NGHỊ QUYẾT
VỀ
PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm
vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ban hành
ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số
108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm
miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Căn cứ Quyết định số
36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm
nhìn 2020;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết
kèm theo Tờ trình số 140/TTr-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Tiền Giang đề nghị ban hành Nghị quyết về phòng, chống nhiễm vi rút gây ra
hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) trên địa bàn tỉnh Tiền
Giang đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 và Báo cáo thẩm tra số 144/BC-BVHXH ngày 24
tháng 11 năm 2008 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành Nghị quyết
về phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở
người (HIV/AIDS) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 với
các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu chung
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng
dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2010; giảm tác hại của
HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) 100% các đơn vị, địa phương đưa hoạt động
phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình
phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương;
b) Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng
lây nhiễm HIV/AIDS; 100% nhân dân khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn
hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS;
c) Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ
cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm
thiểu tác hại: thực hiện các biện pháp can thiệp đối với tất cả các đối tượng
có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS; 100% tiêm chích an toàn và sử dụng bao
cao su trong quan hệ tình dục có nguy cơ;
d) Bảo đảm
người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm
HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm hoặc bị
ảnh hưởng do HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp, 70%
bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu;
đ) Hoàn thiện
hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống
HIV/AIDS: có khả năng tự đánh giá và tự dự báo về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS
tại tỉnh, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy định tư vấn xét nghiệm tự nguyện;
e) Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ
y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu được sàng lọc HIV trước khi
truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn,
sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
3. Tầm nhìn 2020
a) Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS đến
năm 2010 để sau năm 2010 giảm dần số lượng người nhiễm HIV/AIDS, làm giảm các
ảnh hưởng kinh tế, xã hội do HIV/AIDS gây ra cho giai đoạn sau năm 2010;
b) Giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục tăng cường chỉ
đạo, đầu tư và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống
HIV/AIDS nhằm giảm thiểu tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế -
xã hội;
c) Giai đoạn 2010 - 2020 chương trình phòng,
chống HIV/AIDS phải tập trung giải quyết hậu quả của HIV/AIDS; biện pháp dự
phòng đặc hiệu bằng vắc xin, thuốc điều trị HIV/AIDS có thể sẽ được sử dụng
rộng rãi.
4. Các giải pháp chủ yếu
a) Nhóm giải pháp về xã hội
- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính
quyền các cấp trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS;
- Khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức tôn
giáo, tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các nhóm cộng
đồng, người nhiễm HIV/AIDS cùng gia đình tham gia công tác phòng, chống
HIV/AIDS;
- Tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật về
phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
b) Nhóm giải pháp chuyên môn kỹ thuật
- Tăng cường hệ thống giám sát về HIV/AIDS, tăng
cường sử dụng các dữ liệu giám sát cho hoạch định chính sách và kế hoạch hoạt
động, từng bước triển khai hệ thống giám sát đến các huyện. Nâng cao chất lượng
hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS; xây dựng mạng lưới xét nghiệm
tự nguyện HIV/AIDS gắn với hệ thống chuyển tuyến, với các mạng lưới về chăm sóc
sức khỏe, hỗ trợ xã hội;
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp
luật trong an toàn truyền máu và chế phẩm máu, sàng lọc HIV 100% các đơn vị máu
và chế phẩm máu trước khi truyền, tăng cường tuyên truyền, vận động và phát
triển bền vững phong trào hiến máu nhân đạo, từng bước xã hội hóa công tác an
toàn trong truyền máu;
- Nâng cao nhận thức của người dân trong độ tuổi
sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm HIV và khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con,
điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tổ chức chăm sóc, điều trị
trẻ bị nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
c) Nhóm giải pháp về nguồn lực và hợp tác quốc tế
- Đầu tư về nhân lực, vật lực, tài lực cho
chương trình phòng, chống HIV/AIDS;
- Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phòng,
chống HIV/AIDS đủ kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Tuyển chọn, đào tạo mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên, bao gồm cả những
người nhiễm HIV/AIDS để tham gia các hoạt động của chương trình;
- Đẩy mạnh việc phân cấp và quản lý chương trình
phòng, chống HIV/AIDS;
- Củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế đã có,
vận động để tìm các nguồn hợp tác mới để bổ sung nguồn lực cho chương trình
phòng, chống HIV/AIDS.
5. Kinh phí thực hiện
Hằng năm ngân sách tỉnh cân đối tối thiểu 1%
trong tổng kinh phí sự nghiệp y tế để đầu tư cho chương trình phòng chống
HIV/AIDS.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị
quyết này; hàng năm báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình triển
khai, thực hiện Nghị quyết.
Giao Thường trực Hội
đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực
vận động các thành viên tham gia và giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được
Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VII, kỳ họp thứ 16 thông qua và có hiệu
lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.