BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1011/BC-BYT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 11 năm 2012
|
BÁO CÁO
KẾT
QUẢ HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
Kính gửi: Thủ
tướng Chính phủ
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã
tổ chức Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (sau đây gọi là Hội
thảo) vào ngày 03/11/2012 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân
đã đến dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ,
ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo Ủy ban
nhân dân, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân Số-Kế hoạch
hóa gia đình 63 tỉnh, thành phố; đại biểu một số Viện, Trung tâm nghiên cứu; đại
diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, UNFPA Việt
Nam; một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội và
chuyên gia quốc tế.
Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội
thảo như sau:
Hội thảo bao gồm 2 phiên toàn thể và 3 phiên thảo
luận nhóm. Hội thảo đã nghe Báo cáo tổng quan về mất cân bằng giới tính khi
sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam do Tổng cục Dân Số-Kế
hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ
Y tế trình bày; 12 Báo cáo chuyên đề về MCBGTKS ở Việt Nam; 02 Báo cáo, tham luận
của các chuyên gia hàng đầu quốc tế về MCBGTKS đến từ UNFPA và các tham luận, ý
kiến đóng góp từ các địa phương, đơn vị tham dự Hội thảo. Sau khi nghe các Báo
cáo chuyên đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu ý kiến chỉ
đạo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng thuận, thống
nhất những vấn đề sau đây:
1. Thực trạng, nguyên nhân và hệ
lụy của vấn đề MCBGTKS tại Viêt Nam
1.1. Về thực trạng: Theo Kết quả Tổng
điều tra Dân số và Nhà ở của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh
(TSGTKS) của Việt Nam năm 1999 là 107 bé trai/100 bé gái. Điều tra biến động
DS-KHHGĐ hàng năm của Tổng cục Thống kê cho thấy: năm 2006, TSGTKS của nước ta
là 109,8-vấn đề MCBGTKS trở nên “nóng” và thực sự thu hút sự chú ý của
các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Trong những năm gần đây,
TSGTKS vẫn tiếp tục tăng cao (năm 2009 TSGTKS là 110,5; năm 2010 là 111,2; năm
2011 là 111,9; năm 2012 là 112,3). Như vậy, từ năm 2006-2008 bình quân mỗi năm
tăng 1,15 điểm %; từ năm 2009-2012, mỗi
năm tăng bình quân khoảng 0,6 điểm %. Các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước
đều dự báo, TSGTKS của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
1.2. Nguyên nhân: Có ba nhóm nguyên
nhân:
1.2.1. Nhóm nguyên nhân cơ bản
Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo
đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị của Nho giáo là mô hình gia đình
truyền thống, trong đó việc nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng
cha mẹ là những giá trị nền tảng. Trong nền văn hóa
đó, tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng,
mỗi gia đình và mỗi dòng họ với các quan niệm như có con trai mới được xem là
đã có con - “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, không có con trai là
tuyệt tự.
Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi
cá nhân, và trở thành một phần của nền văn hóa
truyền thống Việt Nam. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện
tượng mất MCBGTKS ở Việt Nam.
1.2.2. Nhóm nguyên nhân phụ trợ
Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2
con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy,
họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp
ứng được cả 2 mục tiêu trên. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình: ở một số
vùng kinh tế xã hội, nhiều công việc nặng nhọc, đặc biệt là công việc trong các
ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp, khai thác khoáng
sản, đi biển đánh bắt xa bờ... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con
trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo,
hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương
hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của
xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy
lo lắng và rất không an tâm cho tương lai khi chưa có con trai. Chính sách ưu
tiên đối với nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng.
1.2.3. Nguyên nhân trực tiếp
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực
hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: Áp dụng ngay từ trước lúc có thai;
trong lúc thụ thai; hoặc chẩn đoán giới tính khi đã có thai, nếu là thai trai
thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi...
1.3. Hệ lụy của việc gia tăng TSGTKS ở Việt
Nam
Tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy
khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị,... khi các nam
nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn (ở Việt Nam, thời điểm này sẽ bắt đầu xảy
ra vào khoảng năm 2025). Các nhà nghiên cứu dự báo rằng, Việt Nam sẽ thiếu khoảng
2,3-4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Trước hết, tình trạng “dư thừa” nam giới
trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận
nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều
người trong số họ không có khả năng kết
hôn. Một số giải pháp tình thế được một số nước đang áp dụng, đó là kết hôn với
người nước ngoài (“xuất khẩu” chú rể hoặc “nhập khẩu” cô dâu) nhưng xem ra khó
bền vững. Việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người
phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ
phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng
bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng,... Vì thế, TSGTKS được coi
là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới.
2. Đánh giá tình hình
Chúng ta cố gắng khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS
và bước đầu đã có kết quả: Giai đoạn 2006 - 2008, TSGTKS tăng 1,15 điểm phần
trăm/năm; Giai đoạn 2009 đến nay, TSGTKS tăng 0,6 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên
với mức tăng đó vẫn là quá cao và cần phải giảm mạnh hơn nữa. Để đạt TSGTKS dưới
mức 113 vào năm 2015 là rất khó khăn và khó khả thi bởi sự vào cuộc chưa kiên
quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chưa có được sự tham gia tích cực của các
ban, ngành, đoàn thể. Do vậy, chúng ta chưa thể hạ TSGTKS xuống ngay được mà chỉ
khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS hàng năm (dưới 0,4-0,5 điểm phần trăm/năm).
3. Giải pháp
3.1. Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động
để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi
Thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng
MCBGTKS, các hoạt động và kết quả can thiệp, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng
MCBGTKS của cả nước và từng địa phương cho Lãnh đạo Đảng, chính quyền, tổ chức
chính trị- xã hội, đoàn thể, tôn giáo ở các cấp, các ngành.
Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động truyền
thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới
cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở với cách tiếp cận và thông
điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm
nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ và hành vi của toàn xã hội, của những
người đứng đầu các dòng họ, những người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn
giới tính thai nhi và đặc biệt là các cặp vợ chồng về hệ lụy của tình trạng
MCBGTKS để có nhận thức, thái độ và hành vi phù
hợp.
Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới trong,
ngoài nhà trường với nội dung và hình thức thích hợp với từng cấp học để giới
trẻ thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cung cấp
kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới, định hình các giá trị bình đẳng giới
cho thế hệ trẻ.
3.2. Thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới,
ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ
Tích cực nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử
nghiệm các chính sách ưu tiên nữ, hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ
và trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề gái và
cha mẹ của các em; sửa đổi, bổ sung và thực
hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi nhất là các gia đình
sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới
trong đời sống gia đình và xã hội.
3.3. Tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm
cấm lựa chọn giới tính thai nhi
Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp
của đội ngũ cán bộ y tế bao gồm cả sinh viên các trường y khoa, thành viên các
hội nghề nghiệp có liên quan đến việc thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chẩn
đoán và xử lý các thủ thuật về thai sản có liên quan tới lựa chọn giới tính
thai nhi. Thực hiện xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm; khen thưởng, biểu
dương những đơn vị và cá nhân thực hiện tốt.
Từng bước hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật
về kiểm soát MCBGTKS. Thực hiện rà soát,
sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến kiến
thức và thực hiện các dịch vụ chẩn đoán, phá thai để lựa chọn giới tính thai
nhi theo hướng quy định chi tiết và cụ thể hơn các hành vi vi phạm, tăng khả
năng ngăn ngừa và phát hiện vi phạm, tăng mức xử phạt, nâng cao tinh thần trách
nhiệm của các cơ quan chức năng đối với việc MCBGTKS.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra
các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm các
tổ chức, cá nhân vi phạm.
4. Các kiến nghị
4.1. Tăng cường cam kết chính trị, với sự vào
cuộc của cả hệ thống chính trị
- Trong thời gian qua, mặc dù một số cấp ủy, chính
quyền các cấp đã vào cuộc nhưng chưa tạo bước đột phá để giải quyết tình trạng
MCBGTKS; đây đó vẫn còn có sự xem nhẹ, chưa thực sự quan tâm và thấy hết hệ lụy
của vấn đề MCBGTKS đối với toàn xã hội, dân tộc; sự tham gia của các ban,
ngành, đoàn thể còn hạn chế. Kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác dân
số ở nước ta cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của
cấp ủy, chính quyền thì ở đó công tác dân
số đạt hiệu quả cao. MCBGTKS có nguyên nhân tổng
hợp từ các yếu tố văn hóa xã hội, kinh tế và là một vấn đề liên quan đến phong
tục, tập quán của người dân đã có từ hàng ngàn năm. Vì vậy, giải quyết vấn đề
này trước hết đòi hỏi phải có sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự chung tay góp sức
của cả hệ thống chính trị. Đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của
các ban, ngành, đoàn thể cũng như của toàn xã hội.
- Hội thảo rất đồng tình và nhất trí cao với ý kiến
của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là kiến nghị với Ban Bí thư ban hành
Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết tình trạng
MCBGTKS ở Việt Nam. Nếu được Ban Bí thư đồng ý, Bộ Y tế sẽ phối hợp với
Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng dự thảo trình Ban Bí thư xem xét ban hành
trong thời gian sớm nhất. Nội dung Chỉ thị nhấn mạnh đến việc huy động toàn bộ
hệ thống chính trị, tập trung mọi nỗ lực nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia
tăng MCBGTKS, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh
sản Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững đất nước.
4.2. Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức
Công tác dân số là một sự nghiệp lâu dài gắn chặt với
sự phát triển của đất nước, vì thế nó đòi hỏi phải có một tổ chức đủ mạnh và ổn định nhất là đội ngũ cán
bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở. Bất kỳ sự thay đổi nào về mô
hình, hệ thống tổ chức sẽ kéo theo những
lãng phí và tổn thất lớn về cán bộ, về nguồn lực đầu tư cho công tác này và ảnh
hưởng đến thành quả đạt được. Để đáp ứng yêu cầu trên, Hội thảo đề nghị Thủ tướng
Chính phủ sớm xem xét phê duyệt mô hình tổ chức
làm công tác DS-KHHGĐ do Bộ Y tế xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ.
4.3. Tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc
giải quyết các mục tiêu về MCBGTKS
- Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ nói chung và giải
quyết các mục tiêu về MCBGTKS nói riêng là đầu tư cho phát triển bền vững, mang
lại hiệu quả kinh tế xã hội lâu dài. Để giảm nhanh tốc độ gia tăng MCBGTKS, Hội
thảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2012-2020, triển khai bằng nguồn ngân sách ngoài ngân sách
Chương mục tiêu DS-KHHGĐ đã được bố trí hàng năm.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không cắt giảm kinh phí đầu tư cho truyền
thông vận động chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ trong chương trình mục tiêu quốc
gia DS-KHHGĐ năm 2013 và các năm tiếp theo vì truyền thông là một trong 2 giải
pháp cơ bản (truyền thông và cung cấp dịch vụ KHHGĐ) đảm bảo thực hiện có hiệu
quả và thành công đối với công tác DS-KHHGĐ thời gian vừa qua.
4.4. Tăng cường hợp tác quốc tế
Hội thảo đánh giá cao sự quan tâm, đồng hành cùng
chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam của các tổ chức,
các chuyên gia quốc tế và đặc biệt là của UNFPA. Sự hợp tác đó đã góp phần quan
trọng vào việc thực hiện thành công mục tiêu giảm sinh, đạt mức sinh thay thế từ
năm 2006 ở Việt Nam. Việt Nam tin tưởng và mong muốn rằng UNFPA, các tổ chức quốc
tế, các chuyên gia quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực và kinh nghiệm xử lý
tình trạng MCBGTKS đầy khó khăn này ở Việt Nam và góp phần thực hiện thành công
Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng như các
mục tiêu của chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam.
Hội thảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và
giao nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan tới hoạt động đối ngoại của Việt Nam
thường xuyên quan tâm lồng ghép các nội dung về giới tính khi sinh nói riêng,
các nội dung về công tác Dân Số-Y tế nói chung trong quá trình tiến hành hoạt động
đối ngoại với các nước, các tổ chức nhằm
tạo thêm nguồn lực cho công tác này.
Trên đây là báo cáo của Bộ Y tế về Kết quả Hội thảo
Quốc gia về MCBGTKS, Bộ Y tế trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến
chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ủy ban Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của
Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Quỹ Dân số Liên hợp quốc;
- Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, TCDS(05b).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|