BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 125/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM PHỔI CẤP DO CHỦNG VI
RÚT CORONA MỚI (nCoV)
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản
lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp
do chủng vi rút Corona mới (nCoV)”.
Điều 2. Hướng
dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) áp
dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các
Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế;
Chánh Thanh tra- Bộ Y tế; Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng các Tổng Cục,
Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ
Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng y
tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi
nhận:
-
Như điều 4;
-
Phó Thủ tướng CP. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
-
Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
-
Bảo hiểm Xã
hội Việt Nam (để phối hợp);
-
Cổng TTĐT Bộ Y tế; website Cục QLKCB;
-
Lưu: VT; KCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
HƯỚNG DẪN
CHẨN
ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM PHỔI CẤP DO CHỦNG VI RÚT CORONA MỚI (nCoV)
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng
Bộ Y tế)
Vi rút corona (CoV) là một họ vi rút lớn
gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh
như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp
Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm 2019, một chủng vi
rút corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định
và có nguy cơ lan rộng.
Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp
tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến
triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
và chưa có vắc xin phòng bệnh.
I. CHẨN ĐOÁN BỆNH DO
NHIỄM VI RÚT CORONA MỚI
1. Ca bệnh nghi ngờ (Suspected case):
Bao gồm các trường hợp sau:
1.1. Sốt và viêm phổi, hoặc viêm phổi
kẽ, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình
ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm
trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả các trường hợp có chỉ định lâm sàng
xét nghiệm viêm phổi cộng đồng
Và: Sống hoặc đi du lịch
tới vùng dịch tễ có bệnh do vi rút Corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt
đầu có triệu chứng
- Tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14
ngày) với trường hợp sốt và nhiễm
trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày
sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do vi rút Corona mới.
1.2. Sốt và có các triệu chứng bệnh lý
hô hấp (ho, khó thở..)
Và:
Có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch
tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do vi rút Corona mới liên quan tới chăm sóc y
tế.
Hoặc
- Tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh,
động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.
1.3. Sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp
và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do
nCoV.
2. Ca bệnh có thể
(Probable case):
Khi có các bằng chứng về lâm sàng và dịch
tễ:
Bằng chứng dịch tễ:
Người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh
đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, bao gồm những người chăm sóc bệnh
nhân: nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình; những người sống chung
với người bệnh
hoặc
đến thăm người bệnh trong thời gian có biểu hiện bệnh.
Bằng chứng lâm sàng:
Người bệnh có các dấu hiệu
lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh của bệnh lý nhu mô phổi (ví dụ
như viêm phổi hoặc ARDS) phù hợp với định nghĩa về ca bệnh ở trên,
Và
- Không được khẳng định bằng xét nghiệm
bởi vì không lấy được mẫu bệnh phẩm hoặc không làm được xét nghiệm để chẩn đoán
căn nguyên nhiễm trùng hô hấp
- Không lý giải được bằng các nhiễm
trùng hoặc căn nguyên khác.
3. Ca bệnh xác định (Confirmed case)
Là ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như
đã nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm Real time RT - PCR dương tính với
nCoV.
4. Chẩn đoán phân biệt:
Viêm phổi do nCoV gây ra cần được chẩn
đoán phân biệt với:
- Cúm nặng (cúm A/H1N1 hoặc cúm gia cầm
A/H5N1...)
- SARS-CoV và MER-CoV
- Viêm phổi không điển hình do các căn
nguyên khác: Vi rút hợp bào hô hấp (SRV), adenovirus, mycoplasma,...
5. Xét nghiệm cận lâm sàng:
- Kỹ thuật xác định nCoV là kỹ thuật
Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản
được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Lưu ý: Đối
với các trường hợp đầu tiên
nghi nhiễm vi rút corona mới, các đơn vị cần lưu mẫu và chuyển mẫu đến các cơ sở
xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
- Việc thu thập, bảo quản và vận chuyển
bệnh phẩm phải thực hiện theo Phụ lục 1.
- Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận
lâm sàng thường quy phục vụ chẩn
đoán, tiên lượng, theo dõi bệnh nhân.
6. Báo cáo:
Các trường hợp có thể hoặc khẳng định
mắc vi rút Corona mới cần phải báo cáo lên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoặc
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương.
II. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị:
- Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể đều
phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lây bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm
đặc hiệu để chẩn đoán xác định
bệnh.
- Ca bệnh xác định cần nhập viện theo
dõi và cách ly hoàn toàn.
- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc
hiệu, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời
tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có)
2. Điều trị suy hô hấp:
2.1. Mức độ nhẹ:
- Nằm đầu cao 30° - 45°
- Cung cấp ôxy: Khi SpO2 ≤ 92% hay PaO2 ≤ 65mmHg hoặc
khi có khó thở (thở gắng sức, thở
nhanh, rút lõm ngực).
+ Thở oxy qua gọng mũi: 1 - 5 lít/phút
sao cho SpO2 > 92%.
+ Thở oxy qua mặt nạ đơn giản: oxy 6 - 12 lít/phút khi thở
oxy qua gọng mũi không giữ được SpO2 > 92%.
+ Thở oxy qua mặt nạ có túi dự trữ:
lưu lượng oxy đủ cao để không xẹp túi khí ở thì thở vào, khi mặt nạ đơn giản
không hiệu quả.
2.2. Mức độ trung bình
- Thở CPAP hoặc thở ô xy dòng cao qua
gọng mũi (High Flow Nasal Canula) nếu có: Được chỉ định khi tình trạng giảm oxy
máu không được cải thiện bằng các biện pháp thở oxy, SpO2 < 92%. Nếu
có điều kiện, ở trẻ em nên chỉ định thở CPAP ngay khi thất bại với thở oxy qua
gọng mũi.
+ Mục tiêu: SpO2 > 92% với
FiO2 bằng hoặc dưới
0,6
+ Nếu không đạt được mục tiêu trên có
thể chấp nhận mức SpO2 > 85%.
- Thông khí nhân tạo không xâm nhập
BiPAP: Chỉ định khi người bệnh có suy hô hấp còn tỉnh, hợp tác tốt, khả năng ho
khạc tốt.
2.3. Mức độ nặng
Hỗ trợ hô hấp
Thông khí nhân tạo xâm nhập:
+ Chỉ định khi người bệnh có suy hô hấp
nặng và không đáp ứng với thông khí nhân tạo không xâm nhập.
+ Bắt đầu bằng phương thức thở kiểm
soát thể tích, với Vt thấp từ 6 - 8 ml/kg, tần số 12-16 lần/phút, I/E = 1/2,
PEEP = 5 và điều chỉnh FiO2 để đạt được SpO2 > 92%.
+ Nếu tiến triển thành ARDS, tiến hành
thở máy theo phác đồ thông khí nhân tạo tăng thán cho phép.
+ Với trẻ em, có thể thở theo phương
thức kiểm soát áp lực (PCV). Tùy tình trạng người bệnh để điều chỉnh
các thông số máy thở phù hợp.
- Trao đổi oxy qua màng ngoài
cơ thể ECMO (Extra-Corporeal Membrane Oxygenation):
+ ECMO có thể cân nhắc sử dụng cho người
bệnh
ARDS
không đáp ứng với các điều trị tối ưu ở trên.
+ Do ECMO chỉ có thể được thực hiện tại
một số cơ sở tuyến trung ương, nên trong trường hợp cân nhắc chỉ định
ECMO, các tuyến dưới nên quyết định chuyển người bệnh sớm và tuân
thủ quy trình vận chuyển người bệnh do bộ Y tế quy định.
Hỗ trợ chức năng các cơ quan:
Ổn định huyết động:- Đảm bảo khối
lượng tuần hoàn, thuốc trợ tim, vận mạch nếu cần
Hỗ trợ chức năng thận:
- Đảm bảo cân bằng dịch, duy trì huyết
động ổn định, thuốc lợi tiểu lợi tiểu.
- Lọc máu (ngắt quãng hoặc liên tục)
hay lọc màng bụng khi có chỉ định
Hỗ trợ chức năng các
cơ quan khác: tùy từng trường hợp cụ thể
3. Điều trị hỗ trợ:
- Dùng thuốc giảm ho nếu có ho nhiều:
nhỏ mũi bằng các thuốc nhỏ mũi thông thường.
- Hạ sốt: Nếu sốt trên 38,5° C thì cho dùng
thuốc hạ sốt paracetamol với liều: 10 - 15 mg/kg ở trẻ
em, với người lớn không quá 2 g/ngày.
- Điều chỉnh rối loại nước, điện giải
và thăng bằng kiềm toan
- Đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát đường
huyết
- Trường hợp bội nhiễm phế quản phổi
nên dùng kháng sinh phổ rộng và có tác dụng với vi khuẩn gây nhiễm trùng ở bệnh
viện.
- Đối với trường hợp nặng, cân
nhắc dùng gammaglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG)
- Điều trị bệnh nền (nếu có).
4. Tiêu chuẩn xuất viện:
Người bệnh được xuất viện khi có đủ
các tiêu chuẩn sau:
- Hết sốt ít nhất 3 ngày.
- Toàn trạng tốt: Mạch, huyết áp, nhịp
thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường; X-quang phổi cải thiện.
- Chức năng thận trở về bình thường
5. Sau khi xuất viện:
Người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ
12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38° C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có
dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã
điều trị.
III. PHÒNG LÂY NHIỄM
VI RÚT CORONA MỚI
1. Phòng lây nhiễm ở ngoài cộng đồng:
- Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế
khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp.
- Vệ sinh cá nhân:
+ Rửa tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng
xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa côn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc
chùi mũi.
+ Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho,
vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy
+ Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ
+ Không hút thuốc lá.
- Vệ sinh môi trường:
+ Duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm
việc tốt
+ Tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông
người, nơi không thoáng khí.
+ Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật
nuôi, động vật hoang dã
+ Tiêm phòng vắc xin đầy đủ
2. Phòng lây nhiễm trong bệnh viện:
Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng
khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng
chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người
bệnh
khác
tại các cơ sở điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.1. Tổ chức khu vực cách ly:
- Khu vực nguy cơ cao: Nơi điều trị và
chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm vi rút corona mới. Khu vực
này phải có bảng màu đỏ ghi
“Khu vực cách ly đặc biệt” và hướng dẫn chi tiết treo ở lối vào, có người trực
gác.
- Khu vực có nguy cơ: Nơi có nhiều khả
năng có người bệnh nhiễm vi rút corona mới đến khám và điều trị ban đầu (như
khoa hô hấp, cấp cứu, khám bệnh...). Khu vực này phải có bảng hướng dẫn chi tiết
treo ở lối ra vào và có ký hiệu màu vàng.
- Người bệnh cần được cách ly, điều trị
tại cơ sở y tế, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong. Thời gian cách ly đến khi hết
các triệu chứng lâm sàng.
- Người bệnh không khó thở cần sử dụng
khẩu trang y tế đúng cách khi tiếp xúc với người khác để hạn chế lây truyền bệnh.
2.2. Phòng ngừa cho người bệnh và
khách đến thăm:
- Cách ly ngay những người nghi ngờ mắc
bệnh, không xếp chung người đã được khẳng định mắc vi rút corona với người thuộc diện
nghi ngờ. Tất cả đều phải đeo khẩu trang. Việc chụp X-quang, làm các xét nghiệm,
khám chuyên khoa... nên được tiến hành tại giường, nếu di chuyển bệnh nhân, phải
có đầy đủ các phương tiện phòng hộ. Người bệnh khạc nhổ vào khăn giấy
mềm dùng một lần và cho ngay vào thùng rác y tế.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường
xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng như:
súc miệng bằng nước sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn mũi họng khác.
- Hạn chế đến nơi tụ họp đông người đề
phòng lây bệnh cho người khác.
- Trong thời gian có dịch, hạn chế tối
đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác, cấm người nhà và khách đến
thăm khu cách ly.
- Lập danh sách những người tiếp xúc gần
và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.
Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để
tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm đường
hô hấp cấp tính. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng,
khó thở ... cần thông báo
ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị
kịp thời.
- Bảo đảm thông khí tốt cho các buồng
bệnh.
2.3. Phòng ngừa cho nhân viên y tế:
- Dùng khẩu trang ngoại khoa, kính bảo
hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao
giấy hoặc ủng.
Khi làm thủ thuật hoặc chăm sóc trực tiếp người bệnh nên sử dụng khẩu trang
N95. Bệnh phẩm xét nghiệm phải được đặt trong túi nylon hoặc hộp vận chuyển. Rửa
tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường
hô hấp, dụng cụ bẩn, chăm sóc người bệnh, sau khi tháo găng tay, khẩu trang và
trước khi rời buồng bệnh, khu vực cách ly. Những người tiếp xúc trực tiếp với người
bệnh
ở
khu vực cách ly đặc biệt phải tắm, thay quần áo trước khi ra khỏi bệnh viện.
- Bệnh viện cần lập danh sách nhân
viên y tế làm việc tại khoa có người bệnh nhiễm vi rút corona mới. Họ sẽ tự
theo dõi nhiệt độ hằng
ngày, nếu có dấu hiệu nghi mắc vi rút corona mới sẽ được khám, làm các xét nghiệm
và theo dõi.
2.4. Xử lý dụng cụ, đồ vải và đồ dùng
sinh hoạt cho bệnh nhân:
Thực hiện theo quy trình kiểm soát nhiễm
khuẩn của Bộ Y tế.
2.5. Xử lý môi trường và chất thải bệnh
viện:
Các mặt bằng, bàn ghế ở khu vực buồng
bệnh và khu vực cách ly phải được lau tối thiểu 2 lần/ngày bằng các hóa chất
sát khuẩn. Nhân viên làm vệ sinh phải sử dụng các phương tiện phòng hộ như nhân
viên y tế. Mọi chất thải rắn tại khu vực cách ly đặc biệt phải được thu gom để
đem đi tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế.
2.6. Vận chuyển người bệnh:
Hạn chế vận chuyển người bệnh, trừ những
trường hợp nặng, vượt
quá khả năng điều trị của cơ sở. Nhân viên vận chuyển phải mang đầy đủ phương
tiện phòng hộ. Làm sạch và khử khuẩn xe cứu thương sau mỗi lần vận chuyển.
2.7. Xử lý người bệnh tử
vong:
Người bệnh tử vong phải được khâm liệm
tại chỗ, phải khử khuẩn bằng các hóa chất Chloramin B, Pormalin. Chuyển tử thi
đến nơi chôn cất hay hỏa táng bằng xe chuyên dụng. Tử thi phải được hỏa táng hoặc
chôn cất trong vòng 24 giờ tốt nhất là hỏa táng./.
PHỤ
LỤC 1
THU
THẬP, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN BỆNH PHẨM
1. Mẫu bệnh phẩm
Bệnh phẩm nghi nhiễm nCoV phải được
thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về an toàn sinh học. Bệnh phẩm
thu thập bao gồm ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm gồm 01 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp và
01 mẫu máu trong số các loại mẫu dưới đây:
- Bệnh phẩm đường hô hấp trên:
+ Hỗn hợp dịch mũi họng;
+ Dịch súc họng;
- Bệnh phẩm đường
hô hấp dưới:
+ Đờm
+ Dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch
màng phổi...;
+ Tổ chức phổi, phế quản, phế nang.
+ Mẫu máu (3-5 ml máu tĩnh mạch có hoặc không có
chất chống đông EDTA)
+ Mẫu máu giai đoạn cấp;
+ Mẫu máu giai đoạn hồi phục (sau 14-21 ngày sau
khi khởi bệnh).
2. Thời điểm thu thập bệnh
phẩm
Loại bệnh
phẩm
|
Thời điểm
thích hợp thu thập
|
Bệnh phẩm đường hô hấp trên (dịch
mũi họng; dịch súc họng)
|
Tại ngày 0 đến ngày 7 sau khi khởi bệnh
|
Bệnh phẩm đường hô hấp dưới (dịch phế
nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi...)
|
Tại ngày 0 đến ngày 14 sau khi khởi bệnh
|
Mẫu máu giai đoạn cấp
|
Tại ngày 0 đến ngày 7 sau khi khởi bệnh
|
Mẫu máu giai đoạn hồi phục
|
Tại ngày 14, 28 hoặc 3 tháng sau khi
khởi bệnh
|
Tổ chức phổi, phế nang
|
Trong trường hợp có chỉ định
|
3. Phương pháp thu thập bệnh phẩm
3.1. Chuẩn bị dụng cụ
- Tăm bông cán mềm và cán cứng vô
trùng.
- Đè lưỡi.
- Ống ly tâm hình chóp 15ml,
chứa 2-3ml môi trường vận chuyển.
- Lọ nhựa (ống Falcon 50ml) hoặc túi
nylon để đóng gói bệnh phẩm.
- Băng, gạc có tẩm chất sát
trùng.
- Cồn sát trùng, bút ghi...
- Quần áo bảo hộ.
- Kính bảo vệ mắt.
- Găng tay.
- Khẩu trang N95.
- Bom tiêm 10 ml, vô trùng.
- Ống nghiệm vô trùng (có hoặc không
có chất chống đông).
- Dây garo, bông, cồn ...
- Bình lạnh bảo quản mẫu.
3.2. Tiến hành
3.2.1. Sử dụng quần
áo bảo hộ
Trước khi lấy
mẫu (mặc)
|
Sau khi lấy
mẫu (cởi)
|
Khẩu trang N95
|
Găng tay - lớp thứ hai
|
Mũ
|
Áo
|
Kính bảo hộ
|
Quần
|
Quần
|
Ủng
|
Áo
|
Kính bảo hộ
|
Găng tay - lớp thứ nhất
|
Mũ
|
Găng tay - lớp thứ hai
|
Khẩu trang N95
|
Ủng
|
Găng tay - lớp thứ nhất
|
3.2.2. Kỹ thuật lấy bệnh phẩm
a. Dịch mũi và họng (sử dụng 02 tăm
bông cho 02 loại bệnh phẩm)
- Đưa tăm bông vào vùng hầu họng để
cho dịch họng thấm ướt đầu tăm bông, sau đó miết mạnh và xoay tròn tăm bông tại
khu vực 2 amidan và thành sau họng để thu thập tế bào nhiễm.
- Yêu cầu người bệnh ngửa mặt khoảng
45°. Đưa tăm bông vào dọc theo sàn mũi tới khoang mũi họng, để tăm bông cho thấm
ướt dịch mũi sau đó xoay tròn, miết mạnh vào thành mũi và rút ra từ từ.
- Sau khi ngoáy họng và ngoáy mũi, 2
tăm bông chứa bệnh phẩm được chuyển vào 01 tuýp chứa 3 ml môi trường bảo quản bệnh
phẩm (đầu tăm bông phải nằm ngập trong môi trường vận chuyển).
b. Dịch súc họng
Người bệnh được súc họng
với 10 ml dung dịch rửa (nước muối sinh lý). Dịch súc họng được thu thập vào cốc
hoặc đĩa petri và pha loãng theo tỷ lệ 1:2 trong môi trường bảo quản vi rút.
c. Dịch nội khí quản
Người bệnh khi đang thở
máy, đã được đặt nội khí quản. Dùng 1 ống hút dịch, đặt theo đường nội khí quản
và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt. Cho dịch nội khí
quản vào tuýp chứa môi trường bảo quản vi rút.
d. Lấy mẫu máu
Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy
3-5ml máu tĩnh mạch, chuyển vào tuýp chứa (có chất chống đông EDTA đối với mẫu
máu toàn phần, không có chất chống đông EDTA đối với mẫu máu để tách huyết
thanh), bảo quản ở nhiệt độ 4°C trong vòng 24 giờ.
Lưu ý:
- Ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, loại bệnh
phẩm, ngày lấy mẫu trên tuýp đựng bệnh phẩm
- Các loại bệnh phẩm thu thập tại đường
hô hấp dưới (dịch nội khí quản, phế nang, màng phổi) phải được phối hợp với các bác
sỹ lâm sàng trong quá trình thu thập mẫu bệnh phẩm.
3.2.3. Khử trùng dụng
cụ và tẩy trùng khu vực lấy mẫu
Toàn bộ trang phục bảo hộ được cho vào
1 túi ni lông chuyên dụng dùng cho rác thải y tế có khả năng chịu được nhiệt độ
cao, cùng với các dụng cụ bẩn (sử dụng găng tay và khẩu trang mới).
Buộc chặt và sấy ướt tại nhiệt độ
120°C/30 phút trước khi loại bỏ cùng với rác thải y tế khác hoặc có thể đốt tại
lò rác bệnh viện tuyến huyện.
Rửa tay xà phòng và tẩy trùng bằng
chloramin 0,1% toàn bộ các dụng cụ và khu vực lấy mẫu; phích lạnh dùng cho vận
chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm.
4. Bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh
phẩm tới phòng xét nghiệm
4.1. Bảo quản
Bệnh phẩm sau khi thu thập được chuyển
đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất:
- Bệnh phẩm được bảo quản tại 2-8°C,
và chuyển tới phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo
không quá 48 giờ sau khi thu thập.
- Bệnh phẩm được bảo quản ngay tại
-70°C trong trường
hợp thời gian dự kiến chuyển đến phòng xét
nghiệm chậm hơn 48 giờ sau khi thu thập.
- Không bảo quản bệnh phẩm tại ngăn đá
của tủ lạnh hoặc -20°C.
- Bệnh phẩm là huyết thanh/huyết tương
có thể bảo quản tại 4°C trong 5 ngày.
4.2. Đóng gói bệnh phẩm
Bệnh phẩm khi vận chuyển phải
được đóng gói kỹ trong 3 lớp bảo vệ, theo quy định của Tổ chức Y tế thế
giới.
- Siết chặt nắp tuýp bệnh phẩm, bọc
ngoài bằng giấy parafin (nếu có), bọc từng tuýp bệnh phẩm bằng giấy thấm.
- Đưa tuýp vào túi vận chuyển (hoặc lọ
có nắp kín).
- Bọc ra ngoài các túi bệnh phẩm bằng
giấy thấm hoặc bông thấm nước có chứa chất tẩy trùng (cloramine B ...), đặt gói
bệnh phẩm vào túi nylon thứ 2, buộc chặt.
- Các phiếu thu thập bệnh phẩm được
đóng gói chung vào túi nylon cuối cùng, buộc chặt, chuyển vào phích lạnh, bên
ngoài có vẽ các logo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (logo: bệnh phẩm sinh học,
không được lộn ngược) khi vận chuyển.
4.3. Vận chuyển bệnh phẩm đến phòng
xét nghiệm
- Đơn vị tiếp nhận bệnh phẩm:
+ Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ
Trung ương tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Bắc.
+ Phòng xét nghiệm Viện Pasteur Tp. Hồ
Chí Minh tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Nam và Tây
Nguyên.
+ Phòng xét nghiệm Viện Pasteur Nha
Trang tiếp nhận bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh từ khu vực miền Trung.
Theo diễn biến của dịch bệnh nCoV và
năng lực xét nghiệm của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ xem xét mở rộng các điểm tiếp nhận
bệnh phẩm khi cần thiết.
- Thông báo cho phòng xét nghiệm ngày
gửi và thời gian dự định bệnh phẩm sẽ tới phòng xét nghiệm.
- Bệnh phẩm được vận chuyển tới phòng
xét nghiệm bằng đường bộ hoặc đường không càng sớm càng tốt.
- Tuyệt đối tránh để tuýp bệnh phẩm bị
đổ, vỡ trong
quá trình vận chuyển.
- Nên bảo quản bệnh phẩm ở nhiệt độ 4°C khi vận chuyển
tới phòng xét nghiệm, tránh quá trình đông tan băng nhiều lần, làm giảm chất lượng
của bệnh phẩm.