BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3897/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2012
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO NÃO MÔ CẦU”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày
27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày
09/3/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số
188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu”.
Điều 2. “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu” là
tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở
khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các ông bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ
trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám
đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như
Điều 4;
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (đệ biết);
- Các Viện
VSDT/Pasteur;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Long
|
HƯỚNG DẪN
GIÁM
SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO NÃO MÔ CẦU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3897/QĐ-BYT ngày 12/10/2012 của Bộ trưởng
Bộ Y tế)
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA
BỆNH
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm
khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng
gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ,
nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường
gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần,
điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% -
25%. Tỷ lệ này thậm
chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông
người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm
khuẩn đường hô hấp.
Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi
nhận rải rác tại nhiều địa phưong, hay gặp vào mùa đông - xuân.
Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm
nhóm B.
1. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria
meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu
được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
Vi khuẩn có sức đề kháng yếu: bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ,
bị diệt ở 56°C trong 30 phút hoặc ở 60°C trong 10
phút. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.
2. Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh
và thời kỳ lây truyền
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người.
Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày.
Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não
mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người
bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau
khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
3. Đường lây truyền
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc
trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi
khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền
qua đồ vật ít khi xảy
ra.
4. Tính cảm nhiễm
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô
cầu và tính cảm nhiễm giảm
dần
theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện
lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.
5. Vắc xin
Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh do não mô cầu nhóm huyết thanh A, B, C, Y, W-135.
II. GIÁM SÁT BỆNH DO
NÃO MÔ CẦU
1. Các khái niệm
1.1. Định nghĩa trường hợp nghi mắc bệnh do não
mô cầu
Là những trường hợp có sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy
cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với
ánh sáng, có thể xuất
hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và trên lâm sàng hướng tới bệnh do não
mô cầu.
1.2. Định nghĩa trường hợp bệnh xác
định
Là những trường hợp nghi ngờ, có kèm theo xác định
được vi khuẩn gây bệnh bằng một trong các xét nghiệm sau:
- Cấy phân lập được vi khuẩn nào mô cầu trong dịch
não tủy, hoặc máu, hoặc dịch từ ban.
- Xét nghiệm PCR xác định được vi khuẩn não mô
cầu trong dịch não tủy, hoặc
máu, hoặc dịch tử ban.
1.3. Trường hợp bệnh tản phát
Là trường hợp bệnh xác định đơn lẻ không phát hiện liên quan về dịch tễ (đường lây và nguồn lây) với các trường
hợp khác.
1.4. Ổ dịch
Một nơi (thôn/ấp/ban/tổ dân phố/cụm dân cư/đơn vị... )
được gọi là ổ dịch khi ghi nhận từ 02 trường hợp bệnh trở lên (trong đó ít nhất một trường
hợp bệnh xác định) khởi phát trong vòng 10 ngày có liên
quan dịch tễ với nhau,
ổ dịch được xác định là kết thúc khi sau 10 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày khởi phát của trường hợp mắc bệnh cuối cùng.
Khi ổ dịch đã được xác định thì tất
cả các trường hợp bệnh nghi ngờ
tại khu vực ổ dịch trong thời gian ổ dịch đang xảy ra đều được ghi nhận là ca
bệnh lâm sàng và báo cáo
theo quy định.
2. Thu thập, vận chuyển và bảo quản
bệnh phẩm
2.1. Đối tượng lấy mẫu
- Các trường hợp tản phát nghi ngờ mắc bệnh: lấy mẫu tất cả
các trường hợp mắc bệnh.
- Trong ổ dịch: lấy mẫu một số trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
2.2. Loại bệnh phẩm và kỹ thuật
lấy mẫu
Bệnh phẩm cần được lấy càng sớm càng tốt (nên lấy
trước khi dùng kháng sinh).
Loại bệnh phẩm: Tùy theo bệnh cảnh lâm
sàng lấy mẫu bệnh phẩm như sau:
- Hội chứng não - màng não: dịch não tủy và/hoặc máu.
- Nhiễm trùng huyết: máu và dịch từ ban (nếu có).
Kỹ thuật lấy mẫu:
- Dịch não tủy: Lấy 2 ml.
- Máu toàn phần: 3 ml - 5 ml có chống đông.
- Dịch tử ban: Dùng que tăm bông vô trùng phết, thấm ướt dịch tử ban, cho vào môi trường stuart.
Việc lấy loại mẫu bệnh phẩm khác sẽ theo hướng
dẫn của các Viện Vệ sinh Dịch tễ /Pasteur.
2.3. Bảo quản và vận chuyển
mẫu
- Để nuôi cấy phân lập: bệnh phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tốt
nhất 28-35°C và chuyển về phòng thí nghiệm càng sớm càng tốt
(trong vòng 1 giờ). Nếu không chuyển được ngay: dịch não tủy
phải được giữ trong môi trường bảo quản T-I, hoặc được cấy ngay lên môi trường thạch máu động vật 5%
hoặc môi trường máu chín (thạch sôcôla) và chuyển về phòng thí nghiệm; đối với bệnh phẩm là máu
cần cấy ngay vào môi
trường canh thang BHI (tỷ lệ máu/canh thang
là 1/5 với trẻ nhỏ và 1/10 với người lớn) và chuyên về
phòng thí nghiệm.
- Để xét nghiệm PCR: bệnh phẩm được bảo
quản ở 2-8°C và vận
chuyển ngay đến phòng thí nghiệm trong vòng từ 1-2 ngày. Nếu không vận chuyển được ngay cần bảo quản ở ≤-20°C, không được làm đông tan băng nhiều lần và
vận chuyển đến phòng thí nghiệm trong vòng 1 tuần.
2.4. Đơn vị thực hiện:
- Bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương và các cơ sở tương
đương thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp bệnh nhân đến khám, điều
trị tại bệnh viện.
- Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu bệnh phẩm các trường
hợp bệnh nhân tại cộng đồng hoặc ổ dịch.
- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đầu mối chỉ đạo thực hiện, tiếp
nhận bảo quản, vận chuyển các mẫu bệnh phẩm về các Viện Vệ sinh
dịch tễ/ Pasteur theo qui định.
3. Thông tin, báo cáo
Thực hiện việc giám sát, thông tin, báo cáo theo quy
định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày
31/12/2010 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh
truyền nhiễm. Báo cáo chi tiết theo mẫu số 1 và 2
III. CÁC BIỆN PHÁP
PHÒNG BỆNH DO NÃO MÔ CẦU
1. Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những
vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện
pháp phòng chống:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa
tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc
thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
2. Có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh do não mô cầu hàng năm. Tăng cường giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi nguy cơ cao.
3. Chuẩn bị đầy đủ về vật tư, hóa chất dự phòng khi dịch
xảy ra.
IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ
ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP BỆNH TẢN PHÁT/Ổ DỊCH
Phải tiến hành xử lý ngay khi phát hiện ca
bệnh tản phát / ổ dịch.
1) Đối với bệnh nhân
- Quản lý và điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân sớm
tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.
- Bệnh nhân phải được cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc
và đeo khẩu trang (tối thiểu trong vòng 24 giờ sau khi dùng kháng sinh đặc hiệu).
- Thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn
tại các cơ sở y tế theo quy định.
2) Đối với người tiếp xúc gần
- Người tiếp xúc gần là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng,
người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm
non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học ... với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi
phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu.
- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình
trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối, cần phổ biến cho những người
tiếp xúc gần tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là
sốt và thông báo ngay cho cán bộ y tế.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và
những người khác.
- Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng
tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh có liên quan cho những
người tiếp xúc gần, sử dụng kháng sinh theo kết
quả kháng sinh đồ, nếu không có kháng sinh đồ, sử dụng một trong các loại kháng
sinh: Ciprotloxacin, Rifampicin, Azithromycin.
Liều dùng cụ thể như sau:
+ Ciprofloxacin: Uống một lần
duy nhất, liều lượng 500 mg cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi (không dùng cho trẻ em dưới
12 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú).
+ Rifampicin: Chống chỉ
định trong các trường hợp sau: đang có biểu hiện vàng da, có tiền sử tăng nhạy cảm với Rifampicin.
P Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: liều lượng
600mg/ lần, dùng 2 lần/ngày, dùng trong 2 ngày (không dùng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con
bú).
P Trẻ em từ 1-12 tuổi: liều lượng 10 mg/kg cân nặng/
lần, dùng 2 lần/ngày, dùng trong 2 ngày.
P Trẻ em dưới 12 tháng: liều lượng 5mg/kg cân nặng/
lần, dùng 2 lần/ngày, dùng trong 2 ngày.
+ Azithromycin:
P Người lớn: uống 1 lần duy nhất, liều lượng 500 mg. Dùng được cho
phụ nữ có thai và phụ
nữ đang cho con
bú.
P Trẻ em: uống 1 lần duy nhất, liều lượng 10 mg/kg cân
nặng.
Tùy theo tùy tình hình cụ thể của từng ổ
dịch, việc sử dụng kháng sinh dự phòng ở phạm vi rộng hơn sẽ theo hướng dẫn của các Viện Vệ
sinh Dịch tễ/Pasteur.
3) Tại gia đình bệnh nhân và cộng đồng
khu vực ổ dịch
- Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về bệnh do
não mô cầu và các biện pháp phòng chống.
- Thực hiện giám sát, báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định. Giám sát
cần chú trọng tại các khu vực tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc
xá, doanh trại...). Khi phát hiện trường hợp bệnh lâm sàng mới trong khu vực ổ dịch cần đưa người
bệnh đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
- Hạn chế việc tụ tập đông người, hạn chế tiếp
xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh.
- Hướng dẫn gia đình bệnh nhân và người dân trong khu vực ổ
dịch thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,
lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu
thang, mặt bàn/ghế, đồ chơi, dụng
cụ học tập v.v... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; giặt, rửa quần áo, dụng
cụ, đồ vải... và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
- Thực hiện vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở
cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở,
nơi làm việc, học tập hàng ngày.
- Việc sử dụng vắc xin chống dịch sẽ do Bộ Y tế quyết
định dựa trên tình hình dịch cụ thể./.
Tên đơn vị:
………………………
|
Mẫu số 1 ban hành kèm
theo Quyết định số 3897/QĐ-BYT ngày 12/10/2012 của Bộ Y tế
|
PHIẾU ĐIỀU TRA CA BỆNH NGHI DO NÃO MÔ CẦU
Ngày nhận được thông tin về ca bệnh: ………/………./…………….
Ngày điều tra: …………./………/…………….
1. Họ và tên bệnh nhân: ………………………….. 2. Ngày tháng
năm sinh:
……../………/………
3. Giới tính: Nam £ Nữ £ 4. Dân tộc: ……………………………………….
5. Họ tên bố, mẹ (nếu là trẻ em): ……………….. 6. Điện thoại: ……………………………………
7. Địa chỉ: Thôn/ xóm/ tổ: ………………… xã: …………… huyện: ………. tỉnh: ………………
8. Ngày khởi bệnh: ………/……./…………… 9. Ngày vào viện ………./………./………………
10. Tên cơ sở điều trị:
………………………………………………………………………………..
11. Lý do vào viện: ……………………………………………………………………………………
12. Những triệu chứng chính từ lúc khởi
phát đến khi nhập viện:
- £ Sốt cao (> 380C)
- £ Đau họng
- £ Đau đầu
- £ Buồn nôn
- £ Nôn
- £ Táo bón
13. Thể bệnh lâm sàng:
|
- £ Sợ ánh sáng
- £ Ban hoại tử hình sao
- £ Cứng gáy
- £ Thóp phồng
- £ Dấu hiệu màng não
- £ Dấu hiệu Kernig
- £ Viêm màng não
- £ Thể bệnh khác (ghi rõ) ………..
|
- £ Đau khớp
- £ Viêm màng tim
- £ Co giật
- £ Sốc/dấu hiệu của sốc
- £ Hôn mê
- £ Khác ……………..
- £ Nhiễm trùng huyết
|
14. Tiền sử
Tiền sử tiêm vắc xin: Được tiêm vắc xin phòng
bệnh não mô cầu £ Có £ Không
Nếu có, số
liều ……… ngày tiêm lần cuối …../…../………..
Trong vòng 2 tuần trước khi mắc bệnh, bệnh nhân
có:
£ Đi đến nơi khác (nếu có, nơi đến
…………………………………………………………….)
£ Tiếp xúc với người mắc bệnh tương tự hoặc
mắc bệnh do NMC
(Nếu có, ai và ở đâu
…………………………………………………………………………………)
£ Đi nhà trẻ, trường học có trường hợp mắc bệnh tương
tự hoặc mắc bệnh do NMC
(Nếu có, địa chỉ trường học ………………………………………………………………………..)
£ Xung quanh có trường hợp mắc bệnh tương tự hoặc mắc bệnh do
não mô cầu.
(Nếu có, ai và ở đâu
………………………………………………………………………………..)
15. Loại ca bệnh ghi nhận: £ Tản phát £ Ổ dịch cộng đồng £ Ổ dịch trường học
16. Lấy mẫu và kết quả xét nghiệm:
£ Máu Ngày lấy: ………./………./………. Kết quả (nơi làm XN điền): …………..
£ Dịch não tủy: Ngày lấy: ………./………./………. Kết quả (nơi làm XN điền): …………..
£ Khác (ghi rõ) _______Ngày lấy: ………./………./………. Kết quả (nơi làm XN điền): …………..
(Nếu bệnh nhân đang điều trị
tại bệnh viện, lấy mẫu và điền đến câu 16, phô tô phiếu
và gửi phiếu phô tô cùng mẫu bệnh phẩm lên
tuyến trên. Khi bệnh nhân ra viện/chuyển viện/tử vong,
hoàn thành hết các câu còn lại và gửi phiếu
gốc lên tuyến trên.
17. Ngày ra viện/chuyển viện (nếu bệnh nhân tử vong, ghi ngày tử
vong):……./……./………
18. Chẩn đoán khi ra viện/chuyển viện/tử vong: …………………………………………………..
19. Tình trạng bệnh nhân khi ra viện: £ Khỏi £ Đỡ/ổn định £ Nặng, xin về
£ Chuyển viện £ Tử vong £ Trốn viện/mất theo dõi
20. Nếu chuyển viện, tên bệnh viện chuyển đến: ……………………………………………………
21. Nếu tử vong, chẩn đoán nguyên nhân tử vong: …………………………………………………
Lãnh
đạo đơn vị
(Ký,
đóng dấu)
|
Ngày ….. tháng …..
năm …..
Người
điều tra
(Ký,
ghi rõ họ tên)
|