ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/CT-UBND
|
Hải
Phòng, ngày 18 tháng 09 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ VONG MẸ, TỬ
VONG SƠ SINH
Trong những năm qua, được sự quan tâm
chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam được cộng đồng
quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên
niên kỷ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Sự khác biệt về
tình trạng sức khỏe, tử vong bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền; tốc độ giảm tử
vong mẹ, tử vong trẻ em có xu hướng chậm lại; tử vong sơ sinh vẫn còn cao và
chiếm khoảng 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Trong thời gian gần đây, tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh liên quan đến tai biến sản khoa xảy ra
khá phổ biến ở một số cơ sở y tế, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày
11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà
mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; Ủy ban nhân dân thành
phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực
hiện các nội dung sau:
1. Sở Y tế:
- Phối hợp với các
ban, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe bà
mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017 - 2020; trong đó ưu tiên thực hiện
giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Đưa
các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội của thành phố.
- Thiết lập, vận hành “Đường dây nóng
về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa”.
Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, hội chẩn liên chuyên khoa khi có “báo động đỏ” của
hệ thống sản khoa như: Sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê, huyết học truyền máu,
tim mạch, nội tiết... Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám bệnh,
chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa; rà soát và nâng cao năng lực cấp cứu ngoại
viện của các bệnh viện chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi tuyến thành phố. Những
cơ sở chưa hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định cho việc
triển khai công tác đỡ đẻ cần được củng cố, tăng cường hoặc tạm thời không thực hiện đỡ đẻ tại đó. Quan tâm chỉ đạo,
đầu tư nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến quận, huyện ở xa trung tâm
thành phố để thực hiện chăm sóc sản khoa thiết yếu toàn diện (mổ đẻ, truyền
máu...); ưu tiên cho các nội dung về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa, giảm tử
vong mẹ, tử vong sơ sinh.
- Củng cố, kiện toàn hoặc thành lập
ngay (nếu chưa có) các đơn nguyên sơ sinh thuộc khoa nhi đối với các bệnh viện
đa khoa tuyến thành phố, quận, huyện; thành lập đơn vị hồi sức sơ sinh thuộc
khoa sơ sinh tại các bệnh viện chuyên khoa sản; nhi.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các
cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tư nhân trên địa bàn để chấn chỉnh thực hiện
Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
sinh sản và các quy định liên quan; kiểm tra giấy phép hoạt động, phạm vi
chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ
sinh.
- Chỉ đạo các bệnh viện được giao
nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo
tuyến, chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới; thường xuyên tổ chức các lớp
tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành về cấp cứu sản khoa, sơ sinh cho
cán bộ y tế chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa tuyến dưới. Đối với những đơn
vị hay xảy ra tai biến sản khoa cần tổ chức tập huấn theo từng chuyên đề cụ
thể; rà soát, đề xuất cơ quan quản lý đầu tư nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của
công tác làm mẹ an toàn, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây
dựng tài liệu, kế hoạch và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức
khỏe về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng, chống các tai biến sản
khoa; truyền thông giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao
tiếp cho nhân viên y tế.
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến thực hiện tốt các nội dung sau:
+ Thực hiện đúng quy trình khám thai,
phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi
để có thái độ xử trí phù hợp. Theo dõi chặt chẽ quá trình
chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời. Thực hiện
đỡ đẻ đúng kỹ thuật, can thiệp thủ thuật, phẫu thuật đúng chỉ định. Thực hiện
thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo
hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời
hoặc mời tuyến trên đến hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Tăng cường phẩm
hợp các chuyên khoa trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt
là trong xử lý các tình huống cấp cứu, hồi sức sơ sinh.
+ Thực hiện tốt
việc chăm sóc, theo dõi sản phụ, trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần
đầu sau đẻ; đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu
nhằm phát hiện sớm những bất thường của mẹ và con để xử trí
kịp thời. Đảm bảo cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1,
vắc xin viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở
rộng.
+ Tích cực triển khai các giải pháp
nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; thường xuyên nhắc
nhở, kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y
tế; đảm bảo chế độ trực đường dây nóng cũng như tuân thủ nghiêm Quy chế bệnh
viện, quy trình chuyên môn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y
tế.
2. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Y tế đề xuất bố trí
kinh phí ngân sách hàng năm, ngân sách hỗ trợ từ các nguồn hợp pháp cho công
tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác
cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh tại các cơ sở y tế.
- Hướng dẫn, giám sát công tác quản
lý, sử dụng kinh phí phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo quy
định.
3. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề
xuất chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng lâu dài và ổn định đội ngũ cán bộ
làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chính sách đãi ngộ nhằm thu hút
cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa,
nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là những vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Đưa các chỉ tiêu
về giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương. Chủ động đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của
Trung ương, thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung thực hiện các
mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh;
- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách
của địa phương nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ chuyên ngành sản,
nhi về công tác tại các vùng khó khăn.
- Chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ
quan y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp
hướng tới thực hiện các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em của Mục tiêu phát
triển bền vững vào năm 2030.
5. Các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn
thể; các cơ quan báo, đài thành phố:
Phối hợp với ngành Y tế tăng cường
các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ
sơ sinh và phòng, chống các tai biến sản khoa đến các tầng lớp nhân dân.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ
chức đoàn thể, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ
thị này, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để
tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT Thanh ủy, TT HĐND
TP;
- CT, các
PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể
TP;
- UBND các quận, huyện;
- Báo HP, Đài PT&TH HP, Báo AN HP, Cổng Thông
tin điện tử TP;
- CPVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Khắc Nam
|