BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3578/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 09 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN “HỖ
TRỢ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM” (VAAC - US. CDC) DO TRUNG TÂM DỰ PHÒNG
VÀ KIỂM SOÁT BỆNH TẬT HOA KỲ (CDC) TÀI TRỢ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP
ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP
ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện
trợ Phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 2986/QĐ-BYT
ngày 19 tháng 08 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế
phê duyệt tiếp nhận dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”
(VAAC-US.CDC) do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ)
tài trợ và Kế hoạch hoạt động năm thứ nhất của Dự án;
Căn cứ Quyết định số 3082/QĐ-BYT
ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Ban Quản lý Dự
án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” (VAAC-US.CDC) do Trung tâm Dự
phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ;
Xét đề nghị của Cục Phòng, chống
HIV/AIDS và Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức
và Hoạt động của Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”
(VAAC - US. CDC) do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”
và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCCB, AIDS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Long
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN “HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG
HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM” (VAAC - US. CDC) DO TRUNG TÂM DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT BỆNH
TẬT HOA KỲ TÀI TRỢ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số
3578/QĐ-BYT, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của
Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” (VAAC - US. CDC)
do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tài trợ, được thành lập
theo Quyết định số 3082/QĐ-BYT ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 2. Cơ sở pháp lý
Căn cứ Nghị định
số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10
năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính
phủ nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 03
năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số
93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý
và sử dụng viện trợ Phi chính phủ nước ngoài (PCPNN);
Căn cứ Quyết định số 2986/QĐ-BYT ngày 19 tháng 08
năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tiếp nhận dự án “Hỗ trợ phòng, chống
HIV/AIDS tại Việt Nam” (VAAV-US.CDC) do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật
Hoa Kỳ (CDC) tài trợ và Kế hoạch hoạt động
năm thứ nhất của Dự án;
Căn cứ Quyết định số 3082/QĐ-BYT ngày 26 tháng 8
năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc
thành lập Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”
(VAAV-US.CDC) do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ.
Điều 3: Thông tin chung về Dự
án
1. Tên Dự án:
- Tên đầy đủ: Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại
Việt Nam
- Tên giao dịch trong nước: Dự án VAAC-US. CDC
- Tên giao dịch với Nhà tài trợ: Vietnam
Administration for HIV/AIDS Control
2. Tên nhà tài trợ: Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát
bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC)
3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:
a) Mục tiêu chung: Hỗ trợ Việt Nam để đạt được các Mục
tiêu của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến
năm 2030.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc y tế để
cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS có chất lượng,
toàn diện và bền vững cho những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao
lây nhiễm HIV tại Việt Nam;
- Nâng cao năng lực thu thập, sử dụng số liệu và quản
lý chương trình HIV/AIDS thông qua việc nâng cao chất lượng chương trình giám
sát HIV/STD/TB và nâng cao năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm cho việc giám
sát, sàng lọc, theo dõi và điều trị bệnh;
- Nâng cao năng lực về kỹ thuật, tổ chức và tài
chính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS để điều phối các nhà tài trợ về lĩnh vực
HIV/AIDS, đặc biệt là các đối tác của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu trong việc xây dựng,
ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và giám sát các chương trình cung cấp dịch vụ
có chất lượng cao.
4. Thời gian bắt đầu và kết thúc dự án: 5 năm, từ
01/07/2013 đến 30/06/2018.
5. Tổng vốn của dự án: 45.845.455 USD
- Vốn viện trợ không hoàn lại phi chính phủ nước
ngoài: 45.000.000 USD;
- Vốn đối ứng: 17.670.000.000 VND, tương đương với
845.455 USD.
6. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước của Dự
án:
Vốn đối ứng đã được Bộ Y tế và các đơn vị tham gia
dự án cam kết đóng góp để thực hiện Dự án là 17.670.000.000 VND, tương đương với
845.455 USD;
7. Địa điểm thực hiện:
a) Tại 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Hà
Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Sơn
La, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Kiên Giang, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hải Dương, Nam Định,
Thái Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Vĩnh Long, Bắc
Ninh, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hòa Bình, Quảng Nam.
b) Tại 8 Viện/Bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch
Mai, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện
Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
c) Một số tỉnh, thành phố, viện, bệnh viện khác tùy
thuộc vào tình hình thực tiễn và nguồn tài trợ.
Điều 4. Thông tin về Ban Quản
lý dự án
- Tên đầy đủ: Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ phòng, chống
HIV/AIDS tại Việt Nam” (VAAC - US. CDC) do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh
tật Hoa Kỳ tài trợ.
- Tên giao dịch trong nước: Ban Quản lý dự án VAAC
- US. CDC
- Địa chỉ Văn phòng Dự án: Tầng 7, Tòa nhà HEID,
Ngõ 6A, K3B, Phố Thành Công, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
- Điện thoại : +84-4-37725066
- Fax: +84-4-37725065
- Số tài khoản:
|
………..…… Kho bạc Nhà nước:……………
7149841 Ngân hàng ANZ (Vietnam) Limited
|
Điều 5. Nguyên tắc
tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án
1. Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ phòng, chống
HIV/AIDS tại Việt Nam (sau đây viết tắt là BQLDA) là đại diện của Chủ Dự án (Cục
Phòng, chống HIV/AIDS), thay mặt cho Chủ Dự án tiếp nhận, điều hành toàn bộ hoạt
động của Dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo
Bộ Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Dự án;
2. BQLDA phải tuân thủ theo các quy định
của pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ. Mọi hoạt động của BQLDA chịu
sự giám sát của các cơ quan chức năng theo các quy định của pháp luật hiện
hành;
3. BQLDA có trách nhiệm quản lý và sử
dụng có hiệu quả, chống thất thoát, lãng
phí các nguồn lực của dự án;
4. BQLDA có trách nhiệm giải trình với
Bộ Y tế, các cơ quan quản lý Nhà nước về viện trợ PCPNN, các cơ quan bảo vệ
pháp luật và nhà tài trợ về các vấn đề thuộc thẩm quyền theo các quy định của
pháp luật hiện hành;
5. BQLDA được ban hành các quy trình
và quy định về các hoạt động của Văn phòng Ban Quản lý Dự án và các hoạt động
chuyên môn của Dự án phù hợp với các quy định của Nhà nước Việt Nam và của Nhà
tài trợ nhằm đảm bảo cho Dự án thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, có hiệu
quả, phù hợp với các quy định của pháp luật;
6. BQLDA điều hành công việc theo chế
độ thủ trưởng. Các bộ phận trong BQLDA chịu sự điều hành của Giám đốc BQLDA, chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước Giám đốc BQLDA về nội dung, chất lượng và
kết quả công việc được giao. Giám đốc BQLDA điều hành công việc của Dự án qua
các Phó Giám đốc và các Trưởng bộ phận hoặc đến từng người khi cần thiết;
7. Các bộ phận của BQLDA được tổ chức
nhằm đáp ứng tính đặc thù của Dự án. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ riêng nhưng có sự
phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo mục tiêu, chất lượng và các hoạt động của
Dự án, tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước Việt Nam và nhà tài trợ;
8. Các địa phương, đơn vị tham gia Dự
án (sau đây viết tắt là địa phương, đơn vị) thành lập Ban quản lý Tiểu Dự án
(sau đây viết tắt là BQLTDA) chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các hoạt động
của Tiểu Dự án tại địa phương, đơn vị trên cơ sở các quy định pháp luật hiện
hành và các hướng dẫn của BQLDA.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM
Điều 6. Chức năng
Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ phòng, chống
HIV/AIDS tại Việt Nam có chức năng thay mặt cho Chủ Dự án (Cục Phòng, chống
HIV/AIDS) trong việc quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt
động của Dự án theo Văn kiện Dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Điều 7. Nhiệm vụ
1. Nhiệm vụ lập kế hoạch
- Trên cơ sở Văn kiện Dự án và kế hoạch
tổng thể 5 năm (2013-2018) của Dự án được Nhà tài trợ và được Bộ Y tế phê duyệt,
BQLDA xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung trình Nhà tài trợ
và Bộ Y tế phê duyệt;
- Hướng dẫn các Ban Quản lý Tiểu dự
án tại địa phương, đơn vị tham gia thực hiện Dự án xây dựng kế hoạch hằng năm
và các kế hoạch bổ sung;
- Phê duyệt và ký Hợp đồng trách nhiệm
với các địa phương, đơn vị tham gia Dự án;
- Phê duyệt việc điều chỉnh kế hoạch
hằng năm, kế hoạch bổ sung của các địa phương, đơn vị tham gia Dự án theo đúng
quy định của Nhà tài trợ và của Bộ Y tế.
2. Nhiệm vụ quản lý quá trình chuẩn
bị thực hiện dự án
- Nghiên cứu Văn kiện Dự án, các quy
trình, thủ tục và những điều kiện thực hiện các hoạt động của dự án (chế độ chi
tiêu ngân sách, chế độ kế toán, kiểm toán dự án, chế độ báo cáo...);
- Nghiên cứu các quy định hiện hành về
quản lý, thực hiện dự án, có tính đến một số yêu cầu đặc thù của dự án viện trợ
phi chính phủ nước ngoài;
- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị
tham gia Dự án thực hiện đúng các quy trình, thủ tục và những điều kiện thực hiện
các hoạt động của Dự án.
3. Nhiệm vụ thực hiện các hoạt động
đấu thầu và quản lý hợp đồng
- Thực hiện nhiệm vụ đấu thầu được Bộ
Y tế giao theo đúng kế hoạch đấu thầu về mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ của Dự án đã được Lãnh đạo Bộ Y tế phê
duyệt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu;
- Quản lý việc thực hiện các nghĩa vụ
quy định tại hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền ký kết với đơn vị trúng thầu.
Theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động và kết quả hoạt động của nhà thầu. Kịp
thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng theo
thẩm quyền;
- Nghiệm thu sản phẩm và thanh quyết
toán các hợp đồng theo quy định của pháp luật;
4. Nhiệm vụ quản lý tài chính, tài
sản và giải ngân
- Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn
tài chính, tài sản của Dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước Việt
Nam và Nhà tài trợ;
- BQLDA có trách nhiệm tiếp nhận toàn
bộ kinh phí của Dự án do nhà tài trợ cung cấp và tiến hành các thủ tục chuyển
tiền cho các địa phương, đơn vị tham gia Dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc
quản lý, sử dụng kinh phí và quản lý tài sản của các đơn vị tham gia Dự án;
- Tổ chức thẩm định quyết toán hằng
năm đối với các địa phương, đơn vị tham gia Dự án;
- Tổ chức hoạt động kiểm toán độc lập
đối với Dự án và các địa phương, đơn vị tham gia Dự án theo quy định của pháp
luật Việt Nam và Nhà tài trợ;
- Thực hiện công tác báo cáo tài
chính của toàn bộ Dự án cho các cơ quan có thẩm quyền và nhà tài trợ theo quy định;
- Lưu giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ
sách kế toán, báo cáo tài chính và những tài liệu liên quan đến quản lý tài
chính, tài sản của dự án theo quy định.
5. Nhiệm vụ hành chính, điều phối
và trách nhiệm giải trình
- Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự
Ban QLDA;
- Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ,
tập hợp, phân loại, lưu trữ toàn bộ thông tin, tư liệu gốc liên quan đến dự án
và Ban QLDA theo quy định của pháp luật;
- Chuẩn bị để Bộ Y tế công khai hóa nội
dung, tiến độ thực hiện và ngân sách của Dự án cho những đối tượng hưởng lợi trực
tiếp của Dự án và các cơ quan liên quan;
- Cung cấp các thông tin chính xác và
trung thực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán,
bên tài trợ, các cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân liên quan trong khuôn
khổ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, ngoại trừ những thông tin được giới hạn
phổ biến theo luật định;
- Làm đầu mối trong giao dịch với Nhà
tài trợ về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện Dự án.
6. Nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và
báo cáo tình hình thực hiện Dự án.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết giám
sát, đánh giá việc thực hiện Dự án, trong đó xác định rõ các nguồn lực sử dụng,
tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí chấp nhận
kết quả đối với từng hoạt động giám sát, đánh giá.
- Thực hiện việc theo dõi, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện kế hoạch và các hoạt động chuyên môn của Dự án tại các
địa phương, đơn vị tham gia Dự án;
- Xây dựng quy chế, thu thập và lưu
trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của Dự án
cũng như báo cáo của các nhà thầu, những thay đổi trong chính sách, luật pháp của
Nhà nước và các quy định của Bên tài trợ liên quan đến việc quản lý thực hiện Dự
án;
- Thực hiện hoặc thuê tư vấn giúp Ban
Quản lý dự án lập các báo cáo đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc theo nội
dung Văn kiện dự án đã được phê duyệt; làm đầu mối phối hợp với Bên tài trợ hoặc
cơ quan quản lý có thẩm quyền để đánh giá Dự án.
- Tổng hợp, định kỳ 6 tháng, hằng năm
lập báo cáo kết quả thực hiện Dự án, gửi Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị có liên
quan và nhà tài trợ theo quy định tại Văn kiện Dự án và pháp luật Việt Nam.
7. Nhiệm vụ nghiệm thu, bàn giao,
quyết toán Dự án
- Hướng dẫn thực hiện thủ tục kết
thúc dự án cho các đơn vị tham gia Dự án;
- Trong vòng 6 tháng sau thời điểm kết
thúc Dự án, BQLDA có trách nhiệm hoàn thành báo cáo kết thúc Dự án và báo cáo
quyết toán Dự án trình Bộ Y tế;
- Xử lý tài sản của Dự án và bàn giao
cho các đơn vị tiếp nhận theo quy định;
- Sau khi báo cáo kết thúc và báo cáo
quyết toán dự án được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt và việc xử lý tài sản của Dự án đã hoàn thành, Bộ Y tế sẽ ban hành
Quyết định kết thúc dự án và giải thể BQLDA;
- Trong trường
hợp chưa thể kết thúc các công việc nêu trên theo thời hạn quy định,
trên cơ sở văn bản giải trình của BQLDA và không phản đối của Nhà tài trợ, Bộ Y
tế ban hành văn bản cho phép gia hạn Dự án để BQLDA tiếp tục hoàn thành các
công việc và đảm bảo kinh phí cần thiết để BQLDA duy trì hoạt động trong thời
gian gia hạn.
8. Các nhiệm vụ đặc thù
- BQLDA thực hiện các nhiệm vụ khác
theo thỏa thuận với Nhà tài trợ;
- BQLDA thực hiện các nhiệm vụ khác
trong khuôn khổ Dự án do Bộ Y tế giao hoặc ủy
quyền.
Điều 8. Quyền hạn
1. Sử dụng kinh phí cho các hoạt động
của Dự án theo Văn kiện Dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt;
2. Căn cứ vào nhu cầu công việc của từng
giai đoạn, BQLDA được tuyển chọn và ký kết hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn
trong nước, tư vấn quốc tế và các nhân viên hợp
đồng làm việc cho Dự án hoặc đề xuất với Lãnh đạo Bộ Y tế tuyển chọn các
cán bộ làm việc kiêm nhiệm, biệt phái cho Dự án theo quy định của Bộ Y tế để đảm
bảo mục tiêu, chất lượng các hoạt động của Dự án;
3. BQLDA được mời các chuyên gia
trong và ngoài nước để thảo luận, xây dựng nội dung chuyên môn về phòng, chống
HIV/AIDS và các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Dự án
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT
NAM
Điều 9. Cơ cấu tổ
chức
BQLDA gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc,
Kế toán trưởng, Điều phối viên và các bộ
phận như sau:
- Bộ phận Hành chính quản trị;
- Bộ phận Tài chính - Kế toán;
- Bộ phận Kế hoạch;
- Bộ phận Dự phòng;
- Bộ phận Điều trị;
- Bộ phận Thông tin chiến lược và xét
nghiệm.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng
cán bộ làm việc tại mỗi bộ phận của Ban Quản lý dự án do Giám đốc BQLDA quy định
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của BQLDA và khối lượng công việc được giao.
Điều 10. Giám đốc
Ban quản lý dự án
Giám đốc BQLDA do Bộ trưởng Bộ Y tế
quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Giám đốc BQLDA có quyền hạn và trách
nhiệm cụ thể như sau:
- Tổ chức bộ máy Ban Quản lý dự án và
phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong BQLDA;
- Tuyển chọn, ký kết hợp đồng, đào tạo,
bố trí sử dụng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ hợp đồng của Dự án;
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của
BQLDA;
- Chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch
hoạt động hằng năm và tiến hành ký phê duyệt Kế
hoạch hoạt động và Hợp đồng trách
nhiệm với các địa phương, đơn vị tham gia Dự án trên cơ sở Kế hoạch hoạt động hằng
năm của Dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt;
- Quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện
các hoạt động của Dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ
trợ chuyên môn, kỹ thuật, theo dõi, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết Dự án;
- Thông qua các báo cáo kỹ thuật, báo
cáo tài chính định kỳ hoặc đột xuất để trình Bộ Y tế và Nhà tài trợ;
- Chịu trách nhiệm xem xét và đề xuất
với Nhà tài trợ về kế hoạch sử dụng kinh phí phát sinh của Ban Quản lý Dự án;
- Tổ chức thực hiện các yêu cầu của
Nhà tài trợ trong quản lý và thực hiện Dự án;
- Vận động sự hỗ trợ của các cơ quan
liên quan, đối tác trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ Dự án.
Điều 11. Nhân sự
của Ban Quản lý dự án
1. Phó Giám đốc BQLDA
Các Phó Giám đốc BQLDA do Bộ trưởng Bộ
Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án có nhiệm
vụ giúp Giám đốc BQLDA thực hiện các nội dung công tác trong phạm vi được phân
công cụ thể hoặc được ủy quyền của Giám đốc BQLDA theo đúng các quy định của
pháp luật hiện hành.
2. Kế toán trưởng BQLDA
Kế toán trưởng BQLDA do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Kế toán trưởng BQLDA giúp việc cho Giám đốc BQLDA trong việc thực hiện các hoạt
động về tài chính - kế toán của Dự án với các nội dung cụ thể sau:
- Chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi
nguồn kinh phí của Dự án
- Mở đầy đủ sổ sách kế toán để hạch
toán theo đúng chế độ hiện hành;
- Phối hợp với các cán bộ dự án lập dự
toán hàng quí, hằng năm đối với nguồn viện trợ và nguồn đối ứng;
- Chịu trách nhiệm thanh toán kinh
phí hoạt động theo đúng kế hoạch của dự án dựa trên quy định tài chính hiện
hành của Nhà nước Việt Nam và của Nhà tài trợ;
- Chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo tài chính, quyết toán hàng
quí, hằng năm;
- Phối hợp và hỗ trợ cho các cán bộ
chuyên môn trong việc chuẩn bị hậu cần cho tổ chức các cuộc họp, hội thảo, huấn
luyện;
- Hướng dẫn kế toán các đơn vị tham
gia Dự án thực hiện việc quản lý tài chính theo quy định của Dự án;
- Thực hiện việc giám sát, kiểm tra
tài chính và thẩm định quyết toán của các đơn vị tham gia Dự án.
3. Điều phối viên
Điều phối viên giúp Giám đốc BQLDA thực
hiện các nhiệm vụ cụ thể:
- Theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện
các hoạt động của dự án, điều phối các hoạt động của các bộ phận trong BQLDA;
- Tổng hợp, báo cáo các hoạt động của Dự án, phát hiện các vấn đề nảy sinh
trong quá trình thực hiện và chủ động đề xuất với Giám đốc BQLDA các biện pháp
tháo gỡ;
- Giữ mối liên lạc thường xuyên với
các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng như của Nhà tài trợ trong việc triển
khai các hoạt động của Dự án;
- Liên hệ, chuẩn bị chương trình, nội
dung các buổi làm việc của Lãnh đạo Dự án với Nhà tài trợ và các cơ quan có
liên quan;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám
đốc BQLDA phân công.
4. Các Trưởng bộ phận
Trưởng các bộ phận của BQLDA do Giám
đốc BQLDA phân công.
Trưởng các bộ phận của BQLDA có nhiệm
vụ:
- Giúp Giám đốc BQLDA và Phó Giám đốc
BQLDA trực tiếp quản lý, triển khai và điều phối các hoạt động Dự án trong phạm
vi phụ trách. Chủ động đề xuất với Giám đốc BQLDA các biện pháp để đẩy nhanh tiến
độ cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của Dự án;
- Có trách nhiệm trực tiếp điều phối
các hoạt động chuyên môn của bộ phận. Phân công nhiệm vụ, điều phối, quản lý các
thành viên trong bộ phận;
- Thường xuyên trao đổi, bàn bạc và
thống nhất với chuyên gia của Nhà tài trợ và các chuyên gia khác về kế hoạch và
triển khai các hoạt động của bộ phận; xác định nhu cầu huấn luyện, đào tạo cho
cán bộ và các nhu cầu hỗ trợ khác;
- Theo dõi tiến độ triển khai và giải
ngân các hoạt động của bộ phận.
5. Các cán bộ của BQLDA
Các cán bộ làm việc tại BQLDA gồm các
cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm việc tại BQLDA theo chế độ biệt phái
hoặc kiêm nhiệm và các cán bộ khác làm việc tại BQLDA theo chế độ hợp đồng do
Giám đốc BQLDA tuyển chọn theo quy định của pháp luật.
Các cán bộ làm việc tại BQLDA là cán
bộ tham gia trực tiếp triển khai các hoạt
động của Dự án, được phân công vào các nhóm nghiệp vụ và thực hiện các nhiệm vụ
cụ thể theo sự phân công của Giám đốc Ban Quản lý dự án và Trưởng các bộ phận.
Điều 12. Chế độ
đãi ngộ của Ban Quản lý Dự án
- Công chức, viên chức, các cán bộ
làm việc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng tại BQLDA được hưởng lương và phụ cấp theo
Văn kiện dự án và các quy định của Nhà nước Việt Nam và Nhà tài trợ;
- BQLDA được Bộ Y tế đảm bảo các điều
kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm văn phòng và các phương
tiện làm việc, phương tiện theo dõi, giám sát theo yêu cầu quản lý và thực hiện
Dự án. Trong trường hợp Bộ Y tế không bố trí được trụ sở làm việc, BQLDA được
thuê trụ sở làm việc;
- BQLDA được cung cấp thiết bị, dụng
cụ văn phòng và văn phòng phẩm, thiết bị phục vụ cho hội họp và các trang thiết
bị khác từ nguồn vốn viện trợ và ngân sách của Dự án đảm bảo cho việc thực hiện
các chức năng nhiệm vụ được giao.
- BQLDA được cung cấp xe ô tô công
tác, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị tin học từ ngân sách của Dự án, trên
cơ sở kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13. Mối
quan hệ công tác của Ban Quản lý Dự án
1. Quan hệ với Bộ Y tế
Chịu sự chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc
xây dựng kế hoạch, điều phối dự án, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các hoạt động thuộc Dự án.
2. Quan hệ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS
và các Vụ, Cục Bộ Y tế
a) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn giám
sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc xây dựng kế hoạch hằng năm, đảm bảo
các hoạt động của Dự án theo đúng Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Báo cáo định kỳ và đột xuất các hoạt động của Dự án cho Cục Phòng, chống
HIV/AIDS;
b) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám
sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh trong việc thực hiện những vấn đề chuyên môn
kỹ thuật liên quan tới việc chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS;
c) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám
sát của Vụ Kế hoạch - Tài chính trong việc
thực hiện những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn kinh phí viện trợ
cho dự án: tiếp nhận viện trợ, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính
của Dự án;
d) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Vụ
Hợp tác quốc tế trong việc thực hiện những vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế
trong quá trình triển khai thực hiện Dự án;
e) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám
sát của Cục Quản lý Dược thực hiện những vấn đề liên quan đến quản lý, cung cấp
và sử dụng thuốc thuộc Dự án;
f) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát của các Vụ, Cục khác và Thanh tra Bộ Y tế, Văn phòng Bộ Y tế khi
giải quyết các công việc có liên quan;
3. Quan hệ với Văn phòng, CDC Hoa Kỳ
tại Việt Nam
Phối hợp với Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại
Việt Nam để xây dựng kế hoạch, triển khai, giám sát các hoạt động của Dự án và
các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể
các nội dung của các hoạt động trong khuôn khổ Dự án. Báo cáo định kỳ và đột xuất
Văn phòng CDC tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
4. Quan hệ với các đơn vị tham gia Dự
án
Phối hợp với các đơn vị tham gia Dự án trong việc lập kế hoạch, triển khai các
hoạt động và theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động thuộc Dự án.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 14. Hiệu lực
thi hành
1. Quy chế này gồm 4 chương, 14 điều
có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
2. Giám đốc Ban QLDA, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có
trách nhiệm thi hành Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm đề xuất với Bộ
Y tế xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này cho phù hợp./.