ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38/KH-UBND
|
Tuyên Quang,
ngày 08 tháng 7 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHIẾN
DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG SỞI – RUBELLA CHO TRẺ EM TỪ 1-14 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TUYÊN QUANG TỪ NĂM 2014-2015
Căn cứ Thông
tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/03/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý sử
dụng vắc xin trong tiêm chủng; Quyết định số 1878/QĐ-BYT ngày 25/5/2014 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin sởi - rubella (MR) trong
Tiêm chủng mở rộng;
Uỷ ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi- rubella
trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2014 - 2015 như sau.
I. MỤC TIÊU
- Phấn đấu trên 95% trẻ từ 1 đến
14 tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch.
- Phấn
đấu 100% trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm
chủng theo quy định của Bộ Y tế.
II. THỜI GIAN, PHẠM VI, HÌNH
THỨC TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH
1. Thời gian triển khai chiến
dịch: Từ tháng 7/2014 đến hết tháng 12/2014.
2. Phạm vi triển khai chiến
dịch:
- Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh,
gồm 2.095 thôn bản thuộc 141 xã, phường, thị trấn tại 7/7 huyện, thành phố.
- Số đối tượng dự kiến được tiêm
vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch: 180.230 trẻ (từ 1- 14 tuổi).
3. Hình thức: Tổ chức thành chiến dịch (triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ cả 3 nhóm
tuổi trên địa bàn tỉnh, không lồng ghép với tiêm chủng thường xuyên), chiến
dịch triển khai ở 3 tuyến, cụ thể như sau
3.1. Tuyến
tỉnh sẽ thực hiện thành 3 đợt:
- Đợt 1: Trong tháng 10/2014,
triển khai chiến dịch tại huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.
- Đợt 2: Trong tháng 11/2014,
triển khai chiến dịch tại huyện Yên Sơn và huyện Chiêm Hóa.
- Đợt 3: Trong tháng 12/2014,
triển khai chiến dịch tại huyện Hàm Yên, huyện Na Hang và huyện Lâm Bình.
3.2. Tại
tuyến huyện, thành phố tổ chức thành 3 đợt (mỗi đợt triển khai chiến dịch tại
1/3 số xã, phường, thị trấn do huyện, thành phố lựa chọn).
3.3. Tại
tuyến xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm vắc xin sởi-rubella
từ 4 - 6 ngày tùy theo số lượng trẻ trên địa bàn.
III. NỘI
DUNG VÀ GIẢI PHÁP
1.
Công tác chỉ đạo: Thành lập Ban chỉ đạo các cấp
để chỉ đạo thực hiện chiến dịch, cụ thể:
1.1. Ban
Chỉ đạo tuyến tỉnh gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh; Phó trưởng ban là Lãnh đạo Sở Y tế; các thành viên Ban chỉ đạo gồm đại
diện lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo; lãnh
đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh; mời đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh, Tỉnh đoàn Tuyên Quang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia
thành viên Ban Chỉ đạo. Thời gian hoàn thành trước
15/7/2014.
1.2. Ban
Chỉ đạo tuyến huyện gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, thành phố; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện,
thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Phòng Y tế và các phòng,
ban, đoàn thể xã hội có liên quan. Thời gian hoàn thành
trước 25/7/2014.
1.3. Ban
Chỉ đạo tuyến xã gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phường,
thị trấn; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Trạm trưởng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn;
thành viên Ban Chỉ đạo là các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội có liên quan. Thời gian hoàn thành trước 10/8/2014.
2. Thông tin, truyền thông
Thực hiện tuyên truyền về chiến
dịch tiêm chủng liên tục ít nhất 2 tuần trước khi chiến
dịch diễn ra và trong thời gian thực hiện chiến dịch: Tuyên truyền nêu rõ về
mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella, tác
dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm chủng dưới nhiều hình thức khác nhau.
3. Các hoạt động triển khai về
công tác chuyên môn, kỹ thuật
3.1. Tổ
chức các Hội nghị triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ
em từ 1-14 tuổi trên địa bàn tỉnh và các huyện, thành phố. Thời gian hoàn thành
trước ngày 30/7/2014.
3.2 Tập huấn chuyên môn: Triển khai tập huấn cho cán bộ
y tế tuyến tỉnh, huyện, xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chương
trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/08/2014.
3.3. Điều tra, phân loại đối tượng để triển khai tiêm
chủng:
- Nhóm trẻ từ
11 – 14 tuổi (trẻ sinh từ năm 2000 - 2003); gồm học sinh trung học cơ
sở; trung học phổ thông dân tộc nội trú và trẻ tại cộng đồng.
- Nhóm trẻ từ
6 – 10 tuổi (sinh từ năm 2004 - 2008); gồm học sinh các trường tiểu học
và trẻ tại cộng đồng.
- Nhóm trẻ từ
1 – 5 tuổi (sinh từ năm 2009 - 2013); gồm trẻ trong các nhà trẻ, mẫu
giáo và trẻ tại cộng đồng.
Thời gian thực
hiện: Hoàn thành trước khi tổ chức chiến dịch 01 tháng.
3.4. Bố
trí điểm tiêm chủng, điểm trực cấp cứu
a) Bố trí điểm tiêm chủng
- Cơ sở tiêm chủng cố định: Tại
Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.
- Điểm tiêm chủng lưu động: Bố trí
tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo và tại thôn, bản (Hội trường thôn, Nhà
Văn hóa thôn).
- Điểm tiêm chủng phải đảm bảo yêu
cầu theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/03/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý sử dụng vắc xin
trong tiêm chủng.
b) Bố trí điểm
thường trực cấp cứu lưu động: Chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, trang thiết
bị phục vụ cấp cứu kịp thời trong suốt thời gian triển khai chiến dịch, không
để các tai biến nặng xảy ra.
4. Tiếp nhận, vận chuyển vắc
xin và cung cấp vật tư, biểu mẫu: Thực hiện tiếp nhận,
bảo quản, vận chuyển vắc xin và cung cấp vật tư,
biểu mẫu cho chiến dịch tới các điểm tiêm chủng đảm bảo theo đúng quy định tại
Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/03/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý sử dụng vắc xin
trong tiêm chủng.
5. Công tác kiểm tra, giám sát,
thông tin, báo cáo:
- Công
tác kiểm tra giám sát cần được thực hiện ngay từ thời gian chuẩn bị chiến dịch
và trong suốt thời gian triển khai chiến dịch. Mỗi tuyến cần được kiểm tra giám
sát tối thiểu 2 lần.
- Ban Chỉ đạo tuyến tỉnh có trách
nhiệm kiểm tra giám sát tuyến huyện, xã và các điểm tiêm chủng; tuyến huyện có
trách nhiệm kiểm tra giám sát tuyến xã và các điểm tiêm chủng. Sau mỗi đợt kiểm
tra giám sát, phải tổng hợp báo cáo ngay kết quả với Trưởng Ban Chỉ đạo các
tuyến để đánh giá, rút kinh nghiệm và có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
6. Tổng kết, thi đua khen thưởng:
Sau khi kết thúc chiến dịch Ban Chỉ đạo các cấp thực
hiện tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chiến dịch
trên địa bàn và thực hiện báo cáo theo quy định; đề nghị các cấp có thẩm quyền
khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển
khai thực hiện chiến dịch theo quy định.
7. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí Trung ương: Do GAVI tài
trợ và từ dự án tiêm chủng mở rộng.
- Nguồn ngân sách của tỉnh: Giao
Sở Y tế tổng hợp, đề xuất gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế (Cơ quan thường trực)
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân
tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc
xin phòng sởi - rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2014 –
2015.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan hướng dẫn và triển khai tổ chức
thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành
thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật trong công tác triển khai thực
hiện chiến dịch trên địa bàn.
- Xây dựng kế
hoạch đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm tiêm chủng
bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử lý
các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc,
kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo
tình hình thực hiện chiến dịch với Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy
định.
2.
Sở Tài chính: Thẩm định trình Ủy ban nhân dân
tỉnh kinh phí thực hiện chiến dịch theo quy định.
3.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, điều tra danh sách
trẻ thuộc diện tiêm chủng vắc xin sởi- rubella trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với
Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, giám sát trước trong và sau
chiến dịch.
4.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên
Quang: Tăng
cường công tác tuyên truyền về chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi- rubella trên
địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức ở tất cả các tuyến trước và trong suốt thời
gian triển khai chiến dịch.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện
chiến dịch; phân công lãnh đạo và đơn vị chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện
chiến dịch theo yêu cầu.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế,
cơ quan liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo chiến dịch tuyến tỉnh để chỉ
đạo các cấp, các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện nghiêm túc các
hướng dẫn chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện chiến dịch.
6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn
thể các cấp: Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính
quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân
tích cực tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ em từ
1-14 tuổi trên địa bàn.
Trên đây là Kế
hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi- rubella trên địa bàn tỉnh
Tuyên Quang từ năm 2014 - 2015. Yêu cầu các sở, ban, ngành,
các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển
khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc
vượt thẩm quyền, báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế tổng hợp) để chỉ
đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Trưởng phòng VX, TH, NC;
- CV: TC;
- Lưu: VT, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thị Bích Việt
|