BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/2022/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO HIỆN TƯỢNG
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN NGUY HIỂM
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm
2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm
2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm
2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP
ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Khí tượng thủy văn;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai
và cấp độ rủi ro thiên tai;
Theo đề nghị của Tổng cục
trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ
trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường ban hành Thông tư quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện
tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về Quy
trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm,
bao gồm: Áp thấp nhiệt đới, bão; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt
lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; không khí lạnh, rét đậm, rét hại, băng giá,
sương muối; nắng nóng; hạn hán, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; xâm nhập mặn;
dông, lốc, sét, mưa đá; gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng, triều cường,
sương mù.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về
khí tượng thủy văn; tổ chức, cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy
ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Hiện tượng khí tượng thủy
văn nguy hiểm là trạng thái, diễn biến bất thường của thời tiết, các yếu tố
thủy văn, hải văn, có thể gây thiệt hại về người, tài sản ảnh hưởng đến môi trường,
điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội.
2. Phương án dự báo, cảnh
báo là cách thức cụ thể để phân tích, tính toán, dự báo, cảnh báo các yếu tố
hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn tại địa điểm hoặc khu vực.
3. Bổ sung bản tin dự báo
là việc tăng số lượng bản tin dự báo so với quy định để điều chỉnh, hiệu chỉnh
nội dung bản tin trên cơ sở những thông tin mới nhất nhằm đáp ứng kịp thời và đảm
bảo độ tin cậy của dự báo.
4. Đánh giá chất lượng dự
báo là các hoạt động nhằm xác định tính đầy đủ, kịp thời của bản tin dự báo
và độ tin cậy của các yếu tố, hiện tượng dự báo.
5. Không khí lạnh là hiện
tượng thời tiết nguy hiểm do khối không khí lạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống nước
ta, hệ thống gió đang tồn tại ở miền Bắc thay đổi một cách cơ bản trở thành hệ
thống gió có hướng lệch Bắc và khí áp tăng.
6. Rét đậm là dạng thời
tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống
dưới 15 độ C.
7. Băng giá là hiện tượng
khi hơi nước bốc lên, gặp không khí lạnh ở bề mặt ngưng tụ thành các hạt nước
đá li ti.
8. Dông là hiện tượng thời
tiết khi có sự phóng điện của đám mây, biểu hiện bằng tia chớp hoặc tiếng sấm.
Dông thường xuất hiện trong các đám mây đối lưu (Mây Cb) và đi kèm mưa, mưa
rào, mưa đá, gió giật mạnh.
9. Triều cường là hiện
tượng thủy triều trong khu vực dâng cao vượt mốc cảnh báo mực nước thủy triều
trong khu vực. Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển,
cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập
mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp
nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Chương II
QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ
BÁO, CẢNH BÁO HIỆN TƯỢNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN NGUY HIỂM
Mục 1. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO
Điều 4. Nội
dung dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão
1. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới,
bão.
2. Cấp gió mạnh nhất và cấp gió
giật mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão.
3. Bán kính gió mạnh trên cấp
6, cấp 10, vòng tròn xác suất 70% tâm áp thấp nhiệt đới, bão có thể đi vào; hướng
và tốc độ di chuyển.
4. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt
đới, bão: Gió mạnh, sóng lớn, tình trạng biển, mưa lớn, nước dâng, ngập lụt
vùng ven biển và các thiên tai khác.
5. Cấp độ rủi ro thiên tai do
áp thấp nhiệt đới, bão.
Điều 5. Quy
trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão
1. Thu thập, xử lý các loại thông
tin, dữ liệu
a) Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới,
bão trên các bản đồ thời tiết;
b) Dữ liệu về quan trắc tăng cường
khi áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền;
c) Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới,
bão bằng thông tin viễn thám;
d) Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới,
bão qua các sản phẩm mô hình dự báo số trị;
đ) Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới,
bão từ các Trung tâm dự báo bão quốc tế;
e) Số liệu và thông tin về hiện
trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và các
thiệt hại (nếu có) do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Xác định vị trí tâm áp thấp
nhiệt đới, bão dựa trên các dữ liệu và thông tin thu thập tại khoản 1 Điều 5
Thông tư này;
b) Xác định cấp gió mạnh nhất
và gió giật vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão dựa trên các dữ liệu và thông
tin thu thập tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này;
c) Xác định bán kính vùng gió mạnh
cấp 6, cấp 10 dựa trên các dữ liệu và thông tin thu thập tại khoản 1 Điều 5
Thông tư này;
d) Xác định ảnh hưởng của áp thấp
nhiệt đới, bão trên các số liệu thu thập theo tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này;
đ) Xác định diễn biến về hướng
và tốc độ di chuyển, cấp gió mạnh nhất, cấp gió giật vùng gần tâm áp thấp nhiệt
đới, bão trong khoảng 6 đến 12 giờ trước.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp phân tích thống kê;
phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp); phương án dựa
trên phân tích kinh nghiệm của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo thống
kê, dự báo mô hình số trị và tổng hợp kết quả từ các thông tin của các Trung
tâm dự báo bão quốc tế; phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo, cảnh báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự
báo, cảnh báo trong các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo,
cảnh báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo, cảnh báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp
nhiệt đới, bão theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều
11 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy
định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai (sau
đây gọi tắt là Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg);
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt
đới, bão theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp phát hiện áp
thấp nhiệt đới, bão có diễn biến phức tạp cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo
áp thấp nhiệt đới, bão ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo
quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều
13 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định
tại Mục 2.8 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo
bão, áp thấp nhiệt đới (QCVN 68:2020/BTNMT) được ban hành tại Thông tư số 18/2020/TT-BTNMT
ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Điều
18 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT ngày 23/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng
(sau đây gọi tắt là Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT).
Việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo được thực hiện sau khi có đủ
số liệu quan trắc theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 6. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới,
bão với tần suất và thời gian theo quy định tại Điều 13 Quyết định
số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 2. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO MƯA LỚN
Điều 7. Nội
dung dự báo, cảnh báo mưa lớn
1. Khu vực mưa mưa lớn.
2. Thời gian mưa lớn.
3. Lượng mưa và xác suất xảy
ra.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do
mưa lớn.
Điều 8. Quy
trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo mưa lớn
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Số liệu thời tiết, bao gồm
quan trắc bề mặt, thám không vô tuyến;
b) Số liệu vệ tinh khí tượng;
c) Số liệu ra đa thời tiết;
d) Số liệu mô hình số trị;
đ) Số liệu thống kê khí hậu;
e) Số liệu hạ tầng, kinh tế -
xã hội khu vực khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lớn.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Phân tích, đánh giá hiện trạng
các hình thế thời tiết và các đặc trưng liên quan gây mưa lớn: Phân tích đặc điểm
hình thế synop; phân tích đặc điểm hoàn lưu khí quyển quy mô lớn; phân tích số
liệu vệ tinh khí tượng; phân tích số liệu ra đa thời tiết; phân tích đặc trưng
động lực; phân tích đặc trưng nhiệt lực;
b) Xác định diễn biến mưa lớn
đã qua và đánh giá hiện trạng mưa lớn về thời gian mưa, khu vực mưa, cường độ
mưa, lượng mưa và xác suất xảy ra.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo mưa lớn tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp synop, chuyên gia, thống kê; phương án
dựa trên cơ sở phân tích số liệu vệ tinh, ra đa và đo mưa tự động; phương án dựa
trên phương pháp mô hình số trị; phương án dựa trên phương pháp tương tự;
phương án dựa trên cơ sở kết hợp nhiều phương pháp khác nhau;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong
các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
ban đầu từ các phương án khác nhau và đưa ra nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn
theo quy định tại khoản 1 Điều 14, khoản 1, khoản 2 Điều 15 và
khoản 1 Điều 16 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn theo
quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp xảy ra mưa đặc
biệt lớn hoặc rất nguy hiểm cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn ngoài
các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản
3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo mưa lớn theo quy định tại khoản 1
Điều 14, khoản 1, khoản 2 Điều 15 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất lượng
bản tin dự báo, cảnh báo được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời
hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 9. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn với tần
suất và thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Quyết định
số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và
thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn cho phù hợp với điều kiện
thực tế.
Mục 3. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO LŨ, NGẬP LỤT
Điều 10. Nội
dung dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt
1. Mực nước lũ.
2. Cấp báo động lũ.
3. Nguy cơ ngập lụt và các
thiên tai khác đi kèm.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do
lũ, ngập lụt.
Điều 11. Quy
trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Thu thập số liệu quan trắc
mưa, mực nước, lưu lượng của các trạm khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông,
số liệu vận hành của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi và số liệu khí tượng, thủy
văn, hồ chứa quốc tế liên quan tới khu vực dự báo (nếu có);
b) Cập nhật thường xuyên, liên
tục số liệu quan trắc;
c) Bản tin mưa dự báo phục vụ
thủy văn.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Phân tích diễn biến lũ tối
thiểu trong 12 giờ qua;
b) Phân tích xác định nguyên
nhân gây ngập lụt (nếu có);
c) Phân tích khả năng xảy ra
các thiên tai khác đi kèm.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn quốc gia: Phương án dựa trên cơ sở phương pháp quan hệ mưa - dòng chảy;
phương án dựa trên cơ sở phương pháp quan hệ mực nước, lưu lượng trạm trên (lưu
lượng xả của hồ chứa thượng lưu)- trạm dưới trên cùng triền sông hoặc cùng lưu
vực; phương án dựa trên cơ sở các mô hình toán (mô hình hồi quy; mô hình thủy
văn thông số tập trung; mô hình thủy văn thông số phân bố; mô hình điều tiết hồ
chứa, mô hình thủy lực, ngập lụt); phương án dựa trên cơ sở các phương pháp
khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản
tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ,
ngập lụt theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5
Điều 14 và khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 15 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt
theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp lũ diễn biến
nhanh và phức tạp cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt ngoài các bản
tin được ban hành theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Việc
bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản
4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt theo quy định tại khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 14, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 15 và khoản
1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá chất lượng bản tin dự báo,
cảnh báo lũ, ngập lụt theo quy định tại Mục 2.12 của Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo lũ (QCVN 18:2019/BTNMT) được ban hành tại
Thông tư số 22/2019/TT-BTNMT ngày 25/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường và Điều 6, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT
ngày 23/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật
đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo thủy văn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT). Việc đánh giá chất lượng bản
tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc
theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 12. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt với
tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản
4 và khoản 5 Điều 16 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 4. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT CẢNH BÁO LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY
Điều 13. Nội
dung cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
1. Lượng mưa trong thời gian cảnh
báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.
2. Thời gian có nguy cơ xảy ra
lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.
3. Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ
quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do
lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.
Điều 14.
Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc
dòng chảy
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, số liệu
a) Số liệu quan trắc mưa, mực
nước, số liệu vận hành hồ chứa hoặc các công trình phòng, chống thiên tai thuộc
khu vực cảnh báo và vùng lân cận;
b) Số liệu dự báo mưa từ sản phẩm
vệ tinh, ra đa, mô hình số trị;
c) Thông tin cảnh báo lũ quét,
sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của các tổ chức dự báo, cảnh
báo thiên tai trong nước và quốc tế (nếu có).
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Phân tích diễn biến mưa tối
thiểu trong 6 giờ qua;
b) Phân tích diễn biến lũ thượng
nguồn khu vực cảnh báo;
c) Xác định hiện trạng vận hành
của các hồ chứa trong khu vực hoặc thượng nguồn khu vực cảnh báo (nếu có);
d) Nhận định khả năng mưa trong
khoảng thời gian cảnh báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.
3. Thực hiện các phương án cảnh
báo
a) Các phương án được sử dụng
trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại hệ
thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên cơ sở
phương pháp phân tích thống kê; phương án phân tích dữ liệu không gian dựa trên
các nhân tố hình thành lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy;
phương án sử dụng phương pháp mô hình số; phương án dựa trên cơ sở các phương
pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận cảnh báo
Người chịu trách nhiệm ban hành
bản tin, thảo luận nhanh với các dự báo viên trong ca trực trước khi phát tin.
5. Xây dựng bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt
lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo quy định tại khoản
6 Điều 14 và khoản 6 Điều 15 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo khí
tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt
lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo quy định tại Điều 34 Quyết
định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin cảnh báo
Trong trường hợp phát hiện các
hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy có diễn biến
bất thường cần bổ sung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa
lũ hoặc dòng chảy ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo
quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
theo quy định tại khoản 6 Điều 14, khoản 6 Điều 15 và khoản 1
Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo
lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất lượng
bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được
thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn cảnh báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 15. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do
mưa lũ hoặc dòng chảy
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất,
sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy với tần suất và thời gian theo quy định tại
khoản 6 Điều 16 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 5. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH VÀ RÉT ĐẬM, RÉT HẠI, BĂNG GIÁ,
SƯƠNG MUỐI
Điều 16. Nội
dung dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối
1. Nhiệt độ thấp nhất.
2. Gió mạnh, gió giật trên đất
liền.
3. Gió mạnh, gió giật, sóng lớn
trên biển
4. Khả năng xuất hiện rét đậm,
rét hại, băng giá, sương muối (khu vực, thời gian).
5. Cấp độ rủi ro thiên tai do
rét hại, sương muối.
Điều 17.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng
giá, sương muối
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Dữ liệu về các hình thế thời
tiết có không khí lạnh ảnh hưởng trên các bản đồ thời tiết;
b) Dữ liệu quan trắc khí tượng
bề mặt, hải văn khi có không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta;
c) Dữ liệu về dự báo không khí
lạnh thông qua các sản phẩm số trị;
d) Dữ liệu quan trắc vệ tinh,
ra đa, thám không.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Đánh giá, phân tích số liệu
thu thập được để nhận dạng các hình thế thời tiết có không khí lạnh ảnh hưởng,
hình thế thời tiết có tác động làm không khí lạnh mạnh hơn hay yếu đi;
b) Xác định cường độ không khí lạnh
qua yếu tố nhiệt độ thấp nhất, gió mạnh trên biển và khả năng xuất hiện rét đậm,
rét hại, băng giá, sương muối;
c) Xác định phạm vi không khí lạnh,
rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối;
d) Xác định diễn biến không khí
lạnh qua cường độ không khí lạnh và phạm vi xảy ra không khí lạnh, rét đậm, rét
hại, băng giá, sương muối trong khoảng 24 đến 48 giờ trước.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng trong
dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối tại hệ
thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phương
pháp thống kê; phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp);
phương án phân tích kinh nghiệm của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo
thống kê, dự báo mô hình số trị; phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác
(nếu có);
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản
tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo rét
hại, sương muối theo quy định tại khoản 2 Điều 23 và khoản 2 Điều
24 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh
báo không khí lạnh và rét đậm, băng giá gồm:
Tin gió mùa Đông Bắc được ban
hành khi phát hiện gió mùa Đông Bắc có cường độ trung bình trở lên; tin gió mùa
Đông Bắc và rét được ban hành khi phát hiện gió mùa Đông Bắc có cường độ trung
bình trở lên và khả năng gây rét đậm diện rộng; tin không khí lạnh tăng cường
được ban hành khi phát hiện không khí lạnh tăng cường có cường độ trung bình trở
lên; tin không khí lạnh tăng cường và rét được ban hành khi phát hiện không khí
lạnh tăng cường có cường độ trung bình trở lên và khả năng gây rét đậm diện rộng;
diễn biến không khí lạnh trong thời gian đã qua đến hiện tại về cường độ, hướng
và tốc độ di chuyển, biến đổi thời tiết (tốc độ gió, nhiệt độ, mưa); dự báo
không khí lạnh trong 24 đến 48 giờ tới về sự di chuyển, thời điểm ảnh hưởng, mức
độ ảnh hưởng và phạm vi ảnh hưởng, dự báo diễn biến thời tiết về nhiệt độ thấp
nhất, gió mạnh, gió giật tại một khu vực cụ thể trên đất liền và gió mạnh, gió
giật, sóng lớn tại một vùng biển cụ thể (nếu có), khả năng xuất hiện rét đậm,
rét hại, băng giá, sương muối, mưa tuyết, dông, sét, tố, lốc, mưa đá, mưa lớn
đi kèm, khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt
động kinh tế - xã hội; thời gian ban hành bản tin, thời gian ban hành bản tin
tiếp theo; tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành tin;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo không khí lạnh,
rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối theo quy định tại Điều
34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp phát hiện tình
hình không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối có diễn biến bất
thường cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài các bản tin được ban hành
theo quy định tại Điều 18 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin
được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và
khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá,
sương muối theo quy định tại khoản 5 Điều này và khoản 2 Điều
23, khoản 2 Điều 24, khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá
chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng
giá sương muối theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT.
Việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo được thực hiện sau khi có đủ
số liệu quan trắc theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 18. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng
giá, sương muối
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia
a) Ban hành các bản tin dự báo,
cảnh báo rét hại, sương muối với tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Ban hành bản tin dự báo, cảnh
báo không khí lạnh, rét đậm, băng giá đầu tiên khi phát hiện khả năng xuất hiện
không khí lạnh, rét đậm, băng giá trong khu vực cảnh báo, dự báo; các bản tin dự
báo, cảnh báo không khí lạnh, rét đậm, băng giá tiếp theo được ban hành mỗi
ngày 04 bản tin vào lúc: 03 giờ 30, 09 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 6. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO NẮNG NÓNG
Điều 19. Nội
dung dự báo, cảnh báo nắng nóng
1. Nhiệt độ cao nhất.
2. Độ ẩm tương đối thấp nhất.
3. Thời gian nắng nóng trong
ngày.
4. Khu vực ảnh hưởng, thời gian
xuất hiện, thời gian kết thúc.
5. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng
nóng.
Điều 20.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo nắng nóng
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Dữ liệu về các hình thế thời
tiết gây nắng nóng trên các bản đồ thời tiết;
b) Số liệu quan trắc về nhiệt độ,
độ ẩm tương đối;
c) Dữ liệu vệ tinh;
d) Dữ liệu về nắng nóng qua các
sản phẩm mô hình dự báo số trị;
đ) Số liệu và thông tin về hiện
trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của nắng nóng và các thiệt hại (nếu
có) do ảnh hưởng của nắng nóng.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Đánh giá, phân tích số liệu
thu thập được để nhận dạng sự hoạt động của các hình thế thời tiết gây nắng
nóng sau: Áp thấp nóng phía Tây; rãnh áp thấp bị nén; áp cao cận nhiệt đới; gió
Tây Nam tầng thấp kết hợp áp cao cận nhiệt đới trên cao;
b) Xác định cường độ nắng nóng
qua yếu tố nhiệt độ cao nhất và độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày;
c) Xác định phạm vi nắng nóng;
d) Xác định diễn biến nắng nóng
qua cường độ nắng nóng và phạm vi xảy ra nắng nóng trong khoảng 24 đến 48 giờ
trước.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo nắng nóng tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp thống kê dựa trên các thông tin
quan trắc hiện tại, quá khứ và các dự báo cho tương lai; phương án dựa trên
phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp); phương án phân tích kinh nghiệm
của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo thống kê, dự báo mô hình số trị;
phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong
các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng
nóng theo quy định tại khoản 1 Điều 17 và khoản 1, khoản 2 Điều
18 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng
theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp xảy ra nắng
nóng đặc biệt gay gắt và khả năng kéo dài cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo
ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 21 của
Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản
1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo nắng nóng theo quy định tại khoản
1 Điều 17, khoản 1, khoản 2 Điều 18 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất
lượng bản tin dự báo, cảnh báo được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc
theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 21. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng với
tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Quyết định
số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 7. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO HẠN HÁN VÀ SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO HẠN HÁN
Điều 22. Nội
dung dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán
1. Thiếu hụt tổng lượng mưa
trên khu vực dự báo, cảnh báo.
2. Thiếu hụt tổng lượng nước mặt
trên khu vực dự báo, cảnh báo.
3. Khả năng sạt lở, sụt lún đất
do hạn hán.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do hạn
hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán.
Điều 23.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn
hán
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Số liệu quan trắc mưa, bốc
hơi, độ ẩm, mực nước, lưu lượng (nếu có);
b) Số liệu dự báo mưa của các
mô hình toàn cầu, khu vực;
c) Thông tin, dữ liệu vận hành
hồ chứa và các công trình thủy lợi (nếu có) của khu vực dự báo và lân cận;
d) Các đặc trưng thống kê tổng
lượng mưa, tổng lượng nước mặt của khu vực dự báo và lân cận;
đ) Bản tin dự báo mưa phục vụ dự
báo hạn hán.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Diễn biến khí tượng: Phân
tích, đánh giá sự thiếu hụt tổng lượng mưa khu vực dự báo so với giá trị trung
bình nhiều năm cùng thời kỳ hoặc một năm tương tự trong quá khứ;
b) Diễn biến thủy văn: Phân
tích diễn biến mực nước, lưu lượng (nếu có) trên các sông, thuộc lưu vực, khu vực
dự báo; đánh giá sự ảnh hưởng vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến dòng
chảy trên các sông thuộc lưu vực, khu vực dự báo; phân tích, đánh giá sự thiếu
hụt, tăng, giảm tổng lượng nước trên lưu vực, khu vực dự báo trong 10 ngày, 01
tháng, 03 tháng, 06 tháng trước hoặc một thời đoạn được yêu cầu.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán (nếu có) tại
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên
phương pháp thống kê; phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và
tổ hợp); phương án tổng hợp dựa trên phân tích kinh nghiệm của dự báo viên;
phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản
tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo,
cảnh báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo hạn
hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán theo quy định tại khoản
2 Điều 17, khoản 3 Điều 18 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt
lở đất, sụt lún đất do hạn hán theo quy định tại Điều 34 Quyết
định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp phát hiện hạn
hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán có diễn biến phức tạp cần bổ sung bản
tin dự báo, cảnh báo ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 24 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo
quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán
theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 3 Điều 18 và khoản 1
Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh
báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán theo quy định tại Điều 24 Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất lượng
bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán được thực
hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn dự báo của bản tin.
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 24. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo , cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt
lún đất do hạn hán
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt
lở đất, sụt lún đất do hạn hán (nếu có) với tần suất và thời gian theo quy định
tại khoản 2 Điều 19 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 8. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO XÂM NHẬP MẶN
Điều 25. Nội
dung dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
1. Độ mặn cao nhất, thời gian
xuất hiện tại các vị trí.
2. Phạm vi, thời gian chịu ảnh
hưởng của độ mặn 4‰ hoặc 1‰.
3. Khoảng cách chịu ảnh hưởng của
độ mặn 4‰ hoặc 1‰ tính từ cửa sông chính.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do
xâm nhập mặn.
Điều 26.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu.
a) Thu thập số liệu quan trắc
các yếu tố mưa, nhiệt độ lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;
b) Diễn biến mực nước, lưu lượng
các trạm thượng lưu trên lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;
c) Diễn biến của thủy triều
trong lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua. Thu thập số liệu quan
trắc của các trạm hải văn có ảnh hưởng đến khu vực dự báo, cảnh báo;
d) Thu thập thông tin, dữ liệu vận
hành hồ chứa và các công trình thủy lợi thuộc khu vực dự báo và lân cận;
đ) Thu thập số liệu đo mặn tại
các trạm đo mặn trên lưu vực, khu vực dự báo và lân cận;
e) Thông tin, kế hoạch dự kiến
nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực, khu vực dự báo, cũng như nhu cầu sử dụng nước
trong nông nghiệp, thủy sản và các hoạt động kinh tế - xã hội khác (nếu có);
g) Bản tin dự báo mưa phục vụ dự
báo xâm nhập mặn.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Phân tích diễn biến thời tiết:
Sự thay đổi của lượng mưa và diện mưa theo không gian và thời gian; thông tin dự
báo mưa trên lưu vực, khu vực trong thời hạn dự báo, cảnh báo;
b) Phân tích diễn biến thủy
văn: Phân tích diễn biến mực nước, lưu lượng trên lưu vực, khu vực dự báo; phân
tích tác động của các yếu tố vận hành hồ chứa, công trình thủy điện, công trình
thủy lợi trên lưu vực đến dòng chảy trên lưu vực, khu vực dự báo; phân tích xu
thế, diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn lớn nhất trên khu vực dự báo trong thời khoảng
đã qua; phân tích ảnh hưởng chế độ thủy triều tới phạm vi ảnh hưởng xâm nhập mặn;
tổng hợp thông tin cảnh báo các hiện tượng nguy hiểm như triều cường, nước biển
dâng ảnh hưởng đến diễn biến xâm nhập mặn khu vực dự báo.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn quốc gia: Phương án dựa trên cơ sở các phương pháp thống kê; phương án sử dụng
mô hình toán (mô hình hồi quy, mô hình lan truyền chất); phương án dựa trên cơ
sở các phương án khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản
tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo,
cảnh báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm
nhập mặn theo quy định tại khoản 3 Điều 17 và khoản 4, khoản 5
Điều 18 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp phát hiện tình
trạng xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp, cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo
ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 27 Thông
tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn theo quy định tại khoản
3 Điều 17, khoản 4, khoản 5 Điều 18 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất lượng
bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan
trắc theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 27. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
với tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Quyết
định số 18/2021/QĐ-TTg;
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 9. QUY
TRÌNH KỸ THUẬT CẢNH BÁO DÔNG, LỐC, SÉT, MƯA ĐÁ
Điều 28. Nội
dung cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá
1. Khả năng xuất hiện các hiện
tượng dông, lốc, sét, mưa đá.
2. Khu vực ảnh hưởng, thời gian
ảnh hưởng.
3. Cấp độ rủi ro do lốc, sét,
mưa đá.
Điều 29.
Quy trình kỹ thuật cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin và dữ liệu
a) Dữ liệu về các hình thế thời
tiết có khả năng xuất hiện dông, lốc, sét, mưa đá trên các bản đồ thời tiết;
b) Dữ liệu quan trắc khí tượng
bề mặt;
c) Dữ liệu về dự báo, cảnh báo
dông, lốc, sét, mưa đá thông qua các sản phẩm số trị;
d) Dữ liệu quan trắc vệ tinh,
ra đa, thám không, định vị sét.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Đánh giá, phân tích số liệu
thu thập được để nhận dạng các hình thế thời tiết có khả năng xuất hiện dông, lốc,
sét, mưa đá;
b) Phân tích và đánh giá độ phản
hồi vô tuyến từ ra đa thời tiết, nhiệt độ thấp nhất đỉnh mây trên số liệu vệ
tinh khí tượng, tần suất, mật độ sét trên hệ thống định vị sét;
c) Xác định phạm vi xảy ra
dông, lốc, sét, mưa đá;
d) Xác định diễn biến dông, lốc,
sét, mưa đá trong khoảng 24 đến 48 giờ trước.
3. Thực hiện các phương án cảnh
báo
a) Các phương án được sử dụng
trong cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp thống kê; phương án dựa trên
phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp); phương án phân tích kinh nghiệm
của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo thống kê, dự báo mô hình số trị;
phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác.
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận cảnh báo
Người chịu trách nhiệm ban hành
bản tin, thảo luận nhanh với các dự báo viên trong ca trực trước khi phát tin.
5. Xây dựng bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Xây dựng và ban hành bản tin cảnh báo lốc, sét,
mưa đá theo quy định tại khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 Quyết
định số 18/2021/QĐ-TTg; xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh dông gồm:
Tiêu đề tin cảnh báo dông trên khu vực cụ thể, cảnh báo dông và khu vực ảnh hưởng,
thời gian ban hành bản tin, tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản
tin;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa
đá theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin cảnh báo
Trong trường hợp phát hiện tình
trạng dông, lốc, sét, mưa đá có diễn biến bất thường, cần bổ sung bản tin cảnh
báo dông, lốc, sét, mưa đá ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 30 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo
quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá theo quy định tại điểm a khoản 5
Điều này và khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 và khoản 1 Điều 35
Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo dông, lốc,
sét, mưa đá theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT.
Việc đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá được thực hiện
sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn cảnh báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 30. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia
a) Ban hành các bản tin cảnh báo
lốc, sét, mưa đá với tần suất và thời gian theo quy định tại Điều
25 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Ban hành bản tin cảnh báo
dông trước ít nhất 30 phút khi hiện tượng có khả năng xảy ra. Các bản tin cảnh
báo dông liên tục được cập nhật tùy theo diễn biến cụ thể.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mục 10.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO GIÓ MẠNH TRÊN BIỂN, SÓNG LỚN, NƯỚC DÂNG,
TRIỀU CƯỜNG VÀ SƯƠNG MÙ
Điều 31. Nội
dung dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão
1. Độ cao sóng lớn nhất và khu
vực ảnh hưởng.
2. Độ cao nước dâng lớn nhất, độ
cao mực nước tổng cộng lớn nhất và khu vực ảnh hưởng.
3. Cảnh báo khu vực ven biển có
nguy cơ ngập do nước dâng kết hợp với thủy triều.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do
sóng lớn, nước dâng.
Điều 32.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới,
bão
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Dữ liệu quan trắc gió, khí
áp, sóng, mực nước tại trạm khí tượng hải văn trong khu vực dự báo;
b) Dữ liệu quan trắc gió, khí
áp, sóng tại trạm phao, ra đa biển, tàu biển trong khu vực dự báo (nếu có);
c) Dữ liệu dự báo tọa độ và khí
áp tại tâm áp thấp nhiệt đới, bão;
d) Dữ liệu dự báo gió, khí áp,
sóng, nước dâng từ các sản phẩm mô hình dự báo số trị;
đ) Dữ liệu dự báo sóng, nước
dâng được phát tin từ Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (nếu có);
e) Số liệu và thông tin về hiện
trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của sóng lớn, nước dâng và các
thiệt hại (nếu có) do ảnh hưởng của sóng lớn, nước dâng.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Xác định khu vực biển có
sóng lớn (độ cao lớn nhất, hướng), nước dâng (độ cao lớn nhất, thời gian xuất
hiện nước dâng lớn nhất);
b) Xác định diễn biến sóng (độ
cao lớn nhất, hướng), nước dâng (độ cao lớn nhất) trong khoảng 6 đến 12 giờ trước;
c) Xác định diễn biến thủy triều
tại khu vực ven biển, đảo có ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão trong khoảng
24 giờ trước.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão tại hệ thống
dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phân tích hiện
trạng, kinh nghiệm, công thức giải tích, công thức bán kinh nghiệm; phương án dựa
trên kết quả dự báo từ mô hình số trị hải văn sử dụng trường gió, khí áp từ mô
hình số trị dự báo khí tượng (đơn lẻ và tổ hợp); phương án dựa trên kết quả dự
báo từ mô hình số trị hải văn sử dụng trường gió, khí áp tính từ các tham số dự
báo áp thấp nhiệt đới, bão (đơn lẻ và tổ hợp); phương án dựa trên cơ sở các
phương pháp khác.
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong
các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo sóng
lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại khoản
7 Điều 8, khoản 7 Điều 9 và Điều 12 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; bản tin dự
báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão được ban hành độc lập
hoặc lồng ghép trong bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão tại khoản 5 Điều 5 của Thông tư này;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước
dâng do áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Điều 34 Quyết
định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp xảy ra gió mạnh
trên biển, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão có diễn biến đặc biệt
nguy hiểm và có khả năng kéo dài cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài các
bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 33 Thông tư này.
Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản
3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão
theo quy định tại khoản 7 Điều 8, khoản 7 Điều 9, Điều 12 và
khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh giá chất lượng dự báo, cảnh
báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Thông tư số 16/2019/TT-BTNMT ngày 30/9/2019 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự
báo, cảnh báo hải văn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 16/2019/TT- BTNMT. Việc đánh giá chất lượng dự
báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão được thực hiện sau
khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn dự báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 33. Tần
suất và thời gian ban hành tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp
nhiệt đới, bão
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước
dâng do áp thấp nhiệt đới, bão cùng tần suất và thời gian với bản tin dự báo, cảnh
báo áp thấp nhiệt đới, bão được quy định tại khoản 4 Điều 13
Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Điều 34. Nội
dung tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh
trên biển
1. Gió mạnh (cấp lớn nhất, hướng)
và khu vực ảnh hưởng.
2. Sóng lớn (độ cao lớn nhất,
hướng) và khu vực ảnh hưởng.
3. Nước dâng (độ cao lớn nhất,
thời gian xuất hiện), mực nước tổng cộng (độ cao lớn nhất, thời gian xuất hiện)
và khu vực ảnh hưởng.
4. Cảnh báo khu vực ven biển có
nguy cơ ngập do nước dâng kết hợp với thủy triều.
5. Cấp độ rủi ro thiên tai do
gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển.
Điều 35.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do
gió mạnh trên biển
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Số liệu quan trắc gió, khí áp,
sóng, mực nước tại trạm khí tượng hải văn trong khu vực dự báo;
b) Dữ liệu quan trắc gió, khí
áp, sóng tại trạm phao, ra đa biển, tàu biển trong khu vực dự báo (nếu có);
c) Dữ liệu gió, khí áp từ các bản
đồ thời tiết;
d) Dữ liệu dự báo gió, khí áp,
sóng, nước dâng từ các sản phẩm mô hình dự báo số trị;
đ) Dữ liệu dự báo sóng, nước
dâng được phát tin từ Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (nếu có);
e) Số liệu và thông tin về hiện
trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của gió mạnh trên biển, sóng lớn,
nước dâng do gió mạnh và các thiệt hại (nếu có).
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Xác định khu vực biển có gió
mạnh (cấp lớn nhất, hướng), sóng lớn (độ cao, hướng), nước dâng (độ cao, thời
gian xuất hiện nước dâng lớn nhất);
b) Xác định diễn biến gió mạnh,
sóng lớn và nước dâng trong khoảng 6 đến 12 giờ trước;
c) Xác định diễn biến thủy triều
tại khu vực ven biển, đảo có ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, nước dâng trong
khoảng 24 giờ trước.
3. Thực hiện các phương án dự
báo, cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên
biển tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia:
Phương án dự báo, cảnh báo gió
mạnh trên biển: Dựa trên phương pháp phân tích synop và kinh nghiệm; phương án
dựa trên kết quả dự báo từ các mô hình số trị khí tượng; phương án dựa trên cơ
sở các phương pháp khác. Phương án dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do gió
mạnh trên biển: Dựa trên phân tích hiện trạng, kinh nghiệm, công thức giải tích,
công thức bán kinh nghiệm; phương án dựa trên kết quả dự báo từ mô hình số trị
hải văn sử dụng trường gió và khi áp từ mô hình số trị khí tượng (đơn lẻ và tổ
hợp) và phương án dự báo dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong
các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm phát
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh
trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 và khoản 2, khoản 3 Điều 21 Quyết định số
18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên
biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển theo quy định tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp xảy ra gió mạnh
trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển đặc biệt nguy hiểm và có
khả năng kéo dài cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài các bản tin được
ban hành theo quy định tại Điều 36 Thông tư này. Việc bổ
sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản
4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh
trên biển theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều 20, khoản
2, khoản 3 Điều 21 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh
giá chất lượng dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió
mạnh trên biển theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT
và Điều 15, Điều 16 Thông tư số 16/2019/TT-BTNMT. Việc đánh
giá chất lượng dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió
mạnh trên biển được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn dự
báo của bản tin;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 36. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn,
nước dâng do gió mạnh trên biển
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên
biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển với tần suất và thời gian theo
quy định tại khoản 2 Điều 22 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Điều 37. Nội
dung dự báo, cảnh báo triều cường
1. Khu vực xuất hiện triều cường.
2. Độ cao và thời gian xuất hiện
nước lớn.
3. Cảnh báo khu vực có nguy cơ
ngập do triều cường.
Điều 38.
Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo triều cường
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Dữ liệu quan trắc mực nước tại
các trạm hải văn trong khu vực dự báo;
b) Dữ liệu dự báo thủy triều từ
các sản phẩm mô hình dự báo số trị;
c) Dữ liệu dự báo thủy triều được
phát tin từ Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (nếu có);
d) Số liệu và thông tin về hiện
trạng các đối tượng có khả năng chịu tác động của triều cường và các thiệt hại
(nếu có).
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Xác định khu vực ven biển, đảo
xuất hiện triều cường: Độ lớn và thời gian xuất hiện nước lớn, nước ròng;
b) Xác định diễn biến cấp và hướng
gió, độ cao và hướng sóng, độ cao nước dâng tại khu vực xuất hiện triều cường
trong khoảng 6 đến 12 giờ trước.
3. Thực hiện phương án dự báo,
cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong dự báo, cảnh báo triều cường tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp phân tích điều hòa; phương án dựa
trên phương pháp mô hình số trị; phương án dự báo dựa trên cơ sở các phương pháp
khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận dự báo, cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả dự báo trong
các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả dự báo
gốc từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm phát
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận dự báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn dự báo.
5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều
cường khi phát hiện triều cường có khả năng xảy ra trước 72 giờ gồm:
Tiêu đề bản tin dự báo, cảnh
báo triều cường cho khu vực cụ thể; thông tin về hiện trạng thủy triều tại khu
vực xuất hiện triều cường, diễn biến triều cường, độ cao và thời gian xuất hiện
nước lớn; thông tin về gió (cấp, hướng), sóng (độ cao, hướng), độ cao nước dâng
lớn nhất; nhận định nguy cơ ngập do triều cường; thời gian ban hành bản tin;
tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành tin;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh
báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo triều cường cho
các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai.
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh
báo
Trong trường hợp phát hiện triều
cường có diễn biến bất thường, cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài các bản
tin được ban hành theo quy định tại Điều 39 Thông tư này.
Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản
3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng dự báo,
cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc dự báo, cảnh báo triều cường theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều
này với thời gian chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm hoàn thành bản tin dự
báo, cảnh báo gần nhất; đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo triều cường theo
quy định tại Điều 17 Thông tư số 16/2019/TT-BTNMT. Việc
đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo triều cường được thực hiện sau khi có đủ số
liệu quan trắc theo thời hạn của bản tin dự báo;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 39. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành bản tin dự báo, cảnh báo triều cường đầu
tiên khi phát hiện khả năng xuất hiện triều cường trong khu vực cảnh báo, dự
báo; các bản tin tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 15 giờ 30
đến khi kết thúc đợt triều cường.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy
định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Điều 40. Nội
dung dự báo, cảnh báo sương mù
1. Thời gian xảy ra sương mù.
2. Khu vực ảnh hưởng.
3. Cấp độ rủi ro thiên tai do
sương mù.
Điều 41.
Quy trình kỹ thuật cảnh báo sương mù
1. Thu thập, xử lý các loại
thông tin, dữ liệu
a) Số liệu thời tiết, bao gồm
quan trắc bề mặt, thám không vô tuyến, dữ liệu quan trắc sương mù, nhiệt độ,
nhiệt độ điểm sương tại trạm khí tượng trong khu vực dự báo;
b) Số liệu vệ tinh khí tượng dữ
liệu quan trắc từ vệ tinh khí tượng và các sản phẩm tính toán thứ cấp.
c) Số liệu ra đa thời tiết;
d) Số liệu mô hình số trị.
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng
a) Phân tích, đánh giá hiện trạng
số liệu thu thập được để nhận dạng sự hoạt động của các hình thế thời tiết và
các đặc trưng liên quan gây sương mù; xác định khu vực có sương mù làm tầm nhìn
xa bị giảm thấp, thời gian xuất hiện;
b) Xác định diễn biến sương mù
đã qua và đánh giá hiện trạng sương mù về thời gian, khu vực, cường độ sương
mù, diễn biến về phạm vi ảnh hưởng sương mù trong 6 đến 12 giờ trước đó.
3. Thực hiện phương án cảnh báo
a) Các phương án được sử dụng
trong cảnh báo sương mù tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia: Phương án dựa trên phương pháp phân tích synop, phân tích chuyên gia;
phương án dựa trên phương pháp thống kê từ các thông tin quan trắc hiện tại,
quá khứ và các dự báo cho tương lai; phương án cảnh báo thời hạn cực ngắn
(03-06 giờ) dựa trên ước lượng mưa tự động từ vệ tinh, ra đa; phương án dựa
trên phương pháp mô hình số trị (dự báo đơn lẻ và dự báo tổ hợp); phương án dựa
trên cơ sở các phương pháp khác;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc
gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
4. Thảo luận cảnh báo
a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy
của các kết quả cảnh báo bằng các phương án khác nhau, các kết quả cảnh báo
trong các bản tin dự báo gần nhất;
b) Tổng hợp các kết quả cảnh
báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;
c) Người chịu trách nhiệm ban
hành bản tin lựa chọn và đưa ra kết luận cảnh báo cuối cùng đảm bảo độ tin cậy
theo thời hạn cảnh báo.
5. Xây dựng bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành bản tin cảnh báo sương mù theo
quy định tại khoản 3 Điều 20 và khoản 4 Điều 21 Quyết định số
18/2021/QĐ-TTg;
b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ
chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia
tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.
6. Cung cấp bản tin cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin cảnh báo sương mù theo quy định
tại Điều 34 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc
hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các
địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Bổ sung bản tin cảnh báo
Trong trường hợp phát hiện
sương mù kéo dài, diễn biến phức tạp cần bổ sung bản tin cảnh báo ngoài các bản
tin được ban hành theo quy định tại Điều 42 Thông tư này.
Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản
3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này.
8. Đánh giá chất lượng cảnh báo
a) Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia: Đánh giá việc thực hiện đầy đủ tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này; đánh giá tính đầy đủ,
kịp thời việc cảnh báo sương mù theo quy định tại khoản 3 Điều
20, khoản 4 Điều 21 và khoản 1 Điều 35 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg; đánh
giá chất lượng cảnh báo sương mù được thực hiện theo khoản 5 Điều
12 Thông tư số 41/2017/TT-BTNMT. Việc đánh giá chất lượng cảnh báo sương mù
được thực hiện sau khi có đủ số liệu quan trắc theo thời hạn của bản tin cảnh
báo;
b) Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các
quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.
Điều 42. Tần
suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo sương mù
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo
khí tượng thủy văn quốc gia ban hành các bản tin cảnh báo sương mù với tần suất
và thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.
2. Các tổ chức, cá nhân không
thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định tần suất,
thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 43.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2023.
2. Thông tư này thay thế Thông
tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21 tháng 12 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Quy trình kỹ thuật dự
báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.
3. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung thì thực
hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung.
Điều 44.
Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài
nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí
tượng Thủy văn chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn
đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, KHCN, PC, TCKTTV.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|