QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI
NĂM 2024
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số
03/2007/QH12 ban hành ngày 21/11/2007;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày
15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
Căn cứ Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày
05/02/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động
tiêm chủng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ
Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống
dịch Sởi năm 2024”.
Điều 2. Trên cơ sở kế hoạch
này, các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo quy định.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông (Bà): Chánh
Văn phòng Bộ; Cục trưởng các Cục: Y tế dự phòng; Quản lý Dược; Quản lý Khám, chữa
bệnh; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Viện trưởng các Viện: Vệ sinh dịch tễ/Pasteur,
Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành
phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Viện VSDT, Viện Pasteur (để thực hiện);
- Viện KĐQGVX&SPYT;
- Tổ chức Y tế thế giới;
- POLYVAC (để thực hiện);
- Sở Y tế tỉnh, thành phố theo danh sách đính kèm (để thực hiện);
- TT KSBT tỉnh, thành phố theo danh sách
đính kèm (để thực hiện);
- Lưu: VT, DP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Liên Hương
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI NĂM 2024
(Ban hành kèm theo Quyết định 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 của Bộ Y tế)
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
1. Sự cần thiết xây dựng kế
hoạch
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm
trọng đe dọa tính mạng của trẻ như viêm phổi, viêm màng não, .... Trẻ mắc hội
chứng Rubella bẩm sinh (CRS) có thể gặp nhiều dị tật bẩm sinh như các bệnh tim
bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở
trẻ nhỏ, vàng da và xuất huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất
và tinh thần. Vắc xin sởi và rubella đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả
cao trong việc phòng ngừa bệnh. Trước đại dịch, tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi
trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95%, và tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR)
cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch
COVID-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng,
dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm trong đó có vắc xin sởi và rubella. Ngoài ra,
việc gián đoạn cung ứng tạm thời các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng
một số giai đoạn trong năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc
xin bao gồm vắc xin sởi và rubella. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc
chưa tiêm đủ các mũi vắc xin trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các bệnh
phòng được vắc xin quay trở lại và tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và các ổ dịch
nếu không triển khai quyết liệt và liên tục các biện pháp phòng, chống và kiểm
soát dịch, đặc biệt là công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng số ca
mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình
Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là
rất cao....WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất
cao và những nơi hiện có chùm cơ sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán
xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có
nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ
tiêm do đại dịch. Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được
thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm
ca bệnh không để do dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh
khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng
cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 11/8/2024, theo báo của hệ
thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát
ban nghi sởi (676 trường hợp xác định dương tính); so với cùng kỳ năm 2023 (246
trường hợp sốt phát ban nghi sởi/30 trường hợp xác định dương tính), số trường
hợp sốt phát ban nghi sởi cao hơn 6,9 lần, số trường hợp xác định dương tính
cao hơn 22,5 lần.
Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh thành theo
khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 7 tỉnh có nguy cơ rất cao; trong
đó miền Bắc có 01 tỉnh Hà Tĩnh và miền Nam có 06 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí
Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang). Bên cạnh đó, 7 tỉnh
được đánh giá có nguy cơ cao gồm miền Trung có 1 tỉnh (Quảng Nam), Tây Nguyên
có 2 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk) và miền Nam có 4 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Bến
Tre, Bình Dương, Cà Mau). Ngoài ra, còn có 9 tỉnh nguy cơ trung bình và 40 tỉnh
nguy cơ thấp. Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp sởi đã tăng lên so với thời
điểm tiến hành đánh giá nguy cơ.
Căn cứ đặc điểm dịch tễ học, tình hình dịch bệnh Sởi
hiện nay, khuyến cáo, khả năng hỗ trợ vắc xin của WHO, ý kiến thống nhất của Hội
đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, đề xuất về đối tượng, nhu cầu vắc xin
Sởi-Rubella của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch
triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024.
2. Căn cứ để xây dựng kế hoạch
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số
03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội;
- Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính
phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/06/2024 của Bộ
Y tế về việc ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi và sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế;
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định
chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của
Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Quyết định 4845/QĐ-BYT ngày 25/12/2012 của Bộ Y tế
ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella”.
- Văn bản đề xuất Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi
của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
- Ý kiến của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ
Y tế tại cuộc họp ngày 18/07/2024.
- Thư số WRV/24/L0401 ngày 08/08/2024 của Tổ chức Y
tế thế giới về việc viện trợ vắc xin Sởi-Rubella.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng
nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại
các vùng nguy cơ, vùng đang có các cơ sởi, dịch sởi xảy ra.
2. Mục tiêu cụ thể
- 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được
tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các cơ sởi/dịch
sởi xảy ra được tiêm 01 mũi vắc xin Sởi-Rubella.
- Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng
theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt
động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi,
bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi
quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN
KHAI
1. Thời gian: Quý III-IV năm 2024 (triển
khai sớm ngay sau khi vắc xin được cung ứng).
2. Đối tượng: Trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy
cơ; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh
nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.
Ưu tiên tiêm trước cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi.
Nhóm tuổi cụ thể tiêm chủng do các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở tình
hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa
phương và trao đổi thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.
3. Phạm vi triển khai
3.1. Giai đoạn 1: 135 quận,
huyện tại 18 tỉnh, thành phố (danh sách các tỉnh, thành phố theo Phụ lục)
Bảng 1. Phạm vi
triển khai chiến dịch tiêm vắc xin MR năm 2024
TT
|
Khu vực
|
Số tỉnh triển
khai
|
Dự kiến số huyện
triển khai
|
1
|
Miền Bắc
|
6
|
17
|
2
|
Tây Nguyên
|
1
|
17
|
3
|
Miền Nam
|
11
|
101
|
|
Cộng
|
18
|
135
|
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực và các
tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương tại thời điểm triển
khai, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương rà soát điều chỉnh
giảm, bổ sung số tỉnh, huyện triển khai đảm bảo phù hợp.
3.2. Giai đoạn 2: Bổ sung địa bàn triển khai căn cứ
vào kết quả rà soát, thống kê của các tỉnh, thành phố và đề xuất của các Viện Vệ
sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực căn cứ vào tình hình dịch sởi tại thời điểm
rà soát để bổ sung các tỉnh, quận, huyện, xã triển khai.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Điều tra, lập danh sách đối
tượng
Đối tượng tiêm là trẻ thuộc nhóm đối tượng từ 1-10
tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm
01 mũi vắc xin MR.
Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa
thành phần sởi hoặc MR hoặc vắc xin có chứa thành phần sởi và/hoặc rubella
trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện
trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ mũi
vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định[1].
Các tỉnh, thành phố chủ động tiến hành điều tra, lập
danh sách các trẻ tại các quận, huyện nguy cơ tại trường học và tại cộng đồng
tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư. Viện Vệ sinh
dịch tễ Trung ương làm đầu mối phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện
Pasteur khu vực hướng dẫn cách thức điều tra, lập danh sách đối tượng.
2. Truyền thông
Truyền thông trực tiếp trước, trong và sau khi triển
khai hoạt động tiêm chủng chiến dịch tiêm vắc xin MR.
- Tuyến tỉnh, huyện: Thực hiện truyền thông trên
các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, đài
truyền thanh, báo chí...để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.
- Tuyến xã, phường: Thông báo hàng ngày trên loa,
đài về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức buổi tiêm chủng.
3. Cung ứng vắc xin
3.1. Loại vắc xin:
- Vắc xin MR do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc
xin, sinh phẩm y tế sản xuất, lọ 10 liều, dạng đông khô kèm dung môi do WHO viện
trợ.
- Vắc xin do các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.
- Vắc xin do các tỉnh, thành phố mua sắm bổ sung
trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực của địa phương theo quy định để phòng chống dịch
và số vắc xin hỗ trợ của WHO.
3.2. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin do WHO
viện trợ.
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: hoàn thiện các
thủ tục tiếp nhận số vắc xin MR do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ; thống nhất với
các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đề xuất nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vắc
xin cho các tỉnh, thành phố, báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) xem xét phê
duyệt, trong đó ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có các chùm ca bệnh sởi, vùng
có nguy cơ theo kết quả đánh giá nguy cơ và tình hình dịch bệnh sởi tại thời điểm
hiện tại.
- Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm
y tế là đầu mối phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur khu
vực thực hiện tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin Sởi-Rubella đến các Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố.
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cấp phát vắc
xin cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trước khi tổ chức tiêm
chủng dựa trên kế hoạch triển khai cụ thể của từng tỉnh, thành phố.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tiếp
nhận và bảo quản vắc xin Sởi-Rubella tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc
xin Sởi-Rubella cho Trung tâm Y tế quận/huyện ít nhất là 01 tuần trước khi tổ
chức tiêm chủng.
- Trung tâm Y tế quận/huyện tiếp nhận vắc xin từ
kho tỉnh về kho quận/huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã 1-2 ngày trước
khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng.
- Tuyến xã/phường tiếp nhận vắc xin từ tuyến quận/huyện,
bảo quản và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng.
- Việc bảo quản vắc xin thực hiện theo các quy định
hiện hành.
4. Tổ chức tiêm chủng
4.1. Hình thức triển khai:
- Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella tại
các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non,
nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện của từng địa
phương.
- Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm: Đối với
các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.
- Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối
mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
4.2. Tổ chức buổi tiêm chủng
- Trạm Y tế xã tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai
chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin MR tại Trạm Y tế xã hoặc phối hợp với các cơ sở
giáo dục để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định.
- Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo
đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và
Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số
điều của Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy
định về hoạt động tiêm chủng.
- Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc
vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm tiêm
cho riêng vắc xin MR hoặc không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm
cùng các vắc xin khác.
- Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng
đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển
khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót.
- Đối với các trường hợp tạm hoãn: cần có kế hoạch
tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong
tháng.
Lưu ý: Trong chiến dịch KHÔNG tiêm vắc xin MR
cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi hoặc MR hoặc vắc
xin có chứa thành phần sởi và/hoặc rubella trong vòng 1 tháng trước khi triển
khai tiêm; KHÔNG tiêm vắc xin MR cho đối tượng đã tiêm đủ mũi vắc xin chứa
thành phần sởi theo quy định.
Sau chiến dịch, trường hợp trẻ từ 01 tuổi trở lên
đã tiêm 02 mũi vắc xin sởi trong đó có 01 mũi vắc xin phối hợp MR thì khi trẻ đủ
18 tháng tuổi không tiêm vắc xin MR trong tiêm chủng thường xuyên.
4.3. Kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, xử trí phản
ứng sau tiêm.
- Phòng chống sốc: Bố trí trang bị, nhân lực tại chỗ,
sự hỗ trợ và tham gia công tác phòng chống sốc của hệ điều trị (có bảng phân
công cơ sở điều trị/đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho từng huyện/xã).
- Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm
chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm nếu có.
- Giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm: Trong thời
gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng,
cụm phản ứng sau tiêm chủng theo quy định.
5. Theo dõi, giám sát và báo
cáo
- Các địa phương nhập danh sách đối tượng đã tiêm
01 mũi vắc xin MR trong kế hoạch này trên Hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc
gia và thực hiện báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc xin theo quy định.
- Theo dõi, báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm vắc
xin theo thường quy, báo cáo kết quả cùng với báo cáo tiêm chủng. Các trường hợp
tai biến nặng được điều tra và báo cáo theo quy định.
- Thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc xin hàng tuần
trong thời gian tổ chức kế hoạch và báo cáo tổng hợp trong vòng 7 ngày sau khi
kết thúc.
- TTKSBT tỉnh/thành phố tổng hợp và gửi báo cáo kết
quả tiêm vắc xin MR trên địa bàn toàn tỉnh cho Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện
Pasteur trong khu vực phụ trách; Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp
kết quả tiêm chủng trong khu vực và gửi về Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế để tổng hợp.
- Cục Y tế dự phòng trao đổi, chia sẻ thông tin với
Tổ chức Y tế thế giới về tiến độ thực hiện và kết quả tiêm chủng chiến dịch.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung
ương (Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo), của các Viện khu vực, của tỉnh, huyện
trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch.
(Lưu ý không đưa vào báo cáo chiến dịch đối với
những trường hợp thuộc diện tiêm chủng thường xuyên vào thời gian triển khai
chiến dịch để tránh trùng lặp đối tượng, kết quả tiêm chủng).
6. Kinh phí thực hiện
6.1. Kinh phí mua, vận chuyển vắc xin đến tuyến
tỉnh
- Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ vắc xin Sởi- Rubella
và vận chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.
- Các tỉnh thành phố căn cứ số vắc xin được phân bổ
từ nguồn viện trợ nêu trên, địa phương có thể chủ động mua vắc xin MR theo nhu
cầu của địa phương trong trường hợp có dịch theo đúng quy định phòng chống dịch.
6.2. Kinh phí triển khai
Kinh phí triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi -
Rubella tại địa phương do các địa phương đảm bảo trừ kinh phí nêu tại mục 6.1.
V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Tuyến Trung ương
1.1. Các đơn vị trực thuộc và trực thuộc Bộ Y tế:
a) Cục Y tế dự phòng chỉ đạo triển khai Kế hoạch,
chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc giám
sát, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện; chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố tiếp tục
rà soát để xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2.
b) Cục Quản lý Dược có trách nhiệm chỉ đạo Viện Kiểm
định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế và POLYVAC bảo đảm chất lượng vắc xin Sởi-
Rubella.
c) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo
các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc trước
tiêm chủng, tiêm tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, cấp cứu và xử trí kịp thời
các phản ứng sau tiêm chủng.
d) Văn phòng Bộ có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền,
phổ biến Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nhóm chuyên
gia truyền thông về phòng chống dịch.
đ) Vụ Kế hoạch-Tài chính hướng dẫn Viện Vệ sinh dịch
tễ Trung ương thực hiện các thủ tục tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc xin và các
hỗ trợ khác từ Tổ chức Y tế thế giới; hướng dẫn các tỉnh, thành phố mua sắm vắc
xin tại địa phương.
e) Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur các khu vực
hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch, tổng hợp tình
hình thực hiện và báo cáo thường xuyên theo quy định. Viện Vệ sinh dịch tễ
Trung ương đầu mối thực hiện thủ tục tiếp nhận vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới
viện trợ; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực hướng dẫn
điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm, hướng dẫn tiêm chủng đảm bảo an toàn,
hiệu quả, đúng quy định hiện hành.
g) Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế
có trách nhiệm kiểm định, đảm bảo đúng tiến độ và giám sát chất lượng vắc xin tại
các tuyến.
h) Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm
y tế phối hợp thực hiện bàn giao, vận chuyển, bảo quản vắc xin MR được viện trợ
theo kế hoạch.
2. Tuyến địa phương
- Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tại các địa
phương phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt Kế hoạch và chỉ đạo Sở Y tế
và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Đảm bảo nguồn lực cho triển
khai kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.
- Sở Y tế tỉnh, thành phố có nhiệm vụ xây dựng Kế
hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về hoạt động tiêm chủng bổ sung vắc
xin Sởi-rubella, bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao
gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí
các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường
giám sát tổ chức triển khai thực hiện.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ngành, đoàn thể
liên quan tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubela
cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ
huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vắc xin. Đồng thời hỗ trợ việc điều tra,
lập danh sách đối tượng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát
trước, trong và sau khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin, đặc biệt tại các trường
học tiểu học, trường mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo Phòng
Giáo dục các quận/huyện, các trường tiểu học, mầm non về phối hợp với ngành y tế
trong triển khai tiêm vắc xin.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố xây
dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin Sởi-Rubella theo Quyết định của Bộ
Y tế. Phối hợp với ngành giáo dục trong công tác chỉ đạo, điều tra đối tượng tại
các trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo. Tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt
động tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubella. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận/huyện tổ
chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và
báo cáo theo quy định. Lưu ý chỉ đạo và giám sát tiêm vét sau khi kết thúc đợt
tiêm chính để đạt mục tiêu đề ra.
- Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức thực hiện kế hoạch,
tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ
chức thực hiện hoạt động tiêm chủng bổ sung vắc xin Sởi-Rubella theo kế hoạch
và báo cáo theo quy định.
- Các Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện
huyện và các cơ sở y tế của địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp
với cơ sở tiêm chủng thực hiện việc khám sàng lọc, tổ chức tiêm chủng tại cơ sở
y tế và theo chỉ đạo của Sở Y tế, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau
tiêm chủng.
PHỤ LỤC
DANH SÁCH TỈNH, THÀNH PHỐ
TT
|
Tỉnh, thành phố
|
Dự kiến số huyện
triển khai
|
1
|
Hà Giang
|
4
|
2
|
Hà Nội
|
2
|
3
|
Hà Tĩnh
|
2
|
4
|
Hải Dương
|
2
|
4
|
Nam Định
|
2
|
6
|
Nghệ An
|
5
|
7
|
Gia Lai
|
17
|
8
|
TP. Hồ Chí Minh
|
22
|
9
|
Đồng Nai
|
7
|
10
|
Long An
|
15
|
11
|
Tây Ninh
|
9
|
12
|
Sóc Trăng
|
11
|
13
|
Bến Tre
|
2
|
14
|
Trà Vinh
|
2
|
15
|
Đồng Tháp
|
1
|
16
|
Bình Dương
|
9
|
17
|
Bình Phước
|
8
|
18
|
Kiên Giang
|
15
|
|
KV Miền Bắc
|
17
|
|
KV Tây Nguyên
|
17
|
|
KV Miền Nam
|
101
|
|
Cả nước
|
135
|
DANH
SÁCH GỬI
(Kèm theo Quyết định
số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 của Bộ Y tế)
Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh, thành phố:
1. Hà Giang
2. Hà Nội
3. Hà Tĩnh
4. Hải Dương
5. Nam Định
6. Nghệ An
7. Gia Lai
8. TP. Hồ Chí Minh
9. Đồng Nai
10. Long An
11. Tây Ninh
12. Sóc Trăng
13. Bến Tre
14. Trà Vinh
15. Đồng Tháp
16. Bình Dương
17. Bình Phước
18. Kiên Giang