ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 105/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 09
tháng 3 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TIẾP NHẬN, BẢO QUẢN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG VẮC XIN PHÒNG
COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Thực hiện Thông tư số
34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của
Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động
tiêm chủng; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng
vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về
việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022; Quyết
định số 1464/QĐ- BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tiếp
nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Ủy ban nhân dân tỉnh
Lào Cai ban hành Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin
phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung
Nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong
do COVID-19 bằng sử dụng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng
cho trên 80% đối với người dân đã được tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh Lào Cai để
phòng dịch COVID-19, giảm áp lực kinh tế, tái thiết lập cuộc sống bình thường,
an toàn và khỏe mạnh, gia tăng cơ hội để người dân được hưởng sức khỏe thể chất
và tinh thần toàn diện, trong giai đoạn 2021 -2022.
2. Mục tiêu
cụ thể
- 95% người từ 18 tuổi trở lên
được tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có đủ nguồn vắc xin.
- Tiếp nhận, cung ứng kịp thời
và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch.
- Đảm bảo an toàn và hiệu quả
khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
II. NỘI DUNG
HOẠT ĐỘNG
1. Đối tượng,
phạm vi, thời gian tiêm vắc xin phòng COVID-19
1.1. Đối tượng triển khai
a) Đối tượng ưu tiên và miễn
phí:
- Nhóm 1: là lực lượng tuyến đầu
phòng chống dịch gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; Người tham gia phòng
chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở
các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng
đồng, tình nguyện viên, phóng viên); Quân đội; Công an.
- Nhóm 2 gồm: Hải quan, cán bộ
làm công tác xuất nhập cảnh.
- Nhóm 3 gồm: Người cung cấp dịch
vụ thiết yếu: vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;
- Nhóm 4 gồm: Giáo viên, người
làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị
hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người
- Nhóm 5 gồm: Người mắc các bệnh
mạn tính, người trên 65 tuổi;
- Nhóm 6: Người sinh sống tại
các vùng có dịch;
- Nhóm 7: Người nghèo, các đối
tượng chính sách xã hội;
- Nhóm 8: Người được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
- Nhóm 9: Các đối tượng khác do
Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
b) Những đối tượng, cá nhân
khác không nằm trong các nhóm trên thực hiện tiêm chủng theo hình thức tự nguyện
chi trả.
1.2. Phạm vi triển khai
- Triển khai sử dụng vắc xin
trên phạm vi toàn tỉnh.
- Mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao
đến nguy cơ thấp hơn dựa trên tiêu chí sau:
+ Các khu vực ghi nhận trường hợp
mắc và/hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng.
+ Đối tượng tham gia công tác
phòng, chống dịch bệnh
+ Các huyện, thị xã, thành phố
có đầu mối giao thông quan trọng.
1.3. Thời gian triển khai: Do
tình hình cung ứng vắc xin và sự ưu tiên sử dụng vắc xin cho đối tượng tiêm, dự
kiến thời gian triển khai như sau.
a) Triển khai cho các đối tượng
thuộc diện tiêm chủng miễn phí
Đợt 1 (Quý I+II/2021): khoảng
37.900 liều tương đương với 15.160 người
Đợt 2 (Quý II+III/2021): khoảng
39.159 liều tương ứng với 15.664 người
Đợt 3 (Quý III+IV/2021): khoảng
307.232 liều tương ứng với 122.893 người
b) Triển khai cho các đối tượng
thuộc diện trả phí (tiêm ngay khi có vắc xin)
Khoảng 754.951 liều tương ứng với
301.980 người
Tổng số người dự kiến được tiêm
455.697 người với 1.139.242 liều
(Bảng
chi tiết theo Phụ lục II đính kèm)
2. Tiếp
nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư
- Vắc xin do COVAX Facility
cung ứng cho Việt Nam Quý I, II/2021 là vắc xin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất
cung ứng bởi SK Bioscience (SKBio).
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
chuẩn bị các điều kiện dây chuyền lạnh sẵn sàng tiếp nhận vắc xin khi được cung
cấp từ Trung ương.
- Tất cả các kho bảo quản vắc
xin tại tuyến tỉnh và huyện đều đang thực hiện qui định Thực hành tốt bảo quản
thuốc GSP theo Thông tư 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về
thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Các kho hiện tại nằm trong
khuôn viên của các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện,
thị xã, thành phố được bảo quản và theo dõi bởi các cán bộ 24/24 giờ.
- Số lượng vắc xin, bơm tiêm và
hộp an toàn nhập kho và xuất kho tại tất các tuyến sẽ được ghi và theo dõi qua
số quản lý xuất, nhập vắc xin kèm theo biên bản bàn giao theo qui định. Số quản
lý xuất nhập vắc xin sẽ được cập nhật hàng tháng tại tất cả các tuyến.
- Ngoài ra việc sử dụng hệ thống
quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại các tuyến. Hệ thống này bao gồm chức
năng quản lý đối tượng tiêm, tỷ lệ tiêm, quản lý vắc xin, bơm kim tiêm và hộp
an toàn và sẽ được sử dụng hoặc điều chỉnh phù hợp để quản lý đối tượng, tỷ lệ
tiêm, vắc xin và vật tư tiêu hao khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo thông báo, vắc xin COVAX
Facility hỗ trợ cho Việt Nam là vắc xin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất có điều
kiện bảo quản 2-8°C. Do vậy, Dự án TCMR quốc gia xây dựng kế hoạch phân phối, vận
chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng trong hệ thống dây chuyền lạnh của
tiêm chủng mở rộng. Việc vận chuyển vắc xin thực hiện tại các tuyến như sau:
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tiếp nhận và bảo quản vắc xin COVID-19 tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc
xin COVID-19 cho bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố ít
nhất 03 ngày trước khi tổ chức tiêm chủng.
- Tuyến huyện/thị xã/thành phố:
Trung tâm Y tế cấp huyện vận chuyển vắc xin từ kho tỉnh về kho huyện/thị
xã/thành phố để bảo quản và cấp phát cho các xã, bệnh viện huyện/thị xã/thành
phố hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ được yêu cầu hỗ trợ 01 ngày trước khi tiêm
chủng hoặc ngay trong buổi tiêm.
- Tuyến xã tiếp nhận vắc xin từ
tuyến huyện, bảo quản và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng. Vắc xin
còn dư trong sau khi kết thúc buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã sẽ được chuyển về
kho huyện hoặc bảo quản ngay tại trạm y tế xã có tủ lạnh bảo quản vắc xin.
- Tuyến xã/phường hoặc cơ sở được
phép tiêm chủng: Nhận vắc xin từ tuyến huyện/thị xã/thành phố, bảo quản vắc xin
và vận chuyển cho các điểm tiêm trong buổi tiêm chủng.
- Trong trường hợp hệ thống dây
chuyền lạnh sẵn có của Tiêm chủng mở rộng không đáp ứng nhu cầu vận chuyển, bảo
quản vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo Sở Y tế đề xuất phương
án huy động hệ thống dây chuyền lạnh của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập
và tư nhân trên toàn tỉnh.
3. Tập huấn
cho cán bộ y tế về triển khai vắc xin phòng COVID-19
Dự án tiêm chủng mở rộng quốc
gia tập huấn cho Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) khu vực, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 10 ngày; Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Dự án TCMR Miền Bắc tổ chức tập huấn hướng
dẫn triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các tuyến trên địa
bàn trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 07 ngày.
4. Truyền
thông về triển khai vắc xin phòng COVID-19
- Xây dựng kế hoạch truyền
thông về sử dụng vắc xin COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và
vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng.
- Cung cấp thông tin cho cơ
quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại
vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc
xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch triển khai tiêm.
- Thời gian thực hiện: Trước,
trong và sau khi triển khai tiêm.
5. Tổ chức
tiêm chủng
5.1. Xây dựng nhu cầu và kế
hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương
Sở Y tế chủ trì phối hợp với
các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin
COVID-19 tại địa phương và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm
nguy cơ, danh sách đối tượng đồng ý tiêm và không đồng ý tiêm theo mẫu thu thập
ý kiến các đối tượng của Bộ Y tế.
(Xây
dựng kế hoạch theo tiến độ cung ứng vắc xin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung
ương).
5.2. Hướng dẫn tổ chức buổi
tiêm
5.2.1. Hình thức tiêm
- Vắc xin sử dụng 02 liều cho
các đối tượng trên 18 tuổi, tiêm bắp, đóng gói 10 liều/lọ.
- Tổ chức theo hình thức tiêm
chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn
có, trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ
của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.
5.2.2. Tổ chức buổi tiêm
- Tổ chức buổi tiêm chủng theo
đúng hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng để triển khai một cách đồng bộ, đáp ứng
đầy đủ các yêu cầu về tiêm chủng và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 và
đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn cho cán bộ thực hiện tiêm chủng.
- Đối với các đơn vị đủ điều kiện
tiêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng
cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ
điều kiện tiêm chủng, Sở Y tế chỉ đạo việc triển khai các cơ sở tiêm chủng lưu
động bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai đạt mục tiêu kế hoạch.
- Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện và
Trung tâm Y tế tuyến huyện:
+ Thực hiện tiêm cho các đối tượng
là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở,
các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo đề nghị của
Sở Y tế.
+ Tổ chức các đội cấp cứu tại
đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi
lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã theo sự phân
công của địa phương.
+ Các Bệnh viện tuyến tỉnh:
Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, các bệnh viện phải dự phòng 01
cơ số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/Bệnh
viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
- Trạm Y tế cấp xã:
+ Tổ chức chiến dịch tiêm vắc
xin phòng COVID-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động.
+ Thực hiện tiêm cho các đối tượng
là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc
phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết
yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp
mắc bệnh mạn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương, sau khi
kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm
(các đối tượng tiêm phải đúng qui định).
+ Bố trí trang thiết bị, phương
tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường
hợp cần thiết.
- Bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc
các ngành:
+ Xây dựng kế hoạch, thực hiện
tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình qui định và hỗ trợ cho ngành y tế để
triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết).
+ Bố trí trang thiết bị, phương
tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường
hợp cần thiết.
- Cơ sở tiêm chủng dịch vụ:
+ Thực hiện tiêm chủng cho các
đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế.
+ Bố trí trang thiết bị, phương
tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường
hợp cần thiết.
- Các cơ sở khác được Sở Y tế
huy động để tiêm cho các đối tượng theo kế hoạch của tỉnh.
5.3. Giám sát và xử trí sự cố
bất lợi sau tiêm chủng
a) Giám sát sau tiêm chủng: Các
cơ sở tiêm chủng thực hiện giám sát sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hệ thống giám sát bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ tỉnh đến
cơ sở. Khi xảy ra trường hợp tai biến sau tiêm chủng: Quy trình điều tra, báo
cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng
được thực hiện theo Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.
- Đơn vị thực hiện: Các cơ sở
tiêm
- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố
- Thời gian thực hiện: Trong
quá trình sử dụng vắc xin.
b) Giám sát định kỳ: Các cơ sở
tiêm chủng tiến hành theo dõi, giám sát phản ứng thông thường và tai biến nặng
sau tiêm theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
và Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11 /2018 của Bộ Y tế.
- Đơn vị thực hiện: Các cơ sở
tiêm
- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố
- Thời gian thực hiện: Trong quá
trình sử dụng vắc xin.
c) Hội đồng tư vấn chuyên môn
đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin: các hội đồng
tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc
xin từ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành phố được thành lập, tổ chức và hoạt động
theo Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/09/2018 và Thông tư 05/2020/TT-BYT sửa
đổi, cập nhật một số điều của Thông tư 24/2018/TT-BYT ngày 18/09/2018, đã được
đào tạo, tập huấn hàng năm về các hoạt động chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai
biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin.
e) Xử trí phản vệ trong quá
trình sử dụng vắc xin: quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ tuân theo Thông tư
51/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán
và xử trí phản vệ. Quy trình được đào tạo định kì cho các cán bộ tham gia vào
quá trình tiêm tại các tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh.
5.4. Quản lý bơm kim tiêm và
rác thải y tế sau buổi tiêm
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh hướng dẫn xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy
định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNM ngày 31/12/2015 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và đặc điểm của vắc xin
COVID.
- Các cơ sở tiêm thu gom và xử
lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế
5.5. Giám sát và báo cáo hoạt
động tiêm
- Kiểm tra, giám sát trước triển
khai: Giám sát công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 bao gồm điều
tra đối tượng, lập kế hoạch tổ chức điểm tiêm chủng, dự trù vắc xin vật tư tiêm
chủng, phân công nhân lực, xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).
- Kiểm tra, giám sát trong triển
khai: Giám sát công tác tổ chức buổi tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng
(khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm).
- Kiểm tra, giám sát sau triển
khai: Đánh giá nhanh tỷ lệ tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm vét, ghi chép, thống
kê báo cáo.
- Phân công cán bộ tuyến tỉnh
và huyện giám sát triển khai
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN TRIỂN KHAI
1. Kinh
phí trung ương: Hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP
ngày 26/02/2021 của Chính phủ.
2. Kinh
phí địa phương: Đảm bảo hoạt động tiêm vắc xin cho người dân trên địa
bàn và các đối tượng do địa phương quản lý từ nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ,
nguồn dự phòng ngân sách địa phương, nguồn ủng hộ viện trợ và nguồn do các tổ
chức, cá nhân tự nguyện chi trả theo quy định.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các
ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch tại các địa phương; bố
trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho các điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội
cấp cứu lưu động; chỉ đạo tổ chức buổi tiêm chủng: thực hiện việc khám sàng lọc
trước tiêm và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Tổ chức
kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng
dịch vụ về việc thực hiện thu phí giá dịch vụ tiêm chủng COVID-19 theo quy định
của Bộ Y tế. Hỗ trợ trong các đợt tiêm chủng theo chiến dịch của tỉnh
- Chủ động liên hệ với viện Vệ
sinh dịch tễ Trung ương đề xuất nhu cầu vắc xin COVID-19 và tiến độ tiếp nhận vắc
xin về tỉnh Lào Cai.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật chuẩn bị vắc xin, vật tư tiêm chủng đảm bảo đúng thời gian để triển khai
tiêm chủng trên địa bàn. Chủ động hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, có
phương án bảo quản vắc xin trong trường hợp mất điện đột xuất. Hướng dẫn chuyên
môn cho đơn vị y tế các tuyến thực hiện tốt theo Theo Thông tư 34/2018/TT-BYT
ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế về quy định chi tiết một số điều Nghị định
104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng. Là cơ quan đầu
mối tổng hợp báo cáo kết quả triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19. Xây dựng
tài liệu truyền thông của chiến dịch gửi Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh để tăng cường các đợt tuyên truyền sâu rộng về việc triển khai Kế hoạch
để người dân đi tiêm chủng.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố:
+ Tổ chức tập huấn chuyên môn
cho cán bộ y tế các tuyến về việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tổng
hợp báo cáo.
+ Lập dự toán kinh phí tổ chức
triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.
+ Chỉ đạo các đơn vị điều trị
chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn
trong tiêm chủng.
+ Tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin COVID-19
trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai.
2. Công
an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế
hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
3. Sở Tài
chính: Tham mưu cân đối, bố trí nguồn kinh phí; thẩm định trình bổ sung
dự toán kinh phí hỗ trợ các hoạt động tiêm chủng cho các cơ quan, đơn vị thực
hiện.
4. Sở
Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Đẩy mạnh các hoạt động truyền
thông về lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19; khuyến cáo người dân đi tiêm chủng;
hướng dẫn cách theo dõi, xử trí với các phản ứng sau tiêm. Tuyên truyền khuyến
khích người dân tiêm chủng tự chi trả chi trả chi phí tiêm chủng.
5. Các Sở,
ngành, đoàn thể liên quan
Cung cấp danh sách các đối tượng
thuộc diện tiêm Vắc xin COVID-19 cho Sở Y tế đồng thời phối hợp với Sở Y tế tổ
chức tiêm cho các đối tượng thuộc đơn vị mình và hỗ trợ Sở Y tế khi cần thiết.
6. Đề nghị
Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội: Phối hợp
chặt chẽ với ngành y tế, các ngành, cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền
nâng cao nhận thức của người dân, vận động các đối tượng đi tiêm vắc xin
COVID-19 đúng kế hoạch.
7. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh,
chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với địa phương và tổ chức
triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị
trấn xây dựng kế hoạch và triển khai khai các hoạt động tập huấn, điều tra đối
tượng và tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.
- Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông
tin, trung tâm văn hóa, thể thao - truyền thông tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc
xin phòng COVID-19, theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.
- Bảo đảm nguồn kinh phí triển
khai hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo phân cấp ngân sách.
Trên đây là Kế hoạch tiếp nhận,
bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên
địa bàn tỉnh Lào Cai; yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT: TU, UBND, HĐND;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Giàng Thị Dung
|
PHỤ LỤC I
TỔNG HỢP TỦ BẢO QUẢN VẮC XIN TUYẾN TỈNH HUYỆN
TT
|
Huyện/TX/TP
|
Số tủ dung tích 240 lít (TCW 4000A C)
|
Số tủ dung tích 126,5 lít (TCW 3000A C)
|
Số tủ dung tích 126,5 lít (TCW 3000)
|
Tổng dung tích 240 (Lít)
|
Tổng dung tích 126,5 (lít)
|
Tổng dung tích các tủ (Lít)
|
Số liều vắc xin được bảo quản theo tủ (*)
|
1
|
Bảo Yên
|
0
|
1
|
1
|
0
|
253
|
253
|
50.600
|
2
|
Bảo Thắng
|
1
|
0
|
2
|
240
|
253
|
493
|
98.600
|
3
|
Bát Xát
|
1
|
0
|
1
|
240
|
127
|
367
|
73.300
|
4
|
Bắc Hà
|
0
|
0
|
2
|
0
|
253
|
253
|
50.600
|
5
|
Sa Pa
|
0
|
1
|
2
|
0
|
380
|
380
|
75.900
|
6
|
TP Lào Cai
|
1
|
0
|
2
|
240
|
253
|
493
|
98.600
|
7
|
Mường Khương
|
1
|
0
|
2
|
240
|
253
|
493
|
98.600
|
8
|
Văn Bàn
|
1
|
0
|
1
|
240
|
127
|
367
|
73.300
|
9
|
Si Ma Cai
|
1
|
0
|
1
|
240
|
127
|
367
|
73.300
|
10
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
|
5
|
2
|
4
|
1.200
|
759
|
1.959
|
391.800
|
Tổng số
|
11
|
4
|
18
|
2.640
|
2.783
|
5.423
|
1.084.600
|
* Ước tính: 200 liều vắc
xin/1 lít dung tích bảo quản
PHỤ LỤC II
DỰ KIẾN LỘ TRÌNH SỬ DỤNG VẮC XIN THEO TIẾN ĐỘ
STT
|
Đối tượng ưu tiên*
|
Số đối tượng dự kiến
|
Số lượng đối tượng tiêm**
|
Số liều vắc xin***
|
A. TIÊM CHỦNG MIỄN PHÍ
|
161.807
|
153.717
|
384.292
|
Đợt 1 (Quý I+II)/2021
|
15.958
|
15.160
|
37.900
|
1
|
Cán bộ y tế
|
5.118
|
4.862
|
12.155
|
2
|
Người tham gia phòng chống dịch
(Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu
cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng,
tình nguyện viên, phóng viên)
|
10.840
|
10.298
|
25.745
|
Đợt 2 (Quý II+III)/2021
|
16.488
|
15.664
|
39.159
|
1
|
Lực lượng quân đội
|
|
|
|
2
|
Lực lượng công an
|
|
|
|
3
|
Cán bộ hải quan
|
|
|
|
4
|
Cán bộ ngoại giao
|
|
|
|
5
|
Giáo viên
|
|
|
|
Đợt 3 (Quý III+IV)/2021
|
129.361
|
122.893
|
307.232
|
1
|
Giáo viên
|
7.303
|
6.938
|
17.345
|
2
|
Những người cung cấp dịch vụ
thiết yếu: vận tải, du lịch, điện nước
|
35.914
|
34.118
|
85.296
|
3
|
Những người mắc bệnh mãn tính
trưởng thành
|
26.461
|
25.138
|
62.845
|
4
|
Người trên 80 tuổi
|
10.289
|
9.775
|
24.436
|
5
|
Người từ 65 tuổi đến dưới 80
tuổi
|
31.339
|
29.772
|
74.430
|
6
|
Người nghèo, các đối tượng
chính sách xã hội
|
18.055
|
17.152
|
42.881
|
7
|
Người được cử đi học tập, lao
động nước ngoài
|
217
|
206
|
515
|
B. TIÊM CHỦNG CÓ TRẢ PHÍ
(tiêm ngay khi có vắc xin)
|
317.874
|
301.980
|
754.951
|
1
|
Người từ 31 đến 64
|
223.216
|
212.055
|
530.138
|
2
|
Người từ 18 tuổi đến 30
|
94.658
|
89.925
|
224.813
|
Tổng cộng
|
479.681
|
455.697
|
1.139.242
|
Ghi chú:
* Đối tượng ưu tiên theo số thứ
tự
** Số lượng đối tượng tiêm bằng
Số đối tượng dự kiến x Tỷ lệ tiêm chủng 95%
*** Số liều vắc xin bằng số lượng
đối tượng tiêm x 2 mũi tiêm/người x 1,25 hệ số hao phí ước tính