HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 231/NQ-HĐND
|
Quảng Ninh, ngày
07 tháng 12 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2017 ĐẾN NAY
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của
Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo số
04/BC-HĐND ngày 02/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Kết quả giám sát công
tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến
nay” và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo
cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa
bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay và nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Trong những năm qua, công tác đảm
bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền
quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng đã ban
hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về
công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó có nhũng văn bản chỉ đạo mang tính
chiến lược xuyên suốt trong cả giai đoạn; đồng thời Hội đồng nhân dân tỉnh đã
ban hành các nghị quyết về quy hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát
triển thương mại và ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù nhằm khuyến khích
đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, đến
nay đã hình thành được các vùng trồng trọt tập trung; một số mô hình sản xuất
theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản đã được hình thành, làm cơ sở để nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị
trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn. Vai trò của các ngành tham
mưu cho Ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc đề xuất nhiều giải
pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm có nhiều đổi mới với
nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh
không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn (trên 30 người), không có người tử
vong do ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm cơ bản được kiểm
soát. Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về trách
nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương, đến nay từ Ủy ban nhân
dân tỉnh đến 14 huyện, thị xã, thành phố và 186/186 xã, phường, thị trấn đã bố
trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an
toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo liên ngành các cấp đã cơ bản quan tâm kiện toàn
thành viên, xây dựng Quy chế hoạt động và phân công rõ trách nhiệm đến từng
thành viên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tiếp tục được
tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành chức năng và các lực lượng
của ngành Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Ủy ban
nhân dân các địa phương. Từ 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 4.644 cuộc thanh
tra, kiểm tra, trong đó có 1.280 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại gần
2.000 cơ sở; số tiền xử phạt trên 14,7 tỷ đồng. Cùng với việc xử phạt hành
chính, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy gần 25.000 tấn thực
phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được
còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là:
- Việc xây dựng và ban hành các văn bản
chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở cấp tỉnh đã cơ
bản thường xuyên, kịp thời, tuy nhiên phần lớn các địa phương cấp huyện chưa
ban hành được các văn bản mang tính chiến lược, xuyên suốt cho cả giai đoạn. Hoạt
động của một số Ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện, cấp xã chưa thực sự hiệu quả,
còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa quan tâm đến việc kiểm điểm,
đánh giá định kỳ và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, bất cập phát sinh.
- Công tác thông tin tuyên truyền về
an toàn thực phẩm mặc dù đã được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều biện pháp và
hình thức, tập trung nhiều vào các dịp cao điểm, tháng hành động vì an toàn thực
phẩm nhưng vẫn chưa chuyển tải sâu rộng đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế
biến và người dân. Hiệu quả của đường dây nóng về an toàn thực phẩm chưa cao:
Ngành Y tế mỗi năm chỉ có từ 05- 06 cuộc gọi phản ánh thông tin, ngành Nông
nghiệp và ngành Công Thương từ ngày công bố số điện thoại đường dây nóng chưa
tiếp nhận được cuộc gọi phản ánh nào.
- Việc lấy mẫu phục vụ đánh giá, kiểm
soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và làm căn cứ để xử lý vi phạm còn mức độ,
chưa sát với đòi hỏi của thực trạng an toàn thực phẩm.
- Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù
đã được tăng cường, tuy nhiên số cuộc thanh kiểm tra đột xuất còn mức độ và chủ
yếu tập trung ở cấp tỉnh; hình thức xử phạt của các cơ quan quản lý nhà nước
còn chủ yếu tập trung vào nhắc nhở, nhất là ở cấp xã, chưa xử lý nghiêm đối với
các cơ sở vi phạm để đảm bảo tính răn đe cũng như chưa tạo được động lực khuyến
khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Công tác hậu kiểm còn
có việc mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời.
- Công tác quản lý nhà nước trên các
lĩnh vực còn có mặt hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, cụ
thể: Trong lĩnh vực nông nghiệp: (1) Tỷ lệ cơ sở chưa được cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn cao; (2) Một số dự án đầu
tư vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được hưởng chính sách hỗ trợ
của tỉnh nhưng trên thực tế hiệu quả của dự án sau đầu tư chưa cao; (3)
Tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích
thích trong trồng trọt còn xảy ra ở nhiều nơi, kể cả những nơi sản xuất theo
tiêu chuẩn rau sạch, rau an toàn; (4) Việc quản lý, giám sát an toàn thực
phẩm ở các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, còn tồn tại 841 cơ sở giết mổ
gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thuộc cấp huyện quản lý, các cơ sở này không được kiểm
tra vệ sinh thú y, không được kiểm soát giết mổ về an toàn thực phẩm; (5)
Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thuộc chương trình OCOP có việc chưa
được chú trọng. Trong lĩnh vực công thương: (1) Tỷ lệ cấp phép rượu
thủ công còn rất thấp; (2) Công tác thẩm định trước khi cấp phép có lúc
còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo quy định; công tác hậu kiểm còn hạn chế dẫn đến
nhiều cơ sở còn vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; (3) Công tác quản
lý các cơ sở kinh doanh rượu, thuốc lá, bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc, xuất
xứ còn chưa chặt chẽ, nhiều mặt hàng được bày bán công khai nhưng các đơn vị chức
năng chưa có biện pháp xử lý mạnh, triệt để; (4) Công tác quản lý an
toàn thực phẩm tại các chợ còn khó khăn, bất cập, liên quan đến nhiều cơ quan
quản lý, còn thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan nhà nước
và chính quyền địa phương; (5) Công tác kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
còn chưa chặt chẽ, thực phẩm được đưa đến từ nhiều nguồn khác nhau ở trong và
ngoài địa bàn tỉnh (nhất là từ Trung Quốc sang) nên việc kiểm soát an toàn thực
phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Trong
lĩnh vực y tế: (1) Công tác quản lý các bếp ăn trong các nhà hàng,
khách sạn, bếp ăn khu công nghiệp, bếp ăn trường học, các đơn vị cung cấp xuất
ăn cho học sinh trường học và bếp ăn trên tàu du lịch còn có nhiều mặt hạn chế,
khó khăn, bất cập; (2) Quản lý thức ăn đường phố, các loại đồ ăn nhanh,
trà sữa... chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, phần lớn đều có vi phạm về nguồn
gốc, xuất xứ sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
- Các cơ sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã được phân cấp quản lý còn tồn tại khá nhiều hạn chế, nhất là việc
quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra,
giám sát thường xuyên, khi phát hiện vi phạm chưa xử lý triệt để, còn nể nang;
hoạt động của Ban chỉ đạo ở một số đơn vị cấp huyện và phần lớn cấp xã còn nặng
về hình thức, chưa chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm được phân công.
- Việc triển khai thực hiện các quy
hoạch theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch trong lĩnh vực chăn
nuôi, trồng trọt, phát triển thương mại còn hạn chế, nhiều nội dung chương
trình, dự án đề ra nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện.
- Về tình hình ngộ độc thực phẩm: Mặc
dù, thời gian qua, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn
(trên 30 người), không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm tuy nhiên còn tiềm
ẩn nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc an toàn thực phẩm.
Điều 2. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong
báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo sự thống nhất trong
lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong thực hiện công tác quản lý nhà
nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Hội đồng nhân
dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung
chủ yếu sau đây:
1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải
pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp
chính quyền, các ngành chức năng trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm,
đặc biệt nghiên cứu xây dựng Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt và lộ
trình hợp lý để thực hiện hiệu Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn
2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét công tác
đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
- Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt
động của Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp về an toàn thực phẩm, phân rõ trách nhiệm,
xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm phát huy tối đa hiệu quả
quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương
trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; đưa chỉ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm
vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của các cấp, các
ngành và coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện và kiểm điểm, đánh giá
định kỳ.
- Chỉ đạo rà soát, đánh giá hệ thống
các văn bản hiện hành của tỉnh liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về an
toàn thực phẩm, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều
kiện thực tiễn và các quy định pháp luật. Trong đó, cần sớm sơ kết, đánh giá kết
quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 20/01/2014 về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đồng
thời, tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện một số quy hoạch liên
quan đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, nhằm góp phần thực hiện tốt công tác
quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
- Chỉ đạo hoàn thiện hệ thống quản lý
về an toàn thực phẩm theo hướng kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các
cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác kiểm định chất lượng thực phẩm của các phòng kiểm nghiệm đã được đầu
tư đạt chuẩn TCVN ISO/IEC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Về
lâu dài nghiên cứu, xem xét thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tương đương cấp sở trên cơ sở sử dụng
nhân lực tại chỗ của 03 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương để không làm tăng biên chế, sử dụng hiệu quả nguồn lực và trang thiết bị
hiện có để đủ tầm, đủ lực đảm đương vai trò, nhiệm vụ.
- Tăng cường quản lý chất lượng thực
phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn
quản lý; phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực
phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm sản xuất
tại chỗ, nguồn thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh.
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải được thực hiện một cách chủ động, có hiệu
quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi.
- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả
các giải pháp để cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các
cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục,
các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca, các nhà hàng khách sạn, các chủ đầu mối,
kiên quyết không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn; không để xảy
ra tử vong do ngộ độc thực phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2021, 100% các địa phương
xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn và cơ bản
xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn. Phát triển các sản
phẩm OCOP bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; phấn đấu 100% các sản phẩm
OCOP phải đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
2. Về công tác tuyên truyền, phối hợp
hoạt động
- Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục
truyền thông, đặc biệt là tuyên truyền làm thay đổi hành vi trong sản xuất, chế
biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm. Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông
tin giữa các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương đảm bảo chặt chẽ
hơn; tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động đường dây nóng của các cơ
quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã để tiếp nhận phản ánh của nhân dân về các
hành vi vi phạm.
- Tăng cường tập huấn nâng cao kiến
thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng gồm: người sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm; người quản lý; người tiêu dùng... đảm bảo thiết
thực, hiệu quả.
3. Về bố trí nguồn lực
- Quan tâm bố trí ngân sách nhà nước
và tiếp tục duy trì sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt hành chính để đảm bảo
cho hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã; chú
trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, dụng
cụ để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm cho các ngành chức năng, các đơn vị cấp huyện,
cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn
hiện nay.
- Thực hiện tốt các cơ chế, chính
sách hiện có của Trung ương, của tỉnh liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm,
đồng thời tiếp tục nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế,
chính sách đặc thù, cần thiết để góp phần đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn thực phẩm
trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
4. Về công tác thanh tra, kiểm tra, hậu
kiểm
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về
an toàn thực phẩm, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã và xử lý nghiêm các vi phạm,
kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động; chỉ đạo
các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường nắm bắt phát hiện,
ngăn chặn, điều tra, xử lý và hỗ trợ các cơ quan quản lý xử lý nghiêm minh các
hành vi vi phạm, nhất là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Về quản lý nhà nước trên các lĩnh
vực
- Đối với lĩnh vực nông nghiệp:
(1) Kiểm tra, rà soát lại các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch để khắc
phục những tồn tại hạn chế, xây dựng tiêu chí giết mổ đảm bảo các điều kiện về
vệ sinh an toàn thực phẩm; đối với những cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm kiên quyết không cho hưởng hỗ trợ chi phí giết mổ theo Nghị quyết
số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; có giải pháp quản
lý và lộ trình cụ thể để dẹp bỏ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm
nhỏ lẻ trong khu dân cư; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu bố trí phù hợp quỹ đất
theo quy hoạch để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo tiêu chuẩn về an
toàn thực phẩm; (2) Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản
phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; (3) Thúc đẩy phát
triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản
chất lượng cao, hướng tới giảm dần tỷ trọng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tập
trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thực phẩm theo chuỗi, nhất là
đối với các loại ngũ cốc, rau, củ, quả, các sản phẩm từ thịt.
- Đối với lĩnh vực công thương:
(1) Rà soát, đánh giá hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh,
xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm; ban hành các quy định và phân cấp quản
lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm được đưa vào
kinh doanh trong chợ; trang bị thiết bị kiểm tra nhanh về an toàn thực phẩm cho
các ban quản lý chợ; nghiên cứu, xem xét đầu tư và kêu gọi đầu. tư xây dựng một
số chợ đầu mối theo quy hoạch đã được phê duyệt đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia để đáp ứng nhu cầu của xã hội và quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên
địa bàn; kiên quyết xóa bỏ và ngăn chặn việc phát sinh các loại chợ tạm, chợ
cóc không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; (2) Tăng cường kiểm
soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là ở các địa bàn biên giới; kiểm soát chặt chẽ
an toàn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở kinh doanh rượu,
bánh kẹo, thuốc lá, hoa quả nhập ngoại... kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu
quả việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc để xử
lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định; (3) Có giải pháp đẩy nhanh tiến
độ cấp giấy phép đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công theo quy định.
- Đối với lĩnh vực y tế: (1) Xây dựng, phát triển các mô hình điểm bảo đảm an toàn thực
phẩm bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, nhà hàng khách sạn để nhân rộng. Trước
mắt, rà soát tổng thể các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí
nghiệp, các bếp ăn khu lán trại, công trường, bếp ăn trên tàu du lịch... để
đánh giá và có giải pháp đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; (2) Chỉ đạo
các nhà trường, các đơn vị cung cấp xuất ăn cho trường học kiểm soát chặt chẽ
nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân
thủ quy trình giao - nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn; (3) Siết
chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, xử lý
nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ; (4)
Đẩy mạnh việc điều tra, phân tích, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; xây
dựng cơ sở dữ liệu về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
6. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, gắn với trách
nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở và các cơ quan đơn vị
liên quan; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời
phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi
quản lý; tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa
bàn; tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh
doanh thực phẩm an toàn: mô hình tuyến phố ẩm thực an toàn thực phẩm; mô hình
xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm, đưa nội dung đảm bảo an
toàn thực phẩm là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn
hóa, bổ sung vào tiêu chí công nhận là gia đình văn hóa đối với các hộ sản xuất,
kinh doanh thực phẩm an toàn; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về an
toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực
phẩm trên địa bàn.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực, các ban, các tổ và đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh khoá XIII, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2019 và có hiệu
lực từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khoá XIII;
- Các ban và Văn phòng Tỉnh ủy;
- UB MTTQ và các đoàn thể của tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, VX3.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Ký
|