Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 819/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 07/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Mục tiêu quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy đến 2030

Vừa qua, Thủ tướng ban hành Quyết định 819/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy đến 2030

Theo đó, đề ra các mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia… với một số nội dung như sau:

- Xây dựng mạng lưới phục vụ PCCC, ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu vực đô thị, khu vực trọng điểm về PCCC, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội CS PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ PCCC và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CS PCCC và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

- Bảo đảm các điều kiện làm việc và hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, đội dân phòng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật.

- Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy.

- Khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.

- Phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy.

- Từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

- Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo sự cố.

- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương.

- Hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy…

Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 819/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 07/7/2023.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 819/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháyLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và căn cứ Báo cáo thẩm định số 708/BC-HĐTĐ ngày 20 tháng 5 năm 2023 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch, hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành;

- Hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;

- Phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng bước hiện đại, kết nối đồng bộ, hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi từng vùng kinh tế, từng địa phương, từng ngành và lĩnh vực; sử dụng và khai thác có hiệu quả quỹ đất phục vụ phòng cháy chữa cháy; tuân thủ và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho địa phương;

- Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng dân phòng; đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành;

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu đến năm 2030

Phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, với một số nội dung cụ thể như sau:

- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bảo đảm các điều kiện làm việc và hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, đội dân phòng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật;

- Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy;

- Phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố;

- Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo sự cố; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

b) Tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới trụ sở, doanh trại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi toàn quốc; đảm bảo bán kính bảo vệ của các đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, các loại hình giao thông và hệ thống thông tin chỉ huy điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện đại, thống nhất, được kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

II. QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐẾN NĂM 2030

1. Phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy

Căn cứ Quy hoạch tổng thể quốc gia và đặc thù của lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy được phân thành 06 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.

2. Phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy

a) Xây dựng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Ở Trung ương:

+ Cơ quan Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành quốc gia về phòng cháy, chữa cháy gắn với triển khai “Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố”;

+ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung);

+ Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Kho phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung);

+ Bảo tàng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam;

+ Nâng cấp, cải tạo, xây mới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, huấn luyện của Trường Đại học phòng cháy và chữa cháy.

- Ở địa phương:

+ Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

+ Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị, địa phương.

+ Các Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bố trí tại các địa phương trung tâm của Vùng).

b) Xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện

- Xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật;

- Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương;

- Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...

3. Phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy

- Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị, khu công nghiệp đảm bảo tổng lưu lượng nước chữa cháy và phù hợp với Định hướng phát triển cấp nước đô thị, khu công nghiệp Việt Nam và các ngành, lĩnh vực có liên quan; các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và được lắp đặt thống nhất trên toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch;

- Khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; hoàn thành xây dựng các điểm lấy nước (bến, bãi, hố ga) thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... được quy hoạch làm nguồn nước phòng cháy, chữa cháy; nghiên cứu quy hoạch các điểm phục vụ cho máy bay chữa cháy lấy nước ở những nơi cần thiết;

- Xây dựng các bể nước phòng cháy, chữa cháy cho từng khu vực tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung và nguồn nước tự nhiên; phấn đấu đến năm 2030 hầu hết các khu dân cư trên đều được xây dựng bể nước phòng cháy, chữa cháy.

4. Phương hướng phát triển hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy

- Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ đảm bảo phục vụ chữa cháy. Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm các tuyến đường giao thông đường bộ đến trung tâm cấp huyện đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng cháy, chữa cháy (bảo đảm chiều cao, chiều rộng thông thủy, tải trọng của đường, cầu, cống, bãi đỗ và bãi quay đầu cho xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy hoạt động);

- Từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư cũ để xe chữa cháy có thể hoạt động; giải quyết dứt điểm tình trạng các đường, phố, ngõ vào khu dân cư bị chắn bởi đường dây viễn thông, điện lực, các loại cọc, cổng, rào, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở khả năng di chuyển của xe chữa cháy và các loại xe chuyên dụng phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ;

- Khai thác sử dụng hiệu quả mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường biển, mạng lưới đường sắt phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy;

- Phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và hệ thống trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng. Trước mắt, ưu tiên đầu tư cho Trung tâm huấn luyện và ứng phó khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Phương hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy

- Đảm bảo hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất, có khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của ngành Công an và các bộ, ngành liên quan; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy;

- Thiết lập hệ thống Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung ương và cấp tỉnh gắn với triển khai “Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố” trên cơ sở hạ tầng truyền dẫn cáp quang và mạng thông tin liên lạc vệ tinh Bộ Công an;

- Đảm bảo 100% các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị hệ thống bộ đàm công nghệ số theo tiêu chuẩn định mức; 100% địa bàn trung tâm cấp tỉnh, cấp huyện và một số cấp xã gần địa bàn trung tâm được phủ sóng hệ thống bộ đàm công nghệ số; đảm bảo hệ thống hội nghị truyền hình kết nối đồng bộ từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến Công an các đơn vị, địa phương, Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố trên phạm vi cả nước;

- Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện theo quy định của pháp luật;

- Thiết lập Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành quốc gia về phòng cháy, chữa cháy rừng đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm các vùng theo quy hoạch Lâm nghiệp.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI CÁC QUY HOẠCH CÓ LIÊN QUAN

1. Nội dung phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy trong quy hoạch tỉnh được tổ chức, phân bổ phù hợp với quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và phù hợp với Quy hoạch này, cụ thể:

- Mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy: Bố trí quỹ đất trong giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo diện tích đáp ứng nhu cầu sử dụng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; ưu tiên đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng thời bảo đảm mỗi quận, huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí tại trung tâm cấp huyện và tại các địa bàn trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy;

- Hệ thống cung cấp nước phòng cháy, chữa cháy: Tuân thủ quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật số; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình; Tiêu chuẩn thiết kế về Cấp nước - Mạng lưới đường ống và công trình và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Công an về thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong thời kỳ quy hoạch;

- Hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy, chữa cháy: Tuân thủ quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong thời kỳ quy hoạch;

- Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy, chữa cháy: Tuân thủ theo quy định của Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong thời kỳ quy hoạch.

2. Nội dung phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy của các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch ngành quốc gia phù hợp với phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch này.

IV. NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030

1. Nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 khoảng 800 ha trong tổng số 72.330 ha đất an ninh quy định tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

2. Nhu cầu sử dụng đất dành cho hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (hệ thống cung cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc, trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện) nằm trong quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực liên quan và không thuộc quy hoạch sử dụng đất an ninh.

V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

1. Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.

2. Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương được xác định trong quá trình lập, phê duyệt các dự án cụ thể của các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VI. DANH MỤC DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

1. Tập trung đầu tư xây dựng trung tâm chỉ huy, trụ sở, doanh trại, công trình hiện đại cho các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo ổn định lâu dài và phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung ương và địa phương.

2. Xây dựng Trung tâm huấn luyện thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

VII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Cơ chế, chính sách

- Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, định mức... để tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; tập trung giải quyết những bất cập về cấp nước, giao thông phục vụ phòng cháy, chữa cháy,...;

- Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, trong đó phải có các giải pháp cụ thể đảm bảo về cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy;

- Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và lái xe chữa cháy.

2. Công tác quản lý

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Phân định rõ trách nhiệm thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến phòng cháy và chữa cháy giữa các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong thời kỳ quy hoạch;

- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Tăng cường kiểm tra đôn đốc các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở trong việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

- Bảo đảm quân số và trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng tiêu chuẩn, định mức và cơ số chiến đấu đáp ứng yêu cầu chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

3. Phát triển nguồn nhân lực

- Điều chỉnh chỉ tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy (gồm cả hệ dân sự) phù hợp nhu cầu hàng năm và từng thời kỳ;

- Chú trọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, trung học và công nhân lành nghề ngoài ngành Công an phù hợp với chuyên môn cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; điều chỉnh chỉ tiêu lựa chọn số chiến sĩ nghĩa vụ có nguyện vọng phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp nhu cầu hàng năm và từng thời kỳ, tuyển chọn những người có sức khỏe tốt và kỹ năng để huấn luyện trở thành chiến sĩ chuyên nghiệp và cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao, tinh thông về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại;

- Đổi mới và đa dạng hóa hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện ở trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Củng cố và phát triển lực lượng phòng cháy và cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và dân phòng; nghiên cứu tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện để tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Khoa học, công nghệ và môi trường

- Phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thân thiện với môi trường trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường công tác chuyển giao công nghệ trong xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng phòng cháy và chữa cháy;

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định... về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và tiêu chuẩn quốc tế hoặc xu hướng hội nhập quốc tế;

- Xây dựng chính sách khuyến khích liên kết và chuyển giao công nghệ trong phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy;

- Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, khai thác, bảo trì công trình hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

5. Hợp tác quốc tế

- Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tăng cường liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực và các quốc gia tiên tiến trên thế giới có hạ tầng phòng cháy và chữa cháy phát triển; liên kết chuyển giao công nghệ quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy giữa các nước;

- Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn mà Việt Nam là thành viên;

- Chủ động hội nhập, tranh thủ kinh nghiệm của các nước về đào tạo, huấn luyện để nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy, đào tạo nguồn lực, chuyển giao công nghệ, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

6. Huy động vốn đầu tư

- Phát huy nguyên tắc “Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy” để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch;

- Huy động nguồn vốn đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ, nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là chính;

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác.

7. Công bố và giám sát thực hiện quy hoạch

- Tổ chức công bố Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân khi triển khai thực hiện;

- Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch giữa trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng của quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và quản lý quỹ đất; các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề có tính liên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch;

- Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong giám sát thực hiện quy hoạch;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, thực hiện quy hoạch để bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quy hoạch;

- Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo Luật Quy hoạch; cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm;

- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công an:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

- Xây dựng, cập nhật, lưu trữ các cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

- Công bố quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; triển khai xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất các giải pháp cần thiết để triển khai quy hoạch đồng bộ, khả thi, hiệu quả;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cân đối, bố trí nguồn lực theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an xem xét, bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực;

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, dự án có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này. Cập nhật những nội dung liên quan trong quy hoạch tỉnh để đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy của địa phương theo quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

PHỤ LỤC I

PHÂN VÙNG HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Số thứ tự vùng

Tên Vùng

Số địa phương trong vùng

Các địa phương cấp tỉnh trong vùng

Địa phương trung tâm

Địa phương trọng điểm

1

Vùng trung du và miền núi phía Bắc

14

Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng

Thái Nguyên, Sơn La

Phú Thọ; Lào Cai; Lạng Sơn

2

Vùng đồng bằng sông Hồng

11

Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình

Hà Nội

Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định

3

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

14

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận

Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa

Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định

4

Vùng Tây Nguyên

5

Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

Đắk Lắk, Lâm Đồng

Gia Lai

5

Vùng Đông Nam Bộ

6

Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương

Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương

6

Vùng đồng bằng sông Cửu Long

13

Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An

Cần Thơ, Kiên Giang

Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An

PHỤ LỤC II

DANH MỤC ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DOANH TRẠI, TRỤ SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tỉnh/thành phố

Hiện trạng

Quy hoạch đến năm 2030

Tầm nhìn đến năm 2050

Số vị trí đất PCCC

Diện tích (Ha)

Số vị trí đất PCCC

Tổng diện tích (Ha)

Số vị trí đất PCCC

Tổng diện tích (Ha)

1

An Giang

5

1,601

8

3,70

-

2

Bà Rịa - Vũng Tàu

7

4,421

24

7,52

-

3

Bắc Giang

4

3,946

10

6,55

-

4

Bắc Kạn

1

0,860

4

33,60

5

16,70

5

Bạc Liêu

3

2,140

9

5,60

-

6

Bắc Ninh

1

0,537

4

6,65

9

2,70

7

Bến Tre

4

1,522

13

5,16

5

4,17

8

Bình Định

3

1,283

12

6,00

-

9

Bình Dương

11

10,202

34

11,00

-

10

Bình Phước

6

9,120

11

16,62

-

11

Bình Thuận

4

3,326

17

17,20

-

12

Cà Mau

2

1,245

8

28,52

8

4,83

13

Cần Thơ

10

3,493

12

9,46

5

3,59

14

Cao Bằng

1

0,636

12

12,00

-

15

Đà Nẵng

16

8,101

2

0,32

6

5,86

16

Đắk Lắk

8

18,131

17

9,00

-

17

Đắk Nông

3

2,634

10

15,92

-

18

Điện Biên

10

10,789

12

5,00

-

19

Đồng Nai

10

9,164

13

25,69

15

6,90

20

Đồng Tháp

6

5,252

4

3,50

-

21

Gia Lai

4

6,069

19

33,50

-

22

Hà Giang

1

0,984

11

9,21

-

23

Hà Nam

4

2,399

8

4,80

-

24

Hà Nội

26

12,771

21

9,85

-

25

Hà Tĩnh

3

1,621

12

14,60

-

26

Hải Dương

1

0,604

30

49,56

-

27

Hải Phòng

9

5,045

5

2,00

12

11,10

28

Hậu Giang

2

1,679

3

2,50

4

4,00

29

Hòa Bình

2

1,156

9

4,89

1

0,50

30

Hưng Yên

3

1,066

12

8,30

1

0,50

31

Khánh Hòa

5

0,930

12

14,21

-

32

Kiên Giang

5

3,339

28

14,07

-

33

Kon Tum

1

0,364

10

9,28

-

34

Lai Châu

3

2,635

8

8,00

-

35

Lâm Đồng

6

4,237

11

10,77

-

36

Lạng Sơn

1

0,466

9

13,52

4

2,40

37

Lào Cai

2

0,589

7

4,90

5

9,09

38

Long An

5

2,019

20

17,01

1

2,00

39

Nam Định

2

1,702

9

10,21

8

5,60

40

Nghệ An

8

9,820

6

8,60

16

23,90

41

Ninh Bình

2

1,957

6

12,17

2

4,00

42

Ninh Thuận

1

0,500

4

12,70

-

43

Phú Thọ

5

3,638

24

54,65

1

2,00

44

Phú Yên

2

1,717

1

2,00

6

6,50

45

Quảng Bình

3

1,692

3

3,00

4

3,74

46

Quảng Nam

4

3,403

23

6,90

-

47

Quảng Ngãi

5

7,427

16

9,50

-

48

Quảng Ninh

13

7,989

6

6,60

-

49

Quảng Trị

5

3,920

23

16,89

-

50

Sóc Trăng

1

0,179

11

5,40

-

51

Sơn La

5

2,957

12

11,04

14

21,50

52

Tây Ninh

2

1,877

3

12,00

-

53

Thái Bình

3

1,739

7

4,52

1

2,00

54

Thái Nguyên

2

2,000

12

12,00

-

55

Thanh Hóa

5

8,933

21

38,50

5

9,44

56

Thừa Thiên Huế

4

2,849

10

9,30

-

57

Tiền Giang

3

0,866

4

1,25

7

7,28

58

TP. Hồ Chí Minh

32

16,905

17

18,69

-

59

Trà Vinh

8

4,925

13

7,00

5

2,50

60

Tuyên Quang

3

3,741

8

18,23

-

61

Vĩnh Long

4

1,791

10

4,16

1

0,50

62

Vĩnh Phúc

6

35,436

8

12,95

3

3,00

63

Yên Bái

2

2,203

9

5,61

-

64

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

3

35,648

2(*)

30,00

-

65

Trường Đại học phòng cháy và chữa cháy

4

33,454

-

-

Cộng

335

345,641

739

793,86

154

166,30

Ghi chú:

- Việc xác định phạm vi ranh giới, khoanh định đất đai đối với mạng lưới doanh trại, trụ sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được đề cập tại Phụ lục này đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được thực hiện trong Quy hoạch cấp tỉnh, trên cơ sở phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của địa phương và tích hợp với định hướng quy hoạch sử dụng đất An ninh;

- Các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chỉ tiêu quy hoạch trên; quá trình tổ chức thực hiện, nếu có nhu cầu phát sinh nhu cầu sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại báo cáo cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật;

- (*) Quy hoạch Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an khu vực miền Nam (15 ha) tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an khu vực miền Trung (15 ha) tại thành phố Đà Nẵng.

PHỤ LỤC III

DANH MỤC DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, DỰ ÁN ƯU TIÊN THEO ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRỤ SỞ, DOANH TRẠI ĐƠN VỊ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

TT

Nội dung

Số công trình

I

Mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình ở Trung ương

12

1

Xây dựng Trung tâm chỉ huy lực lượng Phòng cháy chữa cháy Bộ Công an 1.

1

2

Xây dựng Trung tâm huấn luyện và ứng phó khẩn cấp về PCCC và CNCH khu vực phía Bắc 2.

3

3

Xây dựng Viện nghiên cứu khoa học công nghệ PCCC và CNCH.

1

4

Xây dựng Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện PCCC và CNCH.

3

5

Xây dựng Kho phương tiện PCCC và CNCH.

1

6

Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh)

2

7

Bảo tàng PCCC Việt Nam.

1

II

Tại Công an các địa phương

718

Tổng cộng

730

____________________

1. Dự án đã được Bộ Công an phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 7369/QĐ-BCA-H01 ngày 10 tháng 10 năm 2022.

2. Đầu tư theo dự án “Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2020.

B. DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ, HỆ THỐNG THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ TRIỂN KHAI QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

TT

Nội dung

1

Dự án “Trang bị trang phục chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy”.

2

Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó sự cố cháy nổ, CNCH trên sông, cảng biển, nhà cao tầng, công trình ngầm, cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hóa chất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH”.

3

Dự án “Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản”.

4

Dự án “Đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Phần Lan (Giai đoạn 3).

5

Dự án “Sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH”.

6

Đầu tư trang thiết bị chữa cháy và cấp cứu sự cố hỏa hoạn cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Áo - Giai đoạn III.

7

Dự án Xây dựng Hệ thống Trung tâm chỉ huy điều hành công tác PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

8

Dự án Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố.

9

Dự án “Đầu tư trang bị máy bay chữa cháy và CNCH cho Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về PCCC và CNCH Bộ Công an”.

Ghi chú: Các dự án quy định tại Phụ lục này là các dự án mang tính ưu tiên, quan trọng, bắt buộc phải làm. Các dự án chưa được thể hiện trong danh mục này nhưng phù hợp với các tiêu chí, nội dung quy hoạch thì vẫn đảm bảo điều kiện phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 819/QĐ-TTg ngày 07/07/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.771

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.35.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!