ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/KH-UBND
|
Quảng
Ninh, ngày 12 tháng 01 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM GAN VI RÚT GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG NINH
Căn cứ Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày
24/9/2021 về việc ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm
gan vi rút giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Y tế; theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 6665/TTr - SYT ngày 27/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch, phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai
đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung: Giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan
vi rút.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tăng cường các hoạt động tuyên
truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân,
cán bộ y tế, chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi
rút.
2.2. Tăng cường công tác dự phòng lây
nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C, và dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
2.3. Nâng cao năng lực hệ thống giám
sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc
xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút viêm gan
trong cộng đồng và các cơ sở Y tế.
II. CÁC LĨNH VỰC
ƯU TIÊN VÀ HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ
1. Dự phòng lây
nhiễm vi rút viêm gan
1.1. Tiêm chủng
vắc xin viêm gan B
Mục tiêu: Giảm tỷ lệ HbsAg[1] ở trẻ dưới 5 tuổi
xuống dưới 0,5%
Chỉ tiêu:
- 100% bệnh viện và các cơ sở y tế có
phòng sinh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ
sau sinh.
- Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm
gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh:
+ Giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ trẻ sơ
sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 85%
+ Giai đoạn 2026-2030: Tỷ lệ trẻ sơ
sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 90%
- Trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được
tiêm vắc xin viêm gan B ba liều cơ bản (VGB3).
Các hoạt động chính tập trung vào các
nội dung sau:
a. Viêm gan B sơ sinh
- Triển khai tiêm vắc xin viêm gan B
liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giảm thiểu
hoãn tiêm không phù hợp.
- Tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc
xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ cho cán bộ y tế tại các bệnh viện
và cơ sở y tế có phòng sinh.
- Tổ chức tiêm vắc xin viêm gan B liều
sơ sinh ít nhất 02 lần/ngày tại các bệnh viện và các cơ sở y tế có phòng sinh.
- Tổ chức triển khai và mở rộng tiêm
vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại các trạm y tế, phòng sinh khu vực miền núi,
vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nơi có tỷ lệ tiêm liều sơ sinh thấp. Từng bước
triển khai tiêm vắc xin viêm gan B tại nhà cho trẻ sơ sinh được sinh tại nhà tại
các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc nơi tập quán sinh tại nhà còn phổ biến. Vận
động việc sinh con tại các cơ sở y tế có sinh để mẹ và trẻ được chăm sóc đầy đủ
trong và sau quá trình sinh cũng như được tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ
sinh kịp thời.
- Phối hợp với các chương trình chăm
sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em để phụ nữ mang thai, bà mẹ, người chăm sóc trẻ được
cán bộ y tế tư vấn về tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ sau sinh
trong những lần khám thai và trong ngày đầu sau khi sinh.
- Truyền thông trên các phương tiện
thông tin đại chúng về tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu
sau sinh cho trẻ sơ sinh.
- Thực hiện đăng ký trẻ sơ sinh trên
hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng của Bộ Y tế đối với tất cả các bệnh viện,
cơ sở y tế có phòng sinh và phòng tiêm chủng.
b. Tiêm chủng 3 liều vắc xin viêm gan
B cho trẻ dưới 1 tuổi
- Tổ chức triển khai tiêm chủng đầy đủ,
đúng lịch 3 liều vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi theo đúng lịch tiêm chủng.
- Tổ chức các điểm tiêm chủng ngoài
trạm y tế để tăng khả năng tiếp cận của đối tượng với dịch vụ tiêm chủng mở
rộng tại các địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
c. Tiêm phòng cho các nhóm người trưởng
thành có nguy cơ cao
- Thúc đẩy việc triển khai tiêm vắc
xin viêm gan B cho nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
- Tổ chức truyền thông về lợi ích của
tiêm vắc xin viêm gan B cho các nhóm có nguy cơ cao bao gồm nam quan hệ tình dục
đồng tính, phụ nữ bán dâm, người nghiện chích ma túy, người thường xuyên tiếp
xúc với các sản phẩm máu (nhân viên y tế và bệnh nhân).
d. Cung ứng vắc xin viêm gan B đầy đủ
và đảm bảo chất lượng
- Đáp ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc
xin viêm gan B sản xuất trong nước cho hoạt động tiêm chủng thường xuyên.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng
vắc xin được bảo quản tại các tuyến.
- Đáp ứng đủ, kịp thời bơm kim tiêm tự
khóa và hộp an toàn trong tiêm chủng thường xuyên.
1.2. Phòng
lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con
Mục tiêu:
Giảm lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con.
Chỉ tiêu:
- Đạt các chỉ tiêu tiêm chủng viêm
gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Tỷ lệ phụ nữ được
xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai
trên 70%.
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan
B được điều trị trên 70%.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
Triển khai các hoạt động dự phòng lây
truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con theo kế hoạch loại trừ ba bệnh HIV,
giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con của Bộ Y tế.
- Cập nhật và tổ chức triển khai các
chính sách, văn bản pháp quy, hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát lây
truyền từ mẹ sang con.
- Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt
động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi
hành vi.
- Cung cấp đầy đủ các dịch vụ sàng lọc,
chẩn đoán, chăm sóc, quản lý điều trị các bệnh lây truyền từ mẹ sang con đảm bảo
chất lượng.
- Xây dựng hệ thống ghi nhận thông
tin, theo dõi và giám sát lây truyền từ mẹ sang con, tích hợp trong hệ thống
thông tin, giám sát hiện có.
1.3. Kiểm
soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế
Mục tiêu:
Giảm thiểu lây truyền vi rút viêm gan B, C tại các cơ sở y
tế.
Chỉ tiêu:
- 100% tiêm an toàn trong các cơ sở y
tế.
- 100% cán bộ y tế làm việc tại cơ sở
khám, chữa bệnh được tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
a. Thúc đẩy triển khai các biện pháp
kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn bao gồm cả vi rút viêm gan tại các cơ sở y
tế
- Tổ chức truyền thông, đào tạo, tập
huấn nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan
trong các cơ sở y tế.
- Giám sát việc thực hành tiêm an
toàn tại các cơ sở y tế.
- Đảm bảo áp dụng các biện pháp phòng
ngừa chuẩn trong tất cả các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Triển khai hướng dẫn kiểm soát nhiễm
khuẩn tại các cơ sở chạy thận nhân tạo.
b. Triển khai tiêm vắc xin viêm gan B
cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh
- Triển khai các văn bản pháp quy, hướng
dẫn kỹ thuật về triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho cán bộ y tế tại cơ sở
khám, chữa bệnh.
- Thúc đẩy triển khai tiêm vắc xin
viêm gan B cho cán bộ y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn
của Bộ Y tế.
1.4. Can thiệp
giảm tác hại
Mục tiêu:
Giảm lây truyền vi rút viêm gan B, C trong nhóm sử dụng ma
túy.
Chỉ tiêu:
- Đảm bảo cung cấp ít nhất 300 bơm
kim tiêm cho một người tiêm chích ma túy trong một năm.
- Tối thiểu 30% người nghiện chất dạng
thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
a. Duy trì, mở rộng các can thiệp giảm
tác hại với độ bao phủ và hiệu quả cao, giảm lây truyền vi rút viêm gan C
trong nhóm nghiện chích ma túy
- Truyền thông, giáo dục tư vấn về
các can thiệp dự phòng nhiễm HIV và vi rút viêm gan C.
- Duy trì và mở rộng điều trị thay thế
chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
- Duy trì, mở rộng chương trình bơm
kim tiêm dựa vào cộng đồng và sử dụng bơm kim tiêm khoảng chết thấp.
- Duy trì, mở rộng
chương trình bao cao su, chất bôi trơn dựa vào cộng đồng cho các nhóm quần thể
đích.
1.5. An toàn
truyền máu
Mục tiêu:
Loại trừ lây truyền vi rút viêm gan B, C qua truyền máu.
Chỉ tiêu:
- 100% đơn vị máu được sàng lọc.
- Trên 95% đơn vị máu được sàng lọc
bàng NAT[2].
- 100% phòng xét nghiệm sàng lọc máu
có hệ thống quản lý chất lượng.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
a. Thành lập phòng tham chiếu xét
nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan trong chương trình an toàn truyền máu.
b. Cập nhật hướng dẫn hoạt động xét
nghiệm an toàn phòng chống lây truyền qua đường truyền máu.
c. Kết nối cơ sở dữ liệu quản lý sức
khỏe người hiến máu và kết nối cơ sở điều trị để quản lý bệnh
nhân viêm gan được phát hiện.
d. Triển khai hệ thống quản lý chất
lượng tại các cơ sở xét nghiệm lâm sàng lọc máu đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống chất
lượng ISO 15189.
e. Thiết lập hệ thống cảnh báo nguy
cơ lây truyền vi rút viêm gan B, C qua truyền máu.
f. Xây dựng tài liệu, tuyên truyền và
tư vấn về phòng chống viêm gan vi rút đối với người hiến
máu tiềm năng và người hiến máu có nhiễm vi rút viêm gan.
1.6. Dự
phòng lây truyền vi rút viêm gan A và E
Mục tiêu:
Giảm lây truyền vi rút viêm gan A và E qua đường tiêu hóa.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau
Đảm bảo công tác vệ sinh cá nhân, vệ
sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo nước sạch để dự phòng lây truyền vi rút viêm
gan lây truyền qua đường tiêu hóa
- Tổ chức truyền thông, cung cấp các
khuyến cáo, thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh lây
truyền qua đường tiêu hóa.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ
sinh phòng bệnh tại các cơ sở y tế trong đó tập trung cải
thiện vấn đề quản lý chất thải tại các cơ sở y tế để hạn chế lây lan mầm bệnh
vi rút viêm gan ra môi trường.
- Duy trì và triển khai hoạt động
giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế
để xử lý kịp thời.
- Duy trì và mở rộng
dịch vụ tiêm phòng vắc xin viêm gan A.
- Các cơ sở giáo dục, trường học thực
hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt tập trung cải thiện vấn
đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà
phòng của học sinh.
2. Tiếp cận chẩn
đoán, điều trị viêm gan vi rút
Mục tiêu:
Giảm xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan vi rút B
và C.
Chỉ tiêu:
- 50% số người nhiễm vi rút viêm gan
B, C được chẩn đoán.
- 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị được điều trị viêm gan vi rút B, C.
- 90% người bệnh điều trị viêm gan vi
rút B đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
- 95% người bệnh điều trị viêm gan vi
rút C khỏi bệnh.
- 70% người nhiễm HIV đang điều trị
ARV được sàng lọc vi rút viêm gan C.
- 80% người được chẩn đoán đồng nhiễm
HIV/HCV được điều trị viêm gan C.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
a. Xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan
B, C theo hướng dẫn của Bộ Y tế
- Mở rộng dịch vụ xét nghiệm vi rút
viêm gan B, C tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã và cộng đồng.
- Mở rộng dịch vụ
xét nghiệm tải lượng vi rút tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tiến tới thực hiện
xét nghiệm tải lượng vi rút tại tuyến huyện. Xây dựng hướng dẫn và triển khai
thực hiện quy trình chuyển mẫu xét nghiệm đo tải lượng HBV, HCV đến các cơ sở
xét nghiệm và được bảo hiểm y tế chi trả.
- Huy động nguồn lực thực hiện xét
nghiệm vi rút viêm gan cho các nhóm quần thể đích bao gồm cả trong trại giam và
các cơ sở khép kín.
- Kết nối hiệu quả người được xét
nghiệm viêm gan vi rút với dịch vụ chăm sóc và điều trị. Lồng ghép các các dịch
vụ xét nghiệm viêm gan B, C với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm
HIV tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế và các dịch vụ chăm sóc, điều trị và dự
phòng HIV.
b. Xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm
viêm gan vi rút
- Thiết lập phòng xét nghiệm tham chiếu
quốc gia về viêm gan vi rút.
- Tăng cường triển khai quản lý chất
lượng (QMS) và ngoại kiểm (EQAS) theo hướng dẫn của Bộ Y tế
tại các phòng xét nghiệm viêm gan vi rút.
- Thiết lập quy trình đánh giá chất
lượng sinh phẩm xét nghiệm viêm gan B, C theo tiêu chuẩn
quốc tế hoặc sử dụng thông tin về đánh giá sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới
thực hiện thông qua chương trình tiền kiểm định.
- Triển khai áp dụng hướng dẫn xét
nghiệm viêm gan vi rút B, C do Bộ Y tế ban hành trong chẩn
đoán và điều trị.
c. Điều trị viêm gan vi rút
- Định kỳ cập nhật hướng dẫn quốc gia
về chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan vi rút theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế
Thế giới.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao
năng lực cho cán bộ y tế các tuyến từ tuyến xã đến tuyến tỉnh trong quản lý,
chăm sóc và điều trị viêm gan vi rút. Tổ chức các khóa đào tạo và đào tạo liên
tục về viêm gan bao gồm áp dụng các hình thức đào tạo trực tuyến.
- Xây dựng và triển khai các mô hình
cung cấp dịch vụ toàn diện bao gồm xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và dự phòng.
- Phân tuyến điều trị viêm gan vi
rút, đặc biệt là điều trị viêm gan vi rút C, đến tuyến huyện được bảo hiểm y tế chi trả để nâng cao số
lượng người bệnh được điều trị viêm gan vi rút.
d. Điều trị đồng nhiễm HIV/HCV
- Cập nhật, tối ưu hóa phác đồ điều
trị HIV theo hướng lựa chọn các thuốc không tương tác với
các thuốc điều trị viêm gan C.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao
năng lực cho cán bộ y tế về chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc và điều trị đồng nhiễm
HIV/HBV và HIV/HCV.
- Mở rộng mô hình điều trị HIV/HCV
theo hướng quản lý ca bệnh đồng nhiễm HIV/HCV được lồng ghép trong quy trình quản
lý điều trị cho người nhiễm và người phơi nhiễm với HIV.
- Thực hiện quản lý ca bệnh điều trị
đồng nhiễm HIV/HCV, thúc đẩy điều trị đồng nhiễm HIV/HCV từ
nguồn bảo hiểm y tế.
e. Cung cấp sinh phẩm chẩn đoán và
thuốc điều trị
- Thúc đẩy quá trình đăng ký lưu
hành, nhập khẩu các thuốc điều trị viêm gan vi rút.
- Thúc đẩy khả năng tiếp cận với thuốc
điều trị viêm gan với giá cả hợp lý thông qua vận động chính sách, tăng tỷ lệ
chi trả bảo hiểm y tế đối với điều trị viêm gan C, hợp tác và đàm phán giá với các nhà sản xuất, cung ứng thuốc và sinh
phẩm thông qua đấu thầu tập trung.
- Triển khai mở rộng các chính sách
chi trả bảo hiểm y tế phù hợp đối với các trường hợp điều trị bệnh viêm gan vi
rút C để giảm tỷ lệ đồng chi trả cho người bệnh nhằm tăng
cường tiếp cận với điều trị cho người bệnh tại các tuyến;
triển khai cơ chế chi trả bảo hiểm đối với các trường hợp được theo dõi, điều
trị ngoại trú theo quy định hiện hành.
3. Truyền thông
nâng cao nhận thức xã hội và vận động chính sách về viêm gan vi rút
Mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng
trong dự phòng và điều trị bệnh viêm gan vi rút và dự phòng ung thư gan.
- Tăng cường sự tham gia của chính
quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xây dựng các chính sách hỗ trợ.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
a. Triển khai các chiến dịch truyền
thông nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh viêm gan vi rút và giảm kỳ thị,
phân biệt đối xử.
- Phối hợp và đa dạng hóa các hình thức
thông tin - giáo dục - truyền thông về phòng, chống viêm gan vi rút; Xây dựng
các thông điệp truyền thông dễ hiểu và có hiệu quả về các biện pháp dự phòng, đặc
biệt về lợi ích của việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ
sinh và trẻ nhỏ, chương trình rửa tay và vệ sinh an toàn thực phẩm, các yếu tố
nguy cơ của nhiễm vi rút viêm gan, các thông điệp về dự phòng lây nhiễm, xét
nghiệm sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng trong đó có ung thư
gan.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong việc tư vấn, tổ chức
các buổi truyền thông, hội thảo, tập huấn về phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
- Lồng ghép việc tuyên truyền phòng
chống viêm gan vi rút trong việc tuyên truyền phòng chống ung thư gan, phòng chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống tiêm
chích, mại dâm và ma túy.
- Đẩy mạnh việc tư vấn về phòng chống
bệnh viêm gan vi rút tại các cơ sở y tế, các trung tâm tư vấn về sức khỏe, đặc
biệt cho phụ nữ có thai, người hiến máu, các đối tượng có nguy
cơ cao mắc bệnh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiêm chích ma túy.
- Triển khai các hoạt động hưởng ứng
ngày Viêm gan Thế giới (28/7) hàng năm với sự tham gia của chính quyền, các
ban, ngành đoàn thể các cấp và cộng đồng.
- Tăng cường tổ chức truyền thông,
cung cấp các khuyến cáo, thông điệp nhằm nâng cao nhận thức
của giáo viên, phụ huynh và học sinh về các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Do HIV và viêm gan vi rút có đường
lây truyền giống nhau, tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan vi rút trong nhóm người nhiễm
HIV cao nên tăng cường truyền thông về đồng nhiễm và giám sát đồng nhiễm trong
nhóm nguy cơ cao đảm bảo tăng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.
b. Huy động nguồn lực và vận động sự
tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội
và cộng đồng trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống viêm
gan.
- Vận động lãnh
đạo chính quyền địa phương và huy động nguồn lực cho chương trình phòng, chống
viêm gan vi rút.
- Huy động các tổ chức chính trị,
chính trị - xã hội để ủng hộ và tham gia chương trình phòng, chống viêm gan vi rút.
- Khuyến khích, vận động sự tham gia
của cộng đồng, cộng đồng bị ảnh hưởng trong việc xây dựng và thực hiện các
chính sách hỗ trợ các chương trình, kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
- Phối hợp vận động các cấp ủng hộ việc
quy định sử dụng quỹ BHYT chi trả chi phí khám sàng lọc, chẩn đoán sớm viêm gan
vi rút cho một số nhóm đối tượng.
4. Hệ thống thông
tin chiến lược
4.1. Giám
sát thu thập dữ liệu về viêm gan vi rút
Mục tiêu:
- Thiết lập hệ thống giám sát viêm
gan vi rút quốc gia.
- Thiết lập hệ thống theo dõi bệnh
nhân được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút.
Các hoạt động chính tập trung vào các nội dung sau:
a. Triển khai hướng dẫn giám sát viêm
gan vi rút thống nhất với chiến lược giám sát viêm gan vi rút của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với hệ thống y tế quốc gia.
- Triển khai quản lý và báo cáo kết
quả xét nghiệm viêm gan vi rút trong hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm quốc
gia.
- Triển khai giám sát trường hợp bệnh
viêm gan vi rút cấp tính và mãn tính vi rút viêm gan B, C.
- Triển khai giám sát trường hợp biến
chứng do viêm gan vi rút.
b. Xây dựng và triển khai hệ thống
báo cáo và theo dõi bệnh nhân chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C.
- Triển khai bộ chỉ số theo dõi đánh
giá về chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C tại các cơ sở y
tế.
- Triển khai phần mềm để theo dõi
bệnh nhân viêm gan vi rút trong quá trình chẩn đoán, điều trị và
giám sát điều trị
- Thực hiện báo cáo thường quy theo
quy định của Bộ Y tế.
c. Liên kết hệ thống giám sát viêm
gan vi rút với các chương trình y tế quốc gia và các hệ thống giám sát bệnh tật
khác:
- Kết nối dữ liệu
giám sát bệnh viêm gan vi rút với giám sát HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm
khác có liên quan.
- Liên kết dữ liệu đăng ký ung thư
gan với các hệ thống báo cáo viêm gan vi rút
- Liên kết dữ liệu sàng lọc hiến máu
và bệnh nhân sau hiến máu.
d. Phối hợp xây dựng kho dữ liệu viêm gan vi rút tích hợp với hệ thống báo cáo tiêm chủng, hệ thống
theo dõi bệnh liên quan đến gan (trường hợp xơ gan và ghi nhận ung thư) và các
nguồn dữ liệu bệnh truyền nhiễm liên
quan khác.
4.2. Triển
khai nghiên cứu khoa học về viêm gan vi rút
Mục tiêu:
Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, bằng chứng cho xây
dựng chính sách về chương trình phòng chống viêm gan vi rút.
Các hoạt động chính tập trung vào
các nội dung sau:
- Xác định và định hướng các ưu tiên
nghiên cứu về viêm gan vi rút.
- Phối hợp triển khai nghiên cứu về dịch
tễ học, vi rút học và trong các lĩnh vực sàng lọc, chăm sóc và điều trị viêm
gan, tập trung vào các vấn đề ưu tiên của quốc gia bao gồm cả nghiên cứu tác
nghiệp và phân tích kinh tế y tế.
- Phối hợp định kỳ cập nhật ước tính
gánh nặng bệnh tật quốc gia để đề xuất các chiến lược đầu tư phù hợp.
4.3. Tăng cường
năng lực và phát triển hệ thống
Mục tiêu:
Huy động các nguồn lực cho chương trình phòng chống bệnh viêm gan vi rút đảm bảo
hiệu quả và duy trì bền vững.
Các hoạt động chính tập trung vào các nội dung sau:
a. Tăng cường đào tạo và đảm bảo chất
lượng nguồn nhân lực
- Kiện toàn và nâng cao năng lực đội
ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, giám sát, xét nghiệm, chẩn
đoán, điều trị và truyền thông về viêm gan vi rút.
- Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến
dưới về dự phòng, xét nghiệm, giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi
rút.
- Cập nhật chương trình dự phòng và
điều trị bệnh viêm gan vi rút vào chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng
ngành Y tế Quảng Ninh.
b. Huy động các nguồn lực phòng chống bệnh viêm gan vi rút
- Huy động nguồn lực trong nước từ
các chương trình y tế ở trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và nguồn bảo
hiểm y tế.
+ Tăng kinh phí của Chương trình tiêm
chủng mở rộng quốc gia nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ
sinh và trẻ dưới 1 tuổi theo kế hoạch đề ra, xem xét mở rộng cho các đối tượng nguy cơ.
+ Thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm
y tế trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút; Vận động chính sách để
giảm đồng chi trả cho bệnh nhân điều trị viêm gan C và
cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị tại tuyến huyện.
+ Lồng ghép chương trình phòng chống
bệnh viêm gan vi rút với chương trình phòng chống HIV/AIDS và các chương trình
trình phòng chống bệnh tật khác có liên quan để giải quyết tình trạng đồng nhiễm
và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức
quốc tế, tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn lực cho các hoạt động phòng chống
bệnh viêm gan vi rút.
- Phân bổ nguồn lực cho dự phòng,
sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút dựa trên phân tích hiệu quả đầu
tư của các can thiệp phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
III. KINH PHÍ:
1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch:
Từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành;
2. Căn cứ các nhiệm vụ được giao, Sở
Y tế lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương theo quy định phân cấp ngân sách
nhà nước để thực hiện Kế hoạch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế:
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa
bàn tỉnh triển khai các hoạt động đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu,
giải pháp theo Kế hoạch của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội liên quan trên địa bàn tỉnh
triển khai các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút tới
các đơn vị thành viên và vận động người dân tham gia.
- Chỉ đạo triển khai vắc xin viêm gan
B cho trẻ em tại các điểm tiêm chủng và trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng
sinh đạt tỷ lệ đề ra, đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ
tiêm chủng vắc xin viêm gan B đạt thấp.
- Chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở y tế
có phòng sinh, phòng tiêm chủng thực hiện việc nhập thông tin tất
cả các trẻ sơ sinh trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia theo hướng
dẫn của Bộ Y tế.
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy trình chuẩn về phòng nhiễm khuẩn
trong bệnh viện, thực hiện tốt việc khám, sàng lọc để phát hiện sớm các trường
hợp nhiễm vi rút viêm gan và điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố,các cơ sở khám chữa bệnh trên
địa bàn tỉnh thực hiện các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện
tuyến trung ương.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về
các hướng dẫn chuyên môn giám sát và phòng chống viêm gan vi rút, tổ chức tốt
các chương trình, dự án liên quan nhằm đạt được các kết quả
theo kế hoạch đề ra.
- Tăng cường công tác phối hợp với
ngành giáo dục và đào tạo thực hiện truyền thông phòng chống bệnh viêm gan vi
rút tại các điểm trường học.
2. Sở Tài chính: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp, hướng dẫn Sở Y tế và các đơn vị, địa
phương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo quy định hiện hành; cân đối
các nguồn lực, tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút của tỉnh, giai đoạn 2023-2025.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, đôn đốc cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí có hợp
tác truyền thông, thường trú tại tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền
nâng cao nhận thức của người dân trong dự phòng và điều trị bệnh viêm gan vi
rút; tuyên truyền vận động người dân tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; tuyên truyền
Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn
2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt
động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút; chỉ đạo, bố trí lực lượng, phân công
trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan
trong việc thực hiện hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn.
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với
Trung tâm Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND huyện ban hành kế
hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút của huyện, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn, các ngành có liên quan trên địa bàn tổ chức thực
hiện kế hoạch, hỗ trợ nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.
Trên đây là Kế hoạch phòng chống bệnh
viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban nhân
dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, phối hợp tổ chức, triển
khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (báo cáo);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Q. Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (báo cáo);
- Các sở: YT, TC, TTTT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0, V2, VX5, DL1;
- Lưu: VT, VX5.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hạnh
|
[1] HBsAg là từ viết tất của
Hepatitis B surface Antigen - kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Đây là một trong nhiều kháng nguyên của virus viêm gan B do Blumberg tìm thấy trong
huyết thanh người
[2] NAT là phương pháp sàng lọc sử
dụng kỹ thuật sinh học phân tử phát hiện chất liệu di truyền
(ADN, ARN) của các tác nhân gây bệnh như là virút viêm gan
B (HBV), vi rút viêm gan C (HCV) và vi
rút HIV trong mẫu máu.