VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 226/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 5 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN LƯU QUANG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC
TUYẾN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2023 VÀ
4 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
Ngày 05 tháng 5 năm 2024, tại
trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội
nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Cùng tham dự với
Phó Thủ tướng tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Ủy ban
nhân dân tỉnh Kon Tum và Lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Kon Tum.
Tham dự tại điểm cầu các bộ, ngành trung ương có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính. Tham dự tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (trừ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
không có rừng: Hưng Yên, Cần Thơ, Vĩnh Long), các sở, ngành liên quan. Sau khi
nghe Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến của các
đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Biểu dương sự cố gắng, tích cực
của các địa phương và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác bảo vệ rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 04 tháng năm 2024, đã có chuyển biến
tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ vi phạm, số vụ cháy rừng và diện tích rừng
bị thiệt hại. Một số địa phương đã quan tâm, ban hành chính sách về bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; ý thức của người dân được nâng
cao, trách nhiệm của lực lượng làm công tác bảo vệ rừng tốt hơn; tỷ lệ che phủ
rừng toàn quốc tiếp tục duy trì, ổn định ở mức 42%.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa
qua, điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn diễn ra phức tạp, công tác bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương không còn quỹ
đất hoặc còn quỹ đất nhưng điều kiện lập địa không phù hợp để trồng rừng thay
thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công tác quản lý, bảo
vệ rừng của các địa phương bị áp lực do vấn đề dân di cư tự do, tập quán canh
tác của người dân (đốt nương, làm rẫy) dẫn đến tình trạng phá rừng, cháy rừng ở
nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc.
II. MỘT SỐ
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Do tác động của biến đổi khí hậu
và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trong thời gian tới, đặc biệt từ tháng 5 đến
tháng 8, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, tâm điểm là
khu vực Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ cao sẽ
tiếp tục bị phá vỡ. Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến
nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi
trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân. Do đó, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ
là, chủ quan, mất cảnh giác; luôn chủ động, sẵn sàng trong công tác bảo vệ và
phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong thời gian tới, tập trung một số nhiệm vụ, giải
pháp trọng tâm sau:
1. Nhiệm vụ,
giải pháp chung
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số
61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị
số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số
29/NQ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
thực hiện Kết luận số 61-KL/TW; Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm
2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2024, Công điện số 43/CĐ-TTg
ngày 01 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt
triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi
toàn quốc; và các văn bản chỉ đạo.
2. Nhiệm vụ,
giải pháp cụ thể
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện
hệ thống chính sách lâm nghiệp; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban
hành các Nghị định mới, sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi
hành Luật Lâm nghiệp[1],
trong đó lưu ý nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các bộ, ngành, địa
phương; đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh
và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững.
- Chủ động thực hiện có hiệu quả
công tác tham mưu cho Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về rừng, phòng
cháy, chữa cháy rừng; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy
rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Nghiên cứu, xây dựng phương
án, đề án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng cháy, chữa cháy rừng, làm cơ sở
đầu tư đồng bộ, hiệu quả; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí cấp bách về phòng
cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng của các bộ, ngành, địa phương, gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Ứng dụng công nghệ viễn thám,
công nghệ thông tin, công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong công tác điều tra,
kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; cảnh báo, phát hiện sớm các điểm cháy rừng.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng
điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị
chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện
sớm cháy rừng.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên và
các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây
Nguyên trong năm 2024 - 2025 nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng (theo
chủ quản lý và hiện trạng), diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản
lý, rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự
do, nhằm tạo thêm quỹ đất để triển khai cơ chế, chính sách về bố trí, ổn định
dân cư, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường
tiếp tục làm tốt công tác dự báo, kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và
các hiện tượng thời tiết cực đoan đến các cơ quan liên quan và người dân, phục
vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên trong quá
trình thực hiện kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; khẩn trương hoàn thiện
Đề án Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 theo chỉ đạo
của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 3070/VPCP-NN ngày 06 tháng 5 năm 2024.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông
và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông về
bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; kịp thời
đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng.
d) Các bộ, ngành khác chủ động
chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác bảo vệ rừng phòng
cháy, chữa cháy rừng theo chức năng quản lý nhà nước được phân công
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
- Quán triệt công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của chính quyền các địa phương, tuyệt đối
không được chủ quan, lơ là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đây là nhiệm
vụ trọng tâm, xuyên suốt.
- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện
cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”;
chỉ đạo rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các phương án phòng cháy, chữa
cháy rừng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; bố trí lực lượng, phương tiện, vật
tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có phương án sẵn
sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an
toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
- Chủ động bố trí kinh phí dự
phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tham mưu ban hành Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo các cơ quan chức
năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; ngăn
chặn hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; xử lý nghiêm minh các vụ
vi phạm pháp luật về phá rừng đủ sức răn đe, giáo dục.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo
dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm
tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của
người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý
thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời
kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học,
công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, tập
huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng tham gia bảo
vệ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt,
có hiệu quả Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ổn
định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường,
nhất là tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản
xuất, kiểm soát dân di cư tự do; giảm thiểu tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá
rừng để lấy đất; ổn định trật tự an ninh, xã hội trên địa bàn, đảm bảo quyền và
lợi ích hợp pháp của người dân.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP;
- Các Bộ: NNPTNT, KHĐT, TC, TNMT, TTTT, QP, CA;
- UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: NN, TH;
- Lưu: VT, NN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|
[1] Gồm: (1) Nghị định
về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; (2) Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; (3) Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 về Kiểm lâm và
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; (4) Nghị định sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 quy định Hệ thống bảo đảm
gỗ hợp pháp Việt Nam; (5) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP
ngày 22 tháng 01 năm 2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp,
quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp.