Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 số 03/2007/QH12 áp dụng 2024

Số hiệu: 03/2007/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 21/11/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 03/2007/QH12

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2007

LUẬT

PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Luật này quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người.

Việc phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

2. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.

3. Trung gian truyền bệnh là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh.

4. Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.

5. Người mang mầm bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

6. Người tiếp xúc là người có tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh.

7. Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

8. Giám sát bệnh truyền nhiễm là việc thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình, chiều hướng của bệnh truyền nhiễm, phân tích, giải thích nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

9. An toàn sinh học trong xét nghiệm là việc sử dụng các biện pháp để giảm thiểu hoặc loại trừ nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong cơ sở xét nghiệm, từ cơ sở xét nghiệm ra môi trường và cộng đồng.

10. Vắc xin chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.

11. Sinh phẩm y tế sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người.

12. Tình trạng miễn dịch là mức độ đề kháng của cá nhân hoặc cộng đồng với một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

13. Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

14. Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.

15. Vùng có nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.

16. Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

17. Xử lý y tế là việc thực hiện các biện pháp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, cách ly y tế, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và các biện pháp y tế khác.

Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm

1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);

c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

3. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

4. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.

2. Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.

3. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác.

5. Hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

6. Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Chương 2:

PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Mục 1:

THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 9. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 10. Đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 11. Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời.

2. Phù hợp với đối tượng, truyền thống văn hoá, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán.

Điều 12. Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, lồng ghép chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các chương trình thông tin, truyền thông khác.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục phòng, chống bệnh truyền nhiễm kết hợp với các nội dung giáo dục khác.

5. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho nhân dân địa phương.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.

Mục 2:

VỆ SINH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 13. Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

1. Cơ sở giáo dục phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường.

3. Đơn vị y tế của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh trong cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 14. Vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt

1. Nước sạch phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Cơ sở cung cấp nước sạch có trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự kiểm tra để bảo đảm chất lượng nước sạch.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng nước sạch do các cơ sở cung cấp; kiểm tra việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp nước sạch.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho việc cung cấp nước sạch.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Điều 15. Vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác

1. Việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt hoặc làm phát tán tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thú y chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác để tránh làm lây truyền bệnh cho người.

Điều 16. Vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Tổ chức, cá nhân trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, buôn bán thực phẩm có trách nhiệm bảo đảm cho thực phẩm không bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và thực hiện các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 17. Vệ sinh trong xây dựng

1. Công trình khi xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh trong xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm quyền về báo cáo đánh giá tác động sức khoẻ.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, các cơ sở có nguy cơ làm lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo đảm vệ sinh trong xây dựng.

Điều 18. Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt

1. Người tử vong phải được tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ sau khi chết, trừ trường hợp thi thể được bảo quản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

2. Việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 19. Các hoạt động khác trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện biện pháp bảo đảm về vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, nơi sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt và các biện pháp bảo đảm khác về vệ sinh theo quy định của pháp luật có liên quan để không làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

2. Mọi người có trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng bệnh truyền nhiễm.

Mục 3:

GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 20. Hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm.

2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

3. Giám sát trung gian truyền bệnh.

Điều 21. Nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.

2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.

3. Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.

Điều 22. Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm phải được gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế. Nội dung báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện bằng văn bản; trong trường hợp khẩn cấp, có thể thực hiện việc báo cáo thông qua fax, thư điện tử, điện tín, điện thoại hoặc báo cáo trực tiếp và trong thời hạn 24 giờ phải gửi báo cáo bằng văn bản.

3. Chế độ báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm:

a) Báo cáo định kỳ;

b) Báo cáo nhanh;

c) Báo cáo đột xuất.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi nhận được báo cáo phải xử lý thông tin và thông báo cho cơ quan gửi báo cáo.

5. Trong trường hợp xác định có dịch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phải báo cáo ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp trên và người có thẩm quyền công bố dịch.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

Điều 23. Trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ sở y tế phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.

5. Trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định chuyên môn kỹ thuật trong giám sát bệnh truyền nhiễm.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ khác khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, nếu phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thì có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong hoạt động giám sát.

Mục 4:

AN TOÀN SINH HỌC TRONG XÉT NGHIỆM

Điều 24. Bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm

1. Phòng xét nghiệm phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học phù hợp với từng cấp độ và chỉ được tiến hành xét nghiệm trong phạm vi chuyên môn sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học.

2. Chính phủ quy định cụ thể về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

Điều 25. Quản lý mẫu bệnh phẩm

1. Việc thu thập, vận chuyển, bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy mẫu bệnh phẩm liên quan đến tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải tuân thủ quy định về chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm.

2. Chỉ cơ sở có đủ điều kiện mới được bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy mẫu bệnh phẩm của bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm và điều kiện của cơ sở quản lý mẫu bệnh phẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 26. Bảo vệ người làm việc trong phòng xét nghiệm

1. Người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải được đào tạo về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và trang bị phòng hộ cá nhân để phòng lây nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải chấp hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật trong xét nghiệm.

Mục 5:

SỬ DỤNG VẮC XIN, SINH PHẨM Y TẾ PHÒNG BỆNH

Điều 27. Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

1. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 36 của Luật dược.

2. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.

3. Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và quy trình kỹ thuật sử dụng.

4. Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện.

Điều 28. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện

1. Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng.

2. Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.

3. Thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc xin, sinh phẩm y tế.

Điều 29. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc

1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

2. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

3. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

4. Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:

a) Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;

b) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;

c) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 30. Trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

1. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 3 Điều 28 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này;

b) Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

c) Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tuỳ theo tình hình dịch;

d) Quy định việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này; điều kiện của cơ sở y tế quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này;

đ) Quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn để xem xét nguyên nhân khi có tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.

4. Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện việc tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong phạm vi chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.

6. Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Mục 6:

PHÒNG LÂY NHIỄM BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 31. Biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

2. Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân.

4. Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm

1. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

4. Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

5. Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.

6. Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định tại Điều 31 của Luật này.

2. Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.

3. Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Điều 34. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Người bệnh có trách nhiệm:

a) Khai báo trung thực diễn biến bệnh;

b) Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

2. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chương 3:

KIỂM DỊCH Y TẾ BIÊN GIỚI

Điều 35. Đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới

1. Đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới bao gồm:

a) Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;

b) Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;

c) Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam;

d) Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.

2. Kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện tại các cửa khẩu.

Điều 36. Nội dung kiểm dịch y tế biên giới

1. Các đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này phải được khai báo y tế.

2. Kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

3. Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

4. Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện tại khu vực cửa khẩu theo quy định tại Mục 3 Chương II của Luật này.

Điều 37. Trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới

1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, chủ phương tiện hoặc người quản lý đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 35 của Luật này phải thực hiện việc khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung kiểm dịch y tế quy định tại Điều 36 của Luật này và cấp giấy chứng nhận xử lý y tế.

3. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực biên giới.

5. Chính phủ quy định chi tiết về kiểm dịch y tế biên giới.

Chương 4:

CHỐNG DỊCH

Mục 1:

CÔNG BỐ DỊCH

Điều 38. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch

1. Việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố;

b) Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

2. Thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;

b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;

c) Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.

Điều 39. Nội dung công bố dịch

1. Nội dung công bố dịch gồm:

a) Tên bệnh dịch;

b) Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch;

c) Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch;

d) Các biện pháp phòng, chống dịch;

đ) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.

2. Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.

Điều 40. Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch

1. Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:

a) Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.

2. Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

Điều 41. Đưa tin về tình hình dịch

Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.

Mục 2:

BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ DỊCH

Điều 42. Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch

1. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;

b) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Điều 43. Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch

1. Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp.

2. Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp.

3. Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp.

4. Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Điều 44. Thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch

Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do mình ban bố khi dịch đã được chặn đứng hoặc dập tắt.

Điều 45. Đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch

1. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.

Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi công cộng.

2. Các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả dịch.

Mục 3:

CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH

Điều 46. Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch

1. Ban chỉ đạo chống dịch được thành lập ngay sau khi dịch được công bố.

2. Thành phần Ban chỉ đạo chống dịch được quy định như sau:

a) Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, ngoại giao, quốc phòng, công an và các cơ quan liên quan khác. Căn cứ vào phạm vi địa bàn được công bố dịch và tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo;

b) Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác. Trưởng ban chỉ đạo chống dịch là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban chỉ đạo.

3. Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp.

Điều 47. Khai báo, báo cáo dịch

1. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

2. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.

Điều 48. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh

Ban chỉ đạo chống dịch chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp sau đây để tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch và người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch:

1. Phân loại, sơ cứu, cấp cứu kịp thời người mắc bệnh dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế;

2. Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí;

3. Căn cứ vào tính chất, mức độ và quy mô của bệnh dịch, Ban chỉ đạo chống dịch quyết định áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Tổ chức các cơ sở điều trị tại vùng có dịch để tiếp nhận, cấp cứu người mắc bệnh dịch;

b) Điều động đội chống dịch cơ động vào vùng có dịch để thực hiện việc phát hiện, cấp cứu và điều trị tại chỗ người mắc bệnh dịch; chuyển người mắc bệnh dịch về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch;

d) Áp dụng các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Tổ chức cách ly y tế

1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

3. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

Điều 50. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch

1. Các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:

a) Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;

b) Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;

c) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

2. Đội chống dịch cơ động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

Điều 51. Các biện pháp bảo vệ cá nhân

1. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

a) Trang bị bảo vệ cá nhân;

b) Sử dụng thuốc phòng bệnh;

c) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

d) Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

2. Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 52. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 53. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A

1. Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

a) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

b) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

d) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 54. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

1. Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật này.

2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

b) Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

c) Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

d) Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

đ) Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

e) Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

g) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

h) Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương này.

Điều 55. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

2. Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật này.

Điều 56. Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch

1. Khi có dịch xảy ra, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định hợp tác quốc tế về trao đổi mẫu bệnh phẩm, thông tin dịch, chuyên môn, kỹ thuật, chuyên gia, thiết bị, kinh phí trong hoạt động chống dịch.

2. Trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực để chống dịch và phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.

Chương 5:

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 57. Cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:

a) Cơ sở y tế dự phòng;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm gồm có bệnh viện chuyên khoa bệnh truyền nhiễm; khoa truyền nhiễm thuộc bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và các cơ sở y tế khác có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.

2. Bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên phải thành lập khoa truyền nhiễm.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị và nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.

Điều 58. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch và ưu tiên đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 59. Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch

1. Người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác.

2. Người tham gia chống dịch được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch và được hưởng chế độ rủi ro nghề nghiệp khi bị lây nhiễm bệnh.

3. Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các chế độ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 60. Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Vốn viện trợ;

c) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác.

Điều 61. Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch

1. Nhà nước thực hiện việc dự trữ quốc gia về kinh phí, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để phòng, chống dịch.

2. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Điều 62. Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch

1. Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch khác.

2. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 63. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

Điều 64. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY

---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence Freedom Happiness

---------

No. 03/2007/QH12

Hanoi, November 21, 2007

 

LAW

ON PREVENTION AND CONTROL OF INFECTIOUS DISEASES
(No. 03/2007/QH12)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam with a number of articles already amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10;
The National Assembly promulgates the Law on Prevention and Control of Infectious Diseases
.

Chapter 1

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

1. This Law provides for prevention and control of infectious diseases; border quarantine; epidemic combat; and conditions to assure the prevention and control of infectious diseases in humans.

The prevention and control of human immunodeficiency virus (HIV/AIDS) are not governed by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2. Interpretation of terms

In this Law. the phrases below are construed as follows;

1 Infectious disease means a disease that transmits directly or indirectly from humans or animals to humans due to agents of infectious disease.

2. Agents of infectious disease include viruses, bacteria, parasites or fungi capable of causing an infectious disease.

3. Vectors include insects, animals, environments, food and other articles that carry agents of infectious disease and are capable of transmitting a disease.

4. Person suffering from an infectious disease means a person who is infected with agents of an infectious disease and shows symptoms of the disease.

5. Pathogen carrier means a person who is infected with agents of an infectious disease but does not show any symptoms of the disease.

6. Contact means a person who has come into contact with a person suffering from an infectious disease or a person with pathogens of infectious disease or vectors and is capable of contracting the disease.

7. Person suspected of suffering-from an infectious disease means a contact or a person showing symptoms of an infectious disease with unknown agents of disease.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Biosafety in testing means the use of measures for reducing or eliminating the risk of transmission of agents of any infectious disease within laboratories or from laboratories into the environment and community.

10. Vaccine means a preparation containing antigens immunizing the body and used for preventive purposes.

11. Medical bio-product means a product of biological origin which is used for prevention, treatment and diagnosis of diseases in humans.

12. Immunology means the level of resistance of an individual or a community against agents of infectious disease.

13. Epidemic means the occurrence of an infectious disease in a number of persons exceeding the normal projected number of [persons during a particular period and in a given area.

14. Epidemic zone means a zone ascertained by a competent agency to be infected with an epidemic.

15. Zone at the risk of an epidemic means a zone adjacent to an epidemic zone or where emerge epidemic-causing factors.

16. Medical isolation means the isolation of a person suffering from an infectious disease, a person suspected of suffering from an infectious disease or a pathogen carrier or articles possibly carrying agents of infectious disease in order to limit the spread of disease.

17. Medical disposal means the application of measures of using vaccines, medical bio-products, medical isolation, disinfection, elimination of agents of infectious disease and vectors and other medical measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Infectious diseases are divided into the following classes:

a/ Class A, consisting of extremely dangerous infectious diseases that can transmit very rapidly and spread widely with high mortality rates or with unknown agents.

Class-A infectious diseases include poliomyelitis; influenza A-H5N1; plague: smallpox: Ebola virus. Lassa virus and Marburg virus hemorrhagic fever: West Nile fever: yellow fever cholera; SARS and dangerous infectious diseases newly emerging and with unknown agents;

b/ Class B, consisting of dangerous infectious diseases that can rapidly transmit and be fatal.

Class-B infectious diseases include adenovirus disease; HTV/AIDS; diphtheria; influenza; rabies; pertussis; pulmonary tuberculosis; human streptococcus suis; amebiasis; bacillary dysentery; mumps; dengue fever; dengue hemorrhagic fever; malaria; scarlet fever; measles; hand-foot-mouth disease; anthrax; chicken pox; typhoid; tetanus; German measles; viral hepatitis; Neisseria meningitis; viral meningitis; leptospirosis; Rota virus diarrhea;

c/ Class C, consisting of less dangerous infectious diseases that are not rapidly transmittable.

Class-C infectious diseases include Chlamydia; syphilis; worm-related diseases; gonorrhea; trachoma; Candida Albicans disease; Nocardia disease; leprosy; Cytomegalo virus disease; herpes; taeniasis; fascioliasis; paragonimiasis; Fasciolopsis buski; scrub typhus; Rickettsia fever; Hantavirus hemorrhagic fever; trichomonas; Pyodermatitis; coxsakie virus pharyngitis, stomatitis and carditis; Giardiasis; Vibrio Parahaemolyticus enteritis, and other infectious diseases.

2. The Minister of Health shall make decision to adjust and supplement the list of infectious diseases of the classes specified in Clause 1 of this Article.

Article 4. Principles of prevention and control of infectious diseases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To organize inter-branch coordination and social mobilization in the prevention and control of infectious diseases; to integrate activities of prevention and control of infectious diseases into socio-economic development programs.

3. To publicize in a timely manner accurate information on epidemics.

4. To carry out anti-epidemic activities in a proactive, active, timely and thorough manner.

Article 5. State policies on prevention and control of infectious diseases

1. To prioritize and support preventive medicine training.

2. To prioritize investment in enhancing the capacity for surveillance personnel and systems to detect infectious diseases and in the research and production of vaccines and bio-medical products.

3. To support and encourage scientific research, exchange and training of specialists and transfer of technology in the prevention and control of infectious diseases.

4. To support medical attendance for persons suffering from infectious diseases due to occupational risks and in other necessary cases.

5. To support compensation for the cull of cattle and poultry carrying agents of infectious disease in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To expand cooperation with international organizations and other countries in the region and the world in the prevention and control of infectious diseases.

Article 6. State management agencies responsible for prevention and control of infectious diseases

1. The Government performs the unified state management of the prevention and control of infectious diseases nationwide.

2. The Ministry of Health shall take responsibility before the Government for performing the state management of the prevention and control of infectious diseases nationwide.

3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Health in performing the state management of the prevention and control of infectious diseases.

4. Peoples Committees at all levels shall perform the state management of the prevention and control of infectious diseases according to the Governments decentralization.

Article 7. Responsibilities of agencies, organizations and individuals for the prevention and control of infectious diseases

1. Agencies, organizations and peoples armed forces units shall, within the scope of their assigned tasks and vested powers, make and organize the implementation of, plans for preventing and controlling infectious diseases; closely coordinate with and support one another upon the occurrence of epidemics, and observe and comply with the direction and instructions of anti-epidemic steering committees.

2. The Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall conduct public information work and mobilize the people to participate in preventing and controlling infectious diseases; and participate in supervising the observance of the law on prevention and control of infectious diseases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 8. Prohibited acts

1. Intentionally transmitting agents of infectious disease.

2. Persons suffering from an infectious disease, persons suspected of suffering from an infectious disease and pathogen carriers are prohibited from performing jobs likely to transmit agents of infectious disease as prescribed by law.

3. Concealing and failing to report or reporting not in a timejy manner cases of contracting infectious diseases in accordance with law.

4. Intentionally declaring or reporting untrue information on infectious diseases.

5. Discriminating against and publishing negative images of and information on persons suffering from an infectious disease.

6. Failing to apply or applying not in a timely manner measures for preventing and controlling infectious diseases as prescribed by this Law.

7. Failing to comply with measures for preventing and controlling infectious diseases at the request of competent agencies and organizations.

Chapter 2

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 1. INFORMATION, EDUCATION, COMMUNICATION ON PREVENTION AND CONTROL OF INFECTIOUS DISEASES

Article 9. Contents of information, education and communication on prevention and control of infectious diseases

1. Party line and decisions and state policies and laws on prevention and control of infectious diseases.

2. Causes, ways of transmission, methods of identification of, and measures for preventing and controlling infectious diseases.

3. Conbequences of infectious diseases on human health and lives and national socio-economic development.

4. Responsibilities of agencies, organizations and individuals in the prevention and control of infectious diseases.

Article 10. Target groups of information, education and communication on prevention and control of infectious diseases

1. Everyone is entitled to access to information, education and communication on prevention and control of infectious diseases.

2. Persons suffering from infectious diseases, persons suspected of suffering from infectious diseases and pathogen carriers, their family members and people living in epidemic zones and zones at risk of epidemics are entitled to prioritized access to information, education and communication on prevention and control of infectious diseases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To be accurate, clear, easily understandable, practical and timely.

2. To be suitable to target groups, cultural and national traditions, social morality, religions and beliefs, and traditional practices and customs.

Article 12. Responsibilities for information, education and communication on prevention and control of infectious diseases.

1. Agencies, organizations and peoples armed forces units shall, within the scope of their respective tasks and powers, conduct information, education and communication on prevention and control of infectious diseases.

2. The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, providing accurate and timely information on infectious diseases.

3. The Ministry of Information and Communication shall direct mass media agencies to regularly supply information and conduct communication on prevention and control of infectious diseases and integrate programs on prevention and control of infectious diseases into other information and communication programs.

4. The Ministry of Education and Training shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and concerned ministries and ministerial- level agencies in, developing the contents of education about prevention and control of infectious diseases in combination with other education contents.

5. Peoples Committees at all level shall direct and organize the work of information, education and communication on prevention and control of infectious diseases in their localities.

6. Mass media agencies shall prioritize broadcasting time and volumes for information, education and communication on prevention and control of infectious diseases on radio and television stations; and volume and positions of articles and news on printed, audiovisual and electronic press according to regulations of the Ministry of Information and Communication. Information, education and communication on prevention and control of infectious diseases on the mass media are free of charge, unless these activities are conducted under separate contracts signed with programs or projects or financed by domestic or foreign individuals and organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13. Sanitation for prevention and control of infectious diseases in education establishments within the national education system

1. Education establishments must be built in high and clean areas far from polluting places and have sufficient clean water and toilet facilities, spacious and adequately lit classrooms; food provided in these establishments must be up to quality, hygiene and safety standards.

2. Education establishments are responsible for providing learners with education about sanitation for prevention and control of infectious diseases, including persona! hygiene, sanitation in daily-life and working activities, and environmental sanitation.

3. Healthcare units of education establishments are responsible for providing public information on sanitation for disease prevention; examining and supervising environmental sanitation and food safety and hygiene, and applying measures for preventing and controlling infectious diseases.

4. The Minister of Health shall issue national technical standards of sanitation for disease prevention in education establishments specified in Clause 1 of this Article.

Article 14. Sanitation in clean water supply, sanitation of water sources for daily-life use

1. Clean water must ensure national technical standards according to regulations of the Minister of Health.

2. Clean water-supplying establishments shall apply technical measures to keep environmental sanitation and conduct self-examination to ensure the quality of clean water.

3. Competent state agencies in charge of health shall regularly examine the quality of clean water supplied by establishments and supervise the organization of regular medical checks-up for laborers working at these establishments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Agencies, organizations and individuals shall protect, keep clean and prevent contamination of. water sources used for daily life.

Article 15. Sanitation in the raising, transportation, slaughter and cull of cattle and poultry and other animals

1. Raising, transportation, slaughter and cull of cattle, poultry and other animals must ensure sanitation, neither causing pollution to the environment and water sources used for daily life nor dispersing agents of infectious disease.

2. Competent state agencies in charge of animal health shall guide organizations and individuals to take measures to ensure sanitation in the raising, transportation, slaughter and cull of cattle, poultry and other animals to order to prevent transmission of diseases to humans.

Article 16. Food hygiene and safety

1. Organizations and individuals engaged in cultivation, animal raising, gathering, fishing, preliminary processing, processing, packaging, preservation, transportation and trading of food shall ensure that food is not contaminated with agents of infectious disease and comply with other provisions of law on food hygiene and safety.

2. Consumers have the right of access to information on food hygiene and safety; are responsible for keeping food safety and hygiene; fully observe guidelines on food hygiene and safety; and report cases of food poisoning and food-borne diseases.

3. Competent state agencies in charge of food hygiene and safety shall guide organizations and individuals to take measures to ensure food hygiene and safety for preventing and controlling infectious diseases.

Article 17. Sanitation in construction

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Investment projects on construction of industrial parks, urban centers, residential areas or infectious disease examination and treatment establishments can be executed only after their health impact assessment reports have been appraised by competent health agencies.

3. Infectious disease examination and treatment establishments and establishments likely to transmit agents of infectious disease must be located at an environmentally safe distance from residential areas and nature reserves according to regulations of the Minister of Health.

4. Agencies, organizations and individuals shall assure sanitation in construction.

Article 18. Sanitation in the lying of corpses in state, embalmment, burial, and transportation of corpses or remains

1. Dead persons must be buried within 48 hours after death, except for corpses preserved according to regulations of the Minister of Health; if the dead is a person suffering from an infectious disease or suspected of suffering from an infectious disease of class A, his/her corpse must be disinfected and buried within 24 hours.

2. The preservation, lying of corpses in state, embalmment, burial, and transportation of corpses and remains comply with regulations of the Minister of Health.

Aiiicle 19. Other sanitation activities for preventing infectious diseases

1. Agencies, organizations and individuals shall take measures to keep clean their places of residence, public places, places of production and business and means of transport and treat industrial waste and garbage: and other measures to ensure sanitation in accordance with relevant legal provisions with a view to preventing the emergence and spread of infectious diseases.

2. Everyone is responsible for practicing personal hygiene to prevent infectious diseases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 20. Infectious disease surveillance activities

1. Supervising cases of infection, suspected infection and carrying of pathogens of infectious diseases.

2. Supervising agents of infectious disease.

3. Supervising vectors.

Article 21. Contents of infectious disease surveillance

1. Supervising cases of infection, suspected infection and carrying pathogens of infectious disease is to collect information on places, time and cases of morbidity and mortality; status of disease; status of immunology; major demographic characteristics and other necessary information.

In case of necessity, competent health agencies may take testing samples from persons suspected of suffering infectious diseases for supervision.

2. Supervising agents of infectious disease is to collect information relating to types, bio-characteristics and ways of transmission from sources of transmission.

3. Supervising vectors is to collect information relating to the quantity, density and composition of vectors and extent of their infection with agents of infectious disease.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Infectious disease surveillance reports shall be sent to competent state agencies in charge of health. An infectious disease surveillance report contains information specified in Article 21 of this Law.

2. Infectious disease surveillance reports must be made in writing. In case of emergency, such a report may be transmitted by fax, e-mail, telegraph, telephone or verbally and a written version must be sent within 24 hours afterwards.

3. Infectious disease surveillance reports include:

a/ Periodical reports;

b/ Quick reports:

c/ Irregular reports.

4. Upon receiving reports, competent state agencies in charge of health shall process information therein and notify reporting agencies thereof.

5. If an epidemic is confirmed, state agencies in charge of health shall immediately report it to superior state agencies in charge of health and persons competent to declare epidemics.

6. The Minister of Health shall specify regimes of information and reporting on infectious diseases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Peoples Committees at all levels shall direct and organize infectious disease surveillance in localities.

2. State agencies in charge of health shall assist Peoples Committees of the same level in directing health establishments to conduct infectious disease surveillance.

3. Health establishments shall carry out infectious disease surveillance activities. When detecting an environment with agents of a class-A infectious disease, a person suffering from a class-A infectious disease, a person suspected of suffering from a class-A infectious disease or a person carrying pathogens of a class-A infectious disease, health establishments shall notify state agencies in charge of health, and take cleansing, sterilization and disinfection and other measures for preventing and controlling infectious diseases.

4. Agencies, organizations and individuals shall, upon detecting an infectious disease or its signs, notify the nearest Peoples Committees, specialized health agencies or health establishments.

5. In the course of conducting infectious disease surveillance, testing establishments shall conduct tests at the request of competent health agencies.

6. The Minister of Health shall issue regulations on professional techniques in infectious disease surveillance.

7. The Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Natural Resources and Environment and other ministries and ministerial-level agencies shall, upon detecting infectious agents while performing their state management tasks and powers, coordinate with the Ministry of Health in surveillance activities.

Section 4. BIOSAFETY IN TESTING

Article 24. Assurance of biosafety in laboratories

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Government shall specify biosafety assurance in laboratories.

Article 25. Management of medical swabs

1. The collection, transportation, preservation, storage, study, exchange and destruction of medical swabs related to agents of infectious disease must comply with regulations on management of medical swabs.

2. Only qualified establishments may preserve, store, use, study, exchange and destroy medical swabs of class-A infectious diseases.

3. The Minister of Health shall specify the management of medical swabs and conditions of medical swab management establishments mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 26. Protection of persons working in laboratories

1. Persons working in laboratories in contact with agents of infectious disease must be provided with training in knowledge and skills and personal protection outfits to prevent infection with agents of infectious disease.

2. Persons working in laboratories in contact with agents of infectious disease shall observe technical processes in conducting tests.

Section 5. USE OF VACCINES AND MEDICAL BIO-PRODUCTS FOR DISEASE PREVENTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Vaccines and medical bio-products in use must meet all conditions specified in Article 36 of the Pharmacy Law.

2. Vaccines and medical bio-products may be used voluntary or obligatory manner.

3. Vaccines and medical bio-products must be used for proper purposes and target groups and according to proper schedule, categories and technical processes.

4. Vaccines and medical bio-products must be used at qualified health establishments.

Article 28. Voluntary use of vaccines and medical bio-products

1. Everyone has the right to use vaccines and medical bio-products to protect the health of their own and their community.

2. The State shall support and encourage citizens to voluntarily use vaccines and medical bio-products.

3. Medical practitioners and health workers directly involved in taking care of and treating persons suffering from infectious diseases, persons working in laboratories in contact with agents of infectious diseases may use free of charge vaccines and medical bio-products.

Article 29. Obligatory use of vaccines and medical bio-products

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Children and pregnant women are obliged to use vaccines and medical bio-products for infectious diseases under the expanded program on immunization.

3. Parents or guardians of children and everyone shall follow requests of competent health establishments in the obligatory use of vaccines and medical bio-products.

4. Obligatory use of vaccines and medical bio-products is free of charge in the following cases:

a/ Persons at risk of contracting infectious diseases in epidemic zones;

b/ Persons appointed by competent agencies to enter epidemic zones;

c/ Persons specified in Clause 2 of this Article.

Article 30. Responsibility for organizing the use of vaccines and medical bio-products

1. The State shall ensure funds for the use of vaccines and medical bio-products in Clause 3, Article 28, and Clause 4, Article 29 of this Article.

2. The Minister of Health shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Organize the implementation of the expanded program on immunization and stipulate a list of infectious diseases for which the use of vaccines and medical bio-products is obligatory and the age of children covered by the expended program on immunization under Clause 2, Article 29 of this Law;

c/ Stipulate the scope of obligatory use of vaccines and medical bio-products and groups of persons obliged to use vaccines and medical bio-products depending on the situation of epidemics:

d/ Stipulate the use of vaccines and medical bio-products mentioned in Clause 3, Article 27 of this Law; and conditions on health establishments mentioned in Clause 4, Article 27 of this Law;

e/Stipulate the establishment, organization and operation of professional advisory councils to consider causes of complications in the use of vaccines and medical bio-products mentioned in Clause 5 and Clause 6 of this Article.

3. Peoples Committees of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level Peoples Committees) shall direct the organization of the immunization and use of vaccines and medical bio-products.

4. Health establishments are responsible for the immunization and use of vaccines and medical bio-products within their professional scope according to regulations of the Minister of Health.

5. If organizations and individuals producing, trading in and preserving vaccines and medical bio-products are at fault in the production, trading or preservation of vaccines and medical bio-products, they are liable for their acts of violation that cause complications to users of vaccines or medical bio-products according to law.

6. When receiving expanded immunization, if immunized persons experience complications which seriously affect their health or lead to their death, the State shall pay compensations to the victims. In case such complications are due to the fault of organizations or individuals producing, trading in or preserving vaccines and medical bio-products or of immunization workers, these organizations and individuals shall pay indemnities to the State in accordance with law.

Section 6. PREVENTION OF TRANSMISSION OF INFECTIOUS DISEASES WITHIN MEDICAL EXAMINATION AND TREATMENT ESTABLISHMENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Isolation of persons suffering from infectious diseases.

2. Disinfection and sterilization of the environment and treatment of wastes at medical examination and treatment establishments.

3. Personal protection, personal hygiene.

4. Other professional measures as prescribed by law.

Article 32. Responsibilities of medical examination and treatment establishments in the prevention of transmission of infectious diseases

1. To take isolation measures suitable to each class of diseases; to take comprehensive care of infectious disease patients. A patient who refuses to comply with the isolation request of a medical examination and treatment establishment shall be subjected to an isolation measure according to regulations of the Government.

2. To organize the implementation of measures to disinfect and sterilize the environment and treat wastes in medical examination and treatment establishments.

3. To ensure adequate protective outfits and personal hygiene conditions for medical

practitioners, health workers, patients and patients relatives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To report information relating to persons suffering from infectious diseases to preventive medicine agencies of the same level.

6. To take other professional measures in accordance with law.

Article 33. Responsibilities of medical practitioners and health workers in the prevention of transmission of infectious diseases within medical examination and treatment establishments

1. To take measures for preventing transmission of infectious diseases specified in Article 31 of this Law.

2. To give counseling on measures for preventing transmission of infectious diseases for patients and their relatives.

3. To keep secret information relating to patients.

Article 34. Responsibilities of patients and their relatives in the prevention of transmission of, infectious diseases within medical examination and treatment establishments

1. Patients have the following responsibilities:

a/ To honestly declare the developments of their diseases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ For persons suffering from a class-A infectious disease, immediately after being discharged from hospital, to register for health monitoring with health establishments of wards, communes or townships where they reside.

2. Patients relatives shall follow instructions of medical practitioners and health workers and rules of medical examination and treatment establishments.

Chapter 3

BORDER QUARANTINE

Article 35. Objects and places of border quarantine

1. Border quarantine is applied to:

a/ Persons entering, leaving or transiting Vietnam;

b/ Means of transport entering, leaving or transiting Vietnam;

c/ Goods imported into, exported from, or transiting Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Border quarantine is conducted at border gates.

Article 36. Contents of border quarantine

1. Objects of border quarantine specified in Clause 1, Article 35 of this Law are subject to medical declaration.

2. Medical inspection includes inspection of health-related papers and physical inspection. Physical inspection shall be conducted of objects originating from or going through epidemic zones or suspected of suffering from an infectious disease or carrying agents of infectious disease.

3. Medical disposal shall be conducted after medical inspection has been conducted and objects of border quarantine are detected to carry agents of a class-A infectious disease. If receiving information reported by owners of means of transport or obtaining explicit evidences that a means of transport, a person or cargo carries agents of a class-A infectious disease, the means of transport, persons or cargo on board the means of transport must be isolated for medical inspection before it/they are allowed to carry out procedures for entering, leaving or transiting Vietnam; if it/they fails/fail to comply with the isolation request of the border quarantine body, an isolation measure shall be taken against it/them.

4. Infectious disease surveillance shall be conducted in border-gate areas under the provisions of Section 3, Chapter II of this Law.

Article 37. Responsibilities in conducting border quarantine

1. Persons specified at Point a, Clause 1 of Article 35, owners of means of transport or managers of objects specified at Points b, c and d, Clause 1, Article 35 of this Law shall make health declaration; comply with medical monitoring, inspection and disposal measures, and pay border quarantine charges as prescribed by law.

2. Border quarantine bodies shall organize the implementation of quarantine contents specified in Article 36 of this Law and issue medical disposal certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Competent state agencies shall coordinate with concerned agencies offoreign countries and international organizations in the prevention and control of infectious diseases in border areas.

5. The Government shall issue specific regulations on border quarantine.

Chapter 4

EPIDEMIC COMBAT

Section 1. EPIDEMIC ANNOUNCEMENT

Article 38. Principles, competence, time limit and conditions for epidemic announcement

1. Epidemic announcement must abide by the following principles:

a/ All cases of epidemic must be announced;

b/ Announcement of an epidemic and its termination must be public, accurate, timely and duly made.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Provincial-level Peoples Committee presidents announce epidemics at the request of provincial-level Health Service directors, forclass-A and class-B infectious diseases;

b/ The Minister of Health announce epidemics at the request of provincial-level Peoples Committee presidents, for class-A infectious diseases and for some class-B infectious diseases which have been announced in two or more provinces and centrally run cities;

c/ The Prime Minister announce epidemics at the request of provincial-level Peoples Committee presidents, for class-A infectious diseases, which quickly spread from one province to another, seriously affecting human life and health.

3. Within 24 hours after receiving a request for epidemic announcement, competent persons specified in Clause 2 of this Article shall make decision on epidemic announcement.

4. The Prime Minister shall issue specific regulations on conditions for epidemic announcement.

Article 39. Details of epidemic announcement

1. An epidemic announcement contains:

a/ Name of the epidemic;

b/Time, place and scope of occurrence of the epidemic;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Measures for preventing and controlling the epidemic;

e/ Medical examination and treatment establishments that admit and treat persons suffering from infectious diseases.

2. The details specified in Clause 1 of this Article must be promptly notified to related agencies, organizations and individuals for taking anti-epidemic measures.

Article 40. Conditions and competence for announcing epidemic termination

1. Conditions for announcing termination of an epidemic include:

a/ No new cases of infection are detected after a particular period of time and other conditions are met for each epidemic as stipulated by the Prime Minister;

b/ Anti-epidemic measures have been taken as prescribed in Section 3, Chapter IV of this Law.

2. Persons competent to announce epidemics are competent to announce termination of epidemics at the request of competent agencies specified in Clause 2, Article 38 of this Law.

Article 41. News on epidemics

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. DECLARATION OF A STATE OF EMERGENCY IN CASE OF EPIDEMIC

Article 42. Principles and competence for declaring a state of emergency in case of epidemic

1. Declaration of a state of emergency in case of an epidemic must comply with the following principles:

a/ When an epidemic rapidly spreads on a wide area, seriously threatening human health and life and the national socio-economic situation, a state of emergency must be declared;

b/ Declaration of a state of emergency must be public, accurate, timely and duly made.

2. The National Assembly Standing Committee shall issue a resolution to declare a state of emergency at the request of the Prime Minister; in case the National Assembly Standing Committee cannot meet immediately, the President shall ls^ue an order to declare a state of emergency.

Article 43. Details of declaration of a state of emergency upon the occurrence of an epidemic

1. Reason for declaring a state of emergency.

2. Geographical area placed under a state of emergency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Competence to organize the enforcement of the resolution or order to declare a state of emergency.

Article 44. Competence to terminate a state of emergency upon the end of an epidemic

After the epidemic has been stamped out, at the request of the Prime Minister, the National Assembly Standing Committee shall issue a resolution or the President shall issue an order to terminate the state of emergency it/he/she has declared.

Article 45. Reporting news in a state of emergency

1. The Vietnam News Agency, the Radio Voice of Vietnam, the Vietnam Television, Nhan Dan (People) newspaper and Quan Doi Nhan Dan (Peoples Army) newspaper shall immediately carry the full text of the resolution of the National Assembly Standing Committee or the order of the President to declare a state of emergency in case of epidemic, decisions of the Prime Minister to enforce the resolution of the Standing Committee of the National Assembly or the order of the President to declare a state of emergency in case of epidemic; promptly carry news on measures already taken in the area placed under a state of emergency and the overcoming of epidemic consequences; and carry the full text of the resolution of the National Assembly Standing Committee or the order of the President to terminate a state of emergency.

Resolutions of the National Assembly Standing Committee or orders of the President declaring termination of a state of emergency must be publicly posted at offices of agencies and organizations and in public places.

2. Other central and local mass media shall carry news on the declaration and termination of a state of emergency in case of epidemic and the process of overcoming epidemic consequences.

Section 3. ANTI-EPIDEMIC MEASURES

Article 46. Establishment of anti-epidemic steering committees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The membership of an anti-epidemic steering committee is stipulated as follows:

a/ A national anti-epidemic steering committee consists of representatives of health, finance, information-communication, foreign affairs, defense, public security and other related agencies. Depending on the area in which an epidemic is announced and its characteristics, the Prime Minister may act or designate a deputy prime minister or the Minister of Health to act as head of the steering committee. The Ministry of Health is the standing body of the steering committee;

b/ A provincial-level, district-level or commune-level anti-epidemic steering committee consists of representatives of health, finance, information-communication, army, public security and other related agencies. The head of an anti-epidemic steering committee is the president of the Peoples Committee of the same level. The health agency of the same level shall act as the standing body of the steering committee.

3. An anti-epidemic steering committee has the tasks of taking anti-epidemic measures and overcoming epidemic consequences, and set up mobile anti-epidemic teams to directly render first aid, provide medical treatment and deal with epidemic foci.

4. The Prime Minister shall issue specific regulations on the competence to set up anti-epidemic steering committees at all levels, and their organization and operation.

Article 47. Epidemic declaration and reporting

1. Upon the occurrence of an epidemic, persons suffering from the disease or persons detecting cases of infection or suspected cases of infection shall report them to the nearest health agencies within 24 hours after detecting the epidemic.

2. Upon detecting cases of infection or reported information on an epidemic, health agencies shall report them to the Peoples Committees of places where the epidemic has occurred and preventive medicine establishments for urgently deploying anti-epidemic measures.

3. The Minister of Health shall issue specific regulations on epidemic declaration and reporting regime.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Anti-epidemic steering committees shall direct the application of the following measures for rendering first aid and providing medical examination and treatment for persons suffering from and suspected of suffering from an epidemic disease:

1. Classifying and rendering timely first or emergency aid for persons suffering from the epidemic disease under the Health Ministrys diagnosis and treatment instructions;

2. Mobilizing vehicles, medicines, medical equipment, hospital beds and medical examination and treatment establishments and capable health workers to work around the clock and are prepared to render first aid and medical examination and treatment to combat epidemics. Persons suffering from an epidemic disease of class A are entitled to free medical examination and treatment.

3. Based on the characteristics, seriousness and scale of an epidemic, the anti-epidemic steering committee shall make decision to take the following measures:

a/ Organizing medical treatment establish-ments right in epidemic zones to receive and treat persons suffering from the epidemic disease;

b/ Sending mobile anti-epidemic teams to epidemic zones to detect, render first aid and provide on-spot treatment for persons suffering from the epidemic disease and transfer them to medical examination and treatment establishments;

c/ Mobilizing medical examination and treatment establishments to participate in providing first aid and medical examination and treatment to combat epidemics;

d/ Applying other necessary measures as prescribed by law.

Article 49. Organization of medical isolation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Forms of isolation include home-based isolation and isolation at medical examination and treatment establishments or other establishments and places.

3. Health establishments located in epidemic zones shall organize isolation according to instructions of heads of anti-epidemic steering committees. If those persons defined in Clause 1 of this Article fail to comply with isolation requests of health establishments, isolation measures shall be taken against them according to regulations of the Government.

Article 50. Sanitation, disinfection and sterilization in epidemic zones

1. Sanitation, disinfection and sterilization measures include:

a/ Keeping environmental sanitation, water and food hygiene, and personal hygiene;

b/ Disinfecting and sterilizing areas identified to have or suspected of having epidemic agents;

c/ Culling animals and destroying food and other articles that are vectors.

2. Mobile anti-epidemic teams shall take sanitation, disinfection and sterilization measures according to processional processes upon request of anti-epidemic steering committees.

3. Agencies, organizations and individuals shall take sanitation, disinfection and sterilization measures according to instructions of competent health agencies; if they refuse to voluntarily take these measures, health agencies may apply compulsory ones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons participating in anti-epidemic activities and persons at risk of contracting an epidemic disease shall take one or several of the following personal protection measures:

a/ Equipping themselves with personal protection devices;

b/ Taking preventive medicines;

c/ Taking vaccines and medical bio-products against diseases;

d/ Using chemicals for sterilization and chemicals against vectors.

2. The State shall assure conditions for persons participating in anti-epidemic activities to take personal protection measures specified in Clause 1 of this Article.

Article 52. Other anti-epidemic measures to be taken during an epidemic

1. In case of necessity, competent state agencies may apply one of the following anti-epidemic measures:

a/ Suspending operation of public food and drink establishments likely to transmit the epidemic disease in epidemic zones;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Prohibiting mass gatherings or suspending activities and services in public places in epidemic zones.

2. The Government shall issue specific regulations on the application of measures specified in Clause 1 of this Article.

Article 53. Control of entry into and exit from class-A epidemic zones

1. Measures for controlling entry into and exit from zones infected with class-A epidemic diseases:

a/ Restricting persons and means of transport from entering and leaving epidemic zones; in case of necessity, medical inspection, surveillance and disposal shall be conducted;

b/ Prohibiting transportation from epidemic zones of articles, animals, plants, food and other commodities capable of transmitting the epidemic disease;

c/ Taking personal protection measures, for persons entering epidemic zones specified in Clause 1, Article 51 of this Law;

d/ Other necessary measures as prescribed by law.

2. Heads of anti-epidemic steering committees shall set up quarantine posts and stations at road junctions leading to epidemic zones for taking measures specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Setting up anti-epidemic steering committees in a state of emergency under the provisions of Point a. Clause 2. Article 46 of this Law.

2. When declaring a state of emergency in case of epidemic, the head of the steering committee has the following powers:

a/ Mobilizing and requisitioning resources specified in Article 55 of this Law;

b/ Placing signboards, guard stations and instructions on travel bypassing epidemic zones;

c/ Requesting medical inspection and disposal of means of transport before they leave epidemic zones;

d/ Prohibiting mass gathering and other activities likely to transmit the epidemic disease in epidemic zones;

e/ Prohibiting persons and vehicles from entering epidemic foci, except for those on duty;

f/ Conducting disinfection and sterilization on a large scale;

g/ Culling animals and destroying food and other articles likely to transmit the epidemic disease to humans;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55. Mobilization and requisition of resources for anti-epidemic activities

1. Depending on the nature, extent of danger and scope of an epidemic threatening the peoples health, competent persons may mobilize people, mobilize and requisition physical facilities, medical equipment, medicines, chemicals, medical supplies, public service facilities, means of transport and other resources to combat the epidemic. Means of transport mobilized in anti-epidemic activities are entitled to priorities according to the traffic law.

2. Requisition stipulated in Clause 1 of this Article complies with the provisions of law on compulsory purchase and requisition of property. Requisitioned property must be cleansed, disinfected and sterilized before they are returned to their owners.

3. The Government and Peoples Committees at all levels shall assure conditions for implementing anti-epidemic measures in accordance with this Law.

Article 56. International cooperation in anti-epidemic activities

1. During an epidemic, depending on its nature and degree of danger, the Minister of Health shall decide on international cooperation in the exchange of medical swabs, epidemic information, professional and technical issues, equipment and funds in anti-epidemic activities.

In case of declaring a state of emergency, the Prime Minister shall call on foreign countries and international organizations to support resources for anti-epidemic efforts and coordinate in implementing measures for preventing epidemictransmission.

Chapter 5

CONDITIONS FOR ASSURING PREVENTION AND CONTROL OF INFECTIOUS DISEASES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Infectious disease prevention and control establishments include:

a/ Preventive medicine establishments;

b/ Infectious disease examination and treatment establishments, including infectious disease hospitals, infectious disease departments of general hospitals of districts, towns and provincial cities and higher levels, and other health establishments having the task of infectious disease examination and treatment.

2. General hospitals of districts, towns, provincial cities and higher levels shall set up infectious disease departments.

3. The Minister of Health shall issue regulations on locations, design, conditions on technical and physical bases, equipment and personnel of infectious disease examination and treatment establishments.

Article 58. Training and re-training of infectious disease prevention and control workers

1. The State shall formulate plannings and plans for and prioritize professional training and re-training for infectious disease prevention and control workers.

2. The Minister of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Minister of Education and Training and heads of concerned agencies and organizations in, providing professional training and re-training for infectious disease prevention and control workers.

Article 59. Entitlements for infectious disease prevention and control workers and anti-epidemic workers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Anti-epidemic workers are entitled to anti-epidemic allowances and, if contracting a disease, occupational risk benefits.

3. In the process of controlling an epidemic, if anti-epidemic workers die or are injured when courageously saving other persons, they may be considered for recognition as war fallen heroes or invalids and enjoy policies applicable to war invalids in accordance with the law on preferential treatment of persons with meritorious services to the revolution.

4. The Prime Minister shall specify benefits mentioned in Clauses 1,2 and 3 of this Article.

Article 60. Funds for infectious disease prevention and control work

1. Funds for infectious disease prevention and control work include:

a/ State budget funds;

b/ Aid capital;

c/ Funds of other sources as prescribed by law.

2. Annually, the State shall assure sufficient funds in a timely manner for infectious disease prevention and control activities. These funds may not be used for other purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The State shall build up national reserves of fund, medicines, chemicals and medical equipment for anti-epidemic work.

2. The building, organization, management, administration and use of national reserves for anti-epidemic work comply with the provisions of law on national reserves.

Article 62. Anti-epidemic support funds

1. Anti-epidemic support funds shall be set up and operate according to law to support the treatment of and care for persons suffering from infectious diseases and other anti-epidemic activities.-

2. The funds financial sources are formed from voluntary contributions and financial donations of domestic and international organizations and individuals.

Chapter 6

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 63. Implementation effect

This Law takes effect on July 1, 2008.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Government shall detail the implementation of this Law.

This Law was passed on November 21, 2007, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at the 2nd session.

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Phu Trong

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


149.173

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.13.127
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!