ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3048/KH-UBND
|
Phú Thọ, ngày 14
tháng 7 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN BẠI LIỆT (IPV)
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2020 - 2021
Thực hiện Quyết định
số 2126/QĐ-BYT, ngày 21/05/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ
sung vắc xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xây dựng
Kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin bại liệt trên địa bàn tỉnh năm
2020-2021, cụ thể như sau:
I. THÔNG TIN CHUNG.
Phú Thọ là tỉnh
thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01
thành phố, 01 thị xã và 11 huyện. Trong đó chia thành 225 đơn vị hành chính cấp
xã, phường, thị trấn. Dân số của tỉnh là 1.466.000 triệu người, trong đó số trẻ
dưới 1 tuổi là 24.288, số phụ nữ có thai là 23.822 người.
Hệ thống y tế
tham gia công tác tiêm chủng mở rộng (sau đây viết tắt là TCMR) của tỉnh Phú Thọ
gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 01 Bệnh viện đa khoa tỉnh, 11 Trung tâm
y tế hai chức năng, 02 Trung tâm y tế một chức năng, 01 Bệnh viện đa khoa thị
xã Phú Thọ, 01 Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương, 02 bệnh viện ngành (Bệnh
viện Xây dựng Việt Trì, Bệnh viện Công an tỉnh), 277 Trạm Y tế tuyến xã và 01
điểm tiêm tại Trạm Y tế Z121. Trong đó có 41 xã miền núi khó khăn theo Quyết định
số 900/QĐ-TTg, ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh
sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của
chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Tổng số điểm tiêm
chủng thường xuyên trên địa bàn tỉnh là 319 điểm tiêm, trong đó:
- 26 điểm tiêm chủng
dịch vụ;
- 15 điểm tiêm tại:
Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ, 11 Trung tâm Y tế hai
chức năng, Bệnh viện Xây dựng Việt Trì và Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương;
- 277 điểm tiêm tại
Trạm y tế các xã, phường, thị trấn và 01 điểm tiêm tại Trạm xá Z121 (tiêm chủng
vắc xin chương trình TCMR hàng tháng).
Tổng số cán bộ
các tuyến tham gia công tác TCMR của tỉnh Phú Thọ năm 2019 là 1.378 người,
trong đó tuyến tỉnh 06 người, tuyến huyện là 158 người, tuyến xã 1.214 người.
100% cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện công tác tiêm chủng đều được tập huấn
an toàn tiêm chủng (ATTC).
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH.
- Luật Phòng, chống
bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, ngày 21/11/2007 của Quốc Hội.
- Nghị định
104/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Quyết định số
1125/QĐ-TTg, ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
- Thông tư số
34/2018/TT-BYT, ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của
Nghị định 104/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định về hoạt động
tiêm chủng.
- Thông tư số
38/2017/TT-BYT, ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm,
phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
- Thông tư số
26/2018/TT-BYT, ngày 21/3/2018 của Bộ Y tế quy định quản lý và sử dụng kinh phí
sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
Quyết định số
233/QĐ-BYT, ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động
bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 của Dự án 2 - Tiêm chủng mở rộng thuộc
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.
Quyết định số
1358/QĐ-BYT, ngày 14/4/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ thành
quả thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Quyết định số
2126/QĐ-BYT, ngày 21/05/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ
sung vắc xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021.
III. MỤC TIÊU.
1. Mục tiêu
chung.
Tăng tỷ lệ miễn dịch
phòng bệnh bại liệt trong cộng đồng nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ
thành quả thanh toán bệnh bại liệt.
2. Mục tiêu cụ
thể.
- Đạt tỷ lệ ≥ 95%
đối tượng được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin bại liệt (IPV) trên quy mô toàn tỉnh.
- Bảo đảm an toàn
và chất lượng tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, ngày
01/7/2016 của Chính phủ.
IV. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI.
1. Thời gian.
Trong quý IV năm 2020 đến quý I
năm 2021.
2. Phạm vi triển khai: Tại
13 huyện, thành, thị.
3. Đối tượng.
- Đối tượng tiêm bổ sung là trẻ
sinh ra từ ngày 01/03/2016 đến ngày 28/02/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong
tiêm chủng thường xuyên (trừ trường hợp có bằng chứng đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc
xin phối hợp có thành phần bại liệt).
- Tổng số đối tượng cần tiêm vắc
xin IPV dự kiến theo kế hoạch là 47.849 trẻ
(Chi
tiết tại Phụ lục 1).
V. NỘI DUNG
KẾ HOẠCH.
1. Công tác
chuẩn bị.
1.1. Tổ chức Hội nghị triển
khai kế hoạch.
- Hội thảo phố biến và hướng dẫn
lập kế hoạch cho tuyến huyện; Phối hợp phổ biến kế hoạch với ngành Giáo dục,
các phòng ban chuyên môn liên quan cấp huyện (tổ chức tại tỉnh).
- Thời gian thực hiện: Tháng
10/2020.
1.2. Tập huấn chuyên môn
cho tuyến xã (tổ chức tại huyện) Thời gian thực hiện: Tháng 10/2020.
2. Điều
tra, lập danh sách đối tượng.
- Thời gian triển khai: Trước
khi triển khai tiêm chủng tối thiểu 01 tháng.
- Đầu mối thực hiện: Trạm Y tế
tuyến xã tiến hành điều tra, lập danh sách các đối tượng tiêm chủng. Trẻ/đối tượng
có thể đi học mầm non hoặc chưa đi học đang có mặt tại địa phương.
- Đơn vị phối hợp: Các trường mầm
non, nhà giữ trẻ công lập và tư thục trên địa bàn.
- Nguồn nhân lực: Cán bộ y tế
các tuyến, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn. Huy động sự hỗ trợ
của chính quyền địa phương, quản lý nhân khẩu để phát hiện và lập danh sách trẻ
tránh bỏ sót trẻ đối tượng vùng nguy cơ cao.
- Nội dung thực hiện: Ngành y tế
phối hợp với ngành giáo dục điều tra tại các trường học; với các phòng ban
chuyên môn tại địa phương điều tra đối tượng tại cộng đồng.
+ Điều tra trong trường học: Trạm
Y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với các trường mầm non để lập danh sách theo
lớp đối với trẻ đang đi học. Trước khi thực hiện phải trao đổi về kế hoạch phối
hợp triển khai với Ban giám hiệu nhà trường, đề nghị nhà trường bố trí giáo
viên, cán bộ thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh trong độ tuổi theo từng lớp học.
+ Điều tra tại cộng đồng: Trạm
Y tế xã/phường/thị trấn phối hợp với Y tế thôn, bản, khu phố, cộng tác viên dân
số, trưởng thôn, mạng lưới chính quyền, quản lý tạm trú để rà soát nhóm trẻ đối
tượng không đi học tại cộng đồng. Danh sách bao gồm cả đối tượng vãng lai, lưu
ý những trẻ chưa được quản lý tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có
biến động dân cư.
- Lưu ý: KHÔNG tiêm vắc
xin IPV cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin phối hợp có chứa thành phần bại
liệt trước đây.
3. Truyền
thông.
- Nội dung: Mục đích ý nghĩa, tầm
quan trọng và đối tượng mục tiêu của kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV; tác dụng,
lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải sau tiêm chủng.
- Hình thức: Tuyên truyền bằng
nhiều hình thức như tổ chức hội nghị triển khai, trên các phương tiện truyền
thông đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tại các trường mầm non,…
- Thời gian: Thực hiện thường
xuyên trước và trong quá trình triển khai.
4. Cung ứng
vắc xin IPV và vật tư tiêm chủng.
- Dự trù vắc xin IPV và vật tư
tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế (chi tiết tại Phụ lục 1 đính
kèm).
- Tiếp nhận, bảo quản và vận
chuyển vắc xin thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP,
ngày 01/7/2016; Thông tư số 34/2018/TT- BYT, ngày 12/11/2018 và các quy định
liên quan của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
- Cấp phát, sử dụng vắc xin và
vật tư tiêm chủng: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều phối
cho các huyện, thành, thị triển khai tiêm bổ sung vắc xin IPV theo hướng dẫn của
Bộ Y tế.
5. Tổ chức
tiêm chủng.
5.1. Hình thức triển
khai.
Tổ chức triển khai dưới hình thức
tiêm chủng bổ sung tại trường học và kết hợp với tiêm chủng thường xuyên tại cơ
sở tiêm chủng.
- Triển khai tại trường học:
Tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em đang học mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ.
- Triển khai tại Trạm Y tế:
Tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em không đi học và thực hiện tiêm vét.
- Triển khai tại các điểm tiêm
chủng ngoài trạm: đối với các địa phương là vùng sâu vùng xa vùng khó tiếp cận.
5.2. Tổ chức buổi tiêm chủng.
- Số buổi tiêm chủng tại
mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, tổ chức không quá 100 đối
tượng/bàn/buổi tiêm, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo
quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Trạm Y tế xã phối hợp chặt chẽ
với ngành giáo dục, các trường mầm non để bố trí điểm tiêm chủng, tổ chức triển
khai tiêm vắc xin IPV cho các đối tượng là trẻ học mầm non, nhà trẻ tại các trường
học.
- Các điều kiện, quy trình tổ
chức buổi tiêm chủng và hoạt động giám sát, báo cáo, xử lý các phản ứng sau
tiêm phải đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP; Thông tư
số 34/2018/TT-BYT.
- Khuyến cáo gia đình cho trẻ
ăn uống đầy đủ trước khi tham gia buổi tiêm chủng.
- Duy trì hoạt động và phân
công địa bàn hỗ trợ cho đội đáp ứng nhanh các tuyến, đội cấp cứu lưu động; sẵn
sàng hỗ trợ, xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu
có).
VI. KINH PHÍ
THỰC HIỆN.
1. Kinh phí Trung ương.
- Dự án TCMR Trung ương hỗ trợ
100% kinh phí vắc xin, bơm kim tiêm và hộp an toàn cho hoạt động tiêm bổ sung vắc
xin IPV.
- Một phần kinh phí triển khai
(các hoạt động lập kế hoạch, xây dựng tài liệu hướng dẫn, giám sát hỗ trợ và
đánh giá kết quả triển khai).
2. Nguồn kinh phí từ ngân
sách địa phương.
Ngân sách địa phương bố trí cho
các hoạt động: tập huấn, điều tra đối tượng, truyền thông, in ấn biểu mẫu, báo
cáo, vận chuyển và bảo quản vắc xin, công tiêm chủng, kiểm tra giám sát...
Tổng nhu cầu dự toán kinh phí
là 1.385.600.000 đồng (Một tỉ, ba trăm tám lăm triệu, sáu trăm ngàn đồng),
trong đó:
- Ngân sách UBND tỉnh hỗ trợ:
275.000.000 đồng. Chi cho các hoạt động: vận chuyển bảo quản vắc xin từ tỉnh về
huyện; một phần kinh phí truyền thông; Hội nghị và giám sát.
- Ngân sách UBND huyện, thành,
thị hỗ trợ: 660.600.000 đồng. Chi cho các hoạt động: Hội thảo tại huyện; vận
chuyển vắc xin từ huyện đến xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn và chi trả
công tiêm cho tuyến xã.
- Ngân sách UBND xã, phường, thị
trấn hỗ trợ: 450.000.000.000 đồng. Chi cho công tác truyền thông trực tiếp tại
cộng đồng
(Chi
tiết dự toán kinh phí tại Phụ lục 2).
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN.
1. Sở Y tế.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế triển
khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV an toàn, hiệu quả.
- Hướng dẫn các địa phương xây
dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn quản lý điều tra đối tượng và tổ chức
tiêm chủng tại các trường học.
- Phối hợp với các cơ quan truyền
thông của tỉnh tuyên truyền Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV trên các phương
tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép
truyền thông tới cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Tài chính thẩm
định dự toán kinh phí cho Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV trình UBND tỉnh phê
duyệt.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát,
báo cáo kết quả Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo các trường mẫu giáo,
mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn tăng cường truyền thông về ý
nghĩa, lợi ích của tiêm bổ sung vắc xin IPV cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đồng
thời vận động cha mẹ, học sinh tham gia tiêm bổ sung vắc xin IPV để hoàn thành
tốt ý nghĩa của chương trình.
- Hỗ trợ việc điều tra, lập
danh sách học sinh và tổ chức tiêm chủng tại các trường học.
- Phối hợp tổ chức kiểm tra,
giám sát trước, trong và sau khi triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV.
3. Sở Tài chính: Chủ
trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan thẩm định nhu cầu kinh phí,
tham mưu bố trí nguồn lực để triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV trình
UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ phối hợp với Sở Y tế
đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về lợi ích của
hoạt động tiêm chủng, lợi ích của vắc xin IPV; các kiến thức về theo dõi, phát
hiện và xử trí các phản ứng sau tiêm một cách thường xuyên, đầy đủ, kịp thời.
5. UBND các huyện, thành, thị.
- Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ
tại địa phương để thực hiện Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin IPV trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Y tế
chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương
thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn trong triển khai kế hoạch tiêm bổ
sung vắc xin IPV.
- Giao Phòng Y tế phối hợp với
các đơn vị y tế, các xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm
bổ sung vắc xin IPV trên địa bàn quản lý theo sự phân công.
- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào
tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mẫu giáo, mầm non trong và ngoài công lập trên địa
bàn tăng cường công tác truyền thông cho giáo viên, phụ huynh học sinh trong điều
tra đối tượng và phối hợp tổ chức triển khai tiêm vắc xin.
- Chỉ đạo Đài phát thanh cấp
huyện; hệ thống đài truyền thanh cấp xã thường xuyên phát các tin bài tuyên
truyền về lợi ích của tiêm chủng, lợi ích của vắc xin IPV và cách theo dõi,
phát hiện và xử trí các phản ứng sau tiêm một cách thường xuyên, đầy đủ, kịp thời.
6. Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Phối hợp với ngành Y tế, ngành
Giáo dục thực hiện việc tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của tiêm bổ sung vắc xin
IPV trong cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ việc điều tra,
lập danh sách trẻ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại cộng đồng các vùng sâu, vùng
xa.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các huyện, thành, thị
và các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục
sức khỏe sâu rộng trong cộng đồng liên quan đến Kế hoạch triển khai tiêm bổ
sung vắc xin phòng chống bại liệt IPV trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2020-2021;
yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị
liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế- Cục Y tế dự phòng; (để b/c)
- Viện VSDT Trung ương; (để b/c)
- TT TU, TT HĐND tỉnh; (để b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành trong KH;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Trung tâm KSBT tỉnh;
- CVP, PCVP (Ô. Ngọc Anh)
- Lưu: VT, VX3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Đại Dũng
|