VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 511/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2017
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ
“TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI
GIAN TỚI”
Ngày 14 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường
công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới”. Tham
dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà
nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; đại diện lãnh đạo
Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của
Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc
của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ,
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Thường trực
Tỉnh ủy, Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân
các huyện (có rừng), các Sở, ban, ngành liên quan, Trưởng Công an huyện, Ban quản
lý thị trường và một số đơn vị chủ rừng.
Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến lãnh đạo của các tỉnh,
các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình
Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Trong thời gian qua, công tác quản
lý bảo vệ rừng đã có chuyển biến rõ nét, các bộ, ngành và các địa phương, đặc
biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiêm túc thực hiện tốt các
chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng
trong các cấp, các ngành và nhân dân đã có chuyển biến sâu sắc; chủ trương xã hội
hóa nghề rừng được hiện thực hóa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải
thiện sinh kế cho người làm nghề rừng; nổi bật là một số kết quả sau:
- Năm 2016 diện tích rừng cả nước tiếp
tục tăng 315.826 ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015.
- Giá trị Lâm nghiệp tăng bình quân
6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm trong
giai đoạn 2010-2012; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, từ 5,6 triệu m3
năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016; giá trị xuất
khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỉ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD; ước cả năm
2017 đạt 7,6-7,8 tỉ USD; dịch vụ môi trường rừng hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ
đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng, năm 2017 ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng.
- Công tác ngăn ngừa, đấu tranh với
hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được
các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tình trạng vi phạm
pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái pháp luật trên cả
nước giảm, công tác quản lý bảo vệ rừng được chấn chỉnh một bước: 9 tháng năm 2017, số vụ vi phạm các quy định của Nhà
nước về bảo vệ và phát triển rừng giảm 21%, diện tích rừng
bị thiệt hại giảm 71% so với cùng kỳ năm 2016.
- Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về
dùng khai thác gỗ rừng tự nhiên được các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai
thực hiện; nhà nước quan tâm hỗ trợ các chủ rừng tương đối thỏa đáng. Thực hiện
đóng cửa rừng tự nhiên có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng;
tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế
gỗ rừng tự nhiên.
- Việc chuyển mục đích sử dụng rừng,
đất rừng đã được giám sát chặt chẽ hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, báo cáo tình hình, nhu cầu
chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc thanh tra, kiểm tra tại
một số địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc.
2. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được,
công tác quản lý bảo vệ rừng cũng đang còn những tồn tại, hạn chế và đối mặt với
nhiều khó khăn, thách thức:
- Năm 2016, diện tích rừng khu vực
Tây Nguyên tiếp tục giảm 3.170 ha so với năm 2015.
- Tình trạng phá
rừng trái pháp luật tại một số địa phương, đặc biệt phá rừng tự nhiên để lấy gỗ
và lấn chiếm đất quy hoạch lâm nghiệp vẫn diễn ra, nhưng chậm được ngăn chặn và
xử lý.
- Các địa phương giải quyết chuyển mục
đích sử dụng rừng với diện tích lớn, chưa được rà soát chặt chẽ (từ năm 2012 đến
nay là 38.276 ha, chiếm 89% diện tích rừng bị mất), một số nơi việc thực hiện
chuyển mục đích sử dụng rừng chưa tuân thủ theo quy định của
pháp luật.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn
chế:
- Chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu
trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt
hại không trung thực, không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại
rừng đối với diện tích rừng bị phá, để xâm canh, lấn chiếm
đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý.
- Chính quyền địa phương cơ sở chưa
thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò chỉ
đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám
sát thường xuyên.
- Một bộ phận cán bộ công chức các cơ
quan quản lý nhà nước, Kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ còn yếu, thiếu tinh
thần trách nhiệm, không kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp
thời, thậm chí còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng trái pháp
luật.
- Sự phối hợp giữa các cấp, các
ngành, các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ
và phát triển rừng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, hầu hết các vụ phá rừng, lấn
chiếm đất rừng trái phép chậm được điều tra, xử lý và để kéo dài.
- Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát
triển rừng còn hạn chế, chậm tiến độ mùa vụ; ngân sách địa phương khó khăn,
chưa bố trí bổ sung kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng,
thậm chí việc sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ thiếu ưu
tiên cho quản lý bảo vệ rừng.
II. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRONG THỜI
GIAN TỚI
1. Nhiệm vụ
Bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm
vụ hết sức quan trọng, được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đại hội XII của Đảng
đã xác định rõ cần phải “tăng cường bảo vệ và phát triển rừng
bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng” và “coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải
pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập”; đồng
thời đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, trong đó
tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu:
- Bảo vệ và phát triển bền vững diện
tích rừng hiện có và rừng được tạo mới trong giai đoạn
2016 - 2020.
- Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái
rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng;
đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000 ha rừng đặc dụng.
- Tăng cường năng lực thực thi pháp
luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ
và phát triển rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại
và số vụ vi phạm giảm 30 - 35% so với giai đoạn 2011 - 2015.
- Trồng rừng:
1.025.000 ha; trong đó: 75.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 200.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn.
- Khoanh nuôi tái sinh rừng: 360.000
ha/năm.
- Trồng cây phân tán: 250 triệu cây.
- Chuyển hóa rừng trồng, kinh doanh gỗ
nhỏ sang gỗ lớn: 90.000 ha.
- Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống: 75 -
80%.
2. Giải pháp trọng tâm trong thời
gian tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể hoàn
thành toàn diện các nhiệm vụ tổng thể trên đây. Triển khai đồng bộ các giải
pháp xác định tại Chỉ thị số số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng và tại Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững
giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
886/QĐ-TTg ngày 06/6/2017, Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại Quyết định số
1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013; đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả
hoạt động của các Công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiếp
tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực
thi Chương trình REDD+ quốc gia để tạo nguồn thu từ bản
quyền giảm phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực
khai thác rừng tự nhiên. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng với
các giải pháp trọng tâm sau:
a) Đối với các địa phương
- Quán triệt, phổ biến, giải thích để
các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác
gỗ rừng tự nhiên; hành động nhất quán của các cấp, các ngành; đồng thời quan
tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng
khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng,
hoạt động công ích theo quy định của Nhà nước.
- Thực hiện nghiêm việc chuyển mục
đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12
tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quy định tại Nghị quyết số
71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích
quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần
thiết, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại
một số địa phương trong thời gian qua.
- Thực hiện nghiêm việc chấm dứt khai
thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng;
kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết khai thác tận dụng đối
với các dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị quyết
số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017, không để thất thoát, lãng phí tài nguyên
rừng, nhưng cũng không để lợi dụng khai thác ngoài khu vực cho phép, ngăn ngừa
triệt để lợi ích cục bộ.
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến
gỗ; kiểm tra, rà soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến
để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Các địa phương tiếp tục
rà soát các cơ sở chế biến gỗ theo đúng quy hoạch, đình chỉ ngay những cơ sở vi
phạm pháp luật, thành lập không đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, kiểm
soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm
sản trái pháp luật.
- Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc
chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây
nông nghiệp, thủy điện nhỏ. Không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa
có đánh giá, khảo nghiệm có kết luận đầy đủ về khoa học; kiểm soát chặt chẽ việc
chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn sang
các mục đích khác. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng phải
nằm trong qui hoạch được Hội đồng nhân dân các cấp xem xét và trình cấp có thẩm
quyền xem xét phê duyệt; không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng
sản xuất.
- Chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để
hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã hoàn thành; không giải quyết ngoại
lệ về miễn, giảm, chậm thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế đối với dự án
mới.
- Tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi
các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật
hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi;
đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng.
- Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách
nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, khi thực hiện các
dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận
thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.
- Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm
tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo
quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám
sát.
- Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm
tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo
quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám
sát.
- Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp
thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng; kiên quyết loại thải phần tử thoái
hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên và một số
địa phương không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, tranh chấp,
lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, thì đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ
trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật.
- Khẩn trương phân công, phân cấp
trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở.
- Tiếp tục giải quyết tình trạng di
dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; đảm bảo cuộc sống của
người dân sống trong và gần rừng, nhất là vùng đồng bào
dân tộc thiểu số. Chấm dứt tình trạng người dân di cư phá rừng với quy mô lớn,
tình hình đã trở nên phức tạp mới phát hiện.
- Đối với diện tích rừng và đất lâm
nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý phải khẩn
trương rà soát để tổ chức giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân,
cộng đồng theo quy định của pháp luật, cơ bản hoàn thành vào năm 2020.
b) Đối với các Bộ, ngành Trung ương
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các
giải pháp, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về
bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương;
- Tổng hợp, chủ trì, phối hợp với các
Bộ, ngành đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc của địa phương, chủ rừng khi thực hiện đóng cửa khai
thác gỗ rừng tự nhiên;
- Hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng
hợp về nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp phục vụ cho mục
đích quốc phòng, an ninh, yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội;
- Đôn đốc các địa phương rà soát, kiện
toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Thường xuyên kiểm
tra, giám sát đột xuất hoạt động công vụ đối với công chức kiểm lâm toàn quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
Phối hợp cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng hàng
năm và các cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển
rừng đã ban hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo
cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp tăng cường công tác quản lý đất đai,
chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do
phá rừng trái pháp luật.
Bộ Công an: Chỉ đạo lực lượng công an
địa phương có kế hoạch, phương án tập trung điều tra kịp thời, xử lý nghiêm
minh các vụ án hình sự về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; hỗ trợ địa
phương trong việc điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng
theo đúng quy định của pháp luật ở những khu vực phức tạp, nhạy cảm.
Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các đơn vị quốc
phòng đang quản lý diện tích rừng được giao thực hiện nghiêm túc các quy định về
quản lý bảo vệ rừng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham
gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng.
Bộ Công Thương: Chỉ đạo rà soát quy
hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc, kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện
không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, có ảnh hưởng xấu đến chế độ dòng chảy,
môi trường và đời sống nhân dân quanh vùng; chỉ đạo việc dừng
cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự
nhiên (trường hợp thực sự có hiệu quả kinh tế - xã hội phải được sự đồng ý cho
phép của Thủ tướng Chính phủ); chỉ đạo, thực hiện nghiêm quy định trồng rừng
thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án
không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các cơ quan truyền thông: Tăng cường
tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng; phản ánh
trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất đấu tranh, phòng ngừa đối với
các hành vi vi phạm.
c) Đề nghị các cơ quan của Quốc hội
tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng.
d) Đề nghị Mặt trận tổ quốc các cấp
và các đoàn thể vận động, tuyên truyền, kêu gọi đoàn viên, hội viên tham gia
tích cực, cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về Luật bảo vệ và phát triển rừng.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp, xem
xét xử lý theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban kinh tế Trung ương;
- VP Quốc hội, các UB: TC-NS, KHCN&MT, HĐDT của Quốc hội.
- Tòa án nhân dân tối cao;
- VKS nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
- UB Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(có rừng);
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHĐP,
CN, TKBT, NC, TH,
- Lưu: VT, NN(2).
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|