BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/CT-BYT
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI
ĐOẠN 2011 - 2015
Tai nạn thương
tích (TNTT) hiện nay đe dọa đến sức khỏe ở tất cả các nước trên thế giới, đang
gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản Nhà nước và nhân dân. Theo báo
cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có hơn 5 triệu người tử
vong và 10 triệu người tàn tật do TNTT gây ra. Thương tích là một trong những
nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở độ tuổi lao động từ 15-44.
Tại Việt Nam,
trong giai đoạn 2002-2010, thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống TNTT,
ngành y tế đã đạt được một số kết quả nhất định: Công tác truyền thông giáo dục
về các yếu tố nguy cơ gây TNTT tại cộng đồng đã được thực hiện ở hầu hết các
tỉnh/thành phố; Hệ thống giám sát về TNTT được thiết lập trên phạm vi toàn
quốc; Mạng lưới cấp cứu và hệ thống chăm sóc chấn thương thiết yếu đã được củng
cố; Chất lượng sơ cấp cứu được tăng cường qua đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn
chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp cứu cho cán bộ các cấp; Các mô hình phòng, chống
TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn được phổ biến, triển khai rộng rãi tại nhiều
tỉnh, thành phố. Cả nước đã có 10 xã/phường được công nhận là thành viên mạng
lưới Cộng đồng an toàn quốc tế. Sau gần 10 năm thực hiện Chính sách quốc gia, tỉ
suất tử vong do TNTT tại cộng đồng giảm gần 50% so với điều tra quốc gia năm
2001 (Báo cáo thống kê các trường hợp tử vong tại cộng đồng theo sổ
A6/YTCS).
Tuy nhiên, hiện
nay tình hình TNTT vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi năm có trên 30.000 trường hợp tử
vong do tai nạn thương tích, chiếm 11 - 12% tổng số tử vong toàn quốc. Trong
đó, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 43%. TNTT trẻ
em và vị thành niên chiếm 23%. (Báo cáo thống kê các trường hợp tử vong tại
cộng đồng theo sổ A6/YTCS). Ngoài ra, các nguyên nhân gây tử vong khác như
bỏng, ngộ độc, ngã … vẫn phổ biến trong cộng đồng.
Nguyên nhân của
thực trạng trên một phần do nhận thức của cộng đồng về phòng, chống TNTT còn
hạn chế. Chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo và đầu tư
thực hiện công tác phòng, chống TNTT ở địa phương. Hệ thống và năng lực chăm
sóc chấn thương trước viện chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng. Cán bộ y
tế cơ sở còn thiếu kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tổ chức thực hiện các
hoạt động phòng, chống TNTT tại cộng đồng.
Để duy trì những
kết quả đã đạt được, nhằm mở rộng tăng cường công tác phòng, chống TNTT trong
những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
1. Cục Quản lý
môi trường y tế, Bộ Y tế là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng Bộ Y tế trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống TNTT
tại cộng đồng, có nhiệm vụ:
a) Tổ chức đánh
giá việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế trong Chính sách quốc gia phòng,
chống TNTT giai đoạn 2002 - 2010; Xây dựng kế hoạch phòng, chống TNTT tại cộng
đồng của ngành y tế giai đoạn 2011 - 2015; Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng
dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tuyên truyền phòng, chống TNTT, xây dựng
cộng đồng an toàn hàng năm; Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các
văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống TNTT tại cộng đồng.
b) Chỉ đạo nâng
cao chất lượng ghi chép, thống kê báo cáo các trường hợp mắc và tử vong do
TNTT.
c) Mở rộng xây
dựng các mô hình phòng, chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn, lồng ghép trong
phong trào Làng văn hóa sức khỏe và các chương trình y tế tại cộng đồng.
d) Chỉ đạo việc
giám sát yếu tố nguy cơ gây TNTT trong môi trường lao động, nâng cao nhận thức
về các yếu tố nguy cơ, phòng chống tai nạn lao động, sơ cấp cứu ban đầu tại nơi
làm việc.
đ) Đầu mối hợp
tác quốc tế, huy động kinh phí từ các tổ chức quốc tế, thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ của Trung tâm hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới về phòng, chống TNTT
và xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam.
e) Chủ trì, phối
hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam trong công tác phòng, chống TNTT cho cán bộ,
nhân viên y tế.
g) Phối hợp với
các đơn vị của Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động
phòng, chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn.
2. Cục Quản lý
khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Xây dựng,
trình ban hành quyết định tiêu chuẩn chăm sóc chấn thương thiết yếu cho các cơ
sở y tế các tuyến.
b) Chỉ đạo các
Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành nâng cao chất
lượng chăm sóc chấn thương tại bệnh viện, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chăm sóc
chấn thương thiết yếu; Củng cố, nâng cao năng lực và tăng cường hoạt động của
mạng lưới các trạm cấp cứu, trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện nhằm cấp cứu kịp
thời các trường hợp bị TNTT.
c) Hướng dẫn
chuyên môn về xử trí sơ cấp cứu, vận chuyển nạn nhân bị TNTT tại cộng đồng.
d) Phối hợp với
Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc
chấn thương trước khi đến bệnh viện.
3. Vụ Kế hoạch -
Tài chính, Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Bố trí ngân
sách hàng năm cho kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng trong
kinh phí của ngành; Tổ chức thẩm định và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch
thực hiện.
b) Phối hợp với
Cục Quản lý môi trường y tế trong việc đưa số liệu mắc và tử vong do tai nạn
thương tích vào niêm giám thống kê y tế hằng năm.
4. Vụ Khoa học -
Đào tạo, Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các
trường đại học, cao đẳng, trung cấp Y xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo
cho sinh viên đại học y và kỹ thuật viên y tế các cấp về dự phòng và cấp cứu
TNTT;
b) Tiến hành
nghiên cứu nguy cơ gây thương tích, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng,
chống để áp dụng trên toàn quốc.
5. Cục Y tế dự
phòng, Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo lồng ghép các hoạt động phòng, chống TNTT
cho trẻ em trong chương trình Sức khỏe trường học.
6. Cục Quản lý
Dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các Vụ, Cục có liên quan - Bộ Y tế theo
chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp với Cục Quản lý môi
trường y tế triển khai các hoạt động phòng, chống TNTT tại cộng đồng.
7. Các Viện
Trung ương và khu vực thuộc hệ y tế dự phòng có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn và
phối hợp với các cơ quan y tế đánh giá tình hình triển khai hoạt động phòng,
chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn.
b) Nghiên cứu
các nguy cơ gây thương tích, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống để có
thể phổ biến áp dụng rộng trên toàn quốc.
c) Hướng dẫn
chuyên môn, xây dựng các tài liệu tập huấn, tuyên truyền phòng, chống TNTT, xây
dựng cộng đồng an toàn.
8. Trung tâm
Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Gia đình
và Xã hội có trách nhiệm xây dựng chương trình và tổ chức truyền thông về
phòng, chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn cho cán bộ ngành Y tế và người
dân tại cộng đồng.
9. Công đoàn y
tế Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế trong công tác phòng,
chống TNTT cho cán bộ ngành Y tế.
10. Sở Y tế các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, ngành có trách nhiệm thực
hiện chương trình phòng, chống TNTT tại địa phương, đơn vị và tập trung vào các
nội dung sau:
a) Tham mưu cho
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố/ các Bộ, ngành chỉ đạo thành lập, củng cố Ban
chỉ đạo phòng, chống TNTT các tuyến với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn
thể có liên quan.
b) Xây dựng kế
hoạch hoạt động, kế hoạch ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống TNTT, xây
dựng cộng đồng an toàn của địa phương trình lãnh đạo Ủy ban các cấp thẩm quyền
phê duyệt ban hành.
c) Chỉ đạo các
đơn vị y tế địa phương củng cố và tăng cường nguồn lực cho hệ thống giám sát
TNTT, nâng cao chất lượng ghi chép và báo cáo TNTT, triển khai thực hiện các
công tác tuyên truyền, đào tạo về hoạt động phòng, chống TNTT, xây dựng cộng
đồng an toàn, lồng ghép trong phong trào xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe và các
chương trình y tế tại địa phương.
d) Chỉ đạo các
đơn vị chức năng tổ chức giám sát nguy cơ gây TNTT trong môi trường lao động,
nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc, tổ chức kiểm
tra sức khỏe định kỳ trong cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học.
đ) Chỉ đạo tổ
chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu, chăm sóc chấn
thương thiết yếu cho đội ngũ cấp cứu tại các trạm, chốt cấp cứu, cấp cứu 115,
cứu hộ, cứu nạn; xây dựng các mô hình chăm sóc chấn thương trước khi đến cơ sở
y tế phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm kịp thời cấp cứu người bị nạn.
e) Chỉ đạo đơn
vị chức năng phối hợp với Thanh tra lao động trong công tác điều tra, báo cáo
tai nạn lao động tại địa phương.
Chỉ thị này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nhận được Chỉ
thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, y tế các
Bộ/ngành cần nghiêm túc tổ chức thực hiện. Giao cho Cục Quản lý môi trường y tế
làm thường trực theo dõi, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện các nội
dung của Chỉ thị và tổng hợp báo cáo kết quả cho lãnh đạo Bộ Y tế.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu (để báo
cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các Vụ, Cục trong Bộ Y tế;
- Công đoàn YTVN;
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Trung tâm YTDP các tỉnh/thành phố;
- Trung tâm BVSKLĐMT các tỉnh/thành phố;
- Các đơn vị sự nghiệp Bộ Y tế;
- Các thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, MT (04).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Quân Huấn
|