Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 34/2010/TT-BTNMT kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học

Số hiệu: 34/2010/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Nguyễn Văn Đức
Ngày ban hành: 14/12/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2010/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT HẢI VĂN, HÓA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG VEN BỜ VÀ HẢI ĐẢO

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 01 tháng 02 năm 2011.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Website của Bộ;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Lưu: VT, TCBH ĐVN, KHCN, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG  




Nguyễn Văn Đức

QUY ĐỊNH

KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT HẢI VĂN, HÓA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG VEN BỜ VÀ HẢI ĐẢO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2010/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các trình tự, nội dung và các yêu cầu của công tác điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo có độ sâu từ 0 đến 20 mét nước trên vùng biển Việt Nam cho các dạng công việc:

a) Điều tra, khảo sát khí tượng biển;

b) Điều tra, khảo sát hải văn;

c) Điều tra, khảo sát hóa học và môi trường biển;

d) Điều tra, khảo sát địa hình đáy biển;

đ) Điều tra, khảo sát sinh thái biển.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các dạng công việc trong hoạt động điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo.

Các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ Thông tư này và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Nguyên tắc chung đối với công tác điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo

a) Tuân thủ thực hiện các bước công việc, quy trình, quy phạm cho từng dạng công việc cụ thể khi tiến hành điều tra, khảo sát;

b) Chất lượng sản phẩm trong điều tra, khảo sát phải phản ánh đặc trưng về các điều kiện tự nhiên của vùng, miền tại khu vực khảo sát;

c) Trong quá trình thực hiện công tác điều tra, khảo sát phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn vùng biển, các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình ngầm, nổi trên biển, không gây cản trở đến các hoạt động kinh tế biển;

d) Đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động khi tiến hành điều tra, khảo sát trên biển;

đ) Trong quá trình điều tra, khảo sát hải văn hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo, trường hợp thấy có dấu hiệu bất thường về số liệu phải tiến hành khảo sát kiểm tra, khảo sát lặp lại;

e) Tổ chức kiểm tra, nghiệp thu khối lượng và chất lượng sản phẩm sau khi thực hiện nhiệm vụ;

g) Tuân thủ các quy định về quản lý dự án chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Giải thích các từ ngữ

a) Trạm mặt rộng là trạm chỉ tiến hành quan trắc có 1 lần sau khi tàu ổn định vị trí và sau đó chuyển sang trạm khác để xem xét sự biến đổi của các yếu tố tài nguyên và môi trường biển theo không gian;

b) Trạm liên tục là trạm thực hiện quan trắc liên tục trong thời gian dài ngày (nhiều giờ, nhiều ngày để xem xét sự biến thiên của các yếu tố tài nguyên và môi trường biển theo thời gian và mối quan hệ giữa chúng với nhau;

c) Tầng quan trắc là khoảng cách thẳng đứng tính từ mặt nước biển yên tĩnh đến điểm quan trắc.

5. Các yếu tố đo đạc và tần suất đo

TT

Dạng công việc

Yếu tố đo

Chế độ thu số liệu

Trạm mặt rộng

Trạm liên tục (từ 1 đến 15 ngày)

1

Điều tra, khảo sát khí tượng biển

Gió, lượng mây; tầm nhìn xa, khí áp, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, các hiện tượng thời tiết khác (theo quy định tại Quy phạm quan trắc khí tượng bề mặt 94 TCN6-2001)

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

Vào các obs. synop 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 và 22 giờ hàng ngày

2

Điều tra, khảo sát hải văn

Sóng biển

Quan trắc 1 lần bằng mắt tại tất cả các trạm

1 giờ/số liệu (quan trắc bằng máy tự ghi)

Mực nước

Không quan trắc

10 phút/số liệu

Dòng chảy

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

1 giờ/số liệu (với máy đo trực tiếp) 15 phút/số liệu (với máy đo tự ghi)

Độ trong suốt nước biển

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

Vào các obs. synop ban ngày: 7, 10, 13, 16, giờ hàng ngày

3

Điều tra, khảo sát hóa học và môi trường biển

Độ đục, độ pH, Oxy hòa tan (DO), nhiệt độ và độ mặn nước biển

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

Vào các obs. synop 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 và 22 giờ hàng ngày

Dầu, muối dinh dưỡng (), kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, Zn, As, Hg, Mn, Fe, Ni), PM10, SO2, NOx, CO, O3, CO2, NaCl 

1 lần tại một số trạm khảo sát

Vào các obs. synop 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 và 22 giờ trong 1 ngày

5

Điều tra, khảo sát địa hình đáy biển

Đo độ sâu, địa hình đáy biển, định vị các điểm lấy mẫu, thả trạm quan trắc

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

6

Điều tra, khảo sát sinh thái biển

Thực vật phù du, động vật phù du

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

Vào các obs. synop 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 và 22 giờ hàng ngày

Động vật đáy, cá biển, rong, cỏ biển, san hô, thực vật ngập mặn

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

1 lần tại tất cả các trạm khảo sát

6. Thiết bị đo đạc chính

TT

Thiết bị

Yếu tố đo

Dải đo

Độ phân giải

Độ chính xác

1

Máy tự ghi dòng chảy Compact EM

Tốc độ

0 ÷ ± 500cm/s

0,02cm/s

± 1cm/s

Hướng

0 ÷ 3600

0,010

± 20

2

Máy đo sóng tự ghi AWAC

Độ cao sóng

0 ÷ 20m

0,005m

0,02m

Hướng sóng

0 ÷ 3600

0.010

± 20

Thủy triều

0 ÷ 20m

0.25%

Tốc độ dòng chảy

0 ÷ ± 500cm/s

0,02cm/s

± 1cm/s

Hướng dòng chảy

0 ÷ 3600

0.010

± 20

3

Máy đo dòng chảy trực tiếp AEM213-D

Tốc độ dòng chảy

0 ÷ ± 250cm/s

0,1cm/s

± 2% hoặc ± 1cm/s

Hướng dòng chảy

0 ÷ 359,90

0,10

± 20

Độ sâu

0 ÷ 50m

0,01m

± 0.3% toàn dải đo

4

Máy tự ghi thủy triều TD304

Áp suất

0 ÷ 50m

± 0,01% toàn dải (0 – 350C)

0,001% toàn dải

Nhiệt độ

-2 ÷ 400C

± 0,010C

0,0010C

5

Phân tích chất lượng nước W22-XD

pH

0 ÷ 14

0,01 pH

± 0,1 pH

DO

0 ÷ 20mg/l

0,01 mg/l

± 0,2mg/l

Độ dẫn điện

0 ÷ 10S/m

0,1% toàn dải

± 3%

Độ muối

0 ÷ 4%

0,01%

± 0,3%

Nhiệt độ

0 ÷ 550C

0,010C

± 1,00C

Độ đục

0 ÷ 800NTU

0,1NTU

± 5%

Tổng chất rắn hòa tan (TDS)

0 ÷ 100g/l

0,1%

± 5g/l

6

Máy đo chất lượng nước WQC-24

pH

0 ÷ 14

± 0,05 pH

DO

0 ÷ 20mg/l

± 0,1mg/l

Độ dẫn điện

0 ÷ 10S/m

± 1% toàn dải

Độ muối

0 ÷ 4%

± 0,1%

Tổng chất rắn hòa tan (TDS)

0 ÷ 100g/l

± 2g/l

Nhiệt độ

-5 ÷ 500C

± 0,250C

Độ đục

0 ÷ 800NTU

± 3% toàn dải

7

Máy đo quang phổ DR/2010

Bước sóng ánh sáng

400 – 900nm

0,5nm

± 1nm

8

Máy định vị DGPS

Tọa độ

± 3m (mặt bằng)

9

Máy đo sâu hồi âm đơn tia

Đo sâu

5cm ± 0,1% D (D là độ sâu)

10

Máy cải chính các ảnh hưởng của sóng

Hiệu chỉnh

đo sóng: 5cm đo góc nghiêng ngang, góc nghiêng dọc: ± 0,25 độ

11

La bàn

± 0,5 độ

12

Máy đo tốc độ âm thanh trong nước

± 0,25m/s

Chương 2.

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT VÙNG VEN BỜ VÀ HẢI ĐẢO CÁC DẠNG CÔNG VIỆC

MỤC 1. ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT KHÍ TƯỢNG BIỂN

1. Nguyên tắc cụ thể

a) Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung;

b) Công tác điều tra, khảo sát khí tượng biển phải tuân thủ theo quy phạm quan trắc khí tượng hải văn trên tàu biển (94-TCN 19-2001) và quy phạm quan trắc khí tượng bề mặt (94-TCN 6-2001) do Tổng cục Khí tượng Thủy văn (cũ) ban hành; quy phạm quan trắc hải văn ven bờ (94 TCN 8-2006) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị đo khí tượng được trang bị.

2. Công tác chuẩn bị

a) Chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị đo khí tượng. Chuẩn bị thiết bị dự phòng;

b) Kiểm tra thời hạn chứng từ kiểm định. Trường hợp quá thời hạn quy định phải tiến hành kiểm định lại thiết bị đo khí tượng;

c) Chuẩn bị tài liệu phục vụ quan trắc và quy toán;

d) Chuẩn bị vật tư, văn phòng phẩm phục vụ điều tra, khảo sát khí tượng biển;

đ) Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện các công tác chuẩn bị: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3. Công tác điều tra, khảo sát

3.1. Đo nhiệt độ và độ ẩm không khí

a) Trước giờ đo, lấy dụng cụ đo độ ẩm mang ra vị trí đo, về mùa đông trước 15 phút, mùa hè trước 10 phút;

b) Trước lúc quan trắc 4 phút, tiến hành thấm nước cho vải mịn quấn bầu chứa thủy ngân ở nhiệt kế bên phải (ôn biểu ướt), lên giây cót cho máy thông gió;

c) Ngay sau khi tẩm nước và lên giây cót, treo dụng cụ đo độ ẩm lên tay đỡ phía ngoài thành tàu phía hứng gió;

d) Khi máy chạy được 3 phút, lần lượt đọc các trị số ôn biểu khô (nhiệt kế bên trái), ôn biểu ướt (nhiệt kế bên phải). Đọc phần số lẻ trước (phần mười độ), đọc phần nguyên sau và ghi kết quả vào biểu quan trắc khí tượng biển;

đ) Thu dọn, lau chùi, bảo quản dụng cụ đo độ ẩm sau khi kết thúc đo;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc nhiệt độ và độ ẩm không khí: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.2. Đo áp suất khí quyển

a) Đặt dụng cụ đo áp suất khí quyển lên giá đỡ cao khoảng 1,4m trong cabin tàu hoặc nơi đặt không bị ảnh hưởng của sự tỏa nhiệt từ buồng máy, bếp, lò sưởi;

b) Không thay đổi vị trí hoặc xê dịch dụng cụ đo áp suất khí quyển;

c) Khi đo, mở nắp hộp bảo vệ dụng cụ đo áp suất khí quyển, đọc số đo nhiệt độ;

d) Búng nhẹ ngón tay hoặc dùng bút chì gõ nhẹ lên mặt kính của dụng cụ đo áp suất khí quyển, đọc số đo áp suất khí quyển;

đ) Ghi kết quả vào biểu quan trắc khí tượng biển;

e) Kết thúc đo đậy nắp hộp bảo vệ dụng cụ đo áp suất khí quyển;

g) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc áp suất khí quyển: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.3. Đo gió

a) Đến giờ đo, lấy máy gió, đồng hồ bấm giây, la bàn mang ra vị trí đo;

b) Đưa máy đo gió lên nóc cabin, chọn nơi thoáng, xác định độ cao đặt máy đo gió so với mực nước biển, đọc và ghi chỉ số ban đầu của máy;

c) Tay phải cầm máy đo gió nâng lên khỏi đầu sao cho trục của máy ở vị trí thẳng đứng, mặt số hướng về người quan trắc. Tay trái cầm đồng hồ bấm giây. Cùng một lúc mở đồng hồ bấm giây, nâng chốt hãm máy gió lên trên để kim chỉ số làm việc. Giữ máy gió ở vị trí như thế trong 100 giây và ở giây cuối cùng kéo chốt hãm xuống dưới, kim tự ngừng lại. Trường hợp gió rất nhỏ thời gian đo để đến 200 giây hoặc hơn nữa;

d) Đọc và ghi chỉ số lần 2 vào biểu quan trắc khí tượng biển;

đ) Xác định hướng gió bằng la bàn;

e) Thu dọn, lau chùi, bảo quản dụng cụ la bàn, đồng hồ bấm giây, máy đo gió sau khi kết thúc đo;

g) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc gió: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.4. Quan trắc mây

a) Quan trắc viên dùng mắt để ước lượng (đánh giá) lượng mây tổng quan phần bầu trời bị che khuất (phần mười bầu trời), không kể là loại mây gì thuộc họ hay tính mây;

b) Quan trắc viên dùng mắt để ước lượng (đánh giá) phần bầu trời bị mây dưới che khuất, kể cả mây phát triển theo chiều thẳng đứng;

c) Xác định loại và dạng mây trên bầu trời dựa vào tập ảnh Atlat mây chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hoặc bảng phân hạng mây;

d) Xác định độ cao chân mây của mây dưới và mây giữa không quá 2.500m;

đ) Ghi kết quả vào biểu quan trắc khí tượng biển;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc mây: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên

3.5. Quan trắc tầm nhìn xa

a) Các mục tiêu xác định tầm nhìn xa phải quan sát thấy rõ từ vị trí của người quan trắc dưới một góc không lớn hơn 5 – 60 so với đường chân trời;

b) Xác định tầm nhìn xa theo bảng phân cấp tầm nhìn xa;

c) Xác định tầm nhìn xa cả về hai phía: phía biển và phía bờ. Ghi kết quả vào biểu quan trắc khí tượng biển;

d) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc tầm nhìn xa: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên.

3.6. Quan trắc các hiện tượng thời tiết

a) Quan trắc thủy hiện tượng: mưa, mưa phùn, mưa đá, sương mù và các hiện tượng khác;

b) Quan trắc thạch hiện tượng: mù khô, khói và các hiện tượng khác;

c) Quan trắc điện hiện tượng: dông, chớp và các hiện tượng khác;

d) Ghi kết quả vào biểu quan trắc khí tượng biển;

đ) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc các hiện tượng thời tiết: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên.

4. Xử lý số liệu

a) Hiệu chỉnh kết quả đo nhiệt độ, độ ẩm không khí theo chứng từ kiểm định máy, dùng bảng tra độ ẩm để tính độ ẩm tương đối, độ ẩm tuyệt đối, độ chênh lệch bão hòa, điểm sương;

b) Hiệu chỉnh kết quả đo áp suất không khí: hiệu chỉnh thang đo, hiệu chỉnh nhiệt độ và hiệu chỉnh bổ sung. Quy áp suất khí quyển về mực nước biển;

c) Hiệu chỉnh kết quả đo gió: dựa trên chứng từ kiểm định máy đo gió để quy số vòng quay ra tốc độ gió;

d) Tính toán các đặc trưng của từng yếu tố khí tượng;

đ) Xác định xu thế và biến đổi của các yếu tố khí tượng theo không gian và thời gian;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác xử lý số liệu: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 4 trở lên.

5. Nghiệm thu

a) Kiểm tra khối lượng công việc thực hiện, thẩm định và đánh giá chất lượng các kết quả đạt được của chuyến điều tra, khảo sát;

b) Đánh giá bộ số liệu thu thập được. So sánh, đối chiếu với quy luật chung của các hình thế thời tiết tại khu vực nghiên cứu và tác động của chúng đối với các yếu tố khác;

c) Tổ chức báo cáo kết quả, tổng kết và rút kinh nghiệm cho các đợt khảo sát tiếp theo.

6. Sản phẩm giao nộp

a) Tập số liệu kết quả điều tra, khảo sát các yếu tố khí tượng biển;

b) Các đặc trưng, giá trị lớn, nhỏ, trung bình của các yếu tố;

c) Xu thế và biến đổi của các yếu tố theo không gian và thời gian;

d) Báo cáo tóm tắt diễn biến thời tiết, tổng kết, nhận xét, đánh giá kết quả điều tra, khảo sát khí tượng biển.

MỤC 2. ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT HẢI VĂN

1. Nguyên tắc cụ thể

a) Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung;

b) Công tác điều tra khảo sát hải văn phải tuân thủ theo quy phạm quan trắc khí tượng hải văn trên tàu biển 94 TCN 19 – 2001 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn (cũ) ban hành, quy phạm quan trắc hải văn ven bờ 94 TCN 8 – 2006 do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia ban hành và tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị đo hải văn.

2. Công tác chuẩn bị

a) Cài đặt phần mềm điều khiển hoạt động của thiết bị đo dòng chảy, sóng và mực nước trên máy tính;

b) Kiểm tra khả năng kết nối, truyền nhận số liệu giữa thiết bị đo dòng chảy, sóng và mực nước với máy tính;

c) Chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị đo hải văn;

d) Chuẩn bị thiết bị dự phòng;

đ) Chuẩn bị tài liệu phục vụ cho điều tra khảo sát;

e) Chuẩn bị vật tư, văn phòng phẩm phục vụ điều tra, khảo sát hải văn;

g) Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện các công tác chuẩn bị: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3. Công tác điều tra, khảo sát

3.1. Quan trắc sóng bằng mắt

a) Xác định hướng truyền sóng bằng la bàn;

b) Xác định (ước lượng) độ cao sóng bằng mắt;

c) Tiến hành quan trắc độ cao sóng liên tục trong 5 phút;

d) Ghi lại tất cả các độ cao sóng quan trắc được trong 5 phút trên giấy nháp, sau đó gạch bỏ chỉ để lại 5 sóng có độ cao lớn nhất và ghi vào biểu quan trắc hải văn 5 sóng đó;

đ) Gạch bên dưới sóng có độ cao lớn nhất và tìm cấp sóng tương ứng;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc sóng bằng mắt: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 4 trở lên.

3.2. Đo sóng bằng máy đo sóng tự ghi AWAC hoặc máy có tính năng tương đương.

a) Lắp pin nguồn cho máy đo sóng, kết nối máy đo sóng với máy tính;

b) Cài đặt các thông số đo, format bộ nhớ;

c) Bôi một lớp silicon mỏng vào tất cả các gioăng chống nước trên máy đo sóng, lắp đầu câm để chống nước;

d) Lắp khung bảo vệ máy đo sóng. Tính toán chính xác độ dài của dây thả máy phù hợp với độ sâu trạm khảo sát. Lắp phao tiêu, phao hiệu, đèn nháy, phao căng dây, quả nặng vào dây thả máy theo hình chữ U;

đ) Thả máy đo sóng đảm bảo máy nằm cân bằng;

e) Bố trí người canh trực máy đo sóng liên tục đến khi kết thúc đo đạc;

g) Tiến hành vớt máy đo sóng khi kết thúc đo đạc. Rửa máy bằng nước sạch, lau khô. Tiến hành lưu trữ số liệu ra file máy tính. Tháo pin nguồn, rửa sạch dây thả máy, đèn hiệu, phao và các dụng cụ khác. Bảo quản máy đo sóng trong thùng bảo vệ;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện đo sóng bằng máy tự ghi: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 4 trở lên.

3.3. Đo dòng chảy trực tiếp bằng máy AEM213-D hoặc máy có tính năng tương đương

a) Kiểm tra và hiệu chỉnh thông tin thời gian;

b) Điều chỉnh độ tương phản của màn hình hiển thị LCD;

c) Tiến hành bù điểm không (ZERO) đối với sensor dòng chảy và độ sâu;

d) Sử dụng dây cotton để treo quả nặng (10kg), không sử dụng dây xích;

đ) Thả máy đo dòng chảy xuống tới tầng đo đã định trước, tốc độ thả 0,5 m/s. Dừng lại, ghi số liệu hướng và tốc độ dòng chảy vào sổ quan trắc dòng chảy. Lưu số liệu hướng và tốc độ dòng chảy vào bộ nhớ của máy;

e) Thu máy, rửa máy, dây, lau chùi bộ phận hiển thị khi kết thúc đo đạc. Cất giữ máy đo dòng chảy trong thùng bảo vệ;

g) Yêu cầu đối với người thực hiện đo dòng chảy bằng máy đo trực tiếp: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên.

3.4. Đo dòng chảy tự ghi bằng máy Compact-EM hoặc máy có tính năng tương đương.

a) Lắp pin nguồn cho máy đo dòng chảy, kết nối máy đo dòng chảy với máy tính;

b) Cài đặt các thông số đo, format bộ nhớ;

c) Bôi một lớp silicon mỏng vào tất cả các gioăng chống nước trên máy đo dòng chảy, lắp vỏ máy, vặn chặt các vít;

d) Tính toán chính xác độ dài của dây thả máy phù hợp với độ sâu trạm khảo sát, vị trí đặt máy đo dòng chảy đúng tầng cần đo. Lắp phao tiêu, phao hiệu, đèn nháy, phao căng dây, quả nặng vào dây thả máy theo hình chữ U;

đ) Thả máy đo dòng chảy, đảm bảo dây treo máy phải thẳng, độ nghiêng dây treo 100;

e) Bố trí người canh trực máy đo dòng chảy liên tục đến khi kết thúc đo đạc.

g) Tiến hành vớt máy đo dòng chảy tự ghi khi kết thúc đo đạc. Rửa máy bằng nước sạch, lau khô, tiến hành lưu trữ số liệu ra file máy tính. Tháo pin nguồn, rửa sạch dây thả máy, đèn hiệu, phao và các dụng cụ khác. Cất giữ máy đo dòng chảy trong thùng bảo vệ;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện đo dòng chảy bằng máy tự ghi: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên.

3.5. Đo lưu lượng nước bằng máy ADCP

3.5.1. Cài đặt phần mềm điều khiển máy ADCP trên máy tính.

3.5.2. Lắp máy

a) Tháo giắc câm bảo vệ ổ cắm ở đầu dò;

b) Lắp giắc kết nối đầu dò với cáp I/O;

c) Lắp đầu dò vào bộ gá;

d) Lắp nguồn.

3.5.3. Thiết lập đường truyền giữa ADCP và máy tính, tạo file cấu hình.

3.5.4. Khai báo các tham số cho máy đo ADCP

a) Hiệu chỉnh độ sâu của mặt đầu dò;

b) Hiệu chỉnh thời gian;

c) Hiệu chỉnh sự chênh lệch của các sensor;

d) Hiệu chỉnh sai lệch của đầu dò theo chiều thẳng đứng;

đ) Hiệu chỉnh la bàn;

e) Hiệu chỉnh sự biến đổi của từ trường;

g) Khai báo độ mặn của nước;

h) Khai báo tốc độ truyền âm trong nước;

i) Khai báo ngoại suy lưu lượng nước;

k) Bù độ dốc theo hướng mũi và tròng trành theo hướng ngang của thuyền;

l) Khai báo hệ số hấp thụ cường độ âm trong nước.

3.5.5. Khai báo các tham số của file số liệu, thuyền, mặt cắt.

a) Khai báo thư mục lưu giữ file số liệu đo;

b) Khai báo phương pháp xử lý tính trung bình;

c) Khai báo độ dày một lớp độ sâu;

d) Khai báo số lượng lớp sâu;

đ) Khai báo độ sâu lớn nhất của mặt cắt ngang;

e) Khai báo chế độ phát sóng siêu âm của máy ADCP;

g) Khai báo tốc độ di chuyển của phương tiện trên mặt cắt ngang.

3.5.6. Đo lưu lượng nước

a) Nạp cấu hình cho máy ADCP;

b) Ghi số liệu đo vào máy tính;

c) Phát sóng siêu âm, đọc, ghi độ cao mực nước khi bắt đầu đo;

d) Di chuyển chậm phương tiện ra xa bờ đến khi đủ độ sâu để hiện một giá trị lưu lượng giữa hai lớp sâu trên cùng (ΣQ có giá trị khác 0), xác định khoảng cách từ máy ADCP tới bờ khởi hành đo, nhập vào máy giá trị khoảng cách tới bờ đã xác định;

đ) Di chuyển phương tiện ngang sông với tốc độ thích hợp, tốc độ di chuyển không vượt quá 1,5 m/s;

e) Tiếp tục di chuyển ngang sông cho đến khi đạt đến một độ sâu mà giá trị lưu lượng chỉ thể hiện ở hai lớp độ sâu trên cùng, dừng lại ở vị trí này, xác định khoảng cách từ ADCP tới bờ kết thúc đo, nhập vào máy giá trị khoảng cách tới bờ đã xác định. Dừng phát sóng siêu âm, kết thúc lần đo. Ghi các số liệu vào biểu ghi kết quả đo lưu lượng nước bằng máy ADCP.

3.5.7. Kết thúc đo

a) Tháo nguồn của đầu dò;

b) Đậy nắp bảo vệ mặt đầu dò, tháo máy khỏi bộ gá;

c) Tháo giắc cắm ở đầu dò;

d) Lắp giắc câm vào đầu dò;

đ) Thu cáp I/O, tráng rửa đầu dò bằng nước sạch, lau khô, đặt đầu dò vào hòm máy.

3.6. Đo mực nước tự ghi bằng máy TD304 hoặc máy có tính năng tương đương

a) Lắp pin nguồn cho máy đo mực nước, kết nối máy đo mực nước với máy tính;

b) Cài đặt các thông số đo, format bộ nhớ;

c) Bôi một lớp silicon mỏng vào tất cả các gioăng chống nước trên máy đo mực nước;

d) Lắp khung bảo vệ máy đo mực nước. Tính toán chính xác độ dài của dây thả máy phù hợp với độ sâu trạm khảo sát. Lắp phao tiêu, phao hiệu, đèn nháy, phao căng dây, quả nặng vào dây thả máy theo hình chữ U;

đ) Bật máy đo mực nước, thả máy đo mực nước;

e) Bố trí người canh trực máy đo mực nước liên tục đến khi kết thúc đo đạc;

g) Tiến hành vớt máy đo mực nước khi kết thúc đo đạc. Rửa máy bằng nước sạch, lau khô. Tiến hành lưu trữ số liệu ra file máy tính. Tháo pin nguồn, rửa sạch dây thả máy, đèn hiệu, phao và các dụng cụ khác. Bảo quản máy đo mực nước trong thùng bảo vệ;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện đo mực nước: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 4 trở lên.

3.7. Đo độ trong suốt nước biển

a) Quan trắc độ trong suốt tiến hành bên phía thành tàu có bóng râm. Tránh xa khu vực xả nước thải của tàu, khu vực có váng dầu trên mặt nước;

b) Dùng tời thả từ từ đĩa đo độ trong suốt xuống chạm mặt nước, đánh dấu vị trí điểm 0, tiếp tục thả đĩa xuống tới độ sâu không còn nhìn thấy đĩa, nhắc đĩa lên và hạ xuống vài lần ở tại độ sâu này;

c) Đo 3 lần, lấy giá trị độ sâu trung bình, ghi kết quả vào biểu quan trắc hải văn;

d) Yêu cầu đối với người thực hiện quan trắc độ trong suốt: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

4. Xử lý số liệu

a) Sử dụng phần mềm STORM xử lý số liệu sóng, chiết xuất số liệu ra file EXCEL;

b) Sử dụng phần mềm WINCEM xử lý số liệu dòng chảy và chiết xuất số liệu ra file CSV;

c) Sử dụng phần mềm MINISOFT SD2000W xử lý số liệu mực nước, chiết xuất số liệu ra file EXCEL;

d) Sử dụng phần mềm TRANSECT xử lý số liệu đo lưu lượng nước và chiết xuất số liệu ra file TEXT;

đ) Lập bảng tần suất, tính hằng số điều hòa, vẽ hoa dòng chảy và các đặc trưng dòng chảy;

e) Xác định các đặc trưng của sóng: hướng sóng, chu kỳ sóng, độ cao sóng, hướng thịnh hành và vẽ hoa sóng;

g) Vẽ biến trình dao động mực nước;

h) Chỉnh lý số liệu độ trong suốt;

i) Xác định xu thế và biến đổi của các yếu tố theo không gian và thời gian;

k) Tính toán, xác định các đặc trưng, giá trị lớn, nhỏ, trung bình của các yếu tố;

l) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác xử lý số liệu: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

5. Nghiệm thu

a) Kiểm tra khối lượng công việc thực hiện, thẩm định và đánh giá chất lượng các kết quả đạt được của chuyến khảo sát;

b) Đánh giá bộ số liệu thu thập được. Xác định các đặc trưng, quy luật của các yếu tố hải văn trong vùng biển nghiên cứu và tác động của chúng đối với các yếu tố khác;

c) Tổ chức báo cáo kết quả, tổng kết và rút kinh nghiệm cho các đợt khảo sát tiếp theo.

6. Sản phẩm giao nộp

a) Tập số liệu kết quả điều tra, khảo sát các yếu tố hải văn;

b) Các đặc trưng, giá trị lớn, nhỏ, trung bình của các yếu tố;

c) Bảng tần suất, hằng số điều hòa, hoa dòng chảy và các đặc trưng dòng chảy;

d) Các đặc trưng của sóng: hướng sóng, chu kỳ sóng, độ cao sóng, hướng thịnh hành và vẽ hoa sóng;

đ) Biến trình dao động mực nước;

e) Báo cáo tổng kết, nhận xét, đánh giá kết quả điều tra khảo sát hải văn.

MỤC 3. ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT HÓA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN

1. Nguyên tắc cụ thể

a) Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung;

b) Công tác điều tra khảo sát môi trường nước biển phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn: TCVN 5993 – 1995, TCVN 5998 – 1995, quy phạm quan trắc khí tượng hải văn trên tàu biển 94 TCN 19 – 2001 do Tổng cục Khí tượng thủy văn (cũ) ban hành, quy phạm quan trắc hải văn ven bờ 94 TCN 8 – 2006, quy định tạm thời về quan trắc môi trường không khí và nước do Tổng cục Khí tượng thủy văn (cũ) ban hành.

2. Công tác chuẩn bị

a) Chuẩn bị và kiểm tra tình trạng hoạt động và hiệu chuẩn máy, thiết bị đo môi trường, thiết bị phân tích hóa;

b) Chuẩn bị và kiểm tra thiết bị lấy mẫu, khuấy mẫu;

c) Chuẩn bị đầy đủ máy, thiết bị dự phòng;

d) Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ chứa mẫu, đựng mẫu, phân tích mẫu;

đ) Pha chế hóa bảo quản mẫu;

e) Chuẩn bị tài liệu phục vụ quan trắc và phân tích mẫu;

g) Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động;

h) Chuẩn bị biểu quan trắc, sổ nhật ký, vật tư, hóa chất, văn phòng phẩm;

i) Yêu cầu đối với người thực hiện các công tác chuẩn bị: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3. Công tác điều tra, khảo sát

3.1. Lấy mẫu môi trường nước biển

a) Lấy mẫu bên mạn tàu hướng đón gió bằng dụng cụ lấy mẫu nước (bathomet), tránh khu vực bị nhiễm nước thải của tàu;

b) Dụng cụ lấy mẫu được gắn với quả nặng đảm bảo dây lấy mẫu không bị xiên;

c) Thả dụng cụ lấy mẫu nước tới đúng tầng cần lấy mẫu;

d) Lấy mẫu đo nhiệt độ, độ mặn, DO, pH và độ đục nước biển tại tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Thể tích mẫu nước cần lấy là 2 lít;

đ) Lấy mẫu đo muối dinh dưỡng (NO2-, NO3-, NH4+, PO43-, SiO32-) tại tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Thể tích mẫu nước cần lấy là 2 lít;

e) Lấy mẫu kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, Fe, Zn, Ni, Mn, As, Hg) tại tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Thể tích mẫu nước cần lấy là 2 lít;

g) Lấy mẫu dầu tại tầng mặt. Thể tích mẫu nước cần lấy là 2 lít;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện lấy mẫu môi trường nước biển: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.2. Lấy mẫu môi trường không khí

a) Vị trí lấy mẫu đảm bảo không khí không bị ô nhiễm cục bộ do hoạt động của tàu gây ra;

b) Xác định hướng gió, tốc độ gió. Quan sát, đánh giá sơ bộ tình hình thời tiết;

c) Lựa chọn vị trí, lắp đặt gắn chặt máy móc thiết bị vào vị trí thích hợp;

d) Bơm dung dịch hấp thụ, hãm giữ mẫu đã chuẩn bị vào các ống tương ứng và gắn vào vị trí lấy mẫu khí. Điều chỉnh bộ định chế thời gian cho thiết bị HS-7. Kiểm tra Rotamet, điều chỉnh thông lượng đến giá trị thích hợp, chạy máy phát điện;

đ) Kết thúc quá trình lấy mẫu chuyển mẫu sang bộ phận phân tích, bảo quản tương thích;

e) Trường hợp lấy mẫu trên đường hành trình ghi tọa độ vị trí đầu – cuối và thời gian bắt đầu – kết thúc quá trình lấy mẫu;

g) Thời gian lấy mẫu bụi PM10 trong 24h, lấy mẫu SO2 trong 1,5h, lấy mẫu NOx trong 1h, lấy mẫu O3 trong 1h, lấy mẫu CO, CO2 trong 20 phút;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện lấy mẫu môi trường không phí: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 4 trở lên.

3.3. Bảo quản mẫu

Kỹ thuật bảo quản mẫu nước biển theo các thông số cần phân tích:

TT

Thông số

Ký hiệu

Loại bình chứa

Điều kiện bảo quản

Thời gian tối đa cho phép

Ghi chú

1

Dầu mỡ

G

Chiết với cabon tetraclorua (CCl4), bảo quản lạnh

1 tháng

2

Nhu cầu oxy hóa học

COD

P hoặc G

Axit hóa đến pH < 2 bằng H2SO4, và bảo quản lạnh 4 – 50C

5 – 7 ngày

Giữ lạnh 2 – 50C được 10 – 15 ngày

3

Nhu cầu oxy sinh hóa

BOD

P hoặc G

Lạnh 4 – 50C

24 giờ

4

Đồng

Niken

Kẽm

Cadmi

Mangan

Sắt

Cu

Ni

Zn

Cd

Mn

Fe

P hoặc G

Axit hóa đến pH < 2 bằng HCl

1 tháng

2000 ml

5

Thủy ngân

Asen

Chì

Hg

As

Pb

P hoặc G

Axit hóa đến pH < 2 bằng HNO3

1 tháng

2000 ml

Ghi chú:

Vml: thể tích mẫu cần lấy

P: nhựa

G: thủy tinh

a) Bảo quản mẫu dầu: trộn 2 lít mẫu nước với 40 ml cacbon tetraclorua (CCl4). Khuấy hỗn hợp trong khoảng 30 đến 40 phút bằng máy khuấy từ. Dùng pipet hút phần CCl4 ở lớp dưới cho vào lộ thủy tinh có nút nhám. Ghi vị trí lấy mẫu và thời gian lấy mẫu lên lọ chứa mẫu. Bảo quản mẫu trong buồng tối, ở 40C;

b) Bảo quản mẫu COD, BOD: cho 4 ml H2SO4 đặc vào 2 lít mẫu nước biển. Ghi vị trí lấy mẫu, tầng lấy mẫu và thời gian lấy mẫu lên can chứa mẫu. Bảo quản mẫu ở 4 – 50C;

c) Bảo quản mẫu kim loại nặng (Cu, Cd, Fe, Zn, Ni, Mn): axit hóa 2 lít mẫu nước biển đến pH<2 bằng 4 ml HCl đặc. Ghi vị trí lấy mẫu, tầng lấy mẫu và thời gian lấy mẫu lên can chứa mẫu. Bảo quản mẫu ở điều kiện bình thường;

d) Bảo quản mẫu kim loại nặng (Pb, As, Hg): axit hóa 2 lít mẫu nước biển đến pH<2 bằng 4 ml HNO3 đặc. Ghi vị trí lấy mẫu, tầng lấy mẫu và thời gian lấy mẫu lên can chứa mẫu. Bảo quản mẫu ở điều kiện bình thường;

đ) Bảo quản mẫu môi trường không khí: bảo quản các mẫu SO2, NOx, O3, CO, CO2 trong tủ bảo ôn nhiệt. Bảo quản giấy lọc thủy tinh thu mẫu bụi PM10 trong túi nilon ở môi trường khô;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác bảo quản mẫu: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.4. Đo DO, pH, độ muối, nhiệt độ và độ đục nước biển bằng máy WQC24 hoặc máy W22-XD hoặc máy có tính năng tương đương.

a) Lắp pin nguồn cho máy đo DO, pH, độ muối, nhiệt độ, độ đục;

b) Kiểm chuẩn tự động sensor đo pH với dung dịch chuẩn pH4;

c) Nhúng sensor vào mẫu nước cần đo. Đo nhiệt độ nước biển, DO trước, tiếp đến đo độ muối, độ đục, cuối cùng đo pH;

d) Ghi kết quả vào biểu quan trắc hóa học môi trường biển;

đ) Yêu cầu đối với người quan trắc DO, pH, độ muối, nhiệt độ, độ đục nước biển: điều tra viên có có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

3.5. Đo muối dinh dưỡng bằng máy đo quang phổ DR/2010 Spectrophotometer (theo hướng dẫn sử dụng máy của HACH) hoặc máy có tính năng tương đương.

a) Đo nitrit (NO2-): sử dụng chương trình đo nitrit số 371. Đo tại bước sóng 507 nm. Thêm hóa chất đo nitrit vào lọ 10ml chứa mẫu cần đo nitrit. Chờ 20 phút để hiện màu hoàn toàn, đưa vào khoang đo mẫu, đọc kết quả đo nitrit. Ghi kết quả đo được vào biểu quan trắc hóa học môi trường;

b) Đo nitrat (NO3):sử dụng chương trình đo nitrit số 351. Đo tại bước sóng 507 nm. Thêm hóa chất đo nitrat vào lọ 25ml chứa mẫu cần đo nitrat. Chờ 15 phút để hiện màu hoàn toàn, đưa vào khoang đo mẫu, đọc kết quả đo nitrat. Ghi kết quả đo được vào biểu quan trắc hóa học môi trường;

c) Đo amoni (NH4+): sử dụng chương trình đo amoni số 385. Đo tại bước sóng 655 nm. Thêm hóa chất đo amoni vào lọ 10ml chứa mẫu cần đo amoni. Chờ 18 phút để hiện màu hoàn toàn, đưa vào khoang đo mẫu, đọc kết quả đo amoni. Ghi kết quả đo được vào biểu quan trắc hóa học môi trường;

d) Đo photphat (PO43-): sử dụng chương trình đo amoni số 490. Đo tại bước sóng 890 nm. Thêm hóa chất đo photphat vào lọ 10ml chứa mẫu cần đo photphat. Chờ 2 phút để hiện màu hoàn toàn, đưa vào khoang đo mẫu, đọc kết quả đo photphat. Ghi kết quả đo được vào biểu quan trắc hóa học môi trường;

đ) Đo silicat (SiO32-): sử dụng chương trình đo silicat số 651. Đo tại bước sóng 815 nm. Thêm hóa chất đo silicat vào lọ 10ml chứa mẫu cần đo silicat. Chờ 5 phút để hiện màu hoàn toàn, đưa vào khoang đo mẫu, đọc kết quả đo silicat. Ghi kết quả đo được vào biểu quan trắc hóa học môi trường;

e) Yêu cầu đối với người đo muối dinh dưỡng: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 5 trở lên.

4. Xử lý số liệu

a) Mẫu dầu, COD, BOD và kim loại nặng phải phân tích trong phòng thí nghiệm ngay sau khi kết thúc chuyến khảo sát;

b) Xử lý số liệu ngay sau khi kết thúc chuyến khảo sát;

c) Các kết quả sau khi đã xử lý được lưu vào biểu quan trắc tổng hợp khí tượng, thủy văn và môi trường TGM – 3, lưu vào đĩa CD và máy tính;

d) Tính toán xác định các đặc trưng của từng yếu tố;

đ) Vẽ các biến trình nhiệt độ nước biển, độ mặn nước biển và các yếu tố khác;

e) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác xử lý số liệu: điều tra viên phải có trình độ là quan trắc viên chính bậc 3 trở lên.

5. Nghiệm thu

a) Kiểm tra khối lượng công việc thực hiện, thẩm định và đánh giá chất lượng các kết quả được của chuyến khảo sát trong khu vực vùng biển nghiên cứu;

b) Đánh giá bộ số liệu thu thập được. Xác định các đặc trưng, quy luật của các yếu tố môi trường trong vùng biển nghiên cứu và tác động của chúng đối với các yếu tố khác;

c) Tổ chức báo cáo kết quả, tổng kết và rút kinh nghiệm cho các đợt khảo sát tiếp theo.

6. Sản phẩm giao nộp

a) Tập số liệu kết quả điều tra, khảo sát các yếu tố hóa học môi trường biển;

b) Biến trình các yếu tố theo không gian và thời gian;

c) Báo cáo tổng kết, nhận xét, đánh giá kết quả điều tra, khảo sát hóa học và môi trường.

MỤC 4. ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH ĐÁY BIỂN

1. Nguyên tắc cụ thể

a) Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung;

b) Mọi hoạt động đo đạc, định vị được thực hiện trên hệ tọa độ VN-2000. Việc chuyển tọa độ WGS-84 thu được từ hệ thống GPS thực hiện bởi các tham số như quy định của pháp luật về sử dụng hệ thống tham số tính chuyển giữa Hệ tọa độ quốc tế WGS-84 và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000;

c) Thiết bị đo sâu phải được hiệu chỉnh chính xác theo mớn nước của đầu biến âm, cải chính sai số vạch và tốc độ âm thanh. Phải được cải chính các ảnh hưởng của sóng như dập dềnh, lắc nghiêng ngang, lắc nghiêng dọc;

d) Phần mềm khảo sát địa hình, định vị, dẫn đường phải là các phần mềm hiện đại, có các tính năng thu thập, tích hợp các nguồn dữ liệu từ các thiết bị định vị, đo sâu, đo ảnh hưởng của sóng, dẫn đường, xác định tọa độ các điểm; xuất tín hiệu, dữ liệu tới các thiết bị ngoại vi. Tất cả các dữ liệu từ mọi nguồn phải được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu do phần mềm tạo ra để dùng trong các công việc xử lý sau;

đ) Sản phẩm ngoài việc sử dụng cho việc xử lý số liệu của các nhiệm vụ khảo sát khác nhau trên tàu, lập các báo cáo, còn được sử dụng cho việc thành lập, cập nhật bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 hoặc 1: 25.000 và cung cấp số liệu gốc cho cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý biển.

2. Công tác chuẩn bị

2.1. Nhận và kiểm tra tình trạng hoạt động của các máy móc thiết bị cho hệ thống lắp trên tàu khảo sát.

2.2. Chuẩn bị máy, thiết bị dự phòng.

2.3. Nhận và kiểm tra tình trạng hoạt động các máy đo đạc dùng cho kiểm nghiệm.

2.4. Cài đặt các thông số cho phần mềm

2.4.1. Khai báo hệ tọa độ là VN-2000, khai báo các tham số tính chuyển tọa độ từ WGS-84 sang VN-2000.

2.4.2. Khai báo các cổng giao tiếp của các thiết bị với máy tính, kiểm tra kết nối, truyền nhận số liệu giữa các thiết bị với máy tính.

2.4.3. Khai báo các tuyến đo, các mục tiêu cần dẫn tàu đến

a) Các tuyến đo sâu trong phạm vi khảo sát bằng tàu, thuyền được thiết kế song song với chiều dốc của địa hình. Khoảng cách giữa các tuyến không vượt quá 100 m đối với bản đồ tỷ lệ 1:10000, 250 m đối với bản đồ tỷ lệ 1:25000;

b) Ở quanh đảo, ven bờ không cần thiết kế đường đo cụ thể. Khi đo vẽ cho tàu, thuyền chạy sát bờ ở cự ly đảm bảo an toàn;

c) Các tuyến đo kiểm tra được thiết kế cắt các tuyến đo sâu với góc từ 60 đến 90 độ, tổng chiều dài các đường kiểm tra không ít hơn 10% tổng chiều dài các đường đo sâu;

d) Các điểm lấy mẫu, thả trạm quan trắc được thiết kế bằng một vòng tròn có bán kính bằng dung sai cho phép của vị trí lấy mẫu, thả trạm. Mỗi điểm này được gắn với một mục tiêu trong phần mềm dẫn đường, định vị.

2.5. Chuẩn bị vật tư, văn phòng phẩm phục vụ đo đạc địa hình đáy biển.

2.6. Lắp đặt hệ thống

2.6.1. Hệ thống đo đạc, định vị dùng cho tàu khảo sát tại khu vực nước nông bao gồm các thiết bị được kết nối với nhau theo sơ đồ:

2.6.2. Các thiết bị phải được lắp đặt cố định, chắc chắn tuân thủ các hướng dẫn của từng loại thiết bị tại các vị trí thích hợp nhất trên tàu đo.

2.6.3. Ăng ten máy định vị phải đặt ở nơi thông thoáng, tránh được các nhiễu do sóng điện từ, các ảnh hưởng đa đường truyền.

2.6.4. La bàn Gyro phải được lắp đặt chắc chắn trên mặt bằng phẳng sao cho hướng la bàn chỉ đúng hướng thực của tàu. Với la bàn vệ tinh thì 2 ăng ten phải được lắp đặt như ăng ten máy định vị và trên cùng một mặt phẳng ngang.

2.6.5. Bộ cảm biến của máy cải chính sóng phải được đặt gần trọng tâm của tàu, lắp đúng hướng, và đảm bảo mặt phẳng ngang cho máy để giảm tối đa các sai lệch hệ thống do lắp đặt gây ra.

2.6.6. Đầu biến âm của máy đo sâu phải được lắp đặt chắc chắn tại vị trí tránh nhiễu âm tốt nhất trên tàu đo.

2.6.7. Sau khi lắp đặt toàn bộ hệ thống trên tàu đo tiến hành đo đạc xác định được các yếu tố sau:

a) Độ lệch tâm của các thiết bị trên tàu khảo sát, trọng tâm của tàu, các điểm thể hiện kích thước, hình dáng, hướng của tàu; điểm lắp ăng ten định vị, ăng ten la bàn (la bàn vệ tinh), điểm đặt bộ cảm biến máy cải chính sóng, điểm đặt đầu biến âm của máy đo sâu, các điểm thả các thiết bị lấy mẫu, quan trắc, vạch mớn nước;

b) Lập bảng tra sự thay đổi mớn nước của tàu theo tốc độ và theo sự tăng, giảm tải trọng;

c) Độ nghiêng (nghiêng dọc, nghiêng ngang) của mặt bộ cảm biến máy cải chính theo trục tàu cân bằng;

d) Độ nghiêng (nghiêng dọc, nghiêng ngang) của mặt lắp bộ phát, thu sóng âm (đầu biến âm) của máy đo sâu theo trục tàu cân bằng;

đ) Độ lệch hướng do lắp đặt của la bàn, đầu biến âm, bộ cảm biến sóng theo trục tàu cân bằng.

2.6.8. Các vị trí của các thiết bị phải được thể hiện trên hệ tọa độ không gian với gốc tọa độ là trọng tâm của tàu, trục Y trùng với hướng mũi tàu, trục X vuông góc với trục Y hướng sang phải. Sai số đo vị trí của các điểm lệch tâm so với gốc tọa độ này không vượt quá ± 1cm. Sai số đo các góc của các thiết bị đã lắp không vượt quá ± 1 độ.

2.7. Kiểm nghiệm, hiệu chỉnh hệ thống

2.7.1 Các máy móc, thiết bị đo đạc, định vị được kiểm nghiệm theo Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.7.2. Sau khi lắp đặt toàn bộ hệ thống, trước khi bắt đầu khảo sát phải thực hiện các kiểm nghiệm và hiệu chỉnh cho các thiết bị như sau:

a) Kiểm nghiệm máy đo sâu:

Dùng máy đo tốc độ âm thanh trong nước đo tốc độ âm thanh chuẩn tại khu vực kiểm nghiệm. Nhập tốc độ đo độ sâu tối thiểu của máy đo sâu. Thả đĩa kiểm nghiệm xuống độ sâu tối thiểu đó (chính xác tới 0,5cm). Dùng máy đo sâu đo độ sâu đến đĩa. Độ chênh lệch giữa độ sâu đo được bằng máy đo sâu với độ sâu đĩa thực tế chính là sai số vạch của máy đo sâu. Sai số này được đưa vào mục sai số của máy đo sâu (trường hợp máy đo sâu không có mục này thì cộng thêm độ lệch này vào độ ngập đầu biến âm);

Sau khi cải chính sai số vạch, thả đĩa đo sâu xuống từng mét, nhập tốc độ âm tương ứng cho từng độ sâu. Đo độ sâu tới đĩa bằng máy đo sâu, xác định độ chênh giữa độ sâu thực và độ sâu đo được. Trường hợp chênh lệch tính được nằm trong hạn sai của máy thì kết luận máy tốt, sử dụng được. Trường hợp chênh lệch vượt hạn sai thì phải thay máy khác;

b) Kiểm nghiệm, hiệu chỉnh máy la bàn: theo phụ lục số 2 của Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.8. Yêu cầu đối với người thực hiện các công tác chuẩn bị: điều tra viên phải có trình độ là kỹ thuật viên bậc 4 trở lên, kỹ sư bậc 3 trở lên.

3. Công tác điều tra, khảo sát

3.1. Định vị cho các công tác khảo sát

a) Khi dẫn đường đưa tàu tới mục tiêu thả trạm quan trắc hoặc thiết bị lấy mẫu, điểm quan tâm trên tàu đo phải được chọn là điểm thả thiết bị tương ứng. Điểm này phải đúng mục tiêu đã thiết kế;

b) Khi vị trí thả thiết bị đã nằm trong vòng tròn dung sai, tàu phải được giữ ổn định trong vòng tròn để thả thiết bị xuống;

c) Khi thiết bị xuống tới vị trí lấy mẫu, vị trí này được đánh dấu lại. Số liệu ghi ra bao gồm các thông tin: vị trí tọa độ của điểm thả thiết bị, độ sâu khu đo, thời điểm đánh dấu lại. Độ sâu của thiết bị ghi theo thông tin của người thả;

d) Trong suốt hành trình của tàu thực hiện các công tác khảo sát hóa học, môi trường, hải văn, số liệu định vị ghi theo chế độ thời gian (5 giây 1 lần ghi);

đ) Yêu cầu đối với người định vị cho các công tác khảo sát: điều tra viên phải có trình độ là kỹ thuật viên bậc 6 trở lên.

3.2. Quan trắc thủy triều

a) Việc khảo sát phải bao gồm cả quan trắc thủy triều. Trường hợp khu vực khảo sát nằm ngoài vùng có thể sử dụng số liệu thủy triều quan trắc từ các trạm hải văn cố định. Số liệu mực nước thủy triều phải được kết nối với hệ độ cao nhà nước;

b) Trường hợp quan trắc thủy triều bằng các trạm quan trắc tạm thời thì việc quan trắc thủy triều này được thực hiện theo các quy định nêu trong Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50000 ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Yêu cầu đối với người quan trắc thủy triều: điều tra viên phải có trình độ là kỹ thuật viên bậc 6 trở lên.

3.3. Đo sâu đáy biển

a) Tàu đo được dẫn đường theo vị trí đầu biến âm máy đo sâu, trong quá trình đo không được chạy lệch đường quá 1mm theo tỷ lệ bản đồ, tốc độ tàu chạy tối đa là 8km/giờ;

b) Khi tàu quay đầu để vào đường chạy tiếp theo phải giảm tốc độ và đảm bảo đủ thời gian cho máy cải chính sóng không còn ảnh hưởng bởi gia tốc ngang;

c) Số liệu định vị, độ sâu, la bàn, ảnh hưởng của sóng được phần mềm ghi liên tục suốt tuyến đo, tuyến kiểm tra;

d) Việc đánh dấu điểm đo được thực hiện bắt đầu từ đầu đường đo, khoảng cách giữa 2 điểm kề nhau không vượt quá 20m cho bản đồ tỷ lệ 1:10000, 50 m cho bản đồ tỷ lệ 1:25000;

đ) Mọi sự kiện trong quá trình đo đạc địa hình, tên đường đo, thời điểm bắt đầu, kết thúc, hướng chạy, file số liệu được ghi chép tỉ mỉ trong sổ đo đạc địa hình;

e) Trường hợp một trong các thiết bị đo bị lỗi làm mất dữ liệu quá 2 khoảng cách điểm đánh dấu thì phải đo lại đoạn đó;

g) Độ ngập đầu biến âm được đo vào thời điểm bắt đầu và kết thúc ca đo. Chú ý ghi thời điểm đo để cải chính độ ngập đầu biến âm trong xử lý số liệu;

h) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác đo sâu đáy biển: điều tra viên phải có trình độ là kỹ thuật viên bậc 6 trở lên, kỹ sư bậc 4 trở lên.

4. Xử lý số liệu

a) Biên tập số liệu thủy triều, cải chính lại thời gian ghi số liệu trường hợp có chênh lệch thời gian của trạm quan trắc thủy triều với hệ thống đo đạc trên tàu đo, tạo file số liệu phù hợp với quy định của phần mềm xử lý số liệu;

b) Tạo dự án xử lý số liệu riêng cho từng dự án khảo sát, nạp các số liệu đo đạc, số liệu thủy triều vào phần mềm;

c) Việc xử lý, biên tập số liệu đo được thực hiện cho từng đường đo;

d) Căn cứ vào các số liệu về tốc độ âm, độ ngập đầu biến âm để hiệu chỉnh các số liệu đo;

đ) Dựa trên mặt cắt dữ liệu loại bỏ các điểm sai số của độ sâu, số đo sóng. Hiệu chỉnh độ trễ giữa đo sâu, đo sóng. Nội suy các điểm mất dữ liệu mà không đo bù;

e) Đánh giá độ chính xác đo đạc căn cứ trên số liệu đo sâu, đo kiểm tra theo Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50000 ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 2 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

g) Xuất số liệu dạng X, Y, H của các điểm được đánh dấu sang định dạng phù hợp với các phần mềm biên tập bản đồ, cơ sở dữ liệu;

h) Lập các bản vẽ báo cáo khảo sát bao gồm các tuyến, các điểm đo địa hình, các điểm đặt trạm, lấy mẫu khảo sát hải văn, hóa học, môi trường;

i) Yêu cầu đối với người thực hiện công tác xử lý số liệu: điều tra viên phải có trình độ là kỹ thuật viên bậc 10 trở lên, kỹ sư bậc 5 trở lên.

5. Nghiệm thu

a) Kiểm tra khối lượng công việc thực hiện, thẩm định và đánh giá chất lượng các kết quả đạt được của chuyến khảo sát;

b) Đánh giá bộ số liệu thu thập được;

c) Tổ chức báo cáo kết quả, tổng kết và rút kinh nghiệm cho các đợt khảo sát tiếp theo.

6. Sản phẩm giao nộp

a) Các bản vẽ báo cáo khảo sát bao gồm các tuyến, các điểm đo địa hình, các điểm đặt trạm, lấy mẫu khảo sát hải văn, hóa học, môi trường thể hiện trên các mảnh bản đồ tỷ lệ 1:10000, 1:25000 như đã nêu trong dự án điều tra khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo đã lập;

b) Báo cáo tổng kết, đánh giá và nhận xét sơ bộ các kết quả thu được trong chuyến khảo sát.

MỤC 5. ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT SINH THÁI BIỂN

1. Nguyên tắc cụ thể

a) Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung;

b) Điều tra, khảo sát sinh thái biển phải tuân thủ theo Luật đa dạng sinh học 2008;

c) Kết quả phân tích đạt yêu cầu khi có 5% tổng số mẫu gửi đi kiểm tra, kết quả phân tích mẫu phải trùng hợp với nhau;

d) Sau khi mẫu đã được kiểm tra xong, phải ngâm bảo quản lâu dài vào lọ thủy tinh với dung dịch cồn 70% và 5% glycerin.

2. Công tác chuẩn bị

2.1. Kiểm tra tình trạng hoạt động của các máy thiết bị, dụng cụ, bảo dưỡng định kỳ trước mỗi đợt khảo sát:

a) Phương tiện đi khảo sát: tàu, ca nô, xuồng máy, ôtô, thiết bị lặn sâu;

b) Phương tiện, thiết bị thu thập mẫu, giữ mẫu ở hiện trường;

c) Dụng cụ để điều tra trữ lượng;

d) Dụng cụ bảo quản mẫu;

đ) Dụng cụ hóa chất để làm mẫu ngâm tươi;

e) Các tài liệu dùng để phân loại nhanh ngoài hiện trường;

g) Máy ảnh, máy quay video, máy tính;

h) Sổ nhật ký theo quy định chung cho từng nhóm sinh vật;

i) Quần áo, giầy, dép, ủng, găng tay (bảo hộ lao động).

2.2. Kiểm chuẩn, chuẩn bị máy, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất.

2.3. Xác định tọa độ của vị trí trạm trên bản đồ.

2.4. Xác định địa điểm và các tuyến trạm thu mẫu: phải đạt được các tiêu chí

a) Đại diện;

b) Phủ kín các sinh cảnh;

c) Phủ kín không gian;

d) Xây dựng sơ đồ thu mẫu có kèm theo tọa độ.

2.5. Xác định thời gian thu mẫu: đại diện cho các mùa, tốt nhất là 3 tháng thu mẫu một lần.

2.6. Xác định các nhóm sinh vật cần thu.

2.7. Yêu cầu đối với người thực hiện các công tác chuẩn bị: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 4 trở lên.

3. Công tác điều tra, khảo sát

3.1. Thực vật phù du

3.1.1. Công tác thu mẫu

a) Thu mẫu bằng lưới: các loại lưới đều vớt thẳng đứng, vớt từ đáy tới mặt nước. Trường hợp góc lệch lớn hơn 450 thì mẫu vật thu được chỉ có giá trị về mặt định tính, không có giá trị định lượng;

b) Kéo lưới với tốc độ ổn định. Đối với lưới cỡ lớn tốc độ kéo lưới là từ 0,5 đến 1m/s lưới cỡ vừa là 0,5m/s, lưới cỡ nhỏ từ 0,3 đến 0,5m/s. Khi đang kéo lưới tuyệt đối không được dừng lại;

c) Tùy theo lượng nước mà cho formon vào lọ mẫu sao cho để có nồng độ 5%. Vớt mẫu phân tầng phải căn cứ theo sự phân tầng như của bộ phận thủy văn: 0 đến 10m, 10 đến 20m. Trường hợp góc lệch dây cáp lơn hơn 300 thì không vớt mẫu phân tầng;

d) Thu mẫu bằng máy lấy nước: mẫu lấy nước ít nhất là 1 lít. Trường hợp trong mẫu vật có rác bẩn, váng dầu hoặc có các động vật thủy sinh lớn có nhiều xúc tu thì phải thu mẫu lại. Phải cho đủ hóa chất bảo quản vào lọ mẫu để tránh thối hỏng. Trường hợp lưới có ống đáy nhẹ, phần cuối khung lưới nối với quả rọi có trọng lượng khoảng 0,5kg.

3.1.2. Xử lý mẫu vật

a) Đổ mẫu vật vào lọ nhỏ có kích thước thích hợp tùy theo lượng mẫu vật;

b) Các lọ mẫu phải có nhãn hiệu ở bên ngoài và bên trong, nhãn phải viết bằng mực không nhòe trên giấy can. Trên nhãn ghi ký hiệu của vùng biển điều tra, loại lưới, năm thu thập và số thứ tự của mẫu vật trong từng đợt điều tra;

c) Mẫu vật thu thập bằng máy lấy nước phải dùng máy ly tâm để làm lắng, rút bớt nước còn khoảng 5 đến 10ml để bảo quản trong các lọ nhỏ, các lọ này phải có nhãn hiệu;

d) Các lọ mẫu của các tầng nước ở mỗi trạm cho vào một lọ lớn có dán nhãn và ghi số hiệu trạm.

3.1.3. Bảo quản và vận chuyển

a) Hóa chất bảo quản: dung dịch lugol;

b) Lọ đựng mẫu với đầy đủ nhãn mác, bút chì, bút viết kính (mực chịu nước), nhật ký khảo sát. Riêng đối với lọ đựng mẫu thường sử dụng các loại lọ nhựa để dễ vận chuyển trong các chuyến khảo sát; Đối với mẫu định lượng tùy vào vùng nghiên cứu mà lọ đựng mẫu thường có dung tích từ 1 – 5 lít;  

c) Sau khi thu mẫu các lọ được xếp vào các thùng tôn, vận chuyển về phòng thí nghiệm phân tích.

3.1.4. Đăng ký mẫu vật:

a) Tất cả các mẫu vật đã thu thập được đều phải ghi vào sổ đăng ký mẫu vật;

b) Khi ghi xong phải có người đối chiếu.

3.1.5. Phân tích mẫu

a) Phân tích mẫu định tính: mẫu định tính mang về phòng thí nghiệm, để lắng, sau đó dùng ống hút nhỏ hút lấy một lượng nhỏ dung dịch mẫu cho lên lam kính và quan sát dưới kính hiển vi. Tùy theo đặc điểm phân loại của từng loại mà thực hiện các công đoạn tiếp theo như: tẩy mẫu, phá vỡ, tách, nhuộm tế bào để dễ quan sát. Trong khi quan sát, tiến hành chụp ảnh các mẫu tiêu biểu cho từng loại. Phân tích mẫu bằng kính hiển vi OLYMPUS và kính đảo ngược huỳnh quang LEICA;

b) Phân tích định lượng: mẫu định lượng mang về phòng thí nghiệm, để lắng trong tối ít nhất từ 24 – 48 giờ. Dùng xi phông nhỏ rút dần nước trong các lọ mẫu cho đến khi bắt đầu xuất hiện vẩn. Chuyển mẫu sang ống đong hình trụ 100ml và tiếp tục để lắng ít nhất 1 ngày đêm. Dùng xi phông rút nước mẫu trong ống đong cho đến khi xuất hiện vẩn và lại để lắng. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi thể tích mẫu trong ống đong còn lại khoảng 10 – 20ml. Chuyển mẫu sang lọ nhỏ thể tích 10 – 20ml để bảo quản. Khi phân tích, lắc đều lọ mẫu, dùng pipet hút lấy 1ml dung dịch mẫu cho vào buồng đếm Sedgewick – Rafter. Đếm số lượng tế bào của từng loài dưới kính hiển vi đảo ngược LEICA;

c) Đối với loài có tần suất hiện cao phải dùng máy đếm. Đếm một phần, một nửa hoặc cả buồng đếm tùy thuộc vào mật độ tế bào trong mẫu nhiều hay ít.

d) Sau khi đếm xong, mẫu vật được đổ trở lại lọ bảo quản. Buồng đếm và ống hút định lượng phải được rửa sạch bằng nước máy trước khi chuyển sang đếm mẫu khác;

đ) Kết quả phân tích được cập nhật vào biểu đếm số lượng và tính trọng lượng tế bào thực vật phù du.

3.1.6. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát thực vật phù du: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 3 trở lên.

3.2. Động vật phù du

3.2.1. Công tác thu mẫu

a) Thu thập vật mẫu bằng lưới: các loại lưới đều vớt thẳng đứng. Trường hợp góc lệch lớn hơn 450 thì mẫu vật thu được chỉ có giá trị về mặt định tính, không có giá trị định lượng;

b) Kéo lưới với tốc độ ổn định. Đối với lưới cỡ lớn tốc độ kéo lưới là từ 0,5 đến 1m/s lưới cỡ vừa là 0,5m/s, lưới cỡ nhỏ từ 0,3 đến 0,5m/s. Khi đang kéo lưới tuyệt đối không được dừng lại;

c) Sau khi kéo lưới lên khỏi mặt nước dùng vòi phun nước ở phía ngoài cho sinh vật trôi hết xuống ống đáy rồi cho vào lọ. Tùy theo lượng nước mà cho formon vào lọ mẫu sao cho để có nồng độ 5%;

d) Vớt mẫu phân tầng phải căn cứ theo sự phân tầng như của bộ phận thủy văn: 0 đến 10m, 10 đến 20m. Khi miệng lưới tới giới hạn trên của tầng nước phải dừng lại và nhanh chóng thả búa phân tầng để lưới gập lại. Trường hợp góc lệch dây cáp lớn hơn 300 thì không vớt mẫu phân tầng. Kết quả thu mẫu phân tầng ghi trong biểu;

đ) Mẫu định lượng thu bằng bathomet với thể tích 5lít, kéo 20 lần và toàn bộ lượng nước được lọc qua lưới thu mẫu phù du. Chỉ giữ lại một lượng nước không quá 200ml cùng với mẫu được bảo quản trong lọ nhựa và cố định bằng dung dịch formalin 5%.

3.2.2. Xử lý mẫu vật

a) Dùng ống hút đầu bịt vải lưới số 38 để hút bớt nước ở lọ mẫu, đổ mẫu vật vào lọ nhỏ có kích thước thích hợp tùy theo lượng mẫu vật;

b) Các lọ mẫu phải có nhãn hiệu ở bên ngoài và bên trong, nhãn phải viết bằng mực không nhòe trên giấy can. Trên nhãn ghi ký hiệu của vùng biển điều tra, loại lưới, năm thu thập và số thứ tự của mẫu vật trong từng đợt điều tra.

3.2.3. Bảo quản và vận chuyển

a) Mẫu vật vớt bằng lưới được ngâm giữ trong dung dịch formol có nồng độ 5%;

b) Mẫu vật thu thập bằng máy lấy nước được ngâm giữ trong dung dịch lugol 1%;

c) Trong một số trường hợp để tránh sự ăn mòn vỏ của động vật phù du cần phải kiềm hóa dung dịch formalin với sodium borat hoặc carbornat sodium (Na2CO3);

d) Dụng cụ chứa mẫu bằng chai nhựa;

đ) Sau khi đã được bảo quản và dán nhãn đầy đủ, mẫu động vật phù du được đặt vào hòm gỗ hoặc hòm tôn, vận chuyển về phòng thí nghiệm.

3.2.4. Đăng ký mẫu vật

a) Tất cả các mẫu vật đã thu thập được đều phải ghi vào sổ đăng ký mẫu vật;

b) Khi ghi xong phải có người đối chiếu.

3.2.5. Phân tích mẫu

a) Phân tích mẫu định tính: xác định thành phần loài bằng kính giải phẫu, kính hiển vi;

b) Xác định đến nhóm trên kính giải phẫu;

c) Chọn các cá thể phát triển đầy đủ nhất đại diện cho từng nhóm để giải phẫu và xác định loài bằng kính hiển vi;

d) Phương pháp đếm số lượng: trường hợp số lượng mẫu vật ít phải đếm toàn bộ. Trường hợp mẫu vật quá nhiều đếm toàn bộ những loài có kích thước lớn. Kết quả đếm ghi vào biểu đếm số con động vật phù du và kết quả đếm của mẫu phân tầng ghi vào biểu đếm số con động vật phù du lưới phân tầng;

đ) Phương pháp khối lượng: chọn riêng những loài động vật phù du là thức ăn cho cá để cân trọng lượng ẩm. Cân phải có độ nhậy ít nhất là 0,01mg. Loại bỏ cặn, rác bẩn trước khi cân mẫu bằng cân điện với độ chính xác 0,0001g. Lọc mẫu qua lưới lọc (mắt lưới 315mm). Thấm mẫu bằng giấy lọc đến độ ẩm tự nhiên. Cân mẫu.

3.2.6. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát động vật phù du: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 3 trở lên.

3.3. Động vật đáy

3.3.1. Công tác thu mẫu

a) Thu mẫu bằng gàu sinh học: quan sát và ghi nhận tình hình mẫu thu loại chất đáy, độ dày, tình hình sinh vật. Khối lượng chất đáy phải trên một nửa gàu mới đạt yêu cầu. Diện tích thu mẫu là 0,5m2 tại mỗi trạm. Độ ngập sâu của cuốc phải đạt tối thiểu là 4 – 5cm đối với chất đáy là cát và vỏ sinh vật cỡ trung, 6 – 7cm đối với chất đáy là cát mịn, 10cm đối với chất đáy là bùn. Khi lấy mẫu lên, trường hợp không thỏa mãn 1 trong những chỉ tiêu trên thì bắt buộc phải lấy lại mẫu. Rửa mẫu qua hệ thống rây. Sau khi rửa sạch, nhặt cẩn thận, tách từng loài hoặc nhóm gần nhau và có thể tách riêng cơ thể lớn, nhỏ vào lọ ngâm giữ;

b) Thu mẫu bằng lưới kéo: thả lưới khi tàu đang chạy với tốc độ chậm và phương hướng đã ổn định. Độ dài dây cáp khi kéo lưới phải phụ thuộc vào tốc độ của tàu, độ sâu, hướng gió, dòng chảy. Vận tốc của tàu khi kéo lưới khoảng 2 đến 2,5 hải lý/giờ. Thời gian kéo lưới vét khoảng từ 5 đến 10 phút. Mẫu thu định tính được coi là đạt yêu cầu khi túi lưới chứa đầy chất đáy. Thể tích túi lưới được quy định là 50dm3. Tiến hành rửa mẫu trên hệ thống rây;

c) Thu mẫu vùng triều: thu ở cả 3 khu cao triều, trung triều và thấp triều. Khi đã xác định chính xác điểm cần thu, dùng ô định lượng 1/4m2 đặt lên bãi triều và dùng xẻng hoặc dao đào sâu đến 15 – 20cm chất đáy;

d) Thu mẫu trong thảm cỏ biển: tùy theo diện tích thảm cỏ mà quyết định số lượng mặt cắt cần thu, tốt nhất là thu 3 mặt cắt cho mỗi thảm cỏ. Trên mỗi mặt cắt đặt 3 trạm thu mẫu, 1 trạm ở đầu, một trạm ở giữa và 1 trạm ở cuối mặt cắt. Tại mỗi trạm thu 3 mẫu bằng cuốc Ponna-dreger và được sàng bằng loại sàng hai ngăn;

đ) Thu mẫu trên rạn san hô: mẫu định tính thu trùng với dây mặt cắt của nghiên cứu san hô. Trên mỗi dây mặt cắt đặt khoảng 3 - 5 trạm khảo sát. Trên mỗi trạm thu 3 ô mẫu, mỗi ô có diện tích 1m2. Mẫu định lượng thu tại các trạm trùng với trạm thu mẫu định tính. Ở mỗi trạm thu 3 tảng san hô chết có trọng lượng 5kg/tảng. Dùng búa, dao, đục lấy toàn bộ số mẫu ở trong tảng san hô ngâm trong dung dịch cồn 700, dán nhãn đầy đủ.

3.3.2. Xử lý mẫu vật

a) Tách mẫu: trút mẫu từ dụng cụ thu mẫu ra ngoài, phải tách riêng ngay thực vật và động vật. Trong giới động vật lại phải tách riêng động vật cần gây mê và không cần gây mê. Tách riêng các loài có cơ thể mềm yếu và các loài có vỏ cứng hay có gai;

b) Nuôi và gây mê: để mẫu vật sau khi được cố định vẫn giữ nguyên dạng như lúc sống, cần phải tiến hành nuôi và gây mê trước khi ngâm giữ mẫu. Trước khi gây mê cần phải nuôi cho sinh vật hồi phục trong bình chứa nước biển sạch. Không được bỏ chung vào bình có các loài động vật ăn thịt hoặc động vật có vỏ cứng hoặc bơi lội nhanh (như giáp xác lớn) lẫn với những động vật mềm yếu khác. Khi động vật nuôi trong bình đã hồi phục và hoạt động bình thường, cho dần thuốc gây mê vào (menthol, sulfat manhê). Khi gây mê, thuốc được chia thành nhiều đợt, khối lượng thuốc không được nhiều quá. Khi động vật đã hoàn toàn mất cảm giác mới cho vào dung dịch cố định để ngâm giữ;

c) Ngâm giữ: mẫu vật sau khi đã xử lý được bỏ trực tiếp vào chai lọ có chứa cồn 75% hoặc formol từ 4 đến 10% để ngâm giữ;

d) Mẫu định tính: các loài thực vật, được cố định và ngâm giữ trong formol trung bình 4%. Các loài động vật có kích thước trung bình, có vỏ ngoài (thân mềm, giáp xác) hoặc có xương trong (da gai, hải miên, ruột khoang) dùng cồn để ngâm giữ. Đối với những mẫu có kích thước lớn, thịt nhiều và dày (loài mang ngoài Nudibranchia, mực tuộc Octpeda) dùng formol để cố định mẫu;

đ) Mẫu định lượng: đối với những vật mẫu định lượng, cần tính sinh lượng chính xác, phải dùng formol trung bình từ 7 đến 10% để cố định toàn bộ chất sống trong cơ thể sinh vật. Đối với loài động vật cần tiến hành thủ thuật vi phẫu trong quá trình định loại sau này, sau khi gây mê xong phải dùng dung dịch cố định thích hợp (Bouin, formol trung tính 10%).

3.3.3. Đăng ký và ghi chép mẫu vật

a) Mẫu vật sau khi xử lý phải được tiến hành đăng ký đồng thời trên sổ nhật ký thực địa và nhãn;

b) Đăng ký trên bảng ghi: Bảng ghi thu mẫu định tính dùng để đăng ký mẫu định tính. Bảng ghi thu mẫu định lượng dùng để đăng ký mẫu định lượng.

c) Đăng ký trên nhãn và thẻ: nhãn phải làm bằng giấy bóng mờ hoặc loại vật liệu bảo đảm không bị rách và bị nhòe chữ khi ngâm lâu trong cồn hoặc formol. Thẻ để đăng ký mẫu phải làm bằng nhôm, nhựa hoặc tre. Thẻ nhôm hay nhựa phải khắc chữ số. Thẻ tre có thể viết bằng mực đen vẽ kỹ thuật. Thẻ phải có khuôn khổ thống nhất và khoan lỗ ở một đầu để tiện sắp xếp thứ tự và bảo quản.

3.3.4. Phân tích mẫu

a) Đối chiếu mẫu vật, sau khi đối chiếu xong, tiến hành tách mẫu để chuẩn bị phân tích. Mẫu định tính và định lượng được tách riêng. Tách ra các nhóm động vật hoặc các ngành như: hải miên, ruột khoang, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai;

b) Cân mẫu ngâm cồn: dùng cân tiểu ly có độ nhạy 0.01g để cân. Trường hợp mẫu còn dùng để tính khối lượng khô thì phải dùng thống nhất một cân có độ nhạy 0.01mg. Trước khi cân, mẫu vật phải được đặt trên giấy thấm để hút đi phần nước bề mặt. Đối với động vật sống trong ống hoặc tổ, trường hợp tổ, vỏ, ống quá lớn thì phải loại bỏ, trường hợp nhỏ thì được giữ nguyên để tránh hư hỏng mẫu. Khi cân khối lượng thân mềm không cần phải bỏ vỏ, nhưng cần thấm hết nước hay cồn ở trong vỏ. Đối với những loài có kích thước lớn, số lượng cá thể nhiều thì bỏ vỏ, nhưng đồng thời phải cân riêng khối lượng sống và vỏ để làm tài liệu tham khảo;

c) Cân khối lượng khô: sau khi đã cân xong khối lượng mẫu ngâm cồn, các loài hoặc nhóm loài của từng trạm phải được xử lý để lấy số liệu khối lượng khô. Những mẫu vật lớn, thuộc hai nhóm da gai và giun nhiều tơ phải được mổ ra để bỏ cặn bã trong ruột. Những loài có xương vôi phải được khử bằng axít clohydric pha loãng (HCl 0,1N). Dùng cân tiểu ly có độ nhạy 0.01mg để cân. Trước khi cân, mẫu phải đem ra khỏi tủ sấy và để nguội trong các bình hút ẩm. Phải cân nhanh từng mẫu.

3.3.5. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát động vật đáy: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 4 trở lên.

3.4. Rong biển

3.4.1. Công tác thu mẫu

a) Điều tra cộng đồng: mẫu vật thu dùng để phân loại hay làm mẫu bảo tàng lưu trữ phải đảm bảo các yêu cầu mẫu phải thu ở nhiều địa phương khác nhau, sống trôi nổi hay sống bám, kể cả phụ sinh trên các loài rong khác. Mẫu vật phải hoàn chỉnh, có đầy đủ các phần, có mang tế bào sinh sản hay cơ quan sinh dục, mẫu ở giai đoạn trưởng thành hay đã thành thục. Số lượng ít nhất của mỗi loài là 10 mẫu, những loài có số lượng quá ít thu toàn bộ số mẫu đã gặp. Khi thu mẫu, đối với các loài rong nhỏ rong đá hay các loại rong bám chắc, thì dùng dao để cạy, hoặc dùng búa đập vỡ vật bám để thu mẫu. Các loại rong khác có thể thu bằng tay hay bằng kẹp nhọn đầu;

b) Điều tra sản lượng tự nhiên của rong kinh tế: chọn tuyến điều tra. Ở vùng triều ven biển, các tuyến được đặt theo chiều thẳng đứng từ vùng triều cao cho tới vùng dưới triều, cho đến chỗ rong không còn phân bố. Các tuyến đặt song song với nhau, sao cho phải đảm bảo được trong một khu vực điều tra có ít nhất từ 3 – 5 tuyến. Giữa các tuyến cần có tuyến chéo;

c) Ở các đầm nước mặn, lợ, các tuyến được xếp thành hình bàn cờ, các tuyến trên một cạnh, song song với nhau và thẳng góc với tuyến của cạnh bên. Khoảng cách các tuyến tùy thuộc vào diện tích đầm hồ đó sao cho mỗi cạnh phải có ít nhất là hai tuyến và khoảng cách giữa chúng không quá 100m;

d) Chọn điểm thu mẫu: trên các tuyến định ra các điểm thu mẫu để tính sinh lượng. Khoảng cách giữa các điểm thu mẫu trên một tuyến phụ thuộc vào chiều dài mỗi tuyến. Trên mỗi tuyến có từ 5 đến 10 điểm thu mẫu;

đ) Ở vùng điều tra có rong phân bố dày và tuyến dài, khoảng cách các điểm thu mẫu có thể xa nhau nhưng không quá 50m;

e) Những nơi có rong mọc thưa, khoảng cách các điểm thu mẫu có thể xa nhau nhưng không quá 30m. Thu mẫu trong một diện tích nhất định, được giới hạn bằng các khung vuông hình cạnh dài 0,5 – 1m;

g) Ở những nơi có rong phân bố dày hay tập trung, diện tích lấy mẫu sinh lượng chỉ cần là 0,25m2. Những nơi rong phân bố thưa thì dùng khung có diện tích 1m2;

h) Đối với một số loài rong có số lượng lớn thường bị sóng táp vào bờ (như Sargassum, Chnoospora), cần phải tính sinh lượng của chúng ở các điểm trên bờ trùng với các tuyến kéo dài từ vùng dưới lên;

i) Khi thu mẫu đếm khung có diện tích đã chọn đặt lên trên những điểm thu mẫu và thu tất cả những rong có phần gốc nằm trong khung;

k) Mẫu thu xong, rửa sạch chất bám, tách riêng các giống loài ra, cho từng mẫu vào miếng vải màn túm lại, vẩy hết nước bám quanh rong và cân trọng lượng từng loài hay từng giống;

l) Mặt sau của biểu điều tra, vẽ sơ đồ của vùng điều tra, đánh số tuyến các điểm thu mẫu, các điểm thu mẫu phải phù hợp với số ghi trong biểu điều tra để khi chỉnh lý tiện đối chiếu.

3.4.2. Xử lý mẫu vật

a) Làm mẫu rong khô. Chọn những mẫu rong tiêu biểu và đầy đủ các phần bám, giữa, ngọn, mang cơ quan sinh sản, rửa sạch bằng nước ngọt, dùng bàn chải mịn để quét các chất bám. Tùy theo kích thước của từng mẫu rong, chọn những cỡ giấy thích hợp để ép rong. Dùng bút chì viết trên đầu hay cuối tờ giấy ép: địa điểm, ngày tháng thu thập và số hiệu mẫu, giới tính của mẫu. Chỉnh lý và làm thành mẫu bảo tàng. Những mẫu hay những phần mẫu chưa dính hẳn trên giấy, dùng băng dán hay cồn dán cố định lại;

b) Làm mẫu rong ngâm tươi: mẫu rong ngâm tươi thường không để được lâu dài, chỉ làm mẫu tạm thời dùng để phân loại. Các loài rong lục (Chlorophyta) ngâm trong dung dịch nước biển 7% formol nguyên chất và thêm một ít sunphat đồng (CuSO4). Các loài rong nâu (Phaeophyta) ngâm trong dung dịch nước biển có 7% formol. Các loài rong đỏ (Rhodophyta) ngâm trong dung dịch 68% nước biển, 25% cồn 900, 7% formol, trước khi ngâm có thể nhuộm ecsina. Đối với các loại rong đỏ mềm, nhiều keo, dễ nát khi ngâm cho thêm một ít glycerine.

3.4.3. Phân tích mẫu

a) Quan sát cấu tạo bên trong của rong dùng các loại kính hiển vi;

b) Đối với những rong đơn bào hay có cấu tạo dạng sợi, chỉ cần để trên lam kính, đậy la-men rồi cho vào kính quan sát;

c) Đối với những rong gồm nhiều sợi tụ lại (như Calothrix) hay dính lại với nhau (Rivularin, Brachytrichia), sau khi đặt mẫu lên lam kính dùng kim nhỏ tách ra hay đậy lamen lại rồi đè mạnh cho mẫu rời ra mới quan sát được;

d) Đối với các loại rong có cấu tạo tế bào phức tạp, muốn quan sát được các cấu tạo bên trong của các bộ phận cần phải cắt thành những lát mỏng theo chiều ngang hay dọc phần định cắt;

đ) Các rong có tẩm vôi (như một số loài trong họ Corallinaceae) trước khi cắt nên khử vôi bằng cách ngâm mẫu rong trong axít acetic và axít nitric (với rong nhỏ chỉ cần ngâm trong axít acetic là được) và nhuộm bằng esosine.

3.4.3. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát rong biển: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 4 trở lên.

3.5. Cỏ biển

3.5.1. Công tác thu mẫu

a) Xác định diện tích thảm cỏ biển;

b) Lựa chọn vị trí đặt mặt cắt thu mẫu: điểm thu mẫu có quần xã cỏ biển đại diện cho cả vùng và đi lại dễ dàng;

c) Đặt mặt cắt: số lượng mặt cắt đặt tại mỗi điểm thường là 3 mặt cắt. Độ dài mỗi mặt cắt phụ thuộc vào diện tích. Mỗi mặt cắt có thể dài từ 50 – 100m. Các mặt cắt đặt song song với nhau và song song hoặc vuông góc với bờ;

d) Việc thu mẫu thực hiện bắt đầu từ trạm 0m của mỗi mặt cắt, với khoảng cách tiếp theo là 10m. Cứ như vậy cho đến điểm cuối cùng của mặt cắt;

đ) Xác định thành phần loài cỏ biển: xác định loài cỏ biển có trong khung định lượng;

e) Xác định độ phủ: xác định độ phủ (%) của cỏ biển bên trong khung định lượng (50cm x 50cm);

g) Thu mẫu tính sinh khối: tại mỗi trạm cách nhau 10m của mặt cắt, thu ít nhất 2 – 4 khung định lượng (20cm x 20cm, trường hợp kích thước cỏ lớn) hoặc 2 – 4 ống (0,0035m2, trường hợp kích thước cỏ nhỏ) để tính mật độ chồi và khối lượng cỏ biển.

3.5.2. Xử lý mẫu vật

Thu mẫu ép khô: lựa chọn chồi cỏ biển có thân, rễ, lá còn nguyên vẹn, hoa, quả. Rửa sạch mẫu cho vào túi nilông đem về phòng thí nghiệm.

3.5.3. Phân tích mẫu

a) Ép khô mẫu. Tập hợp tất cả mẫu cỏ biển thu được ở 2 – 4 khung định lượng (ống định lượng) tại mỗi trạm thu mẫu dọc mặt cắt. Rửa sạch lá cỏ loại bỏ trầm tích và sinh vật sống bám trên lá cỏ để tránh sai số khi cân khối lượng. Tách riêng từng loài cỏ biển sau đó đếm cẩn thận từng chồi lá, chồi hoa;

b) Sau khi đếm xong chồi hoa, tiếp tục đo các thông số sinh học của cỏ biển. Dùng thước nhựa đo chiều dài của bẹ lá, chiều dài, chiều rộng phiến lá. Để đạt được độ chính xác, phải đo ít nhất 20 chồi lá;

c) Tách riêng từng phần cỏ biển thành phần trên mặt đất (chồi lá và chồi hoa) và phần dưới mặt đất (thân và rễ). Sấy khô ở nhiệt độ 600C trong vòng 24 giờ, sau đó cân trên cân điện tử với độ chính xác 0,01mg.

3.5.4. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát cỏ biển: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 4 trở lên.

3.6. San hô

3.6.1. Khảo sát biến động về số lượng loài san hô

a) Thu thập mẫu vật: sử dụng thiết bị lặn sâu Scuba thu mẫu san hô trên rạn từ đới có san hô đến chân rạn (độ sâu 30 – 40m). Đối với các loài san hô dạng khối phải sử dụng búa đục để lấy mẫu. Mẫu được lấy tẩy hết phần thịt (có thể ngâm trong nước khoảng 5 – 7 ngày sau đó dùng vói nước mạnh xịt vào sẽ sạch hết phần thịt hoặc dùng hóa chất để tẩy);

b) Quay phim, chụp ảnh: sử dụng máy quay phim, máy chụp ảnh cho việc điều tra mức độ phong phú về thành phần loài. Tất cả các loài bắt gặp tại hiện trường đều được chụp cận cảnh sao cho có thể nhận biết được các đặc điểm phân loại một cách rõ ràng nhất;

c) Phân tích mẫu vật: mẫu thu được sẽ được phân loại dựa vào hình thái và cấu trúc bộ xương theo hệ thống phân loại của Veron và Pichon (1976, 1978, 1980, 1982, 1986). Đối với phân loại trên hình ảnh, xác định thành phần loài dựa vào màu sắc và hình thái theo hệ thống và tài liệu phân loại san hô sống của Veron 2000.

3.6.2. Khảo sát sự biến động của độ phủ

a) Phương pháp đánh giá nhanh rạn san hô: phương pháp Manta tow dùng để đánh giá nhanh hiện trạng một rạn san hô trên một diện tích rộng bao gồm độ phủ san hô cứng, san hô mềm, mật độ động vật không xương sống đáy cỡ lớn. Phương pháp này chỉ thực hiện được ở những vùng nước trong (tầm nhìn tối thiểu là 6m), độ sâu tối thiểu là 3m. Một người điều khiển tàu và chịu trách nhiệm an toàn cho đội khảo sát. Một người quan sát và ghi chép dưới nước. Một người ngồi trên tàu định vị, bấm giờ và phụ trách chung đảm bảo cho kỹ thuật được thực hiện theo đúng phương pháp đồng thời có thể thay ca cho người quan sát dưới nước trường hợp tiến hành khảo sát trên một vùng rộng lớn;

b) Trước khi tiến hành kéo manta, một người ghi chép các thông số về thời tiết (mưa/nắng, gió, nhiệt độ), tình trạng mặt biển, mô tả sơ bộ về khu vực khảo sát, khoảng cách đến khu vực dầu tràn;

c) Khi người quan sát ở dưới nước ra ký hiệu xuất phát thì người điều khiển trên tàu bắt đầu cho tàu chạy. Một người trên tàu ghi thời gian và tọa độ của điểm xuất phát. Tốc độ tàu chạy duy trì ở 3-5km/h;

d) Sau 2 phút kể từ lúc xuất phát thì người điều khiển cho tàu dừng lại để người dưới nước ghi nhận số liệu đồng thời người trên tàu cũng ghi lại tọa độ của điểm dừng;

đ) Sau khi kéo được 2 phút dừng tàu người quan sát ghi lại phần trăm độ phủ san hô sống, san hô chết và san hô mềm vào bảng;

e) Người quan sát cần phải chú ý thêm về sự phá hủy của sóng, sao biển gai, trai tai tượng (ước chừng số lượng trong mỗi lần kéo);

g) Yêu cầu tối thiểu là phải ghi nhận được 3 thông số là san hô cứng, san hô mềm và san hô chết theo quy ước về bậc độ phủ;

h) Phân tích số liệu: sau khi thu thập xong ngoài hiện trường, số liệu sẽ được nhập vào máy dưới dạng file EXCEL, số liệu sẽ được biểu diễn dưới dạng biểu đồ hoặc bản đồ.

3.6.3. Phương pháp Reefcheck

a) Khả năng áp dụng: phương pháp này có thể áp dụng được trên tất cả các rạn san hô có chiều dài 100m trở lên, có tầm nhìn hạn chế mà phương pháp Manta tow không tiến hành được;

b) Lựa chọn vị trí khảo sát: lựa chọn địa điểm gần những nơi chịu ảnh hưởng mạnh của sự cố tràn dầu, đặc biệt cần lưu ý tránh chọn những rạn có độ dốc thẳng đứng, hang hốc. Nên chọn vùng rạn có chiều dài ít nhất là 100m và độ dốc vừa phải để đặt mặt cắt. Mô tả địa điểm chọn lựa và ghi chép các thông số cần thiết như kinh vĩ độ, khoảng cách từ bờ, khoảng cách đến cửa sông, khoảng cách đến vùng tràn dầu, mức độ ô nhiễm;

c) Cách tiến hành: trải dây mặt cắt 100m song song với đường đẳng sâu ở độ sâu 2 - 6m và một dây khác ở độ sâu 6 – 12m. Ở những rạn hẹp và nông chỉ cần trải một dây mặt cắt ở độ sâu 2 – 6m. Dây mặt cắt 100m được chia làm 4 đoạn nhỏ, mỗi đoạn có chiều dài 19,5m (tức là chỉ khảo sát trong các đoạn từ 0 – 19,5m, 25 – 44,5m, 50 – 69,5m, 75 – 94,5m), khoảng cách của mỗi đoạn là 5m để đảm bảo độ tin cậy trong quá trình tính toán số liệu của phương pháp. Các hợp phần đáy dưới dây mặt cắt ghi tại từng điểm chạm cách nhau 0,5m một. Bắt đầu ghi từ điểm 0m, rồi đến 0,5m, 1,0m, 1,5m… cho đến 19,5m. Khi đã xong điểm chạm 19,5m tức là đã hoàn thành xong đoạn đầu tiên trong 4 đoạn của dây mặt cắt 100m. Khoảng từ điểm 20 – 24,5 bỏ qua. Quá trình được thực hiện tương tự từ 25 – 44,5m, 50 – 69,5m, 75 – 94,5m, bỏ qua các khoảng 20 – 24,5m, 45 – 49,5m, 70 – 74,5m, 95 – 100m. Việc ghi chép các hợp phần đáy vào bảng số liệu dưới dạng ký hiệu theo chỉ dẫn trên bảng ghi hợp phần đáy. Mười thành phần hợp phần đáy cần ghi nhận bao gồm: san hô cứng (HC), san hô mềm (SC), san hô chết (DC), đá (RC), vụn san hô (RB), cát (SD), bùn (SI), rong lớn (FS), hải miên (SP), các sinh vật khác (OT).

3.6.4. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát san hô: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 5 trở lên.

3.7. Cá biển

3.7.1. Thu mẫu trên rạn san hô

a) Phương pháp đánh giá nhanh nguồn lợi cá rạn san hô bằng thống kê quan sát trực tiếp kết hợp với máy quay phim và chụp ảnh ngầm:

- Lựa chọn địa điểm khảo sát: khảo sát tổng quan về sườn rạn (kiểu rạn, phân bố), lựa chọn điểm khảo sát phải mang tính chất đại diện cho toàn rạn. Tất cả các địa điểm phải tương tự nhau về các đặc điểm vật lý, độ dốc và độ phủ san hô. Trong trường hợp nước trong có thể sử dụng ván kéo (manta tow) để khảo sát tổng quan và ngược lại áp dụng phương pháp lặn điểm đối với vùng rạn có độ đục cao. Lựa chọn ít nhất 2 điểm (lặp lại) về phía sườn hướng gió để tính toán giữa sự thay đổi vị trí trong một habitat. Từng địa điểm trong habitat (sườn hướng gió) phải tương tự với các điểm hướng gió khác. Trường hợp có các habitat hướng gió và khuất gió rõ ràng thì chọn ít nhất 1 hoặc thích hợp là 2 địa điểm trong mỗi vùng. Trong các khu vực nơi ngược với gió mùa thịnh hành, chọn các điểm trong các vùng rạn hướng tới các gió mùa khác nhau. Các địa điểm trong các habitat phải cách nhau một khoảng cách thích hợp (từ 100 – 200m);

- Thao tác chung: các loài phải chiếm ưu thế về số lượng, không có tập tính sống ẩn. Chúng phải được định loại một cách dễ dàng ở dưới nước. Chúng phải có liên quan mật thiết đến các habitat sườn rạn;

- Đặt mặt cắt: ở mỗi một địa điểm trên rạn, đặt ít nhất 2 dây mặt cắt dài 50m ở mỗi độ sâu 3 – 5m và 8 – 10m. Các dây mặt cắt phải dùng cho cả việc khảo sát dạng sống ở đáy (LIT). Nên tiến hành khảo sát cả cá và các dạng sống ở đáy trên cùng một rạn;

- Kỹ thuật điều tra: thời gian khảo sát được tiến hành trong khoảng từ 8h30 – 15h30 để đảm bảo độ chiếu sáng của mặt trời trên rạn và tránh thống kê cả nhóm cá sống ẩn (đêm mới ra kiếm mồi). Sau khi rải dây mặt cắt, đợi khoảng 5 đến 15 phút, giữ yên tĩnh để cá lấy lại được tập tính bình thường rồi mới đếm. Mỗi một mặt cắt được điều tra thành một đai 50m x 5m. Người quan sát (sử dụng thiết bị Scuba) bơi chậm dọc theo mặt cắt, ghi chép tất cả các loài cá bắt gặp trong khoảng 2,5m (mật độ, chiều dài toàn thân ước tính và định loại đến cấp độ loài) về cả hai phía và 5m ở phía trên của mặt cắt. Luôn luôn kiểm tra khả năng của thợ lặn để xác định khoảng cách 5m trước khi bắt đầu kiểm tra. Trường hợp tầm nhìn kém, có thể giảm chiều rộng của đai mặt cắt xuống còn 2,5m và phía trên 2,5m;

b) Phương pháp quan trắc lặp đánh giá biến động của nguồn lợi cá trên rạn Reef Check

- Lựa chọn địa điểm khảo sát: tùy theo mục đích giám sát mà chúng ta lựa chọn các điểm rạn san hô khác nhau. Chọn vùng rạn san hô có chiều dài ít nhất là 100m để đặt mặt cắt. Mô tả địa điểm chọn lựa với các thông số cần thiết như kinh vĩ độ, khoảng cách từ bờ, khoảng cách đến cửa sông, khoảng cách đến vùng dân cư gần nhất, mức độ ô nhiễm, lý do chọn lựa địa điểm này;

- Bố trí dây mặt cắt: số dây mặt cắt được đặt thường là 2 và song song với đường đẳng sâu, một trên mặt bằng rạn ở độ sâu 3 – 6m và một trên sườn dốc rạn san hô ở độ sâu 6 – 12m. Kiểm tra lại để tránh tình trạng dây mặt cắt bị nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Dùng 2 phao thả nổi trên mặt nước buộc vào mỗi đầu của dây mặt cắt để làm mốc xác định vị trí của dây mặt cắt. Chiều dài một mặt cắt là 100m (mặt cắt là loại thước cuộn có chia khoảng cách tối thiểu là 0,5m) được chia làm 4 đoạn nhỏ (0 – 20m, 25 – 45m, 50 – 70m và 75 – 95m), mỗi đoạn dài 20m để đảm bảo độ tin cậy trong quá trình tính toán số liệu của phương pháp;

- Kỹ thuật điều tra: khoảng 10 – 15 phút sau khi rải mặt cắt (chờ nước yên tĩnh trở lại) người quan sát cá sẽ tiến hành quan trắc, người quan sát bơi thật chậm và bắt đầu đếm số lượng các chỉ tiêu cần quan tâm (được liệt kê trong phương pháp) dọc theo mặt cắt trong phạm vi tầm nhìn 2,5m về phía mỗi bên của dây mặt cắt, 5m phía trước và 5m phía trên từ điểm đầu (tức là điểm 0m) cho đến điểm 5m. Dừng lại ở điểm 5m trong vòng 3 phút để chờ cho các loài cá di chuyển ra khỏi hang rồi mới bắt đầu đếm tiếp trong khoảng 5 – 10m. Dừng lại 3 phút rồi đếm khoảng 10 – 15m và tiếp theo đếm ở khoảng 15 – 20m. Quá trình cứ tiếp tục tương tự như vậy đối với các đoạn còn lại (25 – 45m, 50 – 70m và 75 – 95m) không cần đến trong các khoảng 20 – 25m, 45 – 50m, 70 – 75m và 95 – 100m;

c) Các chỉ tiêu ghi nhận đối với cá rạn san hô bao gồm: cá Mú – Groupers, cá Hồng – Snappers, cá Kẽm – Seetlips, cá Hè – Emperors, cá Bướm – Butterflyfishes, cá Mú gù – Barramundi cod, cá Mó gù – Bumphead parrotfish, cá Bàng chài gù – Humpheadfish, các loài cá Chình – Morray eels.

3.7.2. Phương pháp thu mẫu cá vùng nước ven bờ

a) Lựa chọn địa điểm khảo sát: lựa chọn địa điểm thu mẫu mang tính đại diện cho khu vực và đảm bảo tính đối chứng;

b) Kỹ thuật thu mẫu: sử dụng nhiều loại lưới cùng một lúc để thu mẫu. Lựa chọn loại lưới thu mẫu phụ thuộc vào đối tượng cần thu và habitat phù hợp cho việc vận hành loại lưới đó. Dọc khu vực bao vùng chuyển tiếp giữa các habitat ví dụ rừng ngập mặn/cỏ biển/san hô nên sử dụng thêm lưới bén chắn ngang để thu mẫu của các nhóm cá di chuyển giữa các habitat. Ghi chép đầy đủ các chi tiết về mẫu vật thu được (vị trí thu mẫu (tọa độ GPS), loại lưới thu mẫu, số lần kéo lưới, thời gian kéo);

c) Mẫu vật được gói trong túi nhựa PVC và bảo quản trong dung dịch formalin 10%. Số mẫu thu được cần được phân loại để những cá thể có kích thước lớn sẽ được bảo quản trong dung dịch formalin 20%. Định loại sơ bộ trước khi mang về phòng thí nghiệm.

3.7.3. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát cá biển: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 5 trở lên.

3.8. Thực vật ngập mặn

3.8.1. Công tác thu mẫu:

a) Lựa chọn khu vực đặt mặt cắt. Ít nhất 2 mặt cắt được thiết lập tại vùng nghiên cứu. Mặt cắt phải phản ánh được các đặc điểm về cấu trúc của quần xã trong vùng. Tại mỗi trạm nghiên cứu thiết lập ít nhất 3 mặt cắt chạy vuông góc với đường bờ và cắt ngang qua thảm thực vật ngập mặn;

b) Chia mặt cắt thành các vùng: thấp triều, trung triều và cao triều để nghiên cứu cấu trúc của quần xã thực vật ngập mặn;

c) Tùy theo cấu trúc thành phần loài thực vật ngập mặn mà lại chia thành các kiểu rừng điển hình;

d) Đặt 3 khung định lượng cùng kích cỡ một cách ngẫu nhiên dọc theo dây mặt cắt. Thu mẫu định tính: thu lá, hoa, quả để xác định tên khoa học của loài. Thu mẫu định lượng: khung định lượng dùng để xác định mật độ của thực vật ngập mặn không nhỏ hơn kích thước 10m x 10m;

đ) Trong một số trường hợp vì điều kiện thời gian không cho phép nhưng số liệu vẫn phải đảm bảo tính thống kê ta có thể đặt khung định lượng có kích thước nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo ít nhất từ 40 – 100 cá thể/ khung định lượng;

e) Đếm số cây trong khung định lượng, đo chiều dài, đường kính của cây, xác định thành phần loài trong khung và tính tỷ lệ, mật độ loài trong khung định lượng.

3.8.2. Bảo quản và vận chuyển mẫu:

a) Mẫu sau khi thu được nhúng qua cồn, sau đó được ép mẫu bằng khung ép trong báo và đóng vào hòm gỗ hoặc tôn, nhựa ghi rõ nhãn mác để chuyển về phòng thí nghiệm;

b) Phương pháp xử lý tiêu bản: mẫu thu về và được sấy khô (có tẩm lưu huỳnh) ở nhiệt độ từ 400C – 1050C sau 24 giờ.

3.8.3. Phân tích mẫu: định loại đến bậc loài.

3.8.4. Yêu cầu đối với người làm công tác khảo sát thực vật ngập mặn: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 4 trở lên.

4. Xử lý số liệu

4.1. Các chỉ tiêu phân tích

a) Thành phần loài;

b) Sinh lượng (xác định mật độ và khối lượng);

4.2. Chỉnh lý số liệu

a) Lập biểu phân tích;

b) Tính toán số liệu: xác định trữ lượng tự nhiên, các chỉ số đa dạng, tương đồng, cân bằng, phong phú, tính toán độ phủ thực vật ngập mặn, cỏ biển, rong biển, san hô;

c) Vẽ biểu đồ, đồ thị bằng sự hỗ trợ các phần mềm máy tính chuyên dụng;

d) Vẽ bản đồ, sơ đồ phân bố tài nguyên: sử dụng phần mềm phục vụ vẽ bản đồ như Mapinfo, Arcview và các loại máy khác.

4.3. Yêu cầu đối với người thực hiện công tác xử lý số liệu: điều tra viên phải có trình độ là kỹ sư bậc 3 trở lên.

5. Nghiệm thu

a) Kiểm tra khối lượng công việc thực hiện, thẩm định và đánh giá chất lượng các kết quả đạt được của chuyến khảo sát;

b) Đánh giá bộ số liệu thu thập được. So sánh, đối chiếu với quy luật chung của khu vực nghiên cứu;

c) Tổ chức báo cáo kết quả, tổng kết và rút kinh nghiệm cho các đợt khảo sát tiếp theo.

6. Giao nộp sản phẩm

a) Tập số liệu kết quả điều tra khảo sát các yếu tố sinh thái biển;

b) Các loại bản đồ, biểu đồ, sơ đồ phân bố sinh thái biển;

c) Báo cáo tổng kết, nhận xét, đánh giá kết quả điều tra khảo sát sinh thái biển.

Chương 3.

XỬ LÝ SỰ CỐ VÀ CÁC QUY ĐỊNH AN TOÀN LAO ĐỘNG

1. Xử lý sự cố

Trong quá trình điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo, khi gặp các sự cố mất an toàn cho người và phương tiện, máy móc thiết bị cần phải tuân thủ các nội dung sau:

1.1. Đối với phương tiện tham gia điều tra, khảo sát:

a) Trường hợp gặp dông, bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió lớn không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, thiết bị và con người phải tìm nơi trú, tránh an toàn;

b) Trường hợp gặp sự cố như cháy, nổ, thủng và các sự cố khác, phải được ứng cứu, xử lý tại chỗ. Trường hợp không thể khắc phục được phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng qua sóng radio.

1.2. Đối với thiết bị tham gia điều tra, khảo sát

a) Khi gặp sự cố về kỹ thuật phải được khắc phục sửa chữa ngay, nếu không khắc phục được ngay trên biển thì cần thay thế bằng máy dự phòng;

b) Thiết bị hỏng được đưa vào bờ kiểm tra, sửa chữa để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

1.3. Đối với người tham gia điều tra, khảo sát:

a) Khi xảy ra tai nạn lao động nhẹ trên tàu, cần sơ cứu kịp thời;

b) Trường hợp nặng phải chuyển ngay nạn nhân lên bờ và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

2. Các quy định an toàn lao động

2.1. Tàu thuyền tham gia điều tra, khảo sát phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định về an toàn hàng hải hiện hành.

2.2. Sử dụng thiết bị điều tra, khảo sát an toàn và đảm bảo đúng kỹ thuật.

2.3. Đối với người tham gia điều tra, khảo sát:

a) Tất cả cán bộ kỹ thuật và công nhân đều phải tham gia lớp học an toàn lao động;

b) Phải mang mặc bảo hộ lao động đầy đủ đúng quy định;

c) Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, trong quá trình lao động;

d) Không sử dụng các chất kích thích khác.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Trường hợp các quy phạm quan trắc dẫn chiếu trong Quy định này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

THE MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 34/2010/TT-BTNMT

Hanoi, December 14, 2010

 

CIRCULAR

ON THE OCEANOGRAPHICAL, CHEMICAL AND ENVIRONMENTAL SURVEYS IN INSHORE AREAS ON ISLANDS

THE MINISTER OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT

Pursuant to the Government's Decree No. 25/2008/ND-CP on March 04, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Natural Resources and Environment;

Pursuant to the Government's Decree No. 25/2009/ND-CP on March 06, 2009 on the general management of natural resources and the protection of oceanic and island environment

At the proposal of the Director of the General Department of Vietnam’s Sea and Islands, the Director of the Science and Technology Department, the Director of the Legal Affairs Department,

PRESCRIBES:

Article 1. Promulgating together with this Circular the Technical Regulation on the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore areas on islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. The Ministries, Heads of ministerial-level agencies and Governmental agencies, the President of the People’s Committee of the coastal provinces and cities affiliated to the Central, the Director of the General Department of Vietnam’s Sea and Islands, Heads of Ministerial units and relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Circular./.

 

 

FOR THE MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Van Duck

 

REGULATION

ON THE OCEANOGRAPHICAL, CHEMICAL AND ENVIRONMENTAL SURVEYS IN INSHORE AREAS ON ISLANDS
(promulgated together with the Circular No. 34/2010/TT-BTNMT on December 14, 2010 of the Minister of Natural Resources and Environment)

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Circular specifies the order, contents and requirements for the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore and island areas of which the depth is of 0 – 20 meters within the territorial sea of Vietnam, applicable to the following works:

a) Oceanic meteorological surveys;

b) Oceanographical surveys;

c) Oceanic environmental and chemical surveys;

d) Seafloor terrain surveys;

a) Oceanic ecological surveys;

2. Subjects of application

This Circular is applicable to agencies, organizations and individuals engaged in the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore and island areas

The agencies, organizations and individuals engaged in the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore and island areas must comply with this Circular and the International Agreements to which Vietnam is a signatory.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Complying with the order, process and regulations on each kind of works when carrying out surveys;

b) The surveys must reflect the particularity of the natural conditions of the surveyed areas.

c) The surveys must comply with the law provisions on environment protection, the conservation of sea, cultural and historical relics, submarine and floating constructions on the sea without obstructing the maritime economic activities;

d) Complying with the provisions on labor safety during the oceanic surveys;

Any unusual figures detected during the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore and island areas must be inspected and surveyed again.

e) Inspecting, appraising the quality and volume of works after the duties are performed;

g) Complying with the provisions on the management of specialized projects belonging to the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. Interpretation of terms

a) Wide stations are stations that only carry out observation once after the ship takes position, then move to other stations to observe the changes of the oceanic resources and environment spatially;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The observation level, is the vertical distance from the calm sea surface at the observation time.

5. Subjects and rates of measurement

No.

Work

Subject of measurement

Figure collection method

Wide station

Continuous station (1 – 15 days)

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Wind, cloud volume; visibility, air pressure, air temperature, air humidity, and other phenomena (specified in the Norm for surface meteorological observation No. 94 TCN6-2001)

Once at all the survey stations

At 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 and 22 o’clock every day

2

Oceanographical surveys

Sea waves

Once visual observation at all the stations

1 hour for a figure (observed by profiler)

Water level

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10 minutes for a figure

The current

Once at all the survey stations

1 hour for a figure (by direct measurement devices), 15 minutes for a figure (by profiler)

The transparency of seawater

Once at all the survey stations

At 7, 10, 13, 16 o’clock every day

3

Oceanic environmental and chemical surveys

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Once at all the survey stations

At 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 and 22 o’clock every day

Nutritious oil and salt (), heavy metal (Cu, Pb, Cd, Zn, As, Hg, Mn, Fe, Ni), PM10, SO2, NOx, CO, O3, CO2, NaCl 

Once at some survey stations

At 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 and 22 o’clock in one day

5

Seafloor terrain surveys

Measuring the depth and terrain of the seafloor, locating the sampling points and the observation station position.

Once at all the survey stations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6

Surveys of oceanic ecology

Plankton

Once at all the survey stations

At 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 and 22 o’clock every day

Oceanic fish, seafloor animals, seaweed, coral, mangroves

Once at all the survey stations

Once at all the survey stations

6. Primary measurement devices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Device

Subject of measurement

Measuring range

Resolution

Accuracy

1

Current profiler Compact EM

Velocity

0 ÷ ± 500cm/s

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 1cm/s

Direction

0 ÷ 3600

0,010

± 20

2

Acoustic Wave and Current profiler

Wave height

0 ÷ 20m

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0.02m

Wave direction

0 ÷ 3600

0.010

± 20

Tide

0 ÷ 20m

 

0.25%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0 ÷ ± 500cm/s

0.02cm/s

± 1cm/s

Current direction

0 ÷ 3600

0.010

± 20

3

Direct reading current meter AEM213-D

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0 ÷ ± 250cm/s

0.1cm/s

± 2% or 1cm/s

Current direction

0 ÷ 359.90

0,10

± 20

Depth

0 ÷ 50m

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 0.3% of the measuring range

4

Tide recorder TD304

Pressure

0 ÷ 50m

± 0.01% of the measuring range (0 – 350C)

± 0.001% of the measuring range

Temperature

-2 ÷ 400C

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0.0010C

5

Water Quality Meter W22-XD

pH

0 ÷ 14

0.01 pH

± 0.1 pH

DO

0 ÷ 20mg/l

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 0.2mg/l

Conductivity

0 ÷ 10S/m

0.1% of the measuring range

± 3%

Salinity

0 ÷ 4%

0,01%

± 0,3%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0 ÷ 550C

0.010C

± 1.00C

Turbidity

0 ÷ 800NTU

0.1NTU

± 5%

Total dissolved solids (TDS)

0 ÷ 100g/l

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 5g/l

6

Water Quality Meter WQC-24

pH

0 ÷ 14

 

± 0.05 pH

DO

0 ÷ 20mg/l

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 0.1mg/l

Conductivity

0 ÷ 10S/m

 

± 1% of the measuring range

Salinity

0 ÷ 4%

 

± 0.1%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0 ÷ 100g/l

 

± 2g/l

Temperature

-5 ÷ 500C

 

± 0.250C

Turbidity

0 ÷ 800NTU

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 3% of the measuring range

7

Spectrophotometer DR/2010

Wavelength

400 – 900nm

0.5nm

± 1nm

8

Differential Global Positioning System (DGPS)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

± 3m (horizontally)

9

Single beam echo sounder

Depth

 

 

5cm ± 0.1% D (D: depth)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Wave rectifier

Rectification

 

 

Measuring waves: 5cm; horizontal, vertical tilt: ± 0.25 degrees

11

Compass

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

± 0.50

12

Sound velocity meter in water

 

 

 

± 0.25m/s

Chapter 2.

PROVISIONS ON THE SURVEYS IN INSHORE AND ISLANDS AREAS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Specific principles

a) Complying with the general principles;

b) The surveys of oceanic meteorology must comply with the Norm for Meteorological and oceanographical observation from ships (No. TCN 19-2001) and the Norm for Surface meteorological observation (94-TCN 6-2001) promulgated by the General Department of Meteorology and Hydrology; the Norm for Inshore oceanographical observation (No. 94 TCN 8-2006) promulgated by the Ministry of Natural Resources and Environment, and the instruction documents of the meteorological measurement devices equipped.

2. Preparations

a) Completely preparing and testing the operation of the meteorological measurement devices Preparing spare devices;

b) Check the expiry date of the inspection documents. If the assessment documents are expired, the meteorological measurement devices must be reinspected;

c) Prepare documents serving the observation and calculation;

d) Prepare the supplies and stationery serving the surveys of oceanic meteorology

dd) Prepare labor protection equipment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The survey works

3.1. Gauging air humidity and temperature

a) Bring the humidity gauge to the position before the gauging time 15 minutes in winters, or 10 minutes in summers;

b) Wind up the ventilator and moisten the cloth covering the mercury bulb of the thermometer on the right (wet-bulb thermometer) before the observation 4 minutes;

c) Hang the humidity gauge on the outer side of the upwind side of the ship;

d) After the ventilator runs for 3 minutes, read the value on the dry thermometer (on the left) and then on the wet-bulb thermometer (on the right) Read the decimal first, and then the integer and write the results in the oceanic meteorology observation sheet

dd) Cleaning and storing the humidity gauge after the work is done;

e) Requirements for persons in charge of air pressure and temperature gauge: major observers level 3 or above.

3.2. Gauging air pressure

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Do not move or shift the barometer;

c) Open the barometer cover and read the value while gauging;

d) Gently tap the glass cover of the barometer and read the air pressure value;

dd) Write the results in the oceanic meteorology observation sheet;

e) Close the barometer cover and read the value after the work is done;

g) Requirements for persons in charge of air pressure and temperature gauge: major observers level 3 or above.

3.3. Gauging wind

a) When the time comes, bring the wind meter, stopwatch and compass to the gauging position;

b) Put the wind meter on the cabin roof at an open place, record the height above the sea level of the wind meter, read and record the initial value on the meter;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Write the second result in the oceanic meteorology observation sheet;

dd) Measuring the wind direction by a compass;

e) Cleaning and storing the compass, stopwatch and wind meter after the work is done;

g) Requirements for persons in charge of wind gauging: major observers level 3 or above.

3.4. Cloud observation

a) The observer shall visually estimate the general volume of clouds that cover the sky, regardless of the kinds or properties of clouds;

b) The observer shall visually estimate the general volume of lower clouds that cover the sky, including vertical clouds;

c) Identify the kinds of clouds according to the Cloud Atlas of the World Meteorology Organization (WMO) or the cloud classification table;

d) Determining the height of middle and lower clouds under 2,500m height

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Requirements for persons in charge of wind gauging: major observers level 5 or above.

3.5. Visibility observation

a) The targets of visibility determination must be clearly visible from the observer’s position at an angle less than 5 – 60 with the horizon;

b) Determine the visibility according to the visibility ranking table;

c) Determine both the visibility towards the land and towards the open sea. Write the results in the oceanic meteorology observation sheet;

d) Requirements for persons in charge of wind gauging: major observers level 5 or above.

3.6. Weather phenomena observation

a) Observe the hydrological phenomena: rain, sprinkle, hail, fog, and other phenomena;

b) Observe the phenomena: mist, smoke, and other phenomena;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Write the results in the oceanic meteorology observation sheet;

dd) Requirements for persons in charge of wind gauging: major observers level 5 or above.

4. Data processing

a) Calibrate the results of air humidity and temperature according to the inspection document, use the humidity table to calculate the relative and absolute humidity, the saturation difference, dew point.

b) Adjust the results of air pressure measurement: calibrate the scale, the temperature, and other additional calibration. Convert the air pressure into the sea level;

c) Calibrate the wind measurement results: convert the number of rounds into wind speed according to the inspection documents;

d) Calculate the particularity of each meteorological elements;

d) Find the trend, the chronological and spatial variation of the meteorology elements;

e) Requirements for persons in charge of data processing: major observers level 4 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Inspect the volume of work done, appraise and assess the results of the surveys;

b) Assess the data collected, and compare them to the general rule of the weather events in the surveyed areas, and their impacts on other elements) Make reports on the results, sum up and learn experience for later surveys

6. Products submitted

a) The data book about the survey results of oceanic meteorological elements;

b) The particularity, the maximum, minimum and average value of the elements;

c) The trend, the chronological and spatial variation of the elements;

d) The summary report on the weather developments, the summary, comments and assessment about the surveys of oceanic meteorology.

SECTION 2. OCEANOGRAPHICAL SURVEYS

1. Specific principles

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The oceanographical surveys must comply with the Norm for Meteorological and oceanographical observation from ships (No. TCN 19-2001) promulgated by the General Department of Meteorology and Hydrology; the Norm for Inshore oceanographical observation (No. 94 TCN 8-2006) promulgated by the National Meteorology and Hydrography Service, and the instruction documents of the oceanographical measurement devices.

2. Preparations

a) Install the drivers of the current meter, wave meter and water level meter on the computer;

b) Check the connection and data transmission between the current meter, wave meter and water level meter, and the computer;

c) Completely prepare and test the operation of the oceanographical measurement devices;

d) Prepare spare devices;

dd) Prepare documents serving the surveys;

e) Prepare the supplies and stationery serving the oceanographical surveys;

g) Prepare labor protection equipment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The survey works

3.1. Visual observation

a) Find the wave direction using the compass;

b) Estimate the heights of waves by eyes;

c) Observe the heights of waves continuously in 5 minutes;

d) Record the heights of waves observed in 5 minutes to the paper, and write the heights of the 5 tallest waves in the oceanographical observation sheet;

dd) Underline the tallest wave and find the corresponding wave level;

e) Requirements for persons in charge of visual wave observation: major observers level 4 or above.

3.2. Gauge the waves using the Acoustic Wave and Current profiler (AWAC) or the equivalent.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Set up the measurement parameters, format the memory;

c) Put a thin layer of silicon on every waterproof washer of the wave measurement instrument, fit the waterproofing dummy lead

d) Install the protection frame for the wave measurement instrument. Calculate the length of the rope for lowering the instrument congruently with the depth surveyed. Attach marking buoys, beacons, and weights to the rope that lowers the instrument in the U-shape;

dd) Lower the wave measurement instrument and ensure the instrument is well balanced;

e) Arrange personnel to watch the wave measurement instrument until the measurement is done;

g) Retrieve the wave measurement instrument when the measurement is done. Wash the instrument by clean water and dry it. Save the data into the computer. Remove the battery, wash the rope, beacons, buoys and other tools. Store the wave measurement instrument in the protecting box;

h) Requirements for persons in charge of wave measurement using profilers: major observers level 4 or above.

3.2. Directly measuring the current using AEM213-D or the equivalent.

a) Checking and calibrating time information;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Carry out Zero offset for depth and current sensors;

d) Using a cotton rope to hang the weight (10kg), must not use chains;

d) Lower the current meter to the expected level, the lowering speed is 0.5 m/s. Stop, record the direction and speed of the current into the current observation book. Save the data of the current direction and speed in the instrument memory.

e) Retrieve the instrument, wash and clean the instrument, the rope and the display when the measurement is done. Store the current meter in the protecting box;

g) Requirements for persons in charge of wave measurement using profilers: major observers level 5 or above.

3.$. Measuring the current using Compact-EM or the equivalent.

a) Install the battery for the current meter, connect the current meter to the computer;

b) Set up the measurement parameters, format the memory;

c) Put a thin layer of silicon on every waterproof washer of the wave measurement instrument, put on the cover, tighten the screws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Lower the current meter, ensure that the rope is vertical, the tilt of the rope must not exceed 100;

e) Arrange personnel to watch the current meter until the measurement is done.

g) Retrieve the current meter when the measurement is done. Wash the instrument by clean water, dry it and save the data into the computer. Remove the battery, wash the rope, beacons, buoys and other tools. Store the current meter in the protecting box;

h) Requirements for persons in charge of current measurement using current profilers: major observers level 5 or above.

3.5. Measuring the flow using acoustic Doppler current profilers (ADCP)d)

3.5.1. Install the ADCP's driver on the computer.

3.5.2. Set up the instrument

a) Remove the protective dummy plug of the sensor;

b) Connect the sensor to I/O cable;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Install the power supply unit.

3.5.3. Set up the connection between ADCP and the computer, create the configuration file.

3.5.4. Enter the parameters of the ADCP

a) Calibrate the depth of the sensor;

b) Calibrate the time;

c) Calibrate the differentials of the sensors;

d) Calibrate vertical deviation of the sensor;

dd) Calibrating the compass

e) Calibrating the variation of the magnetic field;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Enter the sound transmission speed in water;

i) Enter the water flow extrapolation;

k) Offset the angle of longitudinal slope and transverse oscillation of the ship;

I) Enter the coefficient of absorption of sound intensity in water

3.5.5. Enter the parameters of the data, the ship, the transect.

a) Enter the folder storing the measurement data;

b) Enter the method of averaging;

c) Enter the thickness of a depth level;

d) Enter the number of depth levels;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Enter the mode of ultrasonic wave transmission of ADCP;

g) Enter the speed of the mean on the transect.

3.5.6. Measuring the water flow

a) Configure the ADCP;

b) Record the measurement data into the computer;

c) Start the ultrasonic wave transmission, read and record the water level at the beginning of the measurement;

d) Slowly take the mean offshore until the depth is appropriate for displaying a value of the flow between the two top depth layers (ΣQ 0), calculate the distance from the ADCP to the beginning shore, enter the calculated distance into the computer;

dd) Move the mean vertically at appropriate speed no exceeding 1.5 m/s;

e) Keep vertically moving until reaching the depth is appropriate for displaying a value of the flow between the two top depth layers, stop and calculate the distance from the ADCP to the ending shore, enter the calculated distance into the computer; Stop the ultrasonic wave transmission, end the measurement. Write the measurement data on the sheet of flow measurement using ADCP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Remove the power supply unit from the sensor;

b) Cover the sensor, remove the instrument from the frame;

c) Remove the plug from the sensor;

d) Fit the dummy plug to the sensor;

dd) Retrieve the I/O cable, rinse the sensor by clean water, dry and put the sensor in the housing.

3.6. Measure the water level using the TD304 recorder or the equivalent.

a) Install the battery for the tide recorder and connect it to the computer;

b) Set up the measurement parameters, format the memory;

c) Put a thin layer of silicon on every waterproof washer of the tide recorder;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Start and lower the tide recorder;

e) Arrange personnel to watch the tide recorder until the measurement is done;

g) Retrieve the water level  recorder when the measurement is done. Wash the instrument by clean water and dry it. Save the data into the computer. Remove the battery, wash the rope, beacons, buoys and other tools. Store the tide recorder in the protection box;

h) Requirements for persons in charge of water level measurement: major observers level 4 or above.

3.7. The transparency of seawater

a) Observe the transparency on the shaded side of the ship. Stay from the sewage discharge area of the ship and the oil scum area of the water surface;

b) Use the winch to lower the secchi disk until it touches the water, mark the position as 0, then continue lowering the disk until it is not visible, the pull it up and down several times at such depth.

c) Measure 3 times, take the average depth and write the results on the oceanographical observation sheet;

d) Requirements for persons in charge of wind gauging: major observers level 3 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Use STORM software to process wave data, export the data into EXCEL files;

a) Use WINCEM software to process flow data, extract the data into CSV files;

c) Use MINISOFT SD2000W software to process water level data, export the data into EXCEL files;

c) Use TRANSECT software to process water flow measurement data, export the data into TEXT files;

d) Make the table of rates, calculate the regulation constant, describe the flow and its particularity;

e) Find the wave characters: direction, cycle, height, prevailing direction and

g) Draw the graph of water level variation;

h) Adjust the transparency data;

i) Find trend and the chronological and spatial variation of the elements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) Requirements for persons in charge of data processing: major observers level 3 or above.

5. Assessment and handover

a) Inspect the volume of work done, appraise and assess the results of the surveys;

b) Assess the data collected. Find the particularity and rules of the oceanographical elements in the sea area surveyed, and their impacts on other elements;

c) Make reports on the results, sum up and learn experience for later surveys

6. Products submitted

a) The data book about the survey results of oceanographical elements;

b) The particularity, the maximum, minimum and average value of the elements;

c) The table of rates, the regulation constant, the flow drawings and its particularity;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The graph of water level variation;

e) The summary report and assessment of the results of oceanographical surveys.

SECTION 3. OCEANIC ENVIRONMENTAL AND CHEMICAL SURVEYS

1. Specific principles

a) Complying with the general principles;

b) The surveys of oceanic environment must comply with the Standard No. TCVN 5993 – 1995, TCVN 5998 – 1995, the  Norm for Meteorological and oceanographical observation on ships (No. TCN 19-2001) and the Norm for Inshore oceanographical observation (No. 94 TCN 8-2006) on the temporary provisions on hydrological and atmospheric environmental observation promulgated by the General Department of Meteorology and Hydrology.

2. Preparations

a) Calibrate, prepare and test the chemical analysis and environmental measurement devices;

b) Prepare and check the equipment for sampling and stirring;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Prepare tools for specimen storing and analyzing.

dd) Prepare preservatives for the specimens;

e) Prepare documents serving the observation and specimen analysis;

g) Prepare labor protection equipment;

h) Prepare the observation sheet, logbook, supplies, chemicals, and stationery;

i) Requirements for persons in charge of preparations: major observers level 3 or above.

3. The survey works

3.1. Sampling the oceanic environment

a) Take specimens on the upwind side of the ship using the bathometer, stay from the area polluted by the sewage of the ship;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Lower the bathometer to the right sampling level;

d) Take specimen for measuring sea turbidity, temperature, salinity, DO and pH at the surface, the middle and the seafloor. The volume of water specimen is 2 liters;

D) Take specimens for measuring nutritious salt (NO2-, NO3-, NH4+, PO43-, SiO32-) at the surface, the middle and the seafloor. The volume of water specimen is 2 liters;

D) Sample the heavy metal (Cu, Pub, Cod, Fe, Zn, Ni, Man, As, Hg) at the surface, the middle and the seafloor. The volume of water specimen is 2 liters;

g) Sample the oil at the surface The volume of water specimen is 2 liters;

h) Requirements for persons in charge of oceanic environment sampling: major observers level 3 or above.

3.2. Sampling the atmospheric environment

a) The sampling position must ensure that the atmosphere is not partially polluted by the ship operation;

b) Find the wind direction, measure the wind speed. Observe and make preliminary judgment about the weather;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Pump the absorption liquid, keep the prepared specimen to the corresponding tubes and fix to the atmosphere sampling position. Set the timer on HS-7 sampler, check the rotameter, set the appropriate flow, start the generator;

dd) Send the specimens to the analysis and storage division after finishing sampling;

e) Record the coordinates of the beginning, ending position, the beginning and ending time of the sampling if the specimens are taken on a journey;

g) Dust sampling time: PM10 in 24 hours, SO2 in 1.5 hours, NOx in 1 hour, l O3 in 1 hour, sampling CO, CO2 in 20 minutes;

h) Requirements for persons in charge of oceanic environment sampling: major observers level 4 or above.

3.3. Preserving specimens

The technique for water specimen storage to be analyzed:

No.

Parameters

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Type of tank

Storage conditions

Maximum period

Notes

1

Oil

 

G

Extracted with carbon tetrachloride (CCl4) cold storage

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

2

Chemical oxygen demand

COD

P or G

Acidize until pH < 2 using H2SO4, kept in cold storage 4 – 50C

5 – 7 days

10 – 15 days in 2 – 50C cold storage

3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

BOD

P or G

Cold 4 – 50C

24 hours

 

4

Copper

Nickel

Zinc

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Manganese

Iron

Cu

Ni

Zn

Cd

Mn

Fe

P or G

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1 month

2,000 ml

5

Mercury

Arsenic

Lead

Hg

As

Pb

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Acidize until pH < 2 using HNO3

1 month

2,000 ml

Notes:

Vml: the volume of specimens to be taken

P: plastic

G: glass

a) Storing oil specimens: mist 2 liters of water samplers with 40 ml of carbon tetrachloride (CCl4). Stir the mixture in 30 – 40 minutes using a magnetic stirring machine. Use the pipette to extract the CCl4 at the bottom and put on a stoppered glass jar. Write the sampling position and time on the specimen jar. Store specimens in a dark room at 40C;

b) Storing COD, BOD specimens: mix 4 ml of concentrated H2SO4 with 2 liters of seawater specimens. Write the sampling position, level and time on the specimen can. Store the specimens at 4 – 50C;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Storing heavy metal specimens (Pb, As, Hg): acidize 2 liters of seawater specimen until pH<2 by 4ml of concentrated HNO3. Write the sampling position, level and time on the specimen can. Store the specimens in normal conditions;

dd) Storing the atmosphere specimens: store the specimens of SO2, NOx, O3, CO, CO2 in a temperature conditioner. Store the glass filter papers of PM10 dust sampler in nylon bags in a dry environment;

e) Requirements for persons in charge of specimen storage: major observers level 3 or above.

3.4. Measuring seawater turbidity, DO, pH, salinity, and temperature WQC24, or W22-XD, or equivalent instruments.

a) Connect the battery to the DO, pH, salinity, temperature, turbidity meter;

b) Test the automatic pH sensor using pH4 solution;

c) Immerse the sensor in the measured water. Measure the seawater temperature and DO first, then the salinity, turbidity, and pH last;

d) Write the results in the oceanic meteorology observation sheet;

dd) Requirements for persons in charge of air pressure and temperature gauge: major observers level 3 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Measuring nitrites (NO2-): using the nitrite measurement program No. 371, at the wavelength 507 nm. Add nitrite measurement substance in a 10ml jar holding the specimen. Wait 20 minutes until the color completely appears, then take into the specimen measurement chamber, and read the nitrite measurement results. Write the results in the environmental chemical observation sheet;

b) Measuring nitrates (NO3): using the nitrite measurement program No. 351, at the wavelength 507 nm. Add nitrate measurement substance in a 25ml jar holding the specimen. Wait 15 minutes until the color completely appears, then take into the specimen measurement chamber, and read the nitrate measurement results. Write the results in the environmental chemical observation sheet;

a) Measuring ammonium (NH4): using the ammonium measurement program No. 385, at the wavelength 655 nm. Add nitrate measurement substance in a 10ml jar holding the specimen. Wait 18 minutes until the color completely appears, then take into the specimen measurement chamber, and read the ammonium measurement results. Write the results in the environmental chemical observation sheet;

a) Measuring phosphate (PO43-): using the ammonium measurement program No. 490, at the wavelength 890 nm. Add phosphate measurement substance in a 10ml jar holding the specimen. Wait 2 minutes until the color completely appears, then take into the specimen measurement chamber, and read the phosphate measurement results. Write the results in the environmental chemical observation sheet;

a) Measuring silicate (SiO32-): using the ammonium measurement program No. 651, at the wavelength 815 nm. Add silicate measurement substance in a 10ml jar holding the specimen. Wait 5 minutes until the color completely appears, then take into the specimen measurement chamber, and read the silicate measurement results. Write the results in the environmental chemical observation sheet;

e) Requirements for persons in charge of nutritious salt measurement: major observers level 5 or above.

4. Data processing

a) The specimens of oil, COD, BOD and heavy metal must be analyzed in the laboratory right at the end of the survey;

d) The data must be processed right at the end of the survey;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Calculate the particularity of each elements;

dd) Draw the graph of the variation of seawater temperature, salinity and other elements;

e) Requirements for persons in charge of data processing: major observers level 3 or above.

5. Assessment and handover

a) Inspect the volume of work done, appraise and assess the results of the surveys;

b) Assess the data collected. Find the particularity and rules of the environmental elements in the sea area surveyed, and their impacts on other elements;

c) Make reports on the results, sum up and learn experience for later surveys

6. Products submitted

a) The data book about the survey results of chemical elements of the oceanic environment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The summary report and assessment of the results of environmental and chemical surveys.

SECTION 4. SEAFLOOR TERRAIN SURVEYS

1. Specific principles

a) Complying with the general principles;

b) The measurement and navigation must be carried out on the VN-2000 coordinate system. The WGS-84 coordinates collected from GPS shall be converted using the parameters prescribed by law provisions on parameter system of conversion from the World Geodetic System WGS-85 to the National coordinate system VN-2000;

c) The depth meter must be accurately calibrated according to the draught of the probe, the rectified tolerance, and the sound speed  The impacts of waves such longitudinal and transverse oscillation must be rectified;

d) The software of terrain surveying and navigating must be modern and able to collect and integrate the data from the devices of positioning, depth measurement, wave impact measurement, point location; sending signals and data to peripheral devices. The data from all sources must be store in the database created by the software in order to used for later processing;

dd) Apart from processing the data from various ship surveys, making reports, the products are also used for making and updating the sea bed terrain at scale 1:10,000 or 1: 25,000, and providing original data for the database of the oceanic geographical information system.

2. Preparations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2. Preparing spare devices;

2.3. Receiving and checking the operation of the measurement devices used for examination.

2.4. Set up the parameters for the software.

2.4.1. Select VN-2000 coordinate system, enter the parameters of conversion from WGS-84 to VN-2000.

2.4.2. Enter the connection ports of the devices to the computer, check the connection and data transmission between the devices and the computer.

2.4.3. Enter the measurement route and the targets to take ship to.

a) The depth measurement routes within the ship survey range, parallel with the terrain slope. The distance between the routes must not exceed 100 m for 1:10000 maps, and 250 m for 1:25000 maps;

b) The measurement lines around islands and shores are not necessary. The ship shall run inshore at a safe distance during the cartography;

c) The inspection measurement routes must cut the depth measurement routes at an angle of 60 – 90 degrees, the total length of the inspection line must not be less than 10% the total length of the depth measurement lines.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.5. Prepare the supplies and stationery serving the seafloor cartography

2.6. System installation

2.6.1. The cartography and navigation system used for survey ships in shallow areas includes the devices connected based on the following diagram:

2.6.2. Each device must be firmly installed and comply with the instruction of each device at the most appropriate place on the survey ship.

2.6.3. The antenna of the navigator must be put in open places, able to avoid electromagnetic wave interference and impacts from multiple connections.

2.6.4. The Gyro compass must be firmly placed on a flat surface so that it can show the actual direction of the ship. The two antennae of the satellite compass must be installed similarly to that of the navigator on the same horizontal flat surface.

2.6.5. The transducer of the wave rectifier must be put horizontally near the ship center, towards correct direction in order to minimize the system variances caused by the installation.

2.6.6. The probe of the depth meter must be firmly installed at the best interference-proof place on the survey ship.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The offset of the devices on the survey ship, the ship center, the points showing the size, the shape and the direction of the ship; the place of navigation antennae, compass antennae (satellite compass), the place of the wave rectifier transducer, the place of the depth meter probe, the points of sampling and observation devices, the draft marks;

b) Make the table for the draft variation of the ship by speed and by weight variation;

c) The tilt (vertical tilt, horizontal tilt) of the surface of the rectifier transducer compared to the ship axis;

c) The tilt (vertical tilt, horizontal tilt) of the surface of the depth meter probe compared to the ship axis;

dd) The directional deviation due to the installation of the compass, the probe, and the transducer compared to the ship axis.

2.6.8. The places of the devices must be demonstrated on the coordinate system of which the origin is the ship center, the Y axis is the ship bow direction, the X axis is perpendicular to the Y axis and pointing in the starboard direction. The position tolerance of the offset points compared to the coordinate origin must not exceed ± 1cm. The angle tolerance of the installed devices must not exceed ± 1 degree.

2.7. Testing and calibrating the system

2.7.1. The measurement and navigation devices must be tested under the Regulation on The technique of making seafloor topographical map at scale 1:50,000 promulgated together with the Decision No. 03/2007/QD-BTNMT on February 12, 2008 of the Minister of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Testing the depth meter:

Measure the standard sound speed in water in the surveyed area. Enter the minimum measuring speed of the depth meter. Lower the surveying disk to such minimum depth (± 0.5cm). Use the depth meter to measure the depth of the disk. The difference between the depth measured by the depth meter and the actual depth of the disk is the tolerance of the depth meter. Such tolerance is included in the tolerance of the depth meter (if the depth meter does not have such content, this tolerance shall be added to the submersion level of the probe);

After rectifying the tolerance, lower the depth measurement disk meter by meter, enter the corresponding sound speed of each depth. Measure the depth of the disk by the depth meter, determine the difference between the depth measured and the actual depth. If the difference lies within the tolerance of the instrument, the instrument is considered functional. If the difference exceed the tolerance, the instrument must be replaced;

b)The compass must be tested under the Annex 2 of Regulation on The technique of making seafloor topographical map at scale 1:50,000 promulgated together with the Decision No. 03/2007/QD-BTNMT on February 12, 2008 of the Minister of Natural Resources and Environment.

2.8. Requirements for persons in charge of preparations: major observers level 3 and above, or engineers level 3 and above.

3. The survey works

3.1. Survey navigation

a) Take the ship to the position where the observation station or the sampling device is lowered. The point of  These points must be consistent with the designed targets;

b) When the position to lower the instrument lies within the tolerance circle, the ship must be kept stable within such circle to lower the instrument;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) During the entire trip of oceanographical, environmental, chemical surveys, the navigation data shall be recorded chronologically (once every 5 seconds);

dd) Requirements for persons in charge of survey navigation: technicians level 6 or above.

3.2. Tide observation

a) The survey must include tide observation. In case the survey area is outside the area able to use the tide data observed from fixed oceanography stations. The tide data must be connected to the height system of the State;

b)The tide observation from temporary observation stations must comply with the Regulation on The technique of making seafloor topographical map at scale 1:50,000 promulgated together with the Decision No. 03/2007/QD-BTNMT on February 12, 2008 of the Minister of Natural Resources and Environment.

c) Requirements for persons in charge of tide observation: technicians level 6 or above.

3.3. Seafloor depth measurement

a) The measuring ship is navigated by the probe of the depth meter. The ship must not deviate from the line 1mm according to the map scale. The maximum speed of the ship is 8 kph;

b) The ship must reduce speed when it turns to get in the next path and ensure that the wave rectifier is no longer affected by horizontal acceleration;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The measurement points must be marked from the beginning of the measurement line. Two adjacent points must not exceed 20m for maps with 1:10000 scale, 50m for maps with 1:25000 scale;

dd) All events during the topographical cartography, the measurement line name, the beginning and ending time, the direction, the data files must be carefully written in the topography book;

e) In case one of the measurement devices breaks down that the data between 2 marking points is lost, that segment must be remeasured;

g) The submersion level of the probe is measured at the beginning and the end of the measurement trip. Notice the measuring time to rectify the submersion level of the probe when processing data;

h) Requirements for persons in charge of seafloor depth measurement: technicians level 6 and above, or engineers level 4 and above.

4. Data processing

a) Edit the tide data, rectify the time of data recording in case there is difference between the time of the tide observation station and the measurement system on the ship. Create the data files compatible with the data processing software;

b) Making the data processing projects separately for each survey project. Import the measurement and tide data to the software;

c) The data of each measurement path is processed and edit separately;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Remove the deviation pints of the depth, the wave measurements based on the data transect. Adjust the latency between the depth measurement and wave measurement. Interpolate the points of data loss without measuring again;

e) Assess the measurement accuracy based on the depth measurement and inspection measurement data under the Regulation on The technique of making seafloor topographical map at scale 1:50,000 promulgated together with the Decision No. 03/2007/QD-BTNMT on February 12, 2008 of the Minister of Natural Resources and Environment.

g) Convert the data in form of X, Y, H of the marked points into formats compatible with the map and database editor software;

h) Make the survey report drawings include the topographical measurement paths and points, the station position, the specimens of oceanographical, chemical and environmental surveys;

i) Requirements for persons in charge of data processing: technicians level 10 and above, or engineers level 5 and above.

5. Assessment and handover

a) Inspect the volume of work done, appraise and assess the results of the surveys;

b) Assess the data collected;

c) Make reports on the results, sum up and learn experience for later surveys

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The survey report drawings include the topographical measurement paths and points, the station position, the specimens of oceanographical, chemical and environmental surveys, demonstrated on 1:10000 and 1:25000 maps as specified in the project of oceanographical, chemical and environment survey inshore and island areas;

b) The summary report and preliminary assessment of the results produced in the survey.

SECTION 5. SURVEYS OF OCEANIC ECOLOGY

1. Specific principles

a) Complying with the general principles;

b) The surveys of oceanic ecology must comply with the Law on Biological diversity in 2008;

c) The analysis results are passed when there are 5% of the specimens are sent to be tested. The analysis results and the specimens must be consistent;

d) After the specimens are tested, they must be put in glass jars of alcohol 70% and glycerin 5% for long-term storage.

2. Preparations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The survey transport: ships, speedboats, motor boats, cars, diving instruments;

c) Equipment for collecting and storing specimens on the spot;

c) Tools for reserves investigation;

d) Tool for storing specimens;

dd) Chemical tools for preserving fresh specimens;

e) The documents for quick classification on the spot;

g) Cameras, computers;

h) The logbook for each group of organisms

i) Clothes, footwear’s, gloves (for labor protection).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.3. Locate the coordinate of the station on the map.

2.4. The position and path of the sampling station must satisfy the criteria

a) Representative;

b) Covering the biotope;

c) Covering the space;

d) Make the sampling diagram enclosed with the coordinates.

2.5. Determine the sampling time: representing the seasons. It is best to specimen every 3 months.

2.6. Determine the groups of organisms to be sampled.

dd) Requirements for persons in charge of preparations: engineers level 6 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.1. Phytoplankton

3.1. Sampling

a) Sampling using nets: all kinds of nets are raised vertically from the bottom to the surface. If the raising angle exceed 450, the specimens collected are only for qualitative research not for quantitative research;

b) The net must be raised at a constant speed. The raising speed is 0.5 - 1 m/s for large nets, 0.5 m/s for medium nets, 0.3 – 0.5 m/s for small nets. The net must not be stopped while raising;

c) Add formaldehyde to the specimen jar depending on the water volume until the concentration reaches 5%. The stratified specimens must comply with the hydrographical stratification : 0 – 10m, 10 – 20m. Do not take stratified specimens if the deviation of cable angle exceed 300;

d) Take specimens using a water pump: the minimum volume is 1 liter. Take specimens again if there are contaminants, oil scum, or cephalopods in the specimens. Add sufficient preservatives to the specimen jar to avoid decomposition. Connect a 0.5kg weight to end of the frame with a cod end.

3.1.2. Handling specimens

a) Put the specimens in a jar with appropriate size;

b) The specimen jars must be labeled inside and outside. The labels must be written by non-smudgeable ink on tracing paper. Write the symbol of the surveyed sea area, the kind of net, the collected year and ordinal number of each specimen in each survey;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Put the specimen jars from the water levels of each station in a big labeled jar with the station number.

3.1.3. Preservation and transportation

a) The preservatives: Lugol’s solution

b) The specimen jars fully labeled, pencils, glass ink pens (waterproof ink), survey logbook. Plastic jars are usually used for storing specimens in the surveys for easy transportation; The quantitative specimens are store in 1-liter – 5-liter jars depending on the survey areas.  

c) The specimen jars are put in metal boxes after sampling, and transported to the laboratory for analysis.

3.1.4. Handling specimens

a) All the specimens collected must be recorded in the specimen register;

b) The register must be double-checked.

3.1.5. Specimen analysis

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Quantitative analysis: take the quantitative specimens to the laboratory, let them deposit in darkness in at least 24 – 48 hours. Use a small siphon to gradually draw the water in the specimen jar until the scum appears. Put the specimen in a 100ml graduated cylinder and let it deposit in at least 24 hours. Use a siphon to draw water from the graduated cylinder until the scum appears and let it deposit again. Keep doing that until there is 10 - 20 ml of specimen left in the graduated cylinder. Put the specimen in a small jar (10 – 20 ml) for storage. Shake the specimen jar when analyzing, use a pipette to take 1ml of specimen to the Sedgewick – Rafter counter cell. Count the cell quantity of each species under the LEICA inverted microscope;

c) Use a counting machine for species with high frequency of appearance. Count part, a half, or the entire cell depending on the cell density in the specimen.

d) After counting, put the specimen back to the storage jar. The counting cell and the pipette must be rinse by clean water before counting other specimens;

dd) The analysis results shall be updated on the phytoplankton weight and quantity calculation and sheet.

3.1.6. Requirements for persons in charge of phytoplankton survey: engineers level 3 or above.

3.2. Zooplankton

3.2.1. Sampling

a) Sampling using nets: all kinds of nets are raised vertically. If the raising angle exceed 450, the samples collected are only for qualitative analysis not for quantitative analysis;

b) The net must be raised at steady speed. The raising speed is 0.5 - 1 m/s for large nets, 0.5 m/s for medium nets, 0.3 – 0.5 m/s for small nets. The net must not be stopped while raising;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The stratified specimens must comply with the hydrographical stratification : 0 – 10m, 10 – 20m. Stop and drop the stratification hammer when the net mouth reach the upper limit of the water level so that it will close. Do not take stratified specimens if the deviation of cable angle exceed 300. Write the stratification sampling results in the sheet;

dd) Take quantitative specimen by the 5-liter bathometer, raise 20 times and filter the water through the net for collecting the plankton specimens. Do not keep more than 200 ml of water with the specimen stored in a plastic jar and fixed by formalin 5%.

3.2.2. Handling specimens

a) Use a pipette covered by sieve cloth No. 38 to reduce the volume of water from the specimen jar, the put the specimen in a small jar with appropriate size;

b) The sample jars must be labeled inside and outside. The labels must be written by non-smudgeable ink on tracing paper. Write the symbol of the surveyed sea area, the kind of net, the collected year and ordinal number of each sample in each survey on the label.

3.2.3. Preservation and transportation

a) Store the specimen collected by the net in the formalin  solution 5%;

b) Store the specimen collected by the water pump in the Lugol’s solution 1%;

c) Alcanize the formalin solution with sodium borate or sodium carbonate (Na2CO3) to prevent the corrosion caused by the zooplankton;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) After being stored and labeled, the zooplankton specimens shall be put in wooden or metal boxes to deliver to the laboratory.

3.2.4. Specimen registration

a) All the specimens collected must be recorded in the specimen register;

b) The register must be double-checked.

3.2.5. Specimen analysis

a) Qualitative analysis: identify the species using dissecting scopes and microscopes;

b) Identify the class using the dissecting scope;

c) Select the most typical and fully developed individuals to dissect and identify the species using the microscope;

d) Quantitative analysis methods: count every species if the amount of specimen is small. Only count the large-size species if the amount of specimen is large. Record the counting results in the zooplankton counting sheet and the stratified specimen counting results in the stratification zooplankton counting sheet;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.2.6. Requirements for persons in charge of zooplankton survey: engineers level 3 or above.

3.3. Seafloor animals

3.3.1. Sampling

a) Sampling using biological dredge: observe and record the status of seafloor substances, thickness, organisms. The volume of substances must reach at least half the dredge. Each station must collect specimens in 0.5 m2. The submersion level of the dredge is 4 – 5 cm if the seafloor substances are sands and shells of medium organisms. 6 – 7 cm if the seafloor substances are fine sand,  10cm is the seafloor substances are mud. Take specimens again if one of the above criteria is not satisfy. Rinse the specimens through a filter. Pick them up carefully after rinsing, separate the close and species or groups. Large and small individuals may be separated and stored in different jars;

b) Sampling using trawl nets: cast the net while the ship is moving slowly and its direction is steady. The pulling cable length must be appropriate with the ship speed, the depth, the flow and the wind direction. The speed of the ship while pulling the net is 2 – 2.5 knots. The hauling period is 5 – 10 minutes. The quantitative specimens are considered qualified if the net bag is full of seafloor substances. The standard volume of the net bag is 50 liters. Rinse the specimens through a filter;

c) Sampling from tides: sampling from high tides, medium tides and low tides. When the sampling position is located, place a quantitative block ¼ m2  in the tide area and dig 15 – 20 cm of seafloor substances using shovels or knives;

d) Sampling from seaweed reefs: determine the quantity of transect to be collected depending on the size of the reef. It is best to collect 3 transect from each reef. Put 3 sampling samples on each transect, 1 at the beginning, 1 in the middle, and 1 at the end. Collect 3 specimens at each station using the ponnar-dredge and screened using the 2-cell screen;

dd) Sampling from coral reefs: collect the quantitative specimens from the coral line transect. Put 3 – 5 survey station on each line transect. Collect 3 blocks of specimens at each station, each block is 1 m2. The quantitative specimens collected at the stations must match that collected at qualitative sampling stations. Each of the 3 dead corral slab at each sampling station weighs 5 kg. Use the hammer and knife to take all the specimens in the coral slab and submerge them in alcohol 700 and put on labels.

3.3.2. Handling specimens

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Nourishing and anaesthetizing the specimens before storing so that the specimens may retain their original form as they were alive. Nourish and revive the organisms in clean seawater tanks before anesthesia. Do not put the carnivorous animals, or shelled animal, or fast animals (such as large crustaceans) in the same tanks with other delicate animals. When the animals are recovered and able to live normally, gradually put the anesthetic in (menthol, magnesium sulfate) The anesthetic are inserted in many times with appropriate amount. Soak the animals in preservative liquid when they are completely desensitized;

c) Preservation: after being treated, put the specimens directly in jars containing alcohol 75% or formalin 4-10% to preserve;

d) Qualitative specimens: the plants are retained and submerged in formalin 4%. The medium-sized shelled animals (mollusks or crustaceans), or vertebrates (echinoderms, sponge, coelenterates) are stored in alcohol. The large-sized, fleshy and thick specimens (Nudibranchia, Octpeda) are stored in formalin;

dd) Accurately calculate the organic matter of quantitative specimens. Use formalin 7-10% to retain all organic substances in the organisms’ body. For animals that need micro-surgery for species identification, it is required to use appropriate preservative solution (Bouin, 10% neutral buffer formalin).

3.3.3. Registering and recording specimens

a) The treated specimens must be registered on the field book and on the labels;

b) Registering on the boards: the quantitative board is used for registering quantitative specimens. The qualitative board is used for registering qualitative specimens.

c) Registering on labels and tags: The labels must be made of untearable materials that ensure the writing are not smeared when being soaked in alcohol or formalin for along time. The specimen registration tags must be made of aluminum, plastic, or bamboo. The aluminum and plastic tags must be engrave with numbers. The bamboo tags may be written on using technical black pen. The tags must be uniform and have holes drilled at one side to arrange and store.

3.3.4. Specimen analysis

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Weigh the alcoholed-specimens using the precision scale with 0.01g sensitivity. Use the scale with 0.01mg sensitivity if the specimen is still used for calculating dry weight. The specimen must be put on blotting paper to drain the surface water. If the nest of the animal is too big, then remove it. If the net is small, then keep it in order to avoid damaging the specimen. It is not required to remove the shell the while weighing mollusks, but all the water or alcohol in the shells must be drained. Remove the shells of large species with considerable amount of individuals, but the shell and the organic body must be separately weighed for reference;

c) Weighing dry mass: after weighing the alcoholed-specimens, the species or groups of species of each station must be processed to collect the data about dry mass. Large specimens belonging to the class of echinoderms polychaetes must be dissected to remove the dregs in their intestines. The species with calcareous skeletons must be treated by diluted hydrochloric acid (HCl 0.1N). Use the precision scale with 0.01mg sensitivity to weigh. The specimen must be taken out of the drier and cooled down in desiccators. Each specimen must be quickly weighed.

3.3.5. Requirements for persons in charge of seafloor animal survey: engineers level 4 or above.

3.4. Algae

3.4.1. Sampling

a) Community survey: the specimens collected for classification or storage must satisfy the following requirements: the specimens are collected in various localities, free-floating or parasitic, including ones growing commensally on other kinds of algae. The specimen must be complete with every part, have reproductive cells or genitals. The specimen must be mature. The minimum quantity of each species is 10 specimens. Or collect all the specimens if the quantity of a species is so small. Use a knife to prise, or a hammer to break the attached base to collect the specimens. Other kinds of algae may be collected by hands or by pointed clamps;

b) Surveying the natural production of economic algae: select a survey path. In coastal tides, the paths are places vertically from the high tide to the low tide, until it reaches the place without algae. The paths are places parallel so that there must be 3 – 5 paths in a survey area. There must be diagonal paths between the parallel paths;

c) In salt and brackish swamps, the paths are places in a chessboard pattern. The paths on a side are parallel to each other, and perpendicular to that of the other side. The distance between the paths depends on the size of that swamp in such a way that there must be at least 2 paths on each side and their distance must not exceed 100m;

d) Select the sampling points on the road to calculate the organic matter. The distance between the sampling points on a path depends on its length. There are 5 – 10 sampling points on each path;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) The distance between the sampling points in survey areas with sparse population of algae might be longer but must not exceed 30m; The specimens are collected in a certain area, limited by a quadrat with 0.5 – 1m each side;

g) In places where algae are concentrated or dense, the sampling area in 0.25m2. In places where algae are sparse, the quadrat is 1 m2.

h) For some kinds of algae with large quantity usually washed up on shore (such as Sargassum, Chnoospora), it is required to calculate their organic matter at the points ashore matching the paths from the lower area;

i) Count the quadrat with set size put on the sampling points, and collect all the algae that stick to the frame;

k) Rinse away the contaminants, separate the species, put each specimen is a cloth and wrap it, shake off the water on the algae, and weigh each species or each breed;

l) On the back side of the survey sheet, draw the diagram of the survey area, number the paths of the sampling points. The number of the sampling points must be consistent with the number in the survey sheet to compare during adjustment.

3.4.2. Handling specimens

a) Making dry alga specimens. Select the typical specimens of algae with complete parts and rinse them by freshwater and wipe the contaminants by a fine brush. Select appropriate sizes of paper to store the algae depending on their sizes. Use pencil to write on the top or the bottom of the paper: location, date of collection, number, and gender. Adjust and make it a storage specimen. Use duct tape or alcohol to pin the specimen on the paper if necessary;

b) Making fresh alga specimens: fresh alga specimens do not usually last long and are used as temporary specimens for classification. Soak the green algae (Chlorophyta) in brine with 7% formalin and a little copper sulphate (CuSO4). Soak the brown algae (Phaeophyta) in brine with 7% formalin. Soak the red algae (Rhodophyta) in a solution with 68% brine, 25% 900 alcohol, 7% formalin, and may dye with eosin before soaking. Add a little glycerin when soaking soft, sticky and delicate red algae.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Observe the internal structure of the algae by microscopes;

b) For unicellular or filamentous algae, just put them on the slide, close the cover and observe under the microscope;

c) For algae of which the filaments are converged or sticked together (such as Calothrix, Rivularin, Brachytrichia), put the specimen on the slide and split it by a needle, or crush it until it is splitted.

d) For multicellular algae, it is necessary to cut the part horizontally of vertically into slices in order to observe the internal structure of the parts;

dd) For calcareous algae (such as Corallinaceae), it is recommended to decalcify by soaking the alga specimen in acetic acid and nitric acid (only acetic acid is necessary for small algae) an dye by eosin.

3.4.3. Requirements for persons in charge of alga survey: engineers level 4 or above.

3.5. Seaweed

3.5.1. Sampling

a) Determine the area of the seaweed reef;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Placing the transect: the usual amount of transects at each point is 3 transects. The length of each transects depend on the size. Each transect may be 50 – 100m length. Place the transects parallel to each other, and parallel to or perpendicularly to the shore;

d) The specimen collection starts from 0m station of each transect, the adjacent point is 10m away until the last points of the transectdd) Determine the coverage of the seaweed (%) in the quantitative quadrat (50cm x 50cm);

g) Sampling for biomass calculation: at each station of the transect, collect at least 2 – 4 quantitative quadrats (20cm x 20cm, for large seaweeds), or 2 - 4 tubes (0.0035m2, for small seaweeds) to calculate the density of buds and mass of seaweeds.

3.5.2. Handling specimens

Collecting dried specimens: select seaweed buds with complete roots, leaves and roots, leaves and trunks, as well as flowers and fruits. Rinse and put the specimens in nylon bags and take to the laboratory.

3.5.3. Specimen analysis

a) Drying specimens Gather the seaweed specimens collected in 2 – 4 quantitative quadrats (or tubes) at each sampling station along the transect. Clean the leaves, remove the deposits and parasites on the leaves to avoid errors while weighing. Separate each species of seaweeds and carefully count the leaf and flower buds;

b) Measure other biological parameters of the seaweeds after counting the buds. Use a plastic ruler to measure the length of the petiole, the length and with of the blade. Measure at least 20 leaf buds to attain the accuracy;

c) Separate the underground (trunk and root) and overground (leaf buds and flower buds) parts. Dry at 600C in 24 hours, the put them on an electronic scale with 0.01mg sensitivity.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.6. Coral

3.6.1. Survey of the quantity fluctuation of coral species

a) Collecting specimens: use scuba diving equipment t collect coral specimens from the reef from the top to the bottom (at 30 – 40m depth). Use a hammer to detach the specimen from Hermatypic corals. Remove all flesh from the specimen (it may be soaked in water for 5 – 7 days then flush with water to remove all the flesh, or use chemicals);

b) Use cameras during the survey of the species diversity. Take close-up pictures of every species seen so that the typical characteristics are clearly identified;

c) Specimen analysis: the collected specimens shall be classified based on their morphology and skeleton structure under the classification system of Veron and Pichon (1976, 1978, 1980, 1982, 1986). For graphic classification, the species shall be identified based on their color and morphology and the living coral classification of Veron 2000.

3.6.2. Surveying the coverage fluctuation

a) Employ Manta tow method to quickly assess a coral reef over a large area including the coverage of hard and soft coral, the density of large-sized seafloor invertebrates. This method is only carried out in clear water (minimum visibility is 6m), minimum depth is 3m. One person shall operate the ship and be responsible for the safety of the survey team. On person shall observe and take notes underwater. On person on the ship shall navigate, measure time and make sure the method is properly implemented, and may replace person observing underwater in case the survey is carried out in a large area.

b) Before raising the manta board, one person shall record the weather status (the rain, the sun, the wind, the temperature), the sea surface status, make preliminary description about the survey area, measure the distance from the oil slick;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The operator shall stop the ship after 2 minutes from the initial position so that the person underwater shall record the data, and the person on deck shall record the coordinate of the stopping point.

dd) After 2 minutes of pulling, the observer shall record the percentage of living, dead and soft coral coverage in the sheet;

e) The observer must notice the damage by waves, spiny starfish, and giant clams (estimate their quantity in each time);

g) The data of hard, soft and dead coral coverage must be recorded;

h) Data analysis: the data collected shall be imported to EXCEL and demonstrated in graphs or maps.

3.6.3. Reefcheck method

a) Scope of application: this method may apply to all coral reefs longer than 100m with limited visibility that the Manta tow method cannot be implemented;

b) Select survey positions near the places greatly affected by oil slick, avoid steep or rugged coral reefs. It is recommended to select reefs at least 100m length with tolerable inclination to place the transects. Describe the positions and record the necessary data such as longitude and latitude, distance from the shore, distance from the estuary, distance from the oil slick, level of pollution;

c) Execution: place the 100m line transect parallel to the isobaths at 2 - 6m depth, and another line at 6 – 12m depth. Only one line transect at 2 – 6m depth in narrow and shallow reefs. The 100m line transect is divided into 4 segments, each segment is 19.5m length (which means the survey is carry out within the segments from 0 – 19.5m, 25 – 44.5m, 50 – 69.5m, 75 – 94.5m). The distance between the segments is 5m to ensure the reliability during the data calculation of this method. The substrates under the line transect are recorded at 0.5 intervals along the line. Starting at 0m, then 0.5m, 1.0m, 1.5m… up to 19,5m. When reaching 19.5m point, the first segment out of 4 segments of the 100m line transect is done. Skip the 20 - 24.5 segment. The procedure shall be repeated from 25 – 44.5m, 50 – 69.5m, 75 – 94.5m, skip the 20 – 24.5m, 45 – 49.5m, 70 – 74.5m, 95 – 100m segments. The substratum categories are recorded in the data sheet in symbols under the instruction on the substratum category sheet. The ten substratum categories are: hard coral (HC), soft coral (SC), dead coral (DC), rock (RC), rubble (RB), sand (SD), silt/clay (SI), fleshy seaweed (FS),  sponge (SP), and other (OR).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.7. Sea fish

3.7.1. Sampling from coral reefs

a) Quickly assess the fish resources of the coral reef by direct observation combined with submerged photographing:

- Select the survey position: carry out overall survey about the reef (type and layout of). The position selected must represent the entire reef. All positions must by physically similar with the same inclination and coral coverage. Carry out overall survey using the manta tow for clear water, or using point-diving method for turbid water. Select at least 2 points (repeated) towards the wind direction to calculate the change of position in one habitat. Each position in the habitat (the upwind side) must be similar to other points of wind direction. In case the upwind and downwind position are noticeable, then chose at least 1 or 2 positions in each area. Select the points in the reef towards different monsoons in areas of which the monsoons are opposite to the regular ones The distance between the points in a habitats must be appropriate (100 – 200m);

- General techniques: the species must quantitatively prevail that are not nocturnal. They must be easily identified underwater. They must be closely related to the habitats along the reef;

- Placing transects: place at least 2 line transect (50m) at each point on the reef at 3 – 5m depth and 8 – 10m depth. Use the line transects for surveying the seafloor life forms. It is recommended to survey the fish and life forms of the seafloor on the same reef;

- Survey technique: the survey time is 8h30 – 15h30 to ensure the luminance of the sun on the reef, and avoid the counting the nocturnal groups of fish (hunting at night). Wait 5 – 15 minutes after placing the line transects and count after the fish regain their usual habit. Each transect shall form a 50m x 5m belt. The scuba-diving observer shall swim slowly along the transect and record every species of fish seen within 2.5m (density, approximate body length, species) on the two sides and 5m ahead and above the transect. If the visibility is low, the width of the belt transect may be reduced to 2.5m and 2.5m above. b) Method for surveying and assessing the fluctuation of fish resources on Reef Check

- Select the survey positions: select the coral reef depending on the survey target. Select reefs at least 100m length to place the cross sections. Describe the parameters of the positions such as longitude and latitude, distance from the shore, distance from the estuary, distance from the closest residential areas, level of pollution, the reason of the selection;

- Arranging line transects: the usual number of line transects is 2 and parallel to the isobaths, one of the surface of the reef at 3-6m, and one on the slope of the reef at 6-12m. Make sure that the line transects are not floating on the water surface. Use 2 buoys attached to each end of the line transect to mark the position of the line transect. The 100m transect is divided into 4 segments (0 – 20m, 25 – 45m, 50 – 70m and 75 – 95m). each segment is 20 length to ensure the reliability during the data calculation of this method.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The data about fish in coral reefs include: Groupers. Snappers, Seetlips, Emperors, Butterflyfishes, Barramundi cod, Bumphead parrotfish, Humpheadfish, Morray eels.

3.7.2. Methods for sampling inshore fish

a) Select the sampling positions that are representative and comparative;

b) Sampling technique: use various kinds of net at the same time to take specimens. The kinds of net depend on the sampling objects and the habitat appropriate for such kinds of net. Along the periphery of the habitats such as mangrove forests, seaweeds, or coral reef, it is recommended to use a barricade net to collect the specimens of the group of fish moving between the habitats. Record the details about the specimens collected (the sampling position (GPS coordinate), the kind of sampling net, the times of pulling, the pulling period);

c) The specimens shall be wrapped in PVC bags and stored in 10% formalin. The specimens must be classified so that the large-sized individuals shall be stored in 20% formalin. Carry out preliminary identification before taking to the laboratory.

3.7.3. Requirements for persons in charge of sea fish survey: engineers level 5 or above.

3.8. Mangroves

3.8.1. Sampling:

a) Select the position for placing transects. Deploy at least 2 transects in the survey area. The transects must reflect the structural characteristics of the local biome. Deploy at least 3 transects perpendicular to the shoreline and across the mangrove population;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Classify the kinds of forests depending on the structure of mangrove species;

d) Place 3 quantitative quadrat of the same size randomly along the line transect. Collect quantitative specimens: leaves, flowers, and fruits to identify the scientific names of the species. Collect qualitative specimens: the quantitative quadrat used for determining the density of mangroves must not smaller than 10m x 10m;

dd) The smaller quadrats may be used if the time is not enough, but each quantitative quadrat must contain 40 – 100 individuals in order to ensure the statistical data.

e) Count the number of plants in the quantitative quadrat. Measure the length and diameter of them. Identify the species in the quadrat and calculate the density in the quantitative quadrat.

3.8.2. Preservation and transportation of specimens:

a) The specimens collected shall be soaked in alcohol, then pressed in paper and put into labeled wooden, metal, or plastic boxes and transported to the library;

b) Specimen handling method: the specimens collected are dried (treated with sulphur) at 400C – 1050C after 24 hours.

3.8.3. Specimen analysis: identify the species.

3.8.4. Requirements for persons in charge of mangrove survey: engineers level 4 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.1. Targets of analysis

a) The species;

b) The organic matter (density and mass);

4.2. Data adjustment

a) Make the analysis sheet;

b) Data calculation: determine the natural resources, the diversity, similarity, balance, the coverage of mangroves, seaweeds, algae, and coral;

c) Draw graphs and charts using specialized computer software;

d) Draw resources maps using cartography software such as Mapinfo, Arcview, and other equipment.

4.3. Requirements for persons in charge of data processing: engineers level 3 or above.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Inspect the volume of work done, appraise and assess the results of the investigations and surveys;

b) Assess the data collected. Compare the data with the general rules of the survey area;

c) Make reports on the results, sum up and learn experience for later surveys

6. Products submitted

a) The data book about the investigation and survey results of oceanic ecological elements;

b) The maps, graphs and diagrams of oceanic ecology;

c) The summary report and assessment of the results of oceanic ecology surveys.

Chapter 3.

ACCIDENT HANDLING AND PROVISIONS ON LABOR SAFETY

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

When encountering problems causing dangers to humans and equipmentd during the oceanographical, chemical and environmental surveys in inshore and island areas, it is required to comply with the following contents:

1.1. For survey vehicles:

a) Take shelter when encountering storms, tropical cyclones, or rough sea that may cause dangers to the ship and humans;

b) The problems such as fire, explosion, leaks, and other problems must be rescued and handle on the spot. Immediately notify functional agencies using radio waves If the problem cannot be solved.

1.2. For survey equipment:

a) The technical problems must be immediately solved, or replace using the spare equipment if not.

b) The broken equipment must be taken ashore to repair in order to assure the quality and the work progress.

1.3. For people participating in the survey:

a) People having minor accidents on deck must be given first aid;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Provisions on labor safety

2.1. The ships participating in the surveys must comply with the current provisions on marine safety.

2.2. The survey equipment must be use safely and properly.

2.3. For people participating in the survey:

a) All technical officers and workers must undergo labor safety courses;

b) Wearing labor protection equipment as prescribed;

c) Do not use alcohol and smoke while working;

d) Do not use other stimulants.

Chapter 4.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Director of the General Department of Vietnam’s Sea and Islands is responsible for guiding, supervising and inspecting the implementation of this Circular.

2. If the observation norms in this Regulation is amended or supplemented, the new documents shall applies.

3. During the course of implementation, the agencies, organizations and individuals are recommended to send feedbacks on the difficulties to the Ministry of Natural Resources and Environment for amendment and supplement./.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 34/2010/TT-BTNMT ngày 14/12/2010 về Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.565

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.253.73
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!