Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 67/QĐ-UBND 2021 Phương án Phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu: 67/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Lê Đức Giang
Ngày ban hành: 07/01/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13;

Căn cứ Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 5187/SNN&PTNT-CCKL ngày 31/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (Chi tiết đính kèm phương án).

Điều 2. Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ rừng và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình để khẩn trương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3, QĐ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục Kiểm lâm - Bộ NN và PTNT;
- Mặt trận Tổ quốc; Tỉnh đoàn;
- Chi cục Kiểm lâm vùng 2;
- Các huyện, thị, thành ủy (p/hợp);
- Các chủ rừng Nhà nước;
- Lưu: VT, NN.
(MC03.01.21)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Kế hoạch hành động số 47/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng,

2. Cơ sở thực tiễn

Tỉnh Thanh Hoá có trên 641.000 ha rừng trên địa bàn 25/27 huyện, thị xã, thành phố và theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp, khó lường, hạn hán, khô hanh, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao trên toàn bộ diện tích rừng của tỉnh, đặc biệt là diện tích rừng Thông, rừng trồng thuần loài, rừng hỗn giao nứa gỗ.

Riêng diện tích rừng nguy cơ cháy cao có trên 48.560 ha, tập trung chủ yếu ở 02 khu vực:

a) Khu vực 1: Các huyện miền núi

- Gồm 7 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh và Như Xuân với trên 38.600 ha rừng trọng điểm cháy; trạng thái là rừng hỗn giao nứa - gỗ, rừng nứa, vầu, le…, thực bì chủ yếu là: Cỏ tranh, lau lách, cây bông hôi, cành khô lá rụng, cây nứa, vầu, le chết khô nỏ…

- Mùa cháy rừng: Bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài đến hết tháng 6 năm sau trong đó thời kỳ cao điểm cháy rừng từ tháng 01 đến hết tháng 5.

- Nguyên nhân chính gây cháy rừng: Do người dân dùng lửa để xử lý thực bì trong sản xuất nông - lâm nghiệp gây cháy lan vào rừng; sử dụng lửa đốt ong, bất cẩn khi đi rừng gây cháy rừng, do cháy lan từ Lào sang.

b) Khu vực 2: Các huyện trung du và đồng bằng ven biển

- Gồm 9 huyện: Thạch Thành, Tĩnh Gia, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Đông Sơn, TP. Thanh Hóa và một số xã khu vực núi Nưa thuộc 2 huyện Triệu Sơn và Nông Cống, với gần 10.000 ha rừng trọng điểm cháy, trong đó tập trung chủ yếu ở Tĩnh Gia và Hà Trung, phần lớn là rừng trồng Thông, thực bì dưới tán rừng chủ yếu là ràng ràng, cỏ tranh, lau lách, cành khô, lá thông rụng và nứa tép ở khu vực núi Nưa; đây là khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng rất cao của tỉnh và có thể xảy ra cháy lớn trong mùa khô hanh, nắng nóng.

- Mùa cháy rừng: Mùa khô hanh, nắng nóng bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau, thời kỳ cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

- Nguyên nhân gây cháy rừng: Người dân sử dụng lửa bất cẩn khi đốt dọn vườn, đốt vệ sinh rừng sau khai thác rừng trồng, đốt xử lý thực bì để khai thác khoáng sản, xử lý thực bì trồng rừng, hóa vàng mã, đốt ong, sử dụng lửa bất cẩn của các em học sinh, thanh niên, du khách đi du lịch trong rừng vào kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè... ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như cố ý đốt do mâu thuẫn.

3. Sự cần thiết phải xây dựng Phương án.

Với phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả" và từ những vấn đề pháp lý và thực tiễn trên, việc xây dựng, thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm phân công, phân nhiệm, phân địa bàn để giúp chính quyền địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án chữa cháy rừng (CCR) theo phương châm 4 tại chỗ từ tỉnh, đến huyện, xã và các thôn, bản, khu phố trọng điểm và chủ rừng nhà nước.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu: Chủ động ngăn chặn và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng, các ngành có liên quan đến công tác PCCCR và ý thức chấp hành pháp luật về BVR, PCCCR của nhân dân; chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chủ động CCR kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ

2. Yêu cầu: Công tác PCCCR phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng; sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia PCCCR; thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng; trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác phòng cháy

1.1. Nhiệm vụ và giải pháp chung

a) Triển khai xây dựng, bổ sung, chỉnh lý Phương án, Kế hoạch PCCCR.

- Hằng năm, trên cơ sở Phương án PCCCR cấp tỉnh và điều kiện thực tiễn của địa phương, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả công tác PCCCR trên địa bàn.

- Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, khảo sát xây dựng Phương án PCCCR trên diện tích được Nhà nước giao; nội dung Phương án PCCCR thực hiện theo Điều 45, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019.

b) Công tác chỉ đạo, điều hành

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật lâm nghiệp năm 2017 ; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ, Kế hoạch hành động số 47/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh và các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCCR trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện công tác PCCCR, nhất là thời điểm nguy cơ cháy rừng cao và làm rõ trách nhiệm của địa phương, chủ rừng để rừng bị cháy (nếu có).

- Chính quyền cấp huyện, cấp xã nhận thức, quán triệt sâu sắc công tác PCCCR là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp PCCCR.

- Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác PCCCR; kiện toàn, củng cố lực lượng PCCCR ở cơ sở; tăng cường kiểm tra của cấp ủy và giám sát của HĐND các cấp về thực hiện công tác PCCCR đối với các xã trọng điểm cháy rừng, nhằm, chủ động, quyết tâm, để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các giải pháp PCCCR.

- Tăng cường kiểm tra đôn đốc để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng và giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ PCCCR ở cơ sở; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác PCCCR.

c) Công tác tuyên truyền: Đổi mới, lựa chọn nội dung, cách thức, hình thức tuyên truyền; xác định thời điểm tuyên truyền, vận động phù hợp để tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân, chủ rừng đối với công tác PCCCR; đồng thời khẳng định PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng, nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, chủ rừng về tác hại của cháy rừng, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy rừng.

d) Trực gác lửa rừng, thông tin dự báo và phát hiện sớm cháy rừng: Khi dự báo cháy rừng cấp III, IV, V, UBND các cấp chỉ đạo đạo lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, lực lượng của xã và các lực lượng chức năng liên quan tổ chức trực gác phát hiện sớm cháy rừng, quản lý chặt chẽ người ra vào rừng tại các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Thực hiện nghiêm túc việc trực chỉ huy CCR; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo sớm cháy rừng trên Website của Cục Kiểm lâm để phát hiện sớm đám cháy; thông báo cấp cháy rừng ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời và thống nhất chế độ thông tin, báo cáo Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ các cấp về công tác PCCCR theo quy định.

e) Xây dựng lực lượng PCCCR: Nâng cao chất lượng, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp BVR, PCCCR giữa lực lượng Kiểm lâm với Công an, Quân sự, Biên phòng; kiện toàn lực lượng PCCCR ở cấp huyện, xã; lấy lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), Công an xã làm nòng cốt; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ BVR, PCCCR, diễn tập cơ chế chỉ huy CCR cho DQTV và các lực lượng BVR, PCCCR từ huyện đến xã; đối với chủ rừng là tổ chức, thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội PCCCR theo Điều 53, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ

f) Mua sắm, trang bị máy móc thiết bị, dụng cụ phục vụ PCCCR

- Rà soát, xây dựng dự án, kế hoạch mua sắm đầu tư phương tiện, máy móc, dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ thiết yếu cho lực lượng PCCCR chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCCR trong tình hình mới và phù hợp với khả năng cân đối, bố trí của ngân sách nhà nước.

- Hằng năm UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng, căn cứ yêu cầu thực tế của địa phương để cân đối, bố trí và sử dụng ngân sách huyện đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ PCCCR bố trí kinh phí trang bị, bổ sung máy móc thiết bị, dụng cụ phục vụ PCCCR trên địa bàn.

g) Chuẩn bị lực lượng CCR: Rà soát, bổ sung phương án, bản đồ tác chiến CCR theo phương châm 4 tại chỗ, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần CCR ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn (bản) trọng điểm cháy và chủ rừng nhà nước; yêu cầu lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ luôn phải đảm bảo sẵn sàng tại địa phương, đơn vị để khi xảy ra cháy rừng là huy động được ngay để CCR kịp thời.

1.2. Đối với các huyện miền núi

a) Quản lý các nguyên nhân gây cháy rừng

Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn người dân địa phương việc sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện đúng thời điểm, địa điểm; vận động nhân dân không dùng lửa đốt ong, sử dụng lửa trong rừng, nhất là trong những ngày nắng nóng, khô hanh; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng, nhất là đồng bào người Mông tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

b) Ngăn chặn cháy lan từ Lào sang

- Tiếp tục đầu tư làm mới và tu sửa các đường băng cản lửa khu vực biên giới đã được đầu tư xây dựng tại khu vực biên giới có nguy cơ cháy lan từ Lào; trọng tâm là hệ thống đường băng trên địa bàn huyện Mường Lát.

- Các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Thường Xuân, Lang Chánh phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện, các cụm bản biên giới Lào để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân 2 bên biên giới chấp hành tốt các quy định về PCCCR, đặc biệt là chủ động bố trí, sẵn sàng lực lượng phòng chống cháy lan; hướng dẫn cho nhân dân nước bạn Lào xử lý thực bì làm rẫy, đốt cỏ để phục vụ chăn nuôi không cháy lan vào rừng.

- Lực lượng Biên phòng tăng cường trinh sát ngoại tuyến để phát hiện sớm các vụ cháy rừng từ nước bạn Lào có nguy cơ cháy lan sang Việt Nam, báo cáo kịp thời với Đồn trưởng Biên phòng, BCĐ huyện để chủ động tổ chức lực lượng ngăn chặn.

1.3. Đối với các huyện trung du và đồng bằng ven biển

a) Quản lý chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng như: Sử dụng lửa trong các lễ hội, các khu vui chơi giải trí, tham quan, du lịch sinh thái trong và ven rừng; hóa vàng mã tại các đền chùa, nghĩa trang, nghĩa địa; đốt bãi rác; đốt xử lý thực bì trồng rừng, vệ sinh ruộng, vườn, vệ sinh rừng sau khai thác; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn để hạn chế cố ý đốt phá hoại rừng ...

b) Quản lý vật liệu cháy, xây dựng đường băng cản lửa

Hàng năm UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện việc làm giảm vật liệu cháy, xây dựng đường băng cản lửa để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng:

- Đốt trước vật liệu cháy có điều khiển: Giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thực hiện đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng Thông, rừng có nguy cơ cháy cao khoảng 650 ha, tập trung tại các huyện: Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn và TP. Thanh Hóa... Thời gian thực hiện đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng Thông từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. UBND các huyện xây dựng kế hoạch khối lượng và kinh phí (gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia ý kiến) trước khi phê duyệt, làm cơ sở thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện các địa phương, đơn vị tuân thủ theo quy trình, quy định sau:

+ Đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng Thông chỉ được tiến hành theo phương án, kế hoạch đã được UBND cấp huyện phê duyệt.

+ Trước khi đốt trước phải phát dọn hạ thấp chiều cao vật liệu cháy xuống dưới 0,5m; chuẩn bị đầy đủ lực lượng phương tiện đảm bảo có khả năng khống chế được đám cháy; xung quanh diện tích rừng chuẩn bị đốt trước phải phát dọn các băng tựa nhằm ngăn không để đám cháy đốt trước lan vào rừng; trước khi đốt phải thông báo cho chính quyền và nhân dân địa phương biết, đồng thời thông báo về Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi.

+ Chỉ thực hiện đốt trước khi độ ẩm không khí trên 60%, tốc độ gió < 10km/h, độ ẩm tương đối của vật liệu cháy khoảng 30-40%; thời gian đốt trước trong ngày bắt đầu vào đầu buổi sáng; đốt thử một diện tích nhỏ (khoảng 50-100m2), nếu kết quả cho phép mới quyết định đốt chính thức; tiến hành đốt theo dải hoặc theo đám, từ trên dốc xuống chân dốc; không đốt xuôi chiều gió.

+ Trong quá trình đốt nếu thời tiết, đặc biệt tốc độ gió thay đổi cần phải tạm dừng việc đốt chờ đến khi điều kiện đảm bảo an toàn; sau khi đốt xong phải kiểm tra, dập hết tàn lửa đề phòng tàn lửa còn lại tiếp tục cháy lan vào rừng.

- Phát dọn làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng: Chính quyền địa phương, chủ rừng huy động nguồn lực phát dọn làm giảm vật liệu cháy trên diện tích rừng Thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao, kết hợp phát chăm sóc rừng dự kiến thực hiện 550 ha/năm, thời gian hoàn thành xong trước tháng 5 hằng năm.

- Xây dựng mới và tu sửa đường băng cản lửa:

+ Tiếp tục đầu tư xây dựng mới đường băng cản lửa trên diện tích rừng Thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao, công trình PCCCR đảm bảo theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12829 - 1: 2020 ; TCVN 12829 - 2: 2020 về công trình PCCCR các loại đường băng cản lửa. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến xây dựng 250 km.

+ Huy động nguồn lực sửa chữa, tu bổ 70 km/năm đường băng cản lửa đã được xây dựng các năm trước.

+ Thời gian hoàn thành xây dựng,tu sửa đường băng cản lửa xong trước tháng 5 hằng năm.

c) Giải quyết mâu thuẫn dẫn đến đốt rừng: UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, các cơ quan chức năng trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, Ban công tác Mặt trận cơ sở thâm nhập các thôn, bản, nắm bắt thông tin, bằng kỹ năng nghiệp vụ, các mối quan hệ để phát hiện sớm các mâu thuẫn ở cơ sở, có biện pháp thuyết phục, giải quyết dứt điểm tạo sự đồng thuận, hạn chế thấp nhất nguy cơ cố ý đốt phá hoại rừng do các mâu thuẫn ở cơ sở.

d) Hướng dẫn chủ rừng khai thác nhựa Thông:

- Đối với diện tích rừng trồng Thông đạt các tiêu chí kỹ thuật khai thác theo Phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng, hộ nhận khoán; tạo động lực tái đầu tư cho công tác BVR, PCCCR

- Thực hiện công tác thống kê, kiểm kê địa điểm, diện tích, chủ rừng có rừng trồng Thông đang khai thác nhựa để giao trách nhiệm PCCCR cho chủ rừng, đối tượng khai thác; kiên quyết đình chỉ, xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành quy định về PCCCR.

2. Công tác chữa cháy rừng

2.1. Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin, chế độ báo cáo cháy rừng

- Cơ chế tiếp nhận, xử lý, báo cáo thông tin báo cháy rừng (kể cả cháy thực bì) theo phương tác tác chiến chữa cháy rừng được phê duyệt (người tiếp nhận tin báo cháy rừng phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp xã) hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất để chỉ đạo kiểm tra xác minh cụ thể; đồng thời điện báo cáo ngay cho Hạt trưởng Kiểm lâm huyện (cơ quan PCCCR chuyên ngành cấp huyện), Hạt trưởng phải báo cáo ngay bằng điện thoại cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp huyện), Chi cục trưởng Kiểm lâm và Tổ trực PCCCR chuyên ngành cấp tỉnh).

- Chế độ báo cáo cháy rừng thực hiện theo Điều 14, Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng: Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan kiểm tra, tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin số liệu về diện tích, số vụ cháy rừng cho cơ quan cấp trên (thông tin, báo cáo về diện tích, số vụ cháy rừng các lực lượng, đơn vị có liên quan phải cập nhật, thống nhất, phù hợp với thông tin, số liệu của cơ quan Kiểm lâm các cấp).

2.2. Trách nhiệm chữa cháy rừng

a) Trách nhiệm chữa cháy rừng của thôn (bản), chủ rừng

- Khi xảy ra cháy (kể cả cháy rừng và cháy thực bì trên đất lâm nghiệp không có rừng), Trưởng thôn (bản, khu phố), chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, hậu cần tại chỗ của thôn (bản), chủ rừng để CCR; đồng thời báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp xã biết để chỉ đạo và chuẩn bị phương án hỗ trợ thôn CCR khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của thôn (bản). Trưởng thôn (bản, khu phố) là người chỉ huy CCR.

- Khi đám cháy có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của thôn (bản), Trưởng thôn (bản, khu phố) báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị hỗ trợ thôn (bản) chữa cháy rừng.

b) Trách nhiệm chữa cháy rừng của cấp xã

- Khi nhận được báo cáo cháy rừng của thôn (bản, khu phố), căn cứ vào phương án tác chiến CCR theo phương châm 4 tại chỗ và kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, máy móc thiết bị, hậu cần CCR của cấp xã, Chủ tịch UBND cấp

xã báo động cho các thôn (bản, khu phố), lực lượng CCR của cấp xã chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ, máy móc thiết bị, hậu cần để cơ động ứng cứu CCR khi có lệnh huy động.

- Khi Chủ tịch UBND cấp xã nhận được đề nghị hỗ trợ chữa cháy rừng của thôn (bản, khu phố), Chủ tịch UBND cấp xã huy động ngay lực lượng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, hậu cần tại chỗ của xã để hỗ trợ thôn (bản, khu phố) CCR, đồng thời báo cáo ngay Chủ tịch UBND cấp huyện biết để chỉ đạo và chuẩn bị phương án hỗ trợ CCR khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của lực lượng cấp xã. Chủ tịch UBND cấp xã là người trực tiếp chỉ huy CCR ở cấp xã; Kiểm lâm địa bàn, Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã tham mưu chỉ huy CCR.

- Khi đám cháy có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện, đề nghị hỗ trợ xã CCR.

c) Trách nhiệm chữa cháy rừng của cấp huyện

- Khi nhận được báo cáo cháy rừng của cấp xã, căn cứ vào phương án tác chiến CCR theo phương châm 4 tại chỗ và kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, máy móc thiết bị, hậu cần CCR của cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện báo động cho lực lượng CCR của cấp huyện và các đơn vị cấp xã lân cận chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, máy móc thiết bị, hậu cần để cơ động ứng cứu CCR khi có lệnh huy động.

- Khi nhận được đề nghị hỗ trợ chữa cháy rừng của cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện huy động ngay lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, hậu cần của cấp huyện, của đơn vị cấp xã lân cận hỗ trợ xã CCR, đồng thời báo cáo ngay cơ quan thường trực PCCCR của tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) về tình hình và diễn biến đám cháy để có phương án hỗ trợ cấp huyện CCR khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của cấp huyện, theo số điện thoại 0912.108.920.

- Chủ tịch UBND cấp huyện là người trực tiếp chỉ huy CCR; Hạt trưởng Kiểm lâm huyện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện tham mưu chỉ huy CCR.

- Khi đám cháy có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ huyện CCR.

d) Trách nhiệm chữa cháy rừng của cấp tỉnh

- Khi nhận được báo cáo cháy rừng của cấp huyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm theo dõi nắm bắt, diễn biễn, xu thế đám cháy để chủ động điều động lực lượng PCCCR chuyên ngành hỗ trợ địa phương CCR. Đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao Thông vận tải và đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng II - Cục Kiểm lâm và các địa phương lân cận hỗ trợ, chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, máy móc thiết bị, hậu cần để cơ động ứng cứu CCR khi có lệnh huy động.

- Khi nhận được báo cáo đề nghị hỗ trợ cấp huyện chữa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, hậu cần theo kế hoạch của tỉnh để hỗ trợ huyện CCR.

(Chi tiết lực lượng, phương tiện của cấp tỉnh có khả năng huy động chữa cháy rừng đính kèm)

- Chi cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, thường xuyên rà soát lực lượng, phương tiện, dụng cụ tham gia chữa cháy rừng của đơn vị mình nếu có biến động, thay đổi báo cáo về Văn phòng BCĐ tỉnh (qua Chi cục Kiểm lâm) để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.

2.3. Điều tra, khắc phục hậu quả sau cháy rừng

- Chủ rừng xác định thiệt hại do cháy rừng gây ra theo quy định tại khoản 1, Điều 52, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP , bao gồm: Diện tích, loại rừng, trạng thái rừng bị thiệt hại; thiệt hại về người, tài sản và các thiệt hại khác (nếu có).

- Sau khi đám cháy được dập tắt, cơ quan Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; cơ quan Cảnh sát điều tra, xác định nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, mức độ thiệt hại và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy gồm: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Các địa phương, chủ rừng căn cứ: Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Liên Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội - Công an - Tài chính và các quy định khác có liên quan để bố trí kinh phí thực hiện công tác PCCCR ở địa phương, đơn vị.

- Kinh phí từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư cho công tác PCCCR hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các phòng, đơn vị liên tập trung mọi nguồn lực có thể để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCCR; chỉ đạo chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và UBND cấp xã được giao quản lý đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê lập phương án PCCCR hoặc bổ sung chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động CCR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện công tác PCCCR; kiểm soát nguy cơ gây cháy rừng nhất là thời điểm nắng nóng; làm giảm vật liệu cháy, tu sửa, xây dựng mới đường băng cản lửa ở khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa

rừng ở các vùng trọng điểm cháy, phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt ngay khi đám cháy mới phát sinh; duy trì chế độ thường trực chỉ huy CCR từ huyện đến xã và chủ rừng nhà nước trong suốt mùa cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để CCR theo phương châm 4 tại chỗ.

2. Các sở, ban ngành cấp tỉnh

2.1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho BCĐ tỉnh đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả các nội dung của phương án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR, tổ chức trực chỉ huy CCR từ tỉnh đến huyện, xã, chủ rừng nhà nước; nghiên cứu đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR; kiểm tra xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, vi phạm các quy định về BVR, PCCCR.

- Hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện đăng ký, để giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích đốt trước vật liệu cháy có điều khiển và diện tích phát dọn làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng đến từng huyện, thị xã, thành phố để thực hiện hàng năm theo đúng quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện yêu cầu về phòng cháy đối với dự án phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

- Định kỳ và đột xuất, tổng hợp tình hình, báo cáo công tác PCCCR theo quy định.

2.2. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Công an phòng cháy chữa cháy và các đơn vị trực thuộc liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch phối hợp BVR, PCCCR giữa lực lượng Công an với lực lượng Kiểm lâm trong kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PCCCR; tham gia hỗ trợ nghiệp vụ trong tập huấn, huấn luyện và diễn tập PCCCR cho các địa phương, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để hỗ trợ địa phương, đơn vị CCR; tham gia điều tra nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

2.3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phối hợp BVR, PCCCR giữa lực lượng Quân sự và Kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, xã; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để hỗ trợ địa phương, đơn vị CCR; chỉ đạo lực lượng DQTV phối hợp chặt chẽ với Kiểm lâm địa bàn để thực hiện công tác PCCCR, trọng tâm là: Tham gia làm giảm vật liệu cháy, tuần tra, kiểm soát lửa rừng tại các khu rừng trọng điểm trong những ngày nguy cơ cháy rừng cao, trực tiếp tham gia CCR khi cháy rừng xảy ra

2.4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các Đồn biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp BVR, PCCCR trên diện tích rừng được giao; thường xuyên theo dõi diễn biến các vụ cháy rừng từ Lào có nguy cơ cháy lan sang địa bàn tỉnh, huyện, báo cáo Chủ tịch UBND huyện để huy động lực lượng phòng chống kịp thời; tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân khu vực hai bên biên giới thực hiện PCCCR và kỹ thuật đốt rẫy không để cháy lan vào rừng

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để thực hiện công tác PCCCR theo phương án được phê duyệt.

2.6. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông tin cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng Nhà nước, Ban quản lý các Khu di tích, danh lam thắng cảnh, Ban quản lý lễ hội, Đền, Chùa, miếu mạo khu vực gần rừng, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Phương án PCCCR, tăng cường công tác tuyên truyền cho du khách thập phương sử dụng lửa đảm bảo an toàn trong khu vực diễn ra lễ hội Đền, Chùa

2.7. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các trường học phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện để tổ chức tuyên truyền, giáo dục các em học sinh chấp hành các quy định bảo vệ rừng, PCCCR

2.8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tăng thời lượng chuyên mục, tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

2.9. Đề nghị Tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị Đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho Đoàn viên, Thanh thiếu niên nâng cao nhận thức ý thức đối với công tác PCCCR, chú trọng triển khai trong các chi đoàn nhà trường; tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trong BVR, PCCCR.

2.10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội nghề nghiệp quan tâm phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tìm hiểu nguyên nhân, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong khu dân cư, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR.

2.11. Đề nghị các huyện, thị, thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; xác định nhiệm vụ PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội làm cơ sở định hướng, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát các cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn, nhất là địa bàn thuộc vùng trọng điểm PCCCR.

2.12. Đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng II - Cục Kiểm lâm tiếp tục hỗ trợ về lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng khi được đề nghị.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh theo quy định/.

 

DANH SÁCH

LỰC LƯỢNG, CẤP TỈNH CÓ KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG CHỮA CHÁY RỪNG
(Kèm theo Phương án số     /PA-UBND ngày   /   / của UBND tỉnh)

TT

Đơn vị

Số lượng

Địa điểm đóng quân

I

Chi cục Kiểm lâm vùng II

10

Khu Đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

II

Chi cục Kiểm lâm tỉnh

65

 

1

Văn phòng Chi cục

40

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

2

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

10

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

3

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

15

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

III

Bộ Chỉ huy Quân Sự tỉnh

200

 

1

Cơ quan Bộ CHQS tỉnh

50

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

2

Đại đội tăng Thiết giáp

20

586 Đường Nguyễn Trãi - TP Thanh Hóa

3

Tiểu đoàn 40

100

Thôn 11, xã Quảng Cát - TP Thanh Hóa

4

Đại đội 18

10

Phố Cột Cờ - P.Tân Sơn - TP Thanh Hóa

5

Đại đội 20

20

586 Đường Nguyễn Trãi - TP Thanh Hóa

IV

Bộ CHBĐ Biên phòng tỉnh

345

 

1

Cơ quan BCH BP tỉnh

30

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

2

Đồn Biên phòng Đa Lộc

15

Xã Đa Lộc - huyện Hậu Lộc

3

Đồn Biên phòng Hoằng Trường

15

Xã Hoằng Trường - huyện Hoằng Hóa

4

Đồn Biên phòng Sầm Sơn

15

P. Trường Sơn - TX Sầm Sơn

5

Đồn Biên phòng Hải Hòa

15

Xã Hải Thanh - huyện Tĩnh Gia

6

Ban Chỉ huy BP Cảng CK Nghi Sơn

15

Xã Hải Yến - huyện Tĩnh Gia

7

Đồn Biên phòng Tam Chung

20

Xã Tam Chung - Huyện Mường Lát

8

Đồn Biên phòng Tén Tằn

20

Xã Tén Tằn - Huyện Mường Lát

9

Đồn Biên phòng Quang Chiểu

20

Xã Quang Chiểu - Huyện Mường Lát

10

Đồn Biên phòng Trung Lý

20

Xã Trung Lý - Huyện Mường Lát

11

Đồn Biên phòng Pù Nhi

20

Xã Pù Nhi - Huyện Mường Lát

12

Đồn Biên phòng Hiền Kiệt

20

Xã Hiền Kiệt - huyện Quan Hóa

13

Đồn Biên phòng Mường Mìn

20

Xã Mường Mìn - huyện Quan Sơn

14

Đồn BP CK Na Mèo

20

Xã Na Mèo - huyện Quan Sơn

15

Đồn Biên phòng Tam Thanh

20

Xã Tam Thanh - huyện Quan Sơn

16

Đồn Biên phòng Yên Khương

20

Xã Yên Khương - huyện Lang Chánh

17

Đồn Biên phòng Bát Mọt

20

Xã Bát Mọt - huyện Thường Xuân

18

Tiểu đoàn HL Cơ động

20

Xã Thiết Ống - huyện Bá Thước

V

Công an tỉnh

180

 

1

Đội CS PCCC và CNCH trên sông

24

Số 181 Nguyễn Du, P.Trung Sơn, Sầm Sơn

2

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1

67

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP T.Hóa

3

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2

32

Thôn Hà Tân, xã Hải Hà, TX Nghi Sơn

4

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 3

34

Khu phố 11, P. Ngọc Trạo, TX Bỉm Sơn

5

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 4

23

Phố Mới, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

 

Tổng

800

 

 

DANH SÁCH

PHƯƠNG TIỆN, MÁY MÓC THIẾT BỊ HUY ĐỘNG CHỮA CHÁY RỪNG
(Kèm theo Phương án số    /PA-UBND ngày    /    / của UBND tỉnh)

TT

Phương tiện, máy móc thiết bị

ĐVT

Số lượng

Địa điểm tập kết

I

Xe con chỉ huy các loại

 

30

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

7

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

3

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

2

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

2

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Công an tỉnh

Chiếc

1

Đội Hậu cần, PQLT PCCC và CNCH

3

Bộ CHQS tỉnh

Chiếc

1

Phường Đông Hương - TP Thanh Hóa

4

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

22

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

II

Xe ô tô chở người và thiết bị

 

108

 

1

Bộ CHQS tỉnh (xe ca 2, xe tải 1)

Chiếc

3

Phường Đông Hương - TP Thanh Hóa

2

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

2

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

3

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

2

 

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

1

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

1

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

4

Chi cục Kiểm lâm vùng II

Chiếc

2

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

5

Sở Giao thông vận tải

 

91

 

-

Trường TCN GTVT Thanh Hóa

Chiếc

22

Số 02 Dốc Ga, P.Phú Sơn, TP Thanh Hóa

-

Trường TCN Hưng Đô

Chiếc

9

Xã Triệu Đô, huyện Thiệu Hóa

-

Trường CĐKT VICET

Chiếc

8

Xã Quảng Thành - TP Thanh Hóa

-

TT ĐT lái xe Học viện CSND

Chiếc

7

Phường Tào Xuyên- Huyện Hoằng Hóa

-

Trường CĐN - Li Lama

Chiếc

1

Phường Đình Thị- TX Bỉm Sơn

-

TT ĐT lái xe - Cty ô tô số 4

Chiếc

2

Phường Lam Sơn, Thị Xã Bỉm Sơn

-

Các doanh nghiệp vận tải

Chiếc

42

27 huyện, Thị xã, Thành phố

6

Công an tỉnh

 

8

 

-

Đội công tác PCCC

Chiếc

1

 

-

Đôi công tác CC và CNCH

Chiếc

1

 

-

Đội Hậu cần, PQLT PCCC và CNCH

Chiếc

1

 

-

Đội CS PCCC và CNCH trên sông

Chiếc

1

Số 181 Nguyễn Du, P.Trung Sơn, Sầm Sơn

-

Đội CC và CNCH khu vực 1

Chiếc

1

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP Thanh Hóa

-

Đội CC và CNCH khu vực 2

Chiếc

1

Thôn Hà Tân, xã Hải Hà, TX Nghi Sơn

-

Đội CC và CNCH khu vực 3

Chiếc

1

Khu phố 11, P. Ngọc Trạo, TX Bỉm Sơn

-

Đội CC và CNCH khu vực 4

Chiếc

1

Phố Mới, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

III

Xe chữa cháy, CNCH

 

31

 

1

Công an tỉnh

 

31

 

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1

Chiếc

11

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP Thanh Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2

Chiếc

9

Khu KT Nghi Sơn- huyện Tĩnh Gia

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 3

Chiếc

4

Thị xã Bỉm Sơn -Thanh Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 4

Chiếc

5

Xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

-

Đội chữa cháy và CNCH trên sông

Chiếc

2

TP Sầm Sơn - Thanh Hóa

IV

Xe cứu thương

 

2

 

1

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

1

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

2

Cảnh sát PCCC tỉnh

Chiếc

1

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP Thanh Hóa

V

Xe mô tô 2 bánh

 

34

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

10

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

4

Số 03 Hạc Thành - P Điện Biên - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

3

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

3

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

24

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

VI

Tàu tuần tra

 

5

 

1

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

5

 

-

Đồn Biên phòng Đa Lộc

Chiếc

1

Xã Đa Lộc - huyện Hậu Lộc

-

Đồn Biên phòng Hoằng Trường

Chiếc

1

xã Hoằng Trường - huyện Hoằng Hóa

-

Đồn Biên phòng Sầm Sơn

Chiếc

1

P. Trường Sơn - TX Sầm Sơn

-

Đồn Biên phòng Hải Hòa

Chiếc

1

xã Hải Thanh - huyện Tĩnh Gia

-

Ban CH BP Cảng CK Nghi Sơn

Chiếc

1

Xã Hải Yến - huyện Tĩnh Gia

VII

Máy bơm cao áp và phụ kiện

 

24

 

1

Bộ Chỉ huy QS tỉnh

Chiếc

3

Phường Đông Hương - TP Thanh Hóa

2

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

8

 

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

4

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

4

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

3

Chi cục Kiểm lâm vùng II

Chiếc

5

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

4

Công an tỉnh

 

8

 

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1

Chiếc

2

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP Thanh Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2

Chiếc

2

Khu KT Nghi Sơn- huyện Tĩnh Gia

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 3

Chiếc

1

Thị xã Bỉm Sơn -Thanh Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 4

Chiếc

1

Xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

-

Đội chữa cháy và CNCH trên sông

Chiếc

2

TP Sầm Sơn - Thanh Hóa

XIII

Máy thổi gió

 

58

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

36

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

12

Số 03 Hạc Thành - P Điện Biên - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

12

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

12

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Kiểm lâm vùng II

Chiếc

15

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

3

Bộ CHQS tỉnh

Chiếc

2

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

4

Công an tỉnh

Chiếc

5

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2

IX

Máy cắt thực bì

 

19

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

19

 

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

10

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

9

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

X

Cưa xăng

 

37

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

11

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

3

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

4

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

4

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

1

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

3

Chi cục Kiểm lâm vùng II

Chiếc

10

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

4

Bộ CHQS tỉnh

Chiếc

15

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

XI

Bình chữa cháy

 

135

 

1

Bộ CHQS tỉnh

Chiếc

100

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

2

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

25

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

5

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

10

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

10

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

3

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh

Chiếc

10

Số 12 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

XII

Loa cầm tay

 

22

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

Chiếc

12

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

5

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Chiếc

3

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

4

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Chi cục Kiểm lâm vùng II

Chiếc

10

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

XIII

Định vị toàn cầu

 

5

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

5

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

3

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Chiếc

2

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

XIX

Máy phát điện

 

11

 

1

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

 

1

 

-

Văn Phòng Chi cục

Chiếc

1

Số 03 Hạc Thành - TP Thanh Hóa

2

Cảnh sát PCCC tỉnh

 

8

 

-

Các Đội trung tâm

Chiếc

1

01 Đỗ Huy Cư - P. Đông Hải - TP T. Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1

Chiếc

1

Khu KT Nghi Sơn- huyện Tĩnh Gia

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2

Chiếc

3

Thị xã Bỉm Sơn -Thanh Hóa

-

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 4

Chiếc

2

Xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

-

Đội chữa cháy và CNCH trên sông

Chiếc

1

TP Sầm Sơn - Thanh Hóa

3

Bộ CHQS tỉnh

Chiếc

2

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

XX

Nhà bạt chỉ huy

 

29

 

1

Bộ Chỉ huy QS tỉnh

Bộ

25

Phường Đồng Hương - TP Thanh Hóa

2

Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa

Bộ

2

 

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 1

Bộ

1

305A Đường Bà Triệu - TP Thanh Hóa

-

Đội KLCĐ và PCCCR Số 2

Bộ

1

Xã Ngọc Khê - Ngọc Lặc - Thanh Hóa

2

Chi cục Kiểm lâm vùng II

Bộ

2

Khu đô thị Bắc Cầu Hạc - TP Thanh Hóa

 

Tổng

 

550

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 67/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 về Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.122

DMCA.com Protection Status
IP: 3.22.248.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!