BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 10/2013/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 05 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ CẬP NHẬT CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ TỶ LỆ 1:2000,1:5000 VÀ
1:10000
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP
ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 102/2008/NĐ-CP
ngày 4 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử
dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ
Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư quy định kỹ thuật về cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000,
1:5000 và 1:10000.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định kỹ thuật về cập nhật cơ sở dữ
liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 và 1:10000 (sau đây gọi chung là cơ sở dữ
liệu nền địa lý).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý
nhà nước; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
tỷ lệ 1:2000, 1:5000 và 1:10000 trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Dữ liệu nền địa lý là thông tin về các đối tượng
địa lý cơ bản được mã hóa trong máy tính.
2. Cơ sở dữ liệu nền địa lý là một tập hợp các dữ
liệu nền địa lý có chuẩn cấu trúc được lưu trữ trên máy tính và các thiết bị
lưu trữ thông tin thứ cấp có thể thỏa mãn yêu cầu khai thác thông tin đồng thời
của nhiều người sử dụng hay nhiều chương trình ứng dụng với nhiều mục đích khác
nhau.
3. Cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc là phiên bản cơ sở
dữ liệu nền địa lý đang hoạt động trước thời điểm cập nhật, thuộc hệ thống cơ sở
dữ liệu nền địa lý quốc gia do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam quản lý và vận
hành.
4. Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý là việc chỉnh
sửa, bổ sung, chuẩn hóa lại nội dung dữ liệu nền địa lý để đảm bảo cơ sở dữ liệu
nền địa lý có nội dung phù hợp với hiện trạng thực tế và đúng theo yêu cầu của
các văn bản quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện hành.
5. Trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý là việc sao
chép phạm vi khu vực cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý từ cơ sở dữ liệu nền địa
lý gốc để phục vụ mục đích cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000,
1:5000 và 1:10000.
6. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nền địa lý là việc biên
tập, chỉnh sửa nội dung, cấu trúc cơ sở dữ liệu theo đúng yêu cầu của các quy định
kỹ thuật về cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện hành.
7. Đồng bộ cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật với cơ
sở dữ liệu nền địa lý gốc là việc thống nhất các đối tượng địa lý giữa cơ sở dữ
liệu nền địa lý cập nhật và cơ sở dữ liệu gốc về mặt không gian, thuộc tính và
quan hệ.
8. Tích hợp vào cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc là việc
kết nối, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật vào cơ sở dữ liệu nền địa
lý gốc trong hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
9. Dữ liệu không ảnh gồm các dữ liệu về mặt đất và
mặt biển được thu nhận từ các thiết bị đặt trên máy bay (ảnh máy bay, dữ liệu
quét lidar) và trên vệ tinh hoặc tàu vũ trụ (ảnh vệ tinh).
Điều 4. Tần suất và mức độ cập
nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
Căn cứ mức độ thay đổi và yêu cầu về quản lý nội
dung cơ sở dữ liệu nền địa lý, việc cập nhật được quy định như sau:
1. Cập nhật định kỳ từ 3 đến 5 năm, áp dụng cho tất
cả các nội dung của cơ sở dữ liệu nền địa lý.
2. Cập nhật theo mức độ thay đổi của đối tượng địa
lý áp dụng cho từng chủ đề dữ liệu khi có sự thay đổi từ 20% trở lên.
3. Cập nhật hàng năm, áp dụng đối với các nhóm đối
tượng địa lý thuộc chủ đề giao thông, dân cư, cơ sở hạ tầng.
4. Cập nhật tức thời, thực hiện khi có sự thay đổi
về biên giới quốc gia, địa giới hành chính, vùng địa lý bị biến động bất thường
do thảm họa thiên nhiên và các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
5. Trường hợp đối tượng địa lý thay đổi trên 40% hoặc
việc cập nhật không đảm bảo yêu cầu kinh tế - kỹ thuật thì thực hiện thành lập
mới cơ sở dữ liệu nền địa lý.
Điều 5. Nội dung công việc cập
nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
Tùy thuộc vào tần suất và mức độ cập nhật, công việc
cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý gồm các nội dung sau:
1. Công tác chuẩn bị, gồm:
a) Chuẩn bị tài liệu và thiết bị, công nghệ;
b) Nghiên cứu tình hình biến động của khu vực cập
nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý;
c) Khảo sát mức độ thay đổi nội dung của cơ sở dữ
liệu nền địa lý gốc;
d) Khảo sát thực địa;
đ) Lập thiết kế kỹ thuật - dự toán;
e) Trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý phục vụ cập
nhật.
2. Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý, gồm:
a) Thu nhận dữ liệu;
b) Chuẩn hóa dữ liệu.
3. Đồng bộ và tích hợp cơ sở dữ liệu nền địa lý.
4. Kiểm tra nghiệm thu và đóng gói sản phẩm.
Chương II
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
Điều 6. Chuẩn bị tài liệu và
thiết bị, công nghệ
Công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ việc cập nhật cơ
sở dữ liệu nền địa lý bao gồm:
1. Chuẩn bị dữ liệu không ảnh phục vụ khảo sát nội
dung thay đổi của cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc.
2. Chuẩn bị các tài liệu, dữ liệu đo đạc và bản đồ
và các tài liệu chuyên ngành khác.
3. Thu thập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới
nhất có liên quan đến cơ sở dữ liệu nền địa lý.
4. Chuẩn bị công nghệ, thiết bị và nhân lực triển
khai.
Điều 7. Nghiên cứu tình hình biến
động của khu vực cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
1. Việc nghiên cứu tình hình biến động của khu vực
cập nhật được thực hiện ở nội nghiệp theo các tài liệu đã chuẩn bị, phân tích
và đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến công tác cập
nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý.
2. Tiến hành khảo sát thực địa khi các tài liệu
không đủ để đánh giá mức độ biến động của khu vực cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa
lý.
3. Kết quả nghiên cứu phải đưa ra các kết luận sau:
a) Đặc điểm phân bố và các đặc trưng địa lý của các
đối tượng ảnh hưởng đến nội dung dữ liệu nền địa lý;
b) Tính chất và mức độ thay đổi của các đối tượng địa
lý ảnh hưởng đến mức độ và phương án cập nhật nội dung dữ liệu nền địa lý;
c) Đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh
hưởng đến việc thi công các hạng mục cập nhật cơ sở dữ liệu nên địa lý.
Điều 8. Khảo sát mức độ thay đổi
nội dung của cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc
1. Rà soát những nội dung thay đổi về quy định kỹ
thuật giữa các văn bản kỹ thuật mới ban hành có liên quan đến cơ sở dữ liệu nền
địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 và 1:10.000, các quy định đã áp dụng để xây dựng cơ
sở dữ liệu nền địa lý.
2. Đánh giá mức độ đầy đủ, độ tin cậy và mức độ
thay đổi thông tin đối tượng địa lý của cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc được tiến
hành bằng việc đối chiếu, so sánh nội dung dữ liệu nền địa lý với dữ liệu không
ảnh mới chụp, các tài liệu, dữ liệu đo đạc và bản đồ và các tài liệu chuyên
ngành khác.
3. Tiến hành khảo sát thực địa theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và Điều 9 của Thông tư này.
4. Kết quả đánh giá phải đưa ra được kết luận để lựa
chọn phương pháp và mức độ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý.
Điều 9. Khảo sát thực địa
Khảo sát thực địa được tiến hành theo tuyến và điểm.
Trước khi tiến hành khảo sát phải lập sơ đồ khảo sát, trong đó cần đánh dấu vị
trí các điểm, các tuyến cần khảo sát và lập ra kế hoạch triển khai. Mục tiêu của
việc khảo sát thực địa nhằm:
1. Bổ sung cho phần nghiên cứu nội nghiệp về tình
hình biến động của khu vực cập nhật.
2. Bổ sung cho phần đánh giá nội nghiệp về cơ sở dữ
liệu nền địa lý gốc.
3. Thu thập tài liệu ở địa phương; khảo sát hiện trạng
các điểm mốc tọa độ, độ cao quốc gia dùng để đo khống chế ảnh (nếu có).
Điều 10. Lập Thiết kế kỹ thuật
- dự toán
1. Nội dung Thiết kế kỹ thuật - dự toán được lập
trên cơ sở kết quả khảo sát và theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Thiết kế kỹ thuật - dự toán được dùng để thi
công, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm và thanh quyết toán công trình sau khi được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 11. Trích sao cơ sở dữ liệu
nền địa lý
1. Việc trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý chỉ được
thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt nội dung công việc cập nhật của cơ
quan có thẩm quyền.
2. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chịu trách nhiệm
trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý đúng quy định.
Chương III
CẬP NHẬT CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN
ĐỊA LÝ
Điều 12. Yêu cầu chung
Yêu cầu về mức độ chi tiết nội dung cơ sở dữ liệu nền
địa lý, độ chính xác không gian, độ chính xác thời gian của các đối tượng địa
lý thu nhận phục vụ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 và
1:10000, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cập nhật thực hiện theo Quy định kỹ thuật cơ sở
dữ liệu nền địa lý tỷ lệ tương ứng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Điều 13. Các phương pháp thu
nhận dữ liệu địa lý phục vụ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
1. Các phương pháp thu nhận dữ liệu địa lý phục vụ
cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý bao gồm:
a) Thu nhận dữ liệu địa lý bằng phương pháp đo ảnh;
b) Thu nhận dữ liệu địa lý bằng các tài liệu, dữ liệu
đo đạc và bản đồ, tài liệu và dữ liệu chuyên ngành;
c) Thu nhận dữ liệu địa lý bằng phương pháp đo đạc
và điều tra trực tiếp ở thực địa.
2. Phụ thuộc mức độ biến động, nguồn tư liệu hiện
có trên khu vực cập nhật và yêu cầu nội dung dữ liệu, áp dụng một trong các
phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 14. Thu nhận dữ liệu địa
lý bằng phương pháp đo ảnh
1. Dữ liệu sử dụng để đo ảnh phải đảm bảo được bay
chụp, thu nhận tại thời điểm gần nhất, trước thời điểm thu nhận không quá 1 năm
và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo các văn bản quy định kỹ thuật hiện hành về
dữ liệu không ảnh.
2. Công tác thu nhận dữ liệu địa lý bằng phương
pháp đo ảnh phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của từng bước công việc theo các
quy định tương ứng trong các văn bản quy định kỹ thuật hiện hành về đo vẽ ảnh số,
bao gồm đầy đủ hoặc một phần các bước công việc sau:
a) Đo lưới khống chế cơ sở ngoại nghiệp;
b) Tăng dày nội nghiệp;
c) Đo vẽ lập thể trên trạm ảnh số các đối tượng địa
lý đối với trường hợp dữ liệu không ảnh tạo được hiệu ứng lập thể;
d) Thành lập mô hình số địa hình;
đ) Thành lập bình đồ ảnh số;
e) Véc-tơ hóa các đối tượng địa lý trên bình đồ ảnh
số;
g) Điều tra đối tượng địa lý và đo vẽ bổ sung ngoại
nghiệp.
Điều 15. Thu nhận dữ liệu địa lý
từ các tài liệu, dữ liệu đo đạc và bản đồ, tài liệu và dữ liệu chuyên ngành
1. Các tài liệu, bản đồ, số liệu sử dụng để cập nhật
phải bảo đảm tính pháp lý, tính hiện thời và yêu cầu kỹ thuật theo các văn bản
quy định kỹ thuật hiện hành về cơ sở dữ liệu nền địa lý.
2. Căn cứ nội dung cập nhật về thông tin không gian
và thông tin thuộc tính của các đối tượng địa lý, tiến hành thu thập các tài liệu
dữ liệu đo đạc và bản đồ, tài liệu và dữ ỉiệu chuyên ngành.
3. Công tác thu nhận dữ liệu địa lý từ các tài liệu,
dữ liệu đo đạc và bản đồ, tài liệu và dữ liệu chuyên ngành bao gồm các bước
chính sau:
a) Phân tích, đánh giá tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu
nội dung cập nhật;
b) Xây dựng chỉ thị thu nhận dữ liệu địa lý;
c) Thu nhận dữ liệu địa lý theo chỉ thị thu nhận.
Điều 16. Thu nhận dữ liệu địa
lý bằng phương pháp đo đạc và điều tra trực tiếp ở thực địa
1. Thiết bị đo đạc sử dụng trong thi công là các
máy kinh vĩ, máy toàn đạc điện tử, máy định vị toàn cầu (GPS), máy thủy chuẩn
phải được kiểm nghiệm đầy đủ theo quy định.
2. Khi thu nhận dữ liệu địa lý bằng phương pháp đo
đạc và điều tra trực tiếp ở thực địa phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của từng
bước công việc theo các quy định tương ứng trong các văn bản quy định kỹ thuật
hiện hành về đo đạc trực tiếp và quy định kỹ thuật hiện hành về cơ sở dữ liệu nền
địa lý, bao gồm các bước chính sau:
a) Thành lập lưới khống chế đo vẽ;
b) Đo vẽ chi tiết các đối tượng địa lý;
c) Điều tra và bổ sung thông tin đối tượng địa lý ở
thực địa.
Điều 17. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu
nền địa lý cập nhật
1. Chuẩn hóa về không gian cho các đối tượng địa lý
thuộc bản trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý, bao gồm: bổ sung đối tượng mới xuất
hiện, biên tập lại đối tượng đã thay đổi, xóa bỏ đối tượng không còn tồn tại ở
thực địa, chuẩn hóa quan hệ không gian giữa các đối tượng địa lý.
2. Chuẩn hóa về thuộc tính của đối tượng địa lý
theo các quy định kỹ thuật hiện hành.
3. Chuẩn hóa định dạng dữ liệu phục vụ đồng bộ và
tích họp bản trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật vào cơ sở dữ liệu nền
địa lý gốc tỷ lệ 1:2000, 1:5000, 1:10000.
4. Chuẩn hóa siêu dữ liệu (metadata) theo các nội
dung đã cập nhật.
Chương IV
ĐỒNG BỘ VÀ TÍCH HỢP CƠ SỞ
DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ
Điều 18. Đồng bộ bản trích sao
cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật với cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc
Việc đồng bộ bản trích sao cơ sở dữ liệu nền địa lý
cập nhật với cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc bao gồm các bước chính sau:
1. Tiếp biên dữ liệu và đồng bộ các đối tượng địa
lý về không gian.
2. Đồng bộ các đối tượng địa lý về thuộc tính.
3. Cập nhật quan hệ các đối tượng địa lý trong cùng
loại tỷ lệ.
4. Cập nhật quan hệ các đối tượng địa lý giữa các
loại tỷ lệ.
Điều 19. Tích hợp bản trích
sao cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật sau đồng bộ vào cơ sở dữ liệu nền địa lý
gốc
1. Trước khi tích hợp bản trích sao cơ sở dữ liệu nền
địa lý cập nhật sau đồng bộ vào cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc phải thực hiện sao
lưu cơ sở dữ liệu nền địa lý ở phiên bản trước cập nhật.
2. Thực hiện tích hợp vào cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc
theo các quy định kỹ thuật của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc
gia.
Chương V
KIỂM TRA NGHIỆM THU VÀ
ĐÓNG GÓI SẢN PHẨM
Điều 20. Yêu cầu chung
Công tác kiểm tra nghiệm thu chất lượng sản phẩm cập
nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý thực hiện theo Thông tư số 02/2007/TT-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ
Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công
trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Điều 21. Nội dung kiểm tra
nghiệm thu, đóng gói sản phẩm cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý
1. Nội dung kiểm tra nghiệm thu, đóng gói sản phẩm
cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý được thực hiện theo từng hạng mục công việc
và khi hoàn thành toàn bộ việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý, gồm các bước
chính sau:
a) Kiểm tra nghiệm thu, đóng gói bản trích sao cơ sở
dữ liệu nền địa lý cập nhật;
b) Kiểm tra nghiệm thu việc đồng bộ bản trích sao
cơ sở dữ liệu nền địa lý cập nhật với cơ sở dữ liệu nền địa lý gốc theo các quy
định kỹ thuật cơ sở dữ liệu nền địa lý ở tỷ lệ tương ứng;
c) Kiểm tra nghiệm thu việc tích hợp vào cơ sở dữ
liệu nền địa lý gốc theo quy định kỹ thuật của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu nền
địa lý quốc gia.
2. Việc đóng gói sản phẩm cập nhật cơ sở dữ liệu nền
địa lý phải đảm bảo phạm vi dữ liệu đúng theo ranh giới đã được trích sao; định
dạng dữ liệu theo định dạng của bản trích sao.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành và
tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 7 năm 2013.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức
triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 và 1:10000.
3. Các Bộ, Ngành liên quan và các địa phương có
trách nhiệm cung cấp các tài liệu, dữ liệu có liên quan và tham gia, phối hợp
thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì
cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để
xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Website Bộ TN&MT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, Cục ĐĐBĐVN, PC, KHCN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Linh Ngọc
|