Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 03/2024/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Lê Công Thành
Ngày ban hành: 16/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Đã có Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023

Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023.

Đã có Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023

Theo đó, Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 22, khoản 9 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26, khoản 8 Điều 31, khoản 3 Điều 39 Luật Tài nguyên nước 2023 về phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Tài nguyên nước 2023; lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Thông tư 03/2024/TT-BTNMT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư 03/2024/TT-BTNMT trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thông tư 03/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước

Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước như sau:

- Đảm bảo tính hệ thống trong lưu vực sông, phù hợp với ranh giới hành chính cấp tỉnh.

- Phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

- Việc phân vùng chức năng nguồn nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại, mức độ ưu tiên phải bảo vệ và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nguồn nước.

- Hài hòa lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các khu vực, các địa phương, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, duy trì sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh.

 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2024/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 22, khoản 9 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26, khoản 8 Điều 31, khoản 3 Điều 39 của Luật Tài nguyên nước về phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước; lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương II

PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC MẶT; XÁC ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC VIỆC CÔNG BỐ VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC SINH HOẠT

Mục 1. PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC MẶT

Điều 3. Nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước

1. Đảm bảo tính hệ thống trong lưu vực sông, phù hợp với ranh giới hành chính cấp tỉnh.

2. Phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

3. Việc phân vùng chức năng nguồn nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại, mức độ ưu tiên phải bảo vệ và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nguồn nước.

4. Hài hòa lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các khu vực, các địa phương, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, duy trì sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh.

Điều 4. Trình tự thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch

Vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch được xác định cho từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch và có một hoặc một số chức năng theo quy định tại khoản 4 Điều này. Việc phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch được thực hiện như sau:

1. Thông tin, dữ liệu phục vụ phân vùng chức năng nguồn nước:

a) Hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích: sinh hoạt; sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản; sản xuất công nghiệp; kinh doanh, dịch vụ; du lịch; thủy điện; giao thông đường thủy và các hoạt động khác có liên quan đến nguồn nước;

b) Hiện trạng hệ sinh thái thủy sinh;

c) Khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng của nguồn nước;

d) Khu vực nguồn nước có các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, phát triển du lịch; vai trò, tầm quan trọng của nguồn nước đối với việc bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, phát triển du lịch, tạo cảnh quan, môi trường và sinh kế của người dân;

đ) Khu vực nguồn nước có vai trò trong việc trữ, tiêu thoát lũ;

e) Khu vực nguồn nước có kế hoạch, biện pháp bảo vệ, cải thiện, phục hồi nguồn nước.

2. Xác định các vị trí, khu vực phục vụ phân vùng chức năng nguồn nước:

a) Vị trí các điểm nhập lưu, phân lưu; ranh giới hành chính cấp tỉnh; đường biên giới quốc gia;

b) Vị trí các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, công trình điều tiết nước; vị trí, khu vực có các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; khu vực có hoạt động giao thông đường thủy;

c) Khu vực dự kiến có các công trình, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

d) Vị trí, khu vực có công trình, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khu cảnh quan sinh thái quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao liên quan đến nguồn nước sông suối, kênh, mương, rạch;

đ) Khu vực trữ, tiêu thoát lũ.

3. Phân đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch:

a) Phân đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch để thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước;

b) Việc phân đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch thực hiện trên cơ sở: đặc điểm nguồn nước; hiện trạng chất lượng nước; mục đích sử dụng nước và các hoạt động liên quan đến nguồn nước; các yêu cầu về bảo vệ, cải thiện, phục hồi nguồn nước.

4. Xác định chức năng nguồn nước của từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch, như sau:

a) Căn cứ vào thông tin, dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này và các vị trí được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này để xác định các chức năng nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 28 của Luật Tài nguyên nước đối với từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch;

b) Đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch mà tại thời điểm thực hiện phân vùng chức năng không có các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc trong các quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan không có nhu cầu khai thác, sử dụng nước thì chức năng nguồn nước được xác định là bảo vệ sự phát triển của hệ sinh thái thủy sinh, tạo cảnh quan, môi trường.

Điều 5. Xác định chức năng nguồn nước hồ, ao, đầm, phá

1. Chức năng nguồn nước hồ, ao, đầm, phá được xác định cho toàn bộ diện tích mặt nước của hồ, ao, đầm, phá và có chức năng quy định tại khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 28 của Luật Tài nguyên nước.

2. Căn cứ vào thông tin, dữ liệu phục vụ xác định chức năng nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này để xác định các chức năng nguồn nước đối với từng hồ, ao, đầm, phá.

Điều 6. Yêu cầu về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước

1. Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch phải được tổng hợp, lập thành danh mục. Trong đó, từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên của sông, suối, kênh, mương, rạch; tên lưu vực sông;

b) Chiều dài, vị trí hành chính, tọa độ điểm đầu và điểm cuối của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30);

c) Chức năng nguồn nước của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch.

2. Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước hồ, ao, đầm, phá phải được lập thành danh mục và phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên của hồ, ao, đầm, phá; tọa độ đại diện cho vị trí của hồ, ao, đầm, phá (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30), vị trí hành chính; tên tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành (nếu có). Đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên sông, suối thì nêu rõ tên của sông, suối;

b) Diện tích mặt nước của hồ, ao, đầm, phá được xác định chức năng;

c) Chức năng nguồn nước của hồ, ao, đầm, phá.

3. Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Điều 7. Tổ chức thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước, phê duyệt, công bố chức năng nguồn nước

1. Trường hợp phân vùng chức năng nguồn nước mặt được thực hiện trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, trong quy hoạch tỉnh thì việc phê duyệt, công bố chức năng nguồn nước thực hiện trong quy trình, thủ tục phê duyệt, công bố quy hoạch.

2. Trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố chức năng nguồn nước mặt theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Tài nguyên nước thì việc tổ chức thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước, phê duyệt, công bố chức năng nguồn nước được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan xác định, phân vùng chức năng đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia và lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định, phân vùng chức năng đối với các nguồn nước mặt nội tỉnh và lấy ý kiến các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt;

c) Trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày phê duyệt phân vùng chức năng nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền công bố, đăng tải quyết định phê duyệt phân vùng chức năng nguồn nước trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục 2. XÁC ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC VIỆC CÔNG BỐ VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC SINH HOẠT

Điều 8. Nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

1. Đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước.

2. Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

3. Phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.

Điều 9. Các trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt (sau đây gọi chung là công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm:

1. Công trình khai thác nước mặt có quy mô trên 100 m3/ngày đêm.

2. Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô trên 10 m3/ngày đêm.

Điều 10. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt

1. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, mương, rạch để cấp cho sinh hoạt là vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình (bao gồm cả phần phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch mà công trình đó khai thác), được quy định như sau:

a) Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 800 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du;

b) Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

2. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa, đập dâng để cấp cho sinh hoạt được tính từ vị trí khai thác nước của công trình và được quy định như sau:

a) Không nhỏ hơn 1.500 m từ vị trí khai thác nước đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa, đập dâng trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa, phạm vi bảo vệ đập;

b) Toàn bộ khu vực lòng hồ đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa khác với quy định tại điểm a khoản này.

Điều 11. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước dưới đất

1. Đối với công trình khai nước dưới đất trong tầng chứa nước có áp thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được xác định cho từng giếng khai thác và không nhỏ hơn 3 m tính từ miệng giếng.

2. Đối với công trình khai nước dưới đất trong tầng chứa nước không áp thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được xác định cho từng giếng khai thác và không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng.

Điều 12. Xác định, phê duyệt, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

1. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt căn cứ quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này đề xuất phạm vi cụ thể vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước.

2. Trường hợp phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn một tỉnh:

a) Trên cơ sở đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này và hiện trạng sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình tổ chức xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình;

b) Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được giấy phép khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.

3. Trường hợp phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên:

a) Trên cơ sở đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này và hiện trạng sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình khai thác nước chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có liên quan thống nhất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình;

b) Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được giấy phép khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình khai thác nước gửi phương án về phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đã được thống nhất theo quy định tại điểm a khoản này tới Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

4. Quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bao gồm các nội dung chính sau đây: tên công trình khai thác; nguồn nước khai thác; quy mô công trình khai thác; vị trí khai thác; phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác.

5. Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan tổ chức xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.

Điều 13. Tổ chức xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa

1. Trường hợp phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn một tỉnh:

Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi thông báo về kế hoạch xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh trên thực địa đến Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh và tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước để phối hợp thực hiện việc xác định ranh giới phạm vi, vị trí đặt biển chỉ dẫn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.

Sau khi hoàn thành việc xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả hoàn thành.

2. Trường hợp phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì việc tổ chức xác định ranh giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh ngoài thực địa được thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Sau khi hoàn thành việc xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Quản lý tài nguyên nước về kết quả hoàn thành.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất theo quy định pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước có trách nhiệm lắp đặt, cắm biển chỉ dẫn, bảo vệ biển chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình của mình; bảo vệ nguồn nước mình đang trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.

Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ sau đây: xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn; tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền.

Chương III

XÁC ĐỊNH, ĐIỀU CHỈNH DÒNG CHẢY TỐI THIỂU

Điều 15. Yêu cầu về giá trị dòng chảy tối thiểu

1. Dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s).

Trường hợp có yêu cầu khác với giá trị lưu lượng nêu trên, thì phải căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu tại từng vị trí, nhưng mức tăng tối đa không vượt quá lưu lượng trung bình mùa cạn và phải phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước, năng lực vận hành điều tiết nước của đập, hồ chứa; mức giảm tối đa không vượt quá 50% lưu lượng của tháng nhỏ nhất, nhưng phải bảo đảm an toàn cấp nước, an sinh xã hội, môi trường, hệ sinh thái thủy sinh.

2. Căn cứ yêu cầu về mức dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa quy định tại khoản 1 Điều này, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải xem xét toàn diện, đầy đủ các nguyên tắc, căn cứ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước để lựa chọn giá trị dòng chảy tối thiểu tại từng vị trí cho phù hợp.

3. Tùy thuộc vào yêu cầu về chế độ khai thác, sử dụng nước và khả năng vận hành điều tiết của đập, hồ chứa, năng lực công trình điều tiết, giá trị dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị trí có thể được xem xét, xác định tương ứng với từng thời kỳ, thời gian trong năm.

Dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị trí phải đáp ứng yêu cầu về chế độ, thời gian sử dụng nước phía hạ du, bảo đảm tính hệ thống trên cùng hệ thống sông, suối.

4. Đối với công trình đập ngăn mặn, chống ngập, đập vùng cửa sông ven biển, cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, cấp phép khai thác nước mặt quyết định sự cần thiết việc duy trì dòng chảy tối thiểu.

Điều 16. Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu

1. Đối với sông, suối:

a) Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối được xác định tại một hoặc một số vị trí, cụ thể: vị trí trên sông, suối trước khi nhập lưu với sông, suối khác; vị trí tại trạm thủy văn, trạm quan trắc tài nguyên nước;

b) Ngoài vị trí quy định tại điểm a khoản này, trường hợp có yêu cầu cụ thể về dòng chảy để đảm bảo cho các hoạt động khai thác, sử dụng nước; hoạt động văn hóa, thể thao du lịch; yêu cầu để phòng chống suy thoái, phục hồi nguồn nước hoặc yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thủy sinh có giá trị kinh tế trên một hoặc nhiều đoạn sông, suối thì cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước xem xét, quyết định lựa chọn bổ sung vị trí xác định dòng chảy tối thiểu.

2. Đối với đập, hồ chứa:

a) Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu hạ lưu đập, hồ chứa được xác định ngay sau đập;

b) Đối với đập, hồ chứa có phương thức khai thác nước làm gián đoạn dòng chảy của sông, suối, tùy thuộc quy mô, khả năng điều tiết của hồ chứa, phạm vi tác động của công trình, yêu cầu chế độ dòng chảy trên sông, suối và yêu cầu khai thác, sử dụng nước phía hạ du đập, hồ chứa thì ngoài vị trí xác định dòng chảy tối thiểu quy định tại điểm a khoản này, xem xét việc xác định dòng chảy tối thiểu tại vị trí ngay sau hạng mục công trình trả lại dòng chảy vào sông, suối;

c) Đập, hồ chứa trên sông, suối có quy mô khai thác nước thuộc trường hợp phải đăng ký, có giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, phải bố trí các hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu, bảo đảm có đủ năng lực xả đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 15 của Thông tư này, trừ trường hợp các đập, hồ chứa đã đi vào vận hành mà không thể điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu.

Điều 17. Phương pháp tính toán các đặc trưng dòng chảy phục vụ xác định dòng chảy tối thiểu

1. Các đặc trưng dòng chảy được tính toán tại mỗi vị trí xác định dòng chảy tối thiểu bao gồm:

a) Phân phối dòng chảy các tháng trong năm;

b) Các đặc trưng dòng chảy năm;

c) Các đặc trưng dòng chảy mùa cạn (dòng chảy tháng nhỏ nhất, trung bình tháng nhỏ nhất, trung bình 3 tháng nhỏ nhất và trung bình mùa cạn).

2. Căn cứ vào số liệu quan trắc khí tượng thủy văn hiện có và đặc điểm của lưu vực, việc xác định các đặc trưng dòng chảy được thực hiện bằng một trong các phương pháp sau:

a) Trường hợp trên sông, suối có trạm thuỷ văn, trạm quan trắc tài nguyên nước hoặc hồ chứa điều tiết năm, nhiều năm (sau đây gọi chung là trạm quan trắc thủy văn) có chuỗi số liệu quan trắc thủy văn từ 20 năm trở lên và chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy văn với diện tích lưu vực tại vị trí cần xác định dòng chảy tối thiểu không quá 10%, thì sử dụng quan hệ tương quan (theo tỷ lệ lượng mưa năm và diện tích lưu vực) với số liệu dòng chảy của trạm quan trắc thủy văn để xác định;

b) Trường hợp trên sông, suối có trạm quan trắc thuỷ văn với chuỗi số liệu quan trắc thủy văn từ 20 năm trở lên nhưng chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy văn với diện tích lưu vực của vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên 10% hoặc chuỗi số liệu quan trắc thủy văn nhỏ hơn 20 năm hoặc không có trạm quan trắc thủy văn trên sông, suối, thì xem xét, lựa chọn một trong các phương pháp sau:

Phương pháp lưu vực tương tự với trạm thủy văn có chuỗi số liệu từ 20 năm trở lên nếu chênh lệch về diện tích của hai lưu vực không vượt quá năm (05) lần và giữa hai lưu vực tương tự nhau về điều kiện cơ bản hình thành dòng chảy, tính đồng bộ về dao động dòng chảy.

Phương pháp quan hệ tương quan giữa lượng mưa năm và dòng chảy năm.

Phương pháp mô hình toán thủy văn, thủy lực.

Phương pháp khác phù hợp với đặc điểm thủy văn, điều kiện số liệu khí tượng thủy văn của khu vực.

3. Trường hợp trên cùng một hệ thống sông, suối có nhiều vị trí xác định dòng chảy tối thiểu bằng các phương pháp khác nhau, thì xem xét, hiệu chỉnh các giá trị đặc trưng dòng chảy để đảm bảo tính hệ thống.

4. Đối với đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc trường hợp phải đăng ký khai thác nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước thì ngoài các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể sử dụng phương pháp tương quan (theo tỷ lệ diện tích lưu vực) với số liệu dòng chảy của trạm thủy văn hoặc tương quan với giá trị dòng chảy tối thiểu của công trình đập, hồ chứa khác đã được cấp phép trên cùng lưu vực sông hoặc trên cơ sở số liệu vận hành của công trình để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu.

Điều 18. Yêu cầu về thông tin, số liệu và kết quả xác định dòng chảy tối thiểu

1. Thông tin, số liệu để đánh giá, xác định dòng chảy tối thiểu phải bảo đảm tin cậy và phù hợp với phương pháp áp dụng.

Trường hợp số liệu quan trắc thủy văn đã chịu tác động do việc điều tiết của các công trình điều tiết nước, dẫn chuyển nước trên sông, suối thì phải hoàn nguyên số liệu trước khi sử dụng để tính toán, đánh giá.

2. Kết quả tính toán các đặc trưng của dòng chảy, lựa chọn giá trị dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị trí phải được luận chứng, thuyết minh rõ việc đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 15 của Thông tư này và các nội dung sau:

a) Về lựa chọn vị trí;

b) Về lựa chọn phương pháp tính toán;

c) Việc đáp ứng các yêu cầu khai thác, sử dụng nước cả về lưu lượng, mực nước và chế độ của dòng chảy theo thời gian và khả năng điều tiết của đập, hồ chứa.

3. Kết quả xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối phải được tổng hợp, lập thành sơ đồ và danh mục gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên sông, suối thuộc lưu vực sông;

b) Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu: tọa độ, vị trí hành chính;

c) Giá trị dòng chảy tối thiểu.

4. Đối với đập, hồ chứa thì giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa được quy định trong giấy phép khai thác nước mặt hoặc giấy xác nhận đăng ký khai thác nước mặt gồm các thông tin về vị trí (tọa độ, vị trí hành chính), giá trị dòng chảy tối thiểu.

Điều 19. Phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu

1. Trường hợp dòng chảy tối thiểu được thực hiện trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh thì việc công bố dòng chảy tối thiểu thực hiện trong quy trình phê duyệt, công bố quy hoạch.

2. Trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố dòng chảy tối thiểu theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước thì việc phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu được thực hiện như sau:

a) Đối với sông, suối:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức điều tra, đánh giá, lấy ý kiến của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu có), các cơ quan, đơn vị có liên quan về dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối liên tỉnh, liên quốc gia (thuộc lãnh thổ Việt Nam).

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt và tổ chức công bố dòng chảy tối thiểu.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá, lấy ý kiến của các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành có liên quan về dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh; tổng hợp ý kiến các Sở, ban ngành, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) cho ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt dòng chảy tối thiểu và tổ chức công bố.

Hồ sơ lấy ý kiến gồm: dự thảo Quyết định phê duyệt kèm theo danh mục dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối, báo cáo thuyết minh việc xác định dòng chảy tối thiểu và sơ đồ dòng chảy tối thiểu của hệ thống sông, suối.

Trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày phê duyệt dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền công bố, đăng tải quyết định phê duyệt dòng chảy tối thiểu kèm theo danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông, suối trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Đối với đập, hồ chứa:

Chủ đập, hồ chứa hoặc tổ chức, cá nhân quản lý vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm đề xuất giá trị dòng chảy tối thiểu hạ lưu đập, hồ chứa do mình đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành trong tờ khai đăng ký, hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước mặt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và được cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước phê duyệt trong giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt hoặc giấy xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt.

Định kỳ 6 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền chỉ đạo tổng hợp giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa đã được phê duyệt để ra quyết định công bố, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 20. Rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu

1. Việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu được thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dòng chảy tối thiểu quyết định việc rà soát, điều chỉnh giá trị dòng chảy tối thiểu.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước đề xuất điều chỉnh dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa và được thể hiện trong tờ khai đăng ký hoặc hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác nước mặt, trình cấp có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước xem xét, phê duyệt trong quá trình xác nhận đăng ký, cấp phép.

3. Việc điều chỉnh dòng chảy tối thiểu được thực hiện như việc xác định, phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu quy định tại Thông tư này.

Chương IV

BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Mục 1. KẾ HOẠCH BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 21. Yêu cầu của kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

1. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; phải phù hợp với phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.

2. Xác định được phạm vi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và nguyên nhân gây ra; phương án tổ chức thực hiện các giải pháp khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất. Ưu tiên bảo vệ, phục hồi các tầng chứa nước khai thác chính, các tầng chứa nước được khai thác để cấp nước sinh hoạt.

3. Việc lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải dựa trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên nước dưới đất của mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất, tại công trình khai thác nước dưới đất và các thông tin, số liệu có liên quan khác từ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (nếu có).

Trường hợp thông tin, số liệu chưa đảm bảo làm cơ sở lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc bổ sung công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất để phục vụ lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất.

4. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải đồng bộ, phù hợp với nguồn lực, giải pháp thực hiện; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Điều 22. Nội dung kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

1. Mục tiêu của kế hoạch bảo vệ nước dưới đất.

2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất và tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

3. Các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên phục hồi được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Thông tư này.

4. Phương án, giải pháp bảo vệ, phục hồi đối với các khu vực, tầng chứa nước được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Thông tư này.

5. Các nội dung bảo vệ nước dưới đất khác có liên quan (nếu có).

6. Tổ chức thực hiện.

Điều 23. Trình tự lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

1. Đánh giá hiện trạng, diễn biến khai thác, sử dụng nước dưới đất; hiện trạng, diễn biến mực nước dưới đất; hiện trạng, diễn biến chất lượng nước dưới đất, xâm nhập mặn; hiện trạng, diễn biến sụt, lún đất có liên quan đến thăm dò, khai thác nước dưới đất; nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh.

2. Khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm:

a) Khu vực, tầng chứa nước có tổng lưu lượng khai thác đã đạt đến hoặc vượt quá 90% ngưỡng khai thác nước dưới đất được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Trường hợp chưa có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh hoặc quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được phê duyệt mà chưa quy định ngưỡng khai thác nước dưới đất thì xác định các khu vực, tầng chứa nước có tổng lưu lượng khai thác đã đạt đến hoặc vượt quá 90% lượng nước có thể khai thác của từng tầng chứa nước tại từng khu vực và được tính toán trên cơ sở giới hạn mực nước khai thác.

b) Khu vực, tầng chứa nước có mực nước trung bình trong 6 tháng mùa khô trong các giếng quan trắc hoặc giếng khai thác đã đạt đến hoặc vượt quá 95% giới hạn mực nước khai thác và có xu hướng tiếp tục suy giảm;

c) Khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc có nguy cơ sụt, lún đất;

d) Khu vực, tầng chứa nước có nguy cơ bị nhiễm mặn; bị ô nhiễm một trong các thông số amoni, nitrit, nitrat, arsenic hoặc thông số kim loại nặng khác theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.

3. Căn cứ vào mức độ suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm của nguồn nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất; mức độ khan hiếm nước và định hướng về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh lập danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi.

Danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi phải thể hiện rõ về phạm vi hành chính, diện tích phân bố và các nguyên nhân gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

4. Xác định phương án, giải pháp bảo vệ, phục hồi đối với từng khu vực, tầng chứa nước thuộc danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi. Nội dung phương án gồm một hoặc một số nội dung sau đây:

a) Các khu vực, tầng chứa nước cần khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và việc triển khai thực hiện các biện pháp cấm hoặc hạn chế khai thác nước dưới đất;

b) Các khu vực, tầng chứa nước cần đưa ra khỏi vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

c) Các khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

d) Các khu vực ô nhiễm nước dưới đất cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; khu vực cần kiểm soát chặt chẽ các chất thải, nguồn thải, các hoạt động khoan, đào và các hoạt động khác có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất;

đ) Đề xuất, điều chỉnh các phương án khai thác, sử dụng nước dưới đất.

5. Căn cứ đặc trưng nguồn nước dưới đất tại từng khu vực trên địa bàn tỉnh quy định các nội dung, yêu cầu bảo vệ nước dưới đất khác có liên quan.

6. Xây dựng phương án tổ chức thực hiện.

Điều 24. Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo bố trí kinh phí và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu và xây dựng dự thảo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến bằng văn bản về dự thảo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất tới các Sở: Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và đại diện một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này và gửi lấy ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật kế hoạch bảo vệ nước dưới đất vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia trong vòng 07 ngày sau khi được phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 25. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất

1. Định kỳ 5 năm hoặc trong trường hợp cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả rà soát và kiến nghị điều chỉnh kế hoạch (nếu có).

2. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh hoặc phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh làm thay đổi cơ bản về định hướng khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất;

b) Có biến động lớn về nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, nhân tạo.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất thực hiện như trường hợp ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất quy định tại Điều 24 của Thông tư này.

Mục 2. BỔ SUNG NHÂN TẠO NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 26. Yêu cầu bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải được thiết kế, tính toán phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn, địa hình, chất lượng nước và khả năng giữ, trữ nước của tầng chứa nước được bổ sung nhân tạo.

2. Nguồn nước mưa, nước mặt để bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải phù hợp với chất lượng nước của tầng chứa nước được bổ sung nhân tạo và được kiểm soát thường xuyên trong quá trình thực hiện bổ sung nhân tạo.

3. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải thực hiện vận hành thử nghiệm tối thiểu 90 ngày trước khi vận hành chính thức đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 27 của Thông tư này.

4. Công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học đã hoàn thành, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng để thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất thì phải vận hành thử nghiệm và lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.

5. Trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoặc công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất không đủ điều kiện vận hành chính thức thì phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường theo quy định.

6. Việc thiết kế, thi công và quản lý, vận hành các công trình khoan, đào phục vụ bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo quy định.

Trường hợp thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất gây ra sụt, lún đất thì phải phải dừng ngay, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Điều 27. Các trường hợp thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Các trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất bao gồm:

a) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt theo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt;

b) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm gia tăng khả năng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân;

c) Nghiên cứu khoa học, thử nghiệm giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

2. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải thực hiện theo phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất chỉ được vận hành chính thức sau khi đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm đáp ứng các yêu cầu về lượng nước, chất lượng nước bổ sung nhân tạo.

3. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Thông tư này về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất trước khi thực hiện.

Điều 28. Phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Nội dung phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất:

a) Thuyết minh sự cần thiết về nhu cầu bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

b) Mô tả về đặc điểm cấu trúc địa chất thủy văn, chất lượng nước trong tầng chứa nước và đánh giá khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước;

c) Đánh giá sự phù hợp về số lượng, chất lượng của nguồn nước được sử dụng để bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

d) Thuyết minh giải pháp thiết kế kỹ thuật việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất bao gồm các nội dung chính: Phương pháp bổ sung nhân tạo (làm ngập, xây dựng đập cát, bồn, bể thấm, lỗ khoan ép, lỗ khoan thu nước, hố đào, hào rãnh kết hợp giếng hấp thu nước và các phương pháp khác); vị trí, quy mô, thông số kỹ thuật của công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp kiểm soát chất lượng nguồn nước trước khi bổ sung nhân tạo và việc giám sát chất lượng nước của tầng chứa nước trong quá trình bổ sung nhân tạo;

đ) Mô tả quy trình vận hành thử nghiệm;

e) Mô tả quy trình vận hành, quản lý công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ Hồ sơ gửi lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến đến Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 27 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cho ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

b) Phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Sơ đồ, bản vẽ công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

d) Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác có liên quan của dự án (nếu có).

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất gửi tổ chức, cá nhân.

Điều 29. Lấy ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc vận hành thử nghiệm, tổ chức, cá nhân thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 của Thông tư này phải báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến.

Tổ chức, cá nhân nộp 01 bản báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại khoản 3 Điều này trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến đến Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất, trên cơ sở phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất, kết quả vận hành thử nghiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến bằng văn bản đối với kết quả vận hành thử nghiệm của công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất và việc đáp ứng yêu cầu để vận hành chính thức gửi tổ chức, cá nhân.

3. Nội dung chính báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: mô tả kết quả vận hành thử nghiệm; đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về lượng nước, chất lượng nước bổ sung nhân tạo.

Điều 30. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước trong quá trình vận hành bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

b) Theo dõi, giám sát mực nước, chất lượng nước và điều chỉnh lưu lượng nước bổ sung nhân tạo nước dưới đất phù hợp khả năng giữ, trữ nước của tầng chứa nước;

c) Trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo, báo cáo tình hình thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả vận hành thử nghiệm đối với trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Thông tư này;

b) Kiểm tra, giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 của Thông tư này;

c) Cập nhật kết quả thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đối với trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Thông tư này.

Mục 3. BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG KHOAN, ĐÀO, THĂM DÒ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 31. Bảo vệ nước dưới đất đối với hoạt động thiết kế, thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất

1. Việc thiết kế, thi công các công trình khoan, đào trong các dự án điều tra, đánh giá nước dưới đất phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Việc thiết kế, thi công khoan điều tra, đánh giá nước dưới đất thực hiện theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Việc thi công các công trình khoan phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện;

c) Chiều sâu, đường kính khoan, kết cấu ống chống, ống lọc, các đoạn chèn, trám cách ly phải phù hợp với đặc điểm địa tầng, bảo đảm ngăn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước;

d) Việc thi công các công trình khoan, đào phải bảo đảm sự ổn định của môi trường đất, đá xung quanh khu vực thi công.

2. Việc thiết kế, thi công các công trình khoan, đào trong các dự án thăm dò, khai thác nước dưới đất phải đảm bảo các yêu cầu tại khoản 1 Điều này và các yêu cầu sau:

a) Việc thiết kế giếng và phương án thi công giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải do người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện;

b) Ống chống, ống lọc lắp đặt tại các giếng khoan khai thác nước dưới đất phải bảo đảm sự ổn định trong quá trình khai thác;

c) Trường hợp sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan thì hóa chất sử dụng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước;

d) Đối với công trình khai thác nước dưới đất phải thực hiện việc quan trắc phục vụ giám sát khai thác nước theo quy định. Trường hợp công trình khai thác nước dưới đất phải xây dựng giếng quan trắc theo quy định thì vị trí giếng quan trắc cần đảm bảo tính đại diện cho việc khai thác nước của công trình và được thể hiện trong đề nghị cấp phép.

3. Yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất đối với hoạt động thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất:

a) Hoá chất, chất phóng xạ sử dụng trong quá trình thí nghiệm phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước;

b) Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để nước thải, nước có chứa chất độc hại xâm nhập vào trong giếng khoan, giếng đào;

c) Phương pháp, cách thức tiến hành thí nghiệm trong giếng khoan, giếng đào phải được thể hiện trong các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, hồ sơ kỹ thuật thi công công trình;

d) Trường hợp thực hiện bơm hút nước thí nghiệm, ngoài việc thực hiện các quy định tại các điểm a, b và c khoản này còn phải đảm bảo yêu cầu không gây ngập úng, không gây hạ thấp mực nước quá giới hạn mực nước khai thác. Trường hợp gây sự cố ảnh hưởng đến môi trường, tổ chức, cá nhân thì phải dừng ngay việc bơm, hút nước thí nghiệm và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Sau khi hoàn thành thi công, tổ chức, cá nhân thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất phải cập nhật thông tin, dữ liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng, địa chất thủy văn tại vị trí giếng vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.

Điều 32. Bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí trong đó có các hạng mục khoan, đào, thí nghiệm ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân xử lý nền móng công trình không được gây sụt, lún bề mặt đất; không gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

3. Đối với các hồ, bể chứa hoặc khu vực chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác trong hoạt động khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản và pháp luật về tài nguyên nước để bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

4. Trường hợp giếng khoan trong các hoạt động khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản có thời gian dự kiến sử dụng từ 02 năm trở lên thì phải đáp ứng yêu cầu tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Thông tư này.

5. Tổ chức, cá nhân thăm dò địa chất, khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản phải cập nhật thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại vị trí giếng khoan vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.

Điều 33. Bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động bơm hút nước tháo khô mỏ, hố móng xây dựng và các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm khác

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bơm hút nước tháo khô mỏ, hố móng xây dựng và các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm khác ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hoặc xây dựng công trình, nếu tiến hành hoạt động bơm hút nước, tháo khô dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất, gây sụt, lún đất thì phải dừng ngay việc bơm hút, tháo khô và thực hiện các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Quy định chuyển tiếp

1. Về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt:

a) Trường hợp công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được xác định, phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thì thực hiện theo quy định của Thông tư này và phải hoàn thành việc đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình chậm nhất trước ngày 01 tháng 7 năm 2025;

b) Trường hợp công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt đã được phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quyết định đã phê duyệt. Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước có nhu cầu điều chỉnh phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh theo quy định của Thông tư này thì đề xuất phạm vi và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình;

c) Trường hợp công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt đã hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực và có điều kiện mặt bằng thực tế không thể thiết lập được vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này thì căn cứ tính chất, quy mô của công trình, đặc điểm nguồn nước và các yêu cầu khác về bảo vệ nguồn nước đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt xem xét, quyết định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhỏ hơn phạm vi tối thiểu nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn nước khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.

2. Về việc xác định dòng chảy tối thiểu:

Giá trị dòng chảy tối thiểu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến khi giấy phép hết hiệu lực hoặc cho đến khi có quyết định điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa.

3. Về việc trám lấp giếng:

Việc trám lấp giếng bị hỏng không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường quy định về việc xử lý trám lấp giếng cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng được ban hành.

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;

b) Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước;

c) Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng;

d) Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất;

đ) Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;

e) Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất;

g) Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

3. Bãi bỏ các Chương, điều của các Thông tư sau đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Điều 20 của Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh;

b) Điều 3, Điều 4, Điều 16, Chương III và Chương V của Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều 36. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- TTgCP và các PTTgCP (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, TNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Lê Công Thành

THE MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 03/2024/TT-BTNMT

Hanoi, May 16, 2024

 

CIRCULAR

ELABORATING SOME ARTICLES OF THE LAW ON WATER RESOURCES

Pursuant to the Law on Natural Resources dated November 27, 2023;

Pursuant to the Government’s Decree No. 68/2022/ND-CP dated September 22, 2022 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Natural Resources and Environment;

At the request of the Director General of the Department of Water Resources Management;

The Minister of Natural Resources and Environment hereby promulgates a Circular to elaborate some Articles of the Law on Water Resources.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Circular elaborates clause 4 Article 22, clause 9 Article 24, point b clause 2 Article 26, clause 8 Article 31 and clause 3 Article 39 of the Law on Water Resources on zoning of surface water functions; determination and adjustment of minimum flow; determination and organization of announcement of domestic water safeguard zones; protection of groundwater in the activities specified in clause 2 Article 31 of the Law on Water Resources; formulation and adjustment of groundwater protection plans; artificial recharge of groundwater.

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to authorities, organizations, residential communities, households and individuals whose activities involve the regulations set out in Article 1 of this Circular within the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Chapter II

ZONING SURFACE WATER FUNCTIONS; DETERMINING AND ORGANIZING ANNOUNCEMENT OF DOMESTIC WATER SAFEGUARD ZONES

Section 1. ZONING SURFACE WATER FUNCTIONS

Article 3. Rules for zoning surface water functions

1. Ensure systematicity in the river basin and suitability for provincial administrative boundaries.

3. Comprehensively consider the value and benefits that water sources bring, the level of protection priority and the facilitation of fulfillment of requirements for water source protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Procedures for zoning river, stream, canal and ditch water functions

River, stream, canal and ditch water function zones shall be determined for each river, stream, canal or ditch segment and there is one or more functions mentioned in clause 4 of this Article. The zoning of river, stream, canal and ditch water functions shall be carried out as follows:

1. Information and data in service of zoning of surface water functions:

a) Status and demands for exploitation and use of water resources for the following purposes: domestic activities; agricultural production; aquaculture; industrial production; business operation and service provision; tourism; hydropower; waterway traffic and other water source-related activities;

b) Status of aquatic ecosystems;

c) Supply capacity of water sources in terms of their quantity and quality;

d) Water source areas with religious, folk belief, cultural and tourism development activities; role and importance of water sources in protection and preservation of religious activities, folk beliefs, cultural values, tourism development, landscape creation, environment and people's livelihoods;

dd) Water source areas playing a significant role in flood storage and drainage;

e) Water source areas for which plans and measures for water source protection, improvement and restoration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Location of tributary and distributary points; provincial administrative boundaries; national borders;

b) Locations of structures for exploitation and use of water resources and discharge of wastewater, hydropower reservoirs, irrigation reservoirs, water regulation works; locations and areas where business and service activities are carried out; areas with waterway traffic activities;

c) Area reserved for structures for water resource exploitation and use and for exploitation and use of water resources determined in water resource-related planning, regional planning, provincial planning and technical and specialized planning containing contents related to the exploitation and use of water resources;

d) Locations and areas with religious, folk belief and cultural structures and activities, historical and cultural sites/monuments, scenic landscapes, wildlife sanctuaries, biodiversity conservation areas, important ecological landscapes, high-biodiversity areas related to river, stream, canal and ditch water;

dd) Flood storage and drainage areas.

3. River, stream, canal and ditch segmentation:

a) Segmenting river, stream, canal and ditch for zoning of water functions;

b) The river, stream, canal and ditch segmentation shall be carried out on the basis of: characteristics of water sources; status of water quality; purposes of using water and water source-related activities; requirements for water source protection, improvement and restoration.

4. The zoning of function of each river, stream, canal or ditch segment shall be carried out as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Regarding the river, stream, canal or ditch segment where the exploitation and use of water resources do not take place at the time of function zoning or the demands for exploitation and use of water are not specified in water resource-related planning, regional planning, provincial planning and relevant technical and specialized planning containing, it is determined that the water source function is to protect the development of aquatic ecosystems and create landscapes and environment.

Article 5. Determination of lake, pond and lagoon water functions

1. Water functions of a river, pond or lagoon shall be determined for its entire area and it has the water functions specified in clause 1 Article 22 and clause 1 Article 28 of the Law on Water Resources.

2. The information and data serving determination of water source functions specified in clause 1 Article 4 of this Circular shall be relied to determine water source functions for each lake, pond or lagoon.

Article 6. Requirements for results of water source function zoning

1. The results of zoning of river, stream, canal and ditch water functions shall be consolidated and included in a list in which the following information about each river, stream, canal or ditch segment whose water functions have been zoned shall be displayed:

a) Name of the river, stream, canal or ditch; name of the river basin;

b) Length, administrative locations, coordinates of starting and ending points of the river, stream, canal or ditch whose water functions have been zoned (VN2000 coordinate system, projection zone 30);

c) Water functions of the river, stream, canal or ditch segment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Name of the lake, pond or lagoon; coordinates representing the location of the lake, pond or lagoon (VN2000 coordinate system, projection zone 30), administrative location; name of the organization or individual managing and operating it (if any). For a hydropower or irrigation reservoir on a river or stream, specify name of the river or stream;

b) Area of the water surface of the lake, pond or lagoon whose water functions have been determined;

c) Water functions of the lake, pond or lagoon.

3. Results of water source zoning shall be updated on the national water resource information and database system.

Article 7. Organizing zoning of water source functions, approval and announcement of water source functions

1. Where the zoning of surface water functions is covered by the comprehensive inter-provincial river basin planning or provincial planning, the approval or announcement of water source functions shall be part of the procedures for approving and announcing planning.

2. Where the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee determines and announces surface water functions as prescribed in clause 5 Article 22 of the Law on Natural Resources, the zoning, approval and announcement of water source functions shall be carried out as follows:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct the Department of Water Resources Management to cooperate with the Department of Natural Resources and Environment and relevant agencies in determining and zoning functions of inter-provincial and transboundary surface water and collecting comments on the results of zoning of water source functions from the Ministry of Industry and Trade, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Transport, Ministry of Construction, Ministry of Culture, Sports and Tourism, provincial People’s Committee, river basin organization (if any) and related agencies and units.

On the basis of those comments, the Department of Water Resources Management shall consolidate, receive and respond to them, complete and submit the application to the Minister of Natural Resources and Environment for consideration and approval;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



On the basis of those comments, the Department of Natural Resources and Environment shall consolidate, receive and respond to them, complete and submit the application to the provincial People’s Committee for consideration and approval;

c) Within 14 days from the date of approving the zoning of water source functions, the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee shall, within their power, announce and post the decision to approve zoning of water source functions on the web portal of the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee.

Section 2. DETERMINING AND ORGANIZING ANNOUNCEMENT OF DOMESTIC WATER SAFEGUARD ZONES

Article 8. Rules for determining domestic water safeguard zones

1. Ensure the prevention and minimization of adverse impacts on water quality of structures for exploitation of water for supply of water for domestic use and other water functions.

2. Be suitable for topographic, geological and hydrogeological conditions, flow regime, water source characteristics, exploitation scale, construction layout and other characteristics related to protection of domestic water quality.

3. Be suitable for current use of land and socio-economic development activities in areas where structures for exploitation of water for supply of water for domestic use are available.

Article 9. Cases where the determination and announcement of domestic water safeguard zones are required

For structures for exploitation of water for supply of water for domestic use or supply of water for multiple purposes, including supply of water for domestic use (hereinafter referred to as “structures for exploitation of water for supply of water for domestic use”) of business, production and service establishments, it is required to determine and announce domestic water safeguard zones. Those structures include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Groundwater exploitation structures with a capacity of over 10 m3/24 hours.

Article 10. Perimeters of domestic water safeguard zones for surface water exploitation structures

1. The perimeter of the domestic water safeguard zone for a surface water exploitation structure along a river, stream, canal or ditch for supply of water for domestic use is upstream or downstream area from the water exploitation location of the structure (including the perimeter of protection corridor of river, stream, canal or ditch water that is being exploited). To be specific:

a) Where the water exploitation structure has a capacity exceeding 100 m3/24 hours but not exceeding 50,000 m3/24 hours, the perimeter of the domestic water safeguard zone shall be at least 1,000 m upstream and 100 m downstream, regarding mountainous areas; at least 800 m upstream and 200 m downstream, regarding delta and midland areas;

b) Where the water exploitation structure has a capacity of at least 50,000 m3/24 hours, the perimeter of the domestic water safeguard zone shall be at least 1,500 m upstream and 100 m downstream, regarding mountainous areas; at least 1,000 m upstream and 200 m downstream, regarding delta and midland areas.

2. The perimeter of the domestic water safeguard zone for a structure for exploitation of water from a reservoir or roller dam for supply of water for domestic use is the distance from surface water exploitation. To be specific:

a) The perimeter shall be at least 1,500m, regarding the reservoir or roller dam water exploitation structure along a river or stream and not transcend the perimeter of the reservoir or roller dam water safety perimeter;

b) The perimeter shall include entire reservoir foundation in case the reservoir water exploitation structure is different from the one specified in point a of this clause.

Article 11. Perimeters of domestic water safeguard zones for groundwater exploitation structures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Regarding the structure for exploitation of groundwater in an unconfined aquifer, the domestic water safeguard zone shall be determined for each exploitation well and be at least 20 m from the mouth of the well.

Article 12. Determination, approval and announcement of domestic water safeguard zones

1. In the course of preparing an application for issuance of the water resource exploitation permit, the organization or individual investing in, managing or operating the structure for exploitation of water for supply of water for domestic use shall rely on the regulations set out in Articles 10 and 11 of this Circular to propose specific perimeter of the domestic water safeguard zone for the water exploitation structure in such application.

2. Where the domestic water safeguard zone is located in one province:

a) On the basis of the proposed perimeter of the domestic water safeguard zone specified in clause 1 of this Article and current use of land, the Department of Natural Resources and Environment of the province where the structure exists shall organize the determination of the domestic water safeguard zone for the structure;

b) Within 42 days from the date of receiving the water resource exploitation permit, the Department of Natural Resources and Environment shall request the provincial People’s Committee to grant approval for the domestic water safeguard zone for the structure.

3. Where the domestic water safeguard zone is located in at least two provinces or central-affiliated cities:

a) On the basis of the proposed perimeter of the domestic water safeguard zone specified in clause 1 of this Article and current use of land, the Department of Natural Resources and Environment of the province where the structure exists shall preside over and cooperate with Departments of Natural Resources and Environment of related provinces in reaching agreement on the domestic water safeguard zone for the structure;

b) Within 42 days from the date of receiving the water resource exploitation permit, the Department of Natural Resources and Environment of the province where the water exploitation structure exists shall submit a plan for perimeter of the domestic water safeguard zone agreed upon as prescribed in point a of this clause to the Department of Water Resources Management for consideration and submission thereof to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 42 days from the date on which the decision to approve domestic water safeguard zone is obtained, the related provincial People’s Committees shall direct the Department of Natural Resources and Environment to organize the announcement thereof on mass media, local websites and send it to related district-level People’s Committees to organize the determination of the perimeter of the domestic water safeguard zone on site.

Article 13. Organizing determination of perimeters of domestic water safeguard zones on site

1. Where the domestic water safeguard zone is located in one province:

Within 42 days from the date on which the decision to approve domestic water safeguard zone is obtained, the district-level People’s Committees shall send a notification of the plan to determine perimeter of domestic water safeguard zone on site to the People's Committee of the commune within the perimeter of the domestic water safeguard zone and to the organization or individual investing in, managing or operating the water exploitation structure for cooperation in determining the perimeter and location where the domestic water safeguard zone sign is put up on site.

After completing the determination of perimeter of domestic water safeguard zones on site, the district-level People’s Committee shall send a notification of the completion result to the Department of Natural Resources and Environment.

2. Where the domestic water safeguard zone is located in at least two provinces or central-affiliated cities, the determination of perimeter of domestic water safeguard zone on site shall be carried out in each province or city as prescribed in clause 1 of this Article.

After completing the determination of perimeter of domestic water safeguard zone on site, the district-level People’s Committee shall send a notification of the completion result to the Department of Natural Resources and Environment and the Department of Water Resources Management.

Article 14. Responsibilities of agencies, organizations and individuals related to domestic water safeguard zones

1. Organizations, individuals and households conducting production and business activities and providing services within domestic water safeguard zones must comply with regulations on water source protection corridors, protection of surface water resources and groundwater resources in accordance with regulations of law on water resources, law on environmental protection and other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any act of polluting or risk of causing pollution, resulting in failure to assure the safety during water exploitation by the structure and any other act of violating the law on water resources within the domestic water safeguard zone shall, upon being discovered, be promptly prevented and immediately reported to the nearest local authority for handling.

3. Provincial People's Committees shall direct district-level People's Committees and communal People's Committees to perform the following tasks: determine perimeters of domestic water safeguard zones on site; inspect, audit and supervise activities within domestic water safeguard zones for water exploitation structures in their districts and communes; receive information and resolve the issues that arise in relation to domestic water safeguard zones for water exploitation structures in their districts and communes within their power.

Chapter III

DETERMINATION AND ADJUSTMENT OF MINIMUM FLOWS

Article 15. Requirements for minimum flow values

1. Minimum flow on rivers, streams and downstream of dams and reservoirs has a value in the range from the smallest monthly flow rate to the average flow rate of 3 months with smallest flow rates (m3/s).

In case a value different from the abovementioned value is required, the regulations set out in clause 4 Article 24 of the Law on Water Resources shall be relied on to determine the minimum flow value at each location but the maximum increase must not exceed the average flow in the dry season and must be within the actual capacity of the water source and the regulation and operation capacity of a dam or reservoir; the maximum reduction must not exceed 50% of the smallest monthly flow rate but water supply safety, social security, environmental and aquatic ecosystem protection must be assured.

2. According to the required values of minimum flows on rivers, streams and downstream of dams and reservoirs specified in clause 1 of this Article, the determination of minimum flows shall comprehensively and fully rely on the principles and bases specified in clauses 3 and 4 Article 24 of the Law on Natural Resources to select an appropriate minimum flow value for each location.

3. Depending on the requirements regarding water exploitation and use regimes and regulation and operation capacity of dams, reservoirs and capacity of regulation structures, the minimum flow value at each location may be considered and determined corresponding to each period and time of year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Regarding structures serving salinity and flooding prevention and dams in coastal estuaries, the competent authority that confirms the registration and licensing of surface water exploitation shall decide the necessity of maintaining the minimum flow.

Article 16. Locations at which minimum flows are determined

1. For rivers and streams:

a) Locations at which minimum flows are determined on a river or stream shall be determined at one or more locations. To be specific: location(s) on the river or stream before merging into another river or stream; location(s) at hydrological stations and water resources monitoring stations;

b) In addition to the locations specified in point a of this clause, in the case where the specific requirement for flow is laid down to facilitate water exploitation and use; cultural, sports and tourism activities; to prevent water source degradation, restore water sources, protect aquatic ecosystems, conserve biodiversity and economically valuable aquatic species on one or more segments of the river or stream, the competent water resources authorities specified in clauses 6 and 7 Article 24 of the Law on Water Resources shall consider and decide to additionally select location(s) at which minimum flows are determined.

2. For dams and reservoirs:

a) Locations at which minimum flows of downstream of a dam or reservoir are determined shall be determined right behind the dam;

b) For the dam or reservoir for which a water exploitation plan is tailored resulting in interrupting the flow of a river or stream, depending on the size and regulation capacity of the reservoir, degree of impact of the structure, requirements for flow regime on the river or stream and requirements for exploitation and use of water downstream of the dam or reservoir, in addition to the location(s) specified in point a of this clause, consider determining the minimum flow at a location right behind the work item intended for returning flow to the river or stream;

c) For a dam or reservoir on a river or stream with a water exploitation scale subject to registration and licensing of water resource exploitation according to regulations of law on water resources, arrange the work items for discharging the minimum flow which have full capacity for discharge to meet the requirements specified in clause 1 Article 15 of this Circular, except where the dam or reservoir has been put into operation and the work items for discharging the minimum flow fail to be adjusted or added.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The flow characteristics calculated at each location at which minimum flow is determined include:

a) Distribution of annual flow by months;

b) Annual flow characteristics;

c) Characteristics of flow in dry season (minimum monthly flow, average flow of the month with smallest flow, average flow of 3 months with and average flow in dry season).

2. Based on existing hydro-meteorological monitoring data and characteristics of the basin, the flow characteristics shall be determined using one of the following methods:

a) In the case where a hydrological station or water resources monitoring station or annual or multi-year regulating reservoir (hereinafter referred to as “hydrological monitoring station”) along a river or stream has a series of hydrological monitoring data obtained over the last 20 years or more and the difference in the basin area of the hydrological station and that at the location at which minimum flow is determined does not exceed 10%, the correlation (between annual rainfall and basin area) with flow data of the hydrological monitoring station may be used for determination;

b) In the case where a hydrological monitoring station along a river or stream has a series of hydrological monitoring data obtained over the last 20 years or more but the difference in the basin area of the hydrological station and that at the location at which minimum flow is determined exceeds 10% or the series of hydrological monitoring data is obtained in less than 20 years or there is not a hydrological monitoring data along the river or stream, any of the following methods may be considered and selected:

Regionalisation method regarding the hydrological station with a series of data obtained over the last 20 years or more if the area of one basin does not exceed five (05) times the area of another basin and the two basins are similar in terms of basic conditions for forming flow and synchronization of flow fluctuations.

Correlation between annual rainfall and annual flow.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Other methods appropriate to the hydrological characteristics and hydrometeorological data and conditions of a region.

3. If there are multiple locations at which minimum flow is determined adopting various methods on the same system of rivers or streams, values of the flow characteristics may be considered and adjusted to ensure the systemacity.

4. For a dam or reservoir on a river or stream subject to registration of water exploitation according to regulations of law on water resources, in addition to the methods specified in clause 2 of this Article, the correlation (by the ratio of basin area) with the flow data of the hydrological station or correlation with the minimum flow value of another dam or reservoir licensed in the same river basin or operating data of a structure may be used to determine the minimum flow value.

Article 18. Requirements for information, data and results of determination of minimum flows

1. Information and data used to assess and determine a minimum flow must be reliable and consistent with the applied method.

Where hydrological monitoring data has been affected by the regulation by water regulation and water transfer works on rivers and streams, the data must be restored before being used for calculation and assessment.

2. The results of calculation of flow characteristics and selection of minimum flow value at each location must be justified and explicitly explained in terms of the satisfaction of the requirements specified in Article 15 of this Circular and the following contents:

a) Location selection;

b) Selection of calculation method;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Results of determination of minimum flow on a river or stream must be consolidated, included in a diagram and list which primarily contains the following information:

a) Name of the river or stream in the river basin;

b) Location at which minimum flow is determined: coordinates, administrative location;

c) Minimum flow value

4. For a dam or reservoir, the minimum flow value downstream of the dam or reservoir is specified in the surface water exploitation permit or certificate of registration of surface water exploitation containing information about location (coordinates, administrative location), minimum flow value.

Article 19. Approval and announcement of minimum flows

1. Where the determination of minimum flows is covered by the comprehensive inter-provincial river basin planning or provincial planning, the announcement of minimum flows shall be part of the procedures for approving and announcing planning.

2. Where the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee determines and announces minimum flows as prescribed in clauses 6 and 7 Article 24 of the Law on Natural Resources, the approval and announcement of minimum flows shall be carried out as follows:

a) For rivers and streams:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



On the basis of those comments, the Department of Water Resources Management shall consolidate, receive and respond to them, complete and submit the application to the Minister of Natural Resources and Environment for consideration, approval and announcement of minimum flows.

The provincial People’s Committee shall direct the Department of Natural Resources and Environment to carry out survey and assessment, and collect comments on minimum flows on intra-provincial and transboundary rivers and streams from the Department of Industry and Trade, Department of Agriculture and Rural Development, Department of Transport, Department of Construction, Department of Culture, Sports and Tourism and related provincial departments and local authorities; consolidate comments of Departments and agencies and send them to the Ministry of Natural Resources and Environment (through the Department of Water Resources Management) to obtain its comments.

On the basis of those comments, the Department of Natural Resources and Environment shall consolidate, receive and respond to them, complete and submit the application to the provincial People’s Committee for consideration, approval and announcement of minimum flows.

The dossier for collection of comments includes a draft approval decision enclosed with a list of minimum flows on rivers and streams, a report on explanation for determination of minimum flows and minimum flow diagrams of rivers and streams.

Within 14 days from the date of approving minimum flows on rivers and streams, the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee shall, within their power, announce and post the decision to approve minimum flows on the web portal of the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee;

b) For dams and reservoirs:

Owners of dams, reservoirs or organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs shall propose the values of minimum flows downstream of dams and reservoirs that they invest in, construct, manage and operate in the registration form or the application for issuance of permit for surface water exploitation according to regulations of law on water resources, which are approved by the competent authority in point b clause 6 and point b clause 7 Article 24 of the Law on Water Resources in the permit for exploitation and use of surface water or certificate of registration of surface water exploitation and use.

Every 6 months, the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee shall, within their power, direct the aggregation of the approved values of minimum flows downstream of dams and reservoirs to issue an announcement decision and post it on the web portal of the Ministry of Natural Resources and Environment or provincial People’s Committee.

Article 20. Review and adjustment of minimum flows

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Owners of dams, reservoirs or organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs prescribed in point b clause 1 Article 24 of the Law on Water Resources shall propose the values of minimum flows downstream of dams and reservoirs in the registration form or the application for issuance or adjustment of permit for surface water exploitation and submit it to the competent authority in point b clause 6 and point b clause 7 Article 24 of the Law on Water Resources for consideration and approval in the course of certification or permit issuance.

3. The adjustment of minimum flows shall be made in the same manner as the determination, approval and announcement of minimum flows as specified in this Circular.

Chapter IV

GROUNDWATER PROTECTION

Section 1. GROUNDWATER PROTECTION PLAN

Article 21. Requirements for groundwater protection plan

2. The groundwater protection plan must specify the areas and aquifers where water source deterioration, depletion or pollution occurs and causes therefor; plan to organize the adoption of solutions for zoning off or removing an area from the list of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; groundwater exploitation plan; areas to be artificially recharged; solutions for protecting groundwater source quality. Priority shall be given to the protection and restoration of aquifers where primarily exploited and aquifers exploited to supply domestic water.

If information and data are insufficient and invalid to serve as a basis for formulating the groundwater protection plan, the provincial People’s Committee shall decide to further the groundwater survey and assessment to service the formulation.

4. The groundwater protection plan must be consistent and conformable for resources and solutions for implementation thereof; feasibility and efficiency must be ensured in the course of implementation thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A groundwater protection plan consists of the following details:

1. Objectives of the groundwater protection plan.

2. Current status of groundwater and groundwater pollution, deterioration and depletion.

3. Polluted, deteriorated and depleted areas and aquifers; list of areas and aquifers whose restoration needs to be prioritized determined as prescribed in clause 3 Article 23 of this Circular.

4. Schemes and solutions for protection and restoration of areas and aquifers determined as prescribed in clause 4 Article 23 of this Circular.

5. Other relevant details of groundwater protection (if any).

6. Implementation.

Article 23. Procedures for formulating groundwater protection plan

1. Assess current status of and changes in groundwater exploitation and use; current status of and changes in water table; current status of and changes in groundwater quality and saltwater intrusion; current status of and changes in land subsidence related to groundwater exploration and exploitation; causes for deterioration, depletion and pollution of aquifers in the province.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Areas and aquifers whose exploited flow rate has reached or exceeded 90% of the groundwater exploitation threshold determined in the inter-provincial river basin planning.

In case there is no inter-provincial river basin planning or the approved inter-provincial river basin planning has yet to stipulate the groundwater exploitation threshold, it is determined that areas and aquifers whose exploited flow rate has reached or exceeded 90% of the amount of exploitable water of each aquifer in each area and is calculated on the basis of the permissible water level for exploitation.

b) Areas and aquifers whose average water level during the 6 months in the dry season in monitoring wells or exploitation wells has reached or exceeded 95% of the permissible water level for exploitation and tends to continue to decline;

c) Areas where land subsidence has occurred or areas at risk of land subsidence;

d) Areas and aquifers at risk of salinization; contaminated with one of the following parameters: ammonium, nitrite, nitrate or arsenic or other heavy metal parameters according to national technical regulation on groundwater quality.

3. Based on the degree of deterioration, depletion and pollution of groundwater; demands for exploitation and use of groundwater; level of water scarcity and orientations for exploitation, use, and protection of water resources in inter-provincial river basin planning and provincial planning, compile a list of areas and aquifers whose protection and restoration need to be prioritized.

The list of areas and aquifers whose protection and restoration need to be prioritized shall explicitly display administrative range, distribution area and causes for deterioration, depletion and pollution of groundwater.

4. Determine schemes and solutions for protection and restoration of areas and aquifers on the list of areas and aquifers whose protection and restoration need to be prioritized. A scheme consists of one or more details below:

a) Areas and aquifers for which the areas prohibited or restricted from groundwater exploitation need to be zoned off and implementation of measures to prohibit or restrict groundwater exploitation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Areas to be artificially recharged;

d) Groundwater pollution areas where the use of fertilizers and chemicals in agricultural production needs to be kept under strict control; areas where waste, waste sources, drilling and digging operations and other activities potentially causing groundwater pollution needs to be kept under strict control;

dd) Proposal for and adjustment of schemes for exploitation and use of groundwater.

5. According to characteristics of groundwater in each area in a province, prescribe other relevant details of and requirements for groundwater protection.

6. Formulate a plan to organize the implementation.

Article 24. Promulgation of groundwater protection plan

1. Every provincial People's Committee shall direct the allocation of funding and direct the Department of Natural Resources and Environment to organize the survey, production of statistics on and aggregation of information and data and develop a groundwater protection plan in its province.

2. The Department of Water Resources Management shall collect written comments about the draft groundwater protection from the Department of Construction, Department of Industry and Trade, Department of Agriculture and Rural Development, Department of Health and representatives of several organizations and individuals managing and using large amount of groundwater in its province.

3. The Department of Natural Resources and Environment shall perfect the draft groundwater protection plan based on the comments of the agencies and units specified in clause 2 of this Article and sends it to the Department of Water Resources Management to obtain its comments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Department of Natural Resources and Environment shall update the groundwater protection plan on the national water resources information system and database within 07 days after its approval and implementation.

Article 25. Review and adjustment of groundwater protection plan

1. Every 5 years or where necessary, the Department of Natural Resources and Environment shall conduct a review of the groundwater protection plan, report the review result to the Provincial People's Committee and recommends adjustments to the plan (if any).

2. The groundwater protection plan shall be considered and adjusted in the following circumstances:

a) Any adjustment to the inter-provincial river basin planning or to the plan for exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water under provincial planning basically changes the orientations for exploitation, use and protection of groundwater resources;

b) There is any major change to groundwater sources in the province due to impacts of natural and artificial factors.

3. The provincial People’s Committee shall decide to adjust the groundwater protection plan. Procedures for adjusting a groundwater protection plan are the same as those for promulgating a groundwater protection plan specified in Article 24 of this Circular.

Section 2. ARTIFICIAL RECHARGE OF GROUNDWATER

Article 26. Requirements for artificial recharge of groundwater

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Sources of rainwater and surface water used for artificial recharge of groundwater must be suitable for water quality of artificially recharged aquifers and controlled regularly during the artificially recharge.

3. The artificial recharge of groundwater must be tested for at least 90 days before official operation in the cases specified in points a and b clause 1 Article 27 of this Circular.

4. In the case where a work for artificial recharge of groundwater is done serving scientific research purposes, if it is needed to keep using such work for artificial recharge of groundwater, it must be tested and comments from the Department of Natural Resources and Environment shall be collected as prescribed in Article 29 of this Circular.

5. If the need to keep using the work for artificial recharge of groundwater is obviated or the requirements for official operation of the work for artificial recharge of groundwater have not been fulfilled, groundwater protection and environmental protection measures shall be implemented as prescribed.

6. The design, construction, management and operation of drilling and excavation works serving artificial recharge of groundwater must satisfy the requirements for groundwater protection according to regulations.

Where the artificial recharge of groundwater leads to land subsidence, immediately suspend it, promptly handle it, take corrective actions and provide compensation if any damage is caused.

Article 27. Cases of artificial recharge of groundwater

1. Cases of artificial recharge of groundwater include:

a) For the purpose of restoring deteriorated and depleted areas and aquifers according to the approved groundwater protection plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) For the purpose of scientific research or testing of solutions for artificial recharge of groundwater.

2. The artificial recharge of groundwater prescribed in point a clause 1 of this Article must be carried out according to the plan for artificial recharge of groundwater approved by the provincial People's Committee.

A work for artificial recharge of groundwater may only be officially operated after the testing result is assessed as satisfying the requirements for quality of water and artificially recharged water.

3. Before carrying out artificial recharge of groundwater as prescribed in points b and c clause 1 of this Article, comments on the plan for artificial recharge of groundwater shall be collected from the Department of Natural Resources and Environment as prescribed in clause 2 Article 28 of this Circular.

Article 28. Plan for artificial recharge of groundwater

1. A plan for artificial recharge of groundwater is composed of the following details:

a) Explanation for the necessity of artificial recharge of groundwater;

b) Description of characteristics of the hydrogeological structure, quality of water in the aquifer and assessment of water retention and storage capacity of the aquifer;

c) Assessment of the suitability of quantity and quality of the water source used for artificial recharge of groundwater;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Description of the testing process;

e) Description of the procedures for operating and managing works for artificial recharge of groundwater.

2. Each organization or individual shall submit 01 dossier to collect comments on the plan for artificial recharge of groundwater in person or by post or online via the online public service portal to the Department of Natural Resources and Environment as prescribed in clause 3 Article 27 of this Circular. The dossier includes:

a) A written request for comments on the plan for artificial recharge of groundwater;

b) The plan for artificial recharge of groundwater specified in clause 1 of this Article;

c) Diagram or drawing of the work for artificial recharge of groundwater;

d) Related legal and technical documents of the project (if any).

3. Within 30 days from the date of receiving a dossier in full as prescribed in clause 2 of this Article, the Department of Natural Resources and Environment shall give its written comments for artificial recharge of groundwater to the organization or individual.

Article 29. Collecting comments on results of testing of artificial recharge of groundwater

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Each organization or individual shall submit 01 report on result of testing of artificial recharge of groundwater as prescribed in clause 3 of this Article in person or by post or online via the online public service portal to the Department of Natural Resources and Environment.

2. Within 30 days from the date of receiving the report on result of testing of artificial recharge of groundwater, the Department of Natural Resources and Environment shall, according to the plan for artificial recharge of groundwater and testing result, give its written comments on the result of testing of the work for artificial recharge of groundwater and the satisfaction of requirements for official operation to the organization and individual.

3. Main details of the report on result of testing of artificial recharge of groundwater are specified in clause 1 of this Article, including a description of the testing result; assessment of satisfaction of the requirements for quality of water and artificially recharged water.

Article 30. Responsibilities of organizations, agencies and individuals for artificial recharge of groundwater

1. Each organization or individual carrying out artificial recharge of groundwater shall:

a) Formulate a plan to prevent and respond to water source pollution incident during the artificial recharge of groundwater;

b) Monitor and supervise water level and water quality, and adjust flow rate of water used for artificial recharge of groundwater within the water storage and retention capacity of the aquifer;

c) Before January 15 of the next year, report the artificial recharge of groundwater to the Department of Natural Resources and Environment of the province where the work is located and update it on the national water resources information system and database.

2. Each Department of Natural Resources and Environment shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Carry out inspection and supervision during testing and official operation of a work for artificial recharge of groundwater as specified in points b and c clause 1 Article 27 of this Circular;

c) Update results of artificial recharge of groundwater on the national water resources information system and database in the case of artificial recharge of groundwater specified in point a clause 1 Article 27 of this Circular.

Section 3. PROTECTION OF GROUNDWATER UPON DRILLING, DIGGING, EXPLORATION AND EXPLOITATION OF GROUNDWATER

Article 31. Protection of groundwater in case of design and construction of drilling and digging works and experimentation under groundwater survey, assessment, exploration and exploitation projects

1. The design and construction of drilling and digging works under groundwater survey and assessment projects must comply with the following requirements:

a) The design and drilling for groundwater survey and assessment shall adhere to technical regulations imposed by the Minister of Natural Resources and Environment;

b) The construction of drilling works shall be carried out by a groundwater drilling practicing certificate holder;

c) The drill depth and diameter, structure of casings, filter pipes, and sealing must be suitable for the stratigraphic characteristics and facilitate the prevention of water from entering the aquifers from the ground;

d) The construction of drilling and digging works shall ensure the stability of soil and stones in the vicinity of the construction area.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The design and plan for construction of drilled wells for exploration and exploitation of groundwater shall be carried out by a person primarily responsible for technical issues of the groundwater drilling practicing certificate holder;

b) Stability of casings and filter pipes installed in drilled wells for groundwater exploitation must be ensured in the course of exploitation;

c) In case of using chemicals to submerge and clean drilled wells, the used chemicals must not pollute the environment and water sources.

d) For ground exploitation structures, the monitoring in service of groundwater exploitation surveillance shall be carried out as prescribed. Regarding a groundwater exploitation structure for which a monitoring well must be built, the location of the monitoring well must be representative of the water exploitation by the structure and shown in the application form for permit.

3. Requirements for protection of groundwater in case of experimentation under groundwater survey, assessment, exploration and exploitation projects:

a) Chemicals and radioactive materials used during experimentation must not pollute the environment and water sources;

b) Measures should be in place to prevent wastewater or water containing toxic substances from entering drilled and dug wells;

c) Methods and process for conducting experiments inside drilled wells must be fully presented in scientific research schemes, topics, projects and construction technical documents;

d) In case of pumping water for experimentation, in addition to the regulations in points a, b and c of this clause, the pumping must not cause inundation or cause the water level to be lower than the permissible water level for exploitation If any incident is caused affecting the environment, the organization or individual shall immediately suspend the pumping and provide compensation for any damage (if any) inflicted as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Protection of groundwater upon engineering geological survey, handling of foundations of construction works, construction of underground structures; geological exploration, mineral exploration and mining, oil and gas exploration and extraction

1. Organizations and individuals carrying out engineering geological survey, handling of foundations of construction works, construction of underground structures; geological exploration, mineral exploration and mining, oil and gas exploration and extraction involving drilling, digging and experimentation activities shall, in addition to compliance with relevant regulations, standards and technical regulations, fully comply with the requirements for groundwater protection specified in Article 31 of this Circular.

2. Organizations and individuals handling foundations of construction works must not cause land subsidence; not cause pollution, deterioration or depletion of groundwater sources.

3. For reservoirs, tanks or areas containing wastewater, residues and other liquid waste produced during mineral mining process, the environmental protection regulations and requirements specified in the laws on environmental protection, minerals and water resources must be complied with so as to prevent groundwater pollution.

4. In case a drilled well used for engineering geological survey, handling of foundations of construction works or construction of underground structures; geological exploration, mineral exploration and mining, oil and gas exploration and extraction has an expected useful life of at least 02 years, the requirements set out in point c clause 1 Article 31 of this Circular must be fulfilled.

5. Organizations and individuals carrying out engineering geological survey, handling of foundations of construction works and construction of underground structures; geological exploration, mineral exploration and mining, oil and gas exploration and extraction shall update information and data on the geological and stratigraphic structure at locations of drilled wells on the national water resources information system and database as prescribed.

Article 33. Protection of groundwater upon dewatering mines and construction pits and carrying out other drilling, digging and experimentation activities

1. Organizations and individuals dewatering mines and construction pits and carrying out other drilling, digging and experimentation activities shall, in addition to complying with relevant regulations, standards and technical regulations, fully comply with the groundwater protection requirements specified in Article 31 of this Circular.

2. If an organization or individual mining minerals or constructing works carry out pumping or dewatering operations resulting in the water table to be lowered, they shall immediately suspend the pumping or dewatering and take corrective actions; provide compensation for any damage caused as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 34. Transitional clause

1. Regarding domestic water safeguard zones:

a) In case any structure for exploitation of water for supply of water for domestic use is granted a permit for exploitation and use of water resources before the effective date of this Circular but a domestic water safeguard zone for such structure has not yet been determined and approved, regulations of this Circular shall be adhered to and the proposal for perimeter of the domestic water safeguard zone shall be completed and sent to the Department of Natural Resources and Environment of the province where the structure is located before July 01, 2025 at the latest.

b) In case a domestic water safeguard zone for the structure for exploitation of water for supply of water for domestic use is approved before the effective date of this Circular, regulations of this Circular shall continue to be implemented according to the approved decision. In case the organization or individual investing in, managing or operating the water exploitation structure wish to adjust the perimeter of the domestic water safeguard zone as prescribed in this Circular, a perimeter proposal shall be sent to the Department of Natural Resources and Environment of the province where the structure is located.

c) In case any structure for exploitation of water for supply of water for domestic use operates before the effective date of this Circular but the domestic water safeguard zone cannot be established in reality as prescribed in Article 10 and Article 11 of this Circular, the authority having power to approve domestic water safeguard zones shall rely on the nature and scale of the structure, water source characteristics and other requirements for protection of such water source to consider reducing the area of perimeter of the domestic water safeguard zone but quality of the water source in such domestic water safeguard zone must be ensured.

2. Regarding determination of minimum flows:

The minimum flow value specified by the competent authority in the permit for exploitation and use of water resources or in the inter-reservoir operation procedures promulgated before the effective date of this Circular shall remain valid until such permit expires or until a decision on revision to the inter-reservoir operation procedures is issued.

3. Regarding of well sealing:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Effect

1. This Circular comes into force from July 01, 2024.

2. From the effective date of this Circular, the following Circulars shall cease to have effect:

a) Circular No. 24/2016/TT-BTNMT dated September 9, 2016 of the Minister of Natural Resources and Environment;

b) Circular No. 31/2018/TT-BTNMT dated December 26, 2018 of the Minister of Natural Resources and Environment;

c) Circular No. 64/2017/TT-BTNMT dated December 22, 2017 of the Minister of Natural Resources and Environment;

d) Circular No. 75/2017/TT-BTNMT dated December 29, 2017 of the Minister of Natural Resources and Environment;

dd) Circular No. 27/2014/TT-BTNMT dated May 30, 2014 of the Minister of Natural Resources and Environment;

e) Circular No. 40/2014/TT-BTNMT dated July 11, 2014 of the Minister of Natural Resources and Environment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Chapters and Articles of the following Circulars of the Minister of Natural Resources and Environment are repealed from the effective date of this Circular:

a) Article 20 of the Circular No. 40/2014/TT-BTNMT dated June 03, 2020 of the Minister of Natural Resources and Environment;

b) Articles 3, 4 and 17, Chapter III and Chapter V of the Circular No. 17/2021/TT-BTNMT dated October 14, 2021 of the Minister of Natural Resources and Environment;

Article 36. Implementation

1. Ministers, ministerial agencies, Governmental agencies, People’s Committees of provinces and central-affiliated cities and units affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment, Departments of Natural Resources and Environment of provinces and central-affiliated cities, organizations and individuals concerned are responsible for the implementation of this Circular.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported promptly to the Ministry of Natural Resources and Environment of Vietnam for consideration and resolution./.

 

 

PP. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Le Cong Thanh

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/05/2024 hướng dẫn Luật Tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.535

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.196.39
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!