ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4210/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày 21
tháng 09 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN " ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN GIAI
ĐOẠN 2015 - 2020"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005
của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng,
nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 phê
duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai
đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 về
việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Nghệ An đến năm 2020; số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ
An đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 10- NQ/TU ngày 04/4/2014
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế Nghệ An đến năm
2020;
- Căn cứ Quyết định số 97/2010/QĐ-UBND ngày 06/12/2010 của UBND tỉnh về việc phê
duyệt đề án Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 6169/QĐ-UBND
ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển
kinh tế xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại Tờ
trình số 2202/TTr-SYT ngày 01/9/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án " Phát triển y tế miền Tây tỉnh Nghệ An
giai đoạn 2015 - 2020" (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các
Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Thị Lệ Thanh
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN Y TẾ MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2015 ĐẾN 2020
(Kèm theo Quyết định số 4210 /QĐ-UBND ngày 21/09 /2015 của UBND tỉnh Nghệ
An)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT BAN
HÀNH ĐỀ ÁN
I. Đặc điểm tình
hình và thực trạng y tế tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An
1. Đặc điểm tình hình
Miền Tây Nghệ An có diện tích tự
nhiên 13.747 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, có 11 đơn vị hành
chính cấp huyện, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương,
Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa (gọi chung
là huyện miền Tây), có 217 đơn vị hành chính cấp xã (2.560 thôn/ bản), trong đó
có 195 xã miền núi (101 xã khu vực 3; 51 xã khu vực 2; 55 xã khu vực 1; 1.159
thôn/bản đặc biệt khó khăn), 27 xã biên giới với 419 km đường biên với nước
Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, có cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn), cửa
khẩu quốc gia Thanh Thủy, huyện Thanh
Chương và 03 cửa khẩu phụ (Tam Hợp, huyện Tương Dương; Thông Thụ, huyện Quế
Phong và Cao Vều, huyện Anh Sơn).
Dân số miền Tây 1.105.683 người
(chiếm 41% dân số toàn tỉnh), mật độ dân số bình quân 40 người/km2 (chung
toàn tỉnh 184 người/km2), đồng bào dân tộc thiểu số có 442.787 người
(chiếm 40% dân số toàn miền) gồm 6 dân tộc anh em sinh sống.
Miền Tây có địa bàn chiến lược đặc
biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối
ngoại của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Trong những năm qua được sự quan tâm
của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Tỉnh cũng như của Ngành y tế chăm lo sức
khỏe đồng bào các dân tộc, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, địa bàn phức tạp, điều
kiện kinh tế, xã hội chậm phát triển, hủ tục lạc hậu vẫn còn, tiềm ẩn nhiều
nguy cơ phát sinh dịch bệnh (sốt rét,..), các tệ nạn xã hội như: Tiêm chích ma
túy, mại dâm, nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng.
Công tác y tế trong mấy năm gần đây
tuy đã chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng
nhu cầu khám, chữa bệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát triển y tế miền Tây vừa là yêu
cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ đặc biệt
quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng,
an ninh lâu dài của tỉnh và cả nước.
2. Thực trạng công tác y tế 11
huyện miền Tây tỉnh Nghệ An
a) Hệ thống tổ chức mạng lưới y tế
Hệ thống tổ chức mạng lưới y tế ở các
huyện miền Tây Nghệ An gồm 11 Phòng Y tế; 2 bệnh viện đa khoa khu vực (BVĐKKV);
8 bệnh viện đa khoa huyện (BVĐK), trong đó có 06 Phòng khám đa khoa khu vực
(PKĐKKV); 11 Trung tâm Y tế huyện (TTYT), trong đó TTYT huyện Nghĩa Đàn có 90
giường bệnh (gb); 11 Trung tâm Dân số huyện; 217 TYT xã (Có 05 Trạm y tế Quân - Dân y kết hợp ở
các xã biên giới); 2.496 y tế thôn bản hoạt động. Toàn miền hiện có 1.505
giường bệnh, đạt 13,6 GB/vạn dân. (Biểu số 1)
b)
Nhân lực
Tổng số cán bộ có 3.155 người đạt
28,6 cán bộ/vạn dân, cán bộ người dân tộc thiểu số 935 người, chiếm 29,6%.
Trong tổng số cán bộ y tế có 465 bác sỹ (14,7% tổng số), cán bộ có trình độ sau
đại học 84 người (24,9%), Dược sỹ ĐH 76 người (0,25 DS/vạn dân) (Biểu số 2)
Trong đó:
- Phòng Y tế: 20 người, trong đó 10
bác sỹ (50%).
- Khối bệnh viện: Tổng số 1.513
người, trong đó 293 bác sỹ (19,4 %).
- Khối dự phòng: 386 người, trong đó
55 bác sỹ (14,2 %).
- Y tế xã: 1.257 người, trong đó bác
sỹ 124 (9,8%), xã có bác sỹ ổn định 57%; Y tế thôn bản (YTTB): 2.496/2.560 thôn
bản có YTTB hoạt động (YTTB không nằm trong tổng số cán bộ trên), đạt 97,5% (Biểu
2 b).
c) Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y
tế
- BVĐKKV và BVĐK huyện: BVĐK Tây Nam
đưa vào sử dụng tháng 5/2015; BVĐKKV Tây Bắc được đầu tư xây xây dựng tại địa
điểm mới, nhưng chưa hoàn thiện, hiện hoạt động tại cơ sở cũ, do đó ảnh hưởng
đến chất lượng khám, chữa bệnh; Các BVĐK huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp
cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, đã cơ
bản hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012-2013. Đối với 6 PKĐKKV trực thuộc BVĐK
huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh,
nguồn vốn 30a và vốn xã hội hóa.
- Trung tâm y tế huyện: 11 TTYT
huyện đến nay đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị
từ các nguồn kinh phí theo Nghị quyết 30/A/2008/NQ-CP
ngày 27/12/2008 của chính phủ, ngân sách tỉnh, các chương trình dự án viện
trợ,...Cơ bản đảm bảo hoạt động công tác chuyên môn phòng, chống dịch bệnh.
- Trạm y tế xã: Có 217 TYT xã,
được đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị từ các nguồn kinh phí (Ngân sách
tỉnh, huyện, các chương trình dự án, xã hội hóa), đến cuối 2014 có 116 xã đạt
tiêu chí quốc gia y tế (53,5%). Tuy nhiên còn một số Trạm y tế cơ sở hạ tầng
xuống cấp nghiêm trọng, thiếu trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám,
chữa bệnh cho nhân dân.
d) Hoạt động công tác chuyên môn
- Công tác y tế dự phòng
Trong thời gian qua tình hình dịch
bệnh ổn định, không có dịch lớn và dịch nguy hiểm xảy ra, các yếu tố dịch được
giám sát chặt chẽ, đặc biệt các dịch nguy hiểm xảy ra, đặc biệt bệnh sốt rét
giảm nhiều (Biểu 3)
- Công tác khám, chữa bệnh: Các bệnh
viện mới triển khai các dịch vụ kỹ thuật thông thường, chưa phát triển được các
kỹ thuật chuyên sâu
+ 02 BVĐKKV đạt bệnh viện hạng 2,
nhưng chưa hoàn chỉnh: BVĐKKV Tây Bắc: Hiện có 61 bác sỹ, bố trí 21 khoa/phòng,
thực hiện được nhiều kỹ thuật cơ bản, như: Hồi sức tích cực, mổ nội soi các
lĩnh vực về ngoại, sản, tai mũi họng, mổ Phaco, mổ kết hợp xương, cắt dạ dày,
tử cung, phẫu thuật Phaco, chạy thận nhân tạo, thay máu điều trị vàng da sơ
sinh... và bước đầu làm các xét nghiệm cận lâm sàng (Nuôi cấy vi khuẩn, làm
kháng sinh đồ),..; BVĐKKV Tây Nam: Có 25 bác sỹ, bố trí 17 khoa/phòng, thực
hiện được các kỹ thuật cấp cứu ban đầu về ngoại, sản,...
+ Các BVĐK huyện: Có 17 đến 28 bác
sỹ, bố trí 12 - 15 khoa, phòng (chủ yếu bố trí theo hệ, như: Nội - nhi - lây -
đông y thành một khoa, ngoại - sản - 3 chuyên khoa trong một khoa). Cơ bản mới
thực hiện khám, chữa bệnh thông thường và làm được 50 - 60 % danh mục kỹ thuật
được phê duyệt; Đánh giá theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, hầu
hết các bệnh viện xếp ở mức 2 đến mức 3 (mức 5 xếp loại bệnh viện tốt nhất).
+ Chỉ số khám, chữa bệnh so với toàn
tỉnh còn thấp (Biểu
số 4).
+ Trạm Y tế xã thực hiện chức năng
chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh thông thường và chuyển viện.
+ Y tế thôn bản thực hiện chăm sóc
sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh tại thôn, bản.
- Mạng lưới cung ứng thuốc: Được tổ chức rộng khắp từ
huyện đến xã. Bình quân có 1,3 điểm bán thuốc/2.500 dân. Việc cung ứng thuốc
phòng, chữa bệnh được cung ứng theo 2 nguồn: Thuốc BHYT tập trung tại các bệnh
viện (theo giá đấu thầu tập trung tại Sở Y tế) và được cung cấp về cho các trạm
y tế xã phục vụ khám, chữa bệnh BHYT; nguồn thuốc thứ 2 được cung ứng từ công
ty dược của các huyện và đại lý bán lẻ tại các địa phương để phục vụ nhân dân.
e) Hoạt động kết hợp Quân - Dân y: Ở
các huyện miền núi, vùng cao, biên giới trong công tác
phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và bộ đội; 100% đơn vị có kế hoạch đảm
bảo công tác y tế phục vụ khu vực phòng thủ và đảm bảo cho năm đầu chiến tranh,...
f)
Các chỉ tiêu cơ bản đạt được năm 2014
- 13,6 giường bệnh/vạn dân (không
tính giường bệnh Trạm y tế xã)
- 5 Bác sỹ/vạn dân; 0,25 Dược
sỹ/vạn dân
- 53,5% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc
gia y tế (Theo chuẩn mới)
- 75,9% số xã có bác sỹ công tác (kể
cả bác sỹ tăng cường)
- 97,5% thôn/bản có NVYT hoạt
động
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng (%): 18,9%
- Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS/ 100.000 dân:
260;
- Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân: 0,54
- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên:
1%
3. Hạn chế, nguyên nhân
a) Hạn chế
- Miền Tây Nghệ An, địa bàn rộng,
giao thông khó khăn, dân trí thấp, còn nhiều phong tục lạc hậu, tệ nạn mại dâm,
tiêm chích ma túy,..Công tác y tế phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân dân còn
nhiều bất cập, do đó chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới
tình trạng bệnh nhân vượt tuyến nhiều, gây quá tải cho tuyến trên đồng thời tốn
kém thời gian và tiền bạc của bệnh nhân.
- Công tác khám chữa bệnh còn nhiều
hạn chế, các bệnh viện mới đáp ứng được khám, chữa bệnh thông thường, chưa phát
triển được kỹ thuật chuyên sâu, thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến được phê
duyệt còn thấp. Một số lĩnh vực chuyên khoa chưa triển khai: Hồi sức cấp cứu,
nhi, nội tiết, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, xét nghiệm cận lâm sàng, y học
cổ truyền, tâm thần,..
+ Tần suất khám, chữa bệnh chung và
khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn thấp.
+ Việc thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá
chất lượng bệnh viện phần lớn đạt ở mức thấp (2 - 2,5/5).
- Trạm y tế xã chỉ mới thực hiện chức
năng khám, cấp thuốc thông thường BHYT và viết giấy chuyển viện.
- Tỷ lệ tham gia BHYT ở một số huyện
đạt thấp, như: Anh Sơn 60%, Thanh Chương 67,4%, Thái Hòa 67,5%, Quỳ Hợp 72%,...
- Vấn đề xử lý chất
thải một số bệnh viện chưa được đầu tư do đó ảnh hưởng đến môi trường.
- Về công tác y
tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh ATTP.
+ Tình hình bệnh sốt rét có nguy cơ
bùng phát dịch.
+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD ở các
huyện miền núi còn ở mức cao: Huyện Con Cuông 25,5%, Quế Phong 24%, Kỳ Sơn
23,8%, Quỳ Châu 21,9%, Quỳ Hợp 20%,...
+ Tình hình nhiễm HIV/AIDS có chiều
hướng gia tăng ở các huyện miền núi, đặc biệt ở huyện Quế Phong tỷ lệ nhiễm HIV
1.533/100.000 dân, Quỳ Châu 633/100.000 dân, Tương Dương 619/100.000
dân,...(Chung toàn tỉnh tỷ lệ nhiễm HIV 165/100.000 dân)
+ Vệ sinh ATTP: Vẫn còn trường hợp tử
vong do ngộ độc nấm rừng.
b) Nguyên nhân
- Vai trò lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo,
điều hành đối với công tác y tế của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa thực
sự vào cuộc; Vai trò quản lý nhà nước của Phòng Y tế huyện chưa được phát huy;
Công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát của ngành y tế chưa quyết liệt.
- Chất lượng chuyên môn khám, chữa
bệnh yếu do thiếu Bác sỹ cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các tuyến, đặc
biệt thiếu Bác sỹ có trình độ cao, bác sỹ các chuyên khoa (Chẩn đoán hình ảnh,
xét nghiệm, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, nội tiết,...), thiếu bác sỹ ở trạm
y tế xã; Biên chế cán bộ cho các đơn vị chưa đủ theo Thông tư số
08/2007/TTLT-BYT-BNVngày 05/6/2007 của Liên Bộ Y tế và Nội vụ.
- Cơ chế chính sách để thu hút cán bộ
y tế chưa phù hợp (chính sách tiền lương, phụ cấp) do đó khó thu hút Bác sỹ có
trình độ cao về công tác tại các huyện miền Tây.
- Thiếu trang thiết bị công nghệ cao
ở một số bệnh viện, thiếu trang thiết bị thiết yếu ở một số trạm y tế xã.
- Cơ sở hạ tầng tuy đã có nhưng chưa
hoàn thiện (BVĐKKV Tây Bắc còn dở dang) do thiếu kinh phí.
- Hệ thống y tế ở tuyến huyện còn nhiều
đầu mối, phân tán, không tập trung nguồn lực, khó quản lý.
- Trách nhiệm quản lý, điều hành của
Giám đốc một số đơn vị y tế còn hạn chế, thiếu năng động, trông chờ ỷ lại nhà
nước bao cấp.
- Công tác truyền thông giáo dục sức
khỏe tại các cơ sở còn hạn chế.
II. Các văn bản là
cơ sở xây dựng Đề án
- Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày
30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An
đến 2020;
- Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày
12/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày
04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội
miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày
04/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ
An "về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2020";
- Quyết định số 6169/QĐ-UBND ngày
20/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế
xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quyết định số 97/2010/QĐ.UBND ngày
06/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng
lưới Khám chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011- 2020”.
Phần II
MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN Y TẾ MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Đầu tư phát triển mạng lưới y tế miền
Tây tỉnh Nghệ An từng bước hoàn thiện, theo hướng vừa phổ cập vừa chuyên sâu,
giải quyết tại chỗ các trường hợp bệnh tật, phòng chống dịch bệnh và thảm họa,
thiên tai có hiệu quả; Phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, để
nhân dân các huyện miền Tây sớm được hưởng lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế thuận
tiện nhất, tốt nhất, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, đáp ứng
nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe
nhân dân. Góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần tích cực
vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Sắp xếp mạng lưới khám, chữa bệnh
trên địa bàn các huyện miền Tây phù hợp với khu vực và cụm dân cư, đáp ứng nhu
cầu khám, chữa bệnh của nhân dân;
b) Phát
triển nguồn nhân lực y tế, đến 2020 đạt 6,5 bác sỹ và 0,5 dược sỹ đại
học/vạn dân;
c) Phát triển và nâng cao chất lượng khám, chữa
bệnh: Phát triển các bệnh viện hoàn thiện về tổ chức, khoa, phòng theo phân
hạng bệnh viện, đến năm 2020 có 100% bệnh viện thực hiện 100% danh mục kỹ thuật
được phê duyệt, 20 - 50% danh mục kỹ thuật tuyến tỉnh. BVĐKKV Tây Bắc, Tây Nam
hoàn chỉnh bệnh viện hạng 2, xứng tầm bệnh viện khu vực, triển khai một số kỹ
thuật chuyên sâu, kỹ thuật tuyến tỉnh để tiếp nhận hỗ trợ cho các bệnh viện
trong vùng;
d) Đầu tư phát triển
mạng lưới y tế dự phòng từ tuyến huyện đến xã, nâng cao năng lực dự báo, giám
sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh; kiểm soát dịch bệnh qua biên giới, không
để dịch lớn xẩy ra; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư đến
năm 2020 ở mức < 165 người/100.000 dân;
e) Hoàn thiện mạng
lưới y tế tuyến xã và y tế thôn bản. Đến năm 2020, có 70% các xã đạt tiêu chí
quốc gia về y tế, 100% thôn bản có nhân viên y tế được đào tạo theo quy định;
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 16,5%;
f) Nâng cao năng lực
cung ứng, phân phối thuốc và trang thiết bị y tế, chủ động cung ứng đủ thuốc,
đảm bảo chất lượng và giá thuốc hợp lý;
g) Bảo đảm vệ sinh,
an toàn thực phẩm, ngăn ngừa không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn;
h) Thực hiện giảm tỷ
lệ sinh bền vững, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; quy mô dân số phù hợp với
sự phát triển KT-XH của tỉnh.
3. Các chỉ tiêu chính đến 2020
TT
|
Chỉ
tiêu
|
Năm
2014
|
Năm
2020
|
1.
|
Số giường bệnh/vạn dân (không tính
giường bệnh TYT xã)
|
13,6
|
15
|
2.
|
Bác sỹ/vạn dân
|
5
|
6,5
|
3.
|
Dược sỹ đại học/vạn dân
|
0,25
|
0,5
|
4.
|
Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia y
tế (%)
|
53,5
|
70
|
5.
|
Tỷ lệ xã có bác sỹ công tác (%)
|
75,9
|
90
|
6.
|
Tỷ lệ thôn/bản có NVYT hoạt động (%)
|
97,5
|
100
|
7.
|
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng (%)
|
18,9
|
16,5
|
8.
|
Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS/ 100.000 dân
|
260
|
165
|
9.
|
Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân
|
0,54
|
0,3
|
10.
|
Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên
(%)
|
1
|
<
1
|
II. Nhiệm vụ
trọng tâm phát triển y tế miền Tây đến 2020
1. Hoàn thiện mạng lưới y tế
- Bố trí sắp xếp màng lưới y tế các
huyện miền Tây phù hợp với từng vùng, địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám,
chữa bệnh, bảo vệ và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Hoàn thiện mạng lưới y tế y tế xã,
y tế thôn bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh thông
thường, sơ cứu ban đầu cho nhân dân tại địa phương.
2. Phát triển nguồn nhân lực
- Bổ sung nhân lực cho các đơn vị y
tế đủ số lượng và chất lượng; Tuyển dụng, đào tạo cán bộ đủ các chuyên khoa cơ
bản, đáp ứng yêu cầu công tác tại các đơn vị, 100% bệnh viện đến 2020 có đủ bác
sỹ chuyên khoa.
- Đến 2020, nhu cầu cán bộ 3.636
người, cần bổ sung thêm 477 người, trong đó 233 bác sỹ, trong đó đào tạo liên
thông từ y sỹ lên 110 người ( chủ yếu cho trạm y tế xã), tuyển dụng thêm 123
bác sỹ, 14 DSĐH,...
- Đào tạo chuyên sâu (theo chuyên
khoa, theo nhu cầu, theo ê-kíp tập trung các mũi nhọn); Đào tạo bác sỹ liên
thông cho tuyến xã và một số bệnh viện vùng cao (Biểu số 2).
3. Phát triển công tác khám, chữa
bệnh và phục hồi chức năng
- Nâng cao chất lượng khám, chữa
bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật vừa chuyên sâu vừa phổ cập tùy từng bệnh
viện, hoàn chỉnh bệnh viện hạng 2 đối với BVĐKKV và hạng 3 đối với BVĐK huyện,
cụ thể:
+ BVĐKKV Tây Bắc: Hoàn chỉnh kỹ thuật
của bệnh viện hạng 2, làm được một số kỹ thuật của bệnh viện hạng 1 (Điều trị
tiêu sợi huyết cấp cứu; Phẫu thuật chấn thương cột sống, thay chỏm xương đùi,
một số kỹ thật cấp cứu nhi khoa, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm mô bệnh học,...)
+ BVĐKKV Tây Nam: Hoàn thiện cơ bản
kỹ thuật của bệnh viện hạng 2, mổ được chấn thương thần kinh sọ não, kết hợp
xương, phẫu thuật nội soi tiết niệu, các kỹ thuật hồi sức cấp cứu tích cực,...
+ BVĐK tuyến huyện và TTYT Nghĩa Đàn:
Thực hiện cơ bản các kỹ thuật theo phân tuyến, đến 2020 có 100% bệnh viện mổ
nội soi tại bệnh viện; Củng cố hệ thống hồi sức cấp cứu, ngoại, sản, nhi và 3
chuyên khoa; BVĐK huyện Thanh Chương hoàn chỉnh cơ bản kỹ thuật bệnh viện hạng
2.
+ Bố trí sắp xếp PKĐKKV, duy trì các
PKĐKKV hoạt động có hiệu quả, mỗi PKĐKKV bố trí đủ cán bộ, trang thiết bị thiết
yếu (siêu âm, xét nghiệm, x quang).
+ Nâng cao chất lượng hoạt động TYT
xã, đủ năng lực làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại
xã.
- Phối hợp quân - dân y trong công
tác phòng chống dịch bệnh, thảm họa thiên tai, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng
khó khăn, biên giới cũng như trong diễn tập khu vực phòng thủ, tạo nguồn cho
xây dựng lực lượng dự bị động viên,...
4. Công tác y tế dự phòng, phòng
chống dịch bệnh, HIV/AIDS
a) Tăng cường giám sát, phát hiện các
bệnh truyền nhiễm, sốt rét, lao, sởi,.. Không để dịch lớn, dịch nguy hiểm xảy
ra, trường hợp có dịch xảy ra phải nhanh chóng bao vây, dập tắt, không để dịch
lan trên diện rộng.
b) Thực hiện các chương trình mục
tiêu y tế quốc gia đạt chỉ tiêu kế hoạch: Đề phòng và quản lý các bệnh không
lây nhiễm có xu hướng gia tăng như: bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh
nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích.
c) Đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS có
hiệu quả, giảm thiểu nhiễm HIV trong cộng đồng.
d) Tăng cường công tác công tác kiểm
tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
e) Nâng cao chất lượng dân số, thực
hiện đạt các chỉ tiêu về dân số.
f) Tích cực, chủ động phòng chống lụt
bão, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có lụt bão xảy ra nhằm khắc phục và
hạn chế tối đa các thiệt hại về y tế do bão lụt gây ra.
5. Phát triển trạm y tế xã, y tế
thôn bản
- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, đầu
tư phát triển hệ thống trạm y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực,
làm tốt nhiệm vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đến
2020 có 70% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế;
- Nâng cao năng lực hoạt động của y
tế thôn, bản làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý một số trường hợp
bệnh thông thường và sơ cứu tại nạn thương tích tại chỗ, đến 2020, 100% thôn
bản có nhân viên y tế hoạt động và cô đỡ thôn, bản ở những vùng khó khăn.
6. Phát triển y dược - học cổ
truyền
- Đến năm 2020, 100% bệnh viện tuyến
huyện có khoa y học cổ truyền, 100% trạm y tế xã có cán bộ y học cổ truyền hoạt
động, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt trên 20% tổng số khám, chữa
bệnh chung.
- Quy hoạch, phát triển, bảo tồn,
nuôi trồng, sản xuất, chế biến nguồn dược liệu sẵn có của từng địa phương; thừa
kế và phát huy những bài thuốc dân gian chứa bệnh có hiệu quả.
7. Phát triển mạng lưới cung ứng
thuốc, trang thiết bị
- Phát triển mạng lưới cung ứng thuốc
đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh; Đảm bảo thuốc, vật tư y tế tiêu hao, vac
xin, sinh phẩm, máu và chế phẩm máu đảm bảo công tác cấp cứu điều trị, phục vụ
bệnh nhân.
- 100% Trạm y tế xã có tủ thuốc, đảm
bảo thuốc thiết yếu phục vụ nhân dân.
- Cung cấp đủ trang thiết bị thiết
yếu cho các đơn vị dự phòng, bệnh viện, PKĐKKV, trạm y tế xã, cung cấp trang
thiết bị công nghệ cao cho các bệnh viện đủ điều kiện hoạt động để phát triển
các dịch vụ kỹ thuật; tăng cường công tác đào tạo, quản lý, vận hành sử dụng,
bảo trì bảo dưỡng để nâng cao chất lượng sử dụng trang thiết bị.
III. Giải pháp
1. Nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về y tế trên địa bàn
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác y tế.
- Phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo
của Phòng Y tế tuyến huyện đối với công tác y tế trên địa bàn.
- Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng
các đơn vị y tế trong quản lý, chỉ đạo điều hành, chịu trách nhiệm về mọi hoạt
động của đơn vị mình.
- Phối kết hợp chặt chẽ với các ban,
ngành liên quan, giải quyết các vấn đề về y tế nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ
và chăm sóc sức khỏe nhân nhân.
- Tăng cường công tác quản lý, thanh
tra, kiểm tra, giám sát các dịch vụ khám, chữa bệnh, một số vấn đề nhạy cảm,
bức xúc, như: y đức của cán bộ y tế, vấn đề xử lý chất thải bệnh viện, sử dụng
trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao
kỹ thuật, công nghệ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Mở rộng và thực hiện quyền tự chủ
về tài chính cho các đơn vị theo quy định của Nhà nước.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm
phiền hà cho người bệnh.
- Phát triển công nghệ thông tin
vào quản lý y tế, quản lý bệnh viện, 100% bệnh viện đến năm 2020 áp
dụng công nghệ thông tin vào quản lý
khám, chữa bệnh.
2.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe
- Đẩy mạnh công tác truyền
thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng dân cư, tận các thôn, bản về dịch bệnh,
bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tuyên truyền cho nhân dân các
dân tộc thiểu số dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nâng cao nhận thức về sức khỏe
để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tuyên truyền Luật BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
3.
Quy hoạch mạng lưới
- Thực hiện quy hoạch mạng lưới các
đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn các huyện miền Tây theo hướng thu gọn đầu
mối, tinh giản biên chế, bảo đảm bộ máy đồng bộ, ổn định, phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của các đơn vị đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ và chăm sóc sức
khỏe nhân dân.
- Thực hiện các hình thức chuyển đổi
phù hợp.
4. Phát triển nguồn nhân lực
a) Tiếp tục triển khai thực hiện các chế
độ, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, Đề án thu hút nguồn nhân lực của
tỉnh; Xây dựng kế hoạch (Đề án) phát triển nhân lực cho từng vùng, miền.
b) Biên chế đủ cán bộ cho các đơn vị y tế theo Thông tư liên tịch số
08/2007/TTLT - BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Liên bộ Y tế và Nội vụ, bổ sung đủ
cán bộ cho Phòng y tế tuyến huyện.
c) Hoàn
thành việc xây dựng và thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm trong các đơn
vị sự nghiệp y tế công lập; Xây dựng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức hợp lý; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công
chức, viên chức.
d) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo,
đào tạo cho các bệnh viện đủ các chuyên khoa cơ bản: Nội, ngoại, chấn thương,
sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt,
chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm,...đối với BVĐKKV có thêm chuyên khoa giải phẫu
bệnh...
e) Xây dựng kế hoạch và tăng cường
bác sỹ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (Theo Nghị quyết số 157/2014/NQ-HĐND
ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển
nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 124/2014/QĐ-UBND
ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định thực hiện chế
độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế hành nghề khám, chữa bệnh tại các
cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số
01/2015/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số
chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ
An).
5. Nâng cao chất lượng khám, chữa
bệnh
a) Tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao
chất lượng khám, chữa bệnh; Đề án nâng cao y đức tại các cơ sở khám, chữa bệnh;
Quy tắc ứng xử, giao tiếp trong bệnh viện, thay đổi phong cách giao tiếp với
người bệnh, làm hài lòng người bệnh, được cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất.
- Các bệnh viện tổ chức sắp xếp các
khoa phòng hợp lý để phát triển chuyên môn kỹ thuật:
+ Củng cố hệ thống xét nghiệm, chẩn
đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật và các chuyên khoa khác: Nội tiết,
lao, tâm thần, tai mũi họng, mắt,...
+ Đào tạo nhân lực gắn với phát triển
chuyên môn kỹ thuật y tế của từng bệnh viện.
+ Thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh để người bệnh
lựa chọn, tuân thủ quy chế chuyên môn.
- Tăng cường công tác phục hồi chức
năng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền tại các cơ sở điều trị và cộng
đồng.
- Đào tạo cán bộ vận hành, sử dụng
thành thạo các thiết bị y tế được cấp.
- Xây dựng trung tâm lưu trữ máu và
chế phẩm máu tại BVĐKKV Tây Bắc và Tây Nam đáp ứng công tác cấp cứu và điều trị
bệnh nhân.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa
học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng trong chẩn đoán và điều trị.
b) Tăng cường chuyển giao kỹ thuật từ
tuyến trên cho tuyến dưới (theo Đề án 1816) bằng nhiều hình thức và hiệu quả
thiết thực, như: Cầm tay chỉ việc, cử cán bộ tuyến dưới lên tuyến trên học, tuyến
trên xuống chuyển giao cho tuyến dưới. Phân công trách nhiệm các bệnh viện tuyến
tỉnh giúp đỡ hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho từng bệnh viện để nâng cao chất
lượng khám, chữa bệnh (Biểu số 6).
c) Mở rộng mô hình Quân - Dân y kết
hợp phục vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội các xã
biên giới, khó khăn.
6. Đảm bảo công tác y tế dự phòng,
phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS
- Tăng cường đào tạo chuyên khoa cho
cán bộ y tế dự phòng, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, xử lý dịch. Duy
trì thường xuyên các hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh, phòng, chống dịch
bệnh; không để dịch sốt rét và dịch nguy hiểm bùng phát.
- Đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm vệ
sinh, an toàn vệ thực phẩm, không để các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra.
- Đầu tư cơ sở điều trị thay thế
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại các huyện (Kỳ Sơn,
Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa) đạt hiệu
quả.
- Xây dựng phương án phòng, chống và
khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ và phòng, chống tai nạn và thương tích.
7. Phát triển trạm y tế xã, y tế
thôn, bản
- Tăng cường công tác đào tạo, đào
tạo lại, tập huấn chuyên môn, quản lý để nâng cao chất lượng hoạt động của cán
bộ trạm y tế xã, thực hiện được các dịch vụ y tế thông thường, thu hút bệnh
nhân khám, chữa bệnh.
- Biên chế đủ cán bộ cho trạm y tế xã
cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo cơ cấu hợp lý, bổ sung nhân viên y tế thôn,
bản, cô đỡ thôn, bản ở những vùng khó khăn theo quy định.
- Tập trung nguồn lực, kêu gọi xã hội
hóa đầu tư trạm y tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về
y tế xã, duy trì kết quả của các xã đã đạt, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho nhân dân.
- Cung cấp đủ túi y tế cho nhân viên
y tế, túi đỡ đẻ cho cô đỡ thôn, bản để đội ngũ này làm tốt công tác truyền
thông, phòng, chống dịch bệnh, xử lý một số trường hợp bệnh thông thường và sơ
cứu tại nạn thương tích tại chỗ, giúp đỡ đẻ thường tại thôn, bản đặc biệt ở các
xã vùng biên giới, khó khăn.
8.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
a)
Cơ sở hạ tầng
- Tập trung kinh phí đầu tư hoàn thiện BVĐKKV Tây Bắc để
cuối 2016 đưa vào sử dụng; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các
bệnh viện đạt tiêu chuẩn môi trường (hệ thống xử lý chất rắn và chất thải lỏng).
- Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng cho các Trạm y tế xã (Theo Nghị quyết
số 95/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định số 52/2013/QĐ.UBND
ngày 19/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về cơ chế hỗ trợ đầu tư xây
dựng, nâng cấp cơ sở vật chất Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015).
b)
Trang thiết bị
- Cung cấp trang thiết bị thiết yếu cho các bệnh viện,
Phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế theo danh mục quy định của Bộ Y tế từ các
nguồn vốn hợp pháp (Thông qua các nguồn: dự án GAVI cho 127 xã; Dự án Hỗ trợ y
tế Bắc Trung Bộ, vay vốn Ngân hàng Thế giới; Dự án Tăng cường năng lực tỉnh
Nghệ An, vay vốn ODA - Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp cho các bệnh viện và
trạm y tế xã).
- Đầu tư trang thiết bị công nghệ cao cho BVĐKKV Tây Bắc,
Tây Nam và một số bệnh viện đủ điều kiện phát triển kỹ thuật (Biểu 5b).
- Tăng cường công tác quản lý, bảo trì bảo dưỡng trang
thiết bị, nâng cao hiệu quả trang thiết bị vào công tác chẩn đoán và điều trị;
Điều chuyển trang thiết bị từ nơi thừa sang nơi thiếu, nơi sử dụng không hiệu
quả cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí.
9.
Đảm bảo cung ứng thuốc và phát triển y dược học cổ truyền
- Xây dựng mạng lưới cung ứng, phân phối thuốc từ huyện đến
xã, tận thôn, bản. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân ở
các tuyến. Bảo đảm chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu
có chất lượng tốt với giá cả hợp lý; 100% trạm y tế có tủ thuốc phục vụ tại
trạm; đảm bảo 2 quầy thuốc/10.000 dân.
- Tăng cường công tác quản lý về chất lượng thuốc chữa
bệnh, bình ổn giá thuốc trên địa bàn.
- Ứng dụng các bài thuốc cổ truyền, dược liệu quý phục vụ
phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
- Xây dựng Đề án sản xuất, chế biến dược liệu tại vùng Phủ
Quỳ; Quy hoạch bảo tồn nguồn dược liệu quý, như: Sâm ngọc linh, trà hoa vàng ở
vùng rừng núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong,...
10. Giải pháp về tài chính và đầu tư
- Huy động các nguồn lực từ nguồn của
Trung ương, tỉnh, huyện, lồng ghép các chương trình, dự án, kinh phí thu được
từ khám, chữa bệnh để tăng đầu tư, đầu tư cho các các sở y tế miền Tây có hiệu
quả.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát
triển, ưu tiên kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị y tế miền Tây tỉnh Nghệ
An, đặc biệt các huyện vùng cao nhằm nâng cao sức khỏe, đời sống cho đồng bào
dân tộc.
- Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ
tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ
quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó triển khai lộ
trình giá dịch vụ y tế nhằm tăng tính tự chủ về kinh phí hoạt động, giảm gánh
nặng cho ngân sách Nhà nước. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính đầu tư cho y tế
đúng mục đích, có hiệu quả cao; Triển khai kế hoạch vay vốn Ngân hàng BIDV để
mua sắm trang thiết bị công nghệ cao (đối với các bệnh viện có đủ điều kiện)
theo Công văn số 2805/BYT-KHTC ngày 27/4/2015 của Bộ Y tế về việc thông báo
chương trình tín dụng đầu tư ưu đãi của BIDV cho y tế để góp phần nâng cao chất
lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
- Kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước
cho các cơ sở y tế miền Tây.
11. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế
- Huy động tối đa mọi nguồn lực cho
sự phát triển y tế; Khuyến khích phát triển các phòng khám tư nhân tại các
huyện miền Tây góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát triển khoa khám, chữa
bệnh theo yêu cầu (đối với bệnh viện có đủ điều kiện).
- Tăng cường y tế ngoài công lập tích
cực tham gia vào các hoạt động giám sát phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi
trường.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các
nhà đầu tư, đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để góp phần nâng cao
chất lượng khám, chữa bệnh.
- Khuyến khích thành lập 2 cơ sở vận
chuyển cấp cứu ở Thái Hòa và Con Cuông.
12.
Lồng ghép hiệu quả các hoạt động chương trình, dự án
Phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ
thống y tế miền Tây có hiệu quả.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Lộ trình thực hiện
1. Giai đoạn 1 (2015 - 2017)
- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và
phát triển y tế cơ sở đảm bảo đủ cán bộ biên chế cho các trạm y tế xã theo
Thông tư liên tịch sô 08/2008/TTLT -BYT-BNV Liên bộ Y tế - Nội vụ (trung bình 6
cán bộ/trạm), để thực hiện chức năng hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại xã.
- Các BVĐK huyện đủ khoa, phòng theo
quy định của bệnh viện hạng 3, làm được 70% kỹ thuật theo phân tuyến; các bệnh
viện vùng núi thấp thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi.
- Cuối 2016, chuyển BVĐKKV Tây Bắc ra địa điểm mới
hoạt động, hoàn thiện các khoa/ phòng, thực hiện cơ bản kỹ thuật của bệnh viện
hạng 2.
2. Giai đoạn 2 (2018 – 2020)
- Phát triển BVĐKKV
Tây Bắc và BVĐKKV Tây Nam với các kỹ thuật hoàn chỉnh của bệnh viện hạng 2,
xứng tầm BVĐKKV, hoàn thiện các kỹ thuật bệnh viện hạng 2 và một số kỹ thuật
của bệnh viện hạng 1, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các huyện
miền Tây, giảm tải cho tuyến trên.
- Các BVĐK huyện cơ bản làm được các kỹ thuật của bệnh viện hạng 3, mổ nội soi, đạt mức
3,5 - mức 4 (theo Bộ đánh giá chất lượng bệnh viện); BVĐK Thanh Chương hoàn
chỉnh bệnh viện hạng 2; Công suất sử dụng giường bệnh chung cho các bệnh viện
đạt 80 - 100%; 100% bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi
trường.
- Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống
trạm y tế xã đến năm 2020 có 70% xã đạt Bộ TCQG, 90% xã có bác sỹ công tác,
100% thôn bản có NVYT hoạt động.
II. Kinh phí
thực hiện
Tổng kinh phí dự
toán đến 2020 là 374.744 triệu đồng từ các nguồn
trung ương (35%), tỉnh (30%), huyện (15%), các chương trình, dự án (10%) và xã
hội hóa (10%). (Biểu 5)
TT
|
Nội dung
|
Tổng kinh phí
|
Trung ương
|
Tỉnh
|
Huyện
|
Các chương
trình, dự án
|
Xã hội hóa
|
1
|
Xây dựng cơ bản
|
110.950
|
35.000
|
38000
|
16.643
|
11.095
|
11.095
|
2
|
Mua sắm trang thiết bị
|
245.814
|
86.035
|
73.744
|
36.872
|
24.581,4
|
24.581,4
|
3
|
Đào tạo cán bộ
|
17.980
|
6.293
|
5.394
|
2.697
|
1.798
|
1.798
|
|
CỘNG
|
374.744
|
131.160
|
112.423
|
56.212
|
37.474,4
|
37.474,4
|
Chi tiết các hạng mục tại các biểu kèm theo:
- Mua sắm trang thiết bị: (Biểu số
5b)
- Kinh phí xây dựng cơ bản: (Biểu
5 c)
- Kinh
phí đào tạo và nâng cao năng lực: (Biểu 5 c)
III. Phân công trách nhiệm
1. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các
Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách
gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính để tổ chức triển khai thực hiện Đề án,
kiểm tra và hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì
tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí hỗ trợ nguồn vốn thực hiện các dự án xây dựng
cơ bản, huy động kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước để thực hiện Đề án.
3. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ vào
khả năng cân đối ngân sách địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí hỗ trợ kinh phí
để thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.
4. Sở Nội vụ: Tham mưu về chế độ
chính sách, biên chế cán bộ cho các đơn vị y tế 11 huyện miền Tây đảm bảo công
tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
5. Sở Xây dựng: Thẩm định, trình UBND
tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các công trình thuộc các cơ sở y tế
11 huyện miền Tây theo quy định hiện hành.
6. Sở Tài nguyên - Môi trường: Phối
hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất
thải tại các cơ sở y tế.
7. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp
với Sở Y tế và các ngành chức năng thẩm định các đề tài khoa học và trang thiết
bị, công nghệ mới đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế theo quy định.
8. Ban Dân tộc: Phối hợp với Sở Y tế,
Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ngành liên quan để thực hiện Đề án có hiệu
quả.
9. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh liên
quan căn cứ yêu cầu nhiệm vụ phát triển y tế miền Tây tỉnh Nghệ An, có trách
nhiệm, biện pháp hỗ trợ tích cực để thực hiện Đề án này.
10. Ủy
ban nhân dân các huyện miền Tây chịu trách nhiệm về công tác y tế, dân
số trên địa bàn huyện; Phối hợp với các Sở, ngành để triển khai thực hiện Đề án
có hiệu quả.
11. Các đơn vị y tế các huyện miền
Tây có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Đề án có
hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ chăm
sóc sức khỏe nhân dân.
12. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh có
trách nhiệm giúp đỡ các huyện miền Tây trên từng lĩnh vực hoạt động chuyên môn,
tạo điều kiện cho y tế các huyện miền Tây phát triển đáp ứng nhu cầu bảo vệ và
chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Căn cứ nhiệm vụ, hàng năm Sở Y tế báo
cáo về UBND tỉnh kết quả tình hình thực hiện để điều chỉnh, bổ sung kịp thời
vào các nội dung của Đề án, đặc biệt là các chương trình, dự án phát sinh mới;
Các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện miền Tây có trách nhiệm tổ chức
chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Đề án và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về
lĩnh vực ngành, huyện quản lý, chỉ đạo./.