THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1657/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP QUỐC GIA
“NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT VẮC XIN SỬ DỤNG CHO NGƯỜI ĐẾN NĂM 2030”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ
ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW
ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng
Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình
khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng
cho người đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Chương trình) với nội dung như
sau:
I. MỤC TIÊU
1. Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản
xuất vắc xin sử dụng cho người (sau đây viết tắt là vắc xin); nâng cao trình độ,
năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát
sinh.
2. Phấn đấu 100% vắc xin trong nước đạt
tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng
mở rộng và một số vắc xin khác; từng bước đưa vắc xin Việt Nam tham gia thị trường
quốc tế.
3. Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản
xuất 10 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 03 loại vắc xin; đến năm 2030,
làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 05
loại vắc xin.
II. CÁC NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế,
chính sách và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên
cứu, thử nghiệm, cấp phép sử dụng vắc xin sản xuất trong nước. Đặc biệt, nghiên
cứu xây dựng chính sách riêng đáp ứng yêu cầu linh hoạt
trong ứng phó xử lý vắc xin đại dịch.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công
nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA,
công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector vi rút v.v... phục vụ sản xuất vắc
xin Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc xin
khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
a) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu
làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin.
b) Nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ
tiên tiến phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc xin và giải mã, làm chủ, cải tiến
công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
c) Hợp tác
nghiên cứu, tăng cường trao đổi thông tin với chuyên gia, tổ chức khoa học và
công nghệ ngoài nước có uy tín nhằm giải quyết những vấn đề
khoa học và công nghệ trong nước; hình thành các nhóm nghiên cứu đủ năng lực tiếp
thu, làm chủ, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ phục vụ mục tiêu sản xuất vắc
xin.
d) Ưu tiên đầu tư mua quyền sở hữu, quyền
sử dụng và bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm vắc xin.
3. Hỗ trợ nâng
cao tiềm lực nghiên cứu sản xuất vắc xin.
a) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực
nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật đủ năng lực ứng dụng, làm chủ công nghệ thông qua
quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình; thu hút sự hỗ trợ của các
tổ chức quốc tế và của các nước phát triển để đào tạo nhân lực cho các hoạt động
phát triển vắc xin.
b) Nâng cấp, đầu tư mới một số trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu, đo kiểm,
thử nghiệm sản phẩm thông qua các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
c) Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo
khoa học trong nước và quốc tế về nghiên cứu sản xuất vắc xin.
4. Thực hiện cơ chế đặc thù hỗ trợ nghiên
cứu sản xuất vắc xin.
a) Tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động
nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin được hưởng chính sách ưu đãi
như sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và
công nghệ được khuyến khích chuyển giao.
b) Đối với vắc xin phòng chống đại dịch
được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí dành cho nghiên cứu, thử
nghiệm lâm sàng, sản xuất thử nghiệm, kiểm định, mua bảo hiểm và hỗ trợ kinh
phí cho người tình nguyện.
c) Tiếp tục xem xét hỗ trợ trong
Chương trình này các vắc xin đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản
phẩm quốc gia và các vắc xin dự kiến triển khai trong các đề án của ngành Y tế.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chương trình được
bảo đảm từ các nguồn:
a) Ngân sách nhà nước cấp để thực hiện
nhiệm vụ của Chương trình;
b) Vốn của các tổ chức, doanh nghiệp
tham gia thực hiện Chương trình;
c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân
trong nước và nước ngoài;
d) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo
quy định pháp luật.
2. Các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu
sản xuất vắc xin có phương án huy động các nguồn vốn hợp
pháp khác, bảo đảm tính khả thi tuân thủ quy định pháp luật.
3. Quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn
vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để triển
khai các nhiệm vụ tại Quyết định này thực hiện theo quy định
pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
4. Việc quản lý, xử lý tài sản được
hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công
nghệ sử dụng vốn nhà nước thuộc Chương trình thực hiện
theo quy định hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Quyết định thành lập Ban chủ nhiệm
Chương trình giúp tư vấn triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung
của Chương trình.
c) Tổ chức sơ kết Chương trình vào
năm 2025, tổng kết Chương trình vào năm 2030, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
d) Chủ trì tổ chức
triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về vắc xin theo quy
định pháp luật.
đ) Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách, các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng
cho người.
e) Tổng hợp dự toán kinh phí từ ngân
sách nhà nước cho các nhiệm vụ cấp bộ, ngành được triển
khai ở các bộ, ngành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối, bố trí
vào kế hoạch hằng năm.
2. Bộ Y tế
a) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, kiểm định, cấp phép sử dụng vắc xin là sản phẩm
của Chương trình.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách, các quy định pháp luật để ưu tiên sử dụng vắc xin là sản phẩm của
Chương trình, từng bước đưa vắc xin sản xuất trong nước
vào danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán; hỗ trợ nghiên cứu thử nghiệm lâm
sàng và cấp phép sử dụng và sản xuất vắc xin trong nước, đặc biệt là vắc xin
phòng chống đại dịch.
c) Thực hiện công tác truyền thông về
vắc xin là sản phẩm của Chương trình.
d) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công
nghệ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về vắc xin theo
quy định pháp luật.
3. Bộ Tài chính
Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn
ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình theo quy định
pháp luật.
4. Bộ Kế hoạch
và Đầu tư
Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung
các quy định quản lý hoạt động đấu thầu, tạo cơ chế thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phát triển sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người,
đặc biệt là vắc xin phòng chống đại dịch.
5. Bộ Công Thương
Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách thúc đẩy nghiên cứu sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho nghiên cứu sản
xuất vắc xin; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vắc xin xây dựng
thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường
vắc xin.
6. Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ
Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và
các tổ chức khoa học và công nghệ
Đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
7. Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ
và các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách
liên quan đến nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, xúc tiến thương mại,
triển khai sử dụng vắc xin sản xuất trong nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các vụ, cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).vt.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|