý chất lượng cho đội
ngũ lãnh đạo và quản lý của các bệnh viện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kiến
thức, kỹ năng và có năng lực áp dụng các phương pháp chất lượng trong quản lý,
xây dựng và tham gia triển khai các đề án chất lượng của đơn vị, tham gia đo
lường và đánh giá chất lượng.
- Đào tạo, huấn luyện cho lực lượng chuyên
môn biết và có thể áp dụng một số phương pháp, công cụ chất lượng nhằm nâng cao
chất lượng chuyên môn và an toàn người bệnh trong quá trình hành nghề.
c) Bảo đảm nguồn lực về tài chính cho
xây dựng và triển khai các đề án cải tiến chất lượng.
- Bố trí nguồn tài chính xây dựng và triển
khai các đề án cải tiến chất lượng, huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà
nước, vốn viện trợ, vốn vay.
- Xây dựng các quy định, hướng dẫn về
ngân sách cho cải tiến chất lượng tại các bệnh viện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
để thực hiện các đề án cải tiến chất lượng. Quy định chính sách tài chính bảo
hiểm y tế về chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gắn mức giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh với mức đạt tiêu chuẩn chất lượng
của các bệnh viện và chính sách tài chính hỗ trợ triển khai đề án cải tiến chất
lượng.
d) Kinh phí
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình
này bao gồm:
- Kinh phí ngân sách nhà nước được bố
trí từ dự toán chi thường xuyên của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa
phương.
- Kinh phí hỗ trợ phát triển chính thức
(ODA); đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp,
nguồn thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và
các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
4. Truyền thông nâng cao
nhận thức về chất lượng và an toàn trong khám bệnh, chữa bệnh
a) Thực hiện các hoạt động truyền thông
nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người hành nghề về các vấn
đề liên quan đến chất lượng dịch vụ y tế, thay đổi nhận thức của người cung cấp
dịch vụ về chất lượng, các quan niệm về văn hóa chất lượng và xây dựng văn hóa
chất lượng.
b) Nâng cao nhận thức về quyền người bệnh,
vai trò của người bệnh và cộng đồng trong việc tham gia đánh giá chất lượng.
c) Nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh
đạo, quản lý y tế các cấp về chất lượng và an toàn trong khám bệnh, chữa bệnh,
có quan điểm đúng trong quá trình xây dựng khung pháp lý và thực thi các quy
định liên quan đến an toàn người bệnh.
d) Thông qua diễn đàn, hội thảo chất lượng
bệnh viện hằng năm để truyền thông nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm về
cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
5. Hợp tác quốc tế
a) Tăng cường hợp tác với các tổ chức, chuyên gia kỹ thuật của quốc tế và các nước
về chất lượng y tế nhằm đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong
việc triển khai các đề án cải tiến chất lượng.
b)Trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm
với các quốc gia và tổ chức quốc tế về quản lý chất lượng, hợp tác trong nghiên
cứu khoa học, phát triển các sáng kiến về chất lượng trong y tế.
IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện
Chương trình hành động, xây dựng các dự án cụ thể trình Bộ Y tế phê duyệt và
triển khai thực hiện; theo dõi, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương
trình hành động.
- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm
cấp phép hoạt động, quản lý, giám sát, hỗ trợ tổ chức chứng nhận chất lượng đối
với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
2. Vụ Tổ chức cán bộ
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tham mưu với Bộ Y tế và các
cơ quan có thẩm quyền:
- Hướng dẫn bổ sung chức năng, nhiệm vụ
về quản lý chất lượng của phòng nghiệp vụ y và cán bộ phụ trách quản lý chất lượng
các cơ sở khám, chữa bệnh, hệ thống tổ chức liên quan đến công tác quản lý chất
lượng.
- Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng,
lồng ghép quản lý chất lượng trong các hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thực hiện đánh giá định kỳ sự hài lòng
của người bệnh và nhân viên y tế.
3. Thanh tra Bộ Y tế
Chủ trì và phối hợp với Cục Quản lý Khám,
chữa bệnh trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức chứng
nhận chất lượng, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến
chứng nhận chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền.
4. Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Là cơ quan đầu mối tham mưu bố trí ngân
sách từ kinh phí sự nghiệp của Bộ Y tế, tìm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, ODA
cho việc thực hiện Chương trình hành động.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có
thẩm quyền liên quan xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi về phân bố ngân
sách sự nghiệp, mức giá dịch vụ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu
chuẩn chất lượng hoặc áp dụng các mô hình, phương pháp quản lý chất lượng có
hiệu quả; xây dựng Đề án đánh giá công nghệ
y tế.
5. Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo
- Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh và chỉ đạo các cơ sở đào tạo theo thẩm quyền,
chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương
trình đào tạo và đào tạo liên tục về quản lý chất lượng cho cán bộ, nhân viên
làm công tác quản lý chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cán bộ phụ
trách công tác quản lý chất lượng tại các cơ quan quản lý.
- Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh và các Vụ, Cục liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn về đào tạo liên tục
gắn với chứng chỉ hành nghề, xây dựng chuẩn năng lực người hành nghề.
- Chủ trì và chỉ đạo triển khai đánh giá
công nghệ y tế trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm.
6. Cục Công nghệ thông tin
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
và các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo triển khai
xây dựng và thực hiện các đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ sở dữ liệu về nhân lực, tài
chính, hoạt động chuyên môn trong bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm
hỗ trợ cho việc thực hiện đo lường chất lượng.
7. Vụ Pháp chế
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
trong xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan đến quản lý chất lượng trong
khám bệnh, chữa bệnh trình cơ quan có thẩm quyền
ban hành, hướng dẫn, giám sát việc triển khai thực hiện theo thẩm quyền.
8. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng
- Phối hợp xây dựng và triển
khai các đề án truyền thông liên quan đến quản lý chất lượng.
- Chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng
gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
9. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em:
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc xây dựng và triển khai Chương
trình kiểm định chất lượng lâm sàng, các chỉ số, tiêu chuẩn chất lượng liên
quan đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
10. Cục Quản lý Y dược cổ truyền.
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc xây dựng và triển khai Chương
trình kiểm định chất lượng lâm sàng, các chỉ số, tiêu chuẩn chất lượng liên
quan đến các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
11. Cục Phòng chống HIV và AIDS.
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc xây dựng và triển khai Chương
trình kiểm định chất lượng lâm sàng, các chỉ số, tiêu chuẩn chất lượng liên
quan đến các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực HIV và AIDS.
12. Các Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành.
- Xây dựng Chương trình hành động của
tỉnh/thành phố về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng:
thành lập Phòng quản lý chất lượng hoặc phân công cán bộ phụ trách về công tác
quản lý chất lượng.
- Xây dựng các hướng dẫn phù hợp với địa
phương nhằm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc trong việc áp dụng mô
hình, phương pháp bảo đảm và cải tiến chất lượng, đăng ký đánh giá và công nhận
chất lượng.
- Phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan chuyên
môn và các tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng trong việc chỉ đạo các
bệnh viện áp dụng thí điểm mô hình quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận
chất lượng.
- Thực hiện giám sát thường xuyên và đánh
giá hàng năm việc thực hiện quản lý chất lượng
của các cơ sở y tế công và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện việc đánh giá chất lượng dịch
vụ y tế là một trong các tiêu chí đánh giá cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tổng hợp việc thực hiện Chương trình
hành động của tỉnh/thành phố về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh,
chữa bệnh, báo cáo Bộ Y tế.
13. Bệnh viện và các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh khác
- Lập kế hoạch hàng năm về nâng cao năng
lực quản lý chất lượng để làm cơ sở thực hiện, theo dõi, đánh giá và báo cáo Bộ
Y tế, Sở Y tế để tổng hợp.
- Thiết lập hệ thống tổ chức về quản lý
chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp
quản lý chất lượng và triển khai các chương trình can thiệp nâng cao năng lực
quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
- Thực hiện nâng cao nhận thức về tăng
cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, từng bước xây dựng văn hóa chất
lượng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Sẵn sàng phối hợp hoặc tham gia xây dựng hoàn thiện khung pháp lý cho tăng
cường quản lý chất lượng, đo lường, giám sát, công bố chất lượng.
- Bảo đảm đầu tư nguồn lực để xây dựng
và triển khai các đề án cải tiến chất lượng.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc đo lường các chỉ số
đánh giá chất lượng bệnh viện, làm cơ sở xây dựng đề án cải tiến chất lượng.
- Tăng cường, chủ động thực hiện hợp tác
quốc tế, xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực và phát triển các sáng kiến cải tiến
chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý
Khám, chữa bệnh, Chánh Thanh tra Bộ và các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục
trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y
tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệu trưởng các
trường đại học chuyên ngành Y; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành và Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đ/c Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Trang TTĐT Cục QLKCB;
- Lưu: VT, KCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|
PHỤ LỤC 1:
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Tiêu chuẩn (Standard) Là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng
làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế -
xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới
dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.
Quy chuẩn kỹ thuật (Technical Requirement) Là quy
định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng
hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và
các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an
toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ
động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi
của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng
Tiêu chuẩn/Chuẩn chất lượng y tế (Healthcare Standards) Là các yêu cầu, mục đích, mong đợi hướng
đến để bảo đảm các sản phẩm, quy trình và dịch vụ cần đạt được và phù hợp với mục
đích đề ra.
Tiêu chí
(Criteria) Là các yếu tố dùng để đo lường hoặc kiểm tra, giám sát mức độ yêu cầu
cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.
Chỉ số (Indicators) Là đại lượng dùng để đo lường và mô tả
một sự vật hay một hiện tượng. Dựa vào chỉ số, có thể xác định được sự thay đổi của một sự vật hiện tượng. Thường chỉ số
là công cụ đo lường một khía cạnh cụ thể của tiêu chí, được thể hiện bằng con
số, tỷ lệ, tỷ số, tỷ suất.
Chuẩn năng lực (Competency Standard) Là những mức trình độ, khả năng đáp ứng được
nhu cầu công việc thực tế, được công nhận qua đánh giá, kiểm định theo những
chuẩn năng lực nghề nghiệp.
Quản lý chất lượng (Quality Management - QM) Bao gồm cấu trúc, chức năng và các quá trình hỗ trợ thực hiện một cách
hệ thống việc đo lường và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng.
Hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management System - QMS) Bao gồm hệ thống tổ
chức, các quy định, quy trình kỹ thuật và
nguồn lực để thực hiện quản lý chất lượng.
Bảo đảm chất lượng (Quality Assurance - QA) Là quá trình đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ
dẫn kỹ thuật, các quy trình và thực hiện những biện pháp cụ thể để thực hiện
được những điều đó. Đảm bảo chất lượng bao gồm lập kế hoạch và xây dựng những
tiêu chuẩn, xác định những chỉ số đánh giá, theo dõi sự tuân thủ thực hiện các
tiêu chuẩn đã vạch ra.
Kiểm soát chất lượng (Quality Control - QC) Là một quy trình quản lý nhằm đo lường các hoạt động thực tế dựa trên
những tiêu chuẩn thực hành chuẩn đã được xác định.
Cải tiến chất lượng (Quality Improvement - QI) Là phương pháp làm việc mang tính hệ thống và dựa trên số liệu nhằm nâng
cao chất lượng các quy trình làm việc, thông qua đó tăng cường chất lượng sản
phẩm/dịch vụ và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
Kiểm định lâm sàng (Clinical Audit) Là quá trình
đánh giá có tính hệ thống đối chiếu với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng đã đề ra
để đề xuất những thay đổi, hình thức theo dõi, giám sát giúp cải thiện khả năng
cung cấp dịch vụ y tế.
Công nhận/Chứng nhận chất lượng (Accreditation) Là việc xác nhận một tổ chức/đơn vị có năng
lực phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng.