BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2834/QĐ-BYT
|
Hà Nội,
ngày 04 tháng 7 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT “HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CÁC CAN THIỆP DỰ PHÒNG HIV, VIÊM GAN B VÀ
GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày
20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 7130/QĐ-BYT ngày
29/11/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV,
viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe
Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV,
viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con” kèm theo Quyết định này.
Điều 2. “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B
và giang mai lây truyền từ mẹ sang con” là cơ sở để các cơ sở y tế triển khai
thực hiện các hoạt động dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ
sang con.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ
- Trẻ em, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Phòng chống
HIV/AIDS; Thủ trưởng các đơn vị liên quan của Bộ Y tế; Giám đốc các Sở Y tế tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 4;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BM-TE.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Viết Tiến
|
HƯỚNG DẪN
KỸ THUẬT
CÁC
CAN THIỆP DỰ PHÒNG HIV, VIÊM GAN B VÀ GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2834/BYT ngày 04 tháng 7 năm 2019)
I. Quy định chung
1. Mục đích
Hướng dẫn triển khai về các dịch vụ dự
phòng lây truyền HIV, vi rút viêm gan B (HBV) và giang mai từ mẹ sang con.
2. Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở y
tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc
và điều trị dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con.
3. Nguyên tắc
- Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét
nghiệm sàng lọc HIV, HBV và giang mai trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm
càng tốt trong thời gian mang thai.
- Nếu phụ nữ mang thai không được xét
nghiệm sàng lọc HIV, HBV và giang mai trong thời gian mang thai thì cần được
xét nghiệm trước khi chuyển dạ.
- Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm
phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh kể cả trẻ sinh ra từ mẹ
không nhiễm hoặc không rõ tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B.
II. Hướng dẫn dự
phòng lây truyền HIV, HBV, giang mai từ mẹ sang con
1. Cung cấp
thông tin trước xét nghiệm
- Phụ nữ mang thai đến khám thai lần đầu
tiên cần được cung cấp các thông tin sau:
+ Tình hình nhiễm HIV, HBV và giang
mai ở phụ nữ mang thai tại Việt Nam.
+ Nguy cơ lây truyền HIV, HBV và giang
mai từ mẹ sang con.
+ Lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện
sớm và các can thiệp có hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền HIV, HBV và giang mai
từ mẹ sang con.
+ Lợi ích của việc phát hiện sớm và điều
trị kịp thời HIV, viêm gan B và giang mai đối với sức khỏe của mẹ.
- Phụ nữ mang thai cần được cung cấp đầy
đủ thông tin trước xét nghiệm và tự quyết định việc xét nghiệm.
2. Xét nghiệm
sàng lọc HIV, HBV và giang mai
- Cơ sở sản khoa lấy máu để làm xét
nghiệm sàng lọc HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai đến khám thai lần đầu
hoặc chuyển mẫu máu đến cơ sở y tế có năng lực để xét nghiệm sàng lọc theo hướng
dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm.
- Khi có kết quả xét nghiệm sàng lọc:
+ Kết quả sàng lọc âm tính:
• Thông báo kết quả âm tính
• Tư vấn về các biện pháp phòng bệnh
+ Kết quả có phản ứng với xét nghiệm
sàng lọc HIV hoặc dương tính đối với HBV và giang mai: chuyển đến Mục 3.
- Lưu ý đối với cơ sở cung cấp xét
nghiệm sàng lọc:
+ Sử dụng test nhanh hoặc các kỹ thuật
khác phù hợp với năng lực kỹ thuật của cơ sở.
+ Sử dụng sinh phẩm để xét nghiệm sàng
lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Khuyến khích sử dụng test đôi (HIV
và giang mai) để giảm chi phí và tăng hiệu suất, giảm số lần lấy máu cho phụ nữ
mang thai.
+ Cán bộ thực hiện xét nghiệm phải được
tập huấn và có chứng chỉ.
+ Đảm bảo xử lý chất thải sau khi xét
nghiệm theo đúng quy định.
+ Không xét nghiệm lại nếu phụ nữ mang
thai đã biết tình trạng nhiễm HIV, HBV và giang mai. Chỉ xét nghiệm lại khi phụ
nữ mang thai có kết quả xét nghiệm âm tính trước 3 tháng và nghi ngờ có nguy cơ
cao nhiễm HIV, HBV hoặc giang mai.
3. Xét nghiệm
khẳng định
3.1 Phụ nữ mang thai có kết quả phản ứng
với xét nghiệm sàng lọc HIV
- Giải thích cho phụ nữ mang thai về kết
quả xét nghiệm và sự cần thiết phải thực hiện thêm xét nghiệm để khẳng định
tình trạng nhiễm HIV.
- Lấy máu để làm xét nghiệm khẳng định
hoặc chuyển gửi mẫu máu đến cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để làm
xét nghiệm khẳng định HIV. Việc lấy mẫu máu, chuyển gửi bệnh phẩm cần thực hiện
theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tư vấn sau xét nghiệm và chuyển gửi
phụ nữ mang thai có kết quả khẳng định HIV dương tính đến cơ sở chăm sóc và điều
trị HIV trên địa bàn để được điều trị ARV sớm.
- Trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm
HIV trong quá trình chuyển dạ và có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc
HIV: cơ sở sản khoa cần điều trị dự phòng ARV ngay cho mẹ đồng thời lấy máu và
chuyển gửi mẫu máu đến cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để làm xét
nghiệm khẳng định HIV.
3.2 Phụ nữ mang thai có kết quả sàng lọc
HBsAg dương tính
- Giải thích ý nghĩa của kết quả xét
nghiệm, nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con.
- Tư vấn về sự cần thiết của việc tiêm
vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh đồng thời với tiêm kháng huyết
thanh viêm gan B (Hepatitis B Immunoglobuline) cho con sau sinh.
- Chuyển gửi phụ nữ mang thai đến
chuyên khoa truyền nhiễm hoặc cơ sở chăm sóc và điều trị các bệnh về gan để
đánh giá tình trạng bệnh viêm gan B, xem xét chỉ định điều trị bệnh hoặc điều
trị dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
viêm gan vi rút B của Bộ Y tế.
3.3 Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm
sàng lọc giang mai dương tính
- Giải thích ý nghĩa của kết quả xét
nghiệm và nguy cơ mắc giang mai bẩm sinh của con.
- Cần tìm hiểu tiền sử mẹ bị giang mai
để đánh giá giai đoạn bệnh.
- Điều trị ngay cho phụ nữ mang thai
và chỉ định các xét nghiệm tiếp theo hoặc chuyển gửi cơ sở điều trị chuyên khoa
để chẩn đoán giang mai tiến triển và xác định giai đoạn bệnh.
4. Tư vấn sau
xét nghiệm
- Tư vấn cho phụ nữ mang thai về ý
nghĩa của kết quả xét nghiệm, nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
- Tư vấn viên
thực hiện tư vấn sau xét nghiệm HIV phải được tập huấn về tư vấn.
- Đối với phụ nữ mang thai có kết quả
xét nghiệm sàng lọc dương tính với một trong 3 bệnh (HIV, HBV, giang mai) cần
được tư vấn về nguy cơ lây truyền cho con, các biện pháp dự phòng, sự cần thiết
của việc điều trị sớm cho phụ nữ mang thai và con của họ, giới thiệu bạn
tình/chồng đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị.
5. Các can thiệp dự
phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con
5.1 Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang
con
- Điều trị ARV cho mẹ:
+ Phụ nữ mang thai đã được khẳng định
nhiễm HIV cần được điều trị thuốc kháng vi rút HIV càng sớm càng tốt theo hướng
dẫn của Bộ Y tế. Ngừng điều trị ARV cho mẹ khi có kết quả khẳng định âm tính với
HIV.
+ Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm
sàng lọc HIV có kết quả phản ứng khi chuyển dạ cần được điều trị dự phòng ARV
ngay, đồng thời lấy máu và chuyển làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV.
- Điều trị dự phòng ARV cho con: Con
sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc bà mẹ có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV có kết quả
phản ứng khi chuyển dạ cần được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV ngay sau
khi sinh. Chỉ định, liều lượng và thời gian uống thuốc thực hiện theo hướng dẫn
của Bộ Y tế.
- Chuyển gửi cặp mẹ con sang cơ sở
chăm sóc và điều trị HIV để được theo dõi, chăm sóc, chẩn đoán sớm tình trạng
nhiễm HIV cho con, điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội và điều trị
ARV cho con nếu bị nhiễm HIV.
5.2 Dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang
con
- Phụ nữ mang thai có HBsAg dương tính
cần được chuyển đến chuyên khoa truyền nhiễm hoặc cơ sở chăm sóc và điều trị
các bệnh về gan để đánh giá tình trạng bệnh viêm gan B, xem xét chỉ định điều
trị bệnh hoặc điều trị dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con theo Hướng dẫn chẩn
đoán và điều trị viêm gan vi rút B của Bộ Y tế.
- Con sinh ra từ mẹ nhiễm HBV cần được
tiêm vắc xin viêm B trong vòng 24 giờ sau khi sinh đồng thời với tiêm kháng huyết
thanh viêm gan B. Vắc xin viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B có thể
tiêm đồng thời nhưng tại 2 vị trí khác nhau.
5.3 Dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ
sang con
a) Phụ nữ mang thai có kết quả dương
tính với xét nghiệm giang mai (Treponema test) lần đầu tiên cần được điều trị bằng
benzathine penicilline 2,4 triệu đơn vị liều thứ nhất. Việc tiêm kháng sinh cần
tuân thủ các quy định về tiêm kháng sinh của Bộ Y tế.
- Nếu không có benzathin penicilline,
có thể sử dụng procain penicilline 1,2 triệu đơn vị tiêm bắp ngày 1 lần trong
10 ngày.
- Nếu dị ứng với penicillin có thể sử
dụng erythromycine 500mg, uống 4 lần/ngày trong 14 ngày hoặc ceftriaxone 1g
tiêm bắp ngày 1 lần trong 10-14 ngày hoặc azithromycine 2g uống một lần duy nhất.
- Lưu ý: Erythormycine và
azithromycine không qua được hàng rào rau thai hoàn toàn vì thế chỉ có tác dụng
điều trị cho mẹ. Trong trường hợp này, con sinh ra cần được điều trị ngay.
Không sử dụng doxycycline cho phụ nữ mang thai.
- Tiến hành xét nghiệm Rapid Plasma
Regain (RPR) hoặc lấy mẫu máu chuyển gửi đến phòng xét nghiệm để làm xét nghiệm
RPR.
+ Nếu xét nghiệm RPR âm tính: xét nghiệm
lại sau 1 tháng.
+ Nếu xét nghiệm RPR dương tính và phụ
nữ mang thai mắc giang mai giai đoạn muộn (trên 2 năm) hoặc không rõ giai đoạn:
tiếp tục điều trị Benzathine Penicillin 2,4 triệu đơn vị (tiêm bắp) liều thứ 2
cách liều thứ nhất 1 tuần và liều thứ 3 cách liều thứ hai 1 tuần.
b) Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm giang mai:
- Khám lâm sàng và phát hiện các triệu
chứng nghi ngờ giang mai bẩm sinh: sinh non hoặc nhẹ cân, chảy nước mũi mạn
tính, phát ban (có thể khô, phồng rộp hoặc đóng vẩy hoặc ướt, đặc biệt là trên
bàn tay, xung quanh miệng hoặc hậu môn), gan lách to, vàng da, thiếu máu, viêm
màng não vô khuẩn, dị dạng xương (hình dạng bất thường tại mũi hoặc chân).
- Trẻ cần được điều trị giang mai
trong các trường hợp: trẻ được chẩn đoán lâm sàng giang mai bẩm sinh; trẻ có biểu
hiện lâm sàng bình thường nhưng mẹ được chẩn đoán và điều trị muộn trong vòng 4
tuần trước khi sinh. Sử dụng phác đồ điều trị sau:
+ Benzyl Penicillin 100.000 - 150.000
đơn vị/kg/ngày tiêm tĩnh mạch 10-15 ngày.
+ Hoặc Procain Penicillin 50.000 đơn vị/ngày,
tiêm bắp 1 lần trong ngày trong 10-15 ngày.
- Trẻ có biểu hiện lâm sàng bình thường,
mẹ được điều trị giang mai đầy đủ và không có biểu hiện tái nhiễm cần được theo
dõi để phát hiện các triệu chứng giang mai bẩm sinh ở thời điểm tuần thứ 6, 10,
14 và 9 tháng sau sinh. Trong trường hợp vẫn nghi ngờ có nguy cơ mắc giang mai
bẩm sinh có thể chỉ định tiêm bắp cho trẻ 1 liều duy nhất benzathine penicillin
50.000 đơn vị/kg/ngày.
5.4 Tư vấn nuôi dưỡng và quản lý trẻ
sau sinh
a) Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm
HIV:
- Tư vấn để bà mẹ hiểu và quyết định
cho con bú sữa mẹ hay sữa thay thế, đặc biệt là các bà mẹ điều trị ARV muộn có
nguy cơ lây truyền HIV qua sữa mẹ cao.
- Tư vấn nuôi dưỡng trẻ cần được thực
hiện trước khi sinh và căn cứ theo điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình của
người mẹ, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của từng phương án nuôi dưỡng trẻ,
các biện pháp cần được thực hiện để ngăn ngừa tối đa việc trẻ nhiễm HIV từ sữa
mẹ.
- Nếu nuôi con bằng sữa mẹ: Người mẹ
phải được điều trị bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng
HIV dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện.
- Nếu nuôi con bằng sữa thay thế sữa mẹ:
Người mẹ cần đảm bảo được cung cấp đủ sữa ăn thay thế hoàn toàn trong 6 tháng đầu,
có nước sạch và chuẩn bị được sữa ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đủ
số lượng phù hợp với tuổi của trẻ.
b) Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV
- Cho trẻ bú sữa mẹ.
- Tư vấn xét nghiệm HBsAg và anti-HBs
cho trẻ từ 12 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm HBV và đáp ứng kháng thể.
c) Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm
giang mai
- Cho trẻ bú mẹ.
- Khám, chẩn đoán và xử trí theo Mục
5.3.
III. Tổ chức thực hiện
1. Cơ sở chăm
sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em
- Cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm
sàng lọc HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai đến khám thai.
- Tư vấn chuyển
tiếp phụ nữ mang thai nhiễm HIV và HBV tới cơ sở chăm sóc và điều trị để được
quản lý và đăng ký điều trị lâu dài.
- Điều trị phụ nữ mang thai mắc giang
mai theo hướng dẫn này và/hoặc chuyển cơ sở điều trị chuyên khoa xử trí.
- Khám và chăm sóc sau sinh, tư vấn về
các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nhiễm HIV, HBV và giang mai.
- Theo dõi, quản lý người mẹ và trẻ
phơi nhiễm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa
nhi chẩn đoán và điều trị cho trẻ mắc giang mai bẩm sinh.
2. Cơ sở chăm
sóc và điều trị các bệnh truyền nhiễm, da liễu, HIV
- Cơ sở chăm sóc và điều trị HIV: phối
hợp tiếp nhận phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con sinh ra từ mẹ nhiễm HIV để cung
cấp xét nghiệm khẳng định, chăm sóc điều trị cho mẹ và điều trị dự phòng cho
con; chuyển gửi phụ nữ đang điều trị muốn có thai đến cơ sở chăm sóc sức khỏe
sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em để được quản lý thai nghén/chăm sóc trước và sau
khi sinh.
- Cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm hoặc
chăm sóc và điều trị các bệnh về gan: tiếp nhận phụ nữ mang thai nhiễm HBV,
theo dõi đánh giá giai đoạn bệnh và điều trị hoặc điều trị dự phòng theo hướng
dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan B của Bộ Y tế; chuyển gửi phụ nữ đang điều
trị muốn có thai đến cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em để
được quản lý thai nghén/chăm sóc trước và sau khi sinh.
- Cơ sở điều trị các bệnh da liễu/lây
truyền qua đường tình dục: tiếp nhận phụ nữ mang thai mắc giang mai, đánh giá
và chẩn đoán giai đoạn bệnh và điều trị. Chẩn đoán và điều trị cho trẻ mắc
giang mai bẩm sinh; chuyển gửi phụ nữ đang điều trị muốn có thai đến cơ sở chăm
sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em để được quản lý thai nghén/chăm sóc
trước và sau khi sinh.
PHỤ
LỤC 1:
HƯỚNG
DẪN DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV, HBV VÀ GIANG MAI TỪ MẸ SANG CON
PHỤ
LỤC 2:
SÀNG
LỌC VÀ ĐIỀU TRỊ GIANG MAI CHO PHỤ NỮ CÓ THAI
PHỤ
LỤC 3:
QUẢN
LÝ TRẺ SINH RA TỪ MẸ NHIỄM GIANG MAI