THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------
|
Số:
929/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN ĐẾN
NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 10
tháng 12 năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số
giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn
đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Ngành Khí tượng Thủy văn có vị
trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng,
an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đầu tư
cho ngành Khí tượng Thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính
xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững
của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến
đổi khí hậu.
2. Phát triển ngành Khí tượng Thủy
văn đồng bộ theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và
đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa
và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học,
công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công
nghệ tiên tiến trên thế giới.
3. Đổi mới phương thức phục vụ của
ngành Khí tượng Thủy văn theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông
tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng
tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến
khích xã hội hóa, thương mại hóa các hoạt động khí tượng thủy văn và tăng cường
sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm
mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020, ngành Khí tượng Thủy
văn Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ
năng lực điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ yêu cầu phòng
tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ
môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a. Công tác quan trắc khí tượng thủy
văn
- Đến năm 2015, phát triển mạng lưới
quan trắc khí tượng thủy văn đồng bộ có mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện
nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc
khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động
hóa trên 90% số trạm quan trắc, đồng thời tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa,
bảo đảm theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước,
đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo khí tượng thủy văn theo phương pháp tiên tiến
và các nhu cầu khác.
b. Công tác truyền tin và dự báo
khí tượng thủy văn
- Hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống
thông tin truyền dẫn số liệu khí tượng thủy văn, nâng cao tốc độ và mở rộng
băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu
trong và ngoài ngành.
- Nâng cao chất lượng và thời hạn dự
báo:
+ Bảo đảm dự báo thời tiết hàng
ngày đạt độ chính xác 80 - 85%;
+ Tăng thời hạn dự báo bão, không
khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu
Á;
+ Tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ
cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2
ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80 - 85%;
+ Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng
thủy văn 10 ngày, 1 tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước.
- Đa dạng hóa các sản phẩm dự báo:
+ Dự báo khí tượng thủy văn biển
hàng ngày và 5 - 7 ngày;
+ Dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn
(6 - 12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc,
tố, vòi rồng;
+ Dự báo khí tượng thủy văn phục vụ
các ngành kinh tế, xã hội.
c. Công tác xử lý, lưu trữ tư liệu
khí tượng thủy văn
- Đến năm 2015, tự động hóa toàn bộ
công tác thu nhận, kiểm tra, chỉnh lý, phục vụ số liệu khí tượng thủy văn; số
hóa 75% tư liệu khí tượng thủy văn trên giấy; lưu trữ số liệu khí tượng thủy
văn trên các hệ thống thông tin điện tử hiện đại.
- Đến năm 2020, số hóa toàn bộ tư
liệu khí tượng thủy văn trên giấy, hoàn thiện ngân hàng dữ liệu khí tượng thủy
văn hiện đại và gia tăng giá trị kinh tế - kỹ thuật của số liệu khí tượng thủy
văn.
d. Cung cấp thông tin, dữ liệu khí
tượng thủy văn
- Nâng cao vai trò thông tin khí tượng
thủy văn và biến đổi khí hậu ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nhằm
khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạn chế những thiệt hại do
các điều kiện bất lợi và biến đổi khí hậu gây ra.
- Hình thành hệ thống dịch vụ khí
tượng thủy văn chuyên dùng với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các
thành phần kinh tế.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
III. NHIỆM VỤ
1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật về khí tượng thủy văn
- Xây dựng Luật Khí tượng Thủy văn
- Xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản
dưới luật và cơ chế chính sách phát triển khí tượng thủy văn.
- Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động
của các tổ chức dịch vụ khí tượng thủy văn.
2. Phát triển ngành Khí tượng Thủy
văn hiện đại và đồng bộ
a. Phát triển và tự động hóa hệ thống
quan trắc khí tượng thủy văn
- Phát triển hệ thống đo đạc khí tượng
thủy văn nhiều thành phần: mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia cơ bản, mạng
lưới chuyên dùng (của các ngành và địa phương) và mạng lưới quan trắc tự nguyện.
- Bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch mạng
lưới trạm khí tượng thủy văn cơ bản trong hệ thống quan trắc tài nguyên môi trường
quốc gia dựa trên các tiêu chuẩn và quy định quốc tế; tăng mật độ trạm đo đạc
theo yêu cầu phát triển của công nghệ dự báo khí tượng thủy văn tiên tiến.
- Tự động hóa hệ thống đo đạc khí
tượng thủy văn, kết hợp đo đạc tại chỗ và đo đạc từ xa có truyền phát dữ liệu tức
thời.
- Tăng cường quan trắc trên cao bằng
các thiết bị hiện đại, thiết lập các hệ thống đo gió cắt lớp, định vị sét.
- Kiện toàn đồng bộ hệ thống rađa
thời tiết cùng với các công nghệ xử lý dữ liệu kết hợp với phát triển hệ thống
đo mưa mật độ cao.
- Củng cố, phát triển mạng lưới
giám sát khí hậu và biến đổi khí hậu trên cơ sở các trạm khí tượng thủy văn đã
có.
- Thiết lập hệ thống thanh tra, kiểm
tra kỹ thuật thống nhất trên toàn bộ mạng lưới quốc gia, mạng lưới chuyên dùng
và mạng quan trắc tự nguyện.
- Duy trì và phát triển hệ thống kiểm
định phương tiện đo khí tượng thủy văn. Phát triển hệ thống cơ sở sản xuất, sửa
chữa thiết bị đo khí tượng thủy văn.
- Tăng cường khảo sát khí tượng thủy
văn, đặc biệt khi xảy ra thiên tai.
b. Phát triển và hiện đại hóa hệ thống
thông tin liên lạc khí tượng thủy văn
- Nâng cấp mạng thông tin khí tượng
toàn cầu của Việt Nam; phát triển các kênh thông tin thủy văn song phương với
các quốc gia có chung lưu vực sông với Việt Nam.
- Thiết lập hệ thống thông tin khí
tượng thủy văn qua vệ tinh, bảo đảm truyền nhận thông tin khí tượng thủy văn
hai chiều thông suốt trong mọi tình huống.
- Thiết lập mạng thông tin liên lạc
trong nước đồng bộ, hiện đại, đa phương thức.
- Hoàn thiện hệ thống cung cấp
thông tin dự báo khí tượng thủy văn đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên
tai ở Trung ương và địa phương; các phương tiện thông tin đại chúng.
- Mở thêm các kênh thông tin dịch vụ
khí tượng thủy văn.
- Xây dựng cơ sở sản xuất các
chương trình phát thanh, truyền hình về khí tượng thủy văn.
c. Phát triển và hiện đại hóa công
nghệ dự báo khí tượng thủy văn
- Phát triển, ứng dụng các mô hình
dự báo khí tượng thủy văn cho Việt Nam; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới và
phương pháp khai thác, sử dụng sản phẩm dự báo số trị.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để được
cung cấp ổn định số liệu phân tích và dự báo của các mô hình toàn cầu từ các
trung tâm dự báo lớn trên thế giới.
- Phát triển các hệ thống xử lý và
phân tích dữ liệu, tích hợp và đồng hóa các nguồn dữ liệu khác nhằm nâng cao khả
năng phân tích và dự báo khí tượng thủy văn.
- Xây dựng các mô hình dự báo thủy
văn hiện đại cho các lưu vực sông gắn với hệ thống xử lý thông tin, dữ liệu từ
các trạm đo tự động và các nguồn khác (mô hình dự báo thời tiết, thông tin rađa
và vệ tinh).
- Dự báo thủy văn chuyên dùng cho
vùng cửa sông, dự báo ngập lụt, dự báo phục vụ vận hành hồ chứa, dự báo cho các
ngành và khu vực trọng điểm.
- Dự báo khí tượng thủy văn biển
trên cơ sở kết hợp mô hình dự báo các yếu tố hải dương và dự báo thời tiết.
- Dự báo các loại thiên tai có nguồn
gốc thủy văn trên cơ sở ứng dụng những phương pháp và công nghệ tiên tiến; thiết
lập thử nghiệm một số hệ thống tự động cảnh báo lũ và lũ quét.
d. Kiện toàn hệ thống tổ chức dự
báo
- Kiện toàn hệ thống tổ chức dự báo
khí tượng thủy văn theo 3 cấp: Trung ương, khu vực và tỉnh.
- Hoàn thiện tổ chức Trung tâm Dự
báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận, khai thác, sử
dụng công nghệ hiện đại, cung cấp thông tin, dữ liệu dự báo khí tượng thủy văn
cho các trung tâm khu vực và trung tâm dự báo chuyên dùng.
- Kiện toàn tổ chức các Đài khí tượng
thủy văn khu vực và Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, đảm bảo đủ năng lực thực
hiện nhiệm vụ dự báo phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai ở địa phương.
- Thiết lập hệ thống cung cấp và dịch
vụ thông tin dự báo khí tượng thủy văn có phân cấp giữa trung ương và địa
phương, phục vụ công cộng và dịch vụ theo yêu cầu.
đ. Phát triển hệ thống thu nhận, xử
lý, lưu trữ và cung cấp tư liệu khí tượng thủy văn
- Thiết lập hệ thống chỉnh lý và
lưu trữ dữ liệu khí tượng thủy văn trong cả nước trên cơ sở các công nghệ hiện
đại. Toàn bộ dữ liệu từ các nguồn khác nhau được kiểm tra chỉnh lý theo những
quy trình và tiêu chuẩn thống nhất.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng
thủy văn và biến đổi khí hậu có giá trị pháp lý, thống nhất, chuẩn hóa theo
tiêu chuẩn của thế giới, kết hợp với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường quốc
gia. Xây dựng kho lưu trữ tư liệu khí tượng thủy văn theo tiêu chuẩn quốc gia.
- Xây dựng hệ thống cung cấp dữ liệu
khí tượng thủy văn ở Trung ương và địa phương trên cơ sở công nghệ tin học hiện
đại, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước và dịch vụ.
3. Tăng cường hoạt động khí tượng
thủy văn chuyên ngành, chuyên đề
a. Tăng cường thông tin khí tượng
thủy văn công cộng và phòng chống thiên tai
- Tổ chức hệ thống cung cấp thông
tin đến các đối tượng sử dụng từ Trung ương đến địa phương hợp lý và hiệu quả.
- Tổ chức điều tra đánh giá kết quả
dự báo và hiệu quả phục vụ khí tượng thủy văn. Thu thập và hệ thống hóa dữ liệu
hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu.
b. Tăng cường thông tin khí tượng
thủy văn đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội
- Tăng cường thông tin khí tượng
nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, bền vững,
thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Phát triển khí tượng hàng không
nhằm theo dõi và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bảo đảm an toàn
hàng không.
- Củng cố và phát triển mạng lưới
trạm quan trắc bức xạ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về năng lượng sạch, năng lượng
tái tạo. Tăng cường ứng dụng thông tin khí tượng thủy văn trong điều hành sản
xuất và phân phối điện.
- Phát triển mạng lưới quan trắc thủy
văn dùng riêng phục vụ điều hành hồ chứa, quản lý cung cấp nước, phòng ngừa lũ
lụt và hạn hán.
- Phát triển mạng lưới quan trắc
khí tượng thủy văn trên các trục đường giao thông thủy, bộ nhằm theo dõi và kiểm
tra các điều kiện khí tượng thủy văn; tăng cường dự báo phục vụ quản lý và điều
hành giao thông trên các tuyến quan trọng, bảo đảm an toàn giao thông.
- Phát triển mạng lưới đo đạc khí
tượng thủy văn trên biển, thiết lập các trạm đo đạc trên các tàu biển và giàn
khoan ngoài khơi phục vụ giao thông biển, khai thác dầu khí và nguồn lợi hải sản.
- Tăng cường mạng lưới quan trắc
khí tượng thủy văn tại các đô thị lớn phục vụ dự báo và xử lý các vấn đề liên
quan tới ngập úng, ô nhiễm không khí…
- Phát triển mạng lưới quan trắc
khí tượng thủy văn chuyên dùng ở các địa phương theo đặc thù ở từng nơi để nâng
cao năng lực theo dõi, dự báo, phòng tránh thiên tai và đáp ứng các yêu cầu
kinh tế xã hội.
4. Tăng cường ứng dụng thông tin
khí tượng thủy văn để ứng phó với biến đổi khí hậu
- Thực hiện Chương trình khoa học
và công nghệ cấp nhà nước về biến đổi khí hậu trong Chương trình mục tiêu quốc
gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Phát triển, cập nhật và phổ biến
các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, làm căn cứ cho
các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí
hậu.
- Xây dựng chương trình phổ biến và
ứng dụng thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; lồng ghép các vấn đề
về biến đổi khí hậu vào công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
5. Hoàn thiện hệ thống văn bản quản
lý kỹ thuật khí tượng thủy văn
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí tượng thủy văn.
- Xây dựng các quy trình, hướng dẫn
kỹ thuật khí tượng thủy văn.
- Nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn
quốc tế trong quản lý hoạt động khí tượng thủy văn ở các cấp khác nhau.
IV. CÁC GIẢI
PHÁP, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
1. Các giải pháp
a. Tăng cường năng lực quản lý nhà
nước ngành Khí tượng Thủy văn
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức gắn với
các giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
ngành Khí tượng Thủy văn.
- Đổi mới cơ chế quản lý người
ngành Khí tượng Thủy văn phù hợp với sự phát triển công nghệ, thương mại hóa và
xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn.
- Tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm
tra thực thi các quy định của Nhà nước trong các hoạt động khí tượng thủy văn
và biến đổi khí hậu.
b. Tổ chức hoạt động dịch vụ khí tượng
thủy văn theo hướng thương mại hóa và xã hội hóa
- Tổ chức, sắp xếp hoạt động dịch vụ
ở các đơn vị nghiệp vụ nhằm thống nhất việc cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn
từ trung ương đến địa phương theo hướng thương mại hóa.
- Xây dựng cơ chế và tổ chức thực
hiện xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn.
c. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ về khí tượng thủy văn
- Tăng cường các nghiên cứu ứng dụng
công nghệ hiện đại về dự báo, đo đạc, chỉnh lý dữ liệu, tính toán khí tượng thủy
văn; đánh giá tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, biến đổi khí hậu và tác động
của biến đổi khí hậu.
- Tích cực tham gia nghiên cứu những
vấn đề toàn cầu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
d. Phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng chính sách thu hút, đãi
ngộ và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao. Nhà nước dành một lượng học bổng thỏa
đáng để đào tạo nhân lực khí tượng thủy văn tại các nước có trình độ khoa học
công nghệ tiên tiến.
- Hoàn thiện quy hoạch và tăng cường
năng lực các cơ sở đào tạo về khí tượng thủy văn theo hướng đa dạng hóa loại
hình đào tạo gắn với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp phù hợp với xu
hướng phát triển công nghệ mới.
- Đổi mới nội dung đào tạo về sử dụng
và khai thác thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trong những ngành
đào tạo có liên quan.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ khí tượng thủy văn, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên ngành đáp ứng
yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại.
đ. Huy động nguồn tài chính
- Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước;
huy động các nguồn vốn thông qua tài trợ, viện trợ và các hình thức khác.
- Tăng cường nguồn thu từ các hoạt
động thương mại khí tượng thủy văn.
e. Hợp tác quốc tế
- Tăng cường hoạt động với tư cách
nước thành viên Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức quốc tế khác có liên
quan mà Việt Nam tham gia.
- Khai thác hiệu quả quan hệ quốc tế
song phương và đa phương về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
2. Các đề án, dự án trọng điểm
a. Các đề án, dự án về xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật
- Dự án “Xây dựng Luật khí tượng thủy
văn” - thời gian thực hiện: 2010 - 2011
- Đề án “Xây dựng hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Khí tượng Thủy văn” - thời gian thực
hiện: 2011 - 2012.
b. Các đề án, dự án về xây dựng quy
chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật
- Dự án “Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí tượng thủy văn” - thời gian thực hiện: 2010
- 2011.
- Dự án “Xây dựng các quy trình, hướng
dẫn kỹ thuật đối với các hoạt động khí tượng thủy văn” - thời gian thực hiện:
2010 - 2012.
c. Các đề án, dự án đầu tư phát triển
- Đề án “Hiện đại hóa công nghệ dự
báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010 - 2012” - thời
gian thực hiện: 2010 - 2012
- Đề án “Hiện đại hóa ngành Khí tượng
Thủy văn đến năm 2015” - thời gian thực hiện: 2010 - 2015.
- Đề án “Tăng cường ứng dụng thông
tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu” - thời gian thực hiện: 2012 - 2014.
- Đề án “Đổi mới phương thức đào tạo,
sử dụng nguồn nhân lực cho ngành Khí tượng Thủy văn” - thời gian thực hiện:
2010 - 2012.
- Đề án “Hiện đại hóa ngành Khí tượng
Thủy văn đến 2020” - thời gian thực hiện: 2016 - 2020.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nội
dung của Chiến lược; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự
án, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chiến lược này.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, đánh giá, sắp xếp danh mục đề
án, dự án ưu tiên đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện Chiến lược này; định kỳ hàng năm, 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá,
rút kinh nghiệm thực hiện Chiến lược; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều
chỉnh mục tiêu nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính cân đối, bố trí vốn và hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà
nước 5 năm và hàng năm để thực hiện các nội dung của Chiến lược.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính
và cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn theo hướng giao
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên
chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao
về khí tượng thủy văn. Xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh
tế tham gia các hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn.
4. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm đề xuất, tổ chức thực hiện các đề
án, dự án phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ban Chỉ đạo PCLBTW;
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KGVX, KTTH, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|