ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/CT-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 20 tháng 12 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG KIỂM SOÁT THỰC PHẨM CUNG ỨNG TỪ NGOÀI TỈNH VÀO TRONG TỈNH ĐÁP ỨNG CÁC QUY
ĐỊNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 79.450 tấn
sản phẩm thực phẩm được cung ứng hàng năm từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh, chiếm
9,4% tổng sản lượng sản phẩm tiêu dùng của tỉnh và được tiêu thụ chủ yếu thông
qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương
mại, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và lưu thông trên đường. Tuy nhiên,
tỷ lệ sản phẩm thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh được kiểm soát
chặt chẽ, đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm mới đạt 75%, thấp hơn nhiều so
với mục tiêu đề ra (đến tháng 6/2018 phải đạt 90% trở lên và cơ bản được kiểm
soát vào năm 2020); trong đó: gạo mới kiểm soát được 83,2%, rau, củ, quả 74,2%,
thịt gia súc, gia cầm 66,3%, thủy sản 60,5%, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm
đóng chai 71,2%. Trong điều kiện nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng
cao, nếu không kiểm soát tốt sản phẩm thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào
trong tỉnh, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người
tiêu dùng, môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an
toàn của tỉnh là rất lớn, đặc biệt không thể hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số
04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Để triển khai quyết liệt,
hiệu quả các giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh và tăng
cường kiểm soát thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh, Chủ tịch UBND
tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan,
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực
hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, Nghị quyết số
04/NQ-TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 64/KH-UBND
ngày 19/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh,
trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung sau:
1. Các cấp, các ngành, các
tổ chức đoàn thể, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ
quan thông tin đại chúng tăng thời lượng, tần xuất phát sóng, số lượng tin bài,
kịp thời tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc,
xuất xứ; tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho các
hoạt động vận chuyển, kinh doanh sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất
xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh; công khai
tên, địa chỉ các cơ sở vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy
định về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng được biết và tránh sử dụng sản
phẩm thực phẩm không an toàn; đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động tiêu thụ sản
phẩm thực phẩm sản xuất tại địa phương.
2. Sở Công Thương
a) Tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm đưa vào kinh doanh, tiêu thụ
trong các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở, chuỗi
cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; phát hiện, xử lý
nghiêm, tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không được
kiểm dịch vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực
phẩm, sản phẩm thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng
quy định của pháp luật.
b) Thường xuyên kiểm tra,
đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp quản lý chợ về công tác
xây dựng nội quy chợ, nhất là các quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý
đối với việc kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm không
đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
a) Tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm thực phẩm từ
ngoài tỉnh đưa vào chợ đầu mối; hướng dẫn các hộ tiểu thương kinh doanh cung
cấp hóa đơn/bảng kê bán hàng cho các cơ sở kinh doanh, đảm bảo đến hết năm 2020
tất cả các thực phẩm được kinh doanh tại chợ đầu mối có thể truy xuất được
nguồn gốc.
b) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi
và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và các trạm, chốt kiểm dịch
liên ngành thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, thực vật tại các chốt,
trạm kiểm dịch trên địa bàn tỉnh; kiên quyết thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm
không đảm bảo vệ sinh thú y, tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt
ngưỡng theo quy định. Chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy
sản tăng cường công tác xác nhận sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an
toàn cho các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế
a) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu dùng để chế
biến thực phẩm, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập
thể, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh
thức ăn đường phố; kiên quyết thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không có nguồn
gốc, xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm theo quy định.
b) Tổ chức sử dụng có hiệu
quả hoạt động của xe kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm, ưu tiên cho hoạt động
kiểm tra, giám sát, truy xuất thực phẩm có nguồn gốc từ ngoài tỉnh đưa vào
trong tỉnh.
5. Công an tỉnh: Chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc, công an địa phương trong quá trình kiểm tra, kiểm soát an
toàn, trật tự giao thông, chú trọng kiểm tra các phương tiện vận tải sản phẩm
thực phẩm từ ngoài tỉnh đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; phối hợp với lực lượng
quản lý thị trường và các sở chuyên ngành xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu,
vận chuyển, kinh doanh thực phẩm từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh không có nguồn
gốc, xuất xứ, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm là hàng giả,
hàng nhái, hàng kém chất lượng; tiến hành khởi tố các vụ án có vi phạm nghiêm
trọng về an toàn thực phẩm theo quy định.
6. Cục Quản lý thị trường
tỉnh: Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu,
hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không
đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại theo quy định;
kiên quyết thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm theo quy định của pháp
luật.
7. Văn phòng Điều phối về vệ
sinh an toàn thực phẩm tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra an
toàn thực phẩm để tập trung kiểm tra các cơ sở thu mua, bảo quản, kinh doanh,
phân phối thực phẩm có nguồn gốc từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh.
b) Tổ chức quản lý, sử dụng
có hiệu quả phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn
tỉnh, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, giúp người tiêu
dùng dễ dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xây dựng niềm tin, tạo thương hiệu
cho nông sản, thực phẩm của tỉnh.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ được giao tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản
phẩm thực phẩm nhập khẩu vào trong tỉnh tiêu thụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu,
cảng biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp hàng
hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,
xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội
viên, đoàn viên, nhất là các hội viên có vận chuyển, kinh doanh thực phẩm từ
ngoài tỉnh vào trong tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm;
hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chưa rõ nguồn
gốc, xuất xứ và không có dấu kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn
thực phẩm.
10. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường các biện pháp
kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu
thụ sản phẩm thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không
đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh ngoài vào địa bàn tiêu thụ; kịp thời phát
hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
b) Chỉ đạo các đơn vị chuyên
môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ
các cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc ngoài tỉnh trên địa bàn;
cấp Giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm thực phẩm sản xuất
trong tỉnh để phân biệt với các sản phẩm thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ
đưa từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh tiêu thụ; tổ chức quản lý chặt chẽ các cá nhân
bán rong hàng hóa thực phẩm từ ngoài tỉnh vào tiêu thụ trong tỉnh, đảm bảo tất
cả các sản phẩm phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy
định.
c) Đẩy mạnh công tác xây
dựng các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, các mô hình sản xuất, kinh
doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; tạo môi trường, điều
kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây
dựng các cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn
thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của Nhân dân trong tỉnh,
hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm từ ngoài tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ
trưởng các ban, ngành, đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan, Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm
túc các nội dung của Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện,
các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có), gửi Sở Công Thương tổng
hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|