Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 699/QĐ-UBND 2020 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro tỉnh Điện Biên

Số hiệu: 699/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Mùa A Sơn
Ngày ban hành: 20/07/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 699/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 20 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1337/TTr-SNN ngày 14/7/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Điện Biên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

PHƯƠNG ÁN

 ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 699/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Điện Biên)

I. GIỚI THIỆU CHUNG

1.1. Điều kiện tự nhiên và dân sinh - kinh tế - xã hội

- Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây Bắc nằm ở toạ độ 20o 50’ ¸ 22o 36’ độ Bắc; 102o 12’ ¸ 103o 36’ độ kinh Đông; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

- Địa hình toàn tỉnh bị phân cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn (có tới trên 80% diện tích tự nhiên có độ dốc trên 25%), thảm phủ thực vật thấp (khoảng 40% diện tích tự nhiên), địa chất đất đá rời rạc không ổn định do các hiện tượng tạo sơn vò nát từ những kỷ cổ đại; là tỉnh có nhiều vết gãy địa chất còn đang hoạt động, nên các hiện tượng động đất vẫn thường xuyên xảy ra (từ năm 2016 trở lại đây có 37 trận động đất lớn, nhỏ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Điện Biên, trận lớn nhất 4,3o Richter xảy ra ngày 09/01/2018 tại huyện Mường Ảng).

- Là địa bàn có sự hoạt động đan xen của các hiện tượng thời tiết giữa phía Tây và Đông - Đông Bắc, lượng mưa bình quân hàng năm lớn từ 1.700 mm đến 2.200 mm chỉ tập trung vào một số tháng mùa mưa (tháng 4-10), cao điểm từ tháng 6-8; sông suối có độ dốc lớn khi mưa xuống thoát nước nhanh dẫn đến lũ, lũ quét.

- Chính vì những yếu tố bất lợi nêu trên, hàng năm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các hiện tượng thiên tai như: Lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, mưa đá, rét hại, động đất, hạn hán,... gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất và tính mạng con người, chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây (2010-2019) thiệt hại do thiên tai đã làm: 57 người chết, 73 người bị thương; 14.090 nhà ở bị thiệt hại; 28.370,72 ha lúa bị thiệt hại; 19.476 con gia súc, gia cầm các loại bị chết; 232 công trình thủy lợi, 27.052 m kênh mương bị hư hỏng do mưa, lũ, sạt lở đất; 105 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng do mưa, lũ; 3.702.536 m3 đất đá sạt lở lấp đường gây ách tắc giao thông; 129 cầu, cống các loại bị hư hỏng… ước tính thiệt hại 1.891,109 tỷ đồng.

- Về phân vùng: Điện Biên gồm có hai vùng chính là:

+ Vùng đồi núi: Bao gồm các huyện, thị xã: huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay và các xã vùng cao của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai như lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sét đánh, động đất và hạn hán.

+ Vùng trũng thấp gồm: Lòng chảo Điện Biên (các phường, xã vùng thấp của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên) địa hình tương đối thấp, thường bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra. Các hình thế gây mưa chủ yếu là do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây kết hợp rãnh thấp trên cao; áp cao lục địa tăng cường kèm theo frông lạnh; rìa tây nam của áp cao cận nhiệt đới kết hợp với hội tụ gió trên cao. Các hình thế thời tiết nêu trên chi phối và ảnh hưởng khá mạnh đến lượng mưa và nền nhiệt độ tỉnh Điện Biên (Bình quân lượng mưa năm của tỉnh đạt từ 1.700 đến 2.200 mm).

- Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 954.125,06 ha, trong đó có 588.973 ha (bằng 61,7% diện tích tự nhiên) thuộc lưu vực sông Đà là 1 trong 3 nhánh sông lớn của lưu vực sông Hồng; phần diện tích tự nhiên còn lại của tỉnh thuộc lưu vực sông Mã 223.281 ha (bằng 23,4 % diện tích tự nhiên) và thuộc lưu vực sông Mê Kông 141.871 ha (bằng 14,9 % diện tích tự nhiên).

- Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn; Theo thống kê năm 2019, dân số tỉnh Điện Biên gần 60 vạn người (mật độ dân số trên 60 người/km2) với 21 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc Thái chiếm khoảng 38%, Mông chiếm khoảng 30%, Kinh chiếm khoảng 20% còn lại các dân tộc khác. Là tỉnh thuần nông, có 5 huyện nằm trong chương trình 30a của Chính phủ và 2 huyện được nhà nước hỗ trợ 70% áp dụng theo chương trình 30a.

1.2. Đặc điểm và tình hình thiên tai trên địa bàn

Điện Biên là tỉnh hội tụ gồm 02 vùng sinh thái miền núi và đồng bằng; có địa hình phức tạp chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, gió mùa; có nhiều khác biệt về tiểu vùng khí hậu, từ đó thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như: lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, hạn hán, sạt lở đất, sét đánh, rét hại, động đất… gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.

1.3. Đánh giá rủi ro thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai

Theo thống kê hàng năm đã được ghi nhận, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua thường xảy ra các loại hình thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai sau:

- Lốc, sét và mưa đá: cấp độ rủi ro là cấp 2;

- Mưa lớn: cấp độ rủi ro là cấp 1;

- Nắng nóng: cấp độ rủi ro là cấp 1;

- Hạn hán: cấp độ rủi ro là cấp độ 1;

- Rét hại, sương muối: cấp độ rủi ro là cấp độ 1;

- Lũ, ngập lụt: cấp độ rủi ro là cấp 1;

- Lũ quét: cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1;

- Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp độ rủi ro là cấp 1;

- Động đất: cấp độ rủi ro là cấp 2.

(Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA PHƯƠNG ÁN

2.1. Cơ sở pháp lý

- Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

- Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

- Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

- Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020;

- Văn bản số 47/TWPCTT ngày 19/5/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc định hướng xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai;

- Sổ tay Hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18/2/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

2.2. Mục đích

Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi ở an toàn, ổn định, chắc chắn, nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.

2.3. Yêu cầu

- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Huy động mọi nguồn lực để phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Vận động mọi tổ chức, cá nhân, Doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”.

- Người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền địa phương các cấp; các cơ quan chức năng. Chủ động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ứng phó kịp thời với những hình thái thiên tai có cấp độ mạnh và siêu mạnh, bất thường, cực đoan.

III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

3.1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra; góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 và các năm tiếp theo.

- Các cấp, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phương án tổng thể của tỉnh, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch của địa phương mình sát với tình hình thực tế của địa phương nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống mà thiên tai gây ra.

b) Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro do các hình thái thiên tai thường xuyên xảy ra: lũ, lũ quét, mưa lớn, lốc, sét, hạn hán, rét hại, sương muối, động đất, sạt lở đất và các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

- Đảm bảo 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tuyên truyền phổ biến đến từng cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh biết mức độ nguy hiểm của thiên tai kết hợp với các hình thái thời tiết khác có thể gây ra trên địa bàn tỉnh để từ đó có các phương pháp phòng tránh, sơ tán kịp thời. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ứng phó kịp thời với những loại hình thiên tai có cấp độ mạnh và siêu mạnh có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện việc xây dựng phương án ứng phó với các loại hình và cấp độ rủi ro của thiên tai cụ thể, chi tiết sát thực tế địa phương mình, ngành mình; từ đó tổ chức thực hiện tốt phương án ứng phó cụ thể, có hiệu quả với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro, nhất là những loại hình thiên tai có cấp độ mạnh, nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

- Bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hệ thống hồ chứa nước lớn, các hồ chứa gần khu dân cư đông đúc hoặc gần cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng quan trọng ở hạ du.

- Đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thành hệ thống thông tin liên lạc từ cấp tỉnh đến cấp xã (hữu tuyến, vô tuyến, di động, lực lượng hỏa tốc).

- Đảm bảo an toàn môi trường về đất, nước; an toàn vệ sinh dịch tễ, khống chế dịch bệnh sau khi thiên tai đi qua.

- Khắc phục và phục hồi kịp thời về sản xuất trên địa bàn tỉnh sau thiên tai; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

3.2. Phương châm ứng phó với thiên tai

- Đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra.

- Bảo vệ các công trình quan trọng về An ninh Quốc gia, phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.

- Đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xử lý, ứng phó với rủi ro thiên tai.

- Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh) với các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, chỉ huy phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Huy động nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai.

- Thống kê, đánh giá thiệt hại; bảo vệ môi trường, phục hồi sản xuất; cơ chế chính sách, hỗ trợ để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai.

3.3. Xác định đối tượng, phạm vi tác động của các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn.

3.3.1. Lốc, sét, mưa đá

- Lốc, sét, mưa đá diễn ra vào các tháng đầu mùa mưa, tháng 3, 4, 5 với mức độ mạnh, xảy ra trên phạm vi rộng. Đây là loại hình thiên tai gây chết người, tốc mái, đổ nhà cửa, cây cối; gây thiệt hại nặng về sản xuất.

- Điển hình như trận mưa đá kèm gió lốc xảy ra vào chiều ngày 23/3/2020 trên địa bàn huyện Điện Biên, chiều ngày 23/4/2020 trên địa bàn huyện Nậm Pồ và thị xã Mường Lay, chiều ngày 15/5/2020 trên địa bàn huyện Điện Biên và huyện Nậm Pồ. Ngày 24/6/2019 sét đánh làm 01 người chết tại bản Pú Đao, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Ngày 08/6/2020 sét đánh làm 01 người chết và 01 người bị thương nặng ở bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo,…

- Số trận lốc, sét, mưa đá xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình:

+ Lốc: 10 ÷ 15 trận/năm;

+ Sét: 10 ÷ 15 trận /năm (thường đi kèm mưa dông);

+ Mưa đá: 03 ÷ 05 cơn/năm.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

3.3.2. Mưa lớn

- Các hình thế gây mưa chủ yếu là do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa tăng cường hoặc suy yếu kết hợp hội tụ gió trên cao; rìa Tây Nam áp cao cận nhiệt đới kết hợp với hội tụ gió trên cao; áp thấp nóng phía tây. Rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với vùng áp thấp phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông nam; rãnh thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam; dải hội tụ nhiệt đới; rãnh thấp và áp cao lạnh lục địa tăng cường hoặc suy yếu; áp thấp nhiệt đới gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

- Năm 2019 tại Điện Biên đã xảy ra 14 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Đợt mưa diện rộng lớn nhất xảy ra từ ngày 28/5-06/6/2019, tổng lượng mưa các nơi phổ biến từ 150-350mm, một số nơi có lượng mưa cao hơn như tại Mường Lay 373mm, Mường Ảng 537mm, Pú Nhi (Điện Biên Đông) 479mm, Mường Nhà (Điện Biên) 400mm, Phì Nhừ (Điện Biên Đông) 380mm.

3.3.3. Lũ, ngập lụt

- Do tỉnh có các tiểu địa hình vùng lòng chảo, nên khi xảy ra mưa lớn cục bộ nhiều ngày sẽ xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở các vùng trũng thấp làm gập úng hàng trăm ha lúa và hoa màu, ngập tràn hàng trăm hecta thủy sản của nhân dân trong tỉnh, thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.

- Mùa lũ năm 2019 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện muộn (tháng 6) và kết thúc sớm (tháng 8); tháng 5, 9 và tháng 10 không xuất hiện lũ. Trên sông Nậm Nưa đã xuất hiện 08 trận lũ nhỏ (Cấp báo động I), trên sông Nậm Mức đã xuất hiện 03 trận lũ. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông suối thuộc tỉnh xuất hiện vào tháng 6 và 8.

- Vùng bị ảnh hưởng do lũ, gập lụt: nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

3.3.4. Lũ quét

Lũ quét xảy ra hầu hết ở các huyện trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở khu vực huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Ảng, huyện Mường Nhé.

3.3.5. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

- Sạt lở đất, sụt lún thường xảy ra khi có mưa to hoặc dòng chảy mạnh. Sạt lở, sụt lún thường diễn ra ở các vùng sườn núi, sườn đồi dốc, nền đất yếu không ổn định; các tuyến đường giao thông có địa hình cao.

- Vùng thường bị ảnh hưởng: toàn tỉnh.

3.3.6. Nắng nóng

- Nắng nóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra vào các tháng 3 đến 8 hàng năm với nền nhiệt độ trong ngày từ 35oC ÷ 40oC.

- Năm 2019 toàn tỉnh đã xuất hiện 05 đợt nắng nóng diện rộng và 08 đợt nắng nóng cục bộ. Đợt nắng nóng diện rộng kéo dài và gay gắt nhất trên toàn khu vực trong 20 ngày (từ ngày 02-21/5), với nhiệt độ cao nhất ngày từ 35oC đến 41,2 oC (Mường Lay 41,2 oC xảy ra ngày 19/5).

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

3.3.7. Hạn hán

- Hạn hán thường xảy ra vào các tháng mùa khô trong năm như: Các tháng đầu năm từ tháng 1, 2, 3 và các tháng cuối năm từ tháng 10,11, 12. Gần đây nhất, vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên hầu như không có mưa, mực nước tại các sông suối và hồ chứa xuống rất thấp, dung tích các hồ chứa trung bình đạt khoảng 30% so với thiết kế.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

3.3.8. Rét hại, sương muối

- Khi nhiệt độ trung bình ngày và đêm xuống dưới 13oC được gọi là rét hại. Rét hại kèm sương muối thường xảy ra vào các tháng mùa đông do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh từ phía bắc.

- Năm 2019 có 27 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, trong đó tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng 14 đợt (02 đợt gió mùa Đông Bắc và 12 đợt không khí lạnh tăng cường). Không khí lạnh đã gây ra 02 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng và 06 đợt cục bộ với tổng số từ 7-12 ngày rét đậm, rét hại; Pha Đin 47 ngày. Nhiệt độ tối thấp đạt 1,2 oC ngày 08/12 xảy ra tại Tuần Giáo.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

3.3.9. Động đất

- Điện Biên nằm trên dải đứt gãy địa chất lớn, kéo dài từ thị xã Lai Châu cũ, nay gọi là thị xã Mường Lay qua thành phố Điện Biên Phủ, giáp dải đỉnh núi phía tây của lòng chảo Điện Biên. Những trận động đất xảy ra trên địa bàn do dải đứt gãy địa chất dài khoảng hơn 1.000 km này gây ra.

- Theo thống kê từ năm 2015 trở về trước, trung bình hàng năm Điện Biên xảy ra khoảng 2 - 5 trận động đất, điển hình:

+ Năm 1983, tại huyện Tuần Giáo cũng đã xảy ra trận động đất cấp 9 có cường độ 6,7 độ richter. Thời điểm này không gây thiệt hại lớn do chủ yếu nhà cửa tạm, cơ sở vật chất còn thô sơ.

+ Năm 2001 tại thành phố Điện Biên Phủ đã xảy ra một trận động đất cấp 7, cường độ 5,3 độ richter khiến nhiều nhà bị nứt và một số nhà bị đổ sập;

+ Ngày 26/6/2014 tại huyện Điện Biên xảy ra động đất 4,3 độ richter;

+ Ngày 21/9/2015 tại huyện Tuần Giáo xảy ra động đất 3,6 độ richter;

- Từ năm 2016 đến năm 2019, trung bình hàng năm Điện Biên xảy ra khoảng 4-10 trận động đất:

+ Năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 trận động đất có độ lớn từ 2,5-4,7 độ richter trên địa bàn các huyện Tuần Giáo (01 trận), Mường Nhé (02 trận), Điện Biên (01 trận); Trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter xảy ra tại huyện Mường Nhé ngày 23/4/2016.

+ Năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 trận động đất có độ lớn từ 2,9-3,9 độ richter trên địa bàn các huyện Điện Biên (02 trận), Điện Biên Đông (02 trận), thị xã Mường Lay (02 trận), Mường Chà (01 trận); Trận động đất có độ lớn 3,9 độ richter xảy ra tại huyện Điện Biên Đông ngày 24/8/2017.

+ Năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 trận động đất có độ lớn từ 2,5-4,3 độ richter trên địa bàn các huyện Điện Biên Đông (5 trận), huyện Mường Ảng (1 trận), huyện Điện Biên (1 trận); Trận động đất có độ lớn 4,3 độ richter xảy trả tại huyện Mường Ảng ngày 09/01/2018.

+ Năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 trận động đất có độ lớn từ 2,5-4,0 độ richter trên địa bàn các huyện Mường Nhé (5 trận), huyện Điện Biên Đông (4 trận), huyện Nậm Pồ (1 trận); Trận động đất có độ lớn 4,0 độ richter xảy trả tại huyện Điện Biên Đông ngày 21/5 và 22/6/2019.

- Đầu năm 2020 xảy ra 02 trận động đất có độ lớn từ 2,6-3,2 độ richter trên địa bàn thị xã Mường Lay (ngày 09/1, độ lớn 2,6 độ richter), huyện Điện Biên (ngày 04/3, độ lớn 3,2 độ richter).

3.4. Xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai tương ứng theo các cấp độ rủi ro thiên tai

Căn cứ vào các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thường xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đưa ra các biện pháp ứng phó như sau:

3.4.1. Biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cập nhật kịp thời diễn biến của thời tiết về tình hình mưa, lũ từ đó chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các công điện, lệnh đến các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất với thời gian tối thiểu trước 24 giờ gồm:

- Chủ động sơ tán người, tài sản của nhà nước và nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;

- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;

- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;

- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;

- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối; các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở đất…;

- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;

- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Cứu người trước cứu tài sản sau”, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc men chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực xảy ra thiên tai, vùng bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;

- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;

- Huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai; về nhân lực, phương tiện, thiết bị do các lực lượng vũ trang trên địa bàn đảm nhận; về vật tư huy động tại các kho vật tư dự trữ của tỉnh và tại các kho của huyện, xã;

- Khôi phục và phục hồi sản sản xuất; nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, dập dịch, khống chế dịch bệnh tuyệt đối không được để dịch bệnh bùng phát; ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi thiên tai đi qua.

3.4.2. Biện pháp ứng phó với hạn hán

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cập nhật kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các công điện, lệnh đến các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về tình hình thiếu nước gây hạn hán để từ đó có phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình cụ thể:

- Quản lý chặt chẽ nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc; sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát nước;

- Tiến hành nạo vét hệ thống kênh, mương, hệ thống các trục kênh tưới tiêu kết hợp đảm bảo thông thoáng; tính toán lắp đặt thêm hệ thống các trạm bơm tại những vị trí thuận lợi về nguồn nước để nâng cao năng lực cấp nước cho hệ thống; linh hoạt điều phối, hòa mạng lưới cấp nước toàn tỉnh để hỗ trợ cho nhau (trạm bơm cấp nước bổ sung vùng diện tích tưới do hồ chứa phục vụ thiếu hụt nguồn nước và ngược lại);

- Ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm.

3.4.3. Biện pháp ứng phó với rét hại, sương muối:

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các công điện, lệnh đến các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về ứng phó với thiên tai rét hại, sương muối để chủ động phòng tránh gồm:

- Triển khai đồng bộ các biện pháp chống rét cho người, gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng phù hợp; nghiên cứu đề xuất giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt;

- Sẵn sàng triển khai phương án khắc phục và phục hồi sản xuất sau thiên tai (chuẩn bị đủ cơ số về giống cây trồng vật nuôi).

3.4.4. Biện pháp ứng phó với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các công điện, lệnh đến các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về ứng phó với thiên tai nắng nóng, lốc, sét, mưa đá để chủ động phòng tránh;

- Căn cứ vào tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, ngành triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng tình huống cụ thể.

3.4.5. Động đất

- Khi nhận được tin động đất từ Viện Vật lý Địa cầu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức trực ban 24/24h thông báo cho các cấp, các ngành căn cứ theo tình hình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với động đất tại địa phương. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành có trách nhiệm sử dụng mọi phương tiện, thiết bị thông tin hiện có để thông báo kịp thời tin trên đến cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng, tránh, đồng thời cập nhật tình hình báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

- Khi kết thúc trận động đất Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra rà soát đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo theo Quy định đồng thời chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, chia sẻ tới các hộ dân nơi xảy ra thiệt hại để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

3.5. Trách nhiệm ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Điện Biên

3.5.1. Thiên tai cấp độ 1

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã:

- Có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

+ Lực lượng xung kích, Dân quân tự vệ, công an xã, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

+ Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị; vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Các lực lượng tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn cấp xã phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người được ủy quyền.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện hỗ trợ.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện

 - Có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp trên.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

+ Công an huyện, xã, quân sự huyện, dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

+ Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

3.5.2. Thiên tai cấp độ 2

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

* Trách nhiệm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định;

- Chủ tịch Ủy ban dân dân, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo công tác tổng hợp thiệt hại, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, khôi phục, phục hồi sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, khắc phục ô nhiễm môi trường, khống chế dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân khi thiên tai đi qua; báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để phục vụ công tác chỉ đạo.

* Quyền hạn:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, lực lượng vũ trang địa phương và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã

 Tổ chức thực hiện ứng phó với thiên tai cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền; tuân thủ sự chỉ huy của cơ quan cấp trên; hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, với phương châm “04 tại chỗ” đáp ứng mục tiêu “ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, giảm thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, an toàn xã hội. UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành và các địa phương như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và xây dựng Kế hoạch, các phương án trọng điểm xung yếu; Thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt phương án PCTT của các hồ, đập thủy lợi thuộc địa bàn tỉnh;

- Đôn đốc các Sở, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định tại quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt. Là đầu mối điều phối các quan hệ và phối hợp giữa các cấp, các ngành trên địa bàn trong công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh;

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai giao;

- Trên cơ sở quy trình điều tiết của các hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng cụ thể hóa quy trình điều tiết hồ, quy trình xả đệm trước khi xuất hiện có mưa lũ, nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa nhưng vẫn đảm bảo quy trình tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;

- Chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường trực 24/24 giờ trong thời gian từ ngày 05/5 đến 31/10 và những tình thế thiên tai bất thường xảy ra ngoài thời gian nêu trên; khai thác và cập nhật kịp thời những thông tin về tình hình diễn biến của khí tượng, thuỷ văn, hồ đập và các công trình PCTT khác. Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành các Chỉ thị, công điện, lệnh của cấp trên chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách;

- Đề xuất phương án, giải pháp kỹ thuật và chỉ đạo, kiểm tra xử lý các sự cố hư hỏng các công trình hạ tầng trên phạm vi toàn tỉnh bị thiệt hại do thiên tai như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, Trường học, Y tế…; Kiểm kê phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý để nắm bắt và có kế hoạch điều động phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai khi cần thiết;

- Tổng hợp tình hình công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời và đúng thời gian theo quy định;

- Chủ động tham mưu đề xuất cơ chế chính sách, phương án khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn với UBND tỉnh và các Bộ, Ngành trung ương; xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Làm nhiệm vụ thường trực về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị phương án, kế hoạch luyện tập, diễn tập; chuẩn bị lực lượng, rà soát phương tiện, vật tư tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra.

- Hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn được phân công tham gia công tác phòng chống thiên tai và công tác cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh đảm bảo về quân số, phương tiện.

3. Công an tỉnh

- Phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh lập kế hoạch về xây dựng lực lượng an ninh, trật tự bảo vệ các công trình an ninh quốc gia như: Kè, cống, hồ đập và các công trình dân sinh kinh tế quan trọng và phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong suốt mùa mưa lũ, chống sự phá hoại của các lực lượng thù địch;

- Xây dựng và chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch cụ thể về phân luồng giao thông trong khi xảy ra bão mạnh, siêu bão, lũ lụt, tránh không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông khi có lũ, bão, úng ngập;

- Xây dựng phương án cụ thể chi tiết cho chống khủng bố của tội phạm khủng bố phá hoại hệ thống hồ đập, nhất là hệ thống hồ đập có dung tích lớn có sức tàn phá mạnh nhằm triệt hại về kinh tế, rối loạn về an ninh quốc phòng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với ngành thanh tra kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai; kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây mất an toàn cho kè, cống, hồ đập…đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật;

- Trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khu vực biên giới. Chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn khu vực biên giới. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tác chiến và làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết. Chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh vùng biên giới. Phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và chính quyền địa phương trong việc ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

- Trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ.

5. Sở Giao thông vận tải

- Chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông trên các tuyến giao thông chính trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lũ, bão; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra xác định các điểm có nguy cơ cao gây ách tắc giao thông, các công trình giao thông như cầu, cống, ngầm…, có kế hoạch sửa chữa trước mùa mưa lũ; bố trí vật tư, máy móc dự phòng tại những khu vực trọng điểm để kịp thời ứng phó; tổ chức thường trực và có phương pháp chuẩn bị đủ nhân lực, thiết bị, vật tư đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ;

- Có phương án phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông kéo dài trên các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải được giao quản lý;

- Xây dựng kế hoạch cụ thể về việc huy động phương tiện vận tải cho công tác cứu hộ, sơ tán dân trong vùng xảy ra thiên tai lũ lụt;

- Trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tủa Chùa.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, kiểm tra mạng lưới thông tin, xây dựng phương án cụ thể đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh, tổ chức truyền, thông báo số liệu đo đạc kịp thời, nhằm phục vụ mọi hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền hướng dẫn kịp thời đưa những thông tin về những vùng bị thiên tai để nhân dân biết và phòng tránh trên các kênh phương tiện, thông tin đại chúng của của tỉnh.

7. Sở Lao động và Thương binh xã hội

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến chính sách xã hội, cứu trợ nhân dân khi có thiên tai. Phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan kiểm tra, nắm chắc các đối tượng bị thiệt hại; quyết định hoặc tham mưu để có biện pháp tổ chức cứu trợ, mức chi hỗ trợ cụ thể cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai đảm bảo quy định.

- Trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Mường Chà.

8. Sở Công Thương

- Chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai đảm bảo an toàn cho các công trình thuộc Ngành quản lý, trong đó có Phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập thủy điện trên địa bàn. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng cung cấp cho các vùng bị thiên tai, lũ, bão khi có yêu cầu.

- Trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thị xã Mường Lay.

9. Sở Y tế

- Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện và các địa phương tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế khám, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ số thuốc phòng chống thiên tai đủ dùng để thực hiện nhiệm vụ sơ, cấp cứu, điều trị nạn nhân, xử lý nguồn nước uống cho người, gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường không để dịch bệnh bùng phát trong và sau khi lũ, bão, thiên tai xảy ra.

- Trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Mường Ảng.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ môi trường trước, trong và sau lũ, đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên các sông để không ảnh hưởng đến việc thoát lũ, xói lở bờ sông, bờ suối, an toàn công trình hạ tầng khác...; đề xuất UBND tỉnh những giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước khi xảy ra lũ lụt; công bố cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất làm cơ sở cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và lựa chọn các khu tái định cư cho nhân dân những vùng thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất... để đảm bảo ổn định lâu dài;

- Trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố Điện Biên Phủ.

11. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về nguồn ngân sách phục vụ việc ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí dự phòng tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong kế hoạch hàng năm và đột xuất của tỉnh.

12. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp đề xuất lồng ghép các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai để bảo vệ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm trình UBND tỉnh xem xét quyết định; phối hợp với các ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền địa phương tổ chức huy động lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích và công chức, viên chức trong cơ quan cùng với nhân dân trên địa bàn, sử dụng phương tiện, trang thiết bị ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai.

13. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Thực hiện lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học; chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm an toàn cho người và công trình.

- Trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Tuần Giáo.

14. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của ngành trong công tác khai thác, thu thập tài liệu KTTV trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; thường xuyên theo dõi, đo mức nước, lượng mưa tại các trạm đo kịp thời dự báo, cảnh báo, thông báo về diễn biến thời tiết, các tình huống xấu có thể gây nguy hiểm; thông tin số liệu về mưa lũ phục vụ công tác điều hành, chỉ huy của UBND tỉnh, của các địa phương và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, mưa lũ cho các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn để phục vụ việc đưa tin tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Xây dựng chế độ dự tính, dự báo, cảnh báo trung hạn, dài hạn về tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn.

15. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Kịp thời đưa thông tin về thời tiết, thiên tai do đài khí tượng thủy văn Điện Biên cung cấp, các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị, công điện chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh biết để chủ động phòng, tránh; phối hợp, thông tin báo cáo kịp thời với Đài Truyền hình Việt nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo, đài Trung ương (tin, hình ảnh, video) về diễn biến thiên tai và công tác ứng phó trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, điển hình trong công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.

16. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh

Chủ động tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân, hội viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong công tác PCTT&TKCN. Huy động mọi nguồn lực sẵn có trong nhân dân để chia xẻ, hỗ trợ cộng đồng khi thiên tai bão lũ xảy ra. Tranh thủ, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất,…trên địa bàn;

Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa công tác PCTT&TKCN trong toàn dân.

17. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai cụ thể, chi tiết nhằm đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập và an toàn cho nhân dân và cơ sở hạ tầng kinh tế vùng hạ du đập.

18. Thanh tra tỉnh

- Xây dựng kế hoạch chi tiết thanh kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác PCTT tại các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với Công an tỉnh, các huyện, thành thị, Chi cục thủy lợi thanh tra, xử lý các vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi,... làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê kè và các công trình phục vụ PCTT; thanh tra việc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng đến an toàn hệ thống công trình trên sông, suối và hành lang thoát lũ; Thanh tra việc sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác để đầu tư sửa chữa các dự án bị thiệt hại do thiên tai của các chủ đầu tư theo quy định;

- Đề xuất với UBND tỉnh xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

19. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kịp thời xử lý hoặc tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh trong mùa mưa lũ, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai ở cơ quan, ban ngành, đơn vị mình và phối hợp thực hiện các công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

20. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

a) UBND cấp huyện

Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn sát tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch về vị trí sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kế hoạch đảm bảo hậu cần, an ninh trật tự khi sơ tán dân; phối hợp với các lực lượng vũ trang khi thực hiện lệnh sơ tán dân ra khỏi vùng lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá…

b) UBND cấp xã

Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn cụ thể, chi tiết, sát tình hình thực tế của địa phương, theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện việc sơ tán trên tinh thần tương thân tương ái và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đến làm nhiệm vụ giúp nhân dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và của nhân dân./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 699/QĐ-UBND ngày 20/07/2020 về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Điện Biên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.178

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.214.226
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!