KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2018-2025
Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày
05 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng
và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;
UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch
phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
giai đoạn 2018-2025, như sau:
I. Thực trạng
về hoạt động của hệ thống y tế:
1. Nguồn nhân lực:
Tổng biên chế ngành y tế được
giao năm 2017 là 3.037, biên chế hiện có 2.956, trong đó tỷ lệ bác sĩ 16,17% và
dược sĩ 3,97%; tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu là đa khoa, số có trình độ
chuyên khoa sâu còn hạn chế và chỉ tập trung tại các bệnh viện lớn; tỷ lệ bác
sĩ/vạn dân toàn tỉnh là 6,8 bác sĩ, tuy nhiên phân bổ không đồng đều, có sự
chênh lệnh giữa các địa phương.
2.
Cơ sở vật chất:
- Hiện có 1/3 bệnh viện tuyến tỉnh chưa được xây
dựng, một số trung tâm tuyến tỉnh cũng cần xây dựng mới; tuyến huyện cần đầu tư
xây mới: Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ. Theo kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn
đến năm 2020 tất cả trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực đều được xây mới hoặc
nâng cấp sửa chữa; tuy nhiên, đến giai đoạn 2021-2025 cần nâng cấp 09 trạm y tế;
- Hiện tại còn nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong
tỉnh đều không đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải y tế.
3.
Trang thiết bị:
- Tuyến huyện đầu tư trang thiết bị theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4
năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa được đầy đủ
so với danh mục quy định, nên cần bổ sung để triển khai thực hiện các kỹ thuật
chuyên môn theo quy định về phân tuyến kỹ thuật;
- Tuyến xã: có 64 trạm y tế/phòng khám đa khoa
khu vực được đầu tư trang thiết bị, 16 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực được
trang bị máy siêu âm, 41 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực được trang bị máy
điện tim.
4.
Về khả năng cung cấp dịch vụ y tế:
- Khả năng cung cấp dịch vụ, chất lượng chẩn
đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh còn nhiều
hạn chế, đặc biệt là tuyến y tế xã/phường/thị trấn; đôi lúc người dân còn phàn
nàn về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân
của một số cán bộ y tế; chỉ số thu hút người bệnh còn thấp, nhiều người bệnh chọn
phương án lên tuyến trên để khám bệnh, chữa bệnh vì thiếu tin tưởng vào năng lực
và chất lượng dịch vụ;
- Công tác phát triển dịch vụ kỹ thuật cao còn
chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ người bệnh;
- Công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm
họa chưa thật sự chủ động do ý thức người dân và khả năng phối hợp, lồng ghép
thực hiện giữa các cấp, các ngành và địa phương còn hạn chế.
5.
Thực hiện danh mục kỹ thuật:
- Tuyến tỉnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện đạt
62%, Bệnh viện Lao & Bệnh phổi tỉnh thực hiện đạt 67,5%, Bệnh viện chuyên
khoa Tâm thần - Da liễu thực hiện đạt 60,3%.
- Tuyến huyện (Trung tâm Y tế): thị xã Ngã Bảy
thực hiện đạt 50,9%, thị xã Long Mỹ đạt 50,8%, thành phố Vị Thanh đạt 74,6%,
huyện Vị Thủy đạt 82,8%, huyện Long Mỹ đạt 81,8%, huyện Phụng Hiệp đạt 81,3%,
huyện Châu Thành đạt 83,6%, huyện Châu Thành A đạt 80,7%.
- Tuyến xã đạt 73%.
6.
Về lãnh đạo điều hành, quản lý đầu tư cho y tế:
- Năng lực lãnh đạo, quản lý của ngành y tế nói
chung và cá biệt một số đơn vị, địa phương còn hạn chế chưa ngang tầm với nhiệm
vụ mới; tinh thần trách nhiệm, thực hiện kỷ cương của một số cán bộ chủ chốt
trong ngành chưa nghiêm túc, thiếu gương mẫu; thực thi công vụ, tinh thần thái
độ phục vụ của một bộ phận công chức, viên chức trong ngành y tế chưa tốt còn
gây phiền hà, thiếu niềm tin đối với người bệnh và nhân dân;
- Đầu tư nguồn lực cho công tác y tế còn hạn chế,
chưa kịp thời, thiếu đồng bộ; điều kiện sẵn có để đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế
còn hạn chế nhất là đối với việc khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, phòng
khám đa khoa khu vực và lĩnh vực y tế dự phòng, thực hiện chương trình mục tiêu
chăm sóc sức khỏe cộng đồng;
- Chưa xây dựng được hệ thống thông tin quản lý
hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung:
Đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt
động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng
và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện quản lý sức khỏe toàn
dân, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh,
chữa bệnh cho người dân trên địa bàn; cung ứng dịch vụ
theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và
điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm quá tải
cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Chỉ tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn đến năm 2020:
- 100% số Trạm
y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT;
- 100% các Trạm y tế thực hiện được
tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã;
- 100% Phòng khám đa khoa khu vực thực
hiện tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền
quy định;
- 100% Trung tâm Y tế tuyến
huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục
dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện;
- Đến cuối năm 2017 có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã;
- Phấn đấu 90%
dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe;
- 100% các xã, phường, thị trấn
hoàn thành việc đầu tư Trạm y tế kiên cố.
b) Giai đoạn đến năm 2025:
- Duy trì 100% số Trạm y tế xã có
đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ
các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu;
- 100% Trạm y tế thực hiện được tối
thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã;
- 100% Phòng khám đa khoa khu vực
thực hiện tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định;
- 100% Trung tâm Y tế tuyến
huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của
tuyến huyện;
- Duy trì 100% xã giữ vững tiêu
chí quốc gia về y tế xã;
- Duy trì 100% dân số được quản
lý, theo dõi sức khỏe.
III. Nhiệm vụ
và giải pháp thực hiện:
1. Củng cố, hoàn thiện tổ chức
mạng lưới y tế cơ sở:
a) Tổ chức Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, bao gồm các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế và các khoa, phòng theo quy định tại Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày
25 tháng 10 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa
bệnh, phục hồi chức năng; các phòng khám đa khoa khu vực
và trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn thuộc
Trung tâm Y tế.
- Rà soát lại tổ chức các Phòng
khám đa khoa, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
- Nhân lực làm việc tại các Trạm y
tế xã, phường, thị trấn nằm trong tổng biên chế của Trung tâm Y tế huyện, thị
xã, thành phố được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở
khối lượng công việc phù hợp.
b) Thực hiện phân loại các Trạm y tế theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã để thực hiện công tác đầu
tư, cơ chế hoạt động cho phù hợp.
- Rà soát phân loại Trạm y tế theo quy định tại Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07
tháng 11 năm 2016 của Bộ Y tế về việc ban
hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.
- Rà soát cơ sở vật chất, trang
thiết bị trạm y tế; thu hút đầu tư
nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động
của y tế cơ sở:
a) Các Trạm y tế xã phải thực hiện
đầy đủ các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe
toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo
dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm,
quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết
nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.
b) Các Trung
tâm Y tế tuyến huyện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên
môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực
tiếp về chuyên môn cho Phòng khám đa khoa khu vực và Trạm y tế bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng, bảo
đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và
chăm sóc cơ bản, gắn kết chặt chẽ hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực và
các Trạm y tế.
c) Xây dựng và thực hiện cơ chế phối
hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn, có
cơ chế khuyến khích y tế tư nhân tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
d) Thực hiện tin học hóa các hoạt
động của y tế cơ sở và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của
người dân. Đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin giữa cơ sở y tế các tuyến để
theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực
hiện bệnh án điện tử; quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh
BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
đ) Các cơ sở y tế phải tích cực
tham gia các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của
người dân để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, các hoạt động về y tế dự phòng,
chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Tăng cường đào tạo và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực:
a) Tiếp tục tăng cường nguồn nhân
lực, đặc biệt là số lượng bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện,
thị xã, thành phố để bảo đảm nhân lực cho việc khám bệnh, chữa
bệnh phục vụ nhân dân ngay trên địa bàn; bảo đảm nhân lực cho Trạm y tế để thực
hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe từng người dân; triển
khai thực hiện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày
17 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh.
b) Thu hút nguồn nhân lực y tế
theo mọi hình thức để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở, cụ thể
như:
- Xây dựng cơ chế thu hút bác sỹ về
công tác tại tuyến y tế cơ sở;
- Tăng cường đào tạo bác sỹ cho y
tế xã, phường, thị trấn; đào tạo chính quy, đào tạo liên thông;
- Tăng cường đào tạo nhân viên y tế
ấp/khu vực.
c) Thực hiện chế độ luân phiên hai
chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới
và từ dưới lên trên để tăng cường năng lực cho người hành nghề tại y tế cơ sở.
4. Đổi mới cơ chế tài chính cho
hoạt động của y tế cơ sở:
a) Đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân:
- Hỗ trợ đối với người thuộc hộ cận
nghèo, người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình tham gia
BHYT;
- Trạm y tế xã có trách nhiệm tham
gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế và
Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
b) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và
các dịch vụ y tế thanh toán BHYT đối với phòng khám bác sỹ gia đình:
- Khám bệnh tại nhà cho một số trường
hợp và đối tượng đặc biệt;
- Khám và tư vấn sức khỏe;
- Các đợt khám bệnh, chữa bệnh lưu
động của Trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện tại ấp, khu
vực theo định kỳ.
c) Thực hiện tổ chức gói dịch vụ y
tế cơ bản cho y tế cơ sở khi được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn
triển khai thực hiện. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người
dân, trong đó xác định rõ phần do Quỹ BHYT chi trả; thực
hiện thanh toán theo định suất đối với khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại y tế
cơ sở.
d) Thực hiện giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh theo lộ trình tính đủ chi phí cho y tế cơ sở; tổ
chức phân loại, giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế thuộc
tuyến y tế cơ sở; ngân sách nhà nước
hỗ trợ đối với các trung tâm được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự
bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị do nhà nước bảo
đảm chi thường xuyên.
đ) Thực hiện định mức chi ngân
sách nhà nước cho y tế dự phòng tuyến huyện:
- Bảo đảm đủ tiền lương và các chế
độ, chính sách cho viên chức y tế cơ sở, phụ cấp cho nhân viên y tế ấp,
khu vực;
- Xây dựng và ban hành mức chi thường
xuyên ngoài lương để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động thường xuyên, hoạt động
chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trạm y tế xã;
- Phân bổ ngân sách nhà nước, sử dụng
Quỹ BHYT và các nguồn lực khác cho y tế cơ sở theo hướng dẫn dựa trên kết quả hoạt động và các chỉ tiêu đầu ra.
e) Tổ chức thực hiện sự gắn kết giữa
y tế tư nhân và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban
đầu trên địa bàn; cho phép các Trạm y tế xã liên doanh,
liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện việc khám, chữa bệnh cho nhân
dân.
5. Tiếp tục đầu tư để hoàn thiện,
nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở:
a) Bố trí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thị xã, thành phố, ngân sách Trung ương hỗ trợ
(nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư cơ sở
vật chất các Trung tâm Y tế, Phòng khám đa khoa khu vực, Trạm y tế nhằm hoàn thiện
hệ thống y tế cơ sở của tỉnh.
b) Đối với Trạm y tế xã: trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 thực hiện theo kế hoạch đầu
tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn từ năm 2021-2025
bố trí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thị
xã, thành phố để đầu tư, nâng cấp cơ
sở vật chất cho các Trạm y tế xã, phường, thị trấn xuống cấp
cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp; việc đầu tư
xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trạm y tế xã
phải theo các nguyên tắc sau đây:
- Xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn; xã thuộc vùng khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (ngân
sách trung ương hạn chế đầu tư ở trạm y tế xã, phường gần trung tâm y tế quận,
huyện, thị xã hoặc bệnh viện tuyến tỉnh và sử dụng triệt để cơ sở vật chất của
các trạm y tế xã);
- Xã chưa có trạm y tế, xã do mới chia tách, mới
thành lập hoặc đang phải ở nhờ cơ sở khác, bị phá hủy do thiên tai, thảm họa;
đã có trạm y tế xã nhưng là nhà tạm, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần phải
xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp;
- Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng,
nâng cấp các trạm y tế xã phải theo thiết kế mẫu, nhưng quy mô phù hợp với nhu
cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.
6. Nhu cầu kinh phí (có phụ lục đính kèm):
a) Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch là:
534,528 tỷ đồng, trong đó:
- Đầu tư các công trình y tế tuyến huyện: 246,407
tỷ đồng;
- Đầu tư trang thiết bị tuyến huyện: 161,311 tỷ
đồng;
- Đầu tư các công trình y tế tuyến xã: 115,028 tỷ
đồng;
- Đầu tư trang thiết bị 09 Trạm y tế: 4,761 tỷ đồng;
- Đầu tư hệ thống xử lý chất thải Trạm y tế:
1,881 tỷ đồng;
- Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe: 5,140 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn Trung ương: 193,100 tỷ đồng;
- Vốn địa phương: 336,288 tỷ đồng;
- Vốn sự nghiệp y tế: 5,140 tỷ đồng.
c) Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2018-2020: 377,246 tỷ đồng.
Trong đó, có 213,935 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu
tư trung hạn giai đoạn 2018-2020 của tỉnh, cụ thể:
+ Đầu tư các công trình y tế tuyến huyện:
121,407 tỷ đồng;
+ Đầu tư trang thiết bị tuyến huyện: 161,311 tỷ
đồng;
+ Đầu tư công trình y tế tuyến xã: 92,528 tỷ đồng;
+ Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe: 2,000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021-2025: 157,282 tỷ đồng.
+ Xây mới Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ: 125,000
tỷ đồng.
+ Nâng cấp 09 Trạm y tế: 22,500 tỷ đồng;
+ Đầu tư trang thiết bị 09 Trạm y tế: 4,761 tỷ đồng;
+ Đầu tư hệ thống xử lý chất thải Trạm y tế:
1,881 tỷ đồng;
+ Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe: 2,000 tỷ đồng;
+ Đầu tư máy vi tính và máy in: 1,140 tỷ đồng.
7. Kiểm tra, giám sát tổ
chức thực hiện:
- Tăng cường giám sát và đôn đốc
thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế
cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; tổ chức hoạt
động giám sát thành 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh
giá quá trình tổ chức thực hiện và có rút kinh nghiệm trong quá trình triển
khai thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở
trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
IV. Tổ chức thực
hiện:
1. Sở Y tế:
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Tài chính, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và
công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan,
các tổ chức chính trị - xã hội và UBND huyện, thị xã,
thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng và phát triển mạng
lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện
các kế hoạch hàng năm về phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh phù
hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai
đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ
sung một số quy định, chính sách về phát triển y tế cơ sở
phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển (trong đó có chính sách thúc
đẩy xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc
sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở);
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành
tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện công tác luân phiên cán bộ, tập huấn
nâng cao kiến thức chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở;
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe cho
nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp
tình hình thực hiện Kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, định
kỳ báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan lồng
ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh vào
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm ở cấp tỉnh; hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa
bàn tỉnh vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện
các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh; trong đó ưu tiên bố trí tỷ trọng ngân sách để thực
hiện các chỉ tiêu về đổi mới hệ thống y tế cơ sở;
- Căn cứ khả năng ngân sách hàng
năm, bố trí ngân sách để thực hiện các kế hoạch, đề án, dự
án, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình
hình mới trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính:
Thực hiện quyết toán nguồn vốn, quyết toán dự án
hoàn thành theo đúng quy định hiện hành.
4. Bảo hiểm xã hội tỉnh:
- Phối hợp với Sở Y tế cùng các sở, ngành liên
quan tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nâng cao tỷ
lệ tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân;
- Tổ chức thực hiện thanh toán chi
phí BHYT theo gói dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở, thanh toán dịch vụ cho bác sỹ
gia đình, trạm y tế khi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại
gia đình và quản lý sức khỏe người dân.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng và phát
triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa
bàn tỉnh; chú trọng công tác tuyên
truyền nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao
sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền về thực hiện mô hình
bác sỹ gia đình, tham gia quản lý sức khỏe và tham gia BHYT hướng tới BHYT toàn
dân;
- Phối hợp Sở Y tế và các cơ quan
liên quan trong việc xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe cho nhân dân và quản trị
mạng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
6. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở
Y tế điều chỉnh, bổ sung mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh và bố trí đủ cán bộ hoạt động tại tuyến y tế cơ sở;
tham mưu chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, đặc biệt
là bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở.
7. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình dân dụng và công nghiệp tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch
trung hạn về đầu tư, nâng cấp các Trung tâm Y tế tuyến huyện và các Trạm y tế/Phòng
khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh.
8. Đài Phát thanh -
Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang và các cơ quan thông tấn báo chí:
Tăng thời lượng phát sóng, số lượng
bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về xây dựng và phát triển mạng lưới
y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục.
9. UBND huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện kế
hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong
tình hình mới trên địa bàn tỉnh tại địa phương; xây dựng, triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở hàng năm của huyện, thị xã, thành
phố trong tình hình mới cho phù hợp với kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ;
- Chủ động, tích cực huy động nguồn
lực để thực hiện Kế hoạch; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này với
các Kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn;
- Thường xuyên kiểm tra việc thực
hiện Kế hoạch tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo hàng năm theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh
Hậu Giang giai đoạn 2018-2025, đề nghị sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện,
thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra; trong quá trình triển khai thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở
Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.