ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
10/2015/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
03 tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LẶN BIỂN VÀ THỂ THAO GIẢI
TRÍ TRÊN BIỂN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày
23/6/1994; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02/4/2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy
nội địa ngày 15/6/2004;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Thể dục, Thể thao ngày
29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 161/2003/NĐ-CP
ngày 18/12/2003 của Chính phủ quy định về Quy chế khu vực biên giới biển;
Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP
ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Thể dục, Thể thao;
Căn cứ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP
ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;
Căn cứ Thông tư số
05/2007/TT-UBTDTT ngày 20/7/2007 của Ủy ban Thể dục, thể thao về hướng dẫn thực
hiện một số quy định của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, Thể
thao;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL
ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về điều kiện hoạt
động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 697/TTr-SVHTTDL ngày 11/5/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản
lý tổ chức hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký ban hành và bãi bỏ Quyết định số 4376/2001/QĐ-UB ngày 13/12/2001 của
UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Quy chế tạm thời quản lý các hoạt động thể
thao giải trí trên biển.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các Giám đốc Sở: Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao
động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBTV Quốc hội (b/c);
- VP Chính phủ (b/c);
- Bộ VH, TT & Du lịch (b/c);
- Thường trực TU, HĐND, UBND (b/c);
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Các sở: Tư pháp, NNPTNN, Tài chính;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Đài PT-TH Khánh Hòa;
- Báo Khánh Hòa;
- Công báo KH (02 bản);
- Cổng Thông tin điện tử KH;
- Lưu: VT, CVNCTH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Sơn Hải
|
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LẶN BIỂN VÀ THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN
TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2015 của
UBND tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định việc quản lý đối với các tổ
chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các hoạt động
lặn biển và thể thao giải trí trên biển tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Các tổ chức, cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài tham gia kinh doanh các hoạt động lặn biển và thể thao giải trí
trên biển tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài việc tuân thủ Quy chế này, các tổ chức, cá
nhân tham gia vào hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển tỉnh Khánh
Hòa còn phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành có
liên quan đến từng lĩnh vực hoạt động.
2. Các tổ chức, cá nhân và loại phương tiện thủy
nội địa (của các cơ quan: công an, quân đội, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển,
kiểm ngư, thể thao, cứu hộ) hoạt động dưới hình thức tập luyện, thi đấu, biểu
diễn trong tỉnh Khánh Hòa không thuộc đối tượng áp dụng của quy chế này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Các hoạt động lặn biển bao gồm: Lặn biển có bình
khí và không có bình khí.
2. Các hoạt động thể thao giải trí trên mặt biển
bao gồm: kéo dù, lướt ván, mô tô nước, thuyền buồm và các hoạt động thể thao
giải trí khác trên mặt nước và vùng không gian thấp phía trên mặt nước biển.
3. Các phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là
phương tiện thủy) là: tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không
có động cơ (phương tiện thô sơ), chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.
4. Các trang thiết bị lặn bao gồm: Máy nén khí,
bình khí nén, đồng hồ định vị, đồng hồ đo áp lực, đồng hồ đo độ sâu, đồng hồ đo
nhiệt độ, đồng hồ đo thời gian lặn, quần áo lặn, thắt lưng chì, chân vịt, kính
lặn, ống thở, hệ thống van và đường ống dẫn khí đến miệng thở và một số trang
thiết bị liên quan khác.
Chương II
CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI
KINH DOANH CÁC HOẠT ĐỘNG LẶN BIỂN VÀ THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN.
Điều 4. Về giấy chứng nhận đăng
ký doanh nghiệp, giấy Chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh.
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt
động lặn biển và thể thao giải trí trên biển phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Có giấy Chứng nhận đầu tư hoặc giấy Chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp; giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (đối với ngành,
nghề kinh doanh có quy định điều kiện) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
b) Tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng nội dung
đăng ký kinh doanh.
2. Đối với các cơ sở đào tạo lặn du lịch và thể
thao giải trí trên biển: Phải thực hiện đúng quy trình đào tạo theo quy định
của pháp luật về đào tạo nghề.
Điều 5. Về cơ sở vật chất, trang
thiết bị kỹ thuật.
Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động
lặn biển và thể thao giải trí trên biển phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết
bị kỹ thuật cần thiết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngành nghề đã đăng ký
gồm:
1. Có trụ sở, văn phòng, bảng hiệu giao dịch,
phương án cứu nạn theo quy định, có khu vực tập kết phương tiện, khu vực neo
đậu phương tiện.
2. Các loại phương tiện thủy khi đưa vào hoạt động
phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các
quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Có bảng nội quy hướng dẫn về công tác đảm bảo an
toàn cho khách; bảng niêm yết các hoạt động bảo vệ môi trường, các hành vi
nghiêm cấm gây hại cho san hô, hệ sinh thái biển và phải để ở nơi khách dễ nhìn
thấy.
4. Có hệ thống thông tin liên lạc, phao cứu sinh,
túi thuốc cấp cứu, dụng cụ y tế, bình ôxy và một số dụng cụ cần thiết khác phục
vụ cho sơ cấp cứu trong hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển.
5. Đối với hoạt động lặn biển: Phải có các trang bị
bảo hộ cá nhân phù hợp; máy nén khí, bình khí nén, đồng hồ định vị, đồng hồ đo
áp lực, đồng hồ đo độ sâu, đồng hồ đo nhiệt độ, đồng hồ đo thời gian lặn, quần
áo lặn, thắt lưng chì, chân vịt, kính lặn, ống thở, hệ thống van và một số
trang thiết bị liên quan khác. Các trang thiết bị lặn và thể thao giải trí trên
biển phải có giấy Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, được đăng ký và thực
hiện việc kiểm định về chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật
hiện hành.
Điều 6. Về đội ngũ nhân viên
1. Đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi lặn,
nhân viên lặn cứu hộ, sơ cấp cứu dưới nước và nhân viên phục vụ lặn biển và thể
thao giải trí trên biển phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nội
dung đăng ký hoạt động:
a) Đối với lặn biển: Đội ngũ hướng dẫn viên, huấn
luyện viên, cấp cứu viên dưới nước phải có giấy chứng nhận do các tổ chức dạy
lặn ở trong nước có thẩm quyền cấp hoặc giấy chứng nhận do các tổ chức dạy lặn
ở nước ngoài cấp, được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.
b) Đối với dịch vụ, thể thao giải trí trên biển:
Đội ngũ nhân viên phục vụ trên mặt biển phải có giấy chứng nhận về khả năng bơi
lội, bơi cứu hộ do ngành thể dục - thể thao cấp theo quy định.
2. Người điều khiển phương tiện thủy và vận hành
máy thủy phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận theo quy định của
pháp luật hiện hành.
Điều 7. Về vùng, thời gian hoạt
động, bến neo đậu và phao tiêu.
1. Vùng hoạt động lặn biển và thể thao giải trí
trên biển do UBND tỉnh quy định, được xác định bằng tọa độ trên hải đồ và hệ
thống phao tiêu định vị theo quy định. Các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức
hoạt động tại những địa điểm đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép và phải tuân
thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hoạt động kéo dù và các hoạt động trên không:
Chiều cao tính từ mặt nước biển đến đỉnh cao nhất của dù hoặc các phương tiện,
dụng cụ khác không vượt quá 25m; phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của
pháp luật về an toàn hàng hải và an toàn hàng không.
3. Thời gian hoạt động được quy định cụ thể như sau:
a) Tháng 4 đến tháng 10 (trong 1 năm): Từ 6 giờ 00
đến 18 giờ 00
b) Tháng 11 đến tháng 3 năm sau: Từ 7 giờ 00 đến 17
giờ 00
Nếu tổ chức hoạt động ngoài thời gian quy định trên
phải xin phép Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trước 02 ngày.
c) Các cơ sở kinh doanh các hoạt động lặn biển và
thể thao giải trí trên biển tuyệt đối không được tổ chức cho khách tham gia
hoạt động lặn và thể thao giải trí trên biển vào những thời gian cấm hoạt động
của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Phao tiêu, biển báo: phải có màu sắc tương phản
với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát, phù hợp theo quy định;
phải lắp đặt đầy đủ hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu vùng hành lang an toàn
dành cho người lặn theo quy định. Khi lắp đặt phao tiêu, biển báo phải có ý
kiến của Cảng vụ địa phương
5. Các phương tiện thể thao giải trí trên biển chỉ
được neo đậu ở những nơi đã được UBND tỉnh cho phép.
Điều 8. Về thông tin liên lạc và
an toàn cứu nạn:
1. Thông tin liên lạc: Các cơ sở kinh doanh hoạt
động lặn biển và thể thao giải trí trên biển phải trang bị thiết bị thông tin
liên lạc (điện thoại di động và VHF) phục vụ công tác cứu nạn. Hệ thống thông
tin liên lạc phải đảm bảo được yêu cầu liên lạc từ trung tâm điều độ và cứu nạn
đến các vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị. Thiết bị
thông tin phải đảm bảo được yêu cầu hoạt động ở môi trường tiếp xúc với nước và
phải được cơ quan chức năng kiểm tra, cho phép sử dụng.
2. An toàn cứu nạn:
a) Các phương tiện tàu thuyền chở khách lặn biển và
thể thao giải trí trên biển phải đáp ứng đầy đủ các quy định về quản lý và kỹ
thuật hiện hành. Khi di chuyển hoặc hoạt động trong khu vực dành riêng cho
khách lặn phải đảm bảo an toàn cho khách khi bơi, lặn.
b) Khi có sự cố, tai nạn xảy ra các cơ sở kinh
doanh hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển phải:
- Sơ cấp cứu tại chỗ.
- Liên hệ ngay với Lực lượng tuần tra, cứu nạn trên
biển, Đồn biên phòng gần nhất, Cảnh sát đường thủy theo kênh liên lạc đã đăng
ký.
c) Người quản lý điều hành, điều khiển các phương
tiện ca nô kéo dù, ca nô lướt ván, mô tô nước, thuyền buồm thể thao và các
phương tiện thể thao khác phải có trách nhiệm hướng dẫn khách sử dụng thành
thạo áo phao cứu sinh trước khi cho khách tham gia các hoạt động thể thao giải
trí trên biển và phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của khách.
d) Không cho người tắm biển, người đang tham gia
các hoạt động khác trên biển vào vùng có các phương tiện thể thao giải trí trên
biển đang hoạt động, hoặc đu bám vào hệ thống phao giới hạn an toàn, trừ nhân
viên đang thừa hành công vụ và thực hiện công tác cứu nạn trên biển.
4. Các cơ sở kinh doanh hoạt động lặn biển và thể
thao giải trí trên biển phải mua bảo hiểm nhân mạng cho khách khi tham gia, sử
dụng các dịch vụ này.
Điều 9. Các yêu cầu về an toàn hoạt
động lặn và thể thao giải trí trên biển.
1. Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động lặn biển:
a) Phải có tổ cấp cứu, gồm cán bộ phụ trách y tế và
các nhân viên đã được đào tạo, huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu thông thường do
các cơ sở y tế có chức năng đào tạo cấp giấy chứng nhận; tổ cấp cứu phải chịu
sự quản lý về mặt chuyên môn của ngành y tế;
b) Các huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi lặn,
nhân viên lặn cứu hộ phải được khám sức khỏe theo quy định trước khi hành nghề
và phải tái khám định kỳ 06 tháng 1 lần. Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành các
tiêu chuẩn sức khỏe của huấn luyện viên, hướng dẫn viên lặn thì các Bệnh viện
từ cấp huyện, thị xã trở lên thực hiện khám sức khỏe cho huấn luyện viên, hướng
dẫn viên theo như quy định khám để tuyển dụng lao động.
c) Có đủ số lượng huấn luyện viên hoặc hướng dẫn
viên và nhân viên lặn cứu hộ để đảm bảo an toàn cho khách lặn, cụ thể:
- Đối với khách đã có giấy chứng nhận về môn lặn:
Cứ 02 khách lặn phải có 01 huấn luyện viên hoặc 01 hướng dẫn viên đi kèm.
- Đối với khách chưa có giấy chứng nhận về môn lặn:
Huấn luyện viên phải hướng dẫn khách cách sử dụng bình khí và các trang thiết
bị lặn, cứ 01 khách lặn phải có 01 huấn luyện viên đi kèm.
d) Khi có người lặn dưới nước, tàu phải treo cờ
hiệu để báo hiệu, đảm bảo an toàn cho người lặn theo quy định (cờ hiệu có màu
nửa trắng, nửa xanh, đuôi én).
2. Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao
giải trí trên biển:
Phải có hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách và
đảm bảo công tác bảo hiểm, cấp cứu khi có sự cố xảy ra.
Điều 10. Những yêu cầu đối với
khách tham gia hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển.
1. Các cơ sở kinh doanh hoạt động lặn biển và thể
thao giải trí trên biển có trách nhiệm xem xét tình trạng sức khỏe của khách
(theo nội qui, quy định của cơ sở) trước khi tham gia hoạt động lặn và thể thao
giải trí. Nếu để xảy ra sự cố về an toàn sức khỏe của khách trong khi tham gia
hoạt động lặn và thể thao giải trí, cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối
với khách.
2. Khách điều khiển phương tiện thủy phải có bằng
chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật
hiện hành. Những người không có bằng chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn hoặc
có nhưng không phù hợp, khi tham gia điều khiển các phương tiện, thiết bị kỹ
thuật thể thao trên biển phải có nhân viên có chuyên môn phù hợp đi kèm để điều
khiển, hỗ trợ.
3. Khách tham gia hoạt động lặn biển và thể thao
giải trí trên biển phải khai báo tình trạng sức khỏe theo đúng nội qui, quy
định của cơ sở kinh doanh và chịu trách nhiệm về khai báo của mình. Những người
bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về đường hô hấp tuyệt đối không được tham gia
vào các hoạt động lặn và thể thao giải trí trên biển.
4. Khách tham gia hoạt động lặn biển và thể thao
giải trí trên biển phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ tài
nguyên, môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Điều 11. Về quốc phòng, an
ninh.
1. Mọi kinh doanh hoạt động lặn biển và thể thao
giải trí trên biển của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài trong
khu vực biên giới biển phải tuân theo Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003
của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển và các quy định khác của pháp
luật.
2. Trước khi tổ chức đưa khách đến vùng hoạt động
lặn biển và thể thao giải trí trên biển các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt
động lặn biển và thể thao giải trí trên biển có trách nhiệm báo cáo với Bộ chỉ
huy Bộ đội Biên phòng về các loại giấy phép kinh doanh, phương tiện, thuyền
viên, khu vực hoạt động và các trang thiết bị chuyên dùng (trong quá trình hoạt
động có thay đổi về nội dung thì phải kịp thời báo lại); hoạt động phải đúng
mục đích, phạm vi, thời gian cho phép; phải chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm
soát của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan có thẩm quyền.
3. Không được hoạt động ở những nơi cấm cư trú, đi
lại. Không được quay phim chụp ảnh trên các khu vực cấm quay phim, chụp ảnh.
Các hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển không được vượt qua đường
biên giới quốc gia trên biển và chỉ được hoạt động trong phạm vi luồng, tuyến
đã quy định.
Điều 12. Về bảo vệ tài nguyên môi
trường biển
1. Các cơ sở tham gia kinh doanh hoạt động lặn biển
và thể thao giải trí trên biển phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan
du lịch trong phạm vi hoạt động, nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý
chất thải rắn, lỏng và tiếng ồn; hướng dẫn (ghi trong bảng nội quy, quy định),
nhắc nhở khách du lịch phải chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
2. Các phương tiện chở khách lặn biển và thể thao
giải trí trên biển không được thả neo tại các vùng có rạn san hô; phải neo
phương tiện đúng nơi quy định.
3. Nghiêm cấm các hành vi gây hại, cản trở, khai
thác, săn bắt, mua bán, vận chuyển các loài sinh vật biển, san hô sống và chết
dưới bất cứ hình thức nào.
Điều 13. Về sử dụng lao động người
nước ngoài
Các cơ sở tham gia kinh doanh hoạt động lặn biển và
thể thao giải trí trên biển có sử dụng lao động người nước ngoài phải thực hiện
đúng theo quy định của pháp luật hiện hành về lao động nước ngoài làm việc tại
Việt Nam.
Chương III
CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM
TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14. Thanh tra, kiểm tra
1. Các cơ sở tham gia kinh doanh hoạt động lặn biển
và thể thao giải trí trên biển phải chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của
các cơ quan chức năng chuyên ngành có liên quan.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chuyên ngành,
căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi, kiểm tra, thanh
tra theo từng lĩnh vực chuyên môn của ngành mình hoặc khi cần thiết có thể báo
cáo, trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh
tra, kiểm tra; khi phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm thì căn cứ vào tính
chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 15. Xử lý vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động
lặn biển và thể thao giải trí trên biển có hành vi vi phạm các quy định trong
quy chế này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm của các sở,
ban, ngành, địa phương.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này; phối
hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt
động lặn biển và thể thao giải trí trên biển bảo đảm theo đúng quy định. Định
kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.
2. Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên
và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an
tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương có biển; các cơ quan, đơn
vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cùng phối hợp tổ chức thực
hiện tốt Quy chế này.
Điều 17. Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động lặn biển
và thể thao giải trí trên biển phải nghiêm túc thực hiện Quy định này.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần
sửa đổi, bổ sung đề nghị các đơn vị, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định./.