Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 27/KH-UBND 2021 phòng chống và loại trừ bệnh Sốt rét quay trở lại tỉnh Hậu Giang

Số hiệu: 27/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Hồ Thu Ánh
Ngày ban hành: 04/02/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 04 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Tỉnh Hậu Giang hiện có 08 đơn vị huyện, thị xã, thành phố; hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, với tổng chiều dài khoảng 2.300 km, diện tích 1.745 km2, dân số 733.017 người. Theo kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét thì Hậu Giang không có vùng sốt rét (SR) lưu hành tại địa phương.

Từ năm 2004 đến nay, Hậu Giang không có ca sốt rét nội địa, các trường hợp sốt rét đều là ngoại lai; các hoạt động phòng chống chủ yếu là quản lý dân di biến động đến và về từ các vùng sốt rét lưu hành (SRLH). Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ca sốt rét ngoại lai, giám sát véc tơ nhất là các xã có sự hồi phục và xuất hiện véc tơ truyền bệnh chính và phụ, củng cố các điểm kính hiển vi tại huyện và xã, truyền thông phòng chống sốt rét (PCSR).

Căn cứ vào tình hình dịch tễ SR tại địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh SR quay trở lại giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý:

- Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh SR ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 08/QĐ-BYT ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt lộ trình loại trừ SR tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 741/QĐ-BYT ngày 02 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh SR;

- Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SR;

- Công văn số 2662/VSR-KHTH ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về việc hướng dẫn tiêu chí, hồ sơ xác nhận huyện, tỉnh loại trừ SR.

2. Căn cứ khoa học và thực tiễn:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước có bệnh SR lưu hành triển khai Chiến lược toàn cầu phòng, chống và loại trừ SR.

Năm 2008, WHO đã tổ chức hội thảo tại Geneva thống nhất Chiến lược toàn cầu phòng, chống và loại trừ SR: Loại trừ bệnh SR là áp dụng các biện pháp phòng, chống SR mạnh để cắt đứt sự lan truyền SR của muỗi truyền bệnh tại một vùng địa lý xác định, có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh tại địa phương là 0, chỉ còn bệnh nhân SR ngoại lai.

Chương trình loại trừ bệnh SR gồm 4 giai đoạn, không giới hạn thời gian cho từng giai đoạn mà căn cứ vào tỷ lệ bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng SR trên dân số vùng SR lưu hành, cụ thể:

- Giai đoạn phòng chống SR tích cực: đến khi đạt tỷ lệ ký sinh trùng/lam có sốt dưới 5% thì chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ SR. Đơn vị để công nhận tiền loại trừ tối thiểu là đơn vị huyện với dân số khoảng 100.000 dân;

- Giai đoạn tiền loại trừ bệnh SR: tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống SR tích cực làm giảm tỷ lệ chết do SR, giảm tỷ lệ ký sinh trùng/lam có sốt nhỏ hơn 5% (tương đương với dưới 5 ký sinh trùng/1.000 dân số vùng SR lưu hành). Nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và điều tra tại đỉnh cao của mùa truyền bệnh. Giai đoạn tiền loại trừ SR thực hiện đến khi nào đạt tỷ lệ ký sinh trùng SR dưới 1/1.000 dân số vùng SR lưu hành thì chuyển sang giai đoạn loại trừ SR.

- Giai đoạn loại trừ SR: tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống SR tích cực để làm giảm tỷ lệ chết do SR, giảm tỷ lệ ký sinh trùng SR nội địa xuống nhỏ hơn 1/1.000 dân số vùng SR lưu hành; nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và các báo cáo; số liệu trên được khẳng định bằng điều tra tại đỉnh cao của mùa truyền bệnh; giai đoạn loại trừ SR thực hiện đến khi tỷ lệ ký sinh trùng SR bằng không, không phát hiện được ca SR mới nào lan truyền tại địa phương thì chuyển sang giai đoạn đề phòng SR quay trở lại.

- Giai đoạn đề phòng SR quay trở lại: tăng cường các biện pháp để củng cố và duy trì tỷ lệ ký sinh trùng SR nội địa bằng không; nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và các báo cáo, điều tra ca bệnh; sau 3 năm duy trì được tỷ lệ này thì Tổ chức Y tế thế giới sẽ kiểm tra công nhận đã loại trừ SR.

3. Mục tiêu:

3.1. Mục tiêu chung:

Triển khai thực hiện chủ động, tích cực và đồng bộ các biện pháp phòng, chống SR quay trở lại để đến năm 2025 đạt các tiêu chí loại trừ sốt rét (LTSR) quay trở lại ở quy mô tỉnh; đồng thời tiếp tục phát triển các yếu tố bền vững và xã hội hóa trong phòng chống SR quay trở lại.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm bệnh SR, điều trị kịp thời hiệu quả, an toàn thông qua các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân.

- Bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SR hiệu quả, thích hợp cho người dân sống hoặc đến vùng có nguy cơ mắc bệnh SR.

- Nâng cao tối đa việc sử dụng các dịch vụ phòng, chống SR và tăng cường huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống SR thông qua truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống và LTSR quay trở lại.

- Nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ SR và đảm bảo đầy đủ khả năng đáp ứng phòng, chống dịch SR.

- Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh SR để người dân chủ động phòng, chống bệnh SR có hiệu quả cao nhất.

4. Các giải pháp:

4.1. Các giải pháp về quản lý:

- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện phòng, chống và LTSR quay trở lại:

+ Công tác phòng, chống bệnh SR là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; các sở, ngành, đoàn thể trong Tỉnh, UBND các cấp tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống và LTSR;

+ UBND các cấp thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và LTSR, xem công tác phòng, chống và LTSR là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép các chương trình phòng, chống và LTSR vào các chương trình xoá đói, giảm nghèo; ưu tiên cho vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn;

+ UBND các cấp bảo đảm đầu tư thích hợp về kinh phí, nhân lực, vật lực và tăng cường về tổ chức bộ máy cho công tác phòng, chống và LTSR;

+ Triển khai và thực hiện tốt Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành mạng lưới chuyên ngành thực hiện phòng, chống và LTSR quay trở lại:

+ Củng cố hệ thống chỉ đạo, tổ chức triển khai phòng, chống và LTSR hiện có từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở xã và ấp; gắn kết công tác phòng, chống và LTSR với chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền; đây là một trong những giải pháp rất quan trọng quyết định thành công của Chiến lược phòng, chống và LTSR;

+ Đào tạo và đào tạo lại để nâng cao kỹ năng chuyên môn, quản lý chương trình, giám sát và đánh giá công tác phòng, chống SR cho các tuyến;

+ Ban hành các hướng dẫn, quy trình, tập huấn về chương trình LTSR và cập nhật, bổ sung các hướng dẫn triển khai phòng, chống SR cho các tuyến từ tỉnh đến cơ sở;

+ Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát và đánh giá chương trình.

4.2. Các giải pháp về nhân lực:

- Tập trung phát triển, củng cố và duy trì mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt y tế ấp, y tế tuyến xã ở các vùng sâu; đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng phòng, chống SR, khả năng quản lý và kiểm soát được diễn biến bệnh SR trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng, chống và LTSR quay trở lại ở các tuyến huyện, xã, đặc biệt cán bộ mới thay thế;

- Tăng cường đầu tư nguồn lực, nhân lực làm công tác phòng, chống và LTSR quay trở lại, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách hoặc chịu trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện chương trình, chú trọng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở xã, ấp;

4.3. Các giải pháp về đầu tư:

- Ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư cho công tác phòng, chống và LTSR quay trở lại theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước, phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn;

- Sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống và LTSR quay trở lại thông qua xây dựng các chương trình hành động, dự án phòng, chống và loại trừ bệnh SR từng giai đoạn Chiến lược, các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương và khu vực.

- Đặc biệt tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế dự phòng.

4.4. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe:

- Tăng cường hoạt động truyền thông PCSR trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân đến cơ sở y tế khi bị sốt sau khi đến vùng có bệnh SR về;

- Công tác truyền thông PCSR cần tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao (nhóm đối tượng đích đến và về từ các vùng SRLH) bằng nhiều hình thức từ các phương tiện sẵn có phù hợp theo từng nhóm đối tượng như: báo, đài phát thanh, truyền hình, loa phát thanh, pa nô, áp phích, cấp phát tờ bướm, tờ rơi, sinh hoạt nhóm, tư vấn trực tiếp…nhằm đảm bảo dân số nguy cơ hiểu biết và thực hiện các biện pháp PCSR;

- Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống và LTSR đến các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng hiểu rõ hơn về chiến lược LTSR, chỉ đạo và tham gia triển khai các biện pháp phòng chống và LTSR;

- Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống và LTSR, đưa công tác truyền thông vào trường học;

- Tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống sốt rét” 25/4 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát động toàn dân tích cực tham gia PCSR.

4.5. Giải pháp chuyên môn kỹ thuật:

- Các giải pháp về phòng chống muỗi truyền bệnh:

+ Tăng cường giám sát muỗi Anopheles theo định kỳ và đột xuất nhất là các xã có sự xuất hiện của Anopheles truyền bệnh; sẵn sàng can thiệp nhanh khi có ca bệnh ngoại lai xuất hiện tại địa phương, không để lan truyền tại chỗ, đồng thời có biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo cắt đứt lan truyền bệnh SR tại địa phương;

+ Lồng ghép biện pháp phòng chống muỗi truyền SR với phòng chống muỗi truyền các bệnh khác như sốt xuất huyết, zika, chikungunya; hệ thống giám sát và thu thập số liệu côn trùng được thiếp lập và hoạt động đầy đủ;

+ Kịp thời đạt và duy trì diện bao phủ các biện pháp phòng chống véc tơ thích hợp ở những địa phương có sự xuất hiện véc tơ truyền bệnh SR.

- Các giải pháp về phát hiện và quản lý ca bệnh SR:

+ Những vấn đề ưu tiên cho chương trình LTSR quay trở lại: xác định và điều trị bệnh nhân SR và tất cả những người mang ký sinh trùng SR, bao gồm cả những người mang giao bào, đảm bảo rằng họ hoàn toàn không còn bị SR nữa, tiếp tục làm giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người, làm giảm khả năng truyền bệnh của quần thể muỗi Anopheles tại địa phương nhằm ngăn ngừa lây nhiễm mới;

+ Khi phát hiện ca ký sinh trùng SR dương tính, nơi phát hiện phải báo cáo nhanh nhất trong ngày về Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; trong thời gian từ ngày 01 đến 03 ngày Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ kết hợp với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra dịch tễ SR theo biểu mẫu đã quy định và trong thời gian 07 ngày phải xử lý ca bệnh hoặc ổ dịch bệnh theo quy trình giám sát dịch tễ SR và báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật;

+ Giám sát, phát hiện sớm, quản lý ca bệnh với các hoạt động được thực hiện dựa trên điều tra dịch tễ và phân loại từng ca mắc SR và từng ổ bệnh;

+ Nhanh chóng đạt và duy trì diện bao phủ quản lý ca bệnh;

+ Đảm bảo tại các xã để thực hiện tốt xét nghiệm lam máu nhằm phát hiện sớm các trường hợp SR; định kỳ tập huấn hướng dẫn giám sát, xét nghiệm chẩn đoán cho cán bộ y tế;

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy lam máu phát hiện sớm tất cả các đối tượng có nghi ngờ SR đi làm ăn xa từ các vùng SRLH trở về địa phương, đặc biệt cao điểm vào các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời đúng phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt rét” ban hành theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

+ Phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị trong báo cáo nhanh ca bệnh, quản lý, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc SR.

- Các giải pháp về quản lý dân di biến động đến và về từ các vùng SR:

+ Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp PCSR, lợi ích của việc ngủ mùng, điều trị SR đúng phác đồ để người dân hiểu và tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống SR cho bản thân và cộng đồng;

+ Đối với người dân từ địa phương đi vào vùng SRLH, Trạm Y tế tham mưu cho chính quyền chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể lập danh sách dân di biến theo biểu mẫu, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh SR phù hợp cho từng đối tượng khi đến vùng SRLH và khi về địa phương, đặc biệt cao điểm thời điểm dịp tết Nguyên đán, mùa vụ làm ăn, du lịch,…tại địa phương, nơi cư trú người dân đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống SR;

+ Đối với người dân từ vùng SRLH đến địa phương cần xác định thời gian tạm trú, tình hình giao lưu tại địa phương, cần thiết phải xét nghiệm lam máu tìm ký sinh trùng lạnh (nếu có) nhằm ngăn chặn kịp thời khả năng truyền bệnh SR cho cộng đồng;

+ Vận động người dân đến cơ sở y tế khi bị sốt/sốt rét đặc biệt là đối tượng dân giao lưu vào các vùng SR, dân thường xuyên giao lưu tới các quốc gia có SRLH như các nước Châu Phi, Lào, Campuchia,…

+ Dân di cư và dân di biến động được tiếp cận đầy đủ các biện pháp phòng chống SR và các dịch vụ y tế;

+ Thường xuyên cập nhật vào sổ quản lý dân di biến động đến và về từ các vùng SR (theo Quyết định phân vùng dịch tễ SR tại Việt Nam năm 2014 của Bộ Y tế).

4.6. Giải pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình PCSR quay trở lại:

- Duy trì hoạt động hệ thống giám sát về SR tại các tuyến từ tỉnh, đến xã, ấp tại cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Mở rộng giám sát tại những xã trọng điểm, vùng có nguy cơ SR quay trở lại. Phát triển và củng cố hệ thống theo dõi giám sát, đánh giá từ tỉnh đến cơ sở;

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ SR trong toàn Tỉnh, giám sát việc chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị sớm, đúng phác đồ cho các bệnh nhân SR ngoại lai;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu LTSR, các tiêu chí để đánh giá và giám sát hoạt động phòng chống và LTSR quay trở lại;

- Hàng năm và sau mỗi 05 năm, tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả của chương trình, rút ra bài học kinh nghiệm kết hợp với thi đua khen thưởng, và xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho những năm tiếp theo sát với tình hình thực tế địa phương.

4.7. Các giải pháp về xã hội hóa:

- UBND các cấp chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành và các tổ chức đoàn thể, cộng đồng tại địa phương tích cực hợp tác với ngành y tế triển khai biện pháp phòng chống và LTSR quay trở lại;

- Xã hội hóa công tác phòng chống và LTSR quay trở lại, huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của tất cả các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, cộng đồng, y tế tư nhân và cá nhân trong công cuộc phòng chống và LTSR quay trở lại để phát huy được sức mạnh tổng hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất;

- Tăng cường sự phối hợp đa ngành, lồng ghép công tác phòng chống SR với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo,…để đạt được kết quả bền vững.

5. Kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) và thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Nguồn kinh phí lồng ghép trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Hàng năm căn cứ nội dung của kế hoạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố lập dự toán kinh phí thực hiện

trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Tham mưu UBND tỉnh về các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung và các chương trình hành động của chiến lược quốc gia phòng, chống và LTSR quay trở lại giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn; xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống và LTSR quay trở lại trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tập chung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp mạnh không để SR xảy ra, từng bước triển khai có hiệu quả các giai đoạn của chương trình LTSR;

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan trong Tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm nhằm tổ chức thực hiện các nội dung góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi phòng, chống SR và các hành vi đề phòng SR quay trở lại trên địa bàn toàn Tỉnh;

- Phòng Nghiệp vụ Y – BHYT tham mưu công tác tổ chức, chỉ đạo, các hoạt động phòng chống SR và loại trừ SR trên địa bàn Tỉnh, tham gia Hội đồng loại trừ SR.

- Chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính tham mưu lập dự toán kinh phí thực hiện loại trừ SR trong dự toán chi ngân sách hàng năm theo nhiệm vụ được giao, gửi Sở Tài chính để tổng hợp,thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung tuyên truyền SR vào nhà trường;

+ Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch loại trừ SR trên địa bàn Tỉnh cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố.

+ Xây dựng các văn bản hướng dẫn chuyên môn công tác loại trừ SR, tổ chức tập huấn công tác thu thập dữ liệu, quy trình lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, công nhận loại trừ SR cho Trung tâm Y tế.

+ Soạn thảo, ban hành các biểu mẫu thống kê báo cáo, biên bản thẩm định, mẫu quyết định công nhận loại trừ SR.

+ Trực tiếp hướng dẫn các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động loại trừ SR theo đúng quy định.

+ Tổng hợp báo cáo kết quả đề nghị Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thẩm định công nhận.

+ Hỗ trợ các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp chuyên môn kỹ thuật loại trừ SR.

- Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

+ Xây dựng, tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch loại trừ SR trên địa bàn Tỉnh cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

+ Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch loại trừ SR về Trung tâm

Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo quy định.

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn:

+ Xây dựng kế hoạch loại trừ SR trên địa bàn xã.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia phòng chống SR, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phát hoang bụi rặm.

+ Quản lý các trường hợp di biến động vào vùng SR lưu hành và từ vùng SR lưu hành trở về.

+ Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch loại trừ SR về Trung tâm Y tế huyện theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về phương pháp phòng chống và loại trừ bệnh SR quay trở lại, nhằm giúp người dân chủ động phòng chống và đặc biệt là các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh SR ngoại lai.

3. Sở, ban, ngành tỉnh:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và trên cơ sở đề nghị của ngành Y tế chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống và LTSR quay trở lại giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

4. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên:

Chỉ đạo trong hệ thống tổ chức vận động hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, điều trị nhằm phòng, chống và LTSR quay trở lại giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

5. UBND huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch phòng, chống và LTSR quay trở lại giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; theo dõi, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh Sốt rét quay trở lại giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Viện SR-KST-CT TP.HCM;
- Viện Pasteur TP.HCM;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh;
- TTYT huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Lưu: VT, NCTH. LHT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hồ Thu Ánh

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 27/KH-UBND ngày 04/02/2021 về phòng, chống và loại trừ bệnh Sốt rét quay trở lại giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


891

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.22.169
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!