ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 06 tháng 4 năm 2023
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ, GIÁM SÁT, XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG CHẤT CẤM TRONG CHĂN NUÔI, KIỂM
SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT ĐẢM BẢO AN TOÀN DỊCH BỆNH, AN TOÀN THỰC PHẨM
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động
vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Công điện khẩn số
167/CĐ-BNN-TY ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm
trong chăn nuôi, giết mổ gia súc; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện,
thị xã, thành phố Huế; các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện tốt
các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy
hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Có chính
sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân
đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo hướng hiện đại, nâng cấp
các cơ sở giết mổ đã được xây dựng tại địa phương đi vào hoạt động hiệu quả;
nghiên cứu, rà soát, căn cứ tình hình thực tế đề xuất cụ thể việc cải tạo, nâng
cấp, mở rộng đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, gửi về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/4/2023.
- Bố trí và giao lực lượng thú y thực hiện đúng quy
trình kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày
01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm
soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất
lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để lây lan dịch bệnh cho
động vật.
- Xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật
nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ động vật tập trung có sự kiểm soát của chính quyền địa
phương và của cơ quan chuyên môn thú y. Tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở giết
mổ nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận vệ sinh thú y an toàn thực phẩm
theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hàng năm xây dựng và triển khai chương trình giám
sát, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật đảm bảo các điều
kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định của pháp luật về
bảo vệ môi trường; xử lý theo quy định pháp luật đối với các cơ sở giết mổ động
vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi,
thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh, mua bán, vận chuyển
chất cấm; sử dụng chất cấm đối với vật nuôi tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi,
cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức,
cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý
thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y,
an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến. Tuyên truyền
nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn
gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
- Báo cáo kết quả kiểm soát giết mổ định kỳ vào
ngày 25 hàng tháng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn
nuôi và Thú y) để tổng hợp.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng
các cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, an
toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương
liên quan nghiên cứu, đề xuất một số tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với các cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có thể nâng cấp, mở rộng, báo cáo
UBND tỉnh trước ngày 15/5/2023.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát giết mổ động vật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tất cả các cơ
sở giết mổ đều có nhân viên thú y kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Tuyệt đối không để giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch
bệnh và mất an toàn thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác
kiểm soát giết mổ và quy trình kiểm soát giết mổ của nhân viên thú y được giao
nhiệm vụ tại cơ sở giết mổ.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát sử
dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc
(trâu, bò, lợn) trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng
quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình
giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động
vật.
3. Sở Y tế
Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những
trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang
người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chủ động giám sát
tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh
vùng xử lý triệt để, không đế dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị
bệnh nhân.
4. Sở Công Thương, Cục Quản lý
thị trường
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm việc
vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn
gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, siêu thị,...
5. Công an tỉnh
- Tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát
hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm
lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành
lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận
chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y, sử dụng và
nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh
công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động
vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền rộng rãi trên
các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm
trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng. Thông tin kịp thời cho dư luận biết
về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm việc sử dụng chất cấm trong
chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Tài chính
Tham mưu bố trí nguồn ngân sách để thực hiện các
nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước,
các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
8. Sở Kế hoạch và
Đầu tư
Nghiên cứu, hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư
tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa
bàn tỉnh.
9. Sở Xây dựng
Nghiên cứu, rà soát, tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây
dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh
trước ngày 15/4/2023.
10. Sở Tài nguyên và Môi
trường
Phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, rà soát xác
định vị trí, quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; đồng thời
quản lý tốt môi trường tại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh.
11. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh
Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp
huyện chủ động tham gia cùng chính quyền, các đơn vị liên quan cấp huyện trong
công tác quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn
nuôi, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo kết
quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và
Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu VT, NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Hải Minh
|