ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 135/KH-UBND
|
Lào
Cai, ngày 20 tháng 05
năm 2016
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2016 -2020
I. Tình hình dịch bệnh lở mồm
long móng
- Giai đoạn năm 2011 - 2015, dịch lở
mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 256 thôn thuộc 84 xã trên địa bàn 9 huyện,
thành phố làm 2.916 con trâu, bò và 1.855 con lợn mắc bệnh, trong đó phải tiêu
hủy bắt buộc 46 con bò, 1.854 con lợn, trọng lượng 73.934 kg, cụ thể:
+ Năm 2011: Dịch LMLM xảy ra tại
1.045 hộ chăn nuôi ở 214 thôn, bản của 69 xã, phường thuộc 09 huyện, thành phố
làm 2.767 con trâu bò; 1.523 con lợn mắc bệnh. Số gia súc
chôn hủy bắt buộc 1.575 con trâu, bò, lợn với trọng lượng 62.188 kg.
Đầu năm 2011 số trâu
bò mắc bệnh nhiều, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lớn, chủ yếu xảy ra tại huyện
Văn Bàn. Đây là huyện không nằm trong Chương trình khống chế Quốc gia, nằm ở vị trí độc lập, nhiều năm không có gia súc mắc bệnh
LMLM, nên chỉ tổ chức tiêm phòng vắc
xin LMLM tại 10/23 xã, thị trấn. Vì vậy, dịch LMLM xảy ra chủ yếu tại 13 xã
không được tiêm phòng vắc xin.
+ Năm 2012: Dịch LMLM xảy ra tại 62 hộ
thuộc 09 xã của 05 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bảo Thắng và Bắc Hà
làm 80 con trâu bò và 164 con lợn mắc bệnh; số trâu bò mắc
bệnh đã được điều trị khỏi triệu chứng, đóng dấu chín và giao địa phương quản
lý theo quy định, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy trọng lượng 5.539
kg.
+ Năm 2013: Trên địa bàn tỉnh không xảy
ra dịch bệnh LMLM.
+ Năm 2014: Dịch LMLM xảy ra tại 23
thôn thuộc 05 xã, thị trấn của huyện Mường Khương làm 69 con trâu, bò, 105 con
lợn mắc bệnh. Trong đó tiêu hủy 46 con trâu bò; 71 con lợn
với trọng lượng 3.145 kg.
+ Năm 2015: Dịch LMLM xảy ra trên đàn
lợn của 04 hộ tại 02 thôn, xã Trịnh Tường huyện Bát Xát, làm 62 con mắc bệnh
trên tổng đàn 106 con, phải tiêu hủy 62 con, trọng lượng
3.062 kg.
- Nguyên nhân dịch bệnh: Nguồn lây chủ
yếu từ địa phương khác và từ Trung Quốc theo động vật và sản phẩm động vật mang
mầm bệnh vào hoặc đi qua địa bàn tỉnh làm phát sinh dịch bệnh.
II. Những thuận lợi, khó khăn
trong công tác phòng, chống bệnh LMLM
1. Thuận lợi
- Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành thú
y từ tỉnh đến cơ sở ổn định, được đầu tư củng cố, kiện toàn và đào tạo nâng
cao.
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp
luật ngày càng hoàn thiện, sát với thực tiễn công tác phòng chống dịch bệnh.
- Cơ chế, chính sách của tỉnh, của
các huyện, thành phố kịp thời, linh hoạt hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh
đạt hiệu quả cao.
- Nguồn vắc xin LMLM do Trung ương hỗ
trợ kịp thời là nguồn lực quan trọng, thúc đẩy việc đầu tư kinh phí phòng, chống dịch từ các nguồn kinh phí khác.
- Công tác tiêm phòng được triển khai
nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở theo chỉ tiêu kế hoạch được
giao đến tận thôn bản, chất lượng tiêm phòng được giám sát ngày càng chặt chẽ
hơn.
- Trên địa bàn tỉnh đã có một số mô
hình chăn nuôi trang trại tập trung, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng sản xuất
hàng hóa. Đây là những điển hình trong việc xây dựng cơ sở
an toàn dịch bệnh LMLM.
- Công tác chỉ đạo phòng chống dịch,
quản lý ổ dịch LMLM ngày càng có hiệu quả. Khi dịch xảy ra hầu hết các địa
phương, cơ sở phát hiện sớm và bao vây, khống chế kịp thời, nên dịch chỉ xảy ra
ở diện hẹp, không lây lan ra diện rộng.
- Dịch bệnh xảy ra hàng năm đã giảm dần,
khi xảy ra được phát hiện sớm và nhanh chóng dập tắt. So với giai đoạn
2006-2011 số ổ dịch giảm trên 60%; số thôn, số xã, số huyện,
thành phố có dịch đã giảm rõ rệt; số lượng gia súc bị bệnh, chết, phải tiêu hủy
bắt buộc do mắc bệnh đã giảm hàng nghìn con.
2. Khó khăn, tồn tại
- Chăn nuôi ở Lào Cai phần lớn là
nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, nhiều vùng gia súc còn thả rông, chuồng trại không đảm
bảo vệ sinh, gây khó khăn cho công tác quản lý chăn nuôi, tiêm phòng và khống
chế dịch bệnh. Trâu, bò mắc bệnh LMLM đã khỏi về lâm sàng (mang trùng) chưa được
quản lý theo dõi chặt chẽ.
- Một số địa bàn tỷ lệ tiêm phòng đạt
thấp và không đồng đều giữa các khu vực; phát hiện dịch chậm, để số lượng gia
súc mắc bệnh nhiều; triển khai biện pháp chống dịch chưa quyết liệt, ảnh hưởng
đến kết quả phòng chống dịch chung của toàn tỉnh.
- Trình độ dân trí của đồng bào vùng
cao còn hạn chế, khó khăn cho việc chuyển giao kỹ thuật
chăn nuôi - thú y nói chung và tuyên truyền về bệnh LMLM nói riêng. Tư tưởng chủ
quan với dịch bệnh, ỷ lại trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước còn khá phổ
biến.
- Trên địa bàn tỉnh sản xuất, tiêu thụ
con giống và sản phẩm chăn nuôi chưa đủ cung ứng; việc xuất, nhập lậu qua biên
giới Việt - Trung và tình trạng vận chuyển con giống không tuân thủ quy trình
kiểm dịch động vật vào địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để. Đây là những
nguyên nhân chính dịch bệnh LMLM từ động vật mang mầm bệnh vận chuyển vào địa
bàn, làm phát sinh dịch bệnh.
- Dịch LMLM vẫn đang xuất hiện tại
các tỉnh lân cận và nước láng giềng. Trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn dịch bệnh từ
các ổ dịch cũ. Trong khi đó, việc vận chuyển gia súc trong
nước và qua biên giới chưa được kiểm soát triệt để, làm cho khả năng lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng.
- Một số cán bộ cơ sở nhận thức về
tác hại của bệnh chưa đầy đủ, nên các biện pháp phòng chống dịch ở cơ sở thực
hiện chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên; vẫn còn tình trạng phát hiện, khai báo dịch
chậm, giấu dịch.
- Kinh phí hỗ trợ cho người tham gia
công tác phòng chống dịch và Thú y viên cơ sở còn thấp và chưa kịp thời, nên gặp
nhiều khó khăn trong việc huy động nhân lực tham gia phòng chống dịch và tổ chức
tiêm phòng.
III. Căn cứ xây dựng
kế hoạch
- Luật Thú y (có hiệu lực từ
01/7/2016).
- Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định
số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của
Pháp lệnh Thú y.
- Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006
của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng
(LMLM) ở gia súc.
- Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày
17/02/2016 của Bộ Nông và PTNT về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng,
chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020”;
- Căn cứ yêu cầu thực tế: Bệnh LMLM
đã xuất hiện và lưu hành gây bệnh cho gia súc trên địa bàn tỉnh từ năm 1999, hiệu
quả ngăn chặn dịch bệnh LMLM từ năm 2011 đến nay và dự báo nguy cơ dịch bệnh
LMLM trong thời gian tới.
I V. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích
Thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh LMLM, ổn
định và phát triển chăn nuôi gia súc ở tỉnh Lào Cai; xây dựng cơ sở an toàn dịch
bệnh, góp phần khống chế bệnh LMLM trên toàn quốc theo Chương trình Quốc gia;
giảm dần số ổ dịch trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 cơ bản
khống chế được dịch bệnh.
2. Yêu cầu
- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo
và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.
Huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
LMLM phải tuân theo quy định của Luật Thú y, Pháp lệnh Thú y và chỉ đạo, hướng
dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh.
- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp
thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư.
V. Nội dung kế hoạch
phòng, chống bệnh LMLM
1. Điều tra, xây dựng bản đồ dịch
tễ và phân chia vùng
Điều tra dịch tễ, xây dựng bản đồ dịch
tễ bệnh LMLM tỉnh Lào Cai, thực hiện 02 lần (năm 2016 và 2020), thường xuyên
đánh giá xác định nguồn dịch, đường lây truyền chủ yếu:
- Tình hình dịch LMLM từ 2011 đến nay
xảy ra ở 9/9 huyện, thành phố. Đường lây truyền chủ yếu do gia súc và sản phẩm gia súc mang mầm bệnh từ các tỉnh có dịch và từ Trung Quốc vận chuyển trái phép qua các lối mòn biên giới,
đường tắt, đường tránh vào địa bàn tỉnh làm phát sinh dịch bệnh;
- Qua theo dõi dịch tễ bệnh LMLM giai
đoạn 2011-2015, dựa vào yếu tố địa lý, giao thông, tập quán chăn nuôi, yếu tố kinh tế xã hội, thấy rằng dịch LMLM có thể lây lan vào địa bàn tỉnh
từ nhiều con đường khác nhau và các địa phương đều có nguy
cơ xảy ra dịch bệnh;
- Trên cơ sở phân chia vùng của Bộ
Nông nghiệp và PTNT 05 huyện, thành phố có đường biên giới thuộc vùng khống chế
Quốc gia: Bảo Thắng, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Tuy
nhiên, do tình hình dịch bệnh thời gian qua, nên xác định 9/9 huyện, thành phố
của tỉnh Lào Cai đều phải áp dụng triệt để các biện pháp
phòng, chống dịch.
2. Tiêm phòng vắc xin
- Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết
để tiêm phòng tại 1.632 thôn, bản, tổ dân phố của 155 xã,
phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thành phố. Công tác tiêm phòng thực hiện theo
chỉ tiêu kế hoạch được giao.
- Đối tượng tiêm phòng bao gồm trâu,
bò (các loại gia súc khác tiêm phòng khi có dịch xảy ra thực hiện theo hướng dẫn
của Cục Thú y).
- Phạm vi, thời gian tiêm phòng: Tiêm
phòng định kỳ 9/9 huyện, thành phố; tạo miễn dịch bảo hộ cho 80% tổng đàn trâu,
bò. Tiêm 2 lần trong năm, lần sau cách lần trước 6 tháng; thời gian tiêm vào
tháng 3 - 4 và tháng 9-10 hàng năm.
- Tiêm phòng khẩn
cấp khi có dịch xảy ra: Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định phạm vi tiêm phòng,
loại gia súc, loại vắc xin tiêm phòng tùy theo chủng vi
rút gây bệnh và mức độ lây lan của dịch bệnh.
- Loại vắc xin sử dụng: Qua theo dõi
từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh bệnh LMLM xảy ra do vi rút Type O; đặc biệt
từ đầu năm 2016 đến nay, tổ chức lấy 8 mẫu xét nghiệm, kết quả 8 mẫu dương tính với vi rút LMLM Type O; vì vậy cần sử dụng vắc xin LMLM Type O, nhằm
đảm bảo miễn dịch cao nhất và giảm giá thành vắc xin. Tổng số liều vắc xin cần sử dụng trong 5 năm là 1.161.000 liều, trong đó
ngân sách trung ương đảm bảo 727.750 liều (nguồn chương trình 312.750 liều, nguồn
30a là 415.000 liều); ngân sách tỉnh hỗ trợ 433.250 liều.
(Số
lượng vắc xin sử dụng hàng năm có phụ biểu chi
tiết kèm theo)
- Trường hợp xuất hiện Type vi rút
khác gây bệnh trên địa bàn, phải nghiên cứu đánh giá, đề xuất thay đổi vắc xin
phù hợp, đáp ứng miễn dịch cao nhất với vi rút gây bệnh LMLM mới xuất hiện trên
địa bàn.
3. Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát
giết mổ
Ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia
súc qua biên giới Trung Quốc: UBND các huyện, thành phố có
đường biên giới chỉ đạo các lực lượng chủ chốt như: Biên phòng, Công an, Hải
quan, Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền các xã, phường biên giới và lực
lượng Thú y thường xuyên kiểm tra,
ngăn chặn và xử lý việc nhập lậu gia súc vào địa bàn. UBND cấp xã có đường mòn,
đường tránh thường xuyên có vận chuyển lậu gia súc và sản phẩm gia súc vào địa bàn tỉnh chủ động tổ chức kiểm
tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển qua địa bàn vào tỉnh, thu giữ và xử lý
nghiêm túc theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Luật Thú y (có hiệu lực từ
01/7/2016).
Thường xuyên kiểm
tra tại nơi có ổ dịch cũ, giám sát tình hình dịch bệnh
trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các chợ có mua bán trâu, bò và tụ điểm, cơ
sở kinh doanh, giết mổ trâu, bò, lợn, dê.
Thành lập các Trạm, Chốt kiểm dịch, Tổ
kiểm soát tạm thời khi có dịch xảy ra, nhằm ngăn chặn việc vận
chuyển gia súc trong nội tỉnh, nội địa.
Kiểm dịch gia súc xuất, nhập trên địa
bàn tỉnh, đối với trâu, bò, lợn, dê thực hiện cấp thủ tục kiểm dịch vận chuyển
đúng quy định; đặc biệt đối với giống vật nuôi (nhất là của
các dự án phát triển chăn nuôi) phải thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số
22/2009/TT-BNN ngày 28/4/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn yêu cầu về
giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh,
và các Văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Năm 2016 tập trung vào kiểm dịch nơi
đến đối với đàn trâu, bò giống tại huyện Si Ma Cai theo
Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Tỉnh ủy; đảm bảo hiệu quả, an toàn dịch
bệnh LMLM cho đàn trâu, bò mới nhập đàn, cũng như đàn gia súc của địa phương.
4. Vệ sinh khử trùng tiêu độc
- Công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc
được thực hiện thường xuyên, hướng dẫn khuyến cáo tới từng
hộ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tích cực chủ động vệ sinh chuồng trại, khử trùng
tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh, an toàn sinh học phòng
chống dịch bệnh.
- Hàng năm, phát động các tháng vệ
sinh khử trùng, nâng cao nhận thức tạo môi trường trong sạch, phòng chống dịch
bệnh.
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ hóa chất khử
trùng cho các đợt phát động tháng vệ sinh
khử trùng và khi có dịch bệnh xảy ra; các thôn, xã tổ chức các đội phun hóa chất,
người chăn nuôi chi trả công phun hóa chất khử trùng tiêu độc.
5. Giám sát dịch bệnh, điều tra
huyết thanh
- Tăng cường hệ thống giám sát và
thông tin dịch bệnh. Hằng năm củng cố đào tạo, bồi dưỡng hệ thống thú y cơ sở
(mỗi xã, phường, thị trấn có 01 thú y viên cấp xã và có từ
3 thú y viên thôn, bản trở lên); đảm bảo đủ năng lực phát hiện nhanh dịch bệnh,
báo cáo dịch bệnh, tổ chức thực hiện tiêm phòng và các biện pháp chống dịch
theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Theo dõi, giám sát, dự báo tình
hình dịch. Chủ động điều tra dịch bệnh, lấy mẫu xác định Type vi rút gây bệnh,
số lượng mẫu dự kiến 10 mẫu/năm, tổng số 50 mẫu.
- Sau mỗi kỳ tiêm phòng lấy mẫu huyết thanh trâu, bò gửi xét nghiệm, xác định bảo hộ miễn dịch của
vắc xin, số lượng cần lấy mỗi 120 mẫu/năm, tổng số 600 mẫu.
6. Tập huấn
- Cử cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn
nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tham gia tập huấn về
dịch tễ học, công tác giám sát dịch tễ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh
LMLM do chương trình Quốc gia khống chế bệnh LMLM tổ chức.
- Tổ chức tập huấn cho mạng lưới thú
y viên cơ sở: Nhận biết về bệnh LMLM, báo cáo dịch, tổ chức chống dịch, áp dụng
các biện pháp chống dịch tại chỗ khi phát hiện nghi ngờ có dịch; tập huấn cho từng xã hoặc cụm xã. Mỗi lớp tập huấn trung bình có 30 - 35 thú y viên
tham dự; thời gian tập huấn mỗi lớp 2- 3 ngày.
7. Tuyên truyền - Chuyển giao kỹ
thuật phòng chống bệnh LMLM
- Tuyên truyền công tác phòng chống bệnh
LMLM bằng phim tài liệu, thông điệp, bài viết trên phương tiện thông tin đại
chúng của tỉnh.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường
xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các lớp chuyển giao, tuyên
truyền về cách phát hiện và phòng chống bệnh LMLM cho người chăn nuôi tại các
thôn, bản đồng thời hướng dẫn áp dụng các biện pháp khoa học
kỹ thuật chăn nuôi và thú y.
- Hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch
bệnh LMLM; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trong trang trại, cơ sở, hộ chăn
nuôi.
8. Chống dịch - khi có dịch xảy ra
Khi có dịch xảy ra áp dụng triệt để
các biện pháp chống dịch theo quy định của Pháp lệnh thú y, Luật
Thú y (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày
16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phòng chống
bệnh LMLM gia súc, cụ thể như sau:
- Kiểm soát ngăn
chặn vận chuyển: Đình chỉ mọi hoạt động mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia súc cảm
nhiễm trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Thực hiện cách ly nuôi nhốt tại
chỗ đối với tất cả trâu, bò, dê, lợn... trong vùng dịch.
- Phát hiện sớm và xử lý triệt để các
ổ dịch: Tiến hành ngay các biện pháp khoanh vùng, quản lý
chặt chẽ, tách riêng gia súc mắc bệnh, đánh dấu trâu, bò, không cho vận chuyển
đi nơi khác; báo cáo cơ quan Thú y trong vòng 12 giờ, xử lý nghiêm các trường hợp
cố tình dấu dịch, giết mổ gia súc, hoặc bán chạy gia súc mắc
bệnh.
- Xử lý gia súc mắc bệnh, chết:
+ Tiêu hủy toàn bộ lợn, dê, hươu, nai
mắc bệnh và nuôi trong cùng ô chuồng đã có con mắc bệnh mà không chờ kết quả
xét nghiệm.
+ Đối với trâu, bò thì phải nuôi cách
ly, đánh dấu nuôi nhốt và quản lý chặt chẽ. Ủy ban nhân
dân xã, phường chỉ đạo Trưởng thôn, bản lập sổ theo dõi.
Chủ gia súc phải có bản cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã
về việc không vận chuyển gia súc ra khỏi xã để tiêu thụ
trong thời gian 2 năm.
+ Người chăn nuôi có gia súc mắc bệnh
phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo Quyết định số
3752/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Lào Cai.
- Giám định type vi rút gây bệnh: Tổ
chức lấy mẫu bệnh phẩm chuyển về Trung tâm Chẩn đoán thú y
Trung ương, xác định type vi rút gây bệnh LMLM đang lưu hành.
- Vệ sinh tiêu độc môi trường: Thực
hiện định kỳ và vệ sinh tiêu độc đột xuất tại các ổ dịch, khi có dịch xảy ra bằng
các loại hóa chất: Iocido, Halamid, Benkocid...
VI. Kinh phí hoạt động và cơ chế
tài chính
1. Nhu cầu kinh phí:
Khái toán kinh phí khống chế bệnh Lở
mồm long móng ở gia súc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020 (khái toán):
32.183.073.200 đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương (kinh phí mua vắc
xin): 11.644.011.200 đồng;
- Ngân sách địa phương đảm bảo:
20.539.062.000 đồng, bao gồm:
+ Kinh phí mua vắc xin: 6.932.000.000
đồng
+ Kinh phí trả công tiêm phòng:
2.322.002.000 đồng;
+ Kinh phí chỉ đạo tiêm phòng (công tác
phí, xăng xe, văn phòng phẩm, điện thoại...): 1.194.500.000 đồng.
+ Kinh phí giám sát sau tiêm phòng
(xét nghiệm huyết thanh): 309.525.000 đồng;
+ Kinh phí mua hóa chất; trang thiết
bị khử trùng tiêu độc, xét nghiệm và xây dựng bản đồ dịch tễ: 4.781.035.000 đồng;
+ Kinh phí dự phòng, khi có dịch xảy
ra (hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc bệnh, công tố chốt, công phun hóa chất khử
trùng, hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia tiêu hủy...): 5.000.000.000 đồng.
(Có
dự toán chi tiết kèm theo)
2. Cơ chế
tài chính
- Ngân sách Trung ương: Hỗ trợ vắc
xin tiêm phòng cho 03 huyện 30a theo chương trình Nghị quyết
số 30a/NQ-CP của Chính phủ và vắc xin LMLM cho 03 huyện, thành phố biên giới
theo Chương trình khống chế Quốc gia phòng chống bệnh LMLM (Quyết định số
476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016 của Bộ Nông và PTNT về việc phê duyệt “Chương
trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2016-2020).
- Ngân sách tỉnh:
+ Cấp không thu tiền vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò, ngựa, bắt buộc theo quy định của
Bộ Nông nghiệp và PTNT; hỗ trợ công tiêm phòng cho trâu, bò ngựa 2.000 đồng/mũi
tiêm theo Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND tỉnh Lào Cai
ban hành quy định về chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa
bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020.
Ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua vật
tư hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Nguồn kinh phí năm 2016 và
kinh phí dự phòng nếu chưa sử dụng năm 2016, chuyển sang
các năm tiếp theo.
+ Hỗ trợ tiêu hủy gia súc; phòng chống
dịch bệnh theo Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 06/10/2008 và Quyết định số
3752/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Lào Cai về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 06/10/2008 về
chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị phòng chống dịch
bệnh; ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ chủ vật nuôi có gia súc phải tiêu hủy
và công tiêu hủy, hỗ trợ các Chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn....
- Người chăn nuôi: Chi trả tiền công
cho người đi phun hóa chất khử trùng, tiêu độc chuồng trại,
môi trường chăn nuôi và các chi phí làm gióng, giá, dây chão, bắt giữ, cố định
trâu, bò để tiêm phòng.
- Căn cứ vào mức độ, phạm vi của ổ dịch
và các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y, cơ quan
thú y đề nghị cơ chế hỗ trợ chống dịch theo quy định của
chính phủ và UBND tỉnh.
VII. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và
Thú y là đầu mối, hàng năm xây dựng kế
hoạch tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ mua vắc xin và các vật tư khác
do Trung ương hỗ trợ; thực hiện triệt để các biện pháp
chuyên môn, tổng hợp kịp thời dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác phòng dịch
và kinh phí khi dịch bệnh xảy ra; thường xuyên cập nhật, tổng hợp nắm chắc tình
hình, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các tình huống khẩn cấp; tổ chức bộ phận thường trực, cập nhật thông tin, báo cáo theo
quy định.
2. Sở Tài chính: Căn cứ vào Kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt; cân đối bố trí nguồn ngân
sách, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp phát và bổ sung kinh phí thực hiện; hàng
năm thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn
nuôi và Thú y) dự toán và cấp kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, đảm
bảo yêu cầu và theo quy định; hướng dẫn đơn vị quyết toán kinh phí phòng, chống
dịch theo quy định.
3. Chi cục Kiểm dịch động vật vùng
Lào Cai: Tăng cường kiểm tra, kiểm
soát, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu động vật và sản phẩm
vào địa bàn tỉnh.
4. Các lực lượng Công an, Biên
phòng, Quản lý thị trường:
Tăng cường phối hợp với lực lượng thú y và chính quyền địa phương kiểm soát tình hình nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm
trên địa bàn.
5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát
thanh -Truyền hình tỉnh: Phối hợp với các sở, ngành
liên quan tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện
thông tin đại chúng. Đảm bảo việc thông tin tuyên truyền chính xác, kịp thời,
hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
6. UBND các huyện, thành phố: Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, kiện toàn Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm trưởng ban; phân công nhiệm
vụ, trách nhiệm cụ thể các thành viên BCĐ, khẩn trương triển khai tổ chức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ cấp
bách sau đây:
- Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ
biến kiến thức, giáo dục pháp luật về thú y;
- Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp
huyện giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh LMLM;
- Bố trí kinh phí và tổ chức phòng,
chống dịch bệnh LMLM; thống kê, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi;
- Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh
LMLM theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức các biện
pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Tăng cường lực lượng
phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn để thực hiện
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng.
- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt các
biện pháp khống chế dịch theo nội dung kế hoạch này.
7. Đề nghị
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể: Phối hợp với các Sở,
ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, hội
viên, đoàn viên huy động lực lượng tích cực tham gia phòng chống dịch LMLM.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống bệnh
LMLM tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị liên quan,
Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT;
- Cục Thú y;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông VT,
Tài nguyên và MT, Công Thương, Y tế;
- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Chi cục Quản lý thị trường;
Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai;
- Đài PTTH, Báo Lào Cai;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Ban Biên tập Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TH, NLN.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Thể
|