VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS
ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020 CỦA TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban Nhân dân được Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút
gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 31 tháng 5
năm 1995;
- Căn cứ Quyết định số:36/2004/QĐ.TTg, ngày
17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc
gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
- Xét đề nghị của Giám đốc sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay phê duyệt Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và
tầm nhìn 2020 của tỉnh Vĩnh Long với những nội dung chủ yếu sau:
(Đính kèm theo Quyết định là bảng Kế hoạch và bảng
chi tiết kinh phí hoạt động phòng chống AIDS 2005-2010 của tỉnh Vĩnh Long).
1. Quan điểm:
a) HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa
đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc.
HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn
xã hội của tỉnh. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng
tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh
việc huy động toàn xã hội tham gia;
b) Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra
sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trực
tiếp và gián tiếp. Nhà nước bảo đảm việc huy động các nguồn lực đầu tư cho
phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và sau 2010 phù hợp với khả năng và
điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn;
c) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường
trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm
HIV/AIDS với gia đình, xã hội;
d) Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế trong phòng, chống
HIV/AIDS;
e) Các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời
gian tới là:
- Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; phối hợp
với các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS;
- Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại;
- Tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;
- Tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương
trình.
2. Mục tiêu kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS ở Vĩnh Long
đến năm 2010:
a) Mục tiêu chung:
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm
2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
- 100% các đơn vị, huyện thị trong tỉnh đưa hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển
kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương;
- Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100%
nhân dân khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn hiểu đúng và biết cách dự
phòng lây nhiễm HIV/AIDS;
- Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm có hành vi nguy cơ cao ra cộng đồng
thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại:
thực hiện các biện pháp can thiệp đối với tất cả các đối tượng có hành vi nguy
cơ lây nhiễm HIV/AIDS; 100% tiêm chích an toàn và sử dụng bao cao su trong quan
hệ tình dục có nguy cơ;
- Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp:: 90%
người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em
bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư
vấn thích hợp, 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu;
- Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình
phòng, chống HIV/AIDS: 100% huyện, thị xã có khả năng tự đánh giá và tự dự báo
về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy
định tư vấn xét nghiệm tự nguyện;
- Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn
vị máu và chế phẩm của máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến;
100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm
HIV/AIDS;
3. Tầm nhìn 2020:
a) Đẩy mạnh công tác phòng, chống
HIV/AIDS giai đoạn 2004 - 2010 để sau năm 2010 giảm dần số lượng tuyệt đối người
nhiễm HIV/AIDS, làm giảm các ảnh hưởng kinh tế, xã hội do HIV/AIDS gây
ra cho giai đoạn sau năm 2010;
b) Giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đầu tư và đẩy mạnh
phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm thiểu tác động
của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội;
c) Giai đoạn
2010 - 2020 chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ phải tập trung giải quyết hậu
quả của HIV/AIDS; biện pháp dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin, thuốc điều trị HIV/AIDS
có thể sẽ được sử dụng rộng rãi.
Ưu tiên của công tác phòng, chống
HIV/AIDS trong giai đoạn 2010 - 2020 là:
- Dự phòng bằng các biện pháp kỹ thuật đặc hiệu;
- Chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;
- Chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Các Chương trình hành động trong giai đoạn 2010 - 2020 chủ yếu tập trung
cho hai Chương trình chủ đạo là:
+ Chương trình chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS.
+ Chương trình dự phòng và giảm nhẹ tác động đến nền kinh tế - xã hội do
HIV/AIDS gây ra.
4. Các giải pháp chủ yếu:
a) Nhóm giải pháp về xã hội:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống
HIV/AIDS; đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào nội dung thảo luận ở các kỳ Đại
hội, vào Nghị quyết và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Các cấp chính quyền địa phương đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huy động toàn dân tham gia
phòng, chống HIV/AIDS nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.
- Xây dựng chương trình phòng, chống HIV/AIDS
thành chương trình phối hợp liên ngành, toàn diện, đặc biệt chú trọng việc lồng
ghép có hiệu quả với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để
ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; Xã hội hóa công tác này nhằm huy động nhiều hơn nữa
sự tham gia của cộng đồng xã hội.
- Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của Hội
đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền
thông thay đổi các hành vi có nguy cơ; tính phù hợp và hiệu quả của các hoạt động
thông tin, giáo dục và truyền thông. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên gắn liền
với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở
cơ sở xã, phường. Giáo dục sức khỏe sinh sản vào trong chương trình đào tạo của
các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông;
- Xây dựng hệ thống chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; khuyến
khích việc hình thành các trung tâm chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm dựa vào cộng đồng;
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với bản thân, gia
đình và cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
b) Nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật:
- Tăng cường công tác giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm tự nguyện;
xây dựng và củng cố các phòng xét nghiệm HIV hiện có trên địa bàn đạt tiêu chuẩn
để có thể tự khẳng định kết quả xét nghiệm HIV/AIDS.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật bảo đảm an toàn trong truyền
máu và chế phẩm máu, sàng lọc HIV 100% đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi
truyền, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm HIV trong sàng lọc máu, tăng
cường tuyên truyền, vận động và phát triển bền vững phong trào hiến máu nhân đạo;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về cách dự phòng lây nhiễm
HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội; hướng dẫn và quản lý công tác
dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở y tế tư
nhân;
- Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh tiếp cận với các thuốc
điều trị đặc hiệu HIV/AIDS. Khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các thuốc
đông y trong điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS;
- Nâng cao nhận thức của người dân trong độ tuổi
sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và khả năng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ
sang con, tổ chức điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con và tổ chức
tốt việc chăm sóc, điều trị trẻ bị nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
- Xây dựng mạng lưới giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục,
điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, tăng cường đào tạo cán
bộ, lồng ghép triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các
nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Triển khai việc phân phát và tuyên
truyền hướng dẫn sử dụng bao cao su ở tất cả cơ sở khám, chữa bệnh da liễu thuộc
y tế công.
c) Nhóm giải pháp về nguồn lực và hợp tác quốc tế:
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống
HIV/AIDS, xây dựng cơ chế phù hợp cho việc thúc đẩy các tổ chức, cộng đồng kể cả
người nhiễm tham gia quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS. Hàng
năm, ngoài ngân sách do Trung ương cấp, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm
chủ động bố trí ngân sách của cấp mình đầu tư cho công tác phòng, chống
HIV/AIDS;
- Tăng dần mức đầu tư, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các
nguồn kinh phí khác từ trong tỉnh và các nguồn huy động khác cho chương trình
phòng, chống HIV/AIDS. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực;
5. Kinh phí thực hiện:
Tổng cộng kinh phí thực hiện cho Kế hoạch phòng,
chống lây nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2005 - 2010 là: 36.206.016.975 đồng (
ba mươi sáu tỷ, hai trăm lẻ sáu triệu, mười sáu ngàn, chín trăm bảy mươi lăm đồng).
Trong đó:
- Ngân sách do Trung ương cấp: 26 tỷ đồng. (1)
- Ngân sách địa phương cấp: 1,8 tỷ đồng.(2)
- Từ dự án Life-gap do CDC (Hoa Kỳ) tài trợ không hoàn lại: 6,630 tỷ đồng.(3)
- Phần còn lại sẽ vận động từ các nguồn tài trợ khác.
( Tổng cộng: (1)+(2)+(3)= 34,430 tỷ đồng)
Điều 2: Các
chương trình hành động của Kế hoạch:
1. Chương trình thông tin giáo dục và truyền
thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS; phối hợp với các chương trình
phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
2. Chương trình can thiệp giảm thiểu
tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
3. Chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
4. Chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình.
5. Chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS.
6. Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.
7. Chương trình quản lý và điều trị các nhiễm
khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
8. Chương trình an toàn truyền máu.
9. Chương trình tăng cường năng lực và hợp tác
quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.
Điều 3: Tổ chức thực
hiện:
1. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch
phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh từ nay đến 2010 và tầm nhìn 2020; phối hợp với
các sở, Ban, ngành là thành viên của Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống
tệ nạn ma túy, mại dâm.
Sở Y tế chỉ đạo theo ngành dọc các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và các
đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ban Chỉ đạo
Phòng chống HIV/AIDS có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng
cấp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch; theo dõi,
giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo kết quả thực
hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo,
triển khai thực hiện nội dung và các chương trình hành động của Kế hoạch phòng,
chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 trên địa bàn huyện, thị xã.
Xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp, các địa
phương chủ động đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình
phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp giảm
thiểu tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su dự
phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị hỗ trợ người nhiễm
HIV/AIDS.
3. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên
quan Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh
Long đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi
phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn của tỉnh. Tập trung đưa thông tin đến người
dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đưa thông tin tiếp cận với các
nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo đưa chương trình giáo dục kiến thức và huấn luyện
kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS vào trong chương trình đào tạo của các trường Cao
đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông phù hợp với yêu cầu
của từng đối tượng.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính chịu trách nhiệm bố trí và cấp kịp
thời kinh phí cho các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS theo kế
hoạch ngân sách được Hội đồng Nhân dân tỉnh phân bổ hàng năm. Tích cực huy động
các nguồn tài trợ để đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động và phối hợp với các cơ quan
truyền thông, chỉ đạo các đài phát thanh các cấp đưa các thông tin về dự phòng,
chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS thành nội dung thường xuyên của chương trình phát
sóng. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; chủ động đầu
tư kinh phí cho việc xây dựng và phát sóng các chương trình về phòng, chống
HIV/AIDS.
7. Các sở, ngành là thành viên Ủy ban
Phòng, Chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, có trách nhiệm chủ động
xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng,
nhiệm vụ được giao và theo đặc thù của ngành mình; chủ động đầu tư ngân sách
cho công tác này.
8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể chính
trị xã hội tích cực tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi hoạt
động của mình.
Điều 4: Các Ông, Bà:
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.