Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 349/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 24/08/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/TB-VPCP

Hà Nội ngày 24 tháng 8 năm 2023

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỀ PHÒNG, CHỐNG SỤT LÚN, SẠT LỞ VÀ NGẬP ÚNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng. Cùng tham gia khảo sát thực tế có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh liên quan; tham dự buổi làm việc tại thành phố Cần Thơ có Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực và một số chuyên gia thuộc lĩnh vực thủy lợi và biến đổi khí hậu.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ý kiến của các chuyên gia, ý kiến đại diện lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, chỉ đạo như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH

Biến đổi khí hậu đã tác động, gây hậu quả rất lớn trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nước ôn đới ở Châu Âu đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục; thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng xảy ra đợt mưa kỷ lục trong 140 năm qua do ảnh hưởng của bão Doksuri, gây ra những thiệt hại rất lớn. Ở nước ta, sau nhiều đợt nắng nóng kéo dài tháng 4 và tháng 5 năm 2023, nhiều đợt mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ quét, ngập úng cục bộ, thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân ở một số địa phương, nhất là tại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi, trung du Bắc Bộ.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước. Với đặc điểm tự nhiên, đất đai trù phú, Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong bệ đỡ của ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều thách thức:

1. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, theo số liệu quan trắc, trong thời gian qua nước biển dâng với tốc độ 0,35 cm/năm và có chiều hướng tăng nhanh hơn.

2. Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công, làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đặc biệt là suy giảm mạnh lượng phù sa, mất cân bằng bùn cát tại Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh. Theo số liệu quan trắc từ năm 2012-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất trung bình khoảng 0,96 cm/năm (gấp gần 3 lần tốc độ nước biển dâng), Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị chìm dần do tác động kép của sụt lún đất và nước biển dâng.

4. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, mất đất ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã đến mức báo động. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.130 km (trên 740 km bờ sông, 390 km bờ biển bị sạt lở); mỗi năm mất khoảng 500 ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven sông, ven biển bị ảnh hưởng do sạt lở.

5. Tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường, nhất là tại các đô thị; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; xâm nhập mặn vào sâu trong các cửa sông.

6. Tình trạng khai thác cát sỏi quá mức, trái phép vẫn còn xảy ra, là một trong những nguyên nhân gây hạ thấp lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển.

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Chưa làm tốt công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch không gian sinh tồn và phát triển kinh tế cho người dân để phát triển bền vững: Tập quán sinh sống của người dân chủ yếu dựa vào sông nước, nhà cửa, công trình giao thông đều sát ven sông, kênh, rạch, ven biển. Vì vậy, khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống, sản xuất của Nhân dân.

2. Chưa chủ động phòng ngừa mà chủ yếu vẫn bị động ứng phó: Diễn biến sụt lún, sạt lở, ngập úng rất nhanh, quy mô rộng, phức tạp, khả năng ứng phó không kịp thời, thiếu hiệu quả, nhiều địa phương xác định được khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng chưa chủ động bố trí nguồn lực hoặc nguồn lực còn hạn chế để đầu tư, khi xảy ra sự cố sạt lở phải xử lý khắc phục khẩn cấp dẫn tới tốn kém.

3. Một số công trình phòng, chống sạt lở được đầu tư chưa thực sự căn cơ, bài bản, chưa thực sự hiệu quả, bền vững, chưa tính tới trước mắt và lâu dài.

4. Chưa huy động được nhiều nguồn lực cho phòng, chống sạt lở, hầu hết phải dựa vào ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ ngân sách trung ương; sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp, địa phương chưa nhiều.

5. Công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư chưa được địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, khắc phục kịp thời khi xảy ra hư hỏng cục bộ.

6. Nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm cần xử lý ngay để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng chưa được xử lý kịp thời.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO

1. Quan điểm

a) Phải nâng cao nhận thức về diễn biến phức tạp, sự nguy hiểm và hậu quả do sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, huy động sức mạnh và nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng.

c) Có giải pháp phù hợp bảo đảm yêu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài, giải pháp trước mắt phải khẩn trương, kịp thời, lâu dài phải có các dự án căn cơ để vừa bảo vệ vững chắc, vừa tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững.

d) Huy động mọi nguồn lực của nhà nước (trung ương, địa phương) và các nguồn lực hợp pháp khác.

đ) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao tính thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính.

2. Mục tiêu

a) Phải ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng sụt lún, sạt lở và ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, sự bình an của người dân, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhà nước.

b) Tạo không gian sinh tồn và không gian sản xuất bền vững, sắp xếp lại dân cư ở khu vực ven sông, kênh rạch, ven biển; tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cho người dân theo hướng ổn định, bền vững.

c) Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ. Phát triển, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản ở Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững. Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để đánh đổi tăng trưởng đơn thuần.

3. Phương châm chỉ đạo: Phải làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình sụt lún, sạt lở, ngập úng để chủ động có các biện pháp xử lý phù hợp; khi xử lý phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; huy động tổng thể nguồn lực về con người và tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện.

IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÒNG, CHỐNG SỤT LÚN, SẠT LỞ, NGẬP ÚNG

Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Suy nghĩ phải chín, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, trước hết tập trung vào những nơi ảnh hưởng đến tính mạng, sinh kế của Nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, các bộ, ngành, các địa phương phải chủ động, kịp thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trước mắt, lâu dài, giải pháp công trình, phi công trình một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả để phòng, chống, khắc phục, kiểm soát, giảm thiệt hại do sụt lún đất, sạt lở, ngập úng; khắc phục yếu kém trong tổ chức thực hiện, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Trước mắt:

a) Các địa phương phải kịp thời theo dõi, giám sát, cảnh báo cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở, ngập úng; chủ động tổ chức di dời ngay các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của người dân; thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân ở khu vực bị sạt lở hoặc phải di dời phòng ngừa sạt lở ổn định đời sống.

b) Tiếp tục xử lý sạt lở, tập trung xử lý sớm các khu vực đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng.

2. Về lâu dài:

a) Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương, hóa giải những thách thức, chủ động đầu tư các dự án đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng. Đối với những nơi có điều kiện phù hợp cần nghiên cứu các dự án mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản như xây dựng đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, phá sóng, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, đồng thời phát triển quỹ đất.

b) Tổ chức theo dõi, giám sát sụt lún, sạt lở, ngập úng. Nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khoa học về nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, ngập úng, xác định các giải pháp phù hợp đối với từng khu vực cụ thể, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

c) Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa, không để xây dựng sát ven sông, kênh, rạch, ven biển làm tăng rủi ro thiên tai, tăng nguy cơ sạt lở. Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép. Có lộ trình để hạn chế, tiến tới kiểm soát việc khai thác nước ngầm.

d) Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng, chống từ sớm, từ khi chưa xảy ra, từng bước khắc phục tình trạng bị động, bất ngờ phải ứng phó.

đ) Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng các mô hình, giải pháp công nghệ hiệu quả, vật liệu phù hợp nhằm phòng, chống sạt lở, sụt lún, ngập úng kịp thời, hiệu quả.

e) Tập trung bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, từng bước phục hồi đai rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời khai thác tín chỉ các bon.

g) Tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), tập trung huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án phòng, chống, khắc phục sụt lún, sạt lở, ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

h) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học công nghệ của các nước, đồng thời tranh thủ vận động hỗ trợ nguồn lực từ quốc tế nhằm nâng cao năng lực dự báo và đầu tư phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

d) Các cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tập trung truyền thông chính sách, tuyên truyền những mô hình hiệu quả, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng.

V. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

1. Đối với các đề xuất xử lý cấp bách

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo rà soát các khu vực bị sạt lở, lựa chọn các dự án thực sự cấp bách có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân để hoàn thiện hồ sơ đầu tư trước, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm từng khu vực, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Chủ động bố trí và huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách và tăng thu, tiết kiệm chi của địa phương) để triển khai thực hiện theo quy định; việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình rà soát, đề xuất, thực hiện dự án phải bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, khảo sát cụ thể các điểm sạt lở tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, xác định các khu vực sạt lở nguy hiểm cần ưu tiên xử lý cấp bách, hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không có tham nhũng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí; khẩn trương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023.

2. Đối với các vấn đề có tính lâu dài

a) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai nghiên cứu, có giải pháp tổng thể về phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng cho Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2024.

b) Các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đầu tư tổng thể theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, PPP, trong đó xác định cụ thể các dự án đầu tư mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản, đa mục tiêu để phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn, trên cơ sở đó sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách để có kế hoạch đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

c) Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổng kết mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển ở Cà Mau để đề xuất nhân rộng, tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống sạt lở, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.

VI. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM KHÁC

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:

1. Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh, trong đó có nội dung liên quan đến phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng.

2. Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

3. Đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Ưu tiên cho tăng trưởng, giảm thủ tục hành chính; chủ động làm việc với ngân hàng để giải quyết đầu ra cho đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, giải quyết thủ tục liên quan đến thị trường bất động sản.

5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm ngay thủ tục hành chính không cần thiết.

6. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cơ quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
- Các Bộ: NN&PTNT, TNMT, GTVT, XD, CT, KHCN, QP, TTTT, KHĐT, TC;
- Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Báo ND;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, KGVX, CN, TKBT;
- Lưu: VT, NN (02). Tuynh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 349/TB-VPCP ngày 24/08/2023 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


126

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.81.252
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!