Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 6928/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Đình Chi
Ngày ban hành: 25/12/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6928/QĐ-UBND

Vinh, ngày 25 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THU THẬP SỐ LIỆU THỐNG KÊ NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 08/2005/CT-BTS ngày 25/8/2005 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) về việc triển khai hoạt động thu mẫu thống kê số liệu nghề cá cơ bản;

Căn cứ Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND ngày 05/01/2009 của UBND tỉnh về việc tổ chức lại, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3027/TTr-SNN-KTBVNL ngày 03/11/2009 về việc phê duyệt đề án Triển khai nhiệm vụ thu thập số liệu nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Triển khai nhiệm vụ thu thập số liệu thống kê nghề khai thác thủy sản"

(Có Đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

ĐỀ ÁN

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THU THẬP SỐ LIỆU THỐNG KÊ NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6928/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết ban hành Đề án

Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Nghệ An. Trong giai đoạn vừa qua (1996-2008), ngành thủy sản đã đạt được những thành tựu quan trọng: Tỷ trọng đóng góp GDP của tỉnh tăng hằng năm và tốc độ tăng trưởng của ngành tăng ổn định đạt khoảng 7,7%/năm, tổng sản phẩm xuất khẩu năm 2008 đạt 5.500 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 13,5 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp.

Thực hiện nhiệm vụ thống kê kỹ thuật nghề khai thác thủy sản thường xuyên, thống nhất theo hướng dẫn chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giúp cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nắm được hiện trạng và xu hướng biến động của các đối tượng thủy sản quan trọng, chất lượng nguồn lợi và hệ sinh thái biển; biến động về năng suất, cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản; làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề cá một cách hiệu quả và bền vững.

Tầm quan trọng của vấn đề này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo tại Chỉ thị số 08/2005/CT-BTS ngày 25 tháng 8 năm 2005; Công văn số 286/BNN-KTBVNL ngày 31 tháng 01 năm 2008 và Công văn số 3258/BNN-KTBVNL ngày 08 tháng 10 năm 2009. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo tại Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND ngày 05/01/2009 về việc tổ chức lại, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhiệm vụ tổ chức thống kê, đánh giá sản lượng khai thác nguồn lợi thủy sản của tỉnh; tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản do đồng chí Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng ban chỉ đạo đã có kết luận tại Thông báo số 273/TB.UBND-NN ngày 17/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An như sau: “Giao cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục và đẩy nhanh xây dựng hệ thống nghề cá phục vụ công tác quản lý trong thời gian tới”.

Trong thời gian qua, mặc dù công tác thu thập số liệu nghề cá đã được cải thiện đáng kể như: Số lượng tàu thuyền, sản lượng khai thác các nhóm đối tượng chính toàn tỉnh … đã được cập nhật nhưng số liệu này chưa đủ độ chi tiết về kỹ thuật như thành phần loài, nhóm sản lượng, kích cỡ thủy sản và mùa vụ khai thác để đánh giá xu thế biến động của nghề cá; chưa đáp ứng được các vấn đề của quản lý nghề cá đặt ra như:

- Đánh giá mức độ bền vững của nghề cá;

- Điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp phù hợp khả năng nguồn lợi từng vùng;

- Triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở chế biến, dịch vụ nghề cá;

- Đào tạo nguồn nhân lực;

- Xây dựng chính sách, kế hoạch quản lý và phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững;

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phục hồi, tái tạo những loài thủy sản cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng;

- Cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch quản lý vùng biển ven bờ thuộc quyền quản lý của tỉnh và hiệp thương xác định số lượng tàu của tỉnh được phép tham gia khai thác tại vùng biển xa bờ khi thực hiện Nghị định số 123/2002/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

Vì vậy, để có đủ thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý nghề cá thì cần phải có một chương trình điều tra thống kê kỹ thuật chuyên ngành khai thác thủy sản để thu thập các thông tin liên quan đến: nguồn lợi tự nhiên (thành phần sản lượng, sản lượng theo loài, khu vực, thời gian đánh bắt…), hoạt động khai thác (cường lực khai thác, năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế…).

2. Các căn cứ xây dựng Đề án

a) Chỉ thị số 08/2005/CT-BTS ngày 25/8/2005 của Bộ Thủy sản về việc triển khai hoạt động thu mẫu thống kê các số liệu nghề cá cơ bản.

b) Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND ngày 05/1/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức lại, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chi Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An.

c) Công văn số 6028/UBND-NN ngày 15/9/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về chủ trương xây dựng Đề án Triển khai thu thập số liệu thống kê nghề khai thác thủy sản.

d) Công văn số 286/BNN-KTBVNL ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc chỉ đạo thực hiện chương trình thu thập số liệu nghề khai thác hải sản.

e) Công văn số 3258/BNN-KTBVNL ngày 08 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, thống kê, quản lý số liệu tàu thuyền và sản lượng khai thác.

3. Tác động của Đề án

a) Đề án sẽ hỗ trợ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An nâng cao năng lực quản lý và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Từng bước thiết lập hệ thống nghề cá đồng bộ, có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

c) Tạo cơ sở khoa học và thực tiễn tin cậy cho các chương trình, kế hoạch, chiến lược quản lý và phát triển ngành thủy sản Nghệ An.

d) Tạo cơ sở khoa học cho việc thực hiện các chính sách quản lý nghề cá của Nhà nước như: Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển…

e) Góp phần xây dựng hệ thống thống kê chuyên ngành khai thác thủy sản trong cả nước.

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG VÀ TÍNH CẤP THIẾT VỀ THU THẬP SỐ LIỆU THỐNG KÊ NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

I. THỰC TRẠNG THU THẬP SỐ LIỆU THỐNG KÊ NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN TỈNH NGHỆ AN

Công tác thu thập số liệu thống kê nghề khai thác thủy sản chính là việc tổ chức chương trình quan trắc, thu thập, thống kê thường xuyên các số liệu, thông tin về tình hình hoạt động khai thác thủy sản.

1. Cục Thống kê

- Phương pháp thực hiện của Cục Thống kê đối với thống kê thủy sản là điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin phản ánh bản chất và tính quy luật của hoạt động nghề cá về các hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể.

- Kết quả thực hiện là tiêu chí mà biểu hiện bằng số của nó phản ánh quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu sản lượng thủy sản tính theo (nhóm) đối tượng chính trong một điều kiện không gian và thời gian cụ thể.

2. Các nguồn cung cấp số liệu thống kê (Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở, các Viện, cơ quan khác,...)

- Thực hiện việc thống kê số liệu nghề khai thác thủy sản mang tính khái quát chung từ việc tổng hợp các báo cáo của các phòng, ban chuyên môn về các chỉ tiêu cơ bản như: Số liệu tàu cá, nhóm công suất, sản lượng khai thác, đối tượng khai thác chính (cá, tôm, mực, các loại khác) đồng thời đánh giá khái quát các chỉ tiêu phát triển hàng tháng, quý và hàng năm phục vụ cho công tác điều hành quản lý.

- Triển khai hoạt động độc lập, kết quả thống kê hàng năm dựa trên các báo cáo tổng hợp từ các địa phương, kết quả là báo cáo thành quả sản xuất.

II. TỒN TẠI

1. Các số liệu thống kê trên chỉ là các chỉ số chính, khái quát, không thể sử dụng được để đánh giá chính xác sự phát triển của nghề cá và biến động nguồn lợi hải sản theo hướng bền vững, làm cơ sở khoa học cho công tác lập quy hoạch, dự báo, quản lý phù hợp với chiến lược phát triển của ngành.

2. Số liệu thống kê này chưa phản ánh được bản chất các mối quan hệ và biến động của nghề khai thác thủy sản: độ mạnh nghề, cường lực khai thác, chất lượng nguồn lợi, hệ sinh thái và sản lượng khai thác tối ưu; chưa giúp được nhà quản lý đưa ra các chính sách phù hợp như cắt giảm cường lực (giảm nghề khai thác), phân bổ sản lượng theo cường lực khai thác hay đưa ra chính sách an sinh xã hội ở cộng đồng ngư dân sống bằng nghề khai thác hải sản,...

3. Kết quả thống kê không được đánh giá chi tiết đến nhóm loài, đội tàu dẫn đến nguồn số liệu tuy có nhưng không đủ để sử dụng làm căn cứ khoa học trong việc ra quyết định quản lý, lập quy hoạch hay định hướng phát triển của ngành. Công tác dự báo hay điều chỉnh quá trình sản xuất bị hạn chế do các thông tin này chỉ mang tính chất tổng hợp kết quả sản xuất của từng thời kỳ không phản ánh được hiện trạng nguồn lợi, hiệu quả hoạt động khai thác. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đủ cơ sở tin cậy để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản.

III. NGUYÊN NHÂN

1. Việc triển khai công tác thống kê hoạt động độc lập và giải quyết vấn đề mang tính tức thời, không liên tục, chưa có sự liên kết các vấn đề về nguồn lợi - khai thác và kinh tế xã hội, dẫn đến nguồn số liệu khó khai thác sử dụng, hạn chế thông tin tổng hợp phục vụ công tác dự báo, tư vấn cho việc ra quyết định trong công tác quản lý và giải quyết bài toán tổng thể.

2. Các chỉ số tổng sản lượng khai thác chỉ được phân thành các nhóm cá, tôm và mực, không phân theo loài và nhóm loài khai thác, không theo các đội tàu nghề khai thác, đặc biệt là không thể hiện được những thông tin liên quan đến các hoạt động khai thác. Chính vì vậy, nguồn số liệu này chưa đủ cơ sở để tính toán phân tích sâu, phục vụ việc xây dựng quy hoạch, dự báo và quản lý nghề cá bền vững.

IV. TÍNH CẤP THIẾT

Để giải quyết những tồn tại trên, cần xây dựng hệ thống thu thập số liệu thống kê nghề khai thác thủy sản đồng bộ, thường xuyên, liên tục theo một nguyên tắc, phương pháp chuẩn nhất định, phân tích đánh giá hiện trạng, xu thế biến động nghề khai thác theo không gian và chuỗi thời gian nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nghề cá, Ủy ban nhân dân tỉnh phục vụ cho vấn đề lập quy hoạch, phát triển nghề cá bền vững.

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực quản lý và phát triển ngành khai thác thủy sản Nghệ An hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thiết lập và triển khai hệ thống thu thập số liệu thống kê khai thác thủy sản tỉnh Nghệ An phù hợp với kế hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cung cấp số liệu thống kê tổng hợp của nghề khai thác, đánh bắt hải sản cho các cơ quan quản lý.

- Đánh giá nghề cá phục vụ việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

Nội dung 1: Thiết lập hệ thống thu thập số liệu nghề cá

1. Xây dựng cơ cấu, tổ chức hệ thống

- Thiết lập mạng lưới thu thập số liệu tại các cảng cá, bến cá và các địa phương khai thác thủy sản nội địa trong toàn tỉnh. Phân công các tổ/nhóm/cá nhân điều hành, quản lý hoạt động thu thập, xử lý, phân tích số liệu và xây dựng báo cáo theo yêu cầu quản lý nghề cá của tỉnh.

- Cán bộ thu thập số liệu tại hiện trường: Bao gồm cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cán bộ quản lý thủy sản hoặc cán bộ có chuyên môn tương đương làm việc tại các huyện, thành, thị, cán bộ quản lý nghề cá tại các xã, phường ven biển.

- Cán bộ quản lý và tổng hợp: Cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Khai thác thủy sản hoặc tương đương.

- Nhiệm vụ: Thu thập số liệu, xử lý số liệu điều tra, nhập số liệu vào cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng số liệu điều tra.

2. Biểu mẫu và các chỉ tiêu thống kê

Biểu mẫu và các chỉ tiêu thống kê được sử dụng thống nhất theo mẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, bao gồm: Biểu mẫu sản lượng khai thác; hệ số hoạt động của đội tàu; nhóm nghề khai thác (Phụ lục I).

Mẫu phỏng vấn được thiết kế theo khối thông tin sau:

+ Thông tin chung: Bao gồm địa điểm thu mẫu, người phỏng vấn, người được phỏng vấn, ngày phỏng vấn,…

+ Số liệu tàu thuyền: thông tin về lý lịch tàu, kích cỡ, công suất,…

+ Thông số chính ngư cụ khai thác: được thể hiện theo từng nghề khai thác.

+ Hoạt động chuyến biển: thông tin về ngư trường hoạt động, thời gian chuyến biển, lao động trực tiếp trên tàu, đối tượng khai thác chính.

+ Chi phí chuyến biển: nhiên liệu, thực phẩm và các chi phí khác.

+ Tổng sản lượng khai thác: phân theo tên, nhóm thương phẩm (các loại cùng giá trị) hoặc loài, trọng lượng và giá bán tại thời điểm điều tra.

3. Đào tạo, tập huấn

Tổ chức phổ biến hệ thống chỉ tiêu/chỉ số thống kê nghề khai thác thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Hướng dẫn cán bộ thống kê phương pháp thu thập số liệu, hoàn chỉnh biểu mẫu thống kê và viết báo cáo.

Giải pháp thực hiện

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp với tiềm lực (nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính) hiện có. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho các cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về phương pháp thu thập, xử lý số liệu và viết báo cáo.

Nội dung 2: Lập kế hoạch thu mẫu

1. Điều tra cường lực khai thác

Cường lực khai thác là khả năng huy động thực tế các tàu tham gia hoạt động khai thác trong một thời gian nhất định thường được tính theo tháng. Đối với 01 tàu là tổng số ngày mà tàu đó đi biển trong tháng (đơn vị tính là ngày/tàu), đối với đội tàu là tổng số ngày đi biển của tất cả các tàu trong đội tàu.

Để tính toán được cường lực khai thác chúng ta cần phải điều tra hoạt động của đội tàu. Điều tra hoạt động của tàu là cuộc điều tra ngẫu nhiên và cố định, mục tiêu của nó nhằm tính toán hệ số hoạt động của tàu (BAC).Tổng thể nghiên cứu của điều tra hoạt động tàu là trạng thái hoạt động của tất cả các tàu thuyền trong đội tàu đang hoạt động vào tất cả các ngày trong tháng.

Điều tra cường lực khai thác thực hiện những nội dung như sau:

- Xác định quy mô mẫu: Việc xác định mẫu căn cứ theo hướng dẫn của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) và trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đã nghiên cứu và xây dựng tài liệu hướng dẫn về thu mẫu ở lĩnh vực này (Phụ lục I).

- Lập biểu điều tra: Căn cứ vào số mẫu cần thu, xác định chu kỳ thu mẫu trong tháng, đảm bảo sao cho những ngày thu mẫu phải có những ngày đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng. Việc thu mẫu được thực hiện theo chu kỳ 03 ngày, tức là mỗi tháng chỉ thu mẫu 10 ngày. Chọn ngẫu nhiên một số tàu trong một đội tàu, lập danh sách để tiến hành điều tra cố định.

- Triển khai điều tra: Phương pháp điều tra hiệu quả nhất hiện nay là điều tra qua điện thoại, căn cứ theo kế hoạch về thời gian và danh sách tàu trong bảng điều tra, cán bộ thống kê chỉ cần hỏi xem tại thời điểm đó tàu cá có đi hoạt động khai thác ngoài biển hay không, và làm thao tác đánh dấu theo quy định vào phiếu điều tra.

2. Điều tra sản lượng khai thác hải sản

Đối với điều tra sản lượng khai thác có thể sử dụng nhiều cách chọn mẫu kết hợp như: Chọn mẫu phân nhóm theo công suất và nghề khai thác; chọn mẫu theo khối đối với địa bàn các huyện, thị, cảng cá, bến cá hay chọn mẫu theo phân cấp; mẫu cấp một là cảng cá, bến cá, mẫu cấp hai là chọn mẫu ngẫu nhiên để điều tra.

Điều tra sản lượng khai thác là điều tra mẫu để ước tính sản lượng trên một đơn vị cường lực khai thác. Tổng thể điều tra là tập hợp tất cả các lần sản phẩm khai thác được của tất cả các tàu cá tại địa phương trong một tháng. Cuộc điều tra này được tiến hành tại các điểm lên cá như: Cảng cá, bến cá, hay các nơi tàu thuyền khai thác thường đưa cá lên bờ.

Theo hướng dẫn của tổ chức FAO về lĩnh vực này, quy mô mẫu điều tra sản lượng khai thác người ta thường sử dụng độ tin cậy tối thiểu 90% tương ứng với 32 mẫu đối với một đội tàu (căn cứ theo bảng tra cứu Quy mô mẫu điều tra sản lượng khai thác của FAO - Phụ lục I).

Tổng thể mẫu là tổng số lần cập bến (lên cá) của đội tàu, mỗi đội tàu có quy mô tổng mẫu và số mẫu thu khác nhau. Căn cứ cụ thể số lượng tàu cá của đội mà xác định quy mô cho phù hợp, nhưng tối thiểu số mẫu thu được của đội tàu là 20 mẫu/đội tàu/tháng.

Giải pháp thực hiện

Căn cứ vào tài liệu hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của FAO đã ban hành.

- Tính toán hệ số BAC: Được tính toán dựa trên cơ sở các phiếu theo nghề nghiệp cụ thể ta có được số ngày tàu hoạt động trong một tháng của đội tàu đó, từ đó tính được hệ số BAC.

- Tính toán sản lượng và cường lực khai thác: Theo cách tính của FAO, sản lượng khai thác hải sản (theo ngày, tháng, năm) cho mỗi đội tàu cùng một loại nghề và thuộc nhóm công suất (CV) (Phụ lục II).

Đối với đội ngũ cán bộ điều tra đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thống kê và chuyên ngành khai thác thủy sản hoặc những cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thủy sản. Người điều tra thu mẫu cần phải nắm bắt được những vấn đề sau đây:

+ Nhận dạng các loại tàu thuyền, ngư cụ, nhận dạng loài.

+ Giải thích cách ghi chép phiếu và chọn mẫu sao cho đạt độ chính xác cao nhất, mục đích và cách sử dụng các chỉ tiêu điều tra.

+ Phương pháp đo lường, hoặc ước lượng bằng mắt sản lượng khai thác.

+ Lập kế hoạch và chọn thời điểm điều tra phù hợp.

+ Các phương pháp tiếp xúc với ngư dân và chính quyền thôn, xã để thu được thông tin đầy đủ và đáng tin cậy.

Điều tra sản lượng khai thác đòi hỏi việc lấy mẫu phải mang tính đại diện cao và phải chọn thời điểm điều tra phù hợp (Kế hoạch thu mẫu năm 2010 như Phụ lục III).

Nội dung 3: Xử lý số liệu và xây dựng báo cáo

1. Số liệu thu thập được nhập vào cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và quản lý.

2. Xử lý, đánh giá số liệu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

3. Xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nghề cá hàng năm phù hợp với xu thế biến động của nguồn lợi tự nhiên và năng lực nghề cá.

4. Xây dựng các báo cáo đánh giá làm cơ sở tư vấn cho các chương trình, dự án, các chính sách phát triển nghề cá và công tác quy hoạch nghề cá phát triển bền vững.

Giải pháp thực hiện

Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VNFISHBASE để xử lý và kết xuất số liệu, báo cáo theo yêu cầu và tài liệu hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/FAO. Phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong tỉnh xây dựng các báo cáo tư vấn và lập kế hoạch quản lý nghề cá hàng năm của tỉnh.

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN.

Kinh phí thực hiện đề án: từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế chi thường xuyên cấp cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hàng năm.

- Kinh phí dự kiến hàng năm là: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).

- Kinh phí dự kiến cho riêng năm 2010 là: 210.000.000 đồng (Hai trăm mười triệu đồng).   

(Chi tiết tại Phụ lục IV).

- Kinh phí xây dựng đề án do Dự án Hợp phần tăng cường quản lý khai thác thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT tài trợ.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan chỉ đạo, giám sát thực hiện Đề án; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về hiệu quả thực hiện Đề án. Hàng năm xây dựng báo cáo đánh giá nghề cá, quy hoạch và kế hoạch quản lý, phát triển nghề cá dựa trên số liệu thu thập được.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án. Từ kết quả số liệu báo cáo hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách, kế hoạch phát triển ngành khai thác thủy sản của tỉnh.

3. Sở Tài chính: Căn cứ nhiệm vụ cụ thể hàng năm, bố trí nguồn vốn, hướng dẫn, giám sát, quyết toán kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2010.

4. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

a) Tổ chức nhân sự thiết lập hệ thống cộng tác viên thực hiện công tác thống kê thu thập số liệu từ công tác phỏng vấn thông qua biểu mẫu được thống nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Phối hợp với Cục Thống kê xây dựng và vận hành hệ thống thống kê lĩnh vực khai thác thủy sản phù hợp điều kiện từng huyện, xã có hoạt động thủy sản.

c) Xây dựng kế hoạch thu thập số liệu và trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn quy trình, phương pháp thu mẫu thống kê cho cán bộ thu mẫu.

e) Nhập số liệu vào cơ sở dữ liệu của hệ thống khai thác và bảo vệ nguồn lợi (Vnfishbase) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dùng chung cho 28 tỉnh thành ven biển.

f) Xây dựng các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý thủy sản các cấp.

5. Cục Thống kê:

Đề nghị phối hợp:

a) Phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc thống nhất các chỉ tiêu thống kê lĩnh vực thủy sản.

b) Thiết lập mạng lưới cán bộ thống kê và sử dụng chung số liệu từ nhiệm vụ này.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

a) Cử cán bộ tham gia làm cộng tác viên thống kê thủy sản.

b) Phối hợp Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai các hoạt động thu thập số liệu tại địa phương.

III. THEO DÕI, GIÁM SÁT VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Sở, Ban ngành liên quan theo dõi và giám sát việc triển khai Đề án. Nếu có vấn đề gì nảy sinh cần điều chỉnh thay đổi lớn thì các Sở, Ban ngành phản ánh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét. Trên cơ sở điều chỉnh đã được phê duyệt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và đôn đốc thực hiện để Đề án này có hiệu quả./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 6928/QĐ-UBND ngày 25/12/2009 phê duyệt Đề án: Triển khai nhiệm vụ thu thập số liệu thống kê nghề khai thác thủy sản đến năm 2015 do tỉnh Nghệ An ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


849

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.157.231
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!