ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 177/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
22 tháng 05 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
LOẠI TRỪ BỆNH PHONG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Thông tư số
17/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định
tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh
và cấp huyện, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Loại trừ bệnh phong trên địa
bàn Tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Đến năm 2025, huyện
Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lai Vung và thành phố Cao Lãnh được
kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.
2. Duy trì kết quả đã đạt
được, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh phong phù hợp, hiệu quả.
3. Phấn đấu đến năm
2030, không còn bệnh phong trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
II. NỘI DUNG
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tăng cường vai trò lãnh đạo và
trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các
cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác phòng, chống bệnh phong.
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác
phòng, chống bệnh phong và chính sách của người bệnh phong đến gia đình, cộng đồng,
xã hội nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động phòng,
chống bệnh phong. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với bệnh
phong trên địa bàn Tỉnh bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, công khai, minh
bạch và hiệu quả.
Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn địa
phương thực hiện công tác loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện; đưa mục tiêu loại
trừ bệnh phong vào kế hoạch hằng năm của địa phương.
Vận động xã hội hóa công tác
phòng, chống bệnh phong, đa dạng hóa các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế
hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính
sách pháp luật đối với người bệnh phong.
2. Tập huấn
Tổ chức các lớp tập huấn cho
nhân viên y tế của Trung tâm y tế huyện, thành phố về những kiến thức cơ bản
trong chẩn đoán bệnh phong; đặt trọng tâm vào công tác chuyển giao kỹ năng quản
lý bệnh phong về tuyến cơ sở.
Tập huấn cho nhân viên y tế để
khảo sát và điều tra tình hình bệnh phong cho các vùng có ổ dịch lưu hành.
3. Công tác truyền thông
Truyền thông thường xuyên trên
Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, các đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã
và các phương tiện thông tin đại chúng khác; sử dụng tranh, ảnh, tờ rơi, áp
phích… để truyền thông sâu rộng trong cộng đồng; lắp đặt các pano truyền thông
về bệnh phong tại các huyện, thành phố.
4. Hoạt động chuyên môn
a) Phát hiện bệnh
Tổ chức khám da trong cộng đồng
nhằm phát hiện bệnh phong và khám cho tất cả người tiếp xúc trực tiếp với bệnh
nhân phong. Lồng ghép khám da phát hiện bệnh phong trong các hoạt động khám, điều
trị bệnh ở cộng đồng (khám nghĩa vụ quân sự, khám học sinh, khám điều trị bệnh
da và cấp thuốc miễn phí).
Tăng cường kỹ năng phát hiện bệnh
phong mới ở các phòng khám đa khoa, chuyên khoa khác thông qua đào tạo huấn luyện.
Phổ biến kiến thức về bệnh phong trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để
bệnh nhân chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được nhận hỗ trợ.
b) Quản lý điều trị
Lập hồ sơ quản lý đối với các bệnh
nhân phong; đưa 100% bệnh nhân phong mới được phát hiện vào quản lý và điều trị.
Phát hiện và điều trị tốt các cơn phản ứng phong ở bệnh nhân phong.
Duy trì giám sát theo dõi 05
năm cho đối tượng thể nhiều khuẩn, 03 năm cho đối tượng thể ít khuẩn sau khi
hoàn thành phác đồ điều trị (bao gồm: lâm sàng và cận lâm sàng). Nâng
cao chất lượng công tác quản lý bệnh nhân phong, phòng, chống tàn tật, phục hồi
chức năng. Hướng dẫn bệnh nhân phong bị khuyết tật biết cách tự chăm sóc và được
phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
c) Phòng ngừa tàn tật,
chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng
Hướng dẫn cho bệnh nhân về kiến
thức và kỹ thuật tự chăm sóc tàn tật cho bản thân tại nhà; cung cấp dụng cụ cần
thiết để bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân. Đồng thời, cung cấp tài liệu hướng
dẫn chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong tàn tật để họ tự
chăm sóc.
Thiết lập hệ thống giám sát, hỗ
trợ hiệu quả công tác chăm sóc tàn tật và thực hiện quản lý theo dõi chăm sóc
tàn tật trên từng bệnh nhân; thực hiện phẫu thuật đơn giản; tăng cường đưa bệnh
nhân đi phẫu thuật để phục hồi chức năng, làm bàn tay, chân giả cho số bệnh
nhân có chỉ định.
5. Tổ chức kiểm tra công nhận
loại trừ bệnh phong tuyến huyện
Thành lập Hội đồng kiểm tra loại
trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện theo Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày
06/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
6. Duy trì thực hiện hoạt động
đảm bảo các tiêu chí đã đạt được theo Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày
06/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế
Tiếp tục thực hiện các hoạt động
quản lý, điều trị nếu có bệnh mới; cung cấp dụng cụ, thuốc để chăm sóc tàn tật
và phục hồi chức năng; truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân.
Định kỳ hằng quý, hằng năm thực
hiện việc kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc duy trì hoạt động đảm bảo
các tiêu chí tại Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 06/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này
từ nguồn sự nghiệp y tế được giao hằng năm cho Sở Y tế. Sở Y tế hướng dẫn các
đơn vị thực hiện theo quy định và theo ý kiến góp ý của Sở Tài chính tại Công
văn số 1248/STC-HCSN ngày 16 tháng 4 năm 2024.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách
nhiệm chi, quyết toán theo đúng chế độ quy định hiện hành.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp Tỉnh có liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch này; phối
hợp Sở Nội vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra công nhận
loại trừ bệnh phong cấp huyện; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công nhận loại
trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức triển khai các hoạt động
phòng, chống bệnh phong; phấn đấu đạt các tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp
huyện.
- Tổ chức tổng kết việc công nhận
loại trừ bệnh phong và báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân Tỉnh theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối
hợp với Sở Y tế thực hiện nội dung truyền thông về bệnh phong trong trường học,
đặc biệt cho đối tượng học sinh trung học cơ sở; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tạo
điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra loại trừ bệnh phong tại các cơ sở
giáo dục.
3. Sở Thông tin và Truyền
thông: phối hợp với Sở Y tế thực hiện thông tin, hướng dẫn người dân những
kiến thức cơ bản về bệnh phong, các biện pháp phòng, chống bệnh phong tại gia
đình và cộng đồng; truyền thông vận động cộng đồng hỗ trợ, góp phần xóa bỏ mọi
thành kiến về bệnh phong.
4. Sở Tài chính: tham
mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định
và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.
5. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội: phối hợp với Sở Y tế thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh
phong; tham gia vận động cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho những bệnh
nhân phong đã bị tàn tật có thể tự chăm sóc dựa vào cộng đồng; giúp đỡ người bị
bệnh phong hòa nhập với cộng đồng.
6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên: phối hợp Sở Y tế triển khai
thực hiện hoạt động loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các
đoàn viên, hội viên, người dân về công tác loại trừ bệnh phong và huy động nguồn
lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp có liên quan của Kế hoạch
này; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm
bảo đảm việc thực thi Kế hoạch.
7. Uỷ ban nhân dân huyện,
thành phố
- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống
bệnh phong và công tác kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong trên địa bàn quản
lý; chỉ đạo và giám sát việc thực hiện; chủ động bố trí ngân sách, nguồn lực để
thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn liên quan kiểm tra, báo
cáo kết quả hoạt động phòng, chống bệnh phong.
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp
Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế cấp huyện tổ chức thông tin, truyền
thông và cập nhật kiến thức về bệnh phong trong các trường trung học cơ sở; phối
hợp Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện truyền thông trên hệ thống phát thanh về
kiến thức bệnh phong cho người dân hiểu, phục vụ tốt cho công tác kiểm tra công
nhận đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến huyện.
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng, chống
bệnh phong trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và địa phương phản ánh về
Sở Y tế để phối hợp xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Y tế tổng hợp báo cáo
và đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo UBND Tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại Mục IV;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, VX (Trung).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Minh Tuấn
|