ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2700/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 07 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ:
số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; số
33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010;
Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV
ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ qui định chi tiết thi hành Nghị định số
45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 và Nghị định số
33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 309/TTr-SNV ngày 21/6/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết
định này Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa đã được Đại hội đại biểu lần thứ
VI, nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa thông qua ngày
28/5/2016, bao gồm: 8 Chương, 29 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2 QĐ;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh
- Lưu: VT, THKH.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Đăng Quyền
|
ĐIỀU LỆ
LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ THANH HÓA
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 2700/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm
2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
Chương I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Tên gọi
1. Tên tiếng Việt: Liên đoàn Bóng đá
Thanh Hóa.
2. Tên viết tắt: LĐBĐTH.
3. Tên giao dịch quốc tế: THANH HOA FOOTBALL FEDERATION (TFF).
Điều 2. Tôn chỉ,
mục đích
1. Tôn chỉ: Liên đoàn Bóng đá Thanh
Hóa (sau đây gọi tắt là Liên đoàn) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các cá
nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh tán thành Điều lệ, tự
nguyện tham gia, tăng cường giao lưu, đoàn kết, hữu nghị.
2. Mục đích: Liên đoàn bóng đá Thanh
Hóa hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền, vận động và hướng dẫn quần chúng tham
gia tập luyện bóng đá, góp phần nâng cao sức khoẻ, nâng cao trình độ thi đấu, từng
bước đưa phong trào bóng đá tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.
Điều 3. Địa vị
pháp lý, trụ sở
1. Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa có tư
cách pháp nhân, có biểu tượng, con dấu và tài khoản riêng.
2. Trụ sở của Liên đoàn: Số 39 Lê Quý
Đôn, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa.
Điều 4. Phạm vi,
lĩnh vực hoạt động
1. Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa hoạt động
trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa và là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam,
2. Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa hoạt động
chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và
theo pháp luật nước CHXHCN Việt Nam; chấp hành các quy định của pháp luật liên
quan đến tổ chức, hoạt động của Hội.
Điều 5. Nguyên tắc
tổ chức, hoạt động
1. Tự nguyện, tự quản
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai,
minh bạch
3. Tự bảo đảm kinh
phí hoạt động
4. Không vì mục đích lợi nhuận
5. Tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật và
Điều lệ Hội.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN
HẠN
Điều 6. Nhiệm vụ
của Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa
Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa có nhiệm
vụ sau:
1. Tuyên truyền giáo dục quần chúng và
hội viên của Liên đoàn về chủ trương, đường lối, phương hướng phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng; Điều lệ
của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với tinh thần: Thể
thao đoàn kết, trung thực, cao thượng.
2. Hướng dẫn, giúp đỡ việc tổ chức và
phát triển Câu lạc bộ Bóng đá ở các huyện, thị xã, thành
phố và các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để xây dựng, phát triển phong trào rộng rãi cho mọi đối tượng ở các vùng, miền, chú trọng đặc biệt các
đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng
của Nhà nước:
- Xây dựng kế hoạch phát triển phong
trào tập luyện bóng đá trong tỉnh;
- Xây dựng hệ thống thi đấu giải bóng
đá phong trào từ tỉnh đến cơ sở; chương trình đào tạo huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài bóng đá;
- Tổ chức đoàn vận động viên tham gia
các giải bóng đá phong trào do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức;
- Tổ chức các giải thi đấu bóng đá
phong trào cấp tỉnh, các giải thi đấu bóng đá phong trào khu vực và toàn quốc trên địa bàn tỉnh.
4. Tư vấn, tham mưu, đề xuất, kiến
nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề liên quan đến chủ
trương, kế hoạch phát triển và nâng cao trình
độ môn bóng đá trong tỉnh.
5. Tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp
tác với các Liên đoàn bóng đá, Câu lạc bộ bóng đá trong và ngoài nước theo quy
định của pháp luật.
6. Vận động các tổ chức, cá nhân, đơn
vị trong và ngoài tỉnh tài trợ cho các hoạt động bóng đá trong tỉnh
và đội tuyển bóng đá chuyên nghiệp.
7. Chấp hành các quy định của pháp luật
liên quan đến tổ chức, hoạt động của Liên đoàn.
Điều 7. Quyền hạn
của Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa
1. Tuyên truyền mục đích của Liên đoàn.
2. Đại diện cho hội viên trong mối
quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn.
3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn theo
quy định của pháp luật.
4. Tham gia ý kiến vào các văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Liên đoàn theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các vấn đề liên quan tới sự phát triển của Liên
đoàn và lĩnh vực Liên đoàn hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức
các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ
hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có
liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Liên đoàn.
6. Thành lập pháp nhân thuộc Liên
đoàn theo quy định của pháp luật.
7. Được gây quỹ Liên đoàn trên cơ sở
hội phí của tổ chức thành viên, hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh
doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải
về kinh phí hoạt động.
8. Được nhận các nguồn tài trợ hợp
pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao.
9. Được gia nhập các tổ chức quốc tế
tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật
và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực
Liên đoàn hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập
Liên đoàn về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa
thuận quốc tế.
Chương III
TỔ CHỨC THÀNH VIÊN,
HỘI VIÊN
Điều 8. Tổ chức
thành viên
Câu lạc bộ Bóng đá chuyên nghiệp, câu
lạc bộ bóng đá các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, cơ quan, đơn vị; các hội
cổ động viên bóng đá trên địa bàn tỉnh thừa nhận và chấp hành Điều lệ của Liên
đoàn, đóng lệ phí hàng năm và tham gia hoạt động thì được xem xét công nhận là
tổ chức thành viên của Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa.
Điều 9. Hội viên
Mọi công dân Việt Nam cư trú trong tỉnh
và ngoài tỉnh nếu tán thành Điều lệ, tự nguyện xin gia nhập, đóng lệ phí và
sinh hoạt ở một tổ chức thành viên của Liên đoàn được công nhận là hội viên của
Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa.
Điều 10. Thể thức
gia nhập Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa
- Quyết định thành lập Câu lạc bộ/hội;
- Danh sách Ban chủ nhiệm và hội
viên;
- Đơn xin gia nhập Liên đoàn.
- Nộp lệ phí theo quy định.
Việc xem xét công nhận một tổ chức
thành viên, hội viên do Ban Chấp hành Liên đoàn quyết định bằng hình thức bỏ
phiếu kín hoặc biểu quyết bằng giơ tay.
Điều 11. Nghĩa vụ,
quyền lợi của tổ chức thành viên và hội viên
1. Nghĩa vụ:
- Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, Nghị
quyết, Quy chế, các quy định của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, Liên đoàn Bóng đá
Việt Nam và Luật thi đấu bóng đá hiện hành.
- Tích cực tham gia mọi hoạt động của
Liên đoàn, đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển và nâng cao trình độ bóng
đá của tỉnh Thanh Hóa.
- Đóng lệ phí hàng năm theo quy định.
- Định kỳ báo cáo hoạt động với Liên
đoàn Bóng đá Thanh Hóa (báo cáo 6 tháng và báo cáo tổng kết năm).
2. Quyền lợi:
- Có quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ
quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn.
- Được tham gia thảo luận đề xuất về
các chủ trương, kế hoạch hoạt động của Liên đoàn.
- Được khen thưởng khi có thành tích
xuất sắc.
- Được tạo điều kiện thuận lợi để học
tập, tập luyện và thi đấu bóng đá.
- Được ưu tiên sử dụng các cơ sở vật
chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của Liên đoàn.
- Có quyền xin ra khỏi tổ chức của
Liên đoàn.
Điều 12. Ra khỏi
Liên đoàn
1. Trường hợp muốn ra khỏi Liên đoàn
Bóng đá Thanh Hóa, các tổ chức thành viên, hội viên làm đơn gửi Ban Chấp hành
Liên đoàn xem xét và quyết định bằng văn bản.
2. Khai trừ tổ chức thành viên, hội
viên: Tổ chức thành viên, hội viên sẽ bị khai trừ khỏi
Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa khi vi phạm những quy định sau:
- Trong vòng 90 ngày không nộp các
khoản Hội phí theo quy định;
- Bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo quá 03 lần do vi phạm các nội quy và Điều lệ của Liên
đoàn;
- Không tham gia các hoạt động của
Liên đoàn trong thời gian 06 tháng mà không có lý do chính đáng.
3. Trước khi ra khỏi Liên đoàn, tổ chức
thành viên, hội viên phải bàn giao công việc, cơ sở vật chất, tài chính mà mình
phụ trách cho các tổ chức, cá nhân thay thế.
Chương IV
TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG
Điều 13. Cơ cấu
tổ chức của Liên đoàn
- Đại hội.
- Ban Chấp hành.
- Ban Thường vụ.
- Ban Kiểm tra.
- Ban Chuyên môn - Thi đấu.
- Ban Trọng tài.
- Ban Tài chính - Tài trợ
- Ban Tuyên truyền - Vận động
- Văn phòng.
Điều 14. Đại hội
Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa
1. Nhiệm kỳ đại hội:
Đại hội Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa
là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn tổ chức 4 năm 1 lần. Đại hội bất thường tổ chức khi có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên ban Chấp
hành, hoặc 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức đề
nghị.
2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất
thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Đại
hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được tổ chức khi có trên
1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2
(một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.
3. Nội dung chính của đại hội:
- Kiểm điểm các hoạt động của Liên
đoàn trong nhiệm kỳ; Quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác của Liên đoàn
nhiệm kỳ mới.
- Thảo luận và thông qua Điều lệ, sửa
đổi hoặc bổ sung Điều lệ; đổi tên, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể (nếu
có).
- Thảo luận, góp ý kiến vào Báo cáo
kiểm điểm của Ban Chấp hành và Báo cáo tài chính của Liên đoàn.
- Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra.
- Các nội dung khác (nếu có).
- Thông qua Nghị quyết Đại hội.
4. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội
- Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.
- Việc biểu quyết thông qua các quyết
định của Đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại
Đại hội tán thành.
Điều 15. Ban Chấp
hành Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa
1. Ban Chấp hành Liên đoàn do Đại hội
bầu, là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội;
2. Số lượng Ban Chấp hành do Đại hội
quyết định. Trong nhiệm kỳ, tùy theo tình hình thực tế và
yêu cầu phát triển thành viên, Ban Chấp hành có thể được thay thế hoặc bổ sung
(số lượng ủy viên bầu bổ sung không vượt quá 1/3 số lượng ủy viên Ban Chấp hành
đã biểu quyết tại đại hội). Việc bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Ban Chấp hành phải do hội nghị thường kỳ hoặc bất thường của Ban Chấp
hành xem xét, quyết định.
3. Những hội viên có đủ uy tín, có
tâm huyết và năng lực đều có thể tự ứng cử hoặc được đề cử vào Ban Chấp hành.
Điều 16. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Ban Chấp hành
1. Ban Chấp hành sẽ bầu ra Ban Thường
vụ (số lượng Ban Thường vụ không vượt quá 1/3 số lượng ủy viên Ban Chấp hành),
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng Ban Kiểm tra và một số ủy viên.
2. Xây dựng Quy chế hoạt động, Quy chế
chi tiêu nội bộ, các quy định và nội quy sinh hoạt, phân công công việc cho các
ủy viên Ban Chấp hành.
3. Thống nhất chương trình, kế hoạch
công tác để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Liên đoàn, thực hiện các nhiệm vụ
và quyền hạn của Liên đoàn.
4. Tham gia với cơ quan quản lý nhà
nước về thể dục thể thao để chỉ đạo tổ chức các cuộc thi đấu cấp tỉnh, khu vực,
quốc gia và quốc tế tại Thanh Hóa.
5. Quản lý tài sản, tài chính của
Liên đoàn. Quy định lệ phí gia nhập Liên đoàn và lệ phí hàng năm.
6. Tìm kiếm các giải pháp thu hút nguồn
tài trợ trong tỉnh, các tổ chức trong
nước và ngoài nước; tổ chức các hình thức hoạt động theo quy định của nhà nước
nhằm tạo nguồn kinh phí cho Liên đoàn.
7. Quyết định về cơ cấu tổ chức; quyết
định việc kết nạp, khai trừ, miễn nhiệm; khen thưởng và kỷ luật đối với tổ chức
thành viên, hội viên.
8. Quyết định triệu tập, tổ chức Đại
hội.
9. Ban Chấp hành họp 6 tháng một lần,
trong trường hợp cần thiết Ban Thường vụ thống nhất và Chủ tịch được phép triệu tập họp bất thường.
Điều 17. Ban Thường
vụ
1. Điều hành các công việc để thực hiện
nghị quyết đại hội và nghị quyết giữa các kỳ họp Ban Chấp hành
2. Chuẩn bị nội dung, triệu tập và tổ
chức các hội nghị Ban Chấp hành thường kỳ và bất thường.
3. Giải quyết những công việc thường
xuyên của Liên đoàn.
4. Căn cứ nghị quyết đại hội, của Ban
Chấp hành đề ra chương trình công tác hàng tháng, quý và năm.
5. Được Ban Chấp hành Liên đoàn ủy
quyền quyết định công tác tổ chức bộ máy của văn phòng,
công tác tài chính, công tác thi đua khen thưởng của Liên
đoàn.
6. Quyết định thành lập các tổ chức,
đơn vị thuộc Liên đoàn theo nghị quyết của Ban Chấp hành; xem xét quyết định kết
nạp tổ chức thành viên, hội viên.
7. Ban Thường vụ họp 3 tháng một lần,
có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch hoặc trên
1/2 tổng số ủy viên Ban Thường vụ yêu cầu.
Điều 18. Chủ tịch,
các Phó chủ tịch, Tổng thư ký
1. Chủ tịch Liên đoàn:
- Đại diện pháp nhân cùa Liên đoàn
trước pháp luật.
- Tổ chức triển
khai thực hiện các nghị quyết của đại hội, của hội nghị đại biểu và các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
- Triệu tập và chủ trì cuộc họp Ban
Chấp hành Liên đoàn.
- Bổ nhiệm nhân sự Văn phòng Liên đoàn và các tổ chức khác do Liên đoàn thành lập, sau khi
có nghị quyết của Ban Thường vụ Liên đoàn.
- Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp
hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Liên đoàn.
2. Các Phó Chủ tịch là người giúp Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và được
ủy quyền điều hành công việc của Ban Chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
3. Tổng thư ký là người điều hành trực
tiếp mọi hoạt động của Văn phòng Liên đoàn:
- Chuẩn bị dự thảo nội dung các hội
nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
- Chuẩn bị dự thảo báo cáo tháng,
quý, năm và báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Liên đoàn.
- Quản lý tài sản, tài chính của Liên
đoàn.
- Chịu trách nhiệm
về các hoạt động của Văn phòng Liên đoàn.
- Giúp việc Tổng thư ký có Phó tổng
thư ký.
Điều 19. Ban Kiểm
tra
1. Ban Kiểm tra gồm Trưởng Ban, Phó
trưởng Ban (nếu có) và một số ủy viên do đại hội bầu ra. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm
tra cùng với nhiệm kỳ Đại hội.
2. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra
- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành
Điều lệ của Liên đoàn, việc thực hiện các nghị quyết của đại hội và của Ban Chấp
hành Liên đoàn cũng như các chủ trương của Ban Thường vụ.
- Kiểm tra các tổ chức thành viên, hội
viên trong các hoạt động để biểu dương khen thưởng, đồng thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp
thời chấn chỉnh.
- Kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài
chính của Liên đoàn và các tổ chức trực thuộc Liên đoàn, xem xét và giải quyết
các đơn khiếu tố.
- Xem xét, giải quyết đơn, thư kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức thành viên, hội viên và công dân gửi đến
Liên đoàn.
- Nguyên tắc hoạt động: Ban Kiểm tra
hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của Pháp luật
và Điều lệ Liên đoàn.
Điều 20. Văn
phòng và các ban chuyên môn của Liên đoàn
1. Là bộ phận chuyên môn giúp việc
cho Ban Chấp hành, Chủ tịch, Tổng thư ký để triển khai, tổ chức các công việc
thường xuyên và các kế hoạch đã được thông qua.
2. Phụ trách các ban do Ban Chấp hành
phân công giao nhiệm vụ tròn số các ủy viên Ban Chấp hành.
3. Nhiệm vụ, nhân sự, quy chế hoạt động
và số lượng các ban do Ban Chấp hành quy định theo yêu cầu
thực tế và quy mô phát triển của Liên đoàn.
Chương V
CHIA, TÁCH, SÁP
NHẬP, HỢP NHẤT, ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ
Điều 21. Việc chia, tách; sáp
nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể Liên đoàn thực hiện theo quy định của Bộ luật
Dân sự, quy định của pháp luật về Hội, nghị quyết Đại hội và các quy định pháp
luật có liên quan.
Chương VI
TÀI CHÍNH CỦA
LIÊN ĐOÀN
Điều 22. Liên đoàn bóng đá
Thanh Hóa có nguồn tài chính và tài sản riêng được quản lý thu, chi cho các hoạt
động theo các quy định về tài chính của Liên đoàn phù hợp với luật pháp và các
quy định hiện hành của Nhà nước được công khai hàng năm trong các kỳ họp của
Ban Chấp hành và tại Đại hội hội viên.
Điều 23. Nguồn thu tài chính của
Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa:
1. Lệ phí của các tổ chức thành viên,
hội viên;
2. Tiền, hiện vật ủng hộ của các tổ
chức, cá nhân;
3. Tiền thu từ hoạt động quảng cáo, sản
xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế;
4. Vận động tài trợ;
5. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho Liên
đoàn thông qua các dự án, đề án, kế hoạch gắn với nhiệm vụ của nhà nước do Liên
đoàn thực hiện.
6. Các khoản thu khác.
Điều 24. Những khoản chi chủ yếu của Liên đoàn:
1. Các chi phí cho hoạt động hành
chính của Văn phòng;
2. Mua sắm tài sản, phương tiện,
trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của Liên đoàn; xây dựng, sửa chữa, bảo
trì cơ sở vật chất kỹ thuật.
3. Hoạt động của Đại hội, của Ban Chấp
hành;
4. Tổ chức thi đấu, khen thưởng, bồi
dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền,
giáo dục;
5. Hỗ trợ tổ chức
thi đấu, phát triển phong trào;
6. Trả phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm
và nhân viên Văn phòng Liên đoàn;
7. Các khoản chi khác.
Chương VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ
LUẬT
Điều 25. Các tổ chức thành
viên và hội viên thuộc Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa có thành tích xuất sắc trong
hoạt động phong trào, trong thi đấu đều được Liên đoàn khen thưởng và đề nghị
khen thưởng ở cấp cao hơn theo quy định của Luật thi đua khen thưởng.
Điều 26. Các tổ chức thành
viên và hội viên thuộc Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa vi phạm Điều lệ và vi phạm
pháp luật của Nhà nước làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Liên đoàn, tùy theo
mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo đến khai
trừ khỏi Liên đoàn.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 27. Mọi tổ chức thành viên và hội viên của Liên
đoàn Bóng đá Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định
trong Điều lệ này.
Điều 28. Đại hội Liên đoàn
bóng đá Thanh Hóa quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ và phải được Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Điều 29. Điều lệ này gồm 8 chương,
29 điều, đã được Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa khóa VI thông qua
ngày 28 tháng 5 năm 2016, có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
phê duyệt./.