Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1827/QĐ-BYT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
Ngày ban hành: 07/06/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1827/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE GIAI ĐOẠN 2011-2015”.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình hành động Truyền thông giáo dục sức khỏe giai đoạn 2011 - 2015”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Triệu

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1827/QĐ-BYT ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE.

Truyền thông giáo dục sức khỏe (GDSK) trong những năm qua đã góp phần quan trọng và tích cực vào kết quả đạt được của các chương trình, hoạt động y tế nói riêng và vào thành công của chiến lược chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân nói chung.

Đảng, Nhà nước và ngành Y tế luôn coi trọng và khẳng định công tác TTGDSK là một bộ phận không thể thiếu được trong sự nghiệp CSSK nhân dân. Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/2/2005 đã đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ, phải Nâng cao hiệu quả thông tin - giáo dục - truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khỏe, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Trong những năm qua, Chương trình hành động truyền thông GDSK đến năm 2010 đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc xây dựng Chương trình hành động truyền thông giáo dục sức khỏe (sau đây viết tắt là Chương trình hành động) trong giai đoạn tiếp theo là một yêu cầu tất yếu nhằm tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông GDSK đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, thực hiện thành công nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung.

Giúp người dân được tiếp cận đầy đủ và sử dụng hiệu quả các dịch vụ truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2. Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể.

2.1. Mục tiêu 1. Tăng cường vai trò chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác truyền thông GDSK của tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp thông qua chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và chương trình về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chỉ tiêu cụ thể:

- 95% các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hàng năm có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoặc kế hoạch thực hiện các chính sách về CSSK nhân dân;

- 90% các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoặc kế hoạch thực hiện các chính sách về CSSK nhân dân của các cấp ủy Đảng, chính quyền có nội dung chỉ đạo về công tác truyền thông giáo dục sức khỏe;

- 90% các tổ chức xã hội, đoàn thể liên quan hàng năm có kế hoạch phối hợp hoạt động thực hiện truyền thông GDSK ở cộng đồng.

2.2. Mục tiêu 2. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng của người dân trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chỉ tiêu cụ thể:

- Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với thông tin về các chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân: trung bình 5%/năm;

- Tăng tỷ lệ người dân có hiểu biết đúng và tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: trung bình 5%/năm về kiến thức và 3%/năm về thực hành trong phòng chống bệnh dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình;

- Tăng tỷ lệ người dân có hiểu biết đúng phòng chống bệnh không lây nhiễm (trung bình 5%/năm); và giảm các hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm gồm hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý và thiếu vận động thể lực (trung bình 3%/năm);

- Tăng tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và kỹ năng thực hành đúng về dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe trẻ em: trung bình 5%/năm về kiến thức và 4%/năm về thực hành;

- Tăng tỷ lệ hộ gia đình biết các thực hành sức khỏe cơ bản và y học thường thức: trung bình 4%/năm;

- Cán bộ y tế xã thực hiện truyền thông qua loa truyền thanh xã: 4 lần trở lên/ tháng;

- Y tế thôn bản tham gia tổ chức và thực hiện truyền thông tại các cuộc họp cộng đồng: 6 lần trở lên/năm.

2.3. Mục tiêu 3. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông GDSK và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng.

Chỉ tiêu cụ thể:

- 100% Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh/thành phố phối kết hợp hiệu quả các hình thức truyền thông GDSK gián tiếp và trực tiếp, phát triển đa dạng các loại tài liệu truyền thông GDSK;

- 100% Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh/thành phố xây dựng các chương trình và tài liệu truyền thông GDSK phù hợp với vùng, miền trên lãnh thổ, trình độ, ngôn ngữ và phong tục tập quán của các dân tộc;

- 85% các đoàn thể, tổ chức liên quan tại địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động truyền thông GDSK tại địa phương;

- Tăng tỷ lệ người dân trong các làng, xã tham gia vào các phong trào, các sinh hoạt cộng đồng có lồng ghép với hoạt động TTGDSK: trung bình 4%/năm.

2.4. Mục tiêu 4. Nâng cao năng lực của hệ truyền thông GDSK.

Chỉ tiêu cụ thể:

1) Tuyến tỉnh:

- 90% Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố có trụ sở làm việc theo Quyết định số 2419/QĐ-BYT ngày 7/7/2010 của Bộ Y tế;

- 90% Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố có đủ trang thiết bị theo Quyết định số 2420/QĐ-BYT ngày 7/7/2010 của Bộ Y tế;

- 100% Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố kiện toàn tổ chức theo đúng hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ;

- 90% Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố có đủ số lượng và cơ cấu cán bộ hợp lý;

- 100% Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố có đội ngũ giảng viên được đào tạo và thực hiện tập huấn cho truyền thông viên cấp dưới về kiến thức và kỹ năng chuyên môn; tổ chức nghiên cứu, phát triển tài liệu truyền thông phù hợp với đối tượng đích và đặc thù của từng địa phương, dân tộc.

2) Tuyến huyện và các đơn vị y tế tuyến tỉnh:

- 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh có tổ hoặc cán bộ truyền thông GDSK;

- 70% Trung tâm y tế cấp huyện thành lập phòng truyền thông GDSK có ít nhất 3 cán bộ, 100% số bệnh viện huyện có tổ truyền thông GDSK;

- 95% số tổ, phòng Truyền thông GDSK ở tuyến tỉnh và huyện có ít nhất 1 cán bộ được tập huấn về kiến thức và kỹ năng truyền thông cơ bản;

- 70% phòng, tổ Truyền thông GDSK ở tuyến tỉnh và tuyến huyện có phòng làm việc và trang thiết bị cơ bản để phục vụ công tác truyền thông GDSK theo Quyết định số 2420/QĐ-BYT ngày 7/7/2010 của Bộ Y tế;

- 90% cơ sở y tế (bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện) có phòng tư vấn - truyền thông lồng ghép hoạt động thường xuyên.

3) Tuyến xã

- 100% Trạm Y tế xã, phường có cán bộ làm công tác truyền thông GDSK; 95% thôn, bản có nhân viên y tế hoặc cộng tác viên truyền thông GDSK;

- 100% Trạm Y tế xã có phòng truyền thông GDSK - tư vấn lồng ghép, có tài liệu và trang thiết bị cần thiết đáp ứng với yêu cầu hoạt động;

- 100% cán bộ truyền thông GDSK của Trạm Y tế xã và 95% nhân viên y tế thôn/bản được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng truyền thông GDSK.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Giải pháp về tổ chức, nhân lực và cơ chế chính sách.

- Xây dựng và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên ngành, các chính sách chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông GDSK trong giai đoạn mới; sửa đổi, hoàn thiện các văn bản về kiện toàn mạng lưới, tổ chức hệ truyền thông GDSK, nâng cao năng lực tài chính và cơ sở vật chất.

- Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng, cơ chế phối hợp với các đơn vị và chương trình trong thực hiện truyền thông GDSK; từng bước tăng cường vai trò và trách nhiệm của Trung tâm Truyền thông GDSK là đầu mối tổ chức và cung cấp các dịch vụ truyền thông GDSK.

- Giám sát đánh giá hiệu quả việc triển khai các hoạt động truyền thông GDSK.

2. Giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực về truyền thông GDSK cho các tuyến, chú trọng đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu, chuyên ngành; chuẩn hóa quy trình và giáo trình đào tạo; cập nhật các kiến thức mới về nâng cao sức khỏe.

- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kết hợp giữa hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp, vận động xã hội và xây dựng môi trường hỗ trợ; truyền thông lồng ghép với các hoạt động trong và ngoài ngành y tế...

- Thiết kế tài liệu và xây dựng chương trình truyền thông hiệu quả và phù hợp với các nhóm đối tượng đích.

- Phát triển các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn; tổ chức tổng kết, đánh giá, chuẩn hóa và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học hành vi và các lĩnh vực truyền thông GDSK khác.

3. Giải pháp về nguồn lực.

- Củng cố, kiện toàn mạng lưới truyền thông GDSK từ trung ương đến cơ sở về tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu phát triển của truyền thông GDSK.

- Sở Y tế đảm bảo ít nhất 1,5% tổng kinh phí y tế hàng năm từ nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động của hệ truyền thông GDSK các cấp.

- Huy động nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện hoạt động truyền thông GDSK.

4. Giải pháp về xã hội hóa và hợp tác quốc tế.

- Xã hội hóa hoạt động truyền thông GDSK, phối hợp hành động liên ngành, huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và của cộng đồng.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông GDSK.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU.

1. Thực hiện Mục tiêu 1. Tăng cường vai trò chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác truyền thông GDSK của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thông qua chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

1.1. Quản lý và chính sách:

- Tham mưu, xây dựng và triển khai các văn bản chỉ đạo về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trong tăng cường thực hiện công tác truyền thông GDSK.

+ Văn bản chỉ đạo của chính phủ

+ Văn bản chỉ đạo liên ngành

+ Văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế

- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp liên ngành cho hoạt động truyền thông GDSK.

- Thiết lập và duy trì mạng lưới đối tác, các cơ quan liên quan trong truyền thông GDSK; xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động truyền thông và chia sẻ thông tin.

1.2. Chuyên môn kỹ thuật:

Tổ chức các hoạt động truyền thông hướng tới nhà lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm vận động xã hội, huy động nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ cho hoạt động truyền thông GDSK:

- Tổ chức hội nghị, hội thảo và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, vận động xây dựng chính sách về CSSK cho các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội.

+ Hội thảo quốc tế, quốc gia

+ Hội thảo vùng

+ Hội thảo tại các địa phương

- Xây dựng và phổ biến các tài liệu truyền thông hướng tới đối tượng đích là người lãnh đạo, quản lý các cấp.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng: phát thanh, truyền hình, báo chí...

- Xây dựng kế hoạch, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và chỉ đạo công tác truyền thông GDSK tại các cấp.

1.3. Tăng cường năng lực: Đào tạo cán bộ về kỹ năng vận động chính sách, huy động cộng đồng...

2. Thực hiện Mục tiêu 2. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng của người dân trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2.1. Xây dựng và phổ biến tài liệu truyền thông:

Xây dựng và phổ biến các tài liệu truyền thông theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với các nhóm đối tượng đích và tập trung vào chuyển tải các thông điệp chủ chốt:

- Thực hiện khảo sát và đánh giá trước khi lựa chọn và xây dựng các loại hình tài liệu truyền thông.

- Chuẩn hóa quy trình thiết kế và sản xuất các tài liệu truyền thông.

- Lựa chọn và thiết kế các tài liệu truyền thông phù hợp về hình thức, nội dung và ngôn ngữ với các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt đối với tài liệu truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tài liệu truyền thông trong trường học, từng bước đưa nội dung truyền thông GDSK vào các trường học.

2.2. Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng

- Lồng ghép hiệu quả hoạt động truyền thông GDSK tại cộng đồng trong hoạt động CSSK nhằm huy động cộng đồng tích cực tham gia. Trung tâm truyền thông GDSK các tỉnh/thành phố làm đầu mối hợp tác, phối hợp toàn diện với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình y tế khác tại địa phương để thực hiện các hoạt động truyền thông GDSK trong các lĩnh vực tương ứng.

- Truyền thông gián tiếp: Đa dạng hóa các loại sản phẩm và hình thức truyền thông gián tiếp, sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng tại địa phương.

- Truyền thông trực tiếp: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp như tư vấn, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, làm mẫu...; Tổ chức các sự kiện truyền thông tại cộng đồng và trong trường học huy động sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đoàn thể địa phương; thực hiện các chiến dịch truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế.

- Thiết kế các chương trình, hoạt động truyền thông đặc thù, phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng. Tổ chức các tỉnh tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình.

2.3. Tăng cường nguồn lực:

- Phát triển mạng lưới truyền thông viên các tuyến đủ năng lực và bao phủ rộng khắp để thực hiện các hoạt động.

2.4. Tổ chức thực hiện Đề án: “Tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học Việt Nam giai đoạn 2011-2015”.

- Cấp Đề án: cấp Bộ

- Mục tiêu của Đề án:

+ Nâng cao hiểu biết của nhân dân về những thành tựu và tiến bộ y học của Việt Nam, khuyến khích nhân dân tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế sẵn có trong nước; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với nền y học nước nhà;

+ Cung cấp, trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế trong nước chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; khuyến khích các cơ sở y tế ứng dụng các tiến bộ và cải tiến kỹ thuật khoa học trong công tác chăm sóc sức khỏe, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn; góp phần nâng cao y đức;

+ Phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư quốc tế trong lĩnh vực y học;

+ Tôn vinh các cơ sở, cán bộ và nhân viên y tế, cán bộ quản lý và cá nhân có nhiều thành tích trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ ngành y tế.

- Nội dung tuyên truyền: Tuyên truyền những thành tựu, tiến bộ y học mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế công cộng và các lĩnh vực chăm sóc, nâng cao sức khỏe khác, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, mục tiêu Thiên niên kỷ và các chỉ tiêu của ngành.

- Những hoạt động chính:

+ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương: Thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông của Trung tâm, nâng cấp trang web, nâng cấp Bản tin Giáo dục sức khỏe lên Tạp chí Giáo dục sức khỏe, phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo, đài trung ương và các địa phương thực hiện tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học, mở các chuyên trang, chuyên mục, trang bị các phương tiện phục vụ cho hoạt động Đề án...

+ Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh/thành phố: Xây dựng chuyên trang và đăng tải các thông tin cập nhật về thành tựu và tiến bộ y học trên các ấn phẩm của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe; Phối hợp và xây dựng các chuyên mục, chương trình, đăng tải các thông tin trên báo, đài địa phương, Phối hợp và hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở y tế.

+ Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương thực hiện thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả, cập nhật và thường xuyên. Mỗi cơ quan báo, đài tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, xây dựng các chương trình, hoạt động, dành thời lượng thích hợp, phân công cán bộ chuyên trách lĩnh vực, phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả.

+ Tổ chức các sự kiện, chương trình tuyên truyền trực tiếp.

+ Tuyên truyền tại các cơ sở y tế

- Tổ chức thực hiện: Ban chỉ đạo của Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Đề án, trong đó Trung tâm Truyền thông GDSK trung ương làm đầu mối triển khai thực hiện.

3. Thực hiện Mục tiêu 3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truyền thông GDSK và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng

3.1. Quản lý và điều phối:

- Xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả với các cơ quan, đơn vị tại địa phương trong sản xuất các tài liệu truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông.

- Phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ truyền thông GDSK phù hợp với yêu cầu thực tế; tăng cường tự chủ về tài chính.

3.2. Chuyên môn kỹ thuật:

- Huy động hiệu quả sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và cộng đồng thông qua tổ chức các sự kiện tại cộng đồng, chiến dịch truyền thông (hội thi, truyền thông trong trường học...).

- Lồng ghép hoạt động truyền thông trong xây dựng các mô hình sức khỏe cộng đồng, phát động các phong trào thi đua như phong trào xây dựng lối sống lành mạnh, các mô hình “Làng văn hóa sức khỏe”, xây dựng phong trào toàn dân tự chăm sóc sức khỏe, cộng đồng an toàn...

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông theo hướng đáp ứng nhu cầu đa dạng khách hàng là đối tượng truyền thông;

3.3. Tăng cường năng lực:

- Đào tạo kỹ năng truyền thông GDSK, lập kế hoạch, nghiên cứu khoa học, giám sát và đánh giá cho cán bộ truyền thông GDSK.

- Đào tạo các kỹ năng “tiếp thị xã hội”, huy động cộng đồng cho cán bộ truyền thông GDSK.

4. Thực hiện Mục tiêu 4. Nâng cao năng lực của hệ truyền thông GDSK từ trung ương đến cơ sở.

4.1. Quản lý và điều phối:

- Tham mưu ban hành văn bản phân hạng các Trung tâm Truyền thông GDSK theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng tiêu chí Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố là cơ sở y tế tuyến tỉnh xếp từ hạng 4 đến hạng 2; Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương là đơn vị đầu ngành xếp hạng I.

- Sửa đổi Quyết định số 911/1999/QĐ-BYT ngày 31/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Ban hành bản Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” để đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với nhu cầu thực tiễn truyền thông GDSK trong tình hình mới.

- Sửa đổi Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5/6/2007 của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước” để đáp ứng về số lượng và cơ cấu cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ truyền thông GDSK trong tình hình mới.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức, quy định cụ thể tiêu chuẩn các chức danh phóng viên, biên tập viên, quay dựng phim... trong hệ thống biên chế các đơn vị truyền thông GDSK; ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ thù lao cho thực hiện bản tin và trang web của hệ truyền thông GDSK (lưu hành nội bộ).

- Đưa nội dung hoạt động truyền thông GDSK vào tiêu chí chấm điểm cuối năm để đánh giá hoạt động các đơn vị y tế, đảm bảo nội dung truyền thông GDSK chiếm 3-5% tổng số điểm.

4.2. Nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ:

- Tập huấn: Xây dựng bộ tài liệu chuẩn về tập huấn truyền thông GDSK áp dụng trên toàn quốc; tập huấn và tập huấn lại nâng cao năng lực cho đội ngũ truyền thông viên tuyến tỉnh, huyện, xã; cập nhật các kiến thức mới về Nâng cao sức khỏe; mở rộng một số nội dung tập huấn như: tuyên truyền vận động, huy động xã hội, tiếp thị xã hội, lập kế hoạch và giám sát đánh giá hoạt động truyền thông GDSK, các khóa chuyên sâu về sản xuất chương trình truyền hình...

- Phát triển tài liệu: Tăng cường và đa dạng hóa phát triển các loại tài liệu truyền thông phù hợp với chủ đề, đối tượng đích. Nâng cao năng lực phát triển tài liệu của tuyến tỉnh. Thực hiện định hướng truyền thông dựa vào cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng hoặc nâng cấp các ấn phẩm truyền thông; chú trọng phát triển các loại hình truyền thông trên internet, truyền hình, phát thanh...

- Xây dựng mô hình truyền thông lồng ghép điểm tại cộng đồng, nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả. Tổ chức tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình có hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông GDSK các tuyến thông qua tổ chức các cuộc thi, hội thi theo chủ đề.

- Nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học hành vi và lĩnh vực truyền thông, tổ chức hội nghị khoa học để tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

4.3. Tăng cường nguồn lực:

- Xây dựng trụ sở làm việc phù hợp với yêu cầu công tác truyền thông GDSK theo Quyết định số 2419/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc "Ban hành Tiêu chuẩn, định mức trong xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

- Kiện toàn bộ máy tổ chức, đảm bảo nhân lực của Trung tâm Truyền thông GDSK tuyến tỉnh/thành phố theo các quy định hiện hành. Chú trọng kiện toàn Phòng Truyền thông giáo dục sức khỏe của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, mạng lưới truyền thông viên tại Trạm Y tế xã và cộng tác viên là nhân viên y tế thôn bản.

- Đảm bảo trang thiết bị cho hệ truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh/thành phố tới thôn bản theo tinh thần Quyết định số 2420/QĐ-BYT ngày 07/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Huy động tài chính từ nhiều nguồn (trong và ngoài nước) cho công tác truyền thông GDSK. Điều chuyển kinh phí hoạt động truyền thông GDSK của các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về hệ truyền thông GDSK trên cơ sở phối hợp, lồng ghép.

- Đưa hạn mức kinh phí cho công tác truyền thông GDSK vào kế hoạch ngân sách hàng năm của y tế các cấp. Sở Y tế đảm bảo tối thiểu 1,5% ngân sách y tế hàng năm cho hoạt động của hệ truyền thông GDSK.

4.4. Xây dựng và thực hiện đề án nâng cấp trang thiết bị:

- Tên Đề án: “Nâng cấp trang thiết bị và phương tiện cho hệ truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015”

- Cấp Đề án: cấp Bộ

- Mục tiêu Đề án: Hỗ trợ mua sắm và nâng cấp trang thiết bị và phương tiện cho mạng lưới truyền thông GDSK của một số tỉnh gặp nhiều khó khăn để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động truyền thông GDSK thực hiện Quyết định số 2420/QĐ-BYT ngày 07/7/2010 của Bộ Y tế.

- Nội dung hoạt động:

+ Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu trang thiết bị và phương tiện truyền thông thiết yếu của hệ truyền thông GDSK tuyến trung ương, tỉnh, huyện và xã theo chức năng nhiệm vụ;

+ Lập kế hoạch và thực hiện đầu tư trang thiết bị và phương tiện có trọng điểm và theo lộ trình 5 năm song song với việc đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ;

+ Đánh giá hiệu quả đầu tư nâng cấp trang thiết bị.

- Tổ chức thực hiện: Thành lập Ban chỉ đạo của Bộ Y tế để tổ chức thực hiện Đề án, trong đó Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương là thường trực làm đầu mối triển khai thực hiện.

4.5. Xây dựng và thực hiện Đề án Nâng cao năng lực truyền thông GDSK:

- Tên Đề án: “Nâng cao năng lực truyền thông GDSK giai đoạn 2011 - 2015”.

- Cấp Đề án: cấp Bộ

- Mục tiêu của Đề án: Hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho hệ truyền thông GDSK, chú trọng những tỉnh gặp nhiều khó khăn.

- Những hoạt động chính:

+ Xây dựng giáo trình tập huấn và tài liệu chuyên sâu về tuyên truyền vận động, tiếp thị xã hội; tổ chức các khóa tập huấn cho tuyến tỉnh.

+ Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ truyền thông GDSK tại các tổ truyền thông tỉnh, huyện, trạm y tế xã của một số tỉnh khó khăn.

+ Hỗ trợ các tỉnh/thành phố thực hiện nghiên cứu khoa học, giám sát, đánh giá các hoạt động.

+ Tiến hành điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2011-2015.

- Tổ chức thực hiện: Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương là thường trực làm đầu mối tổ chức thực hiện Đề án.

V. THEO DÕI, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ.

1. Yêu cầu đối với theo dõi, giám sát.

Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo, làm đầu mối chỉ đạo và hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động.

Ban chỉ đạo tỉnh/thành phố (Sở Y tế) chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và giao cho Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh/thành phố làm đầu mối theo dõi và đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động.

Xây dựng bộ công cụ theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động, bao gồm cả quy trình, bộ chỉ số và các biểu mẫu thống kê báo cáo hoạt động truyền thông GDSK sử dụng thống nhất trên toàn quốc.

Tiến hành hoạt động theo dõi, giám sát và đánh giá thường xuyên, đột xuất và giám sát điểm tại tất cả các tuyến. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo. Tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết Chương trình hành động theo đúng kế hoạch.

2. Nội dung đánh giá chính.

2.1. Đánh giá ban đầu:

Trong năm 2011, căn cứ theo các chỉ tiêu định hướng của chương trình hành động và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Bộ Y tế, Ban chỉ đạo các tỉnh/thành phố tự đánh giá nhanh một số chỉ số chính (chỉ số nền), làm căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được sau 5 năm.

2.2. Theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động (quá trình):

- Nội dung: Theo dõi, giám sát, và đánh giá đầu ra của từng hoạt động.

- Người thực hiện: các đơn vị trực tiếp triển khai hoạt động.

- Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên trong quá trình triển khai các hoạt động

2.3. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động:

Năm 2015, thực hiện 01 cuộc Điều tra quốc gia để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015. Các tỉnh phối hợp thực hiện đánh giá kết quả Chương trình hành động tại địa phương.

Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương chịu trách nhiệm đầu mối theo dõi giám sát và thực hiện báo cáo 6 tháng/lần và hàng năm (lồng ghép vào Sơ kết 6 tháng và tổng kết hàng năm) về kết quả hoạt động với Ban chỉ đạo Bộ Y tế.

Ban chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết, và tổng kết chương trình hành động giai đoạn 2011-2015.

3. Xây dựng các chỉ số và công cụ giám sát đánh giá.

Trên cơ sở nội dung Chương trình hành động được phê duyệt, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng bộ công cụ, chỉ số, quy trình theo dõi, giám sát và đánh giá, biểu mẫu thống kê báo cáo, hướng dẫn các tỉnh/thành phố thực hiện đánh giá ban đầu và theo dõi giám sát các hoạt động triển khai tại địa phương.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp Bộ thực hiện Chương trình hành động Truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015:

- Lãnh đạo Ban chỉ đạo gồm:

+ Trưởng Ban: Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Phó trưởng Ban thường trực: Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, Bộ Y tế;

+ Phó trưởng ban: Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế;

+ Phó trưởng ban: Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

- Các ủy viên: gồm đại diện một số vụ, cục, Công đoàn Y tế Việt Nam.

- Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

+ Xây dựng Chương trình hành động Truyền thông giáo dục sức khỏe giai đoạn 2011-2015;

+ Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động Truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015;

+ Theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động; tổ chức sơ, tổng kết và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế kết quả thực hiện Chương trình hành động Truyền thông GDSK giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất các hoạt động tiếp theo.

1.2. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương:

Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo Bộ Y tế triển khai về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra giám sát, định kỳ đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015.

Xây dựng các Dự án, Đề án cấp Bộ để tạo nguồn lực cho chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động Truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015.

1.3. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố:

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động truyền thông GDSK cấp tỉnh/thành phố, Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban, Giám đốc Trung tâm TTGDSK làm Phó Trưởng ban thường trực. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động Truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015 tại địa phương.

1.4. Nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Y tế:

1) Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương trong việc chỉ đạo, điều phối và đánh giá kết quả thực hiện; xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản, chính sách trong lĩnh vực truyền thông GDSK trình Bộ Y tế.

2) Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đưa vào kế hoạch chung, cân đối đảm bảo tài chính, kể cả các nguồn đầu tư hỗ trợ quốc tế cho lĩnh vực truyền thông GDSK. Hàng năm bố trí kinh phí thực hiện một chương trình cấp Bộ về truyền thông GDSK để hỗ trợ thực hiện từng mục tiêu của Chương trình. Tham gia theo dõi, giám sát thực hiện.

3) Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Văn bản pháp quy về tổ chức bộ máy, nhân lực, chế độ chính sách cho lĩnh vực truyền thông GDSK.

4) Vụ Khoa học - Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng và trung học y, dược đưa nội dung cụ thể về truyền thông GDSK vào chương trình đào tạo.

5) Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương để triển khai các hoạt động truyền thông GDSK liên quan tới lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị mình.

6) Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương triển khai các hoạt động truyền thông GDSK đến cán bộ, công nhân, viên chức của ngành để cán bộ, công nhân, viên chức ngành y tế thực sự là nòng cốt trong công tác truyền thông GDSK về bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe nhân dân.

1.5. Trách nhiệm của y tế địa phương và y tế các bộ, ngành:

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng y tế các bộ, ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình hành động trong phạm vi địa phương, bộ, ngành.

2. Kinh phí thực hiện.

- Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh/thành phố đảm bảo ngân sách hàng năm cho hoạt động.

- Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn hợp pháp khác.

- Nguồn xã hội hóa.

3. Lộ trình thực hiện.

3.1. Giai đoạn 1 (2011 - 2013):

Triển khai đồng bộ các hoạt động, trong đó ưu tiên các hoạt động: xây dựng các đề án, văn bản pháp quy; kiện toàn tổ chức; phát triển mạng lưới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị; đào tạo cán bộ.

3.2. Giai đoạn 2 (2014 - 2015):

Tiếp tục thực hiện toàn diện các hoạt động, trong đó ưu tiên việc thực hiện và đánh giá hiệu quả, nghiên cứu nhằm rút ra bài bọc kinh nghiệm triển khai, các mô hình thí điểm và đề xuất các giải pháp, chính sách, chuyên môn, kỹ thuật để xây dựng Chương trình hành động truyền thông GDSK giai đoạn 2016-2020.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1827/QĐ-BYT ngày 07/06/2011 phê duyệt “Chương trình hành động Truyền thông giáo dục sức khỏe giai đoạn 2011 - 2015” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.736

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.234.168
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!