Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 36/2004/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đến 2010-2020

Số hiệu: 36/2004/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 17/03/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 36/2004/QĐ-TTg 

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 31 tháng 5 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (bản kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

a) HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội của quốc gia. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia;

b) Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trực tiếp và gián tiếp. Nhà nước bảo đảm việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và sau 2010 phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh  tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn;

c) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội;

d) Việt Nam cam kết thực hiện các Điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS đã ký kết hoặc gia nhập. Bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế;

đ) Tăng cường hợp tác song phương, đa phương, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống HIV/AIDS;

e) Các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới là:

Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; phối hợp với các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS;

Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại;

Tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

Tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình.

2. Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010:

a) Mục tiêu chung:

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

100% các đơn vị, địa phương trên cả nước, đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương;

Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS;

Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại: thực hiện các biện pháp can thiệp đối với tất cả các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS; 100% tiêm chích an toàn và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có nguy cơ;

Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp, 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu;

Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS: 100% tỉnh, thành phố có khả năng tự đánh giá và tự dự báo về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy định tư vấn xét nghiệm tự nguyện;

Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm  máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

3. Tầm nhìn 2020:

a) Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2004 - 2010 để sau năm 2010 giảm dần số lượng tuyệt đối người nhiễm HIV/AIDS, làm giảm các ảnh hưởng kinh tế, xã hội do HIV/AIDS gây ra cho giai đoạn sau  năm 2010;

b) Giai đoạn 2010 - 2020 nhà nước ta tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đầu tư và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm thiểu tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội;

c) Giai đoạn 2010 - 2020 chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ phải tập trung giải quyết hậu quả của HIV/AIDS; biện pháp dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin, thuốc điều trị HIV/AIDS có thể sẽ được sử dụng rộng rãi.

Ưu tiên của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2010 - 2020 là:

Dự phòng bằng các biện pháp kỹ thuật đặc hiệu;

Chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

Chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

4. Các giải pháp chủ yếu:

a) Nhóm giải pháp về xã hội:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương;

Các cấp chính quyền địa phương đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huy động toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS;

Xây dựng chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành chương trình phối hợp liên ngành, toàn diện, đặc biệt chú trọng việc lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV/AIDS cùng gia đình tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS;

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với xu hướng hội nhập của hệ thống pháp luật quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS với pháp luật quốc tế. Tăng cường việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS;

Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi các hành vi có nguy cơ; nâng cao số lượng, chất lượng, tính phù hợp và hiệu quả của các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên gắn liền với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở xã, phường. Phân công trách nhiệm cụ thể về thực hiện công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho từng Bộ, ngành, địa phương; đưa các nội dung về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản vào trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông;

Tăng cường tuyên truyền về chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp. Triển khai chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại một cách đồng bộ bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và áp dụng các mô hình triển khai chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su và các chương trình can thiệp khác ở Việt Nam;

Xây dựng hệ thống chăm sóc, hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS; khuyến khích việc hình thành các trung tâm chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm dựa vào cộng đồng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với bản thân, gia đình và cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

b) Nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật:

Tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về HIV/AIDS, xây dựng các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, từng bước triển khai hệ thống giám sát đến các quận, huyện. Triển khai chương trình giám sát toàn diện (thế hệ 2) và tăng cường sử dụng các dữ liệu giám sát phục vụ việc hoạch định chính sách. Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS;

Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật bảo đảm an toàn trong truyền máu và chế phẩm máu, sàng lọc HIV 100% đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm HIV trong sàng lọc máu, tăng cường tuyên truyền, vận động và phát triển bền vững phong trào hiến máu nhân đạo;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội, cung cấp trang thiết bị vô trùng, tiệt trùng cho các cơ sở y tế đặc biệt là y tế quận, huyện, xã, phường, hướng dẫn và quản lý công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở y tế tư nhân;

Tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS, xây dựng chính sách về tiếp cận thuốc, đảm bảo cơ chế thuận lợi cho lưu thông và phân phối thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS. Bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS, khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các thuốc đông y trong điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS;

Nâng cao nhận thức của người dân trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và khả năng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, tổ chức điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con và tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị trẻ bị nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;

Xây dựng mạng lưới giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, cung cấp trang thiết bị xét nghiệm, tăng cường chẩn đoán, điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, tăng cường đào tạo cán bộ, lồng ghép triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục;

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các tổ chức nghiên cứu có liên quan trong cả nước dưới sự điều phối thống nhất của tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. Hỗ trợ các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học triển khai các hoạt động nghiên cứu, đầu tư ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, tăng cường các hoạt động trao đổi, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo chuyên gia giữa các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiến hành đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS sau 02 năm, 05 năm thực hiện.

c) Nhóm giải pháp về nguồn lực và hợp tác quốc tế :

Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, đẩy mạnh việc phân cấp và quản lý chương trình, xây dựng cơ chế phù hợp cho việc thúc đẩy các tổ chức, cộng đồng kể cả người nhiễm tham gia quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ngân sách của trung ương cấp, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ động bố trí ngân sách của cấp mình đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS;

Khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị trong phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường việc chuyển giao kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và  khuyến khích đầu tư;

Tăng dần mức đầu tư, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn kinh phí khác từ trong và ngoài nước cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực;

Mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, củng cố các mối quan hệ hợp tác đã có, đồng thời tìm kiếm các khả năng hợp tác mới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Phát huy tính chủ động quốc gia trong việc điều phối, quản lý, sử dụng các dự án viện trợ. Ưu tiên cho các dự án hợp tác về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao các công nghệ hiện đại. Tiếp tục cam kết và thực hiện mạnh mẽ các quy định các tuyên bố mà nhà nước ta đã tham gia ký kết hoặc gia nhập.

Điều 2. Các chương trình hành động của Chiến lược:

1. Chương trình thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS; phối hợp với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

2. Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

3. Chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

4. Chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình.

5. Chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS.

6. Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.

7. Chương trình quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

8. Chương trình an toàn truyền máu.

9. Chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung và các chương trình hành động của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp, các địa phương chủ động đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến 2010 và tầm nhìn 2020; phối hợp với các Bộ, ngành là thành viên của ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và các cơ quan Trung ương có liên quan tổ chức chỉ đạo, triển khai các nội dung của Chiến lược trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bộ Y tế chỉ đạo theo ngành dọc các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS các cấp. Các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược; theo dõi, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo cơ quan thông tin các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn toàn quốc. Tập trung đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đưa thông tin tiếp cận với các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai chương trình giáo dục kiến thức và huấn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS vào trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí và cấp kịp thời kinh phí cho các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch ngân sách được Quốc hội phân bổ hàng năm. Tích cực huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, chỉ đạo các đài truyền hình, đài phát thanh các cấp đưa các thông tin về dự phòng, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS thành nội dung thường xuyên của chương trình phát sóng. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động đầu tư kinh phí cho việc xây dựng và phát sóng các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS.

8. Các Bộ, ngành là thành viên ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, các cơ quan thuộc Chính phủ, có trách nhiệm chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo đặc thù của Bộ, ngành mình; chủ động đầu tư ngân sách cho công tác này.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia triển khai thực hiện Chiến lược này trong phạm vi hoạt động của mình.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHIẾN LƯỢC

QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần 1:

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trải qua hơn 20 năm đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS, các quốc gia trên thế giới đã và đang phải đương đầu với một đại dịch có tính chất hết sức nguy hiểm. HIV/AIDS không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng tới an ninh, sự phát triển và nòi giống của loài người. Hơn 20 năm đấu tranh với đại dịch, tuy đã có những thành công nhất định nhưng ở bình diện chung và cấp độ toàn cầu có thể thấy nhân loại chưa có khả năng ngăn chặn được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục gia tăng và tàn phá nặng nề các khu vực ở châu Phi và tiếp theo là châu á. Một số nước châu Phi, vùng cận Sahara có tới hơn 50% bệnh nhân nhập viện là do HIV/AIDS, tuổi thọ bình quân ở khu vực đó chỉ còn 40 tuổi; ở nhiều nước, sự phát triển kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo của UNAIDS trong năm 2002 cho thấy các nước châu Phi đã có hàng triệu học sinh không được tới trường do HIV/AIDS, số được đi học năm 2001 thấp hơn 20% so với năm 1998. Nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia cũng có tới hơn 12% bệnh nhân nằm viện là do HIV/AIDS.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990,  Việt Nam đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trung hạn 1993 - 1996; 1996 - 2000 và đang thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2001 - 2005. Tuy nhiên, qua 13 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS chúng ta chưa có chiến lược quốc gia tổng thể với sự tham gia đa ngành về công tác phòng, chống HIV/AIDS, kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2001 - 2005 đang được thực hiện mới chỉ đề cập những chủ trương chung mà chưa đề cập tới những bước đi, các giải pháp và các chương trình hành động cụ thể. Để hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả, khống chế sự lây lan của đại dịch, giảm tác động của HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 được xây dựng trên cơ sở phối hợp liên ngành với sự trợ giúp tích cực của các tổ chức Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các cá nhân đang hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Nội dung Chiến lược được phát triển dựa trên các tuyên bố chung của Liên Hợp quốc, tuyên bố thượng đỉnh của khóa họp đặc biệt của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS năm 2001 (UNGASS), các cam kết của Chính phủ Việt Nam và đường lối của Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội; đưa ra các định hướng, các ưu tiên và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2004 - 2010 và tầm nhìn 2020.

Phần 2:

CĂN CỨ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC

I. DỊCH TỄ HỌC HIV/AIDS TRÊN THẾ GIỚI

1. Tình hình HIV/AIDS trên thế giới

Tính đến cuối năm 2003, UNAIDS và WHO đã công bố có khoảng 46 triệu người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, 5,8 triệu người mới nhiễm trong năm và 3,5 triệu người tử vong do AIDS trong năm. Tại nhiều nước đang phát triển, phần lớn những trường hợp nhiễm mới làthanh niên. Khoảng 1/3trong tổng số những người hiện đang bị nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi 15 đến 24, phần lớn trong số họkhông biết mình đang mang vi-rút HIV. Hàng triệu người hầu nh­ư không biết hoặc biết rất ít về HIV/AIDS để tự bảo vệ mình chống lại căn bệnh này. Theo báo cáo của UNAIDS và WHO, khu vực cận Sahara có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất, tiếp đến là khu vực châu á Thái Bình Dương.

Bảng 1: Phân bố các trường hợp nhiễm HIV/AIDS

Tổng số các trường hợp nhiễm mới năm 2003

Năm 2003

Tổng số

        5,8 triệu

Người lớn

4,8 triệu

Trẻ em <15 tuổi

700.000

Luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS

Tổng số

46 triệu

Người lớn

43 triệu

Trẻ em <15 tuổi

2,9 triệu

Theo báo cáo của UNAIDS và WHO, mỗi ngày trôi qua có 14.000 trường hợp (2.000 trẻ em và 12.000 người lớn) nhiễm HIV mới và 95% các trường hợp này ở các nước đang phát triển. Cho đến nay, đã có hơn 14 triệu trẻ em bị mồ côi do AIDS. Một số nước như Nigeria, số lượng trẻ em mồ côi do AIDS đã tăng lên 995.000 trường hợp, Ethiopia là 989.000 trường hợp, Kenia là 892.000 trường hợp. Hầu hết các trẻ này không được đi học, theo thống kê tại Nam Phi  số trẻ em đi học năm 2001 thấp hơn 20% so với năm 1998.

Theo báo cáo của UNAIDS và WHO, dịch HIV/AIDS  ở hầu hết các khu vực trên thế giới bắt đầu từ những năm cuối của thập kỷ 70 và những năm đầu thập kỷ 80. Hai khu vực Nam và Đông Nam á, Đông á Thái Bình Dương dịch HIV/AIDS xuất hiện muộn vào những năm cuối của thập kỷ 80, vùng Đông Âu và Trung á phát hiện dịch vào những năm đầu thập kỷ 90.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên thế giới ở người lớn cao nhất là vùng cận Sahara với 8,4% người lớn bị nhiễm HIV/AIDS, tiếp theo là khu vực Caribe, Đông Nam châu á, khu vực Bắc Mỹ. Hình thái lây truyền chủ yếu ở các khu vực là qua quan hệ tình dục khác giới, tiêm chích ma túy và có một vài khu vực hình thức lây truyền chính là đồng tính nam giới. Theo báo cáo của UNAIDS, ở hầu hết các khu vực: nam giới mắc nhiều hơn nữ giới, riêng ở khu vực cận Sahara nữ chiếm tỷ lệ nhiều hơn và hình thái lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục khác giới.

2. Tình hình dịch HIV/AIDS ở châu á - Thái Bình Dương

Dịch HIV/AIDS lan sang châu á khá muộn, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại khu vực này được phát hiện tại Thái Lan vào năm 1985, đến cuối những năm 90, Campuchia, Myanmar và Thái Lan công bố bệnh dịch đáng lo ngại trên toàn đất nước. Năm 2001 có tới 1,07 triệu người lớn và trẻ em mới bị nhiễm HIV tại châu á Thái Bình D­ương đ­ưa tổng số người bị nhiễm HIV tại khu vực này lên tới 7,1 triệu người. Dịch tễ học lây nhiễm HIV ở khu vực này có nhiều hình thái khác biệt, tại Thái Lan và Campuchia hình thái lây nhiễm HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục khác giới, nhưng một số nước khác như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia hình thái lây nhiễm vẫn chủ yếu qua tiêm chích ma tuý và tình trạng lây truyền qua đường tình dục khác giới cũng  ngày càng tăng.

Tại Trung Quốc, UNAIDS và WHO ước tính có khoảng 1,5 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS trong đó có 850.000 người lớn, 220.000 là phụ nữ. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên từ 15 - 24 tuổi theo ước tính vào khoảng 0,20%. Trong 6 tháng đầu năm 2001 số lượng người bị nhiễm HIV tăng 67,4% so với năm 2000. Đường lây truyền của dịch HIV tại Trung Quốc chủ yếu là do tiêm chích ma túy. Vào năm 2000, 7 tỉnh của Trung Quốc đã phải đối mặt với nguy cơ lan tràn dịch HIV, hơn 70% số người tiêm chích ma tuý bị HIV d­ương tính ở một số khu vực nh­ư quận Yili ở Xinjiang và quận Ruili ở Vân Nam. Cũng có dấu hiệu của lây nhiễm HIV qua đư­ờng tình dục ở 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.Năm 2000, tốc độ lây nhiễm HIV qua quan hệ với gái mại dâm tại Vân Nam là 4,6% (năm 1999 là 1,6%), tại Quảng Tây là 10,7% (tăng hơn 6% so với năm 1999).

ấn Độ hiện được ước tính có số nhiễm HIV cao nhất trong khu vực, UNAIDS và WHO ước tính có khoảng 3,97 triệu người ấn Độ bị nhiễm HIV vào cuối năm 2001.

Tại Indonesia, HIV đang gia tăng nhanh chóng trong nhóm tiêm chích ma tuý và gái mại dâm và ở nhóm người hiến máu. Kết quả giám sát tại Indonesia cho thấy vào năm 2000, 40% số người tiêm chích đang được điều trị ở Jakarta đã bị nhiễm HIV. Tại Bogor, tỉnh Đông Java, 25% số người tiêm chích ma tuý nhiễm HIV.

Tại Thái Lan theo ước tính có khoảng 670.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Thái Lan là nước triển khai chương trình bao cao su rất sớm và các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV ở Thái Lan không gia tăng như các năm trước đây và có xu hướng giảm xuống ở một số nhóm đối tượng.

Nguyên nhân: có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng HIV/AIDS tại khu vực này: nạn đói nghèo, trình độ dân trí thấp, tình  trạng di dân tự do, sự gia tăng các tệ nạn xã hội đã làm HIV/AIDS gia tăng. Vấn đề sử dụng bao cao su dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục tuy đã được khuyến khích nhưng rất ít nước áp dụng. Trong khu vực, việc dùng chung dụng cụ tiêm chính ma túy là một trong những hành vi có nguy cơ gây lây nhiễm HIV nổi trội. Để dự phòng lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý, một số chương trình can thiệp đã được triển khai, trong đó thành công nhất là chương trình giảm thiểu tác hại của úc với hàng loạt các dự án trao đổi bơm kim tiêm, chương trình Methadone. Báo cáo của úc gần đây cho thấy: tỷ lệ nhiễm HIV có chiều hướng giảm, người ta cho rằng: ngoài các chương trình can thiệp nêu trên, rất có thể việc sử dụng thuốc kháng vi rút đã làm HIV/AIDS giảm ở nước này. Việc tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu được thực hiện khá tốt ở úc và New Zealand còn ở các nước khác rất khó khăn, chủ yếu là do thiếu nguồn lực.

II. DỊCH TỄ HỌC HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 và cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2003 toàn quốc đã phát hiện được 76.180 trường hợp nhiễm HIV trong đó có 11.659 trường hợp tiến triển thành AIDS và 6.550 trường hợp tử vong do AIDS. Theo ước tính, thông thường lấy số thực phát hiện nhân hệ số 3 thì tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong năm 2003 của Việt Nam ước tính là 0,23% dân số; có một số tỉnh tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tính trên 100.000 dân đặc biệt cao như Quảng Ninh: 580,47/100.000 dân; Hải Phòng: 338,67/100.000 dân; thành phố Hồ Chí Minh: 249,72/100.000 dân; Bà Rịa - Vũng Tàu: 235,99/100.000 dân; An Giang: 184,36/100.000 dân, Hà Nội: 181,38/100.000 dân…

Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam có một số đặc điểm như sau:

1. Dịch HIV/AIDS tiếp tục có chiều hướng gia tăng

Có thể chia diễn biến dịch HIV/AIDS ở Việt Nam thành 3 thời kỳ:

Từ 1990 - 1993: dịch tập trung ở một số tỉnh với số nhiễm HIV phát hiện dưới 1.500 trường hợp mỗi năm.

Từ 1994 - 1998: dịch lan ra toàn quốc với số nhiễm HIV phát hiện hàng năm dưới 5.000 trường hợp.

Từ 1999 - 2002: số nhiễm HIV phát hiện trên 10.000 trường hợp mỗi năm và dịch có xu hướng lan rộng đến các xã, phường.

Giám sát trọng điểm HIV cho thấy: tỷ lệ nhiễm HIV có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời có biểu hiện gia tăng trong các nhóm đối tượng được coi là không có nguy cơ cao. Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam có liên quan mật thiết với tình trạng tiêm chích ma tuý và mại dâm. 

2. Hình thái lây nhiễm HIV chủ yếu qua tiêm chích ma tuý

Đa số người nhiễm HIV là người nghiện chích ma tuý (khoảng 60%).

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý tăng từ 9,4% năm 1996 lên tới 29,34% vào năm 2002, ở một số địa phương tỷ lệ này tăng cao hơn 50% (trong 100 người nghiện chích ma tuý có từ 30 đến 50 người nhiễm HIV).

Các tỉnh miền Bắc và miền Trung: lây truyền HIV qua tiêm chích ma tuý cao hơn khu vực miền Nam.

Nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý ở mức rất cao do: tình trạng nghiện chích ma tuý gia tăng, đặc biệt là tầng lớp trẻ tuổi; tình trạng dùng chung bơm kim tiêm vẫn còn phổ biến (hơn 40% ở thành phố Hồ Chí Minh); người đã nhiễm HIV tiếp tục tiêm chích ma túy và dùng chung bơm kim tiêm với bạn chích (trên 50%); tỷ lệ gái mại dâm có tiêm chích ma tuý khá cao (điều tra hành vi cho thấy hơn 40% gái mại dâm tại Hà Nội có tiêm chích ma tuý). Vì vậy, ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khống chế sự lan tràn HIV ở Việt Nam. 

3. Đối tượng nhiễm HIV có xu hướng “trẻ hoá” ngày càng rõ rệt

Tỷ lệ người nhiễm HIV ở lứa tuổi 20 - 29 là 15% vào năm 1993 đã tăng lên đến 62% vào cuối năm 2002.

Người nhiễm HIV ở lứa tuổi 15 - 49 chiếm 95% các trường hợp nhiễm.

Nhiễm HIV ở lứa tuổi vị thành niên (từ 10 - 19 tuổi) chiếm 8,3% các trường hợp nhiễm.

4. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng và dao động

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm gái mại dâm tiếp tục gia tăng hàng năm từ 0,6% năm 1994 lên tới 6% vào năm 2002.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng tăng qua các năm và lên tới 2,9% vào năm 2001.

Nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng và khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng là rất lớn do gia tăng tỷ lệ nghiện chích ma tuý trong nhóm gái mại dâm; người nghiện chích ma tuý, người nhiễm HIV tiếp tục có quan hệ với gái mại dâm và tỷ lệ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với gái mại dâm thấp. Mặt khác, qua các điều tra trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ sử dụng bao cao su trong lớp trẻ chiếm tỷ lệ rất thấp và điều này cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong lứa tuổi trẻ.

5. Dịch HIV/AIDS đã có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng

Mức độ lây lan của dịch từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng biểu hiện qua tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ mang thai và nhóm thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự tăng tới 0,93% vào năm 2001.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai năm 2002 là 0,34%.

Đã phát hiện 373 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con.

6. Đối tượng nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam đa dạng, có ở mọi địa phương, diễn biến phức tạp

Đối tượng nhiễm HIV ở Việt Nam không còn tập trung trong một số nhóm nguy cơ cao mà đã xuất hiện trong nông dân, học sinh, sinh viên, tân binh, thậm chí trong giới công chức cũng đã có người nhiễm HIV. Cả 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều có người nhiễm HIV/AIDS, 93% số quận, huyện và 49% số xã, phường đã phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% số xã, phường đã có người nhiễm HIV/AIDS.

Mặc dù chưa có điều tra đầy đủ, ước tính có khoảng 20 - 50% trại viên tại các trại 05, 06 nhiễm HIV, trong số đó  có nhiều trường hợp đã tiến triển thành AIDS và tử vong do AIDS.

III. ƯỚC TÍNH VÀ DỰ BÁO NHIỄM HIV/AIDS Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004 - 2010

Theo kết quả ước tính dự báo tiến hành năm 2001 (phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS), sử dụng mô hình EPIMODEL dự báo: vào năm 2005 sẽ có khoảng 197.500 trường hợp nhiễm HIV, trung bình mỗi năm sẽ có thêm khoảng 12.000 - 18.000 người nhiễm mới. Dự báo vào năm 2010 sẽ có 350.970 trường hợp nhiễm HIV, trung bình mỗi năm sẽ có thêm khoảng 20.000 - 30.000 người nhiễm mới.

Bảng 2: Luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS và tử  vong do AIDS giai đoạn 2003 - 2010.

Năm

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

HIV

165.444

185.757

197.500

207.375

256.185

284.277

315.568

350.970

AIDS

30.755

39.340

48.864

59.400

70.941

83.516

97.175

112.227

Tử vong

27.135

35.047

44.102

54.132

65.171

77.228

90.346

104.701

 

IV. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC CỦA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 1990 - 2002

1. Về quản lý, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS

a) Về tổ chức:

Năm 1987 thành lập Tiểu ban phòng, chống SIDA thuộc ủy ban Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp thực hiện.

Năm 1990 ủy ban Quốc gia phòng, chống SIDA Việt Nam được thành lập, cơ quan thường trực là Vụ Vệ sinh phòng dịch – Bộ Y tế.

Năm 1994 ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS được tách khỏi Bộ Y tế do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Bộ Y tế là thường trực.

Năm 2000, Chính phủ thành lập ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. ủy ban Quốc gia gồm 18 thành viên của Chính phủ và một số Ban, ngành, đoàn thể chính trị -  xã hội, cơ quan Trung ương. Văn phòng thường trực phòng, chống AIDS đặt tại Bộ Y tế, trên cơ sở Văn phòng ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS trước đây.

Năm 2003, Văn phòng thường trực phòng, chống AIDS sáp nhập với Vụ Y tế dự phòng thành Cục Y tế dự phòng và Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.

Hầu hết các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm theo mô hình của cơ quan Trung ương.

b) Về chỉ đạo:

Ngày 11 tháng 3 năm 1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tháng 5 năm 1995 Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua đã tạo dựng được cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hơn 29 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, chỉ đạo đã được Chính phủ và các cơ quan trung ương ban hành.

Ngày 24 tháng 02 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/2003/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS: ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo về HIV/AIDS; ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc họp ở Trung ương cũng như khu vực để bàn về các chính sách trong phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua.

Sự tham gia của toàn thể cộng đồng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo ngày một đông đảo, chủ động và tích cực hơn. Có thể nhận định: hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là tương đối đầy đủ và đáp ứng kịp thời để đối phó với tình hình diễn biến của dịch.

2. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông

Hoạt động truyền thông trong thời gian qua đã được triển khai thực hiện khá tốt với sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và của quần chúng nhân dân. Công tác truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung và hiệu quả vì vậy đã nâng cao hiểu biết của người dân về kiến thức và kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS.

Kết quả điều tra cho thấy: tỷ lệ hiểu biết về HIV/AIDS đối với người dân ở khu vực đô thị là trên 65%. Năm 2002, đã có 28,7 triệu lượt người được tiếp cận với thông tin, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

3. Phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS     

Trong thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế (là ba cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS) cùng nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có những nỗ lực rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao. Tuy nhiên, hiệu quả của sự phối hợp này có mặt chưa cao, ví dụ như chưa có giải pháp triển khai các hoạt động giảm thiểu tác hại trong nhóm ma tuý, tăng cường sử dụng bao cao su trong nhóm mại dâm để dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng đã tích cực tham gia vào hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động đã đi sâu vào các nhóm đối tượng đặc thù của từng ngành. Một số hoạt động tiêu biểu như: Bộ Công an đã xây dựng và thực hiện mô hình “Cảnh sát khu vực cấp phường tham gia phòng, chống HIV/AIDS"; Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập Câu lạc bộ “Phóng viên tuyên truyền về dân số, AIDS và các vấn đề xã hội"; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung phòng, chống HIV/AIDS trong các doanh nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam đã lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  trong các phong trào như “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu", “Phong trào nông dân thực hiện các chương trình văn hóa - xã hội và an ninh, quốc phòng"; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc vùng cao…

Công tác huy động cộng đồng có nhiều bước chuyển biến tích cực, đã huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, tôn giáo và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong việc chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

4. Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật

a) Công tác giám sát HIV/AIDS:

Năm 1987, xét nghiệm HIV bắt đầu được triển khai ở các Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và khu vực, đến năm 1994 hệ thống giám sát trọng điểm được thiết lập và đi vào hoạt động. Cho đến nay hệ thống xét nghiệm giám sát dịch tễ HIV/AIDS đã được triển khai ở 64 tỉnh, thành phố; giám sát trọng điểm được triển khai ở 40 tỉnh, thành phố áp dụng trên 6 nhóm đối tượng; giám sát hành vi cũng đã bắt đầu được thực hiện. Các kết quả giám sát đã cung cấp kịp thời các thông tin cho việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.

Số liệu thống kê về HIV/AIDS được cập nhật hàng tuần, hàng tháng,  Bộ Y tế đều đặn có các báo cáo về tình hình dịch gửi cho tất cả các thành viên ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, các cơ quan liên quan. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hệ thống giám sát HIV/AIDS của Việt Nam được đánh giá vào loại tốt nhất trong khu vực.

b) Công tác an toàn truyền máu:

Tỷ lệ các đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền tăng lên qua  từng năm, từ năm 2000 đến nay, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu đã được sàng lọc.

Vận động hiến máu nhân đạo được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh, nhiều đợt hiến máu nhân đạo diễn ra trên khắp các địa phương. Năm 2002, hệ thống huyết học truyền máu đã tổ chức được 539 cuộc vận động hiến máu nhân đạo, nâng tỷ lệ máu thu được do hiến máu nhân đạo lên 30,4% so với tổng số máu thu được. Việc đảm bảo an toàn truyền máu là một nỗ lực rất lớn của hệ thống y tế, tạo được niềm tin của người dân và góp phần tạo sự ổn định về xã hội.

c) Công tác điều trị bệnh nhân AIDS:

Cơ sở điều trị bệnh nhân AIDS đã sớm được hình thành với 3 Trung tâm  tại 3 miền Bắc, Trung, Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo điều trị cho các tỉnh trong khu vực và đến nay hầu hết các tỉnh đều đã có các khoa, phòng sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân AIDS.

Số lượng người nhiễm HIV/AIDS đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị ngày một tăng. Trong giai đoạn 1996 - 2000 có 13.847 lượt người nhiễm HIV/AIDS đến khám tại các cơ sở y tế nhà nước, năm 2002 có 16.354 người nhiễm HIV/AIDS đến khám và điều trị (tăng 18,1% so với 5 năm trước đây).

Tính đến cuối năm 2003, đã có 389 trường hợp cán bộ bị phơi nhiễm với HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, 75% số cán bộ đó đã được điều trị dự phòng, 25% được xử trí tại chỗ và tư vấn.

d) Công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:

Hàng năm, cả nước có trên 2 triệu phụ nữ mang thai, theo thống kê giám sát: tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,39%, như vậy mỗi năm ước tính có hàng nghìn phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào khoảng 30 - 40%, như vậy số lượng trẻ đẻ ra bị nhiễm HIV cũng ngày một tăng cao.

Hệ thống về tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được hình thành và triển khai các hoạt động. Số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng cũng tăng lên hàng năm, đạt 100% ở các bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ.

Năm 2002, có 44,2% các thai phụ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tỷ lệ này đã tăng lên trong năm 2003.

đ) Công tác phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục:

Công tác phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục là một trong các mục tiêu trọng tâm của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi bị mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV lên tới 10 lần và có thể còn cao hơn trong một số loại bệnh. Mỗi năm, hệ thống y tế nhà nước cũng đã tổ chức khám và điều trị cho hơn 150.000 trường hợp mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; năm 2002 là 171.975 trường hợp. Hệ thống giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cũng bắt đầu được khởi động vào năm 2003.

e) Công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng:

Đã tổ chức quản lý, chăm sóc và tư vấn cho 73% số người nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ. Hình thức chăm sóc tư vấn đa dạng, tư vấn thường xuyên (46%), lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ (53%), hỗ trợ vật chất, tinh thần, giới thiệu học nghề và việc làm cho các đối tượng nhiễm HIV.

5. Hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian qua, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ về nhiều mặt của bè bạn quốc tế. Các tổ chức quốc tế ở Việt Nam cũng như Chính phủ các nước rất quan tâm hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, nguồn viện trợ của các nước cho Việt Nam ngày một tăng lên. Ngoài việc tài trợ về nguồn lực, sự chia sẻ các bài học kinh nghiệm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đặc biệt quý báu. Các mô hình phòng, chống HIV/AIDS được các tổ chức quốc tế hỗ trợ đã thu được các kết quả khả quan.

Việt Nam đã tham gia ký kết các văn bản, điều ước quốc tế quan trọng về HIV/AIDS như bản tuyên bố thiên niên kỷ được 189 nguyên thủ quốc gia ký kết vào tháng 9 năm 2000, trong đó vấn đề phòng, chống HIV/AIDS được coi là một trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam đã cam kết trong tuyên bố cam kết về HIV/AIDS tại khoá họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6 năm 2001 (UNGASS), chúng ta đã gửi Báo cáo quốc gia về thực hiện tuyên bố cam kết về HIV/AIDS tới Tổng thư ký Liên Hợp quốc. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và trong khu vực về phòng, chống HIV/AIDS.

6. Ngân sách phòng, chống HIV/AIDS

Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

- Năm 1990 - 1993: 11,1 tỷ đồng cho 4 năm,

- Năm 1994: 40 tỷ đồng,

- Năm 1995 - 1999: mỗi năm 45 - 55 tỷ đồng,

- Năm 2000 - 2003: mỗi năm 60 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này được phân chia cho hơn 15 nội dung hoạt động, cấp cho nhiều Bộ, ngành và tất cả các địa phương. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp, một số địa phương cũng đã bổ sung thêm nguồn kinh phí của địa phương cho chương trình này như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... Tuy nhiên, cũng còn nhiều địa phương hầu như chưa chủ động đầu tư, đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ngay tại địa phương mình.

Các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước đã có nhiều hỗ trợ đáng kể cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính phủ Nhật Bản với khoản viện trợ 3,6 triệu đô la Mỹ đã cơ bản giải quyết vấn đề trang thiết bị cho 10 tỉnh, thành phố phía Nam. Chính phủ Anh viện trợ không hoàn lại 25 triệu USD giai đoạn 2003 - 2007. Chính phủ các nước: Đức, úc, Mỹ, Luxambourg,... đã có nhiều khoản viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trước đây và trong thời gian tới. Các tổ chức Liên Hợp quốc, các tổ chức phi Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các nguồn viện trợ này đã được sử dụng tương đối hiệu quả và góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm vừa qua tuy còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, nhưng bằng những nỗ lực của Chính phủ và sự tham gia của toàn xã hội, chúng ta đã ngăn chặn được tốc độ gia tăng nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam, nếu không bức tranh toàn cảnh về dịch HIV/AIDS ở Việt Nam chắc chắn còn ảm đạm hơn nhiều so với các dự báo trước đây.

V. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

1. Đánh giá tổng quát

Với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các đoàn thể, địa phương, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trên tất cả các mặt: thông tin, tuyên truyền, phòng, chống lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý, mại dâm; qua các hoạt động chuyên môn kỹ thuật như giám sát dịch, an toàn truyền máu, điều trị, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con... chúng ta đã:

a) Nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bảo đảm được các chỉ tiêu Pháp lệnh về phòng, chống HIV/AIDS như an toàn truyền máu, giám sát HIV/AIDS, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Đảm bảo được các cam kết quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn còn rất nguy hiểm, nguy cơ tiếp tục gia tăng, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa cùng với  công tác phòng, chống ma tuý, mại dâm.

2. Về mặt khách quan

a) Bản chất sinh học của nhiễm HIV là dịch bệnh do vi rút gây ra nhưng có các đặc điểm sinh bệnh học rất đặc biệt. Đa dạng về đường lây truyền (HIV lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục, mẹ truyền cho con), thời gian ủ bệnh kéo dài có thể tới 15 năm, tính né tránh miễn dịch và khả năng biến dị của vi rút rất lớn; chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu đã làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS thêm khó khăn.

b) Theo những nghiên cứu dịch tễ học, hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu qua tiêm chích ma tuý (30,4% năm 2001 và 29,34% AIDS    năm 2002), tỷ lệ gái mại dâm có tiêm chích ma tuý khá cao (40% gái mại dâm có tiêm chích ma tuý theo một kết quả điều tra tại Hà Nội), tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục của các nhóm đối tượng có nguy cơ cao khá thấp… đây đang là những nguyên nhân chính và trực tiếp làm lan truyền HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay.

c) Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam á, là khu vực đang chịu tác động mạnh mẽ của xu hướng dịch chuyển của đại dịch HIV/AIDS. Tính chất di biến động dân số, vấn đề di dân ngày càng phức tạp tạo ra nguy cơ lan truyền HIV/AIDS trong các địa phương, từ thành thị về nông thôn, giữa địa phương này với địa phương khác trong một nước và lan truyền qua biên giới các nước. Một bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn đi làm ăn ở các nơi xa, thậm chí đi ra nước ngoài làm ăn bị nhiễm HIV/AIDS và đã làm lây nhiễm HIV/AIDS khi trở về nhà.

d) Hậu quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường là sự phân hoá giàu nghèo, thất nghiệp, dân trí còn thấp dẫn đến nhận thức về HIV/AIDS rất hạn chế (các điều tra trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ gái mại dâm bị mù chữ khá cao), giá trị đạo đức, lối sống bị ảnh hưởng nhất là trong tình yêu, tình dục, hôn nhân ... là những yếu tố góp phần làm lây lan dịch HIV/AIDS, đồng thời cũng gây ra nhiều khó khăn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

3. Về mặt chủ quan

a) Quản lý, chỉ đạo công tác phòng, chống AIDS:

Sự chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự được coi trọng; một bộ phận không nhỏ đội ngũ lãnh đạo ở các cấp cơ sở và một bộ phận dân cư nhận thức chưa đầy đủ về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tuy được đánh giá là khá đầy đủ nhưng có một số quy định chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn tới giảm hiệu lực khi triển khai, thực hiện.

Dịch HIV/AIDS gắn liền với các loại tệ nạn xã hội đặc biệt là ma tuý, mại dâm đã làm tăng sự phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, điều này làm cho công tác dự phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS gặp rất nhiều trở ngại.

Chưa triển khai được các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại trên diện rộng như trao đổi bơm kim tiêm sạch trong nhóm nghiện chích ma tuý, sử dụng bao cao su trong nhóm phụ nữ mại dâm.

Bộ máy tổ chức phòng, chống HIV/AIDS còn mỏng về lực lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết các cán bộ công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay là kiêm nhiệm, chưa có bộ máy điều hành chuyên trách.

b) Thông tin, giáo dục, truyền thông:

Thông tin chưa phủ khắp, chưa đi đến vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận được đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Hoạt động truyền thông mang tính hình thức, đi theo lối mòn nên tác dụng làm thay đổi hành vi, chống phân biệt đối xử còn ở mức độ rất hạn chế.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phòng, chống HIV/AIDS chưa được triển khai thường xuyên, nhiều cấp lãnh đạo kể cả các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng không được cập nhật các thông tin, các quy định về phòng, chống HIV/AIDS phần nào làm hạn chế hiệu quả chương trình.

c) Hoạt động chuyên môn kỹ thuật:

Giám sát HIV/AIDS:

Trình độ xét nghiệm còn ở mức thấp, chưa có khả năng chẩn đoán xác định các trường hợp trẻ sơ sinh có nhiễm HIV hay không.

Tư vấn xét nghiệm tự nguyện chưa có hệ thống, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên hiệu quả chưa cao.

Giám sát còn bị động, chưa đẩy mạnh các nghiên cứu có tính chuyên môn sâu trong giám sát, chưa đánh giá chính xác được hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Máy móc và sinh phẩm y tế chưa được đầu tư sản xuất; việc xét nghiệm HIV ở hệ thống y tế tư nhân cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh trong pháp lệnh.

Công tác an toàn truyền máu:

Kỹ thuật sàng lọc các bệnh nhiễm trùng còn ở trình độ thấp, hiện nay 80% cơ sở truyền máu trong toàn quốc mới chỉ sàng lọc bằng kỹ thuật đơn giản. Chưa có điều kiện để ứng dụng kỹ thuật truyền máu hiện đại như tách các thành phần máu để truyền máu từng phần nhằm hạn chế được nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phong trào hiến máu nhân đạo mới được đẩy mạnh ở một số tỉnh, thành phố lớn còn ở các địa phương khác, việc vận động hiến máu nhân đạo còn rất yếu. Chưa có ngân hàng máu, chưa đủ máu dùng cho điều trị, chưa có máu dự trữ đề phòng khi có thảm họa lớn xẩy ra.

Công tác điều trị:

Vấn đề điều trị HIV/AIDS hiện nay hết sức cấp thiết, do khó khăn về thuốc điều trị, phương pháp điều trị, nhu cầu điều trị rất lớn nhưng đáp ứng còn rất hạn chế. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, hàng năm chương trình phòng, chống AIDS đầu tư khoảng 4 tỷ đồng chỉ mới đủ mua thuốc điều trị đặc hiệu HIV cho khoảng 50 bệnh nhân AIDS, cho các cán bộ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho một số bệnh nhân. Tuy đã có một vài công ty sản xuất thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS trong nước nhưng giá thành điều trị vẫn còn cao.

Chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cũng còn một số bất cập.

Đa số bệnh nhân AIDS là người nghèo, một số không có nơi nương tựa nên khi bị bệnh thì bệnh viện lại trở thành nơi điều trị và nuôi dưỡng bệnh nhân, khi qua đời bệnh viện phải lo việc mai táng, bệnh nhân AIDS thực sựlà gánh nặng đối với các bệnh viện.

Dự phòng lây truyền mẹ con:

Giáo dục phòng, chống HIV/AIDS ở lứa tuổi vị thành niên còn nhiều hạn chế, chưa lồng ghép được chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Tình trạng các cháu bị bỏ rơi vì HIV/AIDS đã trở nên báo động. Một số cháu được các bệnh viện nuôi dưỡng, phần lớn các cháu được đưa vào các trung tâm cô nhi. Cần xây dựng các chính sách phù hợp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, tạo các điều kiện thuận lợi về học hành, vui chơi, phát triển cho các cháu không may bị ảnh hưởng do HIV/AIDS. 

Công  tác phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục:

Hệ thống giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục vừa được triển khai trong năm 2003, vì vậy số liệu dịch tễ học còn thiếu.

Các chương trình lồng ghép dự phòng HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cũng đã được triển khai, nhưng mới chỉ ở phạm vi và quy mô tại một số tỉnh lớn.

Công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng:

Tâm lý đối với người nhiễm HIV/AIDS của xã hội, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, gia đình vẫn còn nhiều nặng nề, mặt khác đa số người nhiễm HIV/AIDS là do tiêm chích ma tuý, mại dâm do đó việc tái hoà nhập cộng đồng là rất khó khăn. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được cộng đồng chấp nhận vào khoảng 30% và chỉ có 2% được tham gia vào các câu lạc bộ người nhiễm hoặc nhóm bạn giúp bạn.

Vấn đề quản lý, chăm sóc cho các đối tượng nhiễm HIV trong các trung tâm 05, 06, các trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng phát sinh nhiều, vấn đề có tính đặc thù cần quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh số lượng người nhiễm tại các nơi này chiếm tỷ lệ khá lớn.

Do đặc điểm của người nhiễm HIV ở Việt Nam phần lớn là người nghèo, cộng thêm các mặc cảm, kỳ thị phân biệt đối xử nên họ ngại tiếp xúc, lẩn tránh và dễ có những phản ứng tiêu cực.

Các hỗ trợ xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng như chống kỳ thị phân biệt đối xử, tạo công ăn việc làm…chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể.

d) Hợp tác quốc tế:

Mặc dù đã có sự phối hợp chặt chẽ với quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng do không chủ động được nguồn lực nên các hoạt động hợp tác quốc tế vẫn còn tản mạn thiếu hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng ta cũng như mong muốn của bạn bè quốc tế.

đ) Tài chính:

Do phải bao phủ nhiều nội dung, phải đảm bảo các chỉ tiêu pháp lệnh như truyền máu, giám sát, phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã, phường, kinh phí bị dàn trải, phân nhỏ nên các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng còn nhiều bất cập và hạn chế.

Kinh phí đầu tư còn thiếu so với nhu cầu: theo ước tính như năm 2002 có 92 tỷ kể cả ngân sách nhà nước, kinh phí địa phương và các nguồn viện trợ, với kinh phí nêu trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Phần 3:

QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

1. HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội của quốc gia. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia.

2. Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp. Nhà nước bảo đảm việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và sau 2010 phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

3. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội.

4. Việt Nam cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS đã ký kết hoặc gia nhập. Bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.

5. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống HIV/AIDS.

6. Các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới:

- Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; phối hợp với các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS;

- Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại;

- Tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

- Tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình.

Phần 4:

TẦM NHÌN 2020

1. Giai đoạn 2010 - 2020, HIV/AIDS vẫn tồn tại, tuy phát triển chậm hơn nhưng tiếp tục tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để duy trì và giữ vững các thành quả đã đạt được. Trong giai đoạn này, nhà nước tiếp tục tăng cường việc quản lý chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh việc chống phân biệt đối xử, tiếp tục thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cần tiếp tục được đẩy mạnh và duy trì.

2. Tác động của HIV/AIDS tới phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ cộng đồng giai đoạn 2010 - 2020 phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2004 - 2010. Trong giai đoạn hiện tại, HIV/AIDS vẫn còn ở giai đoạn dịch tập trung (chủ yếu ở các đối tượng có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy và gái mại dâm). Vì vậy, ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm có nguy cơ cao ra cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cơ bản sẽ khống chế được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở giai đoạn sau này. Tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS giảm, việc chăm sóc hỗ trợ người nhiễm được thực hiện tốt hơn sẽ làm giảm các tác động đến kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra.

3. Giai đoạn 2010 - 2020, chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ phải tập trung giải quyết hậu quả của HIV/AIDS. Dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin, thuốc điều trị HIV/AIDS có thể sẽ được sử dụng rộng rãi. Do vậy, trong giai đoạn này dự phòng mang tính kỹ thuật và phối hợp liên ngành trong việc chăm sóc, điều trị và giải quyết các hậu quả của HIV/AIDS. Các ưu tiên của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2010 - 2020:

Dự phòng bằng các biện pháp kỹ thuật đặc hiệu;

Chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

Chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Các chương trình hành động trong giai đoạn 2010 - 2020 chủ yếu tập trung cho hai chương trình chủ đạo:

Chương trình chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

Chương trình dự phòng và giảm nhẹ các tác động đến kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra.

Phần 5:

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% các đơn vị, địa phương trên cả nước, đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương.

b)  Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

c) Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại: thực hiện các biện pháp can thiệp đối với tất cả các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS; 100% tiêm chích an toàn và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có nguy cơ.

d) Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp, 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu.

đ) Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS: 100% tỉnh, thành phố có khả năng tự đánh giá và tự dự báo về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy định tư vấn xét nghiệm tự nguyện.

e) Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

A. Nhóm giải pháp về xã hội

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS:

Khẳng định vai trò quan trọng của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp ủy Đảng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ban hành các văn bản, chỉ thị của các cấp ủy Đảng chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào nội dung thảo luận ở các kỳ Đại hội và các văn kiện, nghị quyết và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đội ngũ lãnh đạo và các Đảng viên tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phát huy tính chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đưa giáo dục phòng, chống HIV/AIDS thành một trong những nội dung thường kỳ của các cuộc họp chi bộ.

b) Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS:

Đề nghị Quốc hội tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đầu tư ngân sách cho nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội, các ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hội đồng nhân dân các cấp có các Nghị quyết về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Định kỳ hàng năm, công tác phòng, chống HIV/AIDS được báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phải được cụ thể hoá trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

­c) Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS:

Chính phủ tăng cường chỉ đạo và coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các cuộc họp định kỳ nghe báo cáo về HIV/AIDS để có sự chỉ đạo kịp thời.

Uỷ ban nhân dân các cấp thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lồng ghép các chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình xoá đói, giảm nghèo; ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm đầu tư thích hợp về kinh phí, nhân lực, vật lực và tăng cường về tổ chức bộ máy cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

2. Các giải pháp về phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng

a) Phối hợp liên ngành:

Tiếp tục xây dựng và tăng cường tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện, đặc biệt chú trọng việc lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với các hoạt động liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, ngành, trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các Bộ, ngành chủ động đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch hoạt động hàng năm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức thực hiện.

Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường vận động toàn dân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào trong các phong trào vận động quần chúng. Phát huy vai trò, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS vào trong các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước. Phát huy vai trò của những người tiêu biểu, các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi làm nòng cốt cho việc vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Xã hội hoá cao công tác phòng, chống HIV/AIDS, có các quy định cụ thể về công tác xã hội hoá nhằm mục đích huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của tất cả các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và cá nhân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

b)  Huy động cộng đồng:

Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, các nhóm cộng đồng, kể cả bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam trong chăm sóc, hỗ trợ những người có nguy cơ bị nhiễm HIV và người nhiễm HIV/AIDS. Thông tin rộng rãi cho nhân dân về trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào quần chúng, các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng, các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện. Tổ chức các diễn đàn kêu gọi sự cam kết tham gia công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng. ở những nơi có điều kiện có thể hình thành "Quỹ cộng đồng hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS".

Tăng cường tính chủ động của cộng đồng. Phát huy tính tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch, triển khai các hoạt động và xác định HIV/AIDS là vấn đề của chính cộng đồng và cộng đồng tham gia tích cực trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Phát động phong trào thi đua noi gương người tốt, việc tốt, có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức quần chúng, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

c) Huy động doanh nghiệp tham gia phòng, chống HIV/AIDS:        

Khuyến khích các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức tư nhân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng, ban hành các chính sách, quy định cụ thể về triển khai các hoạt động phòng, chống AIDS tại nơi làm việc. Vận động, đề xuất các hình thức thích hợp về đóng góp các nguồn lực của tổ chức doanh nghiệp đồng thời nghiên cứu xây dựng, tiến tới luật hoá các chế tài xử lý hành chính đối với doanh nghiệp hay tổ chức không thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị  kinh tế tổ chức đào tạo và nhận các đối tượng nguy cơ lây nhiễm HIV và các đối tượng bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được làm việc.

Nghiêm cấm các doanh nghiệp sa thải người nhiễm HIV/AIDS. Không được xem xét song hành vấn đề nhiễm HIV của người lao động với việc tuyển dụng, tăng lương hay bổ nhiệm họ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Các doanh nghiệp cần có các quy định, chính sách trong việc cung cấp thông tin phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân của đơn vị. Lồng ghép việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình vui chơi, giải trí lành mạnh tại doanh nghiệp.

Thành lập các cơ sở tư vấn về HIV/AIDS tại doanh nghiệp thông qua việc lồng ghép với các hoạt động y tế tại doanh nghiệp. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám, chữa các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.  

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân gắn hoạt động quảng cáo sản phẩm với các thông điệp về dự phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS ví dụ quảng cáo nước uống, mỹ phẩm, hội chợ, triển lãm…

d) Phát huy tiềm năng của từng cá nhân và gia đình trong phòng, chống HIV/AIDS:

Nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong gia đình về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc tuyên truyền giáo dục, tư vấn. Giáo dục, phát huy việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức gia đình, phong tục, tập quán tốt đẹp, duy trì nếp sống văn hoá lành mạnh, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân và gia đình để phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Giáo dục, bảo đảm quyền bình đẳng của người nhiễm HIV/AIDS cũng như quyền của từng cá nhân sống trong cộng đồng về trách nhiệm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Khuyến khích, có chính sách động viên những người danh tiếng, các nhà lãnh đạo tham gia và trở thành những tấm gương để cộng đồng đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên noi theo.

Khuyến khích các thành viên trong gia đình áp dụng biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và trở thành cộng tác viên tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường sự hiểu biết và đảm bảo vai trò, quyền bình đẳng của phụ nữ để họ tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đảm bảo cho phụ nữ tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng sống.

3. Giải pháp về pháp luật và chính sách trong phòng, chống HIV/AIDS

a) Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS:

Sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, dân sự, lao động… trực tiếp liên quan đến vấn đề HIV/AIDS. Thường xuyên tiến hành rà soát, hệ thống hoá để kịp thời sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định, văn bản pháp luật không còn phù hợp; bổ sung hoặc ban hành văn bản mới để quy định những vấn đề về HIV/AIDS còn thiếu hoặc không còn phù hợp chưa được pháp luật điều chỉnh. Tiếp tục khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam; xúc tiến việc nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Các quy định pháp luật phải nhằm mục đích tạo điều kiện cho các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ nhằm duy trì hay thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Bảo đảm các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS cần được xem xét trên quan điểm chống kỳ thị phân biệt đối xử, tạo lập sự bình đẳng cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và những người nhiễm HIV/AIDS.

Tăng cường việc giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

b) Từng bước hoàn thiện các chế độ, chính sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS:

Ban hành các chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, người nhiễm HIV/AIDS và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Bảo đảm các chính sách bình đẳng về giới, các chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

Tăng cường năng lực của các ngành trong việc phát triển các chính sách và kế hoạch dựa trên các vai trò và thế mạnh của từng ngành.

4. Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi

a) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi:

Tận dụng và phối hợp các kênh truyền thông, các loại hình truyền thông hiện có để chuyển tải các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi (TTGD-TTTĐHV) cho từng Bộ, ngành. Các Bộ, ngành, đoàn thể có trách nhiệm lập kế hoạch và triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông cho các nhóm đối tượng đặc thù của ngành mình.

Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường chỉ đạo, triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, chú ý tập trung cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch.

Tổ chức các chiến dịch truyền thông với quy mô lớn trên toàn quốc ít nhất mỗi năm hai lần, đưa giáo dục truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS vào các ngày lễ, các sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội hàng năm của đất nước.

b) Xây dựng và phát triển các kỹ năng cá nhân trong dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS:

Sử dụng cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông theo nhóm nhỏ, giáo dục đồng đẳng.

Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên gắn liền với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở cấp cơ sở xã, phường.

Triển khai và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo về dự phòng lây nhiễm HIV, giáo dục giới tính, giáo dục sức khoẻ sinh sản và kỹ năng sống tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông. Nâng cao thời lượng giảng dạy về công tác phòng, chống HIV/AIDS cho hệ thống trường y, tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ giảng dạy về HIV/AIDS.

c) Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi (TTGD-TTTĐHV) của các nhóm cộng đồng:

Các nhóm cộng đồng cần được hỗ trợ và nâng cao năng lực trong việc xác định ưu tiên và đưa ra các quyết định về chiến lược, kế hoạch và thực hiện các kế hoạch dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS dựa trên chính nguồn lực của mỗi nhóm cộng đồng. Các nhóm cộng động cần được hiểu trên nghĩa rộng, bao gồm các nhóm cộng đồng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS (ma tuý, mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS, thanh niên, phụ nữ...), nhóm cộng đồng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS (Chính quyền, y tế, giáo dục...), các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thi hành pháp luật...

Hỗ trợ lãnh đạo các nhóm cộng đồng trong việc đánh giá nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, tác động của đại dịch tới kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS, đáp ứng với đại dịch của cộng đồng mình.

Huy động các nguồn lực của chính các nhóm cộng động và sự hỗ trợ của Chính quyền, của các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các doanh nghiệp cho việc thực hiện các biện pháp TTGD-TTTĐHV.

d) Nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông:

Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các ban, ngành liên quan trong việc biên tập mới, sửa đổi, bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức mới về phòng, chống HIV/AIDS.

Các tài liệu và thông điệp truyền thông cần tập trung vào những nội dung mang tính hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi an toàn phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với từng đối tượng.

Đa dạng hoá các loại hình truyền thông: bản tin, phim tài liệu - khoa học, phim khoa giáo, xây dựng hệ thống panô, áp phích… xuất bản các ấn phẩm bằng các thứ tiếng, ngôn ngữ để tuyên truyền giáo dục cho đồng bào dân tộc ít người, dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Các Bộ, ngành chỉ đạo các cấp theo ngành dọc chủ động lập kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc sản xuất các tài liệu truyền thông phục vụ hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi của ngành mình phụ trách.

đ) Các giải pháp thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi (TTGD-TTTĐHV) cho thanh niên và các vấn đề liên quan đến giới:

Phát triển chương trình đào tạo kỹ năng sống dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các trường học của hệ thống giáo dục và dạy nghề.

Thiết lập các dịch vụ thu hút giới trẻ để quản lý có hiệu quả các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, các hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Liên kết các hoạt động TTGD-TTTĐHV với các dịch vụ thu hút giới trẻ.

Phát triển các biện pháp can thiệp có định hướng để đưa vào hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tiếp cận các dịch vụ, hỗ trợ và chăm sóc về mặt xã hội cho nhóm thanh niên đặc biệt dễ bị tổn thương như trẻ em đường phố, thanh niên lao động, thanh niên bỏ học, thanh niên tàn tật, thanh niên dân tộc thiểu số và các nhóm khác.

Mở rộng các cơ hội cho thanh niên tham gia và đóng góp ý kiến vào việc phát triển và thiết kế tất cả các hoạt động của thanh niên liên quan đến HIV/AIDS.

Nâng cao nhận thức về giới và cải thiện các kỹ năng phân tích giới cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và triển khai chương trình, thúc đẩy bình đẳng giới trong các chương trình chăm sóc và phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường năng lực vận động ủng hộ cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các tổ chức cộng đồng để bảo đảm vấn đề giới được đề cập đến trong quá trình thiết kế và triển khai các chính sách và chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tiến hành các nghiên cứu xã hội để hiểu biết rõ hơn về tác động của giới đối với phòng, chống và chăm sóc HIV/AIDS, đặc biệt là tác động của vai trò và giá trị giới đối với các hành vi, quan hệ tình dục, tính dễ tổn thương đối với HIV (các hành vi tình dục và tiêm chích ma tuý) và những người sống chung với HIV/AIDS.

5. Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS

a) Tạo dựng hành lang pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS:

Đảm bảo sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nhằm đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo và triển khai.

Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn triển khai hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

b) Tăng cường tuyên truyền về chương trình can thiệp, giảm thiểu tác hại nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các biện pháp can thiệp:

Phối hợp với các ban, ngành, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS với các hoạt động truyền thông khác.

Tổ chức các chiến dịch truyền thông quảng bá về chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về chương trình giảm thiểu tác hại và ủng hộ cho các hoạt động của chương trình này.

Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình can thiệp, giảm tác hại trong nước và ngoài nước.

c) Mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại:

Triển khai chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại một cách đồng bộ bao gồm chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch và chương trình 100% bao cao su đối với các địa bàn có nhiều người nghiện chích ma túy, mại dâm và tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao. Các biện pháp triển khai phải phù hợp với tình hình thực tế và có các biện pháp hạn chế tối đa mặt trái nảy sinh.

Tập trung các can thiệp vào nhóm dễ bị nhiễm HIV, nhóm có hành vi nguy cơ cao trong đó chú trọng nhóm tiêm chích ma túy, gái mại dâm, nhóm dân di biến động và thanh, thiếu niên.

Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động việc sử dụng bơm kim tiêm sạch trong tiêm chích đối với người lạm dụng ma tuý, sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục đối với người mại dâm và người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV.

Đầu tư kinh phí mua bơm kim tiêm phục vụ chương trình giảm thiểu tác hại. Đảm bảo việc cung ứng và bán rộng rãi bao cao su và bơm kim tiêm sạch. Nghiên cứu, tiếp cận kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và áp dụng các mô hình phù hợp để triển khai chương trình bơm kim tiêm sạch ở Việt Nam.

Xây dựng và phát triển hướng dẫn quốc gia về chương trình giảm thiểu tác hại. Nhân rộng mô hình giáo dục đồng đẳng, hỗ trợ việc thành lập các nhóm đồng đẳng trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị xã hội bao cao su, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận, tính phù hợp của bao cao su. Xây dựng các chế độ, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thị xã hội bao cao su.

6. Giải pháp về chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động đến kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra

a) Phát triển hệ thống chăm sóc, hỗ trợ toàn diện:

Thiết lập hệ thống chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV trên nền tảng của hệ thống y tế với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Xác định gia đình, cộng đồng là yếu tố cơ bản trong chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Ngành y tế làm nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành và huy động hỗ trợ của chính quyền các cấp để thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ để người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, hoà nhập và được chăm sóc tại gia đình và cộng đồng.

Xác định tuyến huyện là trung tâm của công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Tại mỗi quận/huyện thành lập một phòng hay còn gọi là đơn vị chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS do Trung tâm y tế quận/huyện là cơ quan thường trực cùng với việc huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể của địa phương.

Khuyến khích việc hình thành các trung tâm chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm dựa vào cộng đồng. Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, từ thiện, các tổ chức nhân đạo hình thành các khu chăm sóc bệnh nhân AIDS cuối đời, bệnh nhân AIDS không nơi nương tựa.

Có các chính sách động viên khuyến khích lĩnh vực tư nhân trong chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Khuyến khích việc áp dụng những hình thức chữa bệnh bằng y học dân tộc.

b) Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho  người nhiễm HIV/AIDS:

Tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ để người nhiễm HIV được tiếp cận dễ dàng. Tạo điều kiện để những người nhiễm HIV hoặc ma túy, mại dâm trong các trung tâm giáo dục xã hội, trại giam được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Tổ chức tập huấn về chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cho cán bộ y tế, cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tập huấn chống phân biệt đối xử, đảm bảo tính bí mật, riêng tư và cung cấp các dịch vụ có chất lượng.

Có chính sách khuyến khích người nhiễm HIV được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc đặc hiệu kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS.

c) Phát huy tính chủ động tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và chống phân biệt đối xử:

Giáo dục, truyền thông, tư vấn tập trung cho nhóm người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nhiễm HIV đối với bản thân, gia đình và cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

Khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ người nhiễm HIV/AIDS, các nhóm tự chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau của người nhiễm. Chương trình AIDS có các chính sách để hỗ trợ, động viên người nhiễm tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Có các chính sách hỗ trợ cho gia đình bao gồm cả chính sách y tế và xã hội khi tiến hành chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Đảm bảo các quy định về mặt luật pháp không có các điều khoản phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đảm bảo quyền bình đẳng của người nhiễm HIV/AIDS.

B. Nhóm giải pháp chuyên môn kỹ thuật.

Tạo ra bước chuyển biến căn bản, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các mặt hoạt động phòng, chống HIV/AIDS về kỹ thuật. Bảo đảm thực hiện tốt giám sát trọng điểm, giám sát hành vi và xét nghiệm phát hiện; an toàn truyền máu và chế phẩm máu; an toàn trong các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội có liên quan đến máu; điều trị và chăm sóc HIV/AIDS...

1. Giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm tự nguyện

a) Tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về HIV/AIDS:

Xây dựng, hoàn thiện các chính sách, quy định, hướng dẫn về hệ thống giám sát quốc gia.

Xây dựng các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tại các viện, bệnh viện Trung ương thông qua việc cung cấp các trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo con người, tiến hành kiểm tra, giám sát và chuẩn hoá thường xuyên.

Xây dựng các phòng xét nghiệm chuẩn quốc gia tại 64 tỉnh, thành phố, từng bước triển khai hệ thống giám sát ra các quận, huyện.

­Mở rộng và nâng cao chất lượng giám sát thế hệ 2 (bao gồm giám sát huyết thanh học HIV, giám sát hành vi, giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục). Triển khai chương trình giám sát thế hệ 2: ở 07 tỉnh vào năm 2007 và 10 tỉnh năm 2010.

Bảo đảm 100% cán bộ y tế tham gia chương trình giám sát trọng điểm và xét nghiệm phát hiện được huấn luyện về kỹ thuật và phương pháp xét nghiệm một cách hệ thống.

b)  Giám sát huyết thanh học HIV/AIDS:

Mở rộng và nâng cao chất lượng xét nghiệm phát hiện, chỉ được xét nghiệm khi đối tượng đã được tư vấn đầy đủ; bảo đảm thực hiện kỹ thuật theo phương cách III cho xét nghiệm phát hiện; từng bước xã hội hoá công tác xét nghiệm phát hiện bằng cách thu một phần tiền chi phí khi xét nghiệm HIV.

Việc xét nghiệm bắt buộc HIV cho các đối tượng phải theo quy định của pháp luật. Cấm sử dụng kết quả xét nghiệm như một điều kiện để tuyển dụng lao động hay cho bất kỳ tình huống nào khác.

Việc đưa tên tuổi công khai người nhiễm HIV thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát trọng điểm, mở rộng giám sát ra vùng nông thôn. Thống nhất và đảm bảo thực hiện công tác giám sát theo các quy định chuyên môn: đối với giám sát trọng điểm đảm bảo đúng quy trình lấy mẫu, cách chọn mẫu, phương pháp, phương cách xét nghiệm, phân tích số liệu và báo cáo kết quả.

c)  Giám sát hành vi:

Mở rộng và tăng cường chất lượng giám sát hành vi, xác định giám sát hành vi là yếu tố cảnh báo sớm về xu hướng phát triển của dịch.

Thống nhất về địa bàn, phương pháp và việc tổ chức thực hiện giám sát hành vi.

Lồng ghép chặt chẽ giữa giám sát hành vi, giám sát huyết thanh học và giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

d)  Tăng cường việc sử dụng các dữ liệu giám sát cho hoạch định chính sách và chương trình:

Phát triển và thực hiện kế hoạch sử dụng dữ liệu giám sát cho các mục đích như hoạch định chính sách, vận động sự ủng hộ, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá chương trình.

ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ bằng nối mạng nội địa và quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh, các khu vực, trong toàn quốc và trên thế giới. Tăng cường tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực và trên thế giới về hệ thống quản lý, báo cáo số liệu.

Cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả giám sát HIV/AIDS/STI lên các trang web về HIV/AIDS của Việt Nam.

đ) Tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV:

Tổ chức triển khai chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại 40 tỉnh vào năm 2005 và tất cả các tỉnh vào năm 2010.

Lồng ghép dịch vụ tư vấn vào các chương trình y tế, các chương trình kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Đảm bảo việc xét nghiệm được thực hiện theo phương pháp dấu tên, vô danh, giữ bí mật cho người xét nghiệm.

Triển khai chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện xuống tuyến huyện, đảm bảo 50% số huyện được triển khai chương trình này vào năm 2010.

Xây dựng mạng lưới xét nghiệm tự nguyện và hệ thống chuyển tuyến, gắn kết với các mạng lưới về chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ xã hội. Huy động hệ thống tư nhân tham gia vào công tác tư vấn, hỗ trợ.

Đào tạo cán bộ về tư vấn xét nghiệm, tự nguyện, huy động sự tham gia đa ngành vào công tác này.

2. Bảo đảm an toàn truyền máu

a) Thực hiện việc chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra về công tác an toàn truyền máu phòng lây nhiễm HIV. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong an toàn truyền máu; xây dựng, bổ sung các văn bản pháp quy về an toàn truyền máu.

b) Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên và các ban, ngành khác, đặc biệt với các tổ chức Đảng, Chính quyền các cấp, tập trung nỗ lực, tổ chức tuyên truyền vận động những người khoẻ mạnh không có yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV tình nguyện cho máu và duy trì nguồn người cho máu an toàn. Đây vừa là việc làm nhân đạo vừa là nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng.

c) Nâng cao chất lượng sàng lọc HIV các đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền, cung cấp đủ và kịp thời sinh phẩm có chất lượng tốt cho công tác sàng lọc máu, bảo đảm sàng lọc HIV 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền. Từng bước xã hội hoá công tác an toàn trong truyền máu thông qua việc tính đủ giá thành đơn vị máu và chế phẩm máu.

d) Khuyến khích phát triển việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại và chỉ định truyền máu phù hợp như: truyền máu từng phần, truyền máu tự thân, lọc bạch cầu...nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do truyền máu.

đ) Thực hiện đúng quy định của Điều lệnh an toàn truyền máu, chỉ định truyền máu đúng, hạn chế truyền máu toàn phần và truyền máu điều trị dự phòng thiếu máu.

e) Xây dựng các ngân hàng máu theo hướng tập trung (ngân hàng máu khu vực) bằng các nguồn viện trợ và kinh phí trong nước, từng bước hiện đại hoá hệ thống an toàn trong truyền máu.

g) Triệt để thực hiện các thường quy, quy định về công tác vô trùng, tiệt trùng trong các dịch vụ y tế nhà nước và tư nhân. Huy động các nguồn lực, xây dựng các khu tiệt trùng, xử lý dụng cụ đạt tiêu chuẩn.

h) Trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng cho cán bộ ngành huyết học nói riêng và ngành y tế nói chung về HIV và an toàn truyền máu.

i) Xây dựng phòng xét nghiệm chuẩn thức quốc gia để kiểm tra chất lượng an toàn truyền máu bao gồm kiểm tra sinh phẩm, kiểm tra quy trình xét nghiệm, trang thiết bị...

3. Phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội

a) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định, các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về cách dự phòng lây nhiễm HIV qua dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội. Bảo đảm người dân có quyền yêu cầu được cung cấp các dịch vụ vô trùng, yêu cầu các nhân viên y tế về tiệt trùng dụng cụ y tế.

c) Cung cấp các trang thiết bị vô trùng, tiệt trùng cho các cơ sở y tế đặc biệt là y tế quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Bảo đảm các cơ sở y tế có đầy đủ các trang, thiết bị tối thiểu phục vụ công tác vô trùng trong các dịch vụ y tế.

d) Hướng dẫn và quản lý công tác dự phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở y tế tư nhân. Đảm bảo các cơ sở y tế tư nhân phải có đầy đủ trang thiết bị vô trùng và các vật tư tiêu hao phục vụ công tác vô trùng trong các bệnh viện. Cán bộ y tế công tác tại các cơ sở y tế tư nhân phải có đủ hiểu biết, kiến thức về phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ y tế.

4. Đẩy mạnh công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam được tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi rút HIV (Anti Retro virut - ARV) góp phần làm giảm ảnh hưởng kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra:

Tăng số lượng bệnh nhân AIDS được tiếp cận với thuốc điều trị HIV/AIDS mỗi năm và đến năm 2010 có khoảng 70% bệnh nhân AIDS được tiếp cận với thuốc điều trị ARV; cam kết tham gia sáng kiến 3 x 5 (3 triệu người được điều trị năm 2005) của Tổ chức Y tế thế giới và các sáng kiến khác trong vấn đề điều trị.

Tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh nhân AIDS ở Việt Nam, đến năm 2010 có ít nhất 50% các cơ sở điều trị AIDS được cung cấp đủ các phương tiện chẩn đoán, điều trị hiện đại;

Tăng cường năng lực cán bộ y tế làm công tác điều trị AIDS;

Tăng cường năng lực sản xuất thuốc ARV, đến năm 2005 có khả năng sản xuất và cung ứng theo nhu cầu đủ 3 nhóm thuốc ARV.

a) Tăng cường sự sẵn có và khả năng tiếp cận với các thuốc ARV:

Đàm phán giảm giá thuốc:

Thiết lập các diễn đàn đàm phán giảm giá thuốc trong nước: tập hợp các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty dược phẩm đang sản xuất thuốc ARV, các cá nhân bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để cùng trao đổi, chia sẻ các thông tin và tìm ra các giải pháp cho việc giảm giá thuốc ARV ở Việt Nam;

Tham gia các diễn đàn đàm phán giảm giá thuốc của quốc tế và khu vực;

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho việc đàm phán, giảm giá thuốc, hình thành các cơ chế, chính sách phù hợp cho việc tiếp cận thuốc.

Cho phép sản xuất thuốc trong nước để tăng cường tiếp cận thuốc ARV:

Chính phủ xem xét việc cho phép các công ty dược phẩm Việt Nam sản xuất thuốc trong nước. Khuyến khích các công ty dược phẩm giữ bản quyền nhượng lại bản quyền sản xuất cho các công ty dược phẩm trong nước hay các hình thức công ty liên doanh hay các công ty chi nhánh ở Việt Nam sản xuất thuốc ARV;

Đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm của các công ty dược phẩm. Các công ty dược phẩm trong nước tự đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh dược làm nhiệm vụ cầu nối để các công ty dược phẩm tham gia quá trình đánh giá của WHO và các tiêu chuẩn khác để bảo đảm các thuốc cung cấp đạt chất lượng;

Chính phủ đầu tư một khoản ngân sách dành riêng cho chương trình tiếp cận thuốc để tạo sự ổn định trong việc mua thuốc dành cho điều trị bệnh nhân AIDS;

Tăng cường việc quản lý và phân phối thuốc ARV theo các hướng dẫn để tránh tình trạng sử dụng không đúng liều, không đúng phác đồ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

b) Tăng cường hệ thống điều trị bệnh nhân HIV/AIDS:

Củng cố 03 Trung tâm quốc gia về điều trị AIDS, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, tăng số giường bệnh, cung cấp các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân AIDS kể cả các trang thiết bị kỹ thuật cao.

Thiết lập hệ thống giám sát và theo dõi kháng thuốc, tăng cường đầu tư cho tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá tương đương sinh học để tìm kiếm phác đồ điều trị thích hợp cũng như các thuốc có chất lượng cho bệnh nhân AIDS ở Việt Nam. Sửa đổi, ban hành các phác đồ điều trị ARV thích hợp; các tiêu chuẩn lựa chọn điều trị và các ưu tiên trong điều trị.

Thiết lập các khu điều trị vệ tinh tại các bệnh viện khu vực. Phấn đấu đến năm 2005 mỗi bệnh viện vệ tinh cũng có từ 20 - 30 giường dành cho điều trị bệnh nhân AIDS và đến năm 2007 đạt chỉ tiêu ngang bằng với các trung tâm điều trị quốc gia.

Tăng cường đầu tư cho khoa Truyền nhiễm các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đảm bảo các phương tiện và số giường bệnh tối thiểu để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS. Đến năm 2007, mỗi khoa Truyền nhiễm bệnh viện đa khoa dành ít nhất 10 giường để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS. Bảo đảm tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh đều sẵn có thuốc ARV trong danh mục thuốc thiết yếu của bệnh viện.

Nâng cao năng lực chẩn đoán, phấn đấu đến năm 2005 có ít nhất 10 đơn vị điều trị có máy đếm tế bào CD4-CD8, 03 đơn vị có máy đo số lượng vi rút trong máu và đến năm 2010 có ít nhất 20 đơn vị có máy đếm tế bào CD4-CD8 và 10 đơn vị có khả năng đo số lượng vi rút trong máu.

Tăng cường đầu tư cho tuyến huyện, đảm bảo các Trung tâm y tế huyện có khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội thông thường và tiến tới mở rộng việc tiếp cận thuốc ARV tại bệnh viện tuyến huyện.

Lập kế hoạch, tập trung đào tạo nhân lực, trước mắt tập trung cho tuyến trung ương và các bệnh viện vệ tinh. Tổ chức các khoá đào tạo giảng viên tuyến tỉnh trên cơ sở đó tiến hành đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị AIDS tại tuyến huyện.

Tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về lĩnh vực điều trị AIDS ở Việt Nam. 

Liên kết với các trường đại học, các bệnh viện điều trị AIDS của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị.

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiếp cận thuốc ARV. Tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những thông tin mới về lĩnh vực dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS của các nước trên thế giới.

c)  Tiếp cận thuốc nhiễm trùng cơ hội:

Đưa danh mục các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội vào danh mục thuốc thiết yếu của các bệnh viện, các cơ sở y tế kể cả trạm y tế xã, phường để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận dễ dàng với các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết danh mục các loại thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS ở Việt Nam.

Xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị các nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Triển khai tốt các chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV dựa vào gia đình, cộng đồng.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia dành một phần ngân sách mua thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội để cung cấp cho các cơ sở y tế. Nhà nước có chế độ hỗ trợ thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Tăng cường khả năng lồng ghép, phối hợp chương trình giữa chương trình phòng, chống lao và HIV/AIDS. Từng bước đầu tư cho hệ thống phòng, chống lao có đủ năng lực, trang thiết bị, trình độ để điều trị kết hợp với điều trị HIV/AIDS.

d) Hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực điều trị:

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp theo các giai đoạn cho các cán bộ phục vụ công tác điều trị HIV/AIDS.

Khuyến khích sử dụng các thuốc đông y, các loại hình điều trị bằng y học cổ truyền trong điều trị để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Tăng cường quản lý chất lượng thuốc, bảo đảm các thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Tăng cường quản lý hệ thống phân phối thuốc hợp lý, bảo đảm tính sẵn có của thuốc điều trị, có các chính sách về trợ giá hoặc cấp không thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Lựa chọn các ưu tiên cho điều trị, bảo đảm điều trị 100% các trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV, hàng năm tăng dần số lượng bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị.

5. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

a) Nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm HIV và khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

Tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Lồng ghép chặt chẽ chương trình truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chương trình giáo dục sức khoẻ sinh sản và làm mẹ an toàn.

Tập trung truyền thông cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng nhóm phụ nữ bị thiệt thòi như gái mại dâm, phụ nữ nghèo ở nông thôn.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong các trư­ờng trung học, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục - dạy nghề; tăng c­ường truyền thông tại cộng đồng thông qua hệ thống tổ chức đoàn thể như­ Hội Phụ nữ, Đoàn  Thanh niên…; tăng c­ường truyền thông tại các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

b)  Tăng cường năng lực cho hệ thống làm công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

Thiết lập mạng lư­ới tư­ vấn xét nghiệm HIV tại tất cả các tuyến. Huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể như­ thanh niên, Hội Phụ nữ trong công tác tư vấn và hỗ trợ xã hội cho các phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Mở các khoá đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ thuộc mạng l­ưới ở tất cả các tuyến về lĩnh vực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nh­ư tư­ vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện; chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn đ­ường sinh dục bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đ­ường tình dục; chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV trư­ớc, trong và sau chuyển dạ.

Cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện sản phụ khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh, huyện để có khả năng chẩn đoán HIV.

Cung cấp đủ thuốc từ tuyến trung ­ương tới tuyến huyện để điều trị dự phòng lây truyền HIV khi thai phụ chuyển dạ.

Tư vấn và hỗ trợ sữa thay thế cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV.

c)  Tăng c­ường các hoạt động dự phòng sớm để phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:

Khuyến khích hành vi tình dục an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động dùng và tạo điều kiện dễ tiếp cận với bao cao su.

Khuyến khích xét nghiệm HIV tr­ước khi kết hôn, tr­ước khi đẻ để được tư­ vấn. Cung cấp đầy đủ các thông tin về lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con và cách phòng tránh cho các thai phụ.

Thực hiện quản lý sớm thai nghén để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm các thai phụ nhiễm HIV.

Phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản.

Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lúc chuyển dạ; áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cuộc đẻ.

d) Chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:

Bảo đảm đủ thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị nhiễm trùng cơ hội cho các cháu bị nhiễm HIV/AIDS.

Hình thành trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi bị nhiễm HIV không nơi nương tựa tại các tỉnh, thành phố lớn. Bảo đảm đủ các điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu bị bỏ rơi do HIV/AIDS.

Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em lang thang, trẻ em đường phố (đặc biệt là trẻ em gái) làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho nhóm này.

Huy động sự tham gia mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể vào công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV và bị ảnh hưởng do HIV/AIDS.

6. Tăng cư­ờng công tác phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD - STI)

a) Xây dựng và tăng cường năng lực mạng lưới quản lý, giám sát, chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục:

Xây dựng mạng lưới giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục ở các tỉnh, năm 2004 xây dựng ở 10 tỉnh/thành phố, năm 2005 mở rộng ra 20 tỉnh/thành phố và đến năm 2010 thực hiện ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả n­ước. Lồng ghép chặt chẽ giữa giám sát HIV/AIDS và giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD).

Xây dựng hệ thống báo cáo ca bệnh và báo cáo qua mạng giúp cho việc ước tính dự báo HIV/AIDS/STI và lập kế hoạch tại các tuyến.

Cung cấp trang thiết bị xét nghiệm các nhiễm khuẩn LTQĐTD tuyến trung ương, khu vực, tỉnh và huyện. Bảo đảm khả năng phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục.

Mở các lớp đào tạo và đào tạo lại về quản lý, giám sát, chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn LTQĐTD cho cả hệ thống y tế nhà n­ước và y tế tư­ nhân.

Ban hành các văn bản quy định cũng như­ có sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ giữa hệ thống y tế nhà n­ước và y tế tư­ nhân trong hoạt động quản lý, giám sát, điều trị và báo cáo các nhiễm khuẩn lây truyền qua đư­ờng tình dục.

b) Tăng c­ường chẩn đoán và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục:

Tăng c­ường việc áp dụng phác đồ điều trị quốc gia về các nhiễm khuẩn LTQĐTD ở tuyến CSSKBĐ, BVBMTE và cả khu vực y tế t­ư nhân.

Phối hợp chặt chẽ giữa các hệ thống chuyên khoa y tế; giữa y tế tư nhân và y tế công nhằm phát hiện, tư vấn, điều trị sớm cho đối tư­ợng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai trong quá trình quản lý thai nghén.

­            Tư vấn, khám và điều trị cho bạn tình của ng­ười mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục.

Thành lập các nhóm khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục lư­u động tại các địa bàn “điểm nóng” nhằm tăng cư­ờng khả năng tiếp cận đối với những đối t­ượng có nguy cơ cao.

c)  Tăng c­ường các hoạt động dự phòng lây nhiễm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục:

Triển khai các biện pháp giáo dục sức khoẻ phòng các nhiễm khuẩn LTQĐTD, kết hợp chặt chẽ với giáo dục sức khoẻ sinh sản, phấn đấu đến năm 2005 có 50% phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản được giáo dục phòng, chống các nhiễm khuẩn LTQĐTD.

Triển khai việc phân phát và tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng bao cao su ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh da liễu thuộc y tế công; tiến hành tiếp thị xã hội bao cao su ở các cơ sở y tế t­ư nhân. Từng b­ước tiến hành quản lý việc điều trị bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn LTQĐTD tại các cơ sở y tế tư­ nhân.

Triển khai các can thiệp dự phòng các nhiễm khuẩn LTQĐTD tại cộng đồng góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

7. Nghiên cứu khoa học và theo dõi đánh giá chương trình quốc gia

a) Hình thành hệ thống quản lý, tổng hợp, triển khai các nghiên cứu khoa học:

Xây dựng mạng lưới và đội ngũ nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS trên cơ sở tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các tổ chức nghiên cứu có liên quan trong cả nước dưới sự điều phối thống nhất của tổ chức phòng, chống HIV/AIDS.

Tổng hợp định kỳ các nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm mục đích cung cấp thông tin khoa học cập nhật cho các nhà lãnh đạo và ứng dụng các thông tin này một cách thích hợp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong nước.

Hỗ trợ các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học triển khai các hoạt động nghiên cứu. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đầu tư thích đáng một phần ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư cho các nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS theo các quy định hiện hành. Bảo đảm các nghiên cứu về HIV/AIDS cần được xem xét và cân nhắc các khía cạnh liên quan đến y đức trước khi phê duyệt, triển khai.

Tăng cường các hoạt động chuyển giao, trao đổi kỹ thuật và đào tạo chuyên gia giữa các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.

Định kỳ tổ chức các hội nghị khoa học để trao đổi kinh nghiệm, công bố các kết quả nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác...

b) Các lĩnh vực nghiên cứu:

Xác định các vấn đề ưu tiên cần nghiên cứu theo hướng phát triển cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu tác nghiệp, nghiên cứu đánh giá…

Tích cực đầu tư chuẩn bị cơ sở vật chất và tăng cường năng lực cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu về HIV/AIDS như dịch tễ học phân tử HIV; diễn biến tự nhiên của HIV/AIDS và hiệu quả của các thuốc điều trị, thử nghiệm vắc xin dự phòng HIV...

Xây dựng các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm quốc gia chuyên nghiên cứu về HIV/AIDS và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.

Khuyến khích việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc đông y trong điều trị, nâng cao thể trạng, kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV/AIDS.

Tổ chức việc nghiên cứu các mối quan hệ tác động qua lại giữa HIV/AIDS và sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

c)  Theo dõi, đánh giá chương trình:

Phát triển hệ thống theo dõi, đánh giá chương trình. Thành lập tại trung ương một bộ phận chuyên về theo dõi, đánh giá chương trình, lưu trữ và tổng hợp các số liệu đánh giá, hình thành các cơ sở dữ liệu cơ bản phục vụ cho các mục đích đánh giá dài hạn. Mỗi địa phương có cán bộ chuyên trách về theo dõi, đánh giá chương trình.

Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác theo dõi, đánh giá chương trình ở tất cả các cấp.

Tiến hành các đánh giá định kỳ sau 02 năm, sau 05 năm thực hiện chương trình.

Phối hợp với các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp của quốc tế cùng tham gia hoặc thực hiện các đánh giá độc lập để có số liệu khách quan khi đánh giá chương trình.

Quan tâm, đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hệ thống theo dõi đánh giá, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, thông tin trong việc quản lý, triển khai theo dõi và đánh giá chương trình.

Thúc đẩy quá trình trao đổi, chia sẻ các thông tin về nghiên cứu, đánh giá một cách rộng rãi. Có các quy định về việc triển khai các dự án đều phải dựa vào các chỉ số cơ bản để triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả của dự án.

Các nhóm chỉ số chính đánh giá chương trình:

Nhóm chỉ số về tỷ lệ nhiễm HIV qua giám sát huyết thanh học trên các nhóm quần thể dân chúng;

Nhóm chỉ số về chính sách bao gồm chỉ số nỗ lực chương trình HIV/AIDS và chỉ số chi tiêu cho chương trình HIV/AIDS;

Nhóm chỉ số đánh giá can thiệp bao gồm các chỉ số về dùng chung bơm kim tiêm và bao cao su;

Nhóm chỉ số về chăm sóc và tư vấn hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS;

Nhóm chỉ số về kiến thức, hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS;

Nhóm chỉ số tư vấn, xét nghiệm, tự nguyện;

Nhóm chỉ số dự phòng lây truyền mẹ - con;

Nhóm chỉ số chăm sóc, dự phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục;

Nhóm chỉ số về ảnh hưởng kinh tế - xã hội của HIV/AIDS.

C. Nhóm giải pháp về nguồn lực và hợp tác quốc tế.

1. Giải pháp về tổ chức, nhân lực, đào tạo

a) Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước trong phòng, chống HIV/AIDS:

Thống nhất hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành là thành viên của ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Gắn kết công tác phòng, chống HIV/AIDS với chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của từng Bộ, ngành thành viên.

Tăng cường đầu tư nguồn lực cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện chương trình, chú trọng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Tiếp tục chấn chỉnh việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuân thủ theo các quy định pháp luật. Tăng cường khả năng điều phối và thực hiện chương trình cho các cán bộ quản lý chương trình HIV/AIDS.

Nâng cao năng lực các cơ quan Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức chính trị, xã hội, lĩnh vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng cơ chế thích hợp tạo sự bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống HIV/AIDS các cấp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động xét nghiệm, vô trùng trong lĩnh vực y tế tư nhân.

b) Đào tạo cán bộ:

Có các chính sách nhằm huy động nhân lực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có đầy đủ hiểu biết, kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn để quản lý, giám sát, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS đủ kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trong giai đoạn đầu tập trung đào tạo cho tuyến trung ương và cấp tỉnh, nhất là đối với số cán bộ mới, làm cơ sở cho việc phân cấp đào tạo trong hệ thống.

Tuyển chọn, đào tạo đội ngũ chuyên gia và đội ngũ giáo viên giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà trường.

Tuyển chọn, đào tạo mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên, bao gồm cả những người nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Huy động việc sử dụng các cơ sở đào tạo hiện có của các ngành, nhất là hệ thống trường Y, huy động đội ngũ giảng viên của các trường đại học, cán bộ thuộc các ngành, đoàn thể có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, đào tạo về HIV/AIDS.

Đa dạng hoá các loại hình đào tạo cho phù hợp với từng đối tượng cán bộ. Kết hợp hình thức đào tạo tập trung với đào tạo tại chức; ngắn hạn và dài hạn; đào tạo thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo, qua hướng dẫn trực tiếp...

Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tài liệu, giáo trình đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, cập nhật kiến thức, phù hợp với từng loại đối tượng cán bộ.

Tổ chức đào tạo về ứng dụng các chương trình quản lý thông tin trên máy vi tính và trên mạng cho các cán bộ cấp trung ương và tỉnh, thành.

Định kỳ theo dõi và đánh giá hiệu quả đào tạo để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo cho phù hợp với sự phát triển của tình hình và yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

c) Đẩy mạnh việc phân cấp và quản lý chương trình:

Xây dựng các cơ chế phù hợp cho việc thúc đẩy các tổ chức, cộng đồng kể cả người nhiễm HIV tham gia quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS. Kế hoạch công tác phòng, chống HIV/AIDS hàng năm phải được xem xét, thông qua bởi Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp của địa phương để bảo đảm kế hoạch được thực hiện có hiệu quả.

Ngoài ngân sách của trung ương cấp, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ động bố trí ngân sách của địa phương đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Công khai hoá việc đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại mỗi địa phương.

2. Sản xuất trang thiết bị, thuốc điều trị, sinh phẩm cho phòng, chống HIV/AIDS

a) Khuyến khích việc nghiên cứu, sản xuất các loại trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.

b) Có các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng, chống HIV/AIDS, từng bước cung ứng đủ nhu cầu trong nước tiến tới xuất khẩu.

c) Xây dựng các chính sách hỗ trợ việc đầu tư, khuyến khích các sản phẩm phòng, chống HIV/AIDS do khu vực tư nhân sản xuất, như các chính sách về thuế, ưu đãi đầu tư, thương mại, trao đổi thông tin, khoa học công nghệ.

d) Tăng cường việc chuyển giao kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư.

đ) Có các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm nội địa, chính sách về trợ giá, ưu tiên trong việc xét chọn thầu các sản phẩm phòng, chống HIV/AIDS nội địa.

3. Giải pháp về đầu tư kinh phí

Tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, dụng cụ, tài liệu cho các hoạt động cần thiết của công tác phòng, chống HIV/AIDS; quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tất cả các nguồn kinh phí huy động được phục vụ cho chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS.

a) Tăng dần mức đầu tư và huy động ngày một nhiều hơn nguồn kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS, phấn đấu đạt mức tương ứng với mức đầu tư của các nước trong khu vực có tình hình kinh tế cũng như diễn biến dịch ở mức như Việt Nam. Theo tính toán, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của năm 2000, nếu tính mức tăng nhu cầu đầu tư mỗi năm vào khoảng 10 - 15% so với năm trước thì nhu cầu đầu tư ở mức cao cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cho đến năm 2010 sẽ vào khoảng 4.750 tỷ đồng và mức đầu tư trung bình sẽ vào khoảng 3.349 tỷ đồng.

b) Các khoản ngân sách trên sẽ được huy động từ các nguồn: kinh phí nhà nước bao gồm cả kinh phí của các địa phương đóng góp, kinh phí viện trợ và kinh phí huy động từ các nguồn khác. Nguồn kinh phí viện trợ dự kiến huy động đạt 50% trong tổng mức nhu cầu đầu tư.

c) Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí. Phân cấp về quản lý ngân sách đảm bảo tính chủ động của địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.

Bảng 3: Nhu cầu ngân sách phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010

                                                                                    Đơn vị: 1.000.000 đồng  

Năm

Đầu tư mức cao

Mức trung bình

2004

456.700

311.700

2005

516.200

356.200

2006

588.400

409.600

2007

670.800

471.000

2008

751.300

532.200

2009

841.400

601.400

2010

925.500

667.600

Tổng cộng

4.750.300

3.349.700

Ngân sách phòng, chống HIV/AIDS được tính theo dự báo số nhiễm HIV và khả năng tăng ngân sách của nhà nước đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

4. Hợp tác quốc tế

a) Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS:

Củng cố các mối quan hệ hợp tác đã có, đồng thời tìm kiếm các khả năng hợp tác mới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với các tổ chức Liên Hợp quốc, song phương, đa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trong khu vực châu á Thái Bình Dương và trong các nước ASEAN.

Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để cùng giải quyết các vấn đề cấp bách chung, nhất là các vấn đề liên quan đến sự lan truyền HIV/AIDS qua biên giới. Các vấn đề về di dân tự do giữa các nước trong khu vực.

Tăng cường việc phổ biến kiến thức cho các công nhân Việt Nam lao động ở nước ngoài, các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hình thức hợp tác song phương với các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các nước. Hạn chế và tiến tới nghiêm cấm việc người đi lao động nước ngoài phải làm xét nghiệm HIV.

Đẩy mạnh các hợp tác ở cấp độ tuyến tỉnh, thành phố, giữa các tỉnh, thành phố Việt Nam và các tỉnh, thành phố nước ngoài.

Cung cấp các thông tin đầy đủ, cập nhật, kịp thời cho các đại diện ngoại giao, các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm, mở rộng khả năng hợp tác.

b)  Tranh thủ huy động nguồn lực trong phòng, chống HIV/AIDS:

Tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính phủ lồng ghép các hoạt động kêu gọi vận động tài trợ trong các hội nghị, hội thảo quốc tế ở các lĩnh vực khác.

Xây dựng các chính sách ưu tiên trong việc xem xét, phê duyệt các đề án, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm việc thực hiện dự án được triển khai đúng tiến độ.

Xây dựng cơ chế chung cho việc điều phối, thực hiện các dự án viện trợ cho lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Thống nhất đầu mối quản lý các dự án viện trợ (Cục Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế). Tăng cường việc quản lý các dự án hợp tác song phương đặc biệt ở các địa phương và các tổ chức khác.

Phát huy tính chủ động quốc gia trong việc điều phối, quản lý, sử dụng các dự án viện trợ, đảm bảo các dự án phải theo đúng chương trình mục tiêu quốc gia, bám sát các chỉ tiêu và chương trình hành động quốc gia để hỗ trợ.

Ưu tiên cho các dự án hợp tác về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao các công nghệ hiện đại.

c) Tăng cường trách nhiệm của Việt Nam với chương trình phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu:

Tiếp tục cam kết và thực hiện mạnh mẽ các quy định, các tuyên bố mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết hoặc gia nhập như tuyên bố thượng đỉnh Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNGASS), các tuyên bố tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN...

Thiết lập trung tâm theo dõi các tư liệu quốc tế để cung cấp kịp thời và cập nhật cho các hội nghị, hội thảo về phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới.

Khuyến khích, ưu tiên cho việc tổ chức các khoá học, lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo quốc tế về HIV/AIDS ở Việt  Nam. Đăng cai tổ chức các hội nghị lớn để tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nâng cao năng lực quản lý, thiết kế, lập dự án và điều phối hợp tác quốc tế của Tổ chức phòng, chống HIV/AIDS quốc gia và năng lực thực hiện của tổ chức làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, các cấp để triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác đã có, phát triển các dự án hợp tác mới. Sử  dụng đạt hiệu quả tối ưu các nguồn viện trợ và sự giúp đỡ của quốc tế.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS; phối hợp với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý,  mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

2. Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

3. Chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

4. Chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình.

5. Chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS.

6. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

7. Chương trình quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

8. Chương trình an toàn truyền máu.

9. Chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trong giai đoạn 2004 - 2010, tập trung sức chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược tại các tỉnh, thành phố. Lấy xã, phường, thôn, bản là trọng điểm cho việc triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược.

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung và các chương trình hành động của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp, các địa phương chủ động đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao su dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; phối hợp với các Bộ, ngành là thành viên của ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và các cơ quan trung ương có liên quan tổ chức chỉ đạo, triển khai các nội dung của Chiến lược trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bộ Y tế chỉ đạo theo ngành dọc các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS các cấp. Các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược; theo dõi, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo cơ quan thông tin các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn toàn quốc. Tập trung đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đưa thông tin tiếp cận với các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai chương trình giáo dục kiến thức và huấn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS vào trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí và cấp kịp thời kinh phí cho các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch ngân sách được Quốc hội phân bổ hàng năm. Tích cực huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, chỉ đạo các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh các cấp đưa các thông tin về dự phòng, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS thành nội dung thường xuyên của chương trình phát sóng. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động đầu tư kinh phí cho việc xây dựng và phát sóng các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS.

8. Các Bộ, ngành là thành viên ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các cơ quan thuộc Chính phủ, có trách nhiệm chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo đặc thù của đơn vị mình; chủ động đầu tư ngân sách cho công tác này.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia triển khai thực hiện Chiến lược này trong phạm vi hoạt động của mình./.

THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT
-------------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom Happiness
--------------

No. 36/2004/QD-TTg

Hanoi, March 17, 2004

 

DECISION

APPROVING THE NATIONAL STRATEGY ON HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL IN VIETNAM TILL 2010 WITH A VISION TO 2020

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 30, 1989 Law on Protection of People' Health;
Pursuant to the May 31, 1995 Ordinance on HIV/AIDS Prevention and Control;
Pursuant to the Government's Decree No. 86/2002/ND-CP of November 5, 2002 defining the functions, tasks, powers and organizational structures of ministries and ministerial-level agencies;
At the proposal of the Minister of Health,

DECIDES:

Article 1.- To approve the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control till 2010 with a vision to 2020 (enclosed herewith), with the following principal contents:

1. Viewpoints:

a/ HIV/AIDS is a dangerous epidemic, threatening people's health and life and the future generations of the nation. HIV/AIDS directly affects the country's economic and cultural development, social order and safety. Therefore, HIV/AIDS prevention and control must be considered a pivotal, urgent and long-term task that requires multisectoral coordination and intensified mobilization of the participation of the whole society;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To fight stigma and discrimination against HIV/AIDS-infected people; to increase the responsibilities of families and the society towards HIV/AIDS-infected people and the responsibilities of HIV/AIDS-infected people towards their families and the society;

d/ Vietnam commits to implement international agreements on HIV/AIDS prevention and control, which it has signed or acceded to. To ensure that the system of national laws on HIV/AIDS prevention and control conform to the principles of international laws;

e/ To promote the multilateral and bilateral cooperation and expand relations of cooperation with neighboring countries, other countries in the region and in the world on HIV/AIDS prevention and control;

f/ The priority activities of HIV/AIDS prevention and control in the coming time shall be:

- Intensifying behavioral change information, education and communication and collaborating with other related programs to prevent and reduce HIV/AIDS transmission;

- Stepping up harm reduction intervention measures;

- Promoting counseling, care and treatment for HIV/AIDS-infected people;

- Strengthening the program management, monitoring, supervision and evaluation capabilities.

2. Objectives of the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control in Vietnam till 2010:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To control the HIV/AIDS prevalence rate among the general population to below 0.3% by 2010 and with no further increase after 2010; to reduce the adverse impacts of HIV/AIDS on social-economic development.

b/ Specific objectives:

- 100% of units and localities across the country shall incorporate HIV/AIDS prevention and control activities as one of priority objectives into their social-economic development programs;

- To raise people's knowledge about prevention of HIV/AIDS transmission; 100% of people living in urban areas and 80% of people living in rural and mountainous areas shall be able to correctly understand and identify ways of preventing HIV/AIDS transmission;

- To control HIV/AIDS transmission from high-risk groups to the community through implementing comprehensive harm reduction intervention measures: all people with behaviors at HIV/AIDS infection risk shall be covered by intervention measures; 100% of safe injections and condom use when having risky sex;

- To ensure appropriate care and treatment for HIV/AIDS-infected people: 90% of HIV/AIDS-infected adults, 100% of HIV/AIDS-infected pregnant mothers, 100% of HIV/AIDS-infected or -affected children shall be managed and provided with appropriate treatment, care and counseling, and 70% of AIDS patients shall be treated with specific drugs;

- To perfect the management, monitoring, surveillance and evaluation systems for the HIV/AIDS prevention and control program: 100% of the provinces and cities shall be able to self-evaluate and self- project the situation of development of HIV/AIDS infection in their localities; 100% of HIV testing shall be compliant with the regulations on voluntary testing and counseling;

- To prevent HIV/AIDS transmission through medical services: ensuring 100% of blood units and products at all levels shall be screened for HIV before transfusion; 100% of health centers shall strictly follow the regulations on sterilization, disinfection for HIV/AIDS transmission prevention;

3. Vision to 2020:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ In the 2010-2020 period, our State shall continue to strengthen its direction and investment for, and promote the multisectoral coordination in, the HIV/AIDS prevention and control in order to reduce the impacts of the HIV/AIDS epidemic on socio-economic development;

c/ In the 2010-2020 period, the HIV/AIDS prevention and control program shall have to focus on settling the consequences of HIV/AIDS. Specific preventive measures with the use of HIV/AIDS vaccines and treatment drugs shall be applied widely.

The priorities of the HIV/AIDS prevention and control for the 2010-2020 period shall be:

- Prevention with specific technical measures;

- Care and treatment of HIV/AIDS-infected people;

- Care of HIV/AIDS-affected people.

4. Main solutions:

a/ Group of social solutions:

- To enhance the leadership of the Party and the State over the HIV/AIDS prevention and control; incorporate the HIV/AIDS prevention and control into the objectives of the social-economic development strategies of branches and localities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To develop the HIV/AIDS prevention and control program into a multisectoral and comprehensive program, with special attention being paid to effectively integrating drugs and prostitution prevention and control programs into HIV/AIDS transmission prevention; mobilize all organizations and individuals to participate in HIV/AIDS prevention and control activities; encourage social, religious, charity, non-governmental organizations, enterprises, community groups, HIV/AIDS-infected people and their families to participate in HIV/AIDS prevention and control;

- To continue to perfect the legal framework, regimes and policies on HIV/AIDS prevention and control, which shall both respond to actual requirements and suit the national legal system's trend of integration into international laws on HIV/AIDS prevention and control. To intensify the dissemination and education of law provisions on HIV/AIDS prevention and control, and organize the examination, inspection and monitoring of the implementation of such law provisions;

- To accelerate behavioral change information, education and communication among high-risk behavior groups; increase the quantity, quality, relevance, and effectiveness of information, education and communication activities. To build up a contingent of HIV/AIDS propagators in close association with the contingent of collaborators being village health workers and officials of various branches and mass organizations in the communes or wards. To assign concrete responsibilities for carrying out behavioral change information, education and communication activities to each ministry, branch or locality; incorporate the contents of HIV/AIDS transmission prevention and reproductive health education into the training curricula of universities, colleges, intermediate professional schools, vocational training and general education schools;

- To promote advocacy on the harm reduction intervention programs in order to create a favorable environment for implementing intervention measures. To implement synchronously the harm reduction intervention programs, including clean syringes and needles and condom use programs. To learn from international experiences to formulate and implement models on clean syringes and needles, condom use and other intervention programs in Vietnam;

- To build a system of comprehensive care and support for HIV/AIDS-infected people; promote the setting up of community-based care centers for infected people; increase the awareness and responsibilities of HIV/AIDS-infected people towards themselves, their families and community in order to prevent HIV/AIDS transmission;

b/ Group of technical solutions:

- To strengthen the national HIV/AIDS surveillance system; build laboratories of national and international standards; expand the surveillance system step by step to the district level. To implement the (2nd generation) comprehensive surveillance system and step up the use of surveillance data in service of policymaking. To strengthen and improve the quality of HIV/AIDS voluntary counseling and testing activities;

- To strictly adhere to law provisions on safe blood transfusion and blood products; ensure 100% of the blood units be screened for HIV before being transfused; improve gradually the quality of HIV tests in screening blood; intensify advocacy and mobilization for, and sustain the development of humanitarian blood donation movements;

- To promote advocacy among people on ways of preventing HIV/AIDS transmission through medical and social services; provide equipment for sterilization and disinfection for medical establishments, especially at district and commune levels; guide and manage the prevention of HIV/AIDS transmission through medical services in all private medical establishments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To raise the awareness of people in reproductive age on the risk of HIV/AIDS transmission and the possibility of mother-to-child transmission of HIV/AIDS, organize the prophylactic treatment to prevent mother-to-child HIV/AIDS transmission and to provide good care and treatment for HIV/AIDS-infected and -affected children;

- To establish a sexually transmitted infections surveillance network; provide testing equipment; promote diagnosis and treatment of sexually transmitted infections; step up training of health workers, integrate HIV/AIDS prevention and control activities with sexually transmitted infections prevention and control;

- To intensify coordination among scientific agencies and research institutions under the uniform coordination of the HIV/AIDS prevention and control organization. To support scientific research institutions and agencies for conducting researches, provide budgetary capital for such researches; promote technical exchanges and transfers as well as expert training between research establishments inside and outside the country. To evaluate the HIV/AIDS prevention and control program after 2 years' and 5 years' implementation;

c/ Group of solutions to resources and international cooperation:

- To enhance the capability of full-time personnel engaged in HIV/AIDS prevention and control, step up the decentralization of the program management, build an appropriate mechanism to promote the participation of organizations, community as well as infected people in planning HIV/AIDS prevention and control activities. In addition to the allocations from the central budget, the People's Committees at different levels shall have to take the initiative in allocating their local budgets for HIV/AIDS prevention and control;

- To encourage and adopt policies to the research into, and production of, assorted equipment, biologicals and medicaments to prevent and control HIV/AIDS, promote technique and technology transfer and promote investment;

- To gradually increase investment amounts to ensure sufficient funding for HIV/AIDS prevention and control activities, promote the mobilization of support resources from other countries and international organizations as well as other funding sources inside and outside the country for the HIV/AIDS prevention and control program. To allocate and efficiently use resources;

- To expand international cooperation on HIV/AIDS prevention and control, consolidate the existing cooperative relations and at the same time seek new cooperation opportunities along the direction of multilateralizing and diversifying relations. To promote the national initiative in coordination, management and utilization of aid projects. To prioritize the cooperative projects involving capital support, technical support and modern technology transfer. To continue strongly committing and implementing all agreements and declarations which the Vietnamese state has signed or acceded to.

Article 2.- Action programs of the Strategy

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. HIV/AIDS Harm Reduction Intervention and Transmission Prevention Program.

3. Care and Support for HIV/AIDS-Infected People Program.

4. HIV/AIDS Surveillance and Monitoring and Evaluation Program.

5. Access to HIV/AIDS Treatment Program.

6. Prevention of Mother-to-Child HIV/AIDS Transmission Program.

7. Sexually Transmitted Infections Management and Treatment Program

8. Blood Transfusion Safety Program.

9. HIV/AIDS Prevention and Control Capacity and International Cooperation Enhancing Program.

Article 3.- Organization of implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Health shall be responsible for guiding the implementation of the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control from now till 2010 with a vision to 2020; coordinating with other ministries and branches being members of the National Committee for HIV/AIDS, Drug and Prostitution Prevention and Control and other concerned central agencies in directing and implementing the contents of the Strategy falling under the scope of their assigned tasks and powers.

The Ministry of Health shall direct HIV/AIDS prevention and control agencies at all levels within its service. The HIV/AIDS prevention and control agencies of the provinces or centrally-run cities shall have the responsibility to advise the presidents of the People's Committees of the same level in organizing the performance of specific tasks defined in the Strategy; to monitor and supervise such performance, organize periodical preliminary and final reviews and report on the performance results to the Ministry of Health for sum-up and reporting to the Prime Minister.

3. The Ministry of Culture and Information shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches, central agencies, the provincial/municipal People's Committees, and Vietnam Fatherland Front in, directing the mass media at all levels to step up the behavioral change information, education and communication to prevent HIV/AIDS transmission nationwide. To focus on providing information for people in deep-lying areas, remote areas and areas hit with exceptional difficulties as well as groups of people with high-risk behaviors.

4. The Ministry of Education and Training shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches, central agencies and provincial/municipal People's Committees in, organizing the integration of the program on education of the HIV/AIDS prevention and control knowledge and skills into the training curricula of universities, colleges, intermediate professional schools, vocational training and general education schools, suitable to their students;

5. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health, the Ministry of Finance and other concerned ministries and branches in, studying and formulating appropriate mechanisms and policies in service of HIV/AIDS prevention and control.

6. The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall be responsible for allocating and providing in time budgets for activities of the HIV/AIDS prevention and control program according to the National Assembly's annual plans on budget allocation. To actively mobilize domestic and foreign financial funding sources for HIV/AIDS prevention and control.

7. Vietnam Television, the Radio Voice of Vietnam and Vietnam News Agency shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other mass media agencies in, directing the local televisions and radio stations at all levels to broadcast information on HIV/AIDS prevention and care for HIV/AIDS-infected people as the regular content of their broadcasting programs. To develop HIV/AIDS thematic programs or columns and take the initiative in allocating funds for developing and broadcasting programs on HIV/AIDS prevention and control.

8. The ministries and branches being members of the National Committee for HIV/AIDS, Drug and Prostitution Prevention and Control, and the Government-attached agencies shall be responsible for actively working out and implementing their own HIV/AIDS prevention and control plans according to their assigned functions and tasks and their own characteristics; to take the initiative in allocating budgets for this work.

9. Vietnam Fatherland Front and socio-political organizations are requested to actively participate in implementing this Strategy within the scope of their respective operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 5.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Government-attached agencies and the presidents of the provincial/municipal People's Committees shall have to implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

NATIONAL STRATEGY

ON HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL IN VIETNAM TILL 2010 WITH A VISION TO 2020

(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 36/2004/QD-TTg of March 17, 2004)

Part I

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Over more than 20 years of HIV/AIDS prevention and control, the countries in the world have been facing an extremely dangerous epidemic. HIV/AIDS not only affects people's health but also undermines security, development and the human race. In the struggle of more than twenty years against the epidemic, though certain achievements have been recorded, it can be realized that generally and globally mankind has been unable to stop the speed of HIV/AIDS transmission. HIV/AIDS epidemic continues to spread and heavily devastate many areas in Africa and, at a lesser extent, Asia. In some African countries in the sub-Saharan region, over 50% of patients are hospitalized due to HIV/AIDS, while the average life expectancy in this region is only 40 years; socio-economic development is seriously affected in many countries. According to UNAIDS 2002 reports, in African countries, millions of pupils could not go to school due to HIV/AIDS, the number of school-goers in 2001 was 20% lower than in 1998. Vietnam's neighboring country, Cambodia, also has more than 12% of total hospitalized patients being infected with HIV/AIDS.

Since the detection of the first case of HIV infection in 1990, Vietnam has formulated and implemented the 1993-1996 and 1996-2000 medium-term plans for HIV/AIDS prevention and control and is now implementing the 2001-2005 HIV/AIDS prevention and control plan. Nevertheless, over the past 13 years of coping with the HIV/AIDS epidemic, we still lack an overall national strategy on HIV/AIDS prevention and control with the multisectoral participation while the 2001-2005 HIV/AIDS prevention and control plan, which is being implemented, has touched upon only general orientations without containing specific steps, solutions and action programs. Therefore, in order to effectively carry out HIV/AIDS prevention and control activities, control the spread of the epidemic and reduce the HIV/AIDS impacts on socio-economic development, the Government has assigned the Ministry of Health to formulate the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control in Vietnam till 2010 with a vision to 2020.

The National Strategy on HIV-AIDS Prevention and Control in Vietnam till 2010 with a vision to 2020 was formulated on the basis of multisectoral coordination with the active support of UN organizations, international organizations and individuals, that are supporting the HIV/AIDS prevention and control program in Vietnam. The contents of the Strategy were developed on the basis of the common declarations of the UN, the Declaration of Commitment on HIV/AIDS, made up at the 2001 United Nations General Assembly Special Session on HIV/AIDS (UNGASS), the Vietnamese Government's commitments to, and the Vietnamese State's line on, people's health protection and care and socio-economic development. The Strategy puts forth the orientations, priorities and solutions for HIV/AIDS prevention and control in the 2004-2010 period with a vision to 2020.

Part II

BASES FOR BUILDING THE STRATEGY

I. HIV/AIDS EPIDEMIOLOGY IN THE WORLD

1. The HIV/AIDS situation in the world

By the end of 2003, according to UNAIDS and WHO reports, there had been around 46 million people living with HIV/AIDS, 5.8 million people newly infected in the year and 3.5 million deaths from AIDS in the year. In many developing countries, most of the newly infected cases were young people. Approximately one third of the total number of people living with HIV/AIDS are in the age of between 15 and 24 years, and most of them are not aware of the fact that they are carrying HIV. Millions of people do not know or know very little about HIV/AIDS in order to protect themselves against this epidemic. According to UNAIDS and WHO reports, the sub-Saharan region has the highest HIV prevalence rate, followed by the Asia-Pacific region.

Table 1: Distribution of HIV/AIDS-infected cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2003

Total number of newly infected cases in 2003

Total

Adults

Under-15 children

5.8 million

4.8 million

700,000

Cumulative number of HIV/AIDS-infected cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Adults

Under-15 children

46 million

43 million

2.9 million

According to UNAIDS and WHO reports, there are 14,000 new HIV infections each day (2,000 children and 12,000 adults) and 95% of these cases occurring in developing countries. There have been over 14 million children becoming orphaned by AIDS so far. In some countries like Nigeria, the number of children becoming orphaned by AIDS has increased to 995,000, Ethiopia 989,000 and Kenya 892,000. Most of these orphans do not go to school, and according to statistics in South Africa, the number of children going to school in 2001 was 20% lower than that of 1998.

According to UNAIDS and WHO reports, in most regions in the world the HIV/AIDS epidemic started in the late 1970s and early 1980s. In South and Southeast Asia and Pacific-East Asia, the HIV/AIDS epidemic emerged later in the late 1980s; in East Europe and Central Asia the epidemic was only detected in the early 1990s.

In the world, the sub-Saharan region has the highest HIV/AIDS prevalence rate with 8.4% of adult people being infected, followed by the Caribbean region, Southeast Asia, and North America. The major transmission pattern in the regions is through heterosexual intercourse, drug injection, and in some regions through men who have sex with men. According to UNAIDS reports, in most regions there are more men who are infected than women; particularly in the sub-Saharan region, women account for a higher percentage and the major transmission pattern is through heterosexual relation.

2. The situation of HIV/AIDS epidemic in the Asia-Pacific region

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In China, UNAIDS and WHO estimated that there were around 1.5 million HIV-infected people, of whom 850,000 are adults and 220,000 are women. The HIV prevalence rate among young people aged between 15 and 24 years was estimated at about 0.20%. In the first six months of 2001, the total number of newly infected HIV cases increased by 67.4% compared with the same period of 2000. The major HIV transmission way in China was through drug injection. In 2000, seven provinces in China faced rampant spread of the HIV epidemic, with over 70% of injecting drug users were tested HIV positive in such areas as Yili district in Xinjiang and Ruili district in Yunnan. There were also signs of HIV transmission through sexual intercourse in three provinces of Yunnan, Guangxi and Guangdong. In 2000, the rate of HIV transmission through having sex with female sex workers in Yunnan was 4.6% (this rate was 1.6% in 1999), and in Guangxi was 10.7% (an increase of over 6% over 1999).

India was considered the country which has the most HIV-infected cases in the region. According to UNAIDS and WHO estimates, by the end of 2001, there had been about 3.97 million people contracted with HIV in India.

In Indonesia, HIV is spreading rapidly among injecting drug users and female sex workers, and blood donors. The results of surveillance in Indonesia indicated that in 2000, 40% of injecting drug users being in treatment in Jakarta were HIV infected. In Bogor, a province of East Java, 25% of injecting drug users were HIV-infected.

In Thailand, it was estimated that around 670,000 people infected with HIV. Thailand has implemented a condom program very early and recent reports indicated that the HIV prevalence rate in Thailand has not increased compared with previous years and even tended to fall in some population groups.

Causes: There are causes for the spread of HIV/AIDS in this region, such as poverty, low intellectual level, unplanned migration, and the increase of social evils which lead to HIV/AIDS growth. The use of condoms for prevention of HIV transmission through sexual relations has been encouraged but was implemented in a few countries. In the region, sharing drug-injecting devices is one of the behaviors at prominent risk of HIV transmission. To prevent HIV infection through drug injection, a number of intervention programs have been carried out, and the most successful one was the Australian harm reduction program consisting of many syringes and needles exchange projects or Methadone program. A recent report in Australia indicated that the HIV prevalence rate tends to decrease and it is believed that beside the intervention programs mentioned above, it is likely that the use of anti-retroviral drugs has helped reduce HIV/AIDS cases in this country. Except for Australia and New Zealand where access to specific treatment drugs is rather easy, in many other countries, this access is difficult, mostly due to a lack of resources.

II. HIV/AIDS EPIDEMIOLOGY IN VIETNAM

The first HIV infection case in Vietnam was found in December 1990 and by 31 December 2003, 76,180 HIV-infected people had been reported across the country, of whom 11.659 were full-blown AIDS patients and 6,550 died of AIDS. According to a popular estimation method in which the estimate number was calculated by multiplying the actually detected cases by 3, in 2003 it was estimated that the HIV/AIDS prevalence rate in Vietnam was 0.23% of the total population. A number of provinces have a especially high HIV/ADS prevalence rate in terms of number of HIV/AIDS cases per 100.000 people, such as Quang Ninh: 580.47/100,000 people; Hai Phong: 338.67/100,000 people; Ho Chi Minh City: 249.72/100,000 people; Ba Ria - Vung Tau: 235.99/100,000 people; An Giang: 184.36/100,000 people, Hanoi: 181.38/100,000 people'

The HIV/AIDS epidemic in Vietnam has some characteristics as follows:

1. The HIV/AIDS epidemic tends to grow:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- 1990-1993: The epidemic concentrated in a few provinces, with the reported number of HIV-infected cases of under 1,500 each year.

- 1994-1998: The epidemic spread nationwide, with the reported number of HIV-infected cases of under 5,000 each year.

- 1999 - 2002: The epidemic tends to expand to communes and wards, with the reported number of HIV-infected cases of over 10, 000 each year.

The HIV sentinel surveillance indicated that the HIV prevalence rate tends to rise in high-risk groups and there were signals of increase among the groups who are considered non high-risk. The HIV/AIDS epidemic in Vietnam is closely related to drug injection and prostitution.

2. The main HIV transmission pattern is through drug injection

- The majority of HIV-infected cases are among injecting-drug users (accounting for 60%).

- The HIV prevalence rate among injecting-drug users increased from 9.4% in 1996 to 29.34% in 2002. In some localities this rate increased by over 50% (of every 100 injecting drug users, between 30 and 50 are HIV infected.

- The rate of HIV transmission through drug injection in northern and central provinces was higher than in the southern region.

- The risk of HIV transmission through drug injection is very high due to increased drug injection, especially among young people; sharing syringes and needles is still popular (more than 40% in Ho Chi Minh city); HIV-infected people continue to use drug injection and share syringes and needles with their injecting friends (more than 50%); the rate of female sex workers having drug injection remains fairly high (behavioral surveys indicated that that more than 40% of female sex workers in Hanoi have drug injection). Therefore, the prevention of HIV transmission among injecting-drug users is of particularly important significance for the control of HIV spread in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The rate of HIV-infected people aged between 20 and 29 years increased from 15% in 1993 to 62% by the end of 2002.

- The number of HIV-infected people aged between 15 and 49 years accounts for 95% of total infected cases.

- The number of HIV-infected teenagers (aged between 10 and 19 years) accounts for 8.3% of total infected cases.

4. HIV infection through sexual relation is increasing and fluctuating

- The HIV prevalence rate among female sex workers has been increasing every year, from 0.06% in 1994 to 6% in 2002.

- The HIV prevalence rate among sexually transmitted disease patients is also on the rise year after year to 2.9% in 2001.

- The risk of HIV transmission through sexual relation continues to increase and the possibility of HIV spread to the community is very great because of increased drug injection among female sex workers; injecting-drug users and HIV-infected people's continuing to have sex with female sex workers, and the low rate of condom use when having sex with female sex workers. On the other hand, recent surveys showed very low rates of condom use among young people, which warns the risk of HIV transmission in the young group.

5. The HIV/AIDS epidemic has showed signs of spreading to the community

The rate of transmission of the epidemic from high-risk groups to the community was seen in the HIV/AIDS prevalence rate among pregnant women and military candidates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The HIV prevalence rate among pregnant women was 0.34% in 2002.

- 373 under-5 children infected with HIV from their mothers were reported.

6. HIV/AIDS infection in Vietnam has expanded to different population groups, to all localities, and seen complicated developments

HIV/AIDS infection in Vietnam has no longer been restricted to high-risk groups but now spread to peasants, pupils, students, army conscripts, even among State employees. All 64 provinces and cities in the country have HIV/AIDS-infected people, HIV-infected cases were detected in 93% of districts and 49% of communes and wards. In many provinces and cities, as much as 100% of communes and wards have HIV/AIDS-infected people.

Though no adequate survey is available, it was estimated that about 20-50% of people detained in 05-06 rehabilitation centers were infected with HIV, of which many cases have become full-blown AIDS and many died from AIDS.

III. ESTIMATION AND PROJECTION OF HIV/AIDS INFECTION IN VIETNAM IN THE 2004-2010 PERIOD

According to the results of a forecast conducted in 2001 (jointly by the Ministry of Health and the World Health Organization and the United Nations Program on HIV/AIDS) using EPIMODEL, it was forecast that by 2005 there will be about 197,500 HIV-infected cases, with an annual average of some 12,000 - 18,000 new infected cases. By 2010 it was also forecast that there will be 350,970 HIV-infected cases, with an annual average of some 20,000 - 30,000 new infected cases.

Table 2: Cumulative number of HIV/AIDS-infected cases and deaths from AIDS in the 2003-2010 period:

Year

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

HIV

165,444

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



197,500

207,375

256,185

284,277

315,568

350,970

AIDS

30,755

39,340

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



59,400

70,941

83,516

97,175

112,227

Deaths

27,135

35,047

44,102

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



65,171

77,228

90,346

104,701

IV. ACHIEVEMENTS OF THE HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL IN THE 1990-2002 PERIOD

1. Regarding management and direction of HIV/AIDS prevention and control

a/ Regarding organization:

- In 1987, the Sub-Committee for AIDS Prevention and Control was set up under the Committee for Prevention and Control of Communicable Diseases, and directed by the National Institute for Hygiene and Epidemiology.

- In 1990, the Vietnam National Committee for AIDS Prevention and Control was set up, with the Hygiene and Epidemiology Department of the Ministry of Health acting as its standing body.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- In 2000, the Government set up the National Committee for AIDS, Drugs and Prostitution Prevention and Control, chaired by a Deputy Prime Minister. The National Committee involved 18 cabinet ministries and a number of branches, socio-political organizations and central agencies. The Standing Office for AIDS prevention and control was based at the Ministry of Health, on the basis of the former Office of the National Committee for AIDS Prevention and Control.

- In 2003, the Standing Office for AIDS Prevention and Control was merged with the Preventive Medicine Department into the Preventive Medicine and HIV/AIDS Prevention and Control Administration under the Ministry of Health.

- Most of localities have established the steering committees for AIDS, drugs and prostitution prevention and control after the model adopted at the central level,

b/ Regarding direction:

- On 11 March 1995, the Party's Central Committee issued a Directive on leading the work of HIV/AIDS prevention and control.

- In May 1995, the Standing Committee of the IXth National Assembly adopted the Ordinance on HIV/AIDS Prevention and Control, serving as a legal basis for HIV/AIDS prevention and control activities.

- More than 29 legal documents on management and direction have been promulgated by the Government and central agencies;.

- On February 24, 2003, the Prime Minister promulgated Directive No. 02/2003/CT-TTg on enhancing HIV/AIDS prevention and control.

- The National Assembly has paid special attention to HIV/AIDS prevention and control: The National Assembly Standing Committee heard HIV/AIDS reports; the National Assemblys Committee for Social Affairs organized series of meetings at the central and regional levels, discussing the policies on HIV/AIDS prevention and control and the strengthening of the National Assembly's function of supervising HIV/AIDS prevention and control in the past years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Information, education and communication

Communication activities have been carried out fairly well in the past years with the participation of most of branches, mass organizations, socio-political organizations and masses. Communication activities have been carried out efficiently with diverse forms and rich contents, and therefore have improved people's HIV/AIDS prevention and control knowledge and skills.

According to the survey results, the rate of urban people who have knowledge about HIV/AIDS is as high as over 65%. In 2002, HIV/AIDS prevention and control information and communication reached 28.7 million people.

3. Coordination of ministries, branches and mass organizations in HIV/AIDS prevention and control

Over the past time, the Ministry of Public Security, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Ministry of Health (which are three standing agencies for drugs, prostitution and HIV/AIDS prevention and control), together with many ministries, branches and localities, have made great efforts in fulfilling their tasks assigned by the Government. Nevertheless, the effectiveness of this coordination has been limited in some aspects, for example, there is no solution for activities to reduce harms among the drug-using group, to increase condom use among sex workers to prevent HIV/AIDS transmission.

Ministries, branches and mass organizations have actively participated in HIV/AIDS prevention and control information, communication and education activities. These activities have been gone deep into each target group of each branch. Some typical activities included: the model "Ward policemen to participate in HIV/AIDS prevention and control", which has been formulated and implemented by the Ministry of Public Security; the club of "Reporters on population, AIDS and social issues", set up by the Ministry of Culture and Information; Vietnam Labor Confederation's focus on HIV/AIDS prevention and control in enterprises; Vietnam Peasants' Association's integration of HIV/AIDS prevention and control activities in such movements as "Peasants to emulate in doing good production and business, unite and help one another in hunger elimination, poverty reduction and enriching themselves" or "Peasants to implement socio-cultural, security and defense programs"; the Vietnam Women's Union Central Committee's concentrated direction of HIV/AIDS prevention and control for rural women and mountainous ethnic minority women'

The community mobilization work has seen positive results. Many social, religious and community organizations have been mobilized to participate in HIV/AIDS prevention and control, especially in providing care and support for HIV/AIDS-infected people.

4. Technical activities

a/ HIV/AIDS surveillance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



HIV/AIDS statistics is updated on a weekly and monthly basis; the Ministry of Health has regularly sent reports on the epidemic's situation to all members of the National Committee for AIDS, Drugs and Prostitution Prevention and Control, and other concerned agencies. According to the evaluations of international organizations, Vietnam's HIV/AIDS surveillance system is among the best in the region.

b/ Blood transfusion safety:

The percentage of blood units which are screened before transfusion has increased every year, from 2000 till now, 100% of blood units and blood products have been screened.

The mobilization of humanitarian blood donation has received due attention and been stepped up, with many humanitarian blood donation campaigns having been held in all localities. In 2002 alone, the blood transfusion system organized 539 humanitarian blood donation drives, thereby increasing the percentage of donated blood to 30.4% of total collected blood volume. Ensuring safe blood transfusion is a very great effort of the medical system, gaining the people's confidence and contributing to maintaining the social stability.

c/ Treatment of AIDS patients:

Three centers for treatment of AIDS patients were set up early in the northern, central and southern regions, which are responsible for guiding and directing the treatment for the provinces in each region. Up to now, most of provinces have their own departments or faculties ready to receive and treat AIDS patients.

The number of HIV/AIDS-infected people going to medical establishments for medical examination and treatment is on the rise. In the 1996-2000 period, there were 13,847 HIV/AIDS-infected people going to State-run medical establishments for examination. This number increased to 16,354 in 2002 (up by 18.1%, compared with five years before).

By the end of 2003, there had been 389 health workers who were exposed to HIV/AIDS due to occupational accidents or risks, 75% of whom had received preventive treatment and 25% were treated on-spot and provided counseling.

d/ Prevention of mother-to-child HIV transmission:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The system of counseling, testing and treatment to prevent mother-to-child HIV transmission has been formed and operated. The number of pregnant women who are provided with counseling, testing and preventive treatment has also been increasing year after year, accounting for 100% at big obstetric hospitals such as the Central Obstetric Hospital, Hung Vuong Hospital and Tu Du Hospital.

In 2002, 44.2% of HIV-infected pregnant women were provided with preventive treatment, and this rate increased in 2003.

e/ Sexually transmitted infections prevention and control:

Sexually transmitted infections prevention and control is one of the central objectives of the HIV/AIDS prevention and control program. WHO recommended that sexually transmitted infections may increase ten folds the possibility of HIV infection or even higher for a number of diseases. Each year, the State-run health system has provided medical examination and treatment for over 150,000 cases of sexually transmitted infections, and 171,975 cases in 2002 alone. The sexually transmitted infections surveillance system started its operation in 2003.

f/ Community-based management of, care and counseling for, HIV/AIDS infected people:

Seventy three per cent of HIV/AIDS-infected people with clear addresses have been managed, cared for and give advice. The care and counseling forms are diverse and regular, with regular counseling (46%), compilation of health records (53%), material and spiritual support, introduction to job training and jobs for HIV-infected people.

5. International cooperation

International cooperation plays a specially important role in the HIV/AIDS prevention and control program. Over the past time, we have made full use of international supports in many aspects. Vietnam-based international organizations as well as foreign governments have provided great supports for the HIV/AIDS prevention and control program in Vietnam; and the external financial sources for Vietnam have been increasing. Besides providing financial supports, the sharing of experiences and lessons and the raising of the capabilities of staff engaged in HIV/AIDS prevention and control are also extremely valuable. Many HIV/AIDS prevention and control models supported by international organizations have obtained encouraging results.

Vietnam has signed many important international documents and conventions related to HIV/AIDS such as the Millenium Declaration signed by 189 heads of state in September 2000, in which HIV/AIDS prevention and control was regarded as one of the millenium development goals. Vietnam has also made the commitments in the Declaration on Commitment on HIV/AIDS in the Special Session of the United Nations General Assembly on HIV/AIDS in June 2001 (UNGASS), we have sent country reports on the implementation of its HIV/AIDS commitments to the UN Secretary-General. Vietnam has cooperated closely with neighboring countries and regional countries on HIV/AIDS prevention and control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The State has paid attention to investment in the HIV/AIDS prevention and control program from the funding source of the national target program on prevention and control of a number of social diseases, dangerous epidemics and HIV/AIDS.

- In 1990-1993: VND 11.1 billion for 4 years,

- In 1994: VND 40 billion,

- In 1995-1999: VND 45-55 billion per year,

- In 2000-2003: VND 60 billion pear year.

This funding source was allocated for more than 15 different operation contents to many ministries, branches and all localities. Beside the State budget allocations, a number of localities have provided supplementary local budget allocations to this program, such as Ho Chi Minh city, Hanoi, Hai Phong' Nevertheless, many localities have not yet made any contributions to the HIV/AIDS prevention and control program in their localities.

International organizations and foreign governments have provided considerable supports for HIV/AIDS prevention and control activities. With the aid of US$ 3.6 million of the Japanese Government, 10 southern provinces and cities have been supplied with basically adequate equipment. The British Government provided a non-refundable aid of US$ 25 million in the 2003-2007 period. The governments of Germany, Australia, the US, Luxembourg, etc, have supplied many financial supports for HIV/AIDS prevention and control activities in the past and the coming time. The UN organizations and non-governmental organizations have provided capital and technical supports for the HIV/AIDS prevention and control program. These aid sources have been used rather efficiently and played an important part in the HIV/AIDS prevention and control in Vietnam.

In the past years, though the budgetary allocations for HIV/AIDS prevention and control remain limited, failing to satisfy the least demand, with the Government's efforts and the active participation by the entire society, we have managed to check the rate of HIV/AIDS transmission in Vietnam, otherwise the panorama of the HIV/AIDS epidemic in Vietnam must have been much gloomier as compared with the previous forecasts.

V. DIFFICULTIES AND CHALLENGES IN THE HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



With the attention from the Party, National Assembly and Government, combined with the great efforts made by branches, levels, mass organizations and localities, HIV/AIDS prevention and control activities have been fully carried out in all aspects: information, propaganda on prevention and control of HIV transmission through drug injection and prostitution; and through technical activities such as epidemiological surveillance, blood transfusion safety, treatment, prevention of mother-to-child HIV transmission, we have:

a/ Raised the awareness of the public about HIV transmission prevention, ensured the fulfillment of the law-prescribed targets on HIV/AIDS prevention and control such as blood transfusion safety, HIV/AIDS surveillance, thereby contributing to the national socio-economic stability and development.

b/ Ensured the national and international commitments in the field of HIV/AIDS prevention and control.

HIV/AIDS epidemic, however, still poses a very serious danger at the growing risk. Therefore, it is necessary to implement more comprehensive and resolute solutions for HIV/AIDS prevention and control as well as drug and prostitution prevention and control.

2. Objectively

a/ The biological nature of HIV infection is that it is caused by a virus but has very special bio-pathological characteristics. These include a variety of transmission routes (blood, sexual relation, and from mother to child), a long incubation period of up to 15 years, the virus's ability to avoid immunity and the virus' great variability; the unavailability of preventive vaccine and specific treatment drugs, which has made HIV/AIDS prevention and control more difficult.

b/ According to epidemiological studies, the most popular HIV transmission pattern in Vietnam is through drug injection (30.4% in 2001 and 29.34% in 2002), the rate of female sex workers injecting drugs is fairly high (40% of female sex workers injecting drug, according to the result of a survey in Hanoi), while the rate of condom use in sexual relations by high-risk groups is relatively low. These constitute the direct and major causes of the spread of HIV/AIDS in Vietnam now.

c/ Vietnam is situated in Southeast Asia, a region that is severely influenced by the movement of the HIV/AIDS epidemic. The nature of population movement and the more and more complicated migration situation have created risks for HIV/AIDS to spread in the localities, from the urban to rural areas and from one locality to another in the same country, and to spread cross national borders.

d/ The negative impacts of a market economy, including the widening gap between the rich and the poor, unemployment, the people's low literacy leading to a very limited understanding of HIV/AIDS (recent surveys have shown that the rate of illiterate female sex workers is fairly high), changing moral values and lifestyles, especially in love, sex and marriage are also the factors contributing to the spread of HIV/AIDS, and creating many difficulties to HIV/AIDS prevention and control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Management and direction of HIV/AIDS prevention and control

- In some localities, the administrations at different levels has not yet paid due attention to the direction of HIV/AIDS prevention and control; not a small section of leading officials at the grassroots levels and a portion of the population have an inadequate understanding of HIV/AIDS prevention and control.

- The system of legal documents on HIV/AIDS prevention and control, though fairly sufficient as assessed, still has some provisions slow to be amended and supplemented, resulting in the reduced effectiveness of their enforcement.

- The HIV/AIDS epidemic is closely associated with social evils, particularly drugs and prostitution, thus increasing stigma and discrimination against HIV/AIDS-infected people and thereby greatly hampering the HIV/AIDS prevention and the care for HIV/AIDS-infected people.

- The outreach harm reduction intervention measures have not been implemented on a large scale, such as exchange of clean syringes and needles among injecting drug users, or condom use by female sex workers.

- The organizational apparatuses of HIV/AIDS prevention and control still lack personnel who satisfy professional requirements. Most of the current staff engaged in HIV/AIDS prevention and control are part-timers, and the specialized management apparatuses are not yet available.

b/ Information, education and communication

- Information could not cover all the deep-lying and remote areas, and could not reach all the high-risk groups as well.

- Communication activities remain formalistic and repetitive, so their effect of changing behaviors and eliminating stigma and discrimination is still very limited.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Technical activities:

- HIV/AIDS surveillance:

+ The testing capability is at a low level, could not diagnose whether or not infants are infected with HIV.

+ Voluntary counseling and testing is not systematically organized, due to the absence of specific regulations and guidance, the effectiveness is not high.

+ Surveillance is inactive while in-depth surveillance researches have not yet been promoted, the effectiveness of the HIV/AIDS prevention and control program has not yet been accurately evaluated.

+ Production of medical biologicals and machinery has not yet received adequate investment; the testing of HIV/AIDS in the private health system needs to be reviewed and regulated in the ordinance.

- Blood transfusion safety:

+ Techniques used for screening infectious diseases are still at a low level, and at present, about 80% of blood transfusion establishments nationwide can only handle simple screening techniques. There are no conditions for the application of modern blood transfusion methods such as separating blood constituents for partial transfusion to reduce the risk of HIV transmission.

+ Humanitarian blood donation movements have been stepped up only in a number of big provinces and cities, while the mobilization of humanitarian blood donations remains very weak in other localities. There is also no blood bank, insufficient blood for treatment, and no reserve blood for emergency cases when disasters occur.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ HIV/AIDS treatment has become an urgent issue at present due to difficulties in the supply of treatment medicines and in the application of treatment regimens, and the demand for treatment is very high while the capacity of supply is very limited. With a limited budget, the national AIDS prevention and control program provides annually about VND 4 billion, just enough for purchasing HIV specific treatment drugs for about 50 AIDS patients and for health workers who have been exposed to HIV/AIDS in occupational accidents or risks and for providing treatment of opportunistic infections for a number of patients. Though there are currently a number of Vietnamese companies that can produce HIV/AIDS specific treatment drugs, the treatment costs are still high.

+ The regimes and policies for health workers directly involved in providing care and treatment for HIV/AIDS patients still see many inadequacies.

+ Most of AIDS patients are poor people, some of whom are supportless. Therefore, when they become sick and are hospitalized, the hospitals become their treatment and accommodation places which also have to bury AIDS patients when they die. AIDS patients truly become a burden for the hospitals.

- Prevention of mother-to-child transmission:

+ Education on HIV/AIDS prevention and control for young teenagers has shown many limitations and the contents of the HIV/AIDS prevention and control program have not yet been integrated with the reproductive health care programs.

+ The situation of abandoned HIV/AIDS-infected children has become an alarming issue. A number of these children were taken care of by hospitals, while most of them were sent into orphanages. It is necessary to formulate appropriate policies on the bringing up and care of children who are unfortunately affected by HIV/AIDS and to create favorable conditions for their learning, playing and development.

- Prevention and control of sexually transmitted infections:

+ The sexually transmitted infections surveillance system has just been deployed in 2003; therefore, the epidemiological data remain insufficient.

+ Programs on integrating HIV/AIDS prevention with sexually transmitted infections prevention have been implemented but only restricted to a number of big provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The attitudes of the society, community, workplaces and families towards HIV/AIDS-infected people remain negatively obsessive, while most of HIV-infected people are associated with drug injection or prostitution, which make their community re-integration very difficult. The proportion of HIV/AIDS-infected people who are accepted by the community is only about 30%, and only 2% of them could participate into peer clubs or friends-help-friends groups.

+ In the management of, care and support for, HIV-infected people in Rehabilitation Centers 05 and 06, prisons and temporary detention camps and reformaries, there have arisen many specific issues that need examination giving the fact that the number of HIV-infected people in these places is quite high.

+ Because most of HIV-infected people in Vietnam are poor, combined with their diffidence and the discriminatory attitude, these people become self-contained, elusive and even prone to have negative responses.

+ Social supports for HIV/AIDS-infected people in the community such as combat of stigma and discrimination, creation of jobs... have not yet received adequate attention from the Party committees and administrations at all levels, branches and mass organizations.

d/ International cooperation:

Although there has been close cooperation with the international community in HIV/AIDS prevention and control, but because of inactive use of resources, most of international cooperation activities are fragmented, inefficient, and could not live up to our requirements as well as the expectations of the international community.

e/ Finance:

- Because the financial resources have to cover many activities and ensure different law-prescribed targets such as blood transfusion, surveillance, and HIV/AIDS prevention and control at the commune or ward level, the budget allocations were scattered and fragmented, leading to many inadequacies and inefficiency in HIV/AIDS prevention and control activities.

- The budget is below the demand: according to estimates, in 2002, the budget was VND 92 billion, including State budget allocations, local administrations' additional budgets and foreign aid sources. This budget is not sufficient for HIV/AIDS prevention and control activities in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GUIDING VIEWPOINTS ON HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL

1. HIV/AIDS is a dangerous epidemic, threatening people's health and life and the future generations of the nation. HIV/AIDS directly affects the country's economic development, culture, social order and safety. Therefore, HIV/AIDS prevention and control must be considered a central, urgent and long-term task that requires the multisectoral coordination and the strong mobilization of the participation of the whole society;

2. Investment in HIV/AIDS prevention and control means investment contributing to generating a sustainable development of the country, which would bring about both direct and indirect economic and social benefits. The State ensures the mobilization of all resources for HIV/AIDS prevention and control from now to 2010 and after 2010 suitable to the country's social-economic development ability and conditions in each period.

3. To combat stigma and discrimination against HIV/AIDS-infected people; to increase the responsibilities of family and community towards HIV/AIDS-infected people and the responsibilities of HIV/AIDS-infected people towards their families and the society;

4. Vietnam commits to implement international agreements on HIV/AIDS prevention and control, which it has signed or acceded to. To ensure that the system of national laws on HIV/AIDS prevention and control conform to the principles of international laws;

5. To promote the multilateral and bilateral cooperation and expand relations of cooperation with neighboring countries, other countries in the region and in the world on HIV/AIDS prevention and control;

6. The priority activities of HIV/AIDS prevention and control in the coming time shall be:

- Intensifying behavioral change information, education and communication and collaborating with other related programs to prevent and reduce HIV/AIDS transmission;

- Stepping up harm reduction intervention approaches;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Strengthening the program management, monitoring, supervision and evaluation capacities.

Part IV

VISION TO 2020

1. During the period of 2010-2020, HIV/AIDS will still remain, though with a slower speed of development, and will continue to affect the socio-economic development as well as the health of the community. Therefore, it is necessary to continue steeping up HIV/AIDS prevention and control activities to consolidate and firmly preserve the obtained achievements. In this period, the State will continue enhancing the management and direction of, and investment in, HIV/AIDS prevention and control. To step up the combat of discrimination, continue to materialize national and international commitments in the HIV/AIDS prevention and control. Multisectoral coordination in HIV/AIDS prevention and control should be intensified and maintained.

2. Impacts of HIV/AIDS on socio-economic development and community's health will largely depend on the efficiency of the implementation of HIV/AIDS prevention and control activities during the 2004-2010 period. In the current period, HIV/AIDS remains at the concentration stage (mostly in high-risk groups such as injecting drug users and female sex workers). Therefore, to prevent the transmission of HIV/AIDS from the high-risk groups to the community is of uppermost importance, helping basically control the speed of HIV/AIDS spread to the community in the subsequent periods. The lowered speed of HIV/AIDS spread and better care and support for infected people will reduce the impacts of HIV/AIDS on socio-economic development.

3. In the 2010-2020 period, the HIV/AIDS prevention and control program shall have to focus on solving the consequences caused by HIV/AIDS. Preventive vaccine and medicines for treatment of HIV/AIDS might be applied widely. Therefore, in this period, technical prevention and multisectoral coordination on care, treatment and settlement of the consequences of HIV/AIDS will be effected. The HIV/AIDS prevention and control priorities in the 2010-2020 period will include:

- Prevention with specific-technical measures;

- Care and treatment for HIV/AIDS-infected people;

- Care for HIV/AIDS affected people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The program on care and treatment for HIV/AIDS-infected people

+ The program on prevention and reduction of HIV/AIDS socio-economic Impacts.

PART V

NATIONAL STRATEGY ON HIV/AIDS PREVENTION AND CONTROL TILL 2010

I. OBJECTIVES

1. Overall objective

To control the HIV prevalence rate among general population to below 0.3% by 2010 with no further increase after 2010; reduce the adverse impacts of HIV/AIDS on social-economic development.

2. Specific objectives

a/ 100% of units and localities across the country shall incorporate HIV/AIDS prevention and control activities as one of priority objectives into their social-economic development programs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To control HIV/AIDS transmission from high-risk groups to the population through implementing comprehensive harm reduction intervention measures: all people with behaviors at HIV/AIDS infection risk shall be covered by intervention measures; 100% of safe injection and condom use when having risky sexual relations;

d/ To ensure the provision of care and appropriate treatment for HIV/AIDS-infected people: 90% of HIV/AIDS-infected adults, 100% of HIV/AIDS-infected pregnant mothers, 100% of HIV/AIDS-infected or -affected children shall be managed and provided with appropriate treatment, care and counseling, and 70% of AIDS patients shall be treated with specific drugs;

e/ To perfect the management, monitoring, surveillance and evaluation systems for the HIV/AIDS prevention and control program: 100% of provinces and cities shall be able to self-evaluate and self- project the situation of development of HIV/AIDS infection in their localities; 100% of HIV testings shall be compliant with the regulations on voluntary testing and counseling;

f/ To prevent HIV/AIDS transmission through medical services: ensuring 100% of blood units and blood products shall be screened for HIV before transfusion at all levels; 100% of medical establishments shall strictly follow the regulations on sterilization, disinfection for HIV/AIDS transmission prevention;

II. SOLUTIONS

A. Group of social solutions

1. Enhancing the leadership of the Party and local administrations at all levels over HIV/AIDS prevention and control

a/ Enhancing the Party's leadership over HIV/AIDS prevention and control:

- To confirm the important role of the Party committees at all levels in their leadership and direction of HIV/AIDS prevention and control activities. The Party committees at all levels shall regularly supervise, urge, examine and direct HIV/AIDS prevention and control activities and include these activities into the priority objectives of the socio-economic development strategy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To step up activities of propagating and mobilizing the participation of leaders at all levels and Party members in HIV/AIDS prevention and control activities.

- To bring into full play the initiatives of every official and Party member in HIV/AIDS prevention and control activities. To include education on HIV/AIDS prevention and control into the routine agendas of meetings of Party cells.

b/ Strengthening the examination and supervision by the National Assembly and the People's Councils at all levels of HIV/AIDS prevention and control:

- To propose the National Assembly to enhance its direction of the elaboration of laws and budget allocations for HIV/AIDS prevention and control tasks. To increase the examination and supervision by the National Assembly, its Committees, the Nationality Council, the National Assembly deputies' delegations and individual National Assembly deputies as well as the People's Councils at all levels of HIV/AIDS prevention and control activities.

- The People's Councils at all levels shall issue resolutions on HIV/AIDS prevention and control. HIV/AIDS prevention and control shall be reported in annual meetings of the People's Councils at all levels. HIV/AIDS prevention and control activities must be concretized in the local socio-economic development programs.

c/ Strengthening the direction and execution by administrations at all levels in organizing HIV/AIDS prevention and control activities:

- The Government shall promote its direction of HIV/AIDS prevention and control, considering it one of the annual socio-economic development tasks; direct the ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies the People's Committees at all levels to actively implement HIV/AIDS prevention and control measures; hold periodical meetings to listen to reports of HIV/AIDS so as to have timely direction.

- The People's Committees at all levels shall regularly direct and organize HIV/AIDS prevention and control, considering it one of the annual socio-economic development tasks of the localities. To integrate HIV/AIDS prevention and control programs into hunger elimination and poverty alleviation programs; giving priority to deep-lying, remote, and specially difficult areas.

- The Government and the People's Committees at all levels shall ensure appropriate budgets, human resources and material resources for, and consolidate the organizational apparatuses of, HIV/AIDS prevention and control activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Multisectoral coordination:

- To continue developing, and organizationally strengthening the implementation of, a comprehensive and multisectoral HIV/AIDS prevention and control program, attaching special importance to effectively integrating it into the drug and prostitution prevention and control programs in order to prevent HIV/AIDS transmission; mobilize the participation of all organizations and individuals in HIV/AIDS prevention and control activities. To strengthen the Government's direction and execution of multisectoral activities in HIV/AIDS prevention and control.

- To define clearly the functions, tasks and powers of ministries and branches in HIV/AIDS prevention and control. Ministries and branches shall take the initiative in integrating HIV/AIDS prevention and control activities into their annual action plans and be responsible to the Government for the implementation thereof.

- The Central Committee of Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall further mobilize the participation of the entire population in HIV/AIDS prevention and control, integrate HIV/AIDS prevention and control activities into mass agitation movements. To bring into full play the role and initiative of Vietnam Fatherland Front and mass organizations in mobilizing the people to actively participate in HIV/AIDS prevention and control, particularly in mass propaganda and mobilization. To integrate HIV/AIDS prevention and control activities into patriotic emulation movements and campaigns. To bring into full play the role of typical personalities, village patriarchs, village or hamlet chiefs, heads of street quarter groups, heads of family lines or clans, religious dignitaries, and the elderly as the core in mobilizing people to participate in HIV/AIDS prevention and control.

- To socialize HIV/AIDS prevention and control activities, to issue specific regulations on this socialization with a view to mobilizing more and more participation of all mass organizations, the community and individuals in these activities.

b/ Community mobilization:

- To encourage religious, social, charity, non-governmental organizations, community groups including HIV/AIDS-infected people themselves and their families to participate in HIV/AIDS prevention and control.

- To intensify HIV/AIDS prevention and control activities in the community; educate love and mutual assistance and promote the good traditions of families, clans, native places as well as the national cultural identity of Vietnamese people in caring for and supporting people at risk of HIV/AIDS infection and HIV/AIDS-infected people. The people should be widely informed of the responsibilities of families and the community in HIV/AIDS prevention and control.

- To integrate HIV/AIDS prevention and control activities in mass movements, sport, cultural and art performance activities in the community, training courses or talks. To organize forums to call for the community's commitment to participate in HIV/AIDS prevention and control. The "Community's Fund to support HIV/AIDS prevention and control" may be set up in places where conditions permit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To launch emulation movements to follow the examples of good people and good deeds, to adopt policies to stimulate and reward in time mass organizations and individuals that record outstanding achievements in HIV/AIDS prevention and control.

c/ Mobilization of enterprises to participate in HIV/AIDS prevention and control.

- To encourage enterprises, professional associations as well as private organizations to actively participate in HIV/AIDS prevention and control activities. To formulate and promulgate specific policies and regulations on implementing HIV/AIDS prevention and control activities at workplaces. To mobilize and propose appropriate forms of contribution of resources by enterprises and at the same time study, formulate, and promulgate laws on administrative sanctions against enterprises or organizations which fail to perform HIV/AIDS prevention and control tasks to protect laborers' health.

- To encourage enterprises and economic units to organize training courses and employ HIV-vulnerable people and HIV/AIDS-affected people.

- To strictly forbid enterprises to sack HIV/AIDS-infected people. HIV infection must not be taken into account when considering recruitment of laborers, salary increase, or promotion into managerial or leading posts.

- All enterprises should have regulations and policies on providing information related to HIV/AIDS prevention and control for their officials and workers. To integrate the propagation on HIV/AIDS prevention and control into healthy entertainment activities at the enterprises.

- To set up HIV/AIDS counseling centers within the enterprises through combining their activities with healthcare activities at the enterprises. To hold periodic medical checks-up and provide examination and treatment of sexually transmitted infections for laborers, especially female laborers.

- To adopt policies to encourage enterprises and the private economic sector to incorporate into their products' advertisements messages on HIV/AIDS prevention and care for HIV/AIDS-infected people, such as advertisements for drinks, cosmetics, fairs, exhibitions...

d/ Bringing into full play potentials of every individual and family in HIV/AIDS prevention and control

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To educate and ensure the equal rights of HIV/AIDS-infected people as well as the rights of each individual living in the community in the duty of preventing HIV/AIDS transmission.

- To encourage, and adopt policies to mobilize, well-known people and leaders to participate in HIV/AIDS prevention and control and set examples for the community, especially young teenagers, to follow.

- To encourage family members to apply measures to prevent HIV transmission and to become collaborators to propagate on HIV/AIDS prevention and control.

- To improve knowledge and ensure the role and equal rights of women so that they can actively participate in HIV/AIDS prevention and control activities. To ensure that women can participate in learning, exchanging experiences and life- skills.

3. Solutions on laws and policies on HIV/AIDS prevention and control

a/ Step by step perfecting the system of legal documents on HIV/AIDS prevention and control:

- To amend and supplement soon the Ordinance on HIV/AIDS Prevention and Control and legal documents on criminal, civil, labor' issues, which are directly related to HIV/AIDS. To regularly review and systematize for timely revision or cancellation regulations and legal documents which are no longer appropriate; supplement or promulgate new documents on HIV/AIDS-related issues which are not yet governed by law or not relevant. To continue expeditiously formulating and perfecting the system of legal documents on HIV/AIDS prevention and control; promote the study, preparation and formulation of the Law on HIV/AIDS Prevention and Control.

- Law provisions must aim at providing opportunities for groups of people at risk of HIV infection to have access to services that help maintain or change behaviors to protect themselves from HIV/AIDS transmission.

- To ensure that current law provisions related to HIV/AIDS transmission should be considered from the anti-stigma and anti-discrimination viewpoints and create equality for people at risk of HIV infection and HIV/AIDS-infected people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To intensify inspection, examination and supervision of the implementation of HIV/AIDS prevention and control legislation and strictly handle acts of violation thereof.

b/ Step by step perfecting regimes and policies in HIV/AIDS prevention and control:

- To promulgate appropriate regimes and policies for the staff engaged in HIV/AIDS prevention and control, for HIV/AIDS-infected and affected people.

- To ensure gender equality policies and particular policies for each target group, particularly HIV/AIDS-affected or infected children.

- To enhance the branches' capacity of developing policies and plans based on the role and strengths of each branch.

4. Behavioral change information, education and communication

a/ Continuing the vigorous and comprehensive implementation of behavioral change information, education and communication activities:

- To make full use of, and coordinate, existing communication channels and forms in disseminating knowledge about HIV/AIDS prevention and control to the population, particularly high-risk groups.

- To assign specific responsibilities for performing behavioral change information, education and communication tasks to each ministry and branch. Ministries, branches and mass organizations shall have to plan and carry out information, education and communication activities for their specific target groups.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To organize large-scale communication campaigns nationwide at least twice a year, integrate education and communication on prevention of HIV/AIDS transmission into annual anniversaries and big political, economic, cultural and social events of the country.

b/ Building and developing individual skills in HIV/AIDS prevention and care:

- To use appropriate approaches to reach specific groups for communication and mobili-zation, paying more attention to face-to-face and small-group communication and peer education.

- To build up a contingent of propagators in close combination with village collaborators being health workers and officials of different committees, branches and mass organization at the commune level.

- To deploy, and improve the quality and effectiveness of, the program of training on prevention of HIV/AIDS transmission, gender education, reproductive health and life-skills education at universities, colleges, intermediate vocational schools and general education schools. To increase the time of teaching HIV/AIDS prevention and control in the system of medical schools, organize training courses for HIV/AIDS lecturers.

c/ Intensifying behavioral change information, education and communication activities of community groups

Community groups should be assisted in improving their capability to identify priorities and make strategic and planning decisions and implement HIV/AIDS prevention and care plans based on their own resources. The concept of community group should be understood in a broad sense to include groups vulnerable to HIV infection (drug users, sex workers, HIV/AIDS-infected people, youths, women...), community groups organized to implement HIV/AIDS prevention and control measures (administrations, health service, education service...), policy-makers and law enforcement agencies.

- Leaders of community groups shall be supported in assessing the risk of HIV/AIDS infection, the impacts of the epidemic on socio-economic development, making policies, planning and organizing the application HIV/AIDS prevention and care measures, and responding to the epidemic of their community.

- To mobilize resources of community groups and supports from administrations, international organizations, humanitarian and charity organizations as well as enterprises for applying behavioral change information, education and communication measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To provide professional and technical support for the concerned branches and agencies in compiling new documents, revising and supplementing, updating new information and knowledge about HIV/AIDS prevention and control.

- Communicational materials and messages should focus on contents that help guide and lead the behavioral changes and on measures to implement safe behaviors to prevent and control HIV/AIDS, which are suitable to each specific target group.

- To diversify communicational forms: newsletters, scientific and documentary films, educational and scientific films, billboards and posters. To publish documents in different languages to be used for propagation and education of ethnic minority groups and defected people.

- Ministries and branches shall direct the agencies within their specialized domains at different levels to take the initiative in planning and allocating budgets for the production of communicational materials in service of behavioral change information, education and communication activities under their management.

e/ Measures to implement behavioral change information, education and communication activities for youths and gender-related issues

- To develop a program on education of life-skills for preventing HIV/AIDS transmission, to be used in schools of the educational and vocational training systems.

- To provide services to attract young people in order to efficiently manage sexually transmitted infections and provide reproductive health care and counseling services. To link behavioral change information, education and communication activities with services to attract young people.

- To develop oriented intervention measures for inclusion into life-skills training, access to services, support and care for especially vulnerable young groups such as street children, working young people, school-dropping young people, disabled young people, ethnic minority young people and other groups.

- To offer more opportunities for young people to participate in, and contribute comments to, the development and designing of all young people's activities related to HIV/AIDS.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To improve the support-mobilizing capability of policy-makers, researchers, and community organizations to ensure that gender issues are addressed in the process of designing and implementing policies and HIV/AIDS prevention and control programs.

- To conduct social studies to improve the understanding of the impacts of gender on HIV/AIDS prevention and control and care, especially the impacts of the role and values of gender on behaviors, sexual activities, the vulnerability to HIV (sexual and drug-injecting behaviors) and people living with HIV/AIDS.

5. Interventions for harm reduction and prevention of HIV/AIDS transmission

a/ Creating a legal corridor for synchronous deployment of intervention activities for harm reduction and prevention of HIV/AIDS transmission:

- To ensure consensus among different levels and branches on the deployment of intervention activities for harm reduction and prevention of HIV/AIDS transmission.

- To amend and supplement legal documents related to intervention activities for harm reduction and prevention of HIV/AIDS transmission in order to ensure uniform direction and implementation.

- To formulate and popularize guidelines for deployment of intervention activities for harm reduction and prevention of HIV/AIDS transmission.

b/ Promoting advocacy on harm reduction intervention programs to create a favorable environment for applying intervention measures:

- To coordinate with other branches in inten-sifying information, education and communication on prevention of HIV/AIDS transmission together with other communication activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To increase the exchange of experiences on harm reduction intervention programs between countries and between domestic programs.

c/ Expanding harm reduction intervention measures

- To carry out comprehensive harm reduction intervention programs including the clean syringe and needle exchange program and the 100% condom use program in areas where the numbers of injecting-drug users and sex workers as well as the HIV prevalence rate are high. The measures taken must be suitable to the actual situation and measures to minimize undesirable effects must be taken.

- To focus interventions on those groups who are vulnerable to HIV infection, and groups with high-risk behaviors, especially injecting drug users, female sex workers, free migrants and adolescents.

- To advocate, guide and mobilize the use of clean syringes and needles in injecting for those who are drug abusers, the proper use of condoms for sex workers and those who have behaviors at risk of HIV infection.

- To ensure enough funds for procurement of syringes and needles for harm reduction programs. To ensure the supply and wide marketing of condoms and clean syringes and needles. To study and learn from international experiences in order to develop and apply appropriate models for deploying the clean syringes and needles program in Vietnam.

- To formulate and develop national guidelines on harm reduction program. To expand peer education models and provide support for the setting up of peer groups in prevention of HIV/AIDS transmission.

- To promote the social marketing of condoms, ensure the availability, accessibility and suitability of condoms. To develop regimes and policies to create favorable conditions for the social marketing of condoms.

6. Solutions on care and support for HIV/AIDS-infected people and alleviation of social and economic impacts caused of HIV/AIDS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To set up a care and support system for HIV/AIDS-infected people on the foundation of the medical system in close coordination with agencies, branches and localities. To define families, communities as fundamental factors in providing care and support for HIV/AIDS-infected people.

- The health service will act as the core coordinating with other branches and services and mobilizing supports for local administrations at all levels to provide good care, treatment and counseling for HIV/AIDS-infected people in the community. To expand activities to support HIV/AIDS-infected people and their families so that those HIV/AIDS infected people can stabilize their life, integrate themselves into, and be cared at, their families and community.

- To determine the district level as the center for carrying out care and support activities for HIV/AIDS-infected people. At each urban/rural district, a section, or also called a unit, in charge of care and support for HIV/AIDS-infected people, will be set with the district health center acting as its standing body and participation of other local branches, services and mass organizations.

- To encourage the formation of community-based care and support centers for HIV/AIDS-infected people. To encourage religious, charity and humanitarian organizations to form palliative care centers for full-blown AIDS patients and supportless AIDS patients.

- To adopt policies to encourage the private sector to provide care and support for HIV/AIDS-infected people. To encourage the application of traditional medicine to treat the diseases.

b/ Increasing the accessibility of HIV/AIDS-infected people to care and support services:

- To intensify multisectoral coordination to ensure the availability and accessibility of counseling, testing, care and support services. To create conditions for HIV-infected people, injecting drug users and sex workers who are in social-education centers or prisons to have access to health care services.

- To organize training in care and support for HIV/AIDS-infected people for health workers and staff engaged in HIV/AIDS prevention and control activities. To provide training on combat of stigma and discrimination, ensuring confidentiality, privacy and provision of good quality services.

- To adopt policies to encourage HIV/AIDS-infected people to participate in voluntary health insurance and social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Bringing into full play the active participation of HIV/AIDS-infected people and combating discrimination:

- To focus education, communication and counseling on HIV/AIDS- infected people in order to increase their awareness of, and responsibilities for, themselves, their families and community in order to prevent HIV/AIDS transmission.

- To encourage the formation of clubs of HIV/AIDS-infected people, self-help and self-care groups of HIV/AIDS-infected people. AIDS programs should have policies to support and mobilize infected people to participate in HIV/AIDS prevention and control activities.

- To adopt policies to support families, including health and social policies, to care for and support HIV/AIDS-infected people.

- To ensure that there will be no law provisions related to stigma and discrimination against HIV/AIDS-infected people; to ensure the equal rights of HIV/AIDS-infected people.

B. Group of technical solutions

To create a fundamental, comprehensive and synchronous progress in all technical aspects of HIV/AIDS prevention and control. To ensure the effective sentinel surveillance, behavioral surveillance and HIV case-finding tests; safe blood transfusion and safe blood products, safety of healthcare services and other blood-related social services; treatment and care of HIV/AIDS.

1. HIV/AIDS surveillance and voluntary counseling and testing

a/ Strengthening national HIV/AIDS surveillance system:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To build laboratories of national and international standards at central hospitals and institutes through providing equipment, upgrading material foundations, training human resources, conducting regular examination, supervisions and standardization.

- To build laboratories of national standards in 64 provinces and cities; and to expand step by step the surveillance system to urban and urban districts.

- To expand and improve the quality of 2nd generation surveillance (including serum surveillance of HIV, behavioral surveillance, sexually transmitted infection surveillance). To implement the 2nd generation surveillance program in 7 provinces by the year 2007 and 10 provinces by the year 2010

- To ensure that 100% of health workers involved in sentinel surveillance and HIV case-finding tests are provided with systematic training in testing techniques and methods.

b/ HIV/AIDS serum surveillance:

- To expand and improve the quality of HIV case-finding tests, and to ensure that HIV tests can only be conducted after the to be-tested people is provided with adequate counseling; to ensure that HIV case-finding tests shall be conducted by the strategy-III techniques; to gradually socialize the testing service by collecting part of the testing costs.

- Compulsory HIV tests for certain groups must comply with law provisions. It is prohibited to use testing results as a condition for recruiting laborers or for any other circumstances.

- The publicization of the names of HIV-infected people must comply with law provisions.

- To continue maintaining and improving the quality of sentinel surveillance activities and expand such surveillance to rural areas. To unify and guarantee the conformity to professional regulations of surveillance activities; for sentinel surveillance, proper sampling procedures, testing methods and strategies, data analysis and reporting of results must be ensured.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To expand and improve the quality of behavioral surveillance, and consider behavioral surveillance an early warning factor of the development trend of the epidemic.

- To reach agreement on the places, methods and implementation of behavioral surveillance.

- To closely combine behavioral surveillance, serum surveillance and sexually transmitted infections surveillance.

d/ Increasing the use of surveillance data for making policies and developing programs.

- To develop and implement plans on the use of surveillance data for different purposes such as policy-making, lobbying for support, plan-making, monitoring and evaluation of programs.

- To apply scientific and technological advances by using domestic and international networking, and to increase the exchange of information between provinces, regions, nationwide and worldwide. To increase the reference to other countries' experiences on data management and reporting systems.

- To publish information and data of the results of HIV/AIDS/STI surveillance on Vietnamese websites on HIV/AIDS.

e/ Voluntary HIV counseling and testing:

- To implement the voluntary counseling and testing programs in 40 provinces by 2005 and 100% of provinces by 2010.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To guarantee that all tests are conducted on the anonymity principle to preserve the confidentiality of tested people.

- To expand the voluntary counseling and testing program to the district level, ensuring 50% of total number of districts to be covered by this program by 2010.

- To build up the voluntary testing network and the referral system linking with healthcare and social support networks. To mobilize the participation of the private system in providing counseling and support.

- To train staff in voluntary counseling and testing and to mobilize multisectoral participation in this work.

2. Ensuring blood transfusion safety

a/ To guide, examine and inspect blood transfusion safety to prevent HIV transmission. To strictly implement law provisions on blood transfusion safety; to formulate and supplement legal documents on blood transfusion safety.

b/ To concentrate joint efforts of the Red Cross Society, the Youth Union and other branches and services, especially with Party organizations, administrations at all levels on conducting propaganda and communication to mobilize non-HIV risk healthy people to voluntarily donate blood, and consistently maintain the source of safe-blood donors. Donation of safe blood is not only a humanitarian deed but also a duty of every individual toward the community.

c/ To increase the quality of screening of HIV for blood units and blood products before being transfused, provide in time adequate good-quality bio-products for blood screening in order to ensure 100% of blood units and blood products are screened for HIV before transfusion. To gradually socialize safe blood transfusion by calculating fully the unit cost of blood units and blood products.

d/ To encourage the increased application of appropriate modern techniques and prescription of blood transfusion such as: partial blood transfusion, blood self- transfusion, filter of white blood cells' in order to reduce the risk of HIV infection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To build centralized blood banks (regional blood banks) using foreign aid and domestic funding sources, step by step modernize the safety system in blood transfusion.

g/ To strictly adhere to routine procedures and regulations on sterilization and disinfection in public and private health services. To mobilize resources to build standardized areas for sterilization and disposal of equipment.

h/ To provide knowledge and raise skills for professional staff working in the hematology system in particular and health workers in general on HIV and blood transfusion safety.

i/ To build laboratories of national standards for quality control of blood transfusion safety including: quality control of bio-products, control of testing procedures, equipment.

3. Prevention of HIV/AIDS transmission through medical and social services

a/ To develop, revise and amend regulations and guidelines on prevention of HIV transmission through medical and social services.

b/ To step up propagation among the people on methods to prevent HIV transmission through medical and social services. To ensure the rights of people to request the provision of sterilized services and to ask health workers to disinfect medical equipment.

c/ To supply sterilization and disinfection equipment for medical establishments, especially those at district and commune levels. To ensure that all medical establishments are supplied with at least minimum equipment for sterilization in medical services.

d/ To guide and manage the prevention of HIV transmission through medical services at all private medical establishments. To ensure all private medical establishments have sufficient equipment and supplies in service of sterilization in their hospitals. Health workers working at private medical establishments must have proper knowledge about, and understanding of, prevention of HIV transmission through medical services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To create conditions for HIV/AIDS-infected people in Vietnam to have access to anti-retroviral drugs (ARVs), contributing to reducing the socio-economic impacts caused by AIDS:

- To increase the number of AIDS patients who have access to HIV/AIDS treatment drugs every year, with 70% of AIDS patients to have access to ARVs by 2010; to commit to participate in the WHO's initiative 3 x 5 (3 million to have treatment by 2005) and other initiatives in the treatment

- To improve the capability of diagnosis and treatment of AIDS patients in Vietnam, with at least 50% of AIDS treatment establishments to be adequately equipped with modern diagnostic and treatment equipment and facilities by 2010;

- To enhance the capability of health workers engaged in treatment of AIDS;

- To improve the capacity to produce ARVs, with at least 3 groups of ARVs to be adequately manufactured and distributed to satisfy the demand.

a/ Increasing the availability and accessibility of ARVs:

- To negotiate the reduction of ARVs' prices:

+ To establish forums to negotiate on the reduction of the drugs' prices: To rally domestic and international organizations, ARVs-manufacturing pharmaceutical companies and HIV/AIDS-affected people to discuss and share information and identify measures to reduce the ARVs' price in Vietnam.

+ To participate in regional and international forums to negotiate on the reduction of the drugs' prices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To permit the domestic production of ARVs in order to increase their accessibility:

+ The Government shall consider and permit Vietnam's pharmaceutical companies to produce drugs locally. To encourage patent-holding pharmaceutical companies to sell their patents to produce drugs to domestic pharmaceutical companies or to produce anti-retroviral drugs in the form of joint-venture company or subsidiary company in Vietnam.

+ To make investment to raise the production capacity and the quality of products of pharmaceutical companies. Domestic pharmaceutical companies shall invest on their own to increase the quality of their products. The Union of pharmaceutical producers and traders shall act as the linking bridge to help pharmaceutical companies to participate in WHO's evaluation processes and satisfy other standards so as to ensure the supply of quality drugs.

+ The Government should allocate a budgetary amount exclusively for the drugs' accessibility program in order to create stability of purchasing drugs for treatment of AIDS patients.

+ To enhance the management and distribution of ARVs according to guidelines so as to avoid the use of the drugs at variance with prescriptions or guidelines, leading to drug resistance.

b/ Strengthening the system of treatment of HIV/AIDS patients:

- To consolidate 3 national centers for AIDS treatment, to increase investment in material foundations, increase the number of in-patient beds, provide equipment for diagnosis and treatment of AIDS patients, including hi-tech equipment.

- To set up a system of surveillance and monitoring of drug resistance, increase investment in bio-equivalent studies to determine appropriate treatment guidelines as well as quality drugs for AIDS patients in Vietnam. To revise, issue appropriate treatment guidelines of anti-retroviral drugs, and criteria for selecting treatment methods and treatment priorities.

- To establish satellite treatment quarters in regional hospitals. To strive for the target that by 2005 each satellite hospital will have 20-30 in-patient beds for AIDS patients; and by 2007 such hospitals will satisfy the criteria equivalent to national treatment centers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To raise the diagnostic capacity so that by 2005, at least 10 therapeutic establishments will have CD4-CD8 cell-counting machine, and 3 establishments will have blood viral load-measuring machines, and by 2010, at least 20 establishments will have CD4-CD8 cell-counting machines and 10 establishments will have blood viral load-measuring machines.

- To increase investment for the district level, ensuring that district health centers will be able to diagnose and treat common opportunistic infections and gradually expand the accessibility to anti-retroviral drugs to district hospitals.

- To plan and conduct training of human resources, focusing on the central level and satellite hospitals for the immediate future. To organize training of trainers for the provincial level, who will then train the district-level staff engaged in AIDS treatment.

- To organize national and international seminars, conferences and workshops on AIDS treatment in Vietnam.

- To link universities and hospitals involved in AIDS treatment in the region and the world to share and exchange treatment experiences.

- To promote international cooperation on the field of accessibility to anti-retroviral drugs. To organize study tours, learning and exchange of experiences and update information of other countries on prevention, care and support for HIV/AIDS infected people.

c/ Accessibility to drugs for opportunistic infections:

- To include drugs for opportunistic infections on the essential drug list of hospitals, medical establishments, including commune health stations, to facilitate the HIV/AIDS-infected people's accessibility to these drugs. The Ministry of Health shall be responsible for prescribing a detailed list of drugs to treat opportunistic infections for HIV/AIDS patients in Vietnam.

- To formulate and issue guidelines on diagnosis and treatment of opportunistic infections for HIV/AIDS patients at medical establishments and in the community. To well implement community- and family-based programs on care and support for HIV-infected people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To enhance the capability to integrate and coordinate the tuberculosis prevention and control program and the HIV/AIDS prevention and control program. To step by step invest in the tuberculosis prevention and control system so that this system can have adequate capability, equipment and qualifications to treat tuberculosis in combination with HIV/AIDS treatment.

d/ Perfecting policies in the domain of treatment:

- To develop, revise and amend regimes and policies as appropriate for staff engaged in HIV/AIDS treatment in suitability to the reality of each period.

- To encourage the use of traditional drugs and various methods of treatment using traditional medicine in order to improve the physical conditions and disease-resistant capability of HIV/AIDS patients.

- To enhance the management of drugs' quality and ensure the quality of drugs used for HIV/AIDS patients up to Vietnamese standards.

- To enhance the management of the rational drug distribution systems and ensure the availability of treatment drugs, adopt a price-subsidy policy or provide free of charge drugs for HIV/AIDS patients.

- To select treatment priorities and ensure treatment for 100% of staff infected with HIV in occupational accidents or risks and HIV-infected pregnant women, and gradually increase the number of HIV/AIDS patients who receive treatment each year.

5. Prevention of mother-to-child HIV transmission

a/ Raising the awareness of women in reproductive age of the risk of HIV transmission and the possibility of mother-to-child HIV transmission:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To concentrate efforts on communication for women in reproductive age, with due attention being paid to disadvantaged women groups such as female sex workers, poor women in rural areas.

- To step up communication on the program on prevention of mother-to-child HIV transmission in secondary education schools, colleges, universities, educational and vocational centers; intensify such communication in the community through mass organizations such as Women's Union, Youth Union, and at offices, factories, manufacturing units.

b/ Raising the capacity of the system engaged in preventing mother-to-child HIV transmission

- To set up a network of HIV testing and counseling at all levels. To mobilize the participation of all branches and mass organizations such as Youth Union, Women's Union in providing counseling and social support for HIV-infected pregnant women and women in difficult circumstances.

- To organize training and re-training courses for staff working in the network at all levels on prevention of mother-to-child HIV transmission such as voluntary HIV counseling and testing, diagnosis and treatment of sexually transmitted infections, including sexually transmitted diseases; care for, and treatment of, HIV-infected children and HIV-infected pregnant women before, during and after laboring.

- To supply equipment for obstetric/gynecology hospitals at the central, provincial and district levels so that they can diagnose HIV infection.

- To supply adequate prophylactic medicines for the levels from central to district to prevent mother-to-child HIV transmission at the time of laboring.

- To provide counseling and support of substitute milk for newborns of HIV-infected mothers.

c/ Intensifying activities to early prevent mother-to-child HIV transmission

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To encourage HIV testing before marriage and delivery for counseling. To provide sufficient information on mother-to-child HIV/AIDS transmission and preventive methods for pregnant women..

- To implement early management of pregnancy to detect the risk of mother-to-child transmission and provide early treatment for HIV-infected pregnant women.

- To early detect and treat sexually transmitted infections for women in reproductive age.

- To provide treatment to prevent mother-to-child HIV transmission during the time of laboring; apply measures to prevent mother-to-child HIV transmission during delivery.

d/ Care for HIV-infected and HIV/AIDS-affected children:

- To ensure adequate specific treatment drugs and drugs to treat opportunistic infections for HIV/AIDS-infected children.

- To form in big provinces and cities centers to care for orphaned HIV-infected children who have no support. To ensure all necessary conditions for caring for and nurturing abandoned children due to HIV/AIDS.

- To step up education and communication activities to provide knowledge and life-skills for street children (especially female children) in order to reduce the risk of contracting HIV in this group.

- To mobilize active participation of all branches and mass organizations in caring and supporting HIV-infected and HIV/AIDS-affected children.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Establishing and strengthening the capacity of the network of management, surveillance, diagnosis and treatment of sexually transmitted infections:

- To establish a network of surveillance of sexually transmitted infections at the provincial level: in 10 provinces/cities in 2003, 25 provinces/cities by 2005 and all provinces/cities nationwide by 2010. To closely integrate surveillance of HIV/AIDS and STI surveillance.

- To build case-reporting and electronic reporting systems to facilitate the projection of HIV/AIDS/STI and the plan making at all levels.

- To equip the central, provincial and district levels with STI-testing equipment. To ensure the capacity to early detect and treat sexually transmitted infections.

- To organize training and re-training courses on STI management, surveillance, diagnosis and treatment for both public and private health systems.

- To promulgate legal documents on, and to ensure the mutual support and coordination between the public and private health systems in, the management, surveillance, treatment and reporting of sexually transmitted infections.

b/ Enhancing early diagnosis and treatment of sexually transmitted infections

- To increase the application of national treatment guidelines for sexually transmitted infections at primary healthcare and maternal and children care levels as well as in the private health sector.

- To ensure the close coordination among the medical specialty system, between the private and public health sectors in order to provide early detection, counseling, and treatment of sexually transmitted infections for women in reproductive age and pregnant women.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To set up mobile teams to examine and treat sexually transmitted infections at "hot spots" in order to increase the accessibility for high-risk groups.

c/ Intensifying activities of preventing sexually transmitted infections

- To implement health education measures to prevent sexually transmitted infections in close combination with reproductive health education, strive to reach the target that by 2005, 50% of women in reproductive age will be educated about STI prevention and control.

- To deploy the distribution of condoms and the propagation and guidance on the use of condoms in all public dermatology establishments; conduct social marketing of condoms in all private medical establishments. To step by step manage the treatment of STI patients at private medical establishments.

- To implement interventions to prevent STIs in the community, contributing to reducing HIV transmission in the community.

7. Scientific researches and monitoring, evaluation of the national program

a/ Forming the system of management, monitoring and deployment of scientific researches:

- To set up a HIV/AIDS research network and a contingent of HIV/AIDS researchers on the basis of enhancing the coordination among the concerned scientific agencies and research institutions nationwide under the uniform coordination by the HIV/AIDS prevention and control agency.

- To regularly sum up domestic and international studies in order to provide leaders with updated scientific information and rationally apply such information to domestic HIV/AIDS prevention and control programs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To encourage organizations, individuals, and all economic sectors to participate and invest in researches in service of HIV/AIDS prevention and control in accordance with current regulations. To make sure that HIV/AIDS researches should be reviewed in terms of medical ethics before they are approved and conducted.

- To promote technical transfer and exchange as well as experts' training between domestic and overseas research institutions.

- To regularly organize symposiums to share experiences, publicize research results and apply research results to professional activities...

b/ Areas of research:

- To define the prioritized issues to be studied along the direction of developing basic, in-depth, operational and evaluation researches...

- To actively invest in preparing material foundations and enhancing the capacity of basic and in-depth researches into HIV/AIDS, such as epidemiological researches at HIV molecular level, researches into the natural development of HIV/AIDS, efficacy of treatment drugs, testing of HIV prevention vaccines....

- To build research institutions and national laboratories specialized in HIV/AIDS researches and allocate more resources for basic researches.

- To encourage the investment in studying and applying oriental medicine prescriptions in treating, improving physical conditions and prolonging life-time of, HIV/AIDS infected people.

- To conduct researches into reciprocal interactions between HIV/AIDS and socio-economical development in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To develop a system of program monitoring and evaluation. To set up at the central level a body specialized in program monitoring and evaluation, storing and synthesis of evaluation data in order to form basic databases in service of long-term evaluation purposes. Every locality shall have full-time staff in charge of program monitoring and evaluation.

- To raise the capability of staff in charge of program monitoring and evaluation at all levels.

- To conduct routine evaluations after 2 years and 5 years of program implementation.

- To coordinate with international organizations specialized in evaluation to conduct joint evaluations or to conduct independent evaluations of the program in order to have objective evaluation data.

- To pay attention to allocating funds and equipment to the program-monitoring and -evaluating system and apply information techno-logy advances to the program management, implementation, monitoring and evaluation.

- To promote wide exchange of research and evaluation information. To promulgate regulations prescribing that projects must be formulated and implemented on the basis of basic indicators so that their effectiveness can be evaluated.

- Major groups of indicators for program evaluation:

+ Group of indicators related to the rate of HIV prevalence through serum surveillance conducted on the specific groups of population;

+ Group of indicators related to policy, including effort indicators and expenditure indicators of the HIV/AIDS program.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Group of indicators related to care and counseling for HIV/AIDS-infected people;

+ Group of indicators related to knowledge and behaviors to prevent HIV/AIDS transmission;

+ Group of indicators related to voluntary counseling and testing;

+ Group of indicators related to prevention of mother-to-child transmission;

+ Group of indicators related to care and prevention of sexually transmitted infections;

+ Group of indicators related to the socio-economic impacts of HIV/AIDS.

C. Solutions on resources and international cooperation

1. Solutions on organization, human resources, training

a/ Strengthening the capacity of the system of State management over HIV/AIDS prevention and control

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To increase investment in human resources for HIV/AIDS prevention and control. To concentrate efforts on raising the capability of full-time staff in charge of managing and implementing the program, attaching importance to the contingent of grassroots staff.

- To continue reorganizing HIV/AIDS prevention and control activities to ensure their compliance with law provisions. To raise the capability to coordinate and implement the program for managers of the HIV/AIDS program.

- To raise the capacity of Government agencies and non-government organizations, social and political organizations as well as the private sector in HIV/AIDS prevention and control; to formulate appropriate mechanisms which create equality between the public and private sectors in the field of investment and implementation of HIV/AIDS prevention and control activities.

- To promote the cooperation between State agencies and the private sector on HIV/AIDS prevention and control activities.

- To continue stepping up the inspection and examination of HIV/AIDS prevention and control activities at all levels, attaching importance to testing and sterilization activities in the private health sector.

b/ Training of staff:

- To adopt policies to mobilize human resources to participate in HIV/AIDS prevention and control activities. To build up a sufficient contingent of staff who have proper knowledge, experiences and professional qualifications to efficiently manage, monitor, and implement HIV/AIDS prevention and control activities.

- To train a contingent of staff for HIV/AIDS prevention and control, who have proper knowledge and qualifications to meet short-term and long-term needs. At the initial stage, to focus on training of personnel for the central and provincial levels, especially newly employed staff, serving as a basis for decentralizing training in the system.

- To select and train experts and teachers to teach HIV/AID prevention and control in schools.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To mobilize the utilization of existing training establishments of all branches , especially the system of medical schools; and mobilize university lecturers and staff of various branches, who have practical experiences, to take part in lecturing and training HIV/AIDS prevention and control.

- To diversify training forms suitable to each specific group of trainees. To combine formal training with in-service training, long-term and short-term training, and training through workshops, meetings, direct coaching...

- To develop and complete the system of teaching materials and textbooks, ensuring both scientific and practical contents and update knowledge, suitable to each specific group of trainees.

- To organize training on the application of information management programs in the computer and the network for central and provincial personnel.

- To periodically monitor and evaluate the effectiveness of training so as to adjust in time the contents, methodologies and forms of training suitable to the changing situation and increasing requirements of HIV/AIDS prevention and control.

c/ Stepping up decentralization and management of the program:

- To formulate appropriate mechanisms to promote organizations, communities including HIV-infected people. to take part in the process of making plans for HIV/AIDS prevention and control. Annual HIV/AIDS prevention and control plans must be considered and approved by the People's Councils and the People's Committees at all levels to ensure their effective implementation.

- Besides the budgets allocated by the Government, the People's Committees at all levels shall be responsible for arranging local budgets for the HIV/AIDS prevention and control program. To make public the budget allocations for the HIV/AIDS prevention and control in each locality.

2. Production of equipment, treatment drugs and bio-products for HIV/AIDS prevention and control

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To adopt policies to support the production of equipment and medical , bio-products in service of HIV/AIDS prevention and control for gradual satisfaction of domestic demands and then for export.

c/ To formulate policies to support the private sector in investing in the production of products to be used in HIV/AIDS prevention and control and to encourage such products, such as policies on tax and investment preferences, trade, information and technology exchange.

d/ To promote technical and technology transfer, encourage investment.

e/ To adopt policies to prioritize the use of home-made products, price-subsidy policies, and policies to prioritize home-made products for HIV/AIDS prevention and control when organizing biddings therefor.

3. Solutions on financial investment

To increase budgetary allocations, improve material and technical foundations, equipment, instruments and documents necessary for HIV/AIDS prevention and control. To efficiently manage, allocate and use all funding sources mobilized for the action programs on HIV/AIDS prevention and control.

a/ To gradually increase the funding levels and mobilize more and more funding sources for HIV/AIDS prevention and control, striving for a level equivalent to that of other regional countries where the economic situation and the situation of the epidemic are similar to Vietnam. According to calculations based on the 2000 investment need, if the annual investment need growth rate is approximately 10 - 15% over the previous year, by 2010 the investment need of Vietnam's HIV/AIDS prevention and control program shall be about VND 4,750 billion, if calculated at a high level, or about VND 3,349 billion, if calculated at a medium level

b/ All of the abovesaid budgets shall be mobilized from the following sources: State allocations, inclusive of local contributions, aid amounts, and amounts mobilized from other sources. It is expected that aid amounts shall be mobilized to account for 50% of total investment need.

c/ The funding sources must be efficiently used. The management of funding shall be decentralized to ensure the initiative of the localities in carrying out HIV/AIDS prevention and control activities in the localities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Calculation unit: VND 1,000,000

Year

High level of investment

Medium level of investment

2004

456,700

311,700

2005

516,200

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2006

588,400

409,600

2007

670,800

471,000

2008

751,300

532,200

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



841,400

601,400

2010

925,500

667,600

Total

4,750,300

3,349,700

The budget for HIV/AIDS prevention and control is calculated on the basis of the forecast number of HIV-infected people and the possibility of raising State budget allocations for the HIV/AIDS prevention and control program.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Expansion of international cooperation in the area of HIV/AIDS prevention and control:

- To consolidate existing cooperative relations and concurrently seek new opportunities for cooperation along the direction of multilateralizing and diversifying cooperative relations with UN organizations, and for bilateral and multilateral cooperation in the field of HIV/AIDS prevention and control.

- To promote strong cooperative relations in the Asia-Pacific region and among ASEAN member countries.

- To closely cooperate with neighborhood countries to deal with urgent issues of common concern, especially issues related to the cross-border transmission of HIV/AIDS and to unplanned migration among countries in the region.

- To enhance the dissemination of knowledge to Vietnamese citizens working overseas and overseas Vietnamese communities through various forms of bilateral cooperation with HIV/AIDS prevention and control organizations of foreign countries. To restrict and then prohibit compulsory HIV testing for laborers before going to work overseas.

- To boost the provincial/municipal-level cooperative relationship between provinces and cities of Vietnam and other countries.

- To provide in time sufficient and update information for Vietnamese diplomatic represen-tations and embassies in other countries to look for new opportunities to expand cooperation.

b/ Making full use of resources for HIV/AIDS prevention and control:

- To actively mobilize supports of other countries, UN organizations and international organizations for HIV/AIDS prevention and control. The Government shall integrate activities of calling for financial supports at international conferences and workshops on other domains.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To establish a common mechanism for coordinating and implementing foreign-aid projects in the field of HIV/AIDS prevention and control. To unify the management of foreign-aid projects (under the Preventive Medicine and HIV/AIDS Prevention and Control Administration of the Ministry of Health). To enhance the management of bilateral cooperation projects, especially those carried out in localities and by other organizations.

- To bring into full play the national initiative in coordinating, managing and utilizing foreign-aid projects to ensure their conformity with national target programs and national indicators and national action programs.

- To prioritize projects of cooperation involving capital support, technical support and hi-tech transfer.

c/ Raising Vietnam's responsibilities for global HIV/AIDS prevention and control programs.

- To continue strongly committing and implementing all regulations and declarations which Vietnam has signed or acceded to, such as the Declaration of Commitment on HIV/AIDS (UNGASS), declarations of ASEAN summit meetings...

- To set up a center for monitoring international documents so as to provide in time update information for international conferences and workshops on HIV/AIDS prevention and control.

- To encourage and prioritize the organizing of training courses, international conferences and workshops on HIV/AIDS prevention and control in Vietnam. To host big conferences to enhance Vietnam's status in the international arena.

- To raise the national HIV/AIDS prevention and control organization's capability of managing, designing, making projects and coordinating international cooperation activities and the implementing capability of the HIV/AIDS prevention and control organizations of other branches and levels so that they can efficiently implement on-going cooperation projects and develop new ones. To optimally utilize international aid resources and supports.

III. PROGRAMS OF ACTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. HIV/AIDS Harm Reduction Intervention Program.

3. Care and Support for HIV/AIDS-Infected People Program.

4. HIV/AIDS Surveillance and Monitoring and Evaluation Program.

5. Access to HIV/AIDS Treatment Program.

6. Prevention of Mother-to-Child HIV Transmission Program.

7. STIs Management and Treatment Program

8. Blood Transfusion Safety Program.

9. HIV/AIDS Prevention and Control Capacity Building and International Cooperation Program.

IV. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The People's Committees of the provinces and centrally-run cities shall be responsible for directly directing and implementing the contents and action programs of the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control from now till 2010 with a vision to 2020. To develop and identify HIV/AIDS prevention and control objectives in the provincial or municipal socio-economic development plans. In addition to allocations from the central budget, the localities shall take initiative in allocating budgets, human resources, and material foundations for the HIV/AIDS prevention and control program. To focus on directing the implementation of harm reduction intervention measures including clean syringes and needles and condom use programs to prevent HIV/AIDS transmission. To provide good care and treatment for HIV/AIDS-infected people;

2. The Ministry of Health shall be responsible for providing guidance on implementation of the National Strategy on HIV/AIDS Prevention and Control from now till 2010 with a vision to 2020; coordinating with other ministries and branches being members of the National Committee for AIDS, Drugs and Prostitution Prevention and Control and other concerned central agencies in directing and implementing the contents of the Strategy falling under the scope of their assigned tasks and powers.

The Ministry of Health shall direct HIV/AIDS prevention and control agencies at all levels within its service. The HIV/AIDS prevention and control agencies of the provinces or centrally-run cities shall have the responsibility to advise the presidents of the People's Committees of the same level in organizing the performance of specific tasks defined in the Strategy; to monitor and supervise such performance, organize periodical preliminary and final reviews and report on the performance results to the Ministry of Health for sum-up and reporting to the Prime Minister.

3. The Ministry of Culture and Information shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches, central agencies, the provincial/municipal People's Committees, and Vietnam Fatherland Front in, directing the mass media at all levels to step up the behavioral change information, education and communication to prevent HIV/AIDS transmission nationwide. To focus on providing information for people in deep-lying areas, remote areas and areas hit with special difficulties as well as groups of people with high-risk behaviors.

4. The Ministry of Education and Training shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, branches, central agencies and provincial/municipal People's Committees in organizing the integration of the program on education of the HIV/AIDS prevention and control knowledge and skills into the training curricula of universities, colleges, intermediate professional schools, vocational training and general education schools, suitable to their students;

5. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health, the Ministry of Finance and other concerned ministries and branches in, studying and formulating appropriate mechanisms and policies in service of HIV/AIDS prevention and control.

6. The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall be responsible for allocating and providing in time budgets for activities of the HIV/AIDS prevention and control program according to the National Assembly's annual plans on budget allocation. To actively mobilize domestic and foreign financial funding sources for HIV/AIDS prevention and control.

7. Vietnam Television, the Radio Voice of Vietnam and Vietnam News Agency shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other mass media agencies in, directing the local television and radio stations at all levels to broadcast information on HIV/AIDS prevention and care for HIV/AIDS-infected people as the regular contents of their broadcasting programs. To develop HIV/AIDS thematic programs or columns and take initiative in allocating funds for developing and broadcasting programs on HIV/AIDS prevention and control.

8. The ministries and branches being members of the National Committee for AIDS, Drug and Prostitution Prevention and Control, and the Government-attached agencies shall be responsible for actively drawing up and implementing their own HIV/AIDS prevention and control plans according to their assigned functions and tasks and their own characteristics; to take the initiative in allocating budgets for this work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/03/2004 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.311

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.85.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!