ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 834/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 12
tháng 3 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ
MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định
1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh
và sơ sinh đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai trên
địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung
Tăng cường các hoạt động truyền
thông, triển khai các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và tầm
soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao
chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến
năm 2030.
2. Mục tiêu
cụ thể
- Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện
trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn;
sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm
2025; 90% vào năm 2030;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có
điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc
trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90%
năm 2030;
- Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên
được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% vào năm 2030
và giảm 50% số trường hợp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống;
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm
soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt
50% vào năm 2025; 70% vào năm 2030;
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh đẻ tại các cơ
sở y tế được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ
biến nhất đạt 70% năm 2025; đạt 90% năm 2030.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Tăng
cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về tầm soát chẩn
đoán một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trong việc chỉ đạo, huy động, giám sát các ban, ngành,
đoàn thể địa phương thực hiện truyền thông, vận động người dân thay đổi hành
vi, thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tình trạng tảo hôn, hôn
nhân cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
2. Triển
khai thực hiện các biện pháp truyền thông, tuyên truyền, tư vấn cho người dân
- Phát huy vai trò của Chính
quyền cấp cơ sở và các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong
công tác vận động, tuyên truyền. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận
động các đoàn thể, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng và người dân ủng hộ,
tham gia thực hiện các hoạt động tầm soát chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh
và sơ sinh, thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;
thanh niên không tảo hôn, không kết hôn cận huyết.
- Đa dạng hóa, lồng ghép các loại
hình truyền thông, tuyên truyền, phát triển hệ thống điểm tư vấn tại các cơ sở
cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để tăng tính
tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ tầm soát chẩn đoán một số bệnh tật
trước sinh và sơ sinh. Tổ chức truyền thông trên hệ thống phát thanh, truyền
hình và tăng tiếp cận với người dân trên các mạng xã hội.
3. Các giải
pháp về chuyên môn
a) Xây dựng tài liệu chuyên
môn, tài liệu truyền thông, tuyên truyền cho người dân về sàng lọc, chẩn đoán,
điều trị một số bệnh tật trước sinh
- Trên cơ sở các hướng dẫn của
Bộ Y tế, xây dựng tài liệu truyền thông, tuyên truyền các nội dung liên quan đến
vận động người dân tham gia tầm soát chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh và sơ
sinh để cung cấp cho các cơ sở y tế, chính quyền địa phương và các tổ chức
chính trị - xã hội để thực hiện hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động.
- Xây dựng các hướng dẫn chuyên
môn liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và
sơ sinh; tổ chức phổ biến, đào tạo cho nhân viên y tế tham gia cung cấp dịch vụ
để triển khai thực hiện.
b) Triển khai các điểm tư vấn,
sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh: Rà soát, xây dựng lộ
trình cụ thể để triển khai các điểm khám sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn, sàng lọc,
chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh trên địa bàn tỉnh.
Trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để triển khai dịch
vụ cho các điểm cung cấp dịch vụ.Phân cấp cụ thể các dịch vụ tầm soát, chẩn
đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho các cơ sở y tế từ tuyến
tỉnh đến tuyến xã, phổ biến rộng rãi điểm cung cấp dịch vụ đến chính quyền cơ sở,
người dân biết, sử dụng dịch vụ.
c) Tăng cường quản lý thai sản
tại tuyến y tế cơ sở
- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm
vụ quản lý thai sản tại tuyến y tế cơ sở, lồng ghép nội dung tư vấn và sàng lọc,
chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh trong quy trình quản
lý.
- Tăng cường công tác giám sát
hỗ trợ từ tuyến trên đối với tuyến y tế cơ sở trong cung cấp các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe tiền hôn nhân và tổ chức tư vấn, sàng lọc,
chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh.
d) Đào tạo, nâng cao năng lực
cung cấp các dịch vụ tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước
sinh, sơ sinh
- Tổ chức các khóa đào tạo nâng
cao năng lực cho cán bộ y tế để thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn và
cung cấp các dịch vụ tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước
sinh, sơ sinh.
- Từng bước chuẩn hóa các quy
trình chuyên môn trong công tác khám sức khỏe tiền hôn nhân, truyền thông, tư vấn
và cung cấp các dịch vụ tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật
trước sinh, sơ sinh.
4. Đẩy mạnh
phối hợp liên ngành trong thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán,
điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh: Phát huy vai trò chủ đạo của chính quyền các cấp trong chỉ đạo
phối hợp liên ngành trong các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh,
tật trước sinh và sơ sinh.Xây dựng các mô hình truyền thông, lồng ghép với các
mô hình sẵn có liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình
để triển khai công tác truyền thông, vận động.
5. Huy động
nguồn lực tham gia thực hiện Kế hoạch
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tầm
soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tạo điều kiện
thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Kế hoạch; huy động toàn bộ
mạng lưới y tế, dân số tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo
đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.
- Vận động các nguồn lực, tài
trợ trong và ngoài tỉnh để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch;
tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo,
trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế
hoạch do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố
trí trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện
kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn liên
quan.
2. Đối với các nhiệm vụ
của ngành Y tế, kinh phí được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp y tế của Sở Y
tế hàng năm; theo phân cấp quản lý, Sở Y tế phân bổ cho các đơn vị trực thuộc
thực hiện theo quy định.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả; hàng
năm lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố
trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
- Chủ động triển khai các giải
pháp về chuyên môn, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch. Hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Kế hoạch, báo cáo
Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
2. Sở Tài
chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp y
tế để thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh, phù hợp khả năng ngân sách theo quy
định.
3. Sở Kế
hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu Uỷ ban
nhân dân tỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện Kế hoạch
này.
4. Sở
Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo
chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường nội dung tuyên truyền, thời lượng
phát sóng, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục về dân số và
các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ
sinh.
5. Báo
Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình: Bố trí thời lượng phát
sóng, số lượng bài viết tuyên truyền các nội dung về giảm tình trạng tảo hôn và
hôn nhân cận huyết; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi; cung cấp thông tin về các cơ sở có cung cấp dịch
vụ và tham gia các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước
sinh và sơ sinh.
6. Sở Giáo
dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế triển khai có hiệu quả hoạt
động giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng
giới và giới tính cho học sinh trong hệ thống giáo dục.
7. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện Kế
hoạch trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt
động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
8. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội:
Phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch và tham gia đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, phổ biến, vận động trong nhân dân về chính sách dân số và phát
triển nói chung, tuyên truyền, giáo dục về dân số và các dịch vụ tầm soát, chẩn
đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
Tổ chức tuyên truyền, vận động Hội viên các cấp thực hiện chính sách dân số,
kế hoạch hóa gia đình, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai để có quy
mô gia đình nhỏ từ 1 đến 2 con. Lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, bình
đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình... trong các buổi sinh hoạt của Hội.
Tuyên truyền, giáo dục về dân số và các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một
số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
- Tỉnh đoàn Kon Tum: Thường
xuyên tổ chức tuyên truyền, cung cấp cho đoàn viên, thanh niên những kiến thức
về vấn đề dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành
niên, thanh niên. Tuyên truyền thanh niên tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân,
vận động thanh niên không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tham gia các dịch
vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Tăng
cường tuyên truyền lồng ghép các nội dung về dân số, kế hoạch hóa gia đình
thông qua sinh hoạt Đoàn định kỳ và các hoạt động thường xuyên của chi Đoàn./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban ngành thuộc tỉnh;
- Các tổ chức, đoàn thể CT-XH;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXPTDL
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|