UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 144/2006/QĐ-UBND
|
Thủ Dầu Một, ngày 01 tháng 6 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN
XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN NGÀNH Y TẾ ĐẾN NĂM
2010 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật tổ chức
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết của
Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hoá đối với các hoạt
động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao;
Căn cứ Kế hoạch thực
hiện xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân số 4830/KH-BYT
ngày 21/6/2005 của Bộ Y tế;
Căn cứ Chương trình
hành động số 82-CTHĐ/TU ngày 12/8/2005 của Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện Nghị
quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
nhân dân trong tình hình mới;
Theo đề nghị của
Giám đốc Sở Y tế tại công văn số: 389/SYT-KHTH ngày 20/4/2006,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều
1: Phê duyệt Đề án xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức
khỏe nhân dân Ngành Y tế đến năm 2010 của tỉnh Bình Dương, gồm những nội dung
sau đây:
I.
Quan điểm xã hội hóa
1. Xã hội hóa là nhằm phát
huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia
bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời Nhà nước tiếp tục tăng
nguồn lực đầu tư cho y tế.
2. Tạo điều kiện để
toàn xã hội được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mức độ
ngày càng cao.
II.
Mục tiêu xã hội hóa
1. Mục tiêu tổng
quát
a. Nâng cao nhận thức
và trách nhiệm của Lãnh đạo các Cấp Chính quyền, của các Ban, Ngành, đoàn thể về
xã hội hoá để tăng cường chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động
chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân; vận động mọi người tham gia chăm
sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
b. Phát huy tối đa tiềm
năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân. Không ngừng phát triển Hệ thống Y tế (công
lập và tư nhân) nhằm tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt các đối tượng chính
sách, người nghèo được thụ hưởng đầy đủ những dịch vụ chăm sóc bảo vệ nâng cao
sức khỏe nhân dân với chất lượng ngày càng cao.
2. Mục tiêu cụ thể
a. Phối hợp với
các Ngành, Tổ chức, Đoàn thể, nhân dân trong việc thực hiện tốt công tác truyền
thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, sống lành mạnh.
b. Bổ sung, hoàn chỉnh
tiêu chí sức khỏe trong xây dựng làng văn hóa.
c. Chuyển các bệnh viện
công lập tuyến tỉnh (trừ Bệnh viện Lao, Tâm thần và Nhi) sang hoạt động theo cơ
chế cung ứng dịch vụ.
d. Chuyển Bệnh viện Phụ
sản bán công thành bệnh viện tư nhân.
đ. Bệnh viện tuyến huyện
dành 30% - 50% giường bệnh điều trị theo yêu cầu.
e. Phát triển hệ thống
y tế ngoài công lập dưới nhiều hình thức như: Bệnh viện đa khoa, bệnh viện
chuyên khoa, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, công ty TNHH dược
v.v...
g. Xây dựng hệ thống
phòng khám đa khoa phục vụ chăm sóc sức khỏe công nhân khu công nghiệp đảm bảo
60% là hình thức ngoài công lập.
h. Vận động xây dựng 2
- 3 bệnh viện đa khoa tư nhân có quy mô từ 200 đến 500 giường bệnh đạt trình độ
tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.
i. Triển khai xã hội
hoá trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện, xã. Xây
dựng và triển khai đề án xã hội hóa trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.
k. Phát triển 12 - 15
nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP chủ yếu là hình thức tư nhân hoặc
công ty cổ phần.
III.
Kế hoạch thực hiện
1. Định hướng:
a. Duy trì những đơn vị
y tế công lập: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện; Trung tâm Phòng chống bệnh
xã hội; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm -
Mỹ phẩm; Trung tâm Sức khỏe lao động – Môi trường; Phòng Giám định y khoa; Trường
trung học Y tế (kêu gọi đầu tư một phần).
b. Những đơn vị xã hội
hoá từng phần tiến đến tự chủ tài chính: Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện; Bệnh viện
Y học cổ truyền; Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (cổ phần hoá).
c. Chuyển sang tư nhân:
Bệnh viện Phụ sản bán công Bình Dương.
2. Kế hoạch thực hiện
xã hội hóa: Chia 2 giai đoạn
a. Giai đoạn I: Từ năm
2006 – 2007
- Thành lập Ban chỉ đạo
xã hội hoá hoạt động chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh, huyện.
- Chuyển sang hình thức
cung ứng dịch vụ, thực hiện điểm tại 01 (một) bệnh viện tuyến tỉnh, rút kinh
nghiệm và triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại (trừ Bệnh
viện Nhi, Tâm thần và Lao).
- Bệnh viện huyện dành
20% - 30% giường bệnh điều trị theo yêu cầu.
- Hoàn thành chuyển đổi
Bệnh viện Phụ sản bán công thành bệnh viện tư nhân.
- Triển khai xã hội
hoá trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện (đạt 1 -
2% tổng giá trị trang thiết bị đơn vị) và xã. Xây dựng và triển khai Đề án xã hội
hóa trang thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập.
- Phát triển hệ thống
y tế ngoài công lập dưới các hình thức như: phòng khám đa khoa, phòng khám
chuyên khoa, công ty TNHH dược v.v… đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung
và cụm công nghiệp (đạt tỷ lệ 40% là hình thức ngoài công lập). Tỷ lệ khám chữa
bệnh ban đầu tại cơ sở y tế ngoài công lập đạt 50% vào năm 2007.
- Lập Đề án xây dựng
18 phòng khám đa khoa khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo tiêu chuẩn quy định
của Bộ Y tế tại các huyện: Thuận An (khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình
Chuẩn, An Phú), Tân Uyên (Thái Hoà, Khánh Bình, Phú Chánh), Bến Cát (khu công
nghiệp Mỹ Phước1-2-3, An Điền, Hoà Lợi,Tân Định, An Tây), Dĩ An (Bình Thắng, An
Bình), thị xã Thủ Dầu Một (Phú Mỹ, khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị).
- Xây dựng 9 phòng
khám đa khoa khu công nghiệp và cụm công nghiệp: Bến Cát (khu công nghiệp Mỹ
Phước 1, Tân Định, An Tây), Thuận An (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, An
Phú, Bình Chuẩn), Dĩ An (An Bình), Tân Uyên (Thái Hoà, Khánh Bình).
- Phát triển thêm 2 -
3 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp trên địa
bàn tỉnh chủ yếu là hình thức tư nhân hoặc cổ phần hóa.
- Kinh phí sử dụng cho
công tác chữa bệnh, 60% từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước cấp.
b. Giai đoạn II: Từ
năm 2008 – 2010
- Hoàn thành chuyển
sang hình thức cung ứng dịch vụ tại các bệnh viện tuyến tỉnh (trừ bệnh viện
Nhi, Lao và Tâm thần) .
- Cổ phần hoá Bệnh viện
Điều dưỡng - Phục hồi chức năng.
- Bệnh viện huyện dành
30 – 50% giường bệnh điều trị theo yêu cầu.
- Tiếp tục triển khai
thực hiện xã hội hoá trang thiết bị y tế, trong đó có trang thiết bị y tế kỹ
thuật cao tại các cơ sở y tế công lập.
- Phát triển hệ thống
y tế ngoài công lập: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, công ty TNHH
dược vv…đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp (đạt tỷ
lệ 60% là hình thức ngoài công lập). Các cơ sở y tế ngoài công lập đảm bảo khám
bệnh cho 60% lượt người bệnh.
- Xây dựng 2 - 3 bệnh
viện tư nhân có quy mô 200 – 500 giường bệnh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực
Đông Nam Á.
- Xây dựng 9 phòng
khám đa khoa phục vụ chăm sóc sức khỏe công nhân khu công nghiệp thuộc các huyện:
Tân Uyên (Phú Chánh, An Điền), Bến Cát (khu công nghiệp Mỹ Phước 2 và 3, Hoà Lợi),
thị xã Thủ Dầu Một (Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị 1 và 2, Phú Mỹ), Dĩ
An (Bình Thắng).
- Phát triển 7 - 8 nhà
máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
chủ yếu là hình thức tư nhân hoặc cổ phần hoá.
- Tỷ lệ kinh phí trực
tiếp phục vụ chữa bệnh đạt 65% từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước.
IV.
Giải pháp thực hiện
1. Vận động toàn xã hội
chủ động và tích cực tham gia công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Các cấp ủy Đảng, chính
quyền và các đoàn thể quần chúng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chăm
sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
a. Thành lập Ban chỉ đạo
xã hội hoá hoạt động chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh, huyện gồm:
Lãnh đạo UBND tỉnh,
huyện thị là Trưởng Ban chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế và các Trưởng phòng Y tế huyện
- thị là phó thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, huyện.
Thành viên gồm các
ngành: Văn hoá - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư,
Thể dục - Thể thao, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Dân số Gia đình và Trẻ em, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
b. Tăng cường phối hợp
liên ngành trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân:
- Ngành Văn hoá -
Thông tin tổ chức các hoạt động tuyên truyền về xã hội hoá y tế, giáo dục vận động
nhân dân hưởng ứng tham gia hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, mỗi người
dân tự biết cách giữ gìn sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.
- Ngành Giáo dục - Đào
tạo đưa nội dung giáo dục sức khỏe vào chương trình chính khóa của các trường từ
tiểu học trở lên. Giáo dục học sinh nếp sống văn minh, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe
cho bản thân và gia đình. Tổ chức y tế học đường, y tế địa phương phục vụ y tế
học đường.
- Ngành Kế hoạch - Đầu
tư và ngành Tài chính đảm bảo và ưu tiên kinh phí hợp lý đầu tư cho y tế.
- Ngành Thể dục - Thể
thao tổ chức, vận động nhân dân thường xuyên rèn luyện thân thể để nâng cao sức
khỏe.
- Ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Y tế thực hiện các chính sách xã hội
trong khám chữa bệnh như mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Thực hiện phòng
chống các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy, mại dâm… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
nhân dân.
- Ngành Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn triển khai các chương trình vệ sinh môi trường, nước sạch,
phong trào xanh sạch, giáo dục hướng dẫn nhân dân sử dụng hoá chất trừ sâu an
toàn.
- Ngành Dân số - Gia
đình và Trẻ em vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nhằm
giảm tỷ lệ sinh.
- Bảo hiểm xã hội phối
hợp với ngành Y tế thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
- Các đoàn thể như Hội
liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh v.v… làm nòng cốt trong
phong trào sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đoàn Thanh niên cộng
sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt trong phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội.
- Các cấp chính quyền
chỉ đạo phối hợp các ban ngành, đoàn thể trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân
dân. Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng công trình vệ sinh, chủ
động phòng chống dịch, xây dựng vườn thuốc nam tại gia đình.
c. Tiếp tục triển khai
thực hiện chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe và chương trình hành động đến
năm 2010. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về xã hội hóa y tế
và đa dạng hóa các loại hình truyền thông. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% số
làng/khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu “Làng văn hóa sức khỏe” trong
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
2. Đẩy mạnh cải cách
hành chính nhằm phát huy tiềm năng của hệ thống y tế công lập.
a. Hoàn thành quy hoạch
sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2006 - 2020. Đầu tư phát
triển mạng lưới khám chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng theo hướng dịch vụ các
cụm dân cư.
b. Tăng cường chuyển
giao cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập thực hiện các dịch vụ ngoài chuyên
môn kỹ thuật y tế như ăn uống, vệ sinh, giặt là, bảo vệ trong các cơ sở y tế
công lập, để tập trung đầu tư các nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng các dịch
vụ kỹ thuật y tế.
c. Đến năm 2010 bảo đảm
sử dụng 80% thuốc sản xuất trong nước cho nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh của
tỉnh. Mức tiêu dùng thuốc bình quân đạt 12-15 USD/ người/ năm. Có 1,5 dược sỹ đại
học/ 10.000 dân.
d. Tiếp tục triển khai
hiệu quả Đề án đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2010 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh
phê duyệt.
3. Kêu gọi đầu tư
trong nước và nước ngoài, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống y tế:
a. Khuyến khích các cơ
sở khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng huy động các nguồn vốn
ngoài ngân sách nhà nước, hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để
đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và cung cấp các dịch vụ
y tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khuyến khích các cá
nhân, tập thể, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động từ thiện, viện trợ,
cung cấp, hỗ trợ các thiết bị y tế, đầu tư trang thiết bị y tế kỹ thuật cao. Mục
tiêu đầu tư là phục vụ sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, một
phần lợi nhuận mang lại cho người hoặc tập thể góp vốn đầu tư tạo điều kiện cho
họ tăng cường đầu tư và có điều kiện hoạt động từ thiện. Phương án quản lý phân
phối và sử dụng nguồn thu, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính xây dựng trình Uỷ
ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b. Bảo đảm lợi ích
chính đáng, hợp pháp về vật chất, tinh thần; về quyền sở hữu và thừa kế đối với
phần vốn góp và lợi tức của các cá nhân, tập thể thuộc các thành phần kinh tế,
các tập thể xã hội tham gia xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
c. Kêu gọi đầu tư:
- Bệnh viện :
+ Tại huyện Thuận An:
Bệnh viện đa khoa quy mô 800 giường; Khu điều trị và an dưỡng quy mô 200-300
giường; Bệnh viện sản nhi quy mô 200-300 giường.
+ Tại huyện Bến Cát: Bệnh
viện đa khoa và phục hồi chức năng quy mô 200 -300 giường.
+ Tại thị xã Thủ Dầu Một:
Bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt - Mắt – Tai mũi họng; Bệnh viện đa khoa Châu
Thành.
- Phòng khám đa khoa:
Tại thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, huyện Bến Cát, huyện Dầu Tiếng và huyện
Thuận An. Phòng khám y học cổ truyền và phòng khám Trung Y tại thị xã Thủ Dầu Một.
- Nhà máy sản xuất thuốc
đạt tiêu chuẩn GMP: Tại thị xã Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và huyện Thuận An .
- Trang thiết
bị y tế :
+ Tại Bệnh viện
đa khoa tỉnh: Máy cộng hưởng từ, máy X quang kỹ thuật số, máy nội soi tiêu hoá,
hô hấp, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa v.v…Trang thiết bị phục
vụ cấp cứu như: máy giúp thở, Monitoring, máy shock tim vv…
+ Bệnh viện đa
khoa huyện: Trang thiết bị nội soi chẩn đoán tiêu hoá, hô hấp v.v…Trang
thiết bị phục vụ thăm dò chức năng, theo dõi bệnh nhân, y học cổ truyền, cận
lâm sàng khác v.v…
+ Trạm Y tế
xã, phường: trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt, tai
mũi họng, mắt, cận lâm sàng, y học cổ truyền v.v…
4. Nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mở rộng diện các cơ sở y tế ngoài công lập
tham gia khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
5. Phát triển
mạng lưới y tế ngoài công lập
a. Khuyến
khích phát triển và có chế độ ưu đãi đối với các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt
động theo cơ chế phi lợi nhuận, đầu tư cơ sở y tế tại các huyện phía Bắc của tỉnh
đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đầu tư vào lĩnh vực phòng bệnh. Khuyến khích các
cơ sở y tế ngoài công lập như bệnh viện, phòng khám đa khoa v.v…tăng cường đầu
tư trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tham gia khám
chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
b. Thực hiện tốt
chế độ kiểm tra, thanh tra nhằm làm cho hệ thống y tế ngoài công lập hoạt động
theo đúng pháp lệnh hành nghề.
Thực hiện
chính sách bình đẳng giữa khu vực y tế công lập và y tế ngoài công lập về thi
đua khen thưởng, về công nhận các danh hiệu thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân
dân…Quan tâm và hỗ trợ các cơ sở y tế ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật y tế. Bảo đảm việc thực hiện chế
độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ chính sách khác tại các cơ sở y tế
ngoài công lập.
6. Họp Ban chỉ
đạo quý/lần, tổng kết năm 1 lần vào cuối năm, các Phòng Y tế, Trung tâm y tế Dự
phòng huyện, thị, Bệnh viện huyện và các đơn vị trực thuộc Sở báo cáo định kỳ 6
tháng, năm gửi về Sở Y tế tổng hợp để Sở báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.
Điều 2.
Sở Y tế có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở,
Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định này
có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hiệp
|