ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA -VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3722/QĐ-UBND
|
Vũng Tàu, ngày 05
tháng 11 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH BÀ
RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng
01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày
29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm
2020;
Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số
1547/TTr-SYT.KHTH ngày 15 tháng 10 năm 2009 đề nghị phê duyệt “Quy hoạch phát
triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến
năm 2015, định hướng đến năm 2020”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, với những nội dung chủ yếu
sau:
1. Các quan điểm phát triển:
- Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo,
trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một
trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực
này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ (Nghị quyết số
46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005).
- Phát triển
hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh theo hướng công bằng, hiệu quả nhằm tạo cơ hội
thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất
lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thực hiện
chăm sóc sức khỏe toàn diện: Gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng,
đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh. Kết hợp y học hiện đại với y học cổ
truyền dân tộc.
- Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động
chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là bổn phận của mỗi người
dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt
về chuyên môn và kỹ thuật.
2. Các mục tiêu phát triển:
a) Mục
tiêu chung: Phấn đấu để mọi người dân trong tỉnh được
hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phát triển các dịch vụ y tế có chất
lượng cao trên địa bàn Tỉnh để mọi tầng lớp dân cư đều có khả năng được sử dụng.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giảm tỷ lệ
mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để dịch lớn xảy ra, khống
chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc các bệnh sốt xuất huyết, viêm gan B, viêm não
Nhật Bản B; khống chế cơ bản bệnh lao, sốt rét, các bệnh lây truyền qua đường
tình dục; duy trì kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; hạn chế
tốc độ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ 7
loại văcxin (lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B) cho trẻ
em dưới 1 tuổi đạt trên 98%.
- Phòng, chống
dịch bệnh chủ động, tích cực và quản lý tốt, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc
và chết do các bệnh không nhiễm trùng gây nên. Chú trọng vệ sinh môi trường,
tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm soát, khống chế
được các bệnh dịch nguy hiểm và các tác nhân gây truyền nhiễm, gây dịch.
- Đến năm
2012: Toàn bộ 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Nâng
cấp các bệnh viện và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để đủ điều kiện
thành lập các bệnh viện đa khoa ở tất cả các huyện trước năm 2015.
- Xây dựng và
thành lập hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện đa khoa cấp Tỉnh, bệnh
viện đa khoa khu vực, các bệnh viện chuyên khoa: Tâm thần, Y học cổ truyền, Lao
và phổi, Phụ sản, Mắt, Nhi và Trung tâm cấp cứu. Đầu tư, bổ sung trang thiết bị
y tế hiện đại cho cho hệ thống khám chữa bệnh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Áp dụng
các kỹ thuật hiện đại trong khám chữa bệnh và phòng bệnh.
- Đảm bảo sử
dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất
lượng với giá cả hợp lý đến người dân.
- Đảm bảo
tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt
các dịch vụ khám chữa bệnh với mọi người dân.
- Xây dựng đội
ngũ nhân lực ngành y tế có cơ cấu hợp lý, đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và quản
lý, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân Bà Rịa -
Vũng Tàu.
- Tiếp tục đẩy
mạnh xã hội hoá công tác y tế, huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các
đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
- Củng cố và nâng cấp Trường Trung học
y tế thành Trường Cao đẳng y tế để phát triển mạnh hơn hoạt động đào tạo nguồn
nhân lực cho ngành.
3. Quy hoạch phát
triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2020:
a) Quy hoạch mạng lưới y tế
xã, ấp:
- Đầu tư xây dựng các Trạm y tế xã, phường, thị trấn để đạt chuẩn quốc gia về cơ
sở hạ tầng và trang thiết bị, phấn đấu đến năm 2012, 100% xã, phường, thị trấn
đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ
tầng định kỳ mỗi năm 1 lần vào quí IV hàng năm đối với 100% các trạm y tế, nhằm
duy trì chất lượng và tiêu chuẩn yêu cầu theo qui định hiện hành của Bộ Y tế.
- Đến năm 2015, bảo đảm toàn bộ các
Trạm y tế có 01 Bác sĩ làm việc (trong đó 70% có bác sĩ biên chế chuyên trách),
có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; có y tá trung học trở lên, 1 nhân
viên y học cổ truyền chuyên trách; 1 dược tá (có thể kiêm nhiệm) để quản lý thuốc
trên địa bàn xã. Trạm y tế có tủ sách chuyên môn và sinh hoạt chuyên môn hàng
tháng.
b) Quy hoạch phát triển mạng lưới
y tế dự phòng:
- Tiếp tục
nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật
cho các khoa, phòng của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để đảm bảo đủ khả năng thực
hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.
Trước năm 2015, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh được đầu tư hoàn thiện các phòng:
Phòng Xét nghiệm an toàn sinh học cấp III, phòng xét nghiệm định lượng chất độc
và các chất tồn dư trong thực phẩm, trong cơ thể người và môi trường sống; được
đầu tư trang thiết bị giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh. Trước năm 2020 được
đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại về sinh học phân tử trong lĩnh vực
y tế dự phòng.
- Đầu tư xây
dựng cơ sở vật chất Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; thành
lập thêm các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến y tế dự phòng sau:
Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ lao động và Môi trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực
phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Đến năm 2015
tại 100% đơn vị cấp huyện thành lập các Bệnh viện huyện để tách riêng chức năng
khám, chữa bệnh. Các Trung tâm y tế cấp huyện được bổ sung nhân lực, trang thiết
bị kỹ thuật đủ sức đảm đương các nhiệm vụ công tác y tế dự phòng trên địa bàn
huyện.
- Phấn đấu đến
trước năm 2015 mạng lưới các Trung tâm y tế huyện về cơ bản được hoàn thiện về
tổ chức và các trung tâm này đạt được các tiêu chí về: Cơ sở vật chất, trang
thiết bị kỹ thuật, nhân lực y tế của Bộ Y tế đối với Trung tâm y tế cấp huyện để
chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng.
- Tại các huyện,
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ thành lập các đội kiểm tra Vệ sinh an toàn
thực phẩm.
- Củng cố
công tác y tế dự phòng tại các Trạm y tế xã, doanh nghiệp sản xuất, trường học;
tăng cường nhân lực và các trang thiết bị thiết yếu và cơ sở vật chất để các Trạm
y tế triển khai thực hiện tốt các chương trình y tế công cộng tại cộng đồng.
- Đẩy mạnh
các hoạt động và kiện toàn mạng lưới y tế trong các doanh nghiệp và trường học: Đến năm 2015, tại các doanh nghiệp kinh
doanh, sản xuất có số lượng công nhân từ 200-500 người phải có từ 01 - 03 nhân
viên y tế phục vụ. Các doanh nghiệp có từ 500 công nhân trở lên phải thành lập
trạm y tế và có bác sĩ phục vụ. Các cơ sở sản xuất có từ 50 người đến dưới 200
người thì cần có 01 nhân viên y tế với trình độ từ trung học y trở lên phục vụ.
Đối với các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, mỗi trường phải
có từ 1-2 nhân viên y tế phục vụ, trong đó có 1 người đạt trình độ từ trung học
trở lên. Đối với trường đại học, cao đẳng cần có trạm y tế cơ sở từ 2 -3 nhân
viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ phục vụ.
c) Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh - vận chuyển
cấp cứu:
Mục tiêu phấn đấu năm 2010, đạt tỷ lệ 16,5 giường bệnh/10.000 dân; đến năm 2015, đạt tỷ lệ
26,2 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 5,5 giường bệnh
tư nhân). Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 33,1 giường bệnh/10.000
dân (trong đó có 12 giường bệnh tư nhân).
- Phát triển mạng lưới bệnh
viện tuyến huyện, thị xã, thành phố và các Phòng khám đa khoa khu vực:
+ Đến năm
2015, trừ thành phố Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa là nơi có bệnh viện đa khoa cấp tỉnh,
tại 6 huyện còn lại, mỗi huyện quy hoạch phát triển 01 bệnh viện đạt tiêu chuẩn
hạng III với quy mô giường bệnh từ 50 đến 150 giường, đảm bảo khám chữa bệnh cho mọi người dân. Đến năm 2020
đảm bảo đáp ứng trên 90% nhu cầu khám chữa bệnh thông thường và trên 70% nhu cầu
khám chữa bệnh với kỹ thuật cao. Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị và nâng
cao chất lượng khám chữa bệnh.
+ Đối với các phòng khám đa
khoa khu vực tại các huyện, sau khi các Trạm y tế xã đủ khả năng thực hiện được
các kỹ thuật, dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường, sẽ chuyển giao các cơ sở của
các phòng khám đa khoa khu vực cho Trạm y tế xã quản lý, hoặc sử dụng vào mục
tiêu khác phù hợp.
Riêng tại thành phố Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa là
nơi đặt các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh, do vậy tiếp tục duy trì
Trung tâm y tế thành phố và thị xã chủ yếu thực hiện chức năng y tế dự phòng,
không có giường bệnh lưu trú. Tại Côn Đảo, do quy mô dân số nhỏ, Trung tâm y tế
dân quân y sẽ đảm đương chung nhiệm vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng.
- Phát triển các Bệnh viện công lập tuyến tỉnh:
+ Xây dựng mới
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, quy mô 700 giường, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I theo
quy định của Bộ Y tế, hoàn thành vào năm 2012.
+ Xây dựng mới
Bệnh viện Đa khoa khu vực Vũng Tàu, quy mô 350 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn bệnh
viện hạng II theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
+ Thành lập
và xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, đạt tiêu chuẩn hạng II, gồm: Bệnh viện
Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt (Trung tâm Mắt hiện nay), Bệnh
viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Nhi.
- Phát triển các Trung tâm chuyên
ngành tuyến Tỉnh:
+ Đầu tư củng
cố các Trung tâm chuyên ngành đã thành lập gồm: Trung tâm cấp cứu 115, Trung
tâm Chăm sóc Sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung
tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và Mỹ phẩm.
+ Thành lập mới
các Trung tâm chuyên ngành: Trung tâm Nội tiết, Trung tâm Giám định (Y khoa,
Pháp y, Pháp y tâm thần).
+ Đối với
Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, sau khi thành lập các bệnh viện chuyên
khoa: Mắt, tâm thần, lao và phổi đi vào hoạt động ổn định, sẽ chấm dứt chức
năng và nhiệm vụ của Trung tâm này.
- Quy hoạch các cơ sở khám chữa bệnh
của các Bộ, ngành:
Đối với các
cơ sở y tế của các bộ ngành và tổ chức kinh tế như: Trung tâm y tế dầu khí,
Trung tâm Phục hồi chức năng của Bộ Xây dựng, Viện điều dưỡng Vũng Tàu của Bộ
Công nghiệp, Nhà điều dưỡng công ty Điện lực, Nhà điều dưỡng công ty Hóa chất,
trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 vẫn huy động các cơ sở nói trên vào danh mục
cơ sở khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Sang giai đoạn
năm 2016 - 2020, nâng cấp Trung tâm y tế dầu khí thành bệnh viện dầu khí; còn lại
các cơ sở y tế của các bộ ngành và tổ chức kinh tế sẽ chỉ phục vụ nghỉ ngơi, điều
dưỡng cho cán bộ công nhân viên trong nội bộ các ngành, không huy động vào hoạt
động khám và điều trị bệnh của nhân dân trên địa bàn, ngoại trừ các trường hợp
cấp cứu tại chỗ. Trường hợp các cơ quan chủ quản của các cơ sở y tế này có nhu
cầu chuyển đổi chức năng nhiệm vụ, sẽ xem xét cho phép chuyển đổi sang mục tiêu
thích hợp.
- Quy
hoạch phát triển cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân:
Đến năm 2012, phát triển tối thiểu 1 bệnh
viện tư với quy mô dưới 30 giường bệnh; đến năm 2015 phát triển 3 - 4 bệnh viện
tư, quy mô khoảng 600 giường (5,4 giường/10.000 dân), đến năm 2020 phát triển 5
- 6 bệnh viện tư, khoảng 1.200 giường (10 giường/10.000 dân). Đến 2015 khu vực
tư nhân có thể đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh
và đến 2020, tỷ lệ này dự kiến là trên 30%.
- Quy hoạch hệ thống vận chuyển cấp
cứu:
+ Xây dựng cơ
sở hạ tầng cho Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 của tỉnh với quy mô 20 giường bệnh;
Ngoài ra còn cần đầu tư đủ trang thiết bị cho hệ thống vận chuyển cấp cứu này
như xe để vận chuyển cấp cứu, các phương tiện cấp cứu, đào tạo nhân lực,...
+ Tối thiểu
có 3 xe cấp cứu chuyên dụng với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hoặc có thể
làm các tiểu phẫu tại chỗ. Đảm bảo phục vụ cho tất cả các địa phương trên địa
bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
+ Phát triển
một số trạm vận chuyển cấp cứu vệ tinh tại các khu vực xa trung tâm y tế tại
các Phòng khám đa khoa khu vực.
+ Xây dựng hệ
thống thông tin điều hành cấp cứu và vận chuyển cấp cứu cho toàn Tỉnh.
Ngoài ra còn củng cố nâng cấp các
khoa, phòng hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực của Bà
Rịa - Vũng Tàu.
d) Phát triển lĩnh vực dược:
- Hoàn thiện
bộ máy quản lý dược tại tất cả các tuyến: Tỉnh, huyện và xã. Có đủ cán bộ
chuyên trách quản lý hành nghề dược tư nhân, thanh tra dược tại tuyến tỉnh vào
năm 2015; 60% số Phòng y tế huyện có dược sĩ đại học vào năm 2015 và 100% vào
năm 2020.
- Xây dựng
đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực và đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ
quản lý về dược tại cả 3 tuyến được đào tạo kiến thức và kỹ năng quản lý là 75%
vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
- Sử dụng
công nghệ thông tin trong công tác quản lý dược: đến năm 2015 tại 75% các cơ sở
khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh dược phẩm thuộc tuyến tỉnh và
tuyến huyện, tỷ lệ tương ứng vào năm 2020 là 100%. Đối với Trạm y tế xã, phường,
thị trấn: 50% năm 2015, 90% năm 2020.
- Nâng cao
năng lực của Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm. Đầu tư cơ sở vật chất,
kỹ thuật để Phòng kiểm nghiệm của Trung tâm đạt tiêu chuẩn "thực hành kiểm
nghiệm tốt" (GLP) vào năm 2015.
e) Phát triển nguồn nhân lực y tế:
- Về chỉ tiêu số lượng bác sĩ/10.000
dân và dược sĩ/10.000 dân.
+ Đến năm 2015 số bác sĩ/10.000 dân đạt
6,5 bác sĩ; số dược sĩ/10.000 dân, là 0,7 dược sĩ.
+ Đến năm 2020 tỷ lệ bác sĩ/10.000
dân đạt 8 bác sĩ; số dược sĩ/10.000 dân đạt 1,0 dược sĩ.
- Về cơ cấu nhân lực ngành y tế:
+ Đến năm 2015 đạt cơ cấu là 1 bác
sĩ/ 2,7 y tá - điều dưỡng,
+ Đến năm 2010 đạt cơ cấu là 1 bác
sĩ/ 37 y tá - điều dưỡng.
- Về đào tạo nâng cao trình độ chuyên
môn sâu (đa khoa, chuyên khoa) cho các tuyến:
+ Đến 2015 phấn
đấu 100% trưởng, phó khoa có trình độ sau đại học (chuyên khoa I, chuyên khoa
II, thạc sĩ hoặc tiến sĩ). Hệ chuyên khoa ưu tiên dành cho người làm việc ở các
cơ sở thực hành; hệ hàn lâm (tiến sĩ, thạc sĩ) dành cho khu vực
nghiên cứu và giảng dạy (Trường Trung học y tế).
+ Các bệnh viện
đa khoa tuyến tỉnh: cần có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu và đội ngũ nhân viên
có kinh nghiệm, đủ trang thiết bị và điều kiện làm việc thích hợp với nhiệm vụ
đi kèm. Các bác sĩ này cũng đảm nhiệm việc bồi dưỡng chuyên môn theo cách
"cầm tay chỉ việc”, "chuyển giao kỹ thuật” cho nhân viên y tế tuyến
dưới.
- Chú trọng
đào tạo nhân lực cho hệ dự phòng (bác sĩ chuyên vệ sinh lao động, vệ sinh dịch
tễ học, kỹ thuật viên y,...), cho các trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
- Cán bộ có
trình độ bác sĩ, dược sĩ đại học, dược sĩ trung học, y sĩ, y tá trung học, dược
tá, nữ hộ sinh từ năm 2010 trở đi chỉ tuyển dụng những người đã qua đào tạo tại
các trường chuyên nghiệp, không tuyển dụng người không đủ trình độ để cử đi đào
tạo sau (trừ cán bộ y tế xã).
f) Quy hoạch sử dụng đất cho phát
triển hệ thống y tế đến năm 2020 và công tác bảo vệ môi trường:
- Về nhu cầu sử dụng đất: Đến cuối năm 2008, diện tích sử dụng cho mục đích y tế là 65,87 ha. Dự kiến đến năm 2010 là 84,31 ha, năm 2015 là
121,41 ha và năm 2020 là 130,71 ha.
- Giải pháp bảo vệ môi trường:
+ Quy hoạch, lựa chọn vị trí địa điểm
xây dựng cơ sở y tế phù hợp;
+ Toàn bộ các cơ sở y tế phải xây dựng
tường rào bảo vệ kiên cố để cách ly với môi trường xung quanh;
+ Các cơ sở y tế xây dựng mới hoặc cải
tạo, nâng cấp trong thời kỳ quy hoạch phải xây dựng hệ thống thu gom và xử lý
nước thải y tế đạt tiêu chuẩn quy định để xử lý triệt để nước thải trong quá
trình hoạt động của cơ sở.
+ Các cơ sở y tế đã xây dựng, chưa có
hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chậm nhất đến năm 2012, toàn bộ các cơ sở
y tế cấp huyện trở lên phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Đến năm 2015 các trạm y tế xã, phường phải có bộ phận xử lý nước thải đạt tiêu
chuẩn.
+ Xây dựng tại mỗi huyện một lò
đốt rác thải y tế đạt tiêu chuẩn và trang bị phương tiện chuyên dùng vận chuyển
chất thải rắn y tế để thu gom tiêu hủy toàn bộ chất thải rắn y tế phát sinh
trên địa bàn hàng ngày (dự án cần đầu tư hoàn thành trước năm 2012). Riêng
tại thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu sử dụng Lò đốt rác tại các Bệnh viện đa
khoa Tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
Để triển khai quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao
trách nhiệm như sau:
- Sở Y tế có trách nhiệm:
+ Tổ chức công bố nội dung quy hoạch để các ngành,
các cấp chính quyền, các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết để
căn cứ triển khai thực hiện theo quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch
này.
+ Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực
hiện quy hoạch ngành y tế trong các kế hoạch phát triển ngành hàng năm, 5 năm.
Theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, kịp thời đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh các giải pháp về điều hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát
triển ngành y tế trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của
toàn tỉnh.
+ Lập và trình phê duyệt các đề án thành lập các bệnh
viện, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho
ngành y tế, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trực thuộc, xây dựng kế hoạch
sử dụng đất, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện quy hoạch.
+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển ngành y tế.
- Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
UBND các huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các
công việc liên quan đến “Quy hoạch phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe
nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời
phối hợp với Sở Y tế để xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Y tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở : Y tế,
Kế hoạch-đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên-môi trường, Khoa học-công
nghệ, Giáo dục-đào tạo, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Thành Kỳ
|