QUỐC HỘI
*****
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số: 03/2007/QH12
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2007
|
LUẬT
PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định
về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều
kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người.
Việc phòng, chống
nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
2. Luật này áp dụng
đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bệnh truyền
nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật
sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Tác nhân gây
bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây
bệnh truyền nhiễm.
3. Trung gian
truyền bệnh là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác
mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh.
4. Người mắc bệnh
truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện
triệu chứng bệnh.
5. Người mang mầm
bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không
có biểu hiện triệu chứng bệnh.
6. Người tiếp
xúc là người có tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh
truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh.
7. Người bị
nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện
triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
8. Giám sát bệnh
truyền nhiễm là việc thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình,
chiều hướng của bệnh truyền nhiễm, phân tích, giải thích nhằm cung cấp thông
tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng,
chống bệnh truyền nhiễm.
9. An toàn sinh
học trong xét nghiệm là việc sử dụng các biện pháp để giảm thiểu hoặc loại
trừ nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong cơ sở xét nghiệm, từ
cơ sở xét nghiệm ra môi trường và cộng đồng.
10. Vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể
khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.
11. Sinh phẩm y
tế là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh
và chẩn đoán bệnh cho người.
12. Tình trạng
miễn dịch là mức độ đề kháng của cá nhân hoặc cộng đồng với một tác nhân
gây bệnh truyền nhiễm.
13. Dịch là
sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh
dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.
14. Vùng có dịch
là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.
15. Vùng có
nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu
tố gây dịch.
16. Cách ly y tế
là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh
truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
17. Xử lý y tế là
việc thực hiện các biện pháp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, cách ly y tế, tẩy
uế, diệt tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và các biện
pháp y tế khác.
Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm
gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây
truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây
bệnh.
Các bệnh truyền
nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh
đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa)
hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh
tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền
nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền
nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi
rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch
hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người;
bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng
gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh
sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh
thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút;
bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng
da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
c) Nhóm C gồm các
bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Các bệnh truyền
nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang
mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng
(Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh
do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes);
bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò;
bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi
rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh
viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki
(Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột
do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh
truyền nhiễm khác.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền
nhiễm thuộc các nhóm quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Lấy phòng bệnh
là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm
là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện
pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
2. Thực hiện việc
phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng
ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển
kinh tế - xã hội.
3. Công khai,
chính xác, kịp thời thông tin về dịch.
4. Chủ động, tích
cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Ưu tiên, hỗ trợ
đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.
2. Ưu tiên đầu tư
nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm,
nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.
3. Hỗ trợ, khuyến
khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật
trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
4. Hỗ trợ điều trị,
chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường
hợp cần thiết khác.
5. Hỗ trợ thiệt hại
đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo
quy định của pháp luật.
6. Huy động sự
đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống
bệnh truyền nhiễm.
7. Mở rộng hợp tác
với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng,
chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Chính phủ thống
nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi
cả nước.
2. Bộ Y tế chịu
trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống
bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước.
3. Các bộ, cơ quan
ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với
Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh
truyền nhiễm.
4. Uỷ ban nhân dân
các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm
theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh
truyền nhiễm
1. Cơ quan, tổ chức,
đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách
nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự
chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.
2. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân
dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện
pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống
bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cố ý làm lây
lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh
truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh
truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm
theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không
khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo
quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo,
thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử
và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển
khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm
theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành
các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền.
Chương 2:
PHÒNG BỆNH TRUYỀN
NHIỄM
Mục 1:
THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG,
CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 9. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh
truyền nhiễm
1. Đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền
nhiễm.
2. Nguyên nhân, đường
lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3. Hậu quả của bệnh
truyền nhiễm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước.
4. Trách nhiệm của
cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 10. Đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống
bệnh truyền nhiễm
1. Mọi người đều
được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền
nhiễm.
2. Người mắc bệnh
truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền
nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng
có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về
phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 11. Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống
bệnh truyền nhiễm
1. Chính xác, rõ
ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời.
2. Phù hợp
với đối tượng, truyền thống văn hoá, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng
và phong tục tập quán.
Điều 12. Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống
bệnh truyền nhiễm
1. Cơ quan, tổ chức,
đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
2. Bộ Y tế có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp
chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm.
3. Bộ Thông tin và
Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường
xuyên thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, lồng ghép
chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các chương trình thông tin,
truyền thông khác.
4. Bộ Giáo dục và
Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh
và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục
phòng, chống bệnh truyền nhiễm kết hợp với các nội dung giáo dục khác.
5. Uỷ ban nhân dân
các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục,
truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho nhân dân địa phương.
6. Các cơ quan
thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để
thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên đài
phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình,
báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin,
giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện
thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng
với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
Mục 2:
VỆ SINH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 13. Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc
hệ thống giáo dục quốc dân
1. Cơ sở giáo dục
phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công
trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng
trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn.
2. Cơ sở giáo dục
có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm
vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường.
3. Đơn vị y tế của
cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra,
giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện
các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
4. Bộ trưởng Bộ Y
tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh trong cơ sở giáo
dục quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 14. Vệ sinh trong cung cấp nước sạch,
vệ sinh nguồn nước sinh hoạt
1. Nước sạch phải
bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Cơ sở cung cấp
nước sạch có trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi
trường, tự kiểm tra để bảo đảm chất lượng nước sạch.
3. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng nước sạch
do các cơ sở cung cấp; kiểm tra việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động
làm việc tại các cơ sở cung cấp nước sạch.
4. Uỷ ban nhân dân
các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để
ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho việc cung cấp nước sạch.
5. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước
sinh hoạt.
Điều 15. Vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia
súc, gia cầm và động vật khác
1. Việc chăn nuôi,
vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác phải bảo đảm vệ
sinh, không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt hoặc làm phát tán tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về thú y chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện
các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc,
gia cầm và động vật khác để tránh làm lây truyền bệnh cho người.
Điều 16. Vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Tổ chức, cá
nhân trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo
quản, vận chuyển, buôn bán thực phẩm có trách nhiệm bảo đảm cho thực phẩm không
bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và thực hiện các quy định khác của pháp
luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Người tiêu dùng
có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm
thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh
an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.
3. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá
nhân thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng, chống
bệnh truyền nhiễm.
Điều 17. Vệ sinh trong xây dựng
1. Công trình khi
xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh trong xây dựng
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Dự án đầu tư
xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm
quyền về báo cáo đánh giá tác động sức khoẻ.
3. Cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh truyền nhiễm, các cơ sở có nguy cơ làm lây truyền tác nhân gây bệnh
truyền nhiễm phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu
bảo tồn thiên nhiên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
4. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo đảm vệ sinh trong xây dựng.
Điều 18. Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai
táng, di chuyển thi thể, hài cốt
1. Người tử vong
phải được tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ sau khi chết, trừ trường hợp thi
thể được bảo quản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với người mắc bệnh
truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì
thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.
2. Việc bảo quản,
quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt thực hiện theo quy định của Bộ
trưởng Bộ Y tế.
Điều 19. Các hoạt động khác trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm
1. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân phải thực hiện biện pháp bảo đảm về vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, nơi sản
xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt
và các biện pháp bảo đảm khác về vệ sinh theo quy định của pháp luật có liên
quan để không làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.
2. Mọi người có
trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng bệnh truyền nhiễm.
Mục 3:
GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN
NHIỄM
Điều 20. Hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Giám sát các
trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm.
2. Giám sát tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm.
3. Giám sát trung
gian truyền bệnh.
Điều 21. Nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Giám sát các
trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm
thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng
bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết
khác.
Trong trường hợp cần
thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc
bệnh truyền nhiễm để giám sát.
2. Giám sát tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc
tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.
3. Giám sát trung
gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần
và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.
Điều 22. Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Báo cáo giám
sát bệnh truyền nhiễm phải được gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế.
Nội dung báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Báo cáo giám
sát bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện bằng văn bản; trong trường hợp khẩn cấp,
có thể thực hiện việc báo cáo thông qua fax, thư điện tử, điện tín, điện thoại
hoặc báo cáo trực tiếp và trong thời hạn 24 giờ phải gửi báo cáo bằng văn bản.
3. Chế độ báo cáo
giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm:
a)
Báo cáo định kỳ;
b) Báo cáo nhanh;
c)
Báo cáo đột xuất.
4. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về y tế khi nhận được báo cáo phải xử lý thông tin và thông báo
cho cơ quan gửi báo cáo.
5. Trong trường hợp
xác định có dịch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phải báo cáo ngay với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp trên và người có thẩm quyền công bố
dịch.
6.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
Điều 23. Trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Uỷ ban nhân dân
các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương.
2. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc
chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát bệnh truyền nhiễm.
3.
Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm. Khi
phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc
nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ sở y tế phải thông
báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng,
tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.
4. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông
báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.
5. Trong quá trình
thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện
việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền.
6. Bộ trưởng Bộ Y
tế ban hành quy định chuyên môn kỹ thuật trong giám sát bệnh truyền nhiễm.
7. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ
khác khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình,
nếu phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thì có trách nhiệm phối hợp với Bộ
Y tế trong hoạt động giám sát.
Mục 4:
AN TOÀN SINH HỌC TRONG XÉT NGHIỆM
Điều 24. Bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm
1. Phòng xét nghiệm
phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học phù hợp với từng cấp độ và chỉ được
tiến hành xét nghiệm trong phạm vi chuyên môn sau khi được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền về y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học.
2. Chính phủ quy định cụ thể về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét
nghiệm.
Điều 25. Quản lý mẫu bệnh phẩm
1. Việc thu thập, vận chuyển, bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu,
trao đổi và tiêu hủy mẫu bệnh phẩm liên quan đến tác nhân gây bệnh truyền nhiễm
phải tuân thủ quy định về chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm.
2. Chỉ cơ sở có đủ
điều kiện mới được bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy
mẫu bệnh phẩm của bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm và điều
kiện của cơ sở quản lý mẫu bệnh phẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 26. Bảo vệ người làm việc trong phòng xét nghiệm
1. Người làm việc
trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải được
đào tạo về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và trang bị phòng hộ cá nhân
để phòng lây nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người làm việc
trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải chấp
hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật trong xét nghiệm.
Mục 5:
SỬ DỤNG VẮC XIN, SINH PHẨM Y TẾ PHÒNG BỆNH
Điều 27. Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
1. Vắc xin, sinh
phẩm y tế được sử dụng phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều
36 của Luật dược.
2. Vắc xin, sinh
phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.
3. Vắc xin, sinh
phẩm y tế phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và
quy trình kỹ thuật sử dụng.
4. Vắc xin, sinh
phẩm y tế phải được sử dụng tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện.
Điều 28. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện
1. Mọi người có
quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng.
2. Nhà nước hỗ trợ
và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
3. Thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho
người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với
tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc xin, sinh phẩm y tế.
Điều 29. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc
1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng
có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc
xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
2. Trẻ em, phụ nữ
có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền
nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
3. Cha, mẹ hoặc
người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của
cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
4. Miễn phí sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:
a) Người có nguy
cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;
b) Người được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;
c) Các đối tượng
quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 30. Trách nhiệm trong việc tổ
chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
1. Nhà nước có
trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế quy định
tại khoản 3 Điều 28 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm
y tế bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều
29 của Luật này;
b) Tổ chức triển
khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải
sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của
Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại khoản 2 Điều 29 của
Luật này;
c) Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt
buộc tuỳ theo tình hình dịch;
d) Quy định việc sử
dụng vắc xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật
này; điều kiện của cơ sở y tế quy định tại khoản 4 Điều 27 của
Luật này;
đ) Quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn
chuyên môn để xem xét nguyên nhân khi có tai biến trong quá trình sử dụng vắc
xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.
3. Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh)
có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắc xin,
sinh phẩm y tế.
4. Cơ sở y tế có
trách nhiệm thực hiện việc tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong phạm
vi chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
5. Tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và người làm công
tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất,
kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì phải chịu trách nhiệm
về hành vi vi phạm của mình gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc xin,
sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.
6. Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm
chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp
xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc
xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này
phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Mục 6:
PHÒNG LÂY NHIỄM BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI CƠ SỞ
KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 31. Biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh
1. Cách ly người mắc
bệnh truyền nhiễm.
2. Diệt khuẩn, khử
trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Phòng hộ cá
nhân, vệ sinh cá nhân.
4. Các biện pháp
chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm
bệnh truyền nhiễm
1. Thực hiện các
biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh
truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của
Chính phủ.
2. Tổ chức thực hiện
các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh.
3. Bảo đảm trang
phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người
bệnh và người nhà người bệnh.
4. Theo dõi sức khỏe
của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
5. Thông báo thông
tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.
6. Thực hiện các
biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây
nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thực hiện các
biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định tại Điều 31
của Luật này.
2. Tư vấn về các
biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.
3. Giữ bí mật
thông tin liên quan đến người bệnh.
Điều 34. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng
lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Người bệnh có
trách nhiệm:
a) Khai báo trung
thực diễn biến bệnh;
b) Tuân thủ chỉ định,
hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh;
c) Đối với người mắc
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức
khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
2. Người nhà người
bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế
và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương 3:
KIỂM DỊCH Y TẾ
BIÊN GIỚI
Điều 35. Đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới
1. Đối tượng phải
kiểm dịch y tế biên giới bao gồm:
a) Người nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
b) Phương tiện vận
tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
c) Hàng hoá nhập
khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam;
d) Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận
cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.
2. Kiểm dịch y tế
biên giới được thực hiện tại các cửa khẩu.
Điều 36. Nội dung kiểm dịch y tế biên giới
1. Các đối tượng
phải kiểm dịch y tế biên giới quy định tại khoản 1 Điều 35 của
Luật này phải được khai báo y tế.
2. Kiểm tra y tế
bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực
tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch
hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
3. Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện
đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm
A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng
rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên
phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh,
nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch
y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
4. Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện tại khu vực cửa khẩu theo
quy định tại Mục 3 Chương II của Luật này.
Điều 37. Trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới
1. Đối tượng quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 35, chủ phương tiện hoặc người quản
lý đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 35 của
Luật này phải thực hiện việc khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám
sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức kiểm dịch
y tế biên giới có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung kiểm dịch y tế quy định
tại Điều 36 của Luật này và cấp giấy chứng nhận xử lý y tế.
3. Các cơ quan chức
năng tại cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới
trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.
4. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan của các nước,
các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực
biên giới.
5. Chính phủ quy định chi tiết về kiểm dịch y tế biên giới.
Chương 4:
CHỐNG DỊCH
Mục 1:
CÔNG BỐ DỊCH
Điều 38. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch
1. Việc công bố dịch
được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Mọi trường hợp
có dịch đều phải được công bố;
b) Việc công bố dịch
và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
2. Thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh
truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;
b) Bộ trưởng Bộ Y
tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh
truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi
có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;
c) Thủ tướng Chính
phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm
thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
3. Trong thời hạn
24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định
tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch.
4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.
Điều 39. Nội dung công bố dịch
1. Nội dung công bố
dịch gồm:
a) Tên bệnh dịch;
b) Thời gian, địa
điểm và quy mô xảy ra dịch;
c) Nguyên nhân, đường
lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch;
d) Các biện pháp
phòng, chống dịch;
đ) Các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.
2. Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải được thông báo kịp thời
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.
Điều 40. Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch
1. Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:
a) Không phát hiện
thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều
kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Đã thực hiện
các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.
2. Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề
nghị của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
Điều 41. Đưa tin về tình hình dịch
Các cơ quan thông
tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình
sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.
Mục 2:
BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ DỊCH
Điều 42. Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về
dịch
1. Việc ban bố
tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi dịch lây
lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người
và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;
b) Việc ban bố
tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
2. Uỷ ban thường vụ
Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng
Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được
thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điều 43. Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch
1. Lý do ban bố
tình trạng khẩn cấp.
2. Địa bàn trong
tình trạng khẩn cấp.
3. Ngày, giờ bắt đầu
tình trạng khẩn cấp.
4. Thẩm quyền tổ
chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điều 44. Thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch
Theo đề nghị của
Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hoặc Chủ tịch nước
ra lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do mình ban bố khi dịch đã được chặn đứng hoặc
dập tắt.
Điều 45. Đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch
1. Thông tấn xã Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội
nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc
hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định
của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời
về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình
hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc
hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.
Nghị quyết của Uỷ
ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng
khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi
công cộng.
2. Các phương tiện
thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về
việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả
dịch.
Mục 3:
CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH
Điều 46. Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch
1. Ban chỉ đạo chống
dịch được thành lập ngay sau khi dịch được công bố.
2. Thành phần Ban chỉ đạo chống dịch được quy định như sau:
a) Ban chỉ đạo chống
dịch quốc gia gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền
thông, ngoại giao, quốc phòng, công an và các cơ quan liên quan khác. Căn cứ
vào phạm vi địa bàn được công bố dịch và tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự
mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ
đạo. Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo;
b) Ban chỉ đạo chống
dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính,
thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác. Trưởng
ban chỉ đạo chống dịch là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Cơ quan y tế cùng
cấp là thường trực của Ban chỉ đạo.
3. Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp
chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để
trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.
4. Thủ tướng Chính
phủ quy định cụ thể về thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo
chống dịch các cấp.
Điều 47. Khai báo, báo cáo dịch
1. Khi có dịch,
người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ
mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể
từ khi phát hiện bệnh dịch.
2. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh
dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y
tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.
Điều 48. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh
Ban chỉ đạo chống
dịch chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp sau đây để tổ chức cấp cứu, khám bệnh,
chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch và người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch:
1. Phân loại, sơ cứu,
cấp cứu kịp thời người mắc bệnh dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ
Y tế;
2. Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp
cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A
được khám và điều trị miễn phí;
3. Căn cứ vào tính
chất, mức độ và quy mô của bệnh dịch, Ban chỉ đạo chống dịch quyết định áp dụng
các biện pháp sau đây:
a) Tổ chức các cơ
sở điều trị tại vùng có dịch để tiếp nhận, cấp cứu người mắc bệnh dịch;
b) Điều động đội
chống dịch cơ động vào vùng có dịch để thực hiện việc phát hiện, cấp cứu và điều
trị tại chỗ người mắc bệnh dịch; chuyển người mắc bệnh dịch về các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh;
c) Huy động các cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch;
d) Áp dụng các biện
pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Điều 49. Tổ chức cách ly y tế
1. Người mắc bệnh
dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc
với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định
của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
2. Hình thức cách
ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở,
địa điểm khác.
3. Cơ sở y tế
trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo
của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản
1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện
pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
Điều 50. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch
1. Các biện pháp vệ
sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:
a) Vệ sinh môi trường,
nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;
b) Diệt trùng, tẩy
uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;
c) Tiêu hủy động vật,
thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.
2. Đội chống dịch
cơ động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo
quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.
3. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo
hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện
thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt
buộc.
Điều 51. Các biện pháp bảo vệ cá nhân
1. Người tham gia
chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện
pháp bảo vệ cá nhân sau đây:
a) Trang bị bảo vệ
cá nhân;
b) Sử dụng thuốc
phòng bệnh;
c) Sử dụng vắc
xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;
d) Sử dụng hoá chất
diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
2. Nhà nước bảo đảm
cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân quy định tại
khoản 1 Điều này.
Điều 52. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch
1. Trong trường hợp
cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch
sau đây:
a) Tạm đình chỉ hoạt
động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại
vùng có dịch;
b) Cấm kinh doanh,
sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian
truyền bệnh dịch;
c) Hạn chế tập
trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại
vùng có dịch.
2. Chính phủ quy định
cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 53. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch
đối với bệnh dịch thuộc nhóm A
1. Các biện pháp
kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:
a) Hạn chế ra, vào
vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra,
giám sát và xử lý y tế;
b) Cấm đưa ra khỏi
vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có
khả năng lây truyền bệnh dịch;
c) Thực hiện các
biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều
51 của Luật này;
d) Các biện pháp cần
thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Trưởng Ban chỉ
đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông
ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 54. Các biện pháp được áp dụng
trong tình trạng khẩn cấp về dịch
1. Việc thành lập
Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật này.
2. Trong trường hợp
ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:
a) Huy động, trưng
dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;
b) Đặt biển báo hiệu,
trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;
c) Yêu cầu kiểm
tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;
d) Cấm tập trung
đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng
có dịch;
đ) Cấm người,
phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;
e) Tổ chức tẩy uế,
khử độc trên phạm vi rộng;
g) Tiêu hủy động vật,
thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;
h) Áp dụng các biện
pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương này.
Điều 55. Huy động, trưng dụng các nguồn lực
cho hoạt động chống dịch
1. Căn cứ vào tính
chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân,
người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ
sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng,
phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện
giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.
2. Việc trưng dụng
quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về
trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt
trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.
3. Chính phủ, Ủy
ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện
pháp chống dịch theo quy định tại Luật này.
Điều 56. Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch
1. Khi có dịch xảy
ra, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định
hợp tác quốc tế về trao đổi mẫu bệnh phẩm, thông tin dịch, chuyên môn, kỹ thuật,
chuyên gia, thiết bị, kinh phí trong hoạt động chống dịch.
2. Trường hợp ban
bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia, các tổ
chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực để chống dịch và phối hợp triển khai các biện
pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Chương 5:
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO
ĐẢM ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 57. Cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Cơ sở phòng, chống
bệnh truyền nhiễm bao gồm:
a) Cơ sở y tế dự
phòng;
b) Cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh truyền nhiễm gồm có bệnh viện chuyên khoa bệnh truyền nhiễm; khoa
truyền nhiễm thuộc bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
trở lên và các cơ sở y tế khác có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.
2. Bệnh viện đa
khoa quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên phải thành lập khoa truyền
nhiễm.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật
chất, kỹ thuật, thiết bị và nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền
nhiễm.
Điều 58. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền
nhiễm
1. Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch và ưu tiên đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng
về nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
2. Bộ trưởng Bộ Y
tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp
vụ cho người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 59. Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm
và người tham gia chống dịch
1. Người làm công
tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và
các chế độ ưu đãi khác.
2. Người tham gia
chống dịch được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch và được hưởng chế độ rủi ro nghề
nghiệp khi bị lây nhiễm bệnh.
3. Trong quá trình
chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị
thương thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính
sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với
cách mạng.
4. Thủ tướng Chính
phủ quy định cụ thể các chế độ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 60. Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Kinh phí cho
công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:
a) Ngân sách nhà
nước;
b) Vốn viện trợ;
c) Các nguồn kinh
phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Hằng năm, Nhà
nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền
nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích
khác.
Điều 61. Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch
1. Nhà nước thực
hiện việc dự trữ quốc gia về kinh phí, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để phòng,
chống dịch.
2. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia
để phòng, chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc
gia.
Điều 62. Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch
1. Quỹ hỗ trợ
phòng, chống dịch được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ
trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống
dịch khác.
2. Nguồn tài chính
của Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá
nhân trong nước và nước ngoài.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 63. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực
thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.
Điều 64. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông
qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Phú Trọng
|