Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 739/QĐ-UBND kết quả Dự án Điều tra cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước Bình Thuận 2017

Số hiệu: 739/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Phạm Văn Nam
Ngày ban hành: 22/03/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 739/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ DỰ ÁN “ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ KIỂM SOÁT CÁC CƠ SỞ XẢ THẢI GÂY Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC; LẬP DANH MỤC CÁC NGUỒN NƯỚC BỊ Ô NHIỄM, SUY THOÁI, CẠN KIỆT VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP XỬ LÝ, KHÔI PHỤC”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2009/NQ-CP ngày 12/6/2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Thông tư số 21/2009/BTNMT ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định về định mức Kinh tế - Kỹ Thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước;

Căn cứ Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí Dự án “Điều tra, thống kê và kiểm soát các cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và đề xuất giải pháp xử lý, khôi phục”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 140/TTr-STNMT ngày 15 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết quả Dự án “Điều tra, thống kê và kiểm soát các cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý, khôi phục”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

a) Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu và tạo cảnh quan môi trường; tiêu thoát nước, phục vụ giao thông thủy, hoạt động du lịch trên sông, …

b) Quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước lưu vực sông là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư của tỉnh và có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Bảo vệ chất lượng nước lưu vực sông cần có sự hợp tác, sự gắn kết, hài hòa giữa các ngành, các bên liên quan và sự phát triển chung của các vùng, lưu vực trong tỉnh với các tỉnh trong cùng lưu vực;

c) Giải pháp phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý và kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng nguồn nước; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm;

d) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường công tác quản lý nhà nước và ứng dụng khoa học tiên tiến, áp dụng khoa học và công nghệ thích hợp làm giải pháp để xử lý ô nhiễm.

2. Mục tiêu và phạm vi:

2.1. Mục tiêu:

- Xây dựng được hồ sơ các cơ sở xả thải nước thải vào các nguồn nước phục vụ cho công tác quản lý và cấp phép xả thải;

- Phân vùng chất lượng của các nguồn nước và lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt;

- Đề xuất được các giải pháp khả thi xử lý, khôi phục chất lượng nguồn nước tỉnh Bình Thuận.

2.2. Phạm vi:

a) Phạm vi về không gian:

Điều tra các nguồn thải thuộc các lưu vực sông sau: Sông Luỹ, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Phan, sông Lòng Sông, sông Nước Mặn, sông Cô Kiều, suối Cầu Giá nằm trong phạm vi tỉnh Bình Thuận.

b) Phạm vi về mức độ điều tra:

Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước tương ứng với bản đồ tỷ lệ 1:200.000; trong đó, công tác điều tra hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đối với nguồn thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

3.1. Giải pháp công trình:

3.1.1. Các giải pháp xử lý, khôi phục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái:

a) Xây dựng tuyến thu gom nước mưa, nước thải và trạm xử lý nước tập trung khu đô thị:

- Đối với nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư, đô thị tập trung:

Đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn xả thải cho các đô thị, thị trấn dân cư thuộc vùng hạ lưu hệ thống sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Phan đảm bảo hiệu quả vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Đối với nước thải sinh hoạt tại các hộ dân khu vực nông thôn nằm phân tán:

Đối với nước thải quy mô hộ gia đình phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi xả ra môi trường. Bể tự hoại được đề xuất là bể tự hoại 03 ngăn. Nước thải sau khi xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại được xả vào hệ thống thoát nước chung và dẫn về trạm xử lý tập trung.

- Đối với các khu đô thị du lịch ven biển:

Phải xây dựng trạm xử lý nước thải riêng cho từng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lch, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Yêu cầu tất cả các cơ sở đang hoạt động đều phải có hệ thống xử lý, nước thải xử lý đạt quy chuẩn môi trường cột A tùy điều kiện thực tế thoát vào cống chung hoặc thoát ra biển.

b) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

- Đối với các khu công nghiệp đang hoạt động:

Tiến hành xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thu gom nước thải trong các khu công nghiệp. Tăng cường kiểm tra giám sát và bảo đảm 100% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiến hành đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên các lưu vực sông cần tiếp tục triển khai nâng công suất trạm xử lý theo tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang xây dựng cơ sở hạ tầng:

Bắt buộc các chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trước khi tiếp nhận doanh nghiệp đầu tư. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chỉ được đi vào hoạt động khi đã xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải tập trung và có mạng lưới thu gom nước thải hoàn chỉnh.

- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn đang trong quá trình quy hoạch:

Đối với các khu công nghiệp nằm trong vùng mà nguồn nước không còn khả năng tiếp nhận thì chỉ đầu tư các ngành nghề ít phát sinh nước thải trong quá trình hoạt động như các ngành cơ khí, giày da, may mặc, chế biến gỗ và điện tử hoặc bắt buộc phải xử lý nước thải đạt chuẩn cho phép ở khu vực tiếp nhận đó. Chỉ thành lập các khu công nghiệp mới khi các khu công nghiệp cũ đã lấp đầy ít nhất 60% diện tích đất cho thuê. Hạn chế việc đầu tư xây dựng trên lưu vực các cơ sở sản xuất công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như xi mạ, bột mì, dệt nhuộm, da giày... Đặc biệt, đối với khu vực thượng nguồn sông các sông suối được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

c) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các hoạt động phát sinh nước thải chính trên các sông, suối điều tra:

- Hoạt động chăn nuôi:

Đề xuất phương án lựa chọn các mô hình trong chăn nuôi gia súc hộ gia đình như sau: Mô hình hầm Biogas; mô hình hầm ủ phân; mô hình đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, cần triển khai thường xuyên công tác thanh tra, kiểm soát hiện trạng môi trường tại các cơ sở/trại chăn nuôi tập trung; phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở không quản lý hoặc quản lý không hiệu quả chất thải phát sinh. Các trang trại chăn nuôi cần áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng vừa tăng cường hiệu quả xử lý vừa kết hợp tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón.

- Hoạt động y tế, khám chữa bệnh:

Trước mắt, đối với các trạm y tế nhỏ, cần khử trùng nước thải sau khi xử lý bằng bể tự hoại để diệt vi khuẩn, mầm bệnh trước khi xả vào cống chung. Đối với các bệnh viện cần khẩn trương đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo chất lượng nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

- Hoạt động của các làng nghề sản xuất bún:

Tiến hành quy hoạch các cơ sở sản xuất bún, bánh phở trên từng lưu vực thành các cụm cơ sở, tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các cơ sở này, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Đối với cơ sở không thể di dời hoặc nằm phân tán với số lượng không nhiều, cần phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

- Hoạt động của các cơ sở chế biến thủy sản:

Hỗ trợ vốn và xây dựng cơ chế chính sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư, đới bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt vào các khu/cụm công nghiệp. Trước mắt tập trung vào những cơ sở gây ô nhiễm có lưu lượng nước thải lớn xả trực tiếp nước thải vào các lưu vực sông và những sông kênh rạch cấp một.

- Hoạt động của các hộ nuôi tôm thịt:

Khuyến khích các biện pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng cách kết hợp như sử dụng cá rô phi và rong biển để xử lý thức ăn thừa trong ao nuôi mà không cần sử dụng thêm hóa chất nào khác.

d) Nạo vét bùn định kỳ trên các sông kênh:

Nạo vét bùn, cải tạo một số đoạn kênh rạch đang bị ô nhiễm nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo cho sự phát triển của các sinh vật thủy sinh mà còn giúp khơi thông dòng chảy cho giao thông thủy và tạo cảnh quan cho đô thị.

đ) Phát triển hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải để tái sử dụng:

Xây dựng chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh với các đối tượng sử dụng nhiều nước. Điều này sẽ giúp tiết kiệm ngân sách của tỉnh, chủ động được nguồn nước khai thác trong những tháng hạn; giảm thiểu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và nước biển ven bờ.

e) Lắp đặt hệ thống trạm quan trắc tự động và camera theo dõi, giám sát các nguồn thải, chống xả trộm:

Hệ thống này được lắp đặt đối với các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn hoặc các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; việc đưa vào sử dụng các thiết bị quan trắc nước thải tự động và hệ thống camera theo dõi cho phép quan sát 24/24 giờ quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và xả nước thải của các doanh nghiệp. Hệ thống này có bố trí các thiết bị lấy mẫu nước thải tự động có thể đo nhanh các thông số COD, TSS, pH, EC và lưu lượng của nước thải. Qua đó sẽ hạn chế việc xả trộm nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn vào nguồn tiếp nhận.

f) Đẩy mạnh hoạt động, nghiên cứu, quan trắc và công tác đánh giá tác động môi trường nước:

Cần thực hiện công tác quan trắc, đánh giá tác động môi trường nước định kỳ, thường xuyên theo dõi chất lượng nước cũng như mức độ tác động của các chất ô nhiễm tới môi trường, từ đó có những biện pháp khắc phục và cải thiện. Lập đề án xây dựng các trạm quan trắc tự động chất lượng nước: 03 trạm trên mỗi lưu vực sông (tương ứng với thượng lưu, trung lưu và hạ lưu của lưu vực sông). Thường xuyên thông báo cho cộng đồng về tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực. Thực hiện công khai hóa các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tạo áp lực xã hội mạnh mẽ đối với các cơ sở này.

g) Một số giải pháp kỹ thuật đối với các cơ sở khai thác titan:

- Thiết kế hồ chứa quặng thải để lắng bùn; hồ chứa phải được lót đáy để tránh nước thải thấm xuống nguồn nước dưới đất;

- Tái sử dụng nước đã lắng trong quá trình khai thác - tuyển thô để hạn chế khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

- Đối với khu vực xưởng tuyển, khu vực lưu trữ quặng phải thiết kế hệ thống kênh rãnh thoát nước mặt để thu thập toàn bộ dầu mỡ thải, bùn cặn, … vào hồ chứa;

- Không khai thác ở quá sát mép để tránh nước biển xâm nhập vào tầng chứa nước dưới đất gây nhiễm mặn tầng chứa nước ngọt trong các cồn cát.

3.1.2. Giải pháp xử lý, khôi phục các nguồn nước cạn kiệt vùng điều tra:

a) Xây dựng các hồ chứa và đập dâng:

Để điều tiết, phân phối hợp lý nguồn nước cần chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hồ chứa và các đập dâng trên các lưu vực sông, suối kết hợp với việc xây dựng và cải tạo hệ thống kênh dẫn. Việc xây dựng các hồ chứa nhằm giữ lại nguồn nước phong phú vào mùa mưa để cung cấp đủ cho các tháng mùa khô là một giải pháp cấp bách và cần được triển khai theo tiến độ. Do tính chất khô hạn, nguồn nước các sông suối nhỏ và lại phân bố tập trung vào mùa mưa lũ.

b) Nâng cao dung tích thô của các công trình hồ chứa:

Phương pháp có thể tăng cường dung lượng nước thô là nâng cao trình của đập tràn hiện hữu kết hợp với các dự án tăng dung lượng tích nước.

c) Xây dựng hệ thống kênh nối mạng:

Nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến kênh nối mạng trên địa bàn tỉnh là một giải pháp cấp bách đối với vấn đề khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước trên các lưu vực.

d) Giải pháp tiết kiệm nước:

- Tưới tiết kiệm quy mô lớn: Tưới nhỏ giọt, tưới nhỏ giọt ngầm;

- Tưới tiết kiệm quy mô nhỏ: Tưới bằng chai nhựa, thủy canh, tưới trực tiếp thông qua mạch mộc.

- Chống bốc hơi nước: Sử dụng màng che, bạt phủ nông nghiệp hay lót đáy cho ô ruộng canh tác nhằm chống ngấm sâu, giữ nước cho lớp đất có bộ rễ cây hoạt động.

- Tạo độ ẩm cho đất bằng cách dùng các chất tạo ẩm (bón vào đất).

đ) Xây dựng quy trình vận hành, kiểm tra định kỳ các công trình hồ chứa:

Các công trình thủy lợi, hồ chứa nước phải xây dựng quy trình vận hành, thường xuyên được kiểm tra, phát hiện các hư hỏng để khôi phục, sửa chữa kịp thời và bảo đảm về mặt mỹ quan công trình để bảo đảm công trình vận hành an toàn, hiệu quả, dễ dàng.

e) Bảo vệ rừng đầu nguồn trên các lưu vực:

Cần tiếp tục tăng cường diện tích rừng, cây xanh; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học. Tận dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp để phát triển thêm diện tích cây xanh đồng thời cải tạo các khu công viên để nâng cao chất lượng mảng xanh trên địa bàn. Bảo vệ rừng đầu nguồn theo diện tích đã được khoanh vùng trên các lưu vực.

3.2. Giải pháp phi công trình:

Để giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên các lưu vực sông, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp công trình, kết hợp thực hiện đồng thời các giải pháp phi công trình để bảo vệ chất lượng nước cũng như số lượng nước trên các hệ thống sống suối, cụ thể:

3.2.1. Giải pháp phân vùng tiếp nhận nước thải trên các lưu vực sông:

Xây dựng quy định phân vùng tiếp nhận nước lưu vực ứng với các mục đích sử dụng nước khác nhau. Từ đó, quy định mức xả thải đối với từng nguồn thải. Để đảm bảo chất lượng nước phục vụ nhu cầu cấp nước.

3.2.2. Công cụ pháp lý:

a) Hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý nguồn thải:

- Rà soát đánh giá chính sách hiện hành của quốc gia, địa phương liên quan đến quản lý nguồn thải và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, xác định vấn đề bất cập, những khó khăn còn tồn tại;

- Lập kế hoạch hoàn thiện và xây dựng chương trình quản lý nguồn thải và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức ban hành các quy định mới hoặc thay thế.

b) Biện pháp cưỡng chế:

Tổ chức thanh tra các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường nước. Đình chỉ tạm thời hoạt động của các doanh nghiệp có vi phạm nhiều lần cho đến khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải;

- Thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp hỗ trợ cơ sở sản xuất ô nhiễm di dời vào khu sản xuất tập trung trên địa bàn.

3.2.3. Công cụ kinh tế:

a) Chính sách thuế:

Tạo điều kiện miễn giảm thuế cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nào triển khai các dự án cải tiến công nghệ. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất thực hiện xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm hoặc di dời theo các quy định hiện hành.

b) Phí môi trường:

Thực hiện việc thu Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định hiện hành.

3.2.4. Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng:

Vận động người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học hợp lý trong sản xuất nông nghiệp, không vứt chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, mương, ao, hồ, kênh dẫn, không xả nước thải, rác thải sinh hoạt và sản xuất xuống sông; dùng các phương tiện truyền thông để truyền thông thông tin đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về hiện trạng môi trường nước mặt, các cơ sở gây ô nhiễm nước mặt, các cơ sở xử lý tốt nước thải và tầm quan trọng của tài nguyên nước; nâng cao nhận thức doanh nghiệp về lợi ích của việc bảo vệ tài nguyên nước; tổ chức phong trào thi đua sâu rộng trong cộng đồng thực hiện kế hoạch bảo vệ nguồn nước ở các cấp, các ngành và cơ sở, các tầng lớp nhân dân với những việc làm thiết thực; tổ chức các tuần lễ tuyên truyền về bảo vệ nguồn nước hàng năm và xây dựng các công trình điển hình về bảo vệ nguồn nước, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tài nguyên nước trong học sinh, sinh viên và đoàn thanh niên.

Các chương trình giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước cần bắt đầu từ bậc học mầm non và kéo dài liên tục cho đến các cấp học sau này.

3.2.5. Vận động khuyến khích các cơ sở giảm thiểu ô nhiễm:

- Từng bước áp dụng thực hiện sản xuất sạch hơn, ISO 14000 trong hoạt động;

- Vận động, khuyến khích các cơ sở di dời địa điểm sản xuất đến khu quy hoạch;

- Lập danh sách các doanh nghiệp xanh, đen;

- Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực áp dụng chương trình 3Rs (Recycle - Reuse - Recovery), các hoạt động này là nền tảng cho việc giảm lãng phí và tối ưu hóa quá trình sản xuất.

3.2.6. Quản lý các nguồn thải khác nhau:

a) Quản lý các nguồn xả thải từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi

- Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt;

- Thu gom và xử lý chất thải rắn nông nghiệp độc hại;

- Nhân rộng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu;

- Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung: Chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp để thuận tiện cho việc thu gom và xử lý nước thải;

- Đối với nguồn thải từ hoạt động trồng trọt, dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thất thoát vào môi trường tương đối lớn (đặc biệt đối với mô hình lúa nước). Trong công tác khuyến nông, cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến kỹ thuật canh tác, trong đó kỹ thuật bón phân, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương thức và đúng thời điểm) là hết sức cần thiết. Khuyến khích việc sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, nghiêm cấm và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Ngoài ra, cần nghiên cứu các kỹ thuật, mô hình và phương thức canh tác tiên tiến, sử dụng ít nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

b) Quản lý các nguồn xả thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề - Kiểm soát hoạt động xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nước thải đầu ra đạt quy chuẩn cho phép.

- Rà soát hiện trạng, quy hoạch phát triển nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Tuyên truyền, cung cấp các thông tin về tác động tiêu cực của việc xả nước thải đối với môi trường nước;

- Phát triển, thúc đẩy các cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ sạch;

- Thiết lập thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với trường đại học, viện nghiên cứu;

- Hỗ trợ về khoa học và công nghệ để triển khai nhân rộng các mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các cơ sở trên địa bàn.

c) Quản lý các nguồn xả thải y tế:

Kiểm soát hoạt động xả thải từ các cơ sở y tế trên địa bàn các lưu vực để đảm bảo nước thải y tế thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải y tế cho từng bệnh viện, cơ sở y tế.

d) Quản lý chất thải rắn thải vào các lưu vực sông:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý tổng hợp chất thải rắn

+ Xây dựng quy trình thu gom rác từ khu dân cư, khu chợ…;

+ Quy hoạch các bãi rác, đảm bảo sự an toàn lâu dài của môi trường; cải tạo, nâng cấp bãi rác cũ và đầu tư xây dựng bãi rác mới theo hướng chôn lấp hợp vệ sinh;

+ Khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp;

+ Phát triển cơ sở hạ tầng môi trường, các dịch vụ vệ sinh môi trường công cộng;

+ Cải tạo và xây dựng mới các công trình xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại;

+ Xây dựng các nhà máy chế biến phân compost;

+ Hoàn thiện chính sách đầu tư môi trường, thu hút đầu tư của khối tư nhân và cộng đồng vào xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ môi trường;

+ Nâng cao ý thức của người dân, cơ quan, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường tại thành phố, nông thôn.

- Lập và triển khai kế hoạch tái chế, tái sử dụng rác thải

+ Giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tận thu tối đa phế liệu tái chế từ rác thải;

+ Nâng cao năng lực kinh doanh và điều kiện lao động của khối tư nhân trong hoạt động tái chế rác thải;

+ Xử lý tập trung rác thải hữu cơ bằng ủ sinh học;

+ Quản lý kinh doanh chính thống các phế liệu tái chế không hữu cơ từ rác thải sinh hoạt;

+ Cải thiện vận hành hệ thống thu hồi tái chế không chính thống/quy mô nhỏ;

+ Tập huấn, tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cho người dân và doanh nghiệp...

- Kiểm soát chất thải nguy hại

+ Giảm thiểu sự phát sinh chất thải ngay tại nguồn;

+ Khuyến khích, cưỡng chế áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền;

+ Quản lý vận chuyển an toàn chất thải ngay tại;

+ Xử lý và tiêu hủy chất thải ngay tại;

+ Phòng ngừa, ô nhiễm, rủi ro và sự cố môi trường đối với sức khoẻ cộng đồng và môi trường sống;

+ Áp dụng chính sách ưu đãi để lôi cuốn sự tham gia của khối tư nhân trong xử lý chất thải ngay tại nguồn.

3.2.7. Áp dụng mô hình hóa quản lý chất lượng nước trong từng nhánh sông kênh thuộc phạm vi đã khảo sát:

Mô hình hóa mô phỏng các hệ thống của từng nhánh kênh sông là phương pháp toán học - tin học ngày càng cần thiết trong việc quản lý tổng hợp môi trường nước nói chung và nước các kênh sông trong địa bàn tỉnh Bình Thuận.

3.2.8. Phát triển ứng dụng sản xuất sạch hơn, kết hợp tái chế và tái sử dụng trong sản xuất công nghiệp:

Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất, cụ thể là xây dựng và duy trì thực hiện các chương trình hỗ trợ và thông tin môi trường áp dụng sản xuất sạch hơn kết hợp với tái chế và tái sử dụng chất thải trên lưu vực sông, suối.

3.2.9. Tăng cường công tác quan trắc, giám sát, thanh tra môi trường nước:

Thường xuyên và định kỳ thanh tra, kiểm tra các điểm, khu vực ô nhiễm, sự cố môi trường nước để tiến hành xây dựng các giải pháp phòng ngừa, khắc phục và xử lý kịp thời.

3.2.10. Giải pháp phát triển nguồn lực quản lý tài nguyên nước

Nâng cao nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật và tăng nguồn tài chính để thực hiện hiệu quả chương trình quản lý các nguồn thải.

- Phát triển nhân lực

+ Cơ quan quản lý môi trường cần có chính sách tuyển dụng và đào tạo cán bộ có chuyên môn về môi trường, đặc biệt liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước;

+ Tăng cường đào tạo và tập huấn cán bộ trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá môi trường nước mặt;

+ Tạo điều kiện học tập cho các cán bộ, gửi người đến các viện, sở, phòng ban khác để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến quản lý tài nguyên nước;

+ Thường xuyên mở các lớp tập huấn định kỳ nghiệp vụ chuyên môn về công tác bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng xử lý tình huống khi có sự cố, vấn đề phát sinh xảy ra.

- Tạo nguồn tài chính, tăng cường hợp tác quốc tế

Cần khai thác hợp lý nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn đầu tư khác thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

3.2.11. Quản lý các dữ liệu mang tính đồng bộ thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến tài nguyên nước của các lưu vực sông:

Xây dựng hệ thống WebGis chia sẻ dữ liệu hiện trạng chất lượng nước sông và hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước nhằm lưu giữ và kiểm soát các thông tin cơ bản về tài nguyên nước của các lưu vực sông và hiện trạng xả thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, kết quả của công tác điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải các lưu vực sẽ được chia sẻ tới mọi đối tượng sử dụng thông qua cơ sở dữ liệu sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cho công tác quản lý nguồn thải.

3.2.12. Giải pháp cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng, mùa vụ, tăng cường trồng rừng:

Lựa chọn cây trồng có khả năng chịu hạn cao và có giá trị thương mại để phát triển. Cơ cấu lại vật nuôi cho phù hợp với điều kiện của khu vực.

Tăng cường trồng rừng và phủ xanh thảm thực vật để nâng cao khả năng ngấm và trữ nước sau khi mưa, nâng cao mực nước ngầm tầng đất, giảm thiểu sự bốc thoát hơi nước của đất.

3.2.13. Giải pháp quy hoạch sử dụng đất bền vững:

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất từng khu vực. Thực hiện phương án Nông - Lâm nghiệp - Trú ẩn xen kẽ đúng quy trình kỹ thuật, vừa có rừng chắn gió, giữ nước vừa sản xuất lương thực và trồng cỏ cho chăn nuôi, hình thành môi trường sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

3.2.14. Giải pháp hạn chế các ngành nghề đầu tư vào các lưu vực sông

- Tài nguyên nước vùng thượng lưu các lưu vực sông điều tra còn hạn chế, đặc biệt là vào mùa khô. Bên cạnh đó, đây là thường là các khu vực nằm trong vùng cấp nước. Do đó, không thu hút đầu tư các ngành nghề sử dụng nhiều nước, các ngành nghề có mức ô nhiễm cao như: Nhuộm, thuộc da; Sản xuất giấy các loại, bột giấy; Sản xuất hóa chất cơ bản; Công nghiệp xi mạ; Các ngành công nghiệp chế biến: Tinh bột mì, hải sản; Sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật; Khai thác và chế biến khoáng sản;

- Vùng hạ lưu, ở các khu vực không nằm trong vùng cấp nước có thể đầu tư các ngành nghề ô nhiễm nhưng ở mức hạn chế. Hạn chế đầu tư các dự án các dự án chiếm nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp, các dự án có phát sinh chất thải lớn, sử dụng nhiều tài nguyên nước, các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu như: Công nghiệp xi mạ; Sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật; Sản xuất phân bón, Sản xuất sơn; Sản xuất phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp.

4. Các sản phẩm của dự án:

- Báo cáo tổng kết dự án (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt);

- Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt);

- Báo cáo thuyết minh đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của đoạn sông;

- Chuyên đề 1: Đánh giá biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng/nguồn xả nước thải.

- Chuyên đề 2: Đánh giá hiện trạng xử lý nước thải.

- Chuyên đề 3: Đánh giá tác động của hiện trạng xả nước thải đến chất lượng nguồn nước và các mục đích sử dụng nước.

- Chuyên đề 4: Các vấn đề nảy sinh do các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước và giải pháp giảm thiểu tác động do hoạt động xả nước thải đến nguồn nước vùng điều tra.

- Bản đồ 1:200.000:

+ Bản đồ về hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước.

+ Bản đồ khoanh vùng ô nhiễm nguồn nước.

- Bộ phiếu điều tra hiện trạng xả thải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

 (Điều tra các hoạt động phát sinh nước thải có lưu lượng ≥ 05m3/ngày.đêm);

- Kết quả phân tích bổ sung các mẫu nước:

+ Lấy và phân tích mẫu nước sông, hồ: 73 mẫu;

+ Lấy và phân tích mẫu nước biển ven bờ: 3 mẫu;

+ Phân tích mẫu nước thải đô thị và du lịch: 5 mẫu;

+ Phân tích mẫu nước thải cơ sở chế biến thủy sản: 5 mẫu;

+ Phân tích mẫu các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp và khu công nghiệp: 5 mẫu;

- Các chỉ tiêu đo đạc nhanh trên các tuyến sông, suối khảo sát: 40 mẫu.

- Kết quả đo lưu lượng dòng chảy (192 lần đo);

- Đĩa CD kết quả thực hiện dự án.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy định Phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức triển khai dự án được phê duyệt đến các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát các điểm xả nước thải vào nguồn nước và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông theo thẩm quyền.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, lĩnh vực sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường cơ chế thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư về bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai bảo đảm các yêu cầu về tài nguyên nước ngay từ giai đoạn xem xét ban đầu trong quá trình thành lập, thẩm định, trình phê duyệt chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chấp thuận các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối vốn xây dựng cơ bản cho các công trình, dự án liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm đầu tư các dự án theo Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh bố trí kế hoạch vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các dự án về tài nguyên nước.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, tập huấn giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ và sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên nước do địa phương quản lý.

- Đảm bảo các yêu cầu về tài nguyên nước ngay từ giai đoạn chấp thuận đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

- Kiểm soát, giám sát chặt chẽ ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải trên địa bàn; trong thực hiện việc đào, xây dựng các hố chôn xác động vật chết khi có dịch và đáy, thành bên các hồ phải được chống thấm, chống tràn bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

5. Các sở, ban, ngành liên quan và tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể có trách nhiệm phối hợp để triển khai thực hiện các nội dung được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Nam

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 739/QĐ-UBND ngày 22/03/2017 phê duyệt kết quả Dự án “Điều tra, thống kê và kiểm soát cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý, khôi phục" do tỉnh Bình Thuận ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.504

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.183.21
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!