ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/CT-UBND
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 02
năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG TRƯỚC CÁC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP MỚI CỦA DỊCH
BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG
MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng
mới của vi rút Corona (nCoV) gây
ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tại Việt Nam,
Chính phủ đã chủ động đưa các giải pháp phòng, chống dịch sớm với tinh thần quyết
liệt và đang kiểm soát tốt tình hình. Ngày 29/01/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng
đã có Công văn số 79-CV/TW, ngày
31/01/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường các biện
pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh và ngày
01/02/2020 Thủ Tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp
cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chỉ
đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đầu tháng 01/2020, thành phố Hà Nội đã chủ động
trong chỉ đạo và kiểm soát tình hình dịch bệnh; thành lập 65 đội xung kích cơ động
sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; chỉ
đạo phun thuốc khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn,
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, tăng cường tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin của Thành phố...
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa
ghi nhận trường hợp mắc bệnh nCoV; có 26 trường hợp nghi ngờ với triệu chứng
ho, sốt và có tiền sử đi từ vùng dịch về. Hiện tại, sức khỏe của tất cả các trường
hợp này đều ổn định, không có bệnh
nhân nặng, 15 trường hợp đã có kết
quả xét nghiệm âm tính với bệnh nCoV, số trường hợp còn lại đang được theo dõi cách ly chặt chẽ.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng
mới của virus Corona có diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường; do vậy công
tác phòng, chống dịch không thể chủ quan, phải chủ động các phương án sẵn sàng để giảm thiểu thiệt hại. Trước
diễn biến phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị và Quyết
định công bố dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chỉ thị:
1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân
dân các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm,
quyết liệt các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020; của Thủ tướng Chính
phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày
28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 31/01/2020 của UBND Thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Phải coi công tác phòng, chống dịch
bệnh như "chống giặc", kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp
cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe
người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết
và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo
phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.
2. Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban
Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của thành phố):
- Thường xuyên, chủ động cập nhật, nắm
bắt tình hình, diễn biến chiều hướng phát triển, kịp thời tham mưu UBND Thành
phố các giải pháp tăng cường hoạt động phòng, chống dịch.
- Rà soát, báo cáo Thành phố đảm bảo
trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, triển khai đề xuất mua sắm, dự toán kinh phí và thực hiện mua sắm ngay những thiết bị
vật tư cần thiết đợt 1 trước 05/02/2020 báo cáo UBND Thành phố.
- Chỉ đạo các bệnh viện được phân
công sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và xử lý tại chỗ, đặc biệt là thực hiện cách
ly người bệnh không để lây nhiễm. Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực ngành y tế phục vụ
công tác phòng, chống dịch.
- Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát dịch bệnh
tại cộng đồng. Thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa
bàn; Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên trang Web của Sở Y tế để
người dân được biết và không hoang mang về dịch bệnh.
- Hướng dẫn thực hiện các biện pháp
chủ động phòng bệnh cho nhân dân trên địa bàn Thành phố.
- Xây dựng kịch bản về diễn biến của
dịch và Kế hoạch, biện pháp ứng
phó và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc các học
sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không đến trường; áp dụng các biện pháp
phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát
khuẩn; phun thuốc khử khuẩn tất cả các trường học trên địa bàn; thường xuyên
theo dõi nắm tình hình dịch bệnh tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa
bàn và phối hợp cơ quan y tế có biện
pháp xử lý kịp thời.
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế xem
xét sẵn sàng thực hiện việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi dịch bùng
phát.
- Chỉ đạo các Trường học, cơ sở đào tạo
có học sinh, sinh viên đi về từ vùng có dịch để phối hợp tổ chức quản lý, giám
sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh.
4. Sở Du lịch
Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh
nCoV, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các
đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón
khách du lịch từ vùng có dịch vào Thành phố. Chỉ đạo các Công ty du lịch, các khách sạn thông báo kịp thời các
trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố
phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương tăng cường thông
tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thông tin
kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, không để người dân hoang
mang lo lắng; Phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe
nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động trong phòng, chống dịch.
6. Sở Văn hóa và Thể thao
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện
nghiêm túc việc dừng các lễ hội chưa khai mạc, hạn chế, giảm quy mô các lễ hội
đã tổ chức tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo tại
văn bản số 343/UBND-KGVX ngày 01/02/2020 của UBND Thành phố.
7. Cục Quản lý Thị trường Hà Nội
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử
lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật
tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
8. Công an Thành phố
- Chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị
xã, đặc biệt Công an khu vực của các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với
Trạm Y tế xã, phường trong việc giám sát quản lý và cung cấp thông tin những
người đi về từ vùng có dịch bệnh Corona lưu trú trên địa bàn. Phối hợp thực hiện cưỡng chế cách ly, khử khuẩn, triển
khai các biện pháp chống dịch khi cần thiết. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm
các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng
đồng.
- Tạm dừng việc cấp thị thực du lịch
cho khách nước ngoài đến từ vùng có dịch (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc
đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc
biệt. Dừng việc xuất nhập cảnh bằng
giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch.
9. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Chỉ đạo phòng quân Y các đơn vị trực
thuộc Bộ Tư lệnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch; Chỉ đạo các bệnh viện
sàng tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân. Xây dựng phương án triển khai
khu vực cách ly và Bệnh viện dã chiến sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, chi
viện cho ngành Y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của
ngành Y tế.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà
Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và
Đô thị và các cơ quan báo chí của Thành phố phối hợp các cơ quan thông tấn Báo,
đài của Trung ương tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh
và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, không để người dân hoang
mang lo lắng; Phối hợp với ngành Y
tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để
người dân chủ động trong phòng, chống dịch.
11. UBND các quận, huyện, thị xã
- UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác
phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND Thành phố.
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại địa phương
do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm Trưởng ban; xây dựng kế hoạch phòng,
chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn;
chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Chủ
tịch UBND Thành phố trên tinh thần
4 tại chỗ; bảo đảm cung cấp đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh
phí cho các hoạt động phòng, chống dịch.
- Tuyên truyền nhân dân chủ động thực
hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, các đơn vị và Chủ tịch UBND
các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút
Corona gây ra tại địa phương./.
Nơi nhận:
- BCĐ Phòng chống dịch
Quốc gia;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Bộ Y tế;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQ VN thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH HN, Báo Hànộimới, KT&ĐT;
- Cổng Thông tin điện tử Hà Nội;
- VPUB: CVP, các PCVP; Các đơn vị thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT, KGVX.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|