BỘ
NGOẠI GIAO
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
17/2012/TB-LPQT
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2012
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc
tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác đưa vào
Liên bang Nga nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu,
ký tại Hà Nội ngày 16 tháng 3 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 3 năm
2012.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản
sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lê Thị Tuyết Mai
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ
CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HỢP TÁC ĐƯA VÀO LIÊN BANG NGA NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN ĐÃ
QUA SỬ DỤNG CỦA LÒ PHẢN ỨNG NGHIÊN CỨU
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, sau đây được gọi chung là “các Bên”,
Với mong muốn hợp tác trong lĩnh vực
sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trên cơ sở Hiệp định giữa
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về
hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ký
ngày 27 tháng 3 năm 2002,
Khẳng định rằng cả hai Bên đều cam
kết tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân căn cứ theo Hiệp ước không
phổ biến vũ khí hạt nhân được thông qua ngày 01 tháng 7 năm 1968,
Căn cứ vào các tài liệu khuyến cáo
của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA),
Xét rằng cả nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên Công ước về an toàn hạt nhân
được thông qua ngày 17 tháng 6 năm 1994, Công ước về thông báo sớm tai nạn hạt
nhân được thông qua ngày 26 tháng 9 năm 1986, Công ước về trợ giúp trong trường
hợp tai nạn hạt nhân hay sự cố phóng xạ khẩn cấp được thông qua ngày 26 tháng 9
năm 1986,
Với mong muốn loại bỏ sự tàng trữ
và sử dụng nhiên liệu hạt nhân có độ giàu cao đã qua sử dụng ở nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Trong khuôn
khổ Hiệp định này, các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:
Khái niệm “Nhiên liệu hạt nhân đã
qua sử dụng” được hiểu là những bó nhiên liệu đang hiện diện tại nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến ngày Hiệp định này có hiệu lực, được sản xuất
tại Liên bang Nga (bao gồm cả những bó nhiên liệu bị hỏng) đã được chiếu xạ
trong lò nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khái niệm “Người thực hiện”, “Sự cố
hạt nhân”, và “Thiệt hại hạt nhân” được xác định bởi Công ước Viên về trách nhiệm
dân sự đối với các thiệt hại hạt nhân được thông qua ngày 21 tháng 5 năm 1963.
Điều 2.
Hiệp định này
được áp dụng đối với việc đưa vào Liên bang Nga các nhiên liệu hạt nhân đã qua
sử dụng từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích bảo quản tạm thời
để tái xử lý và để lại trên lãnh thổ Liên bang Nga các chất thải phóng xạ sinh
ra từ quá trình tái xử lý.
Điều 3.
1. Mỗi Bên chỉ
định Cơ quan có thẩm quyền để thực hiện Hiệp định này.
Cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chỉ định là Bộ Khoa học và Công nghệ “MOST”.
Cơ quan có thẩm quyền của Liên bang
Nga được chỉ định là Tập đoàn nhà nước Liên bang Nga về năng lượng nguyên tử
“ROSATOM”.
2. Các Bên có nghĩa vụ nhanh chóng
thông báo cho nhau bằng văn bản thông qua đường ngoại giao về việc thay đổi các
Cơ quan có thẩm quyền hoặc thay đổi tên gọi hoặc chức năng của các Cơ quan này.
3. Tổ chức được ủy quyền của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM);
Tổ chức được ủy quyền của Liên bang Nga là Xí nghiệp hợp nhất liên bang quốc
gia “Trung tâm liên bang An toàn bức xạ và hạt nhân”.
4. Các Cơ quan có thẩm quyền của
các Bên có nghĩa vụ nhanh chóng thông báo cho nhau về việc thay đổi các Tổ chức
được ủy quyền.
Điều 4.
1. Cơ quan có
thẩm quyền của các Bên có thể ký kết với nhau các thỏa thuận thực hiện mà các
cơ quan này coi là cần thiết cho việc triển khai Hiệp định này.
2. Các chi phí và các điều kiện
khác cần thiết để thực hiện Hiệp định này được qui định bằng các hợp đồng giữa
các Tổ chức được ủy quyền của các Bên.
3. Trong trường hợp có sự khác nhau
giữa các điều khoản của các thỏa thuận thực hiện được nêu trong khoản 1 của Điều
này và các hợp đồng được ký kết giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên với
các điều khoản của Hiệp định này thì các điều khoản của Hiệp định này có giá trị
cao hơn.
Điều 5.
1. Việc đưa
nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vào Liên bang Nga từ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam được thực hiện phù hợp với pháp luật của Liên bang Nga trong
lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử và bảo vệ môi trường.
2. Quyền sở hữu nhiên liệu hạt nhân
đã qua sử dụng được đưa vào lãnh thổ Liên bang Nga thuộc về Liên bang Nga kể từ
thời điểm Người thực hiện của Liên bang Nga nhận chúng từ Người thực hiện của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại sân bay/cảng biển quốc tế của Việt
Nam và ký biên bản giao nhận tương ứng.
Những Người thực hiện được xác định
trong các hợp đồng giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên.
3. Các sản phẩm nhận được trong quá
trình xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bao gồm Urani, Plutoni và các
chất thải phóng xạ, sẽ không được gửi trả lại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
4. Bên Việt Nam sẽ không còn chịu
trách nhiệm gì về nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sau khi nhiên liệu hạt
nhân này đã được chuyển giao quyền sở hữu cho Bên Nga phù hợp với khoản 2 của
Điều này.
Điều 6.
1. Trách nhiệm
dân sự đối với thiệt hại hạt nhân mà có thể xảy ra liên quan đến việc thực hiện
hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này được điều tiết bởi các Bên phù hợp theo
các nguyên tắc của Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại hạt
nhân ngày 21 tháng 5 năm 1963, theo Công ước này được áp dụng cho cả hai Bên về
toàn thể, xem như Việt Nam đã là thành viên của Công ước này.
2. Trách nhiệm dân sự về thiệt hại
hạt nhân do sự cố hạt nhân gây ra khi vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử
dụng từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Liên bang Nga thuộc về:
- Người thực hiện của Bên Việt Nam
cho đến thời điểm chuyển giao nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cho người thực
hiện của Bên Nga tại địa điểm sân bay/cảng quốc tế của Việt Nam, và ký biên bản
giao nhận tương ứng; và
- Người thực hiện của Bên Nga kể từ
thời điểm giao nhận nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ người thực hiện
của Bên Việt Nam tại địa điểm sân bay/cảng quốc tế của Việt Nam, và ký biên bản
giao nhận tương ứng.
Điều 7.
1. Trong quá
trình vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vào Liên bang Nga, các Bên
bảo đảm bảo vệ thực thể theo các khuyến cáo của IAEA.
2. Trách nhiệm bảo vệ thực thể
trong quá trình đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vào Liên bang Nga được
chuyển từ Bên Việt Nam sang cho Bên Nga tại sân bay/cảng quốc tế của Việt Nam,
từ thời điểm Người thực hiện của Bên Nga tiếp nhận nhiên liệu hạt nhân đã qua sử
dụng từ Người thực hiện của Bên Việt Nam và ký biên bản giao nhận tương ứng.
3. Quá trình vận chuyển nhiên liệu
hạt nhân đã qua sử dụng trên lãnh thổ của mỗi quốc gia được thực hiện theo luật
pháp và cam kết quốc tế của quốc gia đó.
4. Bên Việt Nam bảo đảm rằng, trong
khuôn khổ của Hiệp định này nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong thời gian
vận chuyển sẽ được bảo vệ ở mức độ không thấp hơn mức độ trong bảng phụ lục số
1 của Công ước về bảo vệ thực thể nhiên liệu hạt nhân ngày 26 tháng 10 năm
1979.
Điều 8.
Bên nga đồng
ý áp dụng các điều kiện dưới đây cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được
đưa vào Liên bang Nga:
- Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng
sẽ được bảo đảm bởi các biện pháp bảo vệ thực thể, kiểm toán và kiểm soát
được khuyến cáo theo tài liệu của IAEA “Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và
các cơ sở hạt nhân” (INFCIRC/225/Rev.5) và các phiên bản sửa đổi được chấp nhận
bởi các Bên; và
- Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng,
được đưa vào Liên bang Nga trong khuôn khổ Hiệp định này và bất kỳ vật liệu hạt
nhân nào bắt nguồn từ nó, không được sử dụng cho bất kỳ loại vũ khí hay thiết bị
nổ hạt nhân nào cũng như cho nghiên cứu và phát triển bất kỳ vũ khí hay thiết bị
nổ hạt nhân nào hoặc cho bất kỳ mục đích quân sự nào khác.
Điều 9.
Những vấn đề
về bảo vệ sở hữu trí tuệ theo pháp luật, được tạo ra hoặc được chuyển giao
trong quá trình thực hiện Hiệp định này, được điều chỉnh phù hợp với các điều
khoản của các hợp đồng được ký kết giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên
tuân theo pháp luật của quốc gia đó.
Điều 10.
1. Trong
khuôn khổ Hiệp định này không được thực hiện việc trao đổi các thông tin có
tính bí mật quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang
Nga.
.2 Thông tin được chuyển giao trong
khuôn khổ Hiệp định này hoặc được hình thành do kết quả thực hiện Hiệp định này
do Bên Việt Nam và các tổ chức của Việt Nam thực hiện các hoạt động trong khuôn
khổ Hiệp định này và được xem là thông tin công vụ hạn chế phổ biến, hoặc do
Bên Nga và các tổ chức của Liên bang Nga thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ
Hiệp định này và được xem là các thông tin công vụ hạn chế phổ biến, phải được
xác định một cách rõ ràng và được định nghĩa như đúng nghĩa của nó.
3. Các tài liệu chứa đựng thông tin
công vụ hạn chế phổ biến cần có dấu “Mật” bảng tiếng Việt (MẬT) theo quy định của
luật pháp Việt Nam.
Các tài liệu chứa đựng các thông
tin công vụ hạn chế phổ biến cần phải có dấu “Mật” bằng tiếng Nga
(Конфиденциалъно) theo quy định của luật pháp Nga.
4. Trong quá trình thực hiện vận chuyển,
các Bên theo pháp luật của quốc gia mình đảm bảo trao đổi an toàn và tin cậy
thông tin liên quan đến ngày cụ thể mà nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ được
chuyển qua biên giới quốc gia đó.
5. Các Bên hạn chế tối đa việc được
phép tiếp cận các thông tin loại này và đảm bảo việc sử dụng chúng chỉ với các
mục đích của Hiệp định này. Thông tin loại này không được công bố và không được
chuyển giao cho bên thứ ba không tham gia vào việc thực hiện Hiệp định này, nếu
không được sự đồng ý bằng văn bản của Bên chuyển giao thông tin loại này.
Thông tin loại này được xử lý như
là thông tin công vụ hạn chế tiếp cận phù hợp với pháp luật tương ứng của các
Bên.
Thông tin loại này được bảo vệ theo
pháp luật tương ứng của các Bên.
Điều 11.
Mọi tranh chấp
giữa các Bên liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích Hiệp định này được giải
quyết bằng việc tiến hành các cuộc đàm phán giữa các Bên.
Điều 12.
1. Hiệp định
này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị trong thời hạn mười (10) năm. Hiệp
định mặc nhiên được gia hạn cho từng thời hạn hai (02) năm một, trừ khi chín
(09) tháng trước khi chấm dứt chu kỳ đầu tiên hoặc bất kỳ chu kỳ tiếp theo của
Hiệp định này được gia hạn, một trong các Bên thông báo bằng văn bản cho Bên
kia biết qua kênh ngoại gia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.
2. Hiệp định này có thể được sửa đổi
bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận của các Bên, những sửa đổi này là bộ phận
không tách rời của Hiệp định này.
3. Việc vận chuyển nhiên liệu hạt
nhân đã qua sử dụng vào Liên bang Nga đã được bắt đầu, nhưng chưa kết thúc tính
đến ngày chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này, sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến
khi hoàn thành việc vận chuyển này trên cơ sở của các điều khoản của Hiệp định
này.
Làm tại Hà Nội ngày 16 tháng 03 năm
2012 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh, các
văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp có sự bất đồng về giải thích giữa
các văn bản, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Lê Đình Tiến
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
LIÊN BANG NGA
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ “ROSATOM”
N.N.Spassky
|