ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 153/KH-UBND
|
Thái Bình, ngày
30 tháng 11 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ BỀN VỮNG DỊCH BỆNH COVID-19 GIAI ĐOẠN
2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Quyết định số
3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp
cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc
nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm năm 2007; Quyết định 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế về việc ban
hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn
2023-2025; căn cứ vào tình hình và kết quả công tác phòng chống dịch bệnh
COVID-19 nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm nói chung trên địa bàn tỉnh Thái
Bình; để chủ động, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19
giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh”, cụ thể:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Bảo đảm
kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người
dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Giảm số mắc COVID-19, nhất là
ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.
- Giảm ca nặng và tử vong do
COVID-19.
- Đảm bảo việc quản lý bệnh
COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác
chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu
các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống
dịch, nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng,
y tế cơ sở.
- Chỉ đạo thực hiện việc công bố
dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; giải thể
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống dịch
COVID-19 vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các
cấp.
- Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch Kiểm
soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 của các địa
phương.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch
sử dụng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng
ghép tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường
xuyên.
- Hướng dẫn chính sách liên
quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang
nhóm B.
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc giải
quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản,
như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng, chống các bệnh
không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19.
2. Hoạt động
phòng chống dịch
2.1. Công tác giám sát
- Theo dõi sát diễn biến tình
hình dịch bệnh trong nước, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh.
- Lồng ghép giám sát COVID-19
vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm
hội chứng Cúm, giám sát viêm phổi nặng do vi rút.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ định
kỳ và đột xuất, triển khai ngay đáp ứng nhanh trong công tác phòng, chống dịch
tương ứng với các mức nguy cơ.
- Rà soát, cập nhật hướng dẫn
giám sát và phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch.
2.2. Công tác điều trị
- Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi
sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Tăng cường các biện pháp kiểm
soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ
sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có
thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận
nhân tạo...).
- Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn
chẩn đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19
trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp
với tình hình mới.
- Rà soát, điều chỉnh nhu cầu
trang thiết bị y tế, hồi sức phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với
tình hình mới.
2.3. Tiêm vắc xin
- Xây dựng và triển khai kế hoạch
sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng,
ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Lồng ghép tiêm vắc xin
COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm
chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
2.4. Dự phòng cá nhân
- Khuyến cáo người dân thực hiện
2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người,
trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực
hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
- Thường xuyên vệ sinh tay bằng
xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi
tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi.
- Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở,
sinh hoạt và làm việc.
- Khuyến cáo những trường hợp
nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.
3. Công tác
truyền thông
- Thường xuyên cập nhật để
thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho người dân biết, không hoang mang,
lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.
- Truyền thông nguy cơ và các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu và biết cách tự phòng bệnh.
- Truyền thông tiêm vắc xin
phòng COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
4. Tập huấn
chuyên môn
- Tập huấn về hướng dẫn giám
sát phòng, chống dịch COVID-19.
- Tập huấn về Hướng dẫn chẩn
đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19
trong cơ sở khám chữa bệnh.
5. Công nghệ
thông tin
- Tiếp tục ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý, báo cáo, thống kê ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vắc xin;
tư vấn, điều trị, đào tạo từ xa và chia sẻ thông tin về giám sát dịch bệnh,
tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị, phục vụ phòng, chống dịch.
- Triển khai ứng dụng dữ liệu
dân cư, tài khoản định danh điện tử trong công tác quản lý ca bệnh.
6. Nghiên cứu
khoa học
- Triển khai nghiên cứu, phối hợp
thực hiện nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề
do hậu COVID-19 gây ra.
- Khảo sát năng lực ứng phó dịch
COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp
và trường học.
7. Công tác
hậu cần
- Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật
tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình
dịch theo phương châm “Bốn tại chỗ”.
- Có phương án đảm bảo cơ số
giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến.
- Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất
các chính sách về xã hội hóa trong phòng, chống dịch.
- Xây dựng, đề xuất các chế độ
chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ
sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
8. Trong
tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện
rộng thì tổ chức triển khai theo phương án, hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo
của Quyết định 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của
Chính phủ, cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Là đơn vị thường trực; chịu
trách nhiệm thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh, dự báo khả năng tiến triển
của dịch bệnh; tham mưu các kế hoạch và giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp,
hiệu quả; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, điều phối, báo cáo các hoạt động
phòng, chống dịch trên toàn tỉnh.
- Rà soát, cập nhật hướng dẫn
giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế; chỉ đạo, triển
khai tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về công tác giám sát, phòng, chống dịch
bệnh.
- Thực hiện giám sát, phân
tích, dự báo tình hình dịch bệnh; thực hiện thông tin truyền thông theo quy định.
- Xây dựng, hướng dẫn tiêm và kế
hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y
tế và cơ quan Trung ương.
- Tiếp tục rà soát, đảm bảo
năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Rà soát, điều chỉnh nhu cầu
trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu, phương tiện, dụng cụ... để phù hợp
cho phòng chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh truyền nhiễm.
- Triển khai nghiên cứu, phối hợp
thực hiện nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COIVD-19 và các vấn đề
do hậu COVID-19 gây ra; phối hợp, khảo sát năng lực ứng phó dịch COVID-19 đối với
cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở giáo dục.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo các nguồn lực về kinh phí, thuốc, vật tư, thiết bị
phục vụ công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Sở Nội vụ để thực
hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động nâng cao năng lực hệ thống y tế
dự phòng, y tế cơ sở.
- Thực hiện thống kê báo cáo
theo đúng quy định.
2. Sở
Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái
Bình
- Chủ trì chỉ đạo, kiểm soát
thông tin trong công tác thông tin truyền thông về dịch bệnh trên toàn tỉnh.
- Phối hợp với ngành Y tế, các
cơ quan liên quan xây dựng, đăng, phát các tin bài về dịch bệnh, tiêm chủng vắc
xin và các hoạt động, biện pháp, thông điệp về phòng, chống dịch để người dân
không hoang mang và tham gia phòng, chống dịch hiệu quả.
3. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Theo dõi chặt chẽ diễn biến,
tình hình dịch COVID-19, chỉ đạo các đơn vị trong ngành và liên quan phối hợp với
các địa phương, các ngành thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
4. Công
an tỉnh
Chủ trì đảm bảo công tác an
ninh trật tự xã hội, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng
tình hình dịch bệnh để trục lợi, tung tin không đúng về tình hình dịch, gây
hoang mang trong cộng đồng, các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống
dịch và an ninh trật tự xã hội. Phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa
phương trong việc huy động lực lượng tham gia các hoạt động khác theo chỉ đạo của
cấp có thẩm quyền.
5. Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế và các sở,
ngành, địa phương liên quan sẵn sàng phương án thu dung điều trị người bệnh bảo
đảm quy trình, quy định; tham gia các hoạt động khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm
quyền.
6. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội
Tham mưu triển khai thực hiện
các giải pháp hỗ trợ, các chính sách an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống của người
dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
7. Sở
Giao thông vận tải
Chỉ đạo triển khai các hoạt động
đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của các loại hình giao thông vận tải.
Sẵn sàng huy động lực lượng tham gia các hoạt động khác theo chỉ đạo của cấp có
thẩm quyền.
8. Sở
Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu Công nghiệp tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng
phương án sản xuất, dự trữ, cung ứng, huy động hàng hóa, bình ổn giá, chống
hàng giả, hàng kém chất lượng phục vụ đời sống dân sinh trong tình huống dịch bệnh
bùng phát. Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo hoạt động phòng chống dịch trong
sản xuất kinh doanh, phương án cụ thể với từng tình huống dịch bệnh.
9. Sở Giáo
dục và Đào tạo
- Đảm bảo an toàn phòng, chống
dịch COVID-19 trong các nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động thường
xuyên thực hiện vệ sinh trường học, bố trí đủ xà phòng, nước sạch rửa tay thường
quy. Phối hợp với cơ quan y tế địa phương phát hiện sớm các trường hợp bệnh/nghi
bệnh COVID-19 để xử lý theo quy định, phối hợp tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 theo chỉ đạo hướng dẫn.
- Sẵn sàng các phương án đảm bảo
thực hiện công tác giảng dạy phù hợp với tình hình dịch và tham gia các hoạt động
phòng, chống dịch khác khi được huy động.
- Phối hợp với cơ quan truyền
thông và ngành y tế tổ chức triển khai tuyên truyền phòng chống dịch, tiêm chủng
vắc xin cho phụ huynh và học sinh, sinh viên các cấp học.
10. Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư,
mua sắm, bảo đảm kinh phí, hậu cần theo từng tình huống dịch và thực hiện các
chính sách xã hội liên quan.
11. Sở Xây
dựng: Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tham mưu
phương án xây dựng bệnh viện dã chiến theo từng tình huống dịch và đúng hướng dẫn
của ngành dọc cấp trên.
12. Đề nghị
các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể
Phối hợp với ngành y tế triển
khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin cho
các đoàn viên, hội viên từ tỉnh đến các cơ sở và các hoạt động vận động xã hội
tăng cường nguồn lực cho phòng, chống dịch.
13. Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố
- Chỉ đạo củng cố, nâng
cao nhiệm vụ Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân gắn với công tác
phòng chống dịch.
- Xây dựng, phê duyệt kế hoạch
phòng, chống dịch của địa phương. Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn triển khai mạnh mẽ việc thực hiện kế hoạch và kiểm
tra, giám sát hoạt động trên địa bàn để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch
bệnh.
- Triển khai các hoạt động về
tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành y tế.
14. Các sở,
ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chỉ đạo, tổ
chức các hoạt động cụ thể, thiết thực tham gia phòng, chống dịch.
Nhận Kế hoạch này, yêu cầu các
cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Giao Sở Y tế theo dõi, đôn đốc việc triển
khai thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Bích Hằng
|